Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Bản đồ tiền tệ: giá trị tiền Việt thấp thứ 2 thế giới

Bản đồ tiền tệ: giá trị tiền Việt thấp thứ 2 thế giới

(VNF) - Trong bản đồ tỷ giá hối đoái các đồng tiền toàn cầu so với đồng USD, tiền Việt Nam có giá trị thấp thứ 2 thế giới chỉ sau đồng tiền của Iran.

Trong một bài báo gần đây của Reuters, các chiến lược gia thị trường tiền tệ đang dự đoán điểm yếu lớn của đồng USD trong vài tháng tới. Trang Howmuch.net ngày 26/4 đã đăng tải một bản đồ tiền tệ của các quốc gia trên toàn thế giới. Theo đó, đồng tiền các nước được so sánh với giá trị hiện tại của 1 USD.
Khu vực Trung Đông, châu Á và Nga
Bản đồ dưới đây thể hiện tỷ giá hối đoái của 45 quốc gia. Trong đó, đồng tiền mạnh nhất khu vực Trung Đông, châu Á và Nga là đồng dinar Kuwait. Tỷ giá hối đoái của đồng dinar Kuwait là 0,30 đổi 1 USD. Đồng tiền yếu nhất là rial của Iran, 1 USD tương đương với 30.165 rial Iran. Trong bản đồ, 4 quốc gia có đồng tiền mạnh hơn so với đồng USD là: Kuwait, Oman, lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh và Jordan.
Trong bản đồ này Việt Nam đồng là đồng tiền yếu thứ hai khu vực và cũng là đồng tiền yếu thứ hai thế giới sau đồng rial của Iran. Tỷ giá hối đoái của Việt Nam đồng so với USD là 22.281 VND đổi 1 USD.
Đồng tiền mạnh nhất
Kuwait: 1 USD = 0,30 dinar Kuwait
Oman: 1 USD = 0,38 Rial Oman
Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh: 1 USD = 0,69 Bảng Anh
Jordan: 1 USD = 0,71 dinar Jordan
Singapore: 1 USD = 1,35 đô la Singapore
Đồng tiền yếu nhất
Iran: 1 USD = 30.165 rial Iran
Việt Nam: 1 USD = 22.281 Việt Nam đồng
Indonesia: 1 USD = 13.236 rupiah Indonesia
Lào: 1 USD = 8.220 kíp Lào
Campuchia: 1 USD = 4.005 riel Campuchia
Khu vực Bắc Mỹ
Trong bản đồ tiền tệ khu vực Bắc Mỹ thể hiện tỷ giá hối đoái so với đồng USD của 21 quốc gia khác nhau. Đồng tiền mạnh nhất là đồng đô la Quần đảo Cayman (Cayman Islands). Tỷ giá hối đoái của đồng đô la Quần đảo Cayman là 0,82 đổi 1 USD. Đồng tiền yếu nhất là đồng tiền Gourde Haiti. 1 USD tương đương với 61,4 Gourde Haiti. Quần đảo Cayman là nước duy nhất có đồng tiền mạnh hơn so với đồng USD.
Bản đồ tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khu vực Bắc Mỹ.
Đồng tiền mạnh nhất
Cayman Islands: 1 USD = 0,82 đô la Cayman Islands
Mỹ: quốc gia sử dụng USD làm đồng tiền
Puerto Rico: quốc gia sử dụng USD làm đồng tiền
Panama: 1 USD = 1 Balboa Panama
Cuba: 1 USD = 1 Cuba Convertible Pesos
Bermuda: 1 USD = 1 đô la Bermuda
Đồng tiền yếu nhất
Jamaica: 1 USD = 121,3 đô la Jamaica
Haiti: 1 USD = 61,4 Gourde Haiti
Cộng hòa Dominica: 1 USD = 45,6 peso Dominica
Trinidad và Tobago: 1 USD = 6,6 đô la Trinidad
St. Lucia: 1 USD = 2,7 USD Caribbean
St Kitts Nevis Anguilla: 1 USD = 2,7 USD Caribbean
St. Vincent và Grenadines: 1 USD = 2,7 USD Caribbean
Khu vực Nam Mỹ
Bản đồ tiền tệ khu vực này biểu thị tỷ giá hối đoái của 13 quốc gia. Đồng tiền mạnh nhất là đồng tiền của Guiana (thuộc Pháp). Quốc gia này sử dụng đồng Euro, trong đó 1 USD = 0,88 Euro. Đồng tiền yếu nhất là Guarani Paraguay, 1 USD tương đương với 5.666 Guarani Paraguay. Guiana thuộc Pháp là quốc gia duy nhất có đồng tiền mạnh hơn so với USD
Bản đồ tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khu vực Nam Mỹ.
Đồng tiền mạnh nhất
Guiana (thuộc Pháp): 1 USD = 0,88 Euro
Ecuador: quốc gia sử dụng USD làm đồng tiền
Peru: 1 USD = 3,34 sol nuevo Peru
Brazil: 1 USD = 3,61 real Brazil
Suriname: 1 USD = 3,95 đô la Suriname
Đồng tiền yếu nhất
Paraguay: 1 USD = 5.666 Paraguay Guaraní
Colombia: 1 USD = 3.019 peso Colombia
Chile: 1 USD = 675,5 peso Chile
Guyana: 1 USD = 205,0 đô la Guyana
Khu vực châu Âu
Tỷ giá hối đoái của 27 quốc gia khác nhau được thể hiện trên bản đồ tiền tệ châu Âu. Đồng tiền mạnh nhất thuộc về tiền tệ của Isle of Man - đất nước này sử dụng đồng bảng Manx, trong đó có một tỷ giá 1 USD = 0,69 bảng Manx. Đồng tiền yếu nhất là đồng rúp Belarus, 1 USD tương đương với 20.096 đồng rúp Belarus. Trong bản đồ này, 5 quốc gia có đồng tiền mạnh hơn so với đồng USD: Isle of Man, Anh, Liên minh châu Âu, Liechtenstein và Thụy Sĩ.
Bản đồ tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khu vực châu Âu.
Đồng tiền mạnh nhất
Isle of Man: 1 USD = 0,69 bảng Manx
Vương quốc Anh: 1 USD = 0,69 bảng Anh
22 quốc gia trong khu vực châu Âu: 1 USD = 0,88 Euro
Thụy Sĩ: 1 USD = 0,96 franc Thụy Sĩ
Liechtenstein: 1 USD = 0,96 franc Thụy Sĩ
Đồng tiền yếu nhất
Belarus: 1 USD = 20.096 đồng rúp Belarus
Armenia: 1 USD = 481,5 dram Armenia
Hungary: 1 USD = 276,9 forint Hungary
Albania: 1 USD = 123,7 lek Albania
Serbia: 1 USD = 108,3 dinar Serbia
Khu vực châu Phi
Tại khu vực này, đồng tiền mạnh nhất là đồng tiền của Zimbabwe, nước này sử dụng đồng USD làm đồng tiền của mình. Đồng tiền yếu nhất là đồng franc Guinea, 1 USD tương đương với 7.573 franc Guinea. Không có quốc gia có đồng tiền mạnh hơn so với USD.
Bản đồ tiền tệ của 49 quốc gia khu vực châu Phi.

Đồng tiền mạnh nhất
Zimbabwe: quốc gia sử dụng USD làm tiền tệ
Libya: 1 USD = 1,37 dinar Libya
Tunisia: 1 USD = 2,01 dinar Tunisia
Ghana: 1 USD = 3,86 Cedi Ghana
Sudan: 1 USD = 6,10 bảng Sudan
Nam Sudan: 1 USD = 6.10 bảng Nam Sudan
Đồng tiền yếu nhất
Guinea (Conakry): 1 USD = 7.573 franc Guinea
Sierra Leone: 1 USD = 3.991 leone của Sierra Leone
Uganda: 1 USD = 3.372 shilling Uganda
Madagascar: 1 USD = 3.183 Malagasy Ariary
Tanzania: 1 USD = 2.186 shilling của Tanzania
Châu Đại Dương
Quốc gia có đồng tiền mạnh nhất khu vực này là Palau, sử dụng đồng USD làm đồng tiền của mình. Đồng tiền yếu nhất là Vatu Vanuatu, 1 USD tương đương với 109,9 Vanuatu Vatu. Không có quốc gia có đồng tiền mạnh hơn so với đồng USD tại đây.
Bản đồ tỷ giá hối đoái so với đồng USD của 28 quốc gia châu Đại Dương.
Đồng tiền mạnh nhất
Palau: quốc gia sử dụng USD
Micronesia:  quốc gia sử dụng USD
Guam: quốc gia sử dụng USD
American Samoa: quốc gia sử dụng USD
Timor-Leste: quốc gia sử dụng USD
Đảo Norfolk: 1 USD = 1,3 đô la Úc
Úc: 1 USD = 1,3 đô la Úc
Đồng tiền yếu nhất
Vanuatu: 1 USD = 109,9 Vanuatu Vatu
French Polynesia: 1 USD = 105,1 franc Pháp Thái Bình Dương
New Caledonia: 1 USD = 105,1 franc Pháp Thái Bình Dương
Quần đảo Wallis và Futuna: 1 USD = 105,1 franc Pháp Thái Bình Dương
Solomon Islands: 1 USD = 7,9 USD Solomon Islands
Ngoài một vài quốc gia, giá trị của đồng USD hầu như cao hơn so với đồng tiền của các nước. Trong thực tế, không có quốc gia châu Phi nào có đồng tiền có giá trị cao hơn USD (chỉ có Zimbabwe sử dụng đồng USD làm đồng tiền). Các quốc gia có đồng tiền mạnh hơn đồng USD bao gồm Kuwait, Oman, Jordan, đảo Man, Vương quốc Anh, các nước khu vực Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Liechtenstein, và quần đảo Cayman.
Các quốc gia có đồng tiền thuộc top có giá trị thấp nhất thế giới bao gồm Iran, Việt Nam, Guinea, Paraguay, Belarus và Armenia. Phải mất 30.165 Rial Iran mới đổi 1 USD và khoảng 22.280 đồng đổi 1 USD.
HỒ MAI
Theo Howmuch.net

Chung quanh đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

Hành lang phía trước sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành lang phía trước sân bay Tân Sơn Nhất.
 RFA photo
Câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nước mỗi khi Sài Gòn mưa lớn và các chuyến bay đi và đến ở Tân Sơn Nhất luôn nhiều quá tải so với sức tải của càng hàng không này có vẻ như chẳng còn là chuyện lạ. Thời gian gần đây, vấn đề quĩ đất của sân bay bị quân đội dùng để xây sân golf và nhà nước dự tính sẽ di dời Tân Sơn Nhất về Long Thành trở nên nổi cộm. Trước các luồng dư luận trong và ngoài nước, ngày 13 tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo “sẽ có đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất và đình chỉ thi công mọi công trình trong sân golf Tân Sơn Nhất.” Dư luận lại một lần nữa bán tín bán nghi.
Sân golf ráo, sân bay ngập
Một cư dân thành phố Sài Gòn, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Ngập là do các ông đang chiếm để làm sân golf. Giờ lòi chành ra là đang đấu trên trung ương, các ông chiếm sân bay đều là ông lớn không à. Ông thiếu tướng bên quân đội ổng chiếm để kinh doanh sân golf đó, chia phần ra đó, giờ đang lở dở họp Quốc hội để quyết định việc này thế nào. Giờ nó thâu lại còn một chút trên này à, còn hồi đó sân bay rộng lắm, xuống dưới Bà Điểm, không được ai làm nhà, nó bao hết đường Quang Trung lên Gò Vấp xuống Nguyễn Kiệm, sân bay rộng lắm, không được làm nhà, làm gì hết để cất cánh, hạ cánh… nhưng sau này mấy ông chiếm đường Bạch Đằng rồi không cho làm nhà cao. Sau nữa mấy ông chiếm lên đến trên này, thu hẹp sân bay, rồi định dời xuống dưới Long Thành để lấy mảnh đất màu mỡ này để làm khách sạn, sân golf…
Theo vị này, là một cư dân sống ở quận Gò Vấp, đoạn cuối đường Quang Trung, nơi tiếp giáp với phía sau sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của khu vực đất thuộc sân bay kể từ khi người ta xây dựng sân golf.
Trước đây chừng 15 năm, khi sân golf chưa được xây dựng, khu vực phía sau sân bay Tân Sơn Nhất được bố trí các trạm gác của bộ đội phòng không – không quân, và điều quan trọng nhất là có một con kênh rộng chừng 10 mét, sâu 5 mét bao quanh khu vực sân bay và thông ra sông. Mỗi khi có mưa lớn, nước từ sân bay sẽ thoát ra phía sau có độ cao thấp hơn, sau đó chảy vào kênh thoát nước và đi ra sông.
Kể từ ngày sân golf được xây dựng và ngăn cách với sân bay bằng một bức tường cao thì con kênh thoát nước thuộc về sân golf, nó dành để thoát nước sân golf. Mội khi mưa lớn, chính bức tường ngăn cách giữa sân golf và sân bay đã giữ nước lại ở sân bay, khiến cho các phi đạo bị ngập. Và hiện tại, muốn sân bay hết bị ngập, chỉ có một cách duy nhất là đập bỏ bức tường ngăn giữa sân bay và sân golf, khỏa mặt bằng của sân golf trở về nguyên trạng trước khi xây để nước có đường thoát. Bởi vị trí sân bay Tân Sơn Nhất tọa lạc là vị trí cao trong thành phố Sài Gòn, bằng chứng là hầu hết các trận mưa đều không làm sân golf ngập mà chỉ ngập bên phía sân bay.
Vị này khẳng định quan sát của ông không hề sai, bởi mọi trận mưa, khu vực ông sinh sống không hề bị ngập lụt và sân golf vẫn khô ráo, khách vẫn vào ra chơi golf. Bởi sân golf đã thừa hưởng được một con kênh thoát nước quá tốt với vị trí quá lý tưởng mà trước đây người Mỹ đã qui hoạch để xây dựng và mở rộng sân bay. Ông nói rằng chính sân golf đã bức tử sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách đắp các đồi núi, cắt mất đường thoát nước, thậm chí xây bức tường đóng vai trò như đập chắn nước từ Tân Sơn Nhất mỗi khi có mưa.
Và nói cho cùng thì hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đã thành một cái ao bởi so với sân golf thì sân bay thấp hơn nhiều, lại không có đường thoát nước. Trong lúc khách trong sân golf ung dung đánh golf, trò chuyện, nhâm nhi nước trái cây thì khách trong sân bay loay hoay hớt hải vì đường băng ngập nước, chuyến bay bị hoãn.
Bán tín bán nghi?
400-tansonnhat.jpg
Đường Nguyễn Kiệm, phía sau sân bay Tân Sơn Nhất. RFA photo
Một cư dân khác sống tại thành phố Sài Gòn, cũng yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Vấn đề là họ nói sẽ mở đường băng thứ 3 nhưng đó chỉ là một nước cờ thôi chứ chưa thể nói là ổn được. Vì nó có mở vào sân gofl không hay là mở chỗ khác. Họ sẽ thuê tư vấn nước ngoài nhưng nguy cơ là tư vấn nói rằng không cần giải tỏa sân golf. Cũng chưa phải là cái gì vì trước dư luận thì ông ấy dừng lại thôi, đây là nước cờ hoãn binh theo hướng nâng bóng ông Phúc thôi.”
Theo vị này, chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ xây thêm đường băng thứ ba trong sân bay Tân Sơn Nhất là một tin mừng. Nhưng cũng là một điều đáng xem lại. Bởi từ lâu, những thông báo của các lãnh đạo nhà nước luôn có tính nước đôi, nói cho có, nói như là giải pháp tình thế hơn là quyết định hay quyết sách. Gần đây nhất là vụ ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải tuyên bố sẽ lấy lại lề đường cho người đi bộ và làm khá căng thẳng, gay gắt, thậm chí hằn học với dân. Nhưng lấy xong lề đường thì lại tính chuyện cho thuê, đâu lại vào đó, dân chỉ thêm tốn tiền nhiều thứ chứ chẳng được gì.
Vị này cũng tỏ ra quan ngại về vụ Đồng Tâm, Hà Nội, dường như chính quyền Hà Nội chỉ đưa ra lời hứa để đối phó với dân khi dân nổi giận nhưng sau đó lại nuốt lời, truy tố hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm. Và hiện tại, vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang gây bức xúc trong nhân dân, các mũi dư luận đang nhắm tới. Liệu quyết định xây thêm đường băng thứ ba trong khi không có lời hứa nào về việc giải tỏa khu sân golf và đất xây sân bay ở Long Thành cũng đang tiến hành giải tỏa, đền bù có gì để đáng tin cậy hay cũng chỉ là giải pháp tình thế?
Vị này chia sẻ thêm là theo ông, rất có thể đường băng thứ ba được xây dựng, nhưng chưa chắc khu đất sân golf được trả lại cho sân bay toàn bộ bởi lý do nó là đất quốc phòng. Trong khi đó, có một vấn đề vô lý là quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội trực thuộc đảng Cộng sản, quân đội của đảng Cộng sản, vậy thì đất của quân đội cũng chỉ là đất do đảng cấp và nói sâu xa hơn là tài sản của toàn dân do nhà nước quản lý, quân đội quản lý. Và ở đây, quân đội không thể viện lý do đất quốc phòng để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân được. Nhưng câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất và sân golf thì lại khác, nó cho thấy quân đội đã đạp qua quyền lợi của nhân dân để kinh doanh và hưởng thụ.
Vị này tỏ ra bức xúc vì tình trạng cát cứ quyền lực lan tràn khắp mọi nơi, ngay cả khu vực nhạy cảm nhất, nhiều tai mắt dòm ngó nhất như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mà người ta cũng không chừa, từ nạn trộm cắp hành lý trong sân bay, rồi nạn ngập nước, bên kia bức tường là chỗ kinh doanh của quân đội lấn chiếm diện tích sân bay. Mọi sự có vẻ rối như canh hẹ, liệu ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đủ bản lĩnh và can trường để giải quyết mọi việc êm xuôi?
Câu hỏi của vị này cũng là câu hỏi chung của người dân trong lúc mọi chuyện đang ngày càng thêm nhiều rối rắm do nhà cầm quyền gây ra.

SỰ KIỆN ĐỒNG TÂM KHÔNG PHẢI LÀ HÌNH SỰ ĐƠN THUẦN; Đấu đá hậu trường’ trong vụ khởi tố Đồng Tâm?

Tô Văn Trường

Sự kiện Đồng Tâm, người dân cả nước đều nghĩ đã kết thúc có hậu, cả hai bên đều thắng, nhưng lại vừa mới rộ lên thông tin: “Chiều 13/6, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để điều tra về 2 tội danh “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 143 – Bộ luật Hình sự. Việc khởi tố nhằm điều tra, làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ việc. Trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng mới có đủ căn cứ xem xét để ban hành hoặc không ban hành quyết định khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can liên quan”.
Có ý kiến cho rằng tình hình của nước ta nhìn chung, nó rối như khu rừng nhiệt đới, tầng trên, tầng dưới, cây to, cây bé, dây leo chằng chịt, hoặc như cái cột điện “tổ quạ” trên phố. Mối quan hệ giữa các thực thể, các yếu tố cực kỳ phức tạp, do thể chế đan xen. Pháp luật không nghiêm, điều hành thiếu minh bạch, dân chủ hình thức, cho nên tuy nó dở, nó mục… nhưng khó sửa.

Về vụ Đồng Tâm, cam kết của Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khéo lắm là không truy tố dân Đồng Tâm vụ việc này, chứ không nói không truy tố những người chống người thi hành công vụ. Ngược lại, dân Đồng Tâm cũng rất khôn ngoan, khi cho toàn phụ nữ ra bắt giam các chú cảnh sát cơ động. Nếu cảnh sát cơ động không tình nguyện cho dân bắt, thử hỏi những người phụ nữ tay không này có dám giữ cảnh sát ở giữa đất Thủ đô mà còn lại được nuôi ăn, đối xử tử tế?
Đương nhiên nhà cầm quyền ở thế khó, không thể “xí xóa” sự việc một cách đơn giản. Quy luật cuộc sống là cái mà chủ quan chúng ta nhiều khi không thể nhận thức ra ngay.
Khi xem ông Nguyễn Đức Chung ký, điểm chỉ Cam kết với dân Đồng Tâm, nhiều người dân kể cả ở đất Nam bộ xa lắc, vui đến rơi nước mắt. Nhưng sau lúc thăng hoa về sự “tái hồi” tình quân dân keo sơn từng có trong quá khứ mà truyền thông thế giới hay gọi là “Truyền thống” họ lại hồi hộp về sự “tái hồi” “Thái Bình Diễn nghĩa”! (sự kiện khởi đầu từ huyện Quỳnh Phụ năm 1997). Và nay đã rõ! Nhưng đây là cái lô-gích hình thức không thể không làm, bởi một số cái “đầu ấm” cay cú, nhưng quan trọng là “tiến trình” nầy lâu hay mau và có hậu như vụ án Đồng Nọc Nạn hay không mà thôi.
Thời Pháp thuộc, khi Nam bộ còn là thuộc địa của Pháp, một nông dân giết chết người điền chủ định cướp đất của anh ta, và Toà xử trắng án, vì giết người để tự phòng vệ chính đáng. Anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải phòng, bị kết án 5 năm tù cũng vì tội tự vệ với vũ khí tự tạo, chống lại bộ đội và công an dưới sự lãnh đạo của chính quyền cơ sở. Kết thúc tương đối có hậu (Anh Vươn được đặc xá trước thời hạn) và tiếp tục quản lý ao hồ do mình có công khai phá, cải tạo nhưng cái giá phải trả rất đắt.
Trớ trêu là trên FB của ông Lương Ngọc Huỳnh có tường thuật buổi điện đàm mới nhất giữa Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung với cụ Kình nguyên văn như sau: ”Dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay. Anh Đồng, và cô Lan xử lý như thế là không được. Nếu lúc đó, tôi không ký thì chỉ cần có ai đó hô một câu thì hậu quả sẽ như thế nào,cụ biết rồi. Tôi cũng lo cho dân lắm chứ”.
Từ chỗ được người dân cả nước tung hô, ca ngợi, bây giờ chỉ cần nghe tường thuật lại các câu nói trên (nếu đúng sự thật) thì ông Chung có bị công luận “ném đá” cũng không có gì lạ!
Có 3 vấn đề cần đặt ra:
- Thứ nhất là những người lừa cụ Kình dẫn đi chỉ địa giới, rồi đột ngột bắt giam cụ Kình làm cụ Kình bị gãy xương đùi, sao lại không bị truy tố hình sự về việc bắt giam người không phép và gây tổn thương sức khỏe cho người già bị bắt. Công bằng xã hội ở đâu trước pháp luật giữa người dân và người của cơ quan nhà nước?
- Thứ hai là sau khi ông Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân giải quyết sự việc êm thỏa, công luận cho rằng đó là có ý kiến chỉ đạo của cấp trên về phương thức tiếp cận và nội dung văn bản ký kết với người dân. Trong văn bản có điều quan trọng là không truy tố người dân Đồng Tâm về sự việc này. Nay lại khởi tố những người chống người thi hành công vụ. Hóa ra Chính quyền do Đảng chỉ đạo “chơi chữ” với người dân.
- Thứ ba là đẩy dân về phía đối địch, đó là hành động sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Người dân đang mong chờ công bố kết quả thanh tra đất đai, theo lời hứa của chính quyền thành phố, sao lại đột ngột đi khởi tố, phải chăng quan điểm trong lãnh đạo chưa được nhất quán?
Vụ Đồng Tâm bị khởi tố mà kết quả lại đi ngược với lời hứa của ông Nguyễn Đức Chung thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Không khéo lại dẫn đến chuyện “Quân ta chiến thắng Dân mình”. Trong trường hợp này, nếu đã chót khởi tố rồi thì hãy nhìn vào vụ án Đồng Nọc Nạn từ thời Pháp thuộc để mà nhìn lại mình cho rõ hơn và biết vượt lên chính mình. Thời gian là phương thuốc hữu hiệu cả cho chính quyền và cả cho người dân Đồng Tâm. Hai bên có thể vẫn trong ấm ngoài êm được lâu dài.
Nhà báo Huy Đức vừa mới phone cho tôi nhấn mạnh sự kiện Đồng Tâm là vấn đề chính trị, không phải hình sự đơn thuần. Nếu không tỉnh táo, xử lý cứng nhắc thì vô cùng nguy hiểm, nhất là mất lòng tin của dân, v.v.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

Đấu đá hậu trường’ trong vụ khởi tố Đồng Tâm?


Một số nhà quan sát trong và ngoài nước nhận định rằng có dấu hiệu cho thấy tình trạng “đối đầu” ở hậu trường, trước khi Hà Nội “khởi tố hình sự” người dân Đồng Tâm.

Ông Nguyễn Đức Chung thời còn làm Giám đốc Công an TP Hà Nội năm 2013.
Ông Nguyễn Đức Chung thời còn làm Giám đốc Công an TP Hà Nội năm 2013.
Quyết định bất ngờ, khiến người dân xã ngoại thành Hà Nội “phẫn nộ” hôm 13/6, còn nổi lên thu hút sự quan tâm của dư luận nhất, theo trang tìm kiếm Google, mà nhiều người cho rằng đã “làm chìm” vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất lúc đang “nóng bỏng”.

Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng bản thân ông cũng “ngạc nhiên” vì vụ khởi tố, vì “ngày 22/4 [khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký vào cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự”], ông ấy đã đánh cược với danh tiếng của bản thân cũng như uy tín của đảng”.

Bản cam kết của ông Chung hôm 22/4 đã dẫn tới việc hàng chục cảnh sát cơ động được người dân phóng thích.
Bản cam kết của ông Chung hôm 22/4 đã dẫn tới việc hàng chục cảnh sát cơ động được người dân phóng thích.
​“Ông Chung đi lên trong ngành công an và cũng dễ hiểu nếu ông ấy đã bàn chuyện cam kết với người dân Đồng Tâm với các quan chức cấp cao của Bộ Công an cũng như của Đảng Cộng sản”, nhà nghiên cứu chính trường Việt Nam nhiều năm qua này nói.

“Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường”.

Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường.
Nhà nghiên cứu về Việt Nam David Brown viết.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Chủ tịch Chung để hỏi phản ứng của ông trước những ý kiến trái chiều của dư luận trong mấy ngày qua.

Dường như cũng đồng tình với quan điểm của nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, luật sư Võ An Đôn cho rằng vụ khởi tố này có vẻ cho thấy một sự khác biệt.

Người từng bào chữa cho nhiều người nghèo ở trong nước nói tiếp: “Vụ này người dân không nắm được luật, và hơn nữa, ở Việt Nam, thông thường người ta thấy ông lãnh đạo ở địa phương, chủ tịch hay bí thư chỉ đạo làm sao thì người dân tin thế, vì ở Việt Nam hoạt động của các cơ quan tư pháp đều dưới sự chỉ đạo của đảng nên một người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đảng mà chỉ đạo thì đương nhiên các cơ quan khác nghe. Nhưng mà trường hợp này lại khác với các trường hợp thông lệ là, ông chủ tịch thành phố chỉ đạo như thế nhưng các cơ quan tư pháp thì không nghe lời, lại khởi tố vụ án”.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc (giữa) đang trao đổi với các đại biểu khác trong bức cảnh chụp năm 2016.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc (giữa) đang trao đổi với các đại biểu khác trong bức cảnh chụp năm 2016.
​Trả lời An Tôn của VOA Việt Ngữ khi được hỏi là liệu ông Chung có vấp phải áp lực từ cấp cao hơn hay không trong vụ truy tố, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, một trong những người ký vào bản cam kết, nói: "Tôi không bình luận về việc này vì tôi không có thông tin nào cả".

Tôi nghĩ rằng cơ quan cảnh sát ở địa bàn xảy ra vụ việc làm theo quy định của pháp luật. Còn sức ép có hay không, tôi không nói, nhưng mà tôi muốn nói rằng việc khởi tố để mà điều tra là việc cần thiết phải làm. Không thể một câu chuyện như thế mà bây giờ mọi người cùng nhau quên đi. Không ai quên được cả. Nếu không cẩn thận nó sẽ trở thành một tiền đề, một cái tiền lệ, rất là nguy hại về lâu dài.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói.
"Tôi nghĩ rằng cơ quan cảnh sát ở địa bàn xảy ra vụ việc làm theo quy định của pháp luật. Còn sức ép có hay không, tôi không nói, nhưng mà tôi muốn nói rằng việc khởi tố để mà điều tra là việc cần thiết phải làm. Không thể một câu chuyện như thế mà bây giờ mọi người cùng nhau quên đi. Không ai quên được cả. Nếu không cẩn thận nó sẽ trở thành một tiền đề, một cái tiền lệ, rất là nguy hại về lâu dài", ông Quốc nói.

Nhà lập pháp này nói thêm: "Người ta chờ đợi xem ứng xử của nhà nước, ở một cách rất là nghiêm khắc, nhưng cũng rất là khoan dung, hay nói cho cùng là vì lợi ích lâu dài, lợi ích bền vững. Đấy chính là cái mà mọi người, trong đó có tôi đang chiêm nghiệm và theo dõi nó. Riêng cá nhân tôi, với tư cách là đại biểu quốc hội, tôi sẽ giám sát việc làm này".

Người nhà của ông Lê Đình Kình cho VOA Việt Ngữ biết rằng vị đại diện 82 tuổi của người dân Đồng Tâm này đã gọi điện cho ông Chung sau khi nghe tin về quyết định truy tố của Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) , và được chủ tịch thủ đô của Việt Nam nói rằng bản cam kết chỉ có chữ ký của ông và không có con dấu của chính quyền cũng như quyết định truy tố là của cơ quan pháp luật.

Tin cho hay, ông Chung đã nói với cụ ông Lê Đình Kình rằng bản cam kết không có dấu của chính quyền.
Tin cho hay, ông Chung đã nói với cụ ông Lê Đình Kình rằng bản cam kết không có dấu của chính quyền.
​Một văn bản điều lệ đảng được đăng trên trang web của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề ngày 25/7/2016 viết: “… Đồng chí phó bí thư là chủ tịch ủy ban nhân dân được phân công phụ trách đảng ủy công an địa phương cùng cấp thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt của cấp ủy công an”.

Đồng chí phó bí thư là chủ tịch ủy ban nhân dân được phân công phụ trách đảng ủy công an địa phương cùng cấp thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt của cấp ủy công an...
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có đoạn.
Ngoài ra, theo điều lệ này, vị trí mà ông Chung hiện nắm giữ “chịu trách nhiệm trước cấp ủy địa phương về hoạt động của cấp ủy công an; tham gia cùng cấp ủy địa phương lãnh đạo kiện toàn cấp ủy công an; trực tiếp tham dự các hội nghị quan trọng của cấp ủy công an để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương đối với cấp ủy công an về những vấn đề có liên quan đến giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân ở địa phương”.

Vụ khởi tố bất chấp “cam kết” của ông Chung đã khiến người dân Đồng Tâm chỉ trích nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội là người “lật lọng”. VOA Việt Ngữ muốn hỏi suy nghĩ của người từng làm giám đốc công an của thủ đô Việt Nam về phản ứng này của người dân, nhưng không thể liên lạc được với ông.

Chúc mừng người dân Đồng Tâm đã được đảng dậy cho ‘sáng mắt, sáng lòng'
Facebooker Stephanie Nong viết.
Không chỉ chính dân Đồng Tâm mà nhiều độc giả của VOA cũng đưa ra nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Một Facebooker tên Stephanie Nong viết: “Chúc mừng người dân Đồng Tâm đã được đảng dậy cho ‘sáng mắt, sáng lòng’”, trong khi một người khác tên Bui Trong Loi viết: “Khởi tố là việc khởi tố còn có khởi tố bị can không mới là vấn đề, mà có khởi tố bị can đi chăng nữa thì mức án nhẹ nhất sẽ đc áp dụng, khởi tố là để răn đe những trường hợp khác chứ, không thì loạn hết…”

Về việc ông Chung cam kết “sẽ hoàn chỉnh kết quả điều tra về việc quản lý và sử dụng đất đai ở Đồng Tâm vào tháng Bảy tới”, nhà nghiên cứu David Brown cho rằng đó là điều “đáng hoan nghênh”.

Cựu quan chức Mỹ từng nhiều năm làm việc ở Việt Nam nhận định rằng “sẽ sớm biết phe nào sẽ thắng thế”.

“Liệu đó có phải cách tiếp cận mới mẻ của ông Chung trong việc quản lý các vấn đề đất đai hay cách tiếp cận mang tính áp chế ‘như thường lệ’ mà nhiều năm qua đã làm tổn hại tới tính chính danh của đảng cầm quyền trong mắt nhiều người dân Việt Nam?”, ông Brown đặt câu hỏi.

Viễn Đông

(VOA)

NHỮNG ĐỘNG THÁI MỚI CỦA VIỆT NAM,TRUNG QUỐC, MỸ VỀ BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc khai thác băng cháy ở Biển Đông

Trung Quốc bắt đầu tiến hành khai thác băng cháy ở khu vực mới trên Biển Đông với sản lượng 6.800 m3/ngày kể từ hôm 10 tháng 6.
Tân Hoa Xã mới đây trích nguồn tin từ Sở Địa chất Quảng Châu cho biết việc khai thác được thực hiện tại khu vực biển Thần Hồ, cách Hong Kong khoảng 300 km về phía Đông Nam.
Trước đó vào tháng 5 năm 2017, Trung Quốc công bố nước này lần đầu tiên thành công trong việc khai thác khí đốt từ băng cháy. Theo Business Insider, tổng lượng khí methane mà Trung Quốc thu được từ khu vực Biển Đông tính đến nay là khoảng 210.000 m3.
Băng cháy là hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đậm đặc. Đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất thế giới. Ước tính của một số nhà khoa học cho thấy một mét khối bang cháy chứa khoảng 160 m3 khí thiên nhiên.
Trước Trung Quốc, các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu và khai thác băng cháy.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc "nguy cơ xung đột"

mediaNgoại trưởng Mỹ Rex Tillerson điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng Viện, Washington DC, ngày 13/06/2017REUTERS/Aaron P. Bernstein
Chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc có thể "dẫn đến xung đột" trong vùng Thái Bình Dương. Trong cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 14/06/2017, ngoại trưởng RexTillerson tuyên bố như trên và nhấn mạnh ông đã trực tiếp đưa ra cảnh báo này với các đối tác Trung Quốc.




Bản tin của báo Mỹ Washington Examiner không nói rõ lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, Rex Tillerson đã đưa ra cảnh báo nói trên với các quan chức Trung Quốc khi nào.
Trong cuộc điều trần hôm qua, ngoại trưởng Mỹ ghi nhận : việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng tại các hòn đảo trong vùng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông "đang gây ra bất ổn ở khu vực Thái Bình Dương. Những bất ổn đó có thể đưa chúng ta vào một cuộc xung đột". Theo ông Tillerson, đây là một trong những vấn đề cần giải quyết cấp bách trong quan hệ Mỹ-Trung.
Về câu hỏi liệu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, ngoại trưởng Tillerson quan niệm Hoa Kỳ phải chấp nhận thích nghi với tình thế đó, nhưng không thể để Bắc Kinh biến kinh tế, thương mại thành "vũ khí" để lôi kéo các đồng minh của Hoa Kỳ về phía Trung Quốc.
Theo ông Tillerson, Washington cần gửi tới Bắc Kinh thông điệp rõ ràng là Trung Quốc không thể dùng chiến thuật đó để giải quyết những hồ sơ gai góc như hạt nhân Bắc Triều Tiên hay tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Về phía bộ trưởng Quốc Phòng, James Mattis cũng trong buổi điều trần trước Ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ Viện hôm 14/06/2017 đã tuyên bố : Hoa Kỳ tiếp tục chiến dịch "khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông" bất chấp chống đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Lý do được tướng Mattis đưa ra : tự do lưu thông hàng hải là một phần không thể tách rời trong chính sách phòng thủ của Hoa Kỳ.
Tháng 5/2017 tàu chiến USS Dewey, đã áp sát Đá Vành Khăn – trong khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên dưới chính quyền Trump, Hải quân Mỹ khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng đang có tranh chấp, ở Biển Đông.

Mỹ đang để các đảo Thái Bình Dương lọt vào tay Trung Quốc

mediaPhi trường Bauerfield ở Port Vila, thủ đô đảo quốc Vanuatu.wikipedia
Theo nhà báo Ben Bohane chuyên viết về châu Á-Thái Bình Dương suốt 25 năm qua, một ván cờ tĩnh lặng nhưng quyết định đang diễn ra nhằm nắm quyền chi phối các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên chỉ có một bên là chứng tỏ quyết tâm, còn bên kia dường như đang nhường lại trận địa mà không mấy hăng hái chiến đấu.
Trên Wall Street Journal, ông Bohane nhận định, đây là một hiện tượng mới. Trên hơn 100 năm qua, Hoa Kỳ vẫn coi Thái Bình Dương như sân sau của mình, nhưng gần đây mọi sự đã thay đổi. Philippines, đồng minh lâu đời của Mỹ đã « xoay trục » sang Trung Quốc, trong khi các đảo quốc khác tại Thái Bình Dương cũng không cưỡng lại được các ve vãn của ngành ngoại giao và đầu tư từ Bắc Kinh.
Trong khi đó Hoa Kỳ vẫn vắng bóng. Chính sách « xoay trục sang châu Á » của cựu tổng thống Barack Obama nay chỉ còn là những lời nói suông. Giờ đây chẳng có mấy bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đầu tư vào các đảo quốc tại đây.
Tổng thống Donald Trump có cơ hội để quan tâm hơn đến khu vực này, nhưng Nhà Trắng dường như bị lạc hướng về phía Trung Đông, cũng như các chính quyền tiền nhiệm. Với chi phí chỉ một ngày trong cuộc chiến Trung Đông, Hoa Kỳ có thể củng cố mặt phía tây qua việc chiếm lấy cảm tình các đảo quốc Thái Bình Dương bằng cách đầu tư vào du lịch, cơ sở hạ tầng, và cam kết với các lãnh đạo tại đây. Thay vào đó, Trung Quốc đã ma mãnh giành lấy từng nước một.
Trong khi Bắc Kinh chi ra nhiều tỉ đô la đầu tư vào các đảo Melanesia, Micronesia và Polynesia, làm các dự án hạ tầng quan trọng, các kế hoạch du lịch với tài chính đi kèm, thì Hoa Kỳ vẫn giữ im lặng. Mỹ tiếp tục bỏ mặc hiệp ước đồng minh ký với Micronesia và làm ngơ với phần còn lại trong khu vực.
Palau vẫn đang chờ đợi 216 triệu đô la được hứa hẹn năm 2011, trong khuôn khổ một thỏa thuận nhằm cung ứng cửa ngõ quân sự cho Hoa Kỳ. Cách xử sự như vậy có thể khiến Liên bang Micronesia năm tới có thể chấm dứt hiệp ước với Mỹ, trước thời điểm dự kiến là năm 2023. Và tại lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, một nữ dân biểu đã cảnh báo về những khiếm khuyết trong năng lực quốc phòng, trong lúc ảnh hưởng Trung Quốc đang tăng lên tại Samoa. Bắc Kinh dòm ngó nguồn lợi thiên nhiên của Papua New Guinea và ve vãn Fiji.
Nhưng sự tương phản giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nổi bật nhất ở Vanuatu.
Mới đây, chính quyền Vanuatu đã ký kết một hợp đồng với China Civil Engineering Construction Corporation để nâng cấp ba sân bay chính của đảo quốc này. Đặc biệt là mở rộng Bauerfield, phi trường chính của Port Vila, thủ đô nước này, để mở đường bay trực tiếp từ Trung Quốc vào năm tới.
Được Hải quân Mỹ xây dựng lên năm 1942, Bauerfield được đặt theo tên của trung tá Harold W.Bauer, phi công lái chiến đấu cơ của thủy quân lục chiến Mỹ đã tử trận trong trận đánh Guadalcanal. Trung Quốc cũng sẽ nâng cấp sân bay Pakoa ở Santo, hòn đảo mà người thanh niên James Michener trú đóng trong Đệ nhị Thế chiến và viết ra cuốn tiểu thuyết được giải Pulitzer, « Tales of the South Pacific » (Chuyện ở Nam Thái Bình Dương).
Không có công ty Mỹ nào tham gia các hợp đồng trên. Thực tế, Hoa Kỳ không cam kết gì với Vanuatu, cũng chẳng có đại sứ thường trực. Trong khi đó Trung Quốc đã xây dựng tòa nhà Quốc Hội, văn phòng thủ tướng, trụ sở bộ Ngoại Giao, trụ sơ tổ chức liên chính phủ Melanesian Spearhead Group, một trung tâm hội nghị và một sân vận động quốc gia.
Đổi lại, Trung Quốc được gì ? Vanuatu chính là đảo quốc Thái Bình Dương đầu tiên ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông, và sau đó Nauru rồi Papua New Guinea nhanh chóng hòa giọng !
Khu vực này phải đứng ngoài thương mại điện tử, vì PayPal, Visa và các công ty tài chính khác của Mỹ không công nhận các đảo quốc Thái Bình Dương. Nhưng tỉ phú Mã Vân (Jack Ma) của tập đoàn Alibaba gần đây đã gởi các đại diện đến để giúp Vanuatu và các nước còn lại tham gia các sàn giao dịch điện tử của họ, trong đó có Tmall và Alipay.
Viện trợ, đầu tư, cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử…Không khó để hiểu vì sao các chính phủ và dân chúng các đảo quốc này quay sang Bắc Kinh. Trong lúc cộng đồng quốc tế không lạ gì về dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Bắc Kinh đã thâm hiểm tung tiền ra mua chuộc các đảo quốc Thái Bình Dương để làm bàn đạp.
Bài báo Wall Street Journal kết luận, nếu Washington không bắt đầu cam kết một cách nghiêm túc trong khu vực, thì các đảo quốc Thái Bình Dương vốn là các căn cứ quan trọng trong Đệ nhị Thế chiến, chắc chắn sẽ lọt vào tay Trung Quốc.

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Trung Quốc hoàn thành đường băng trên đảo Phú Lâm. Ảnh chụp hôm 29/3/2017.
Trung Quốc hoàn thành đường băng trên đảo Phú Lâm. Ảnh chụp hôm 29/3/2017.
 Courtesy of csis.org
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15 tháng 6 lên tiếng thúc giục Trung Quốc nên có hành động tích cực và mang tính xây dựng ở khu vực biển Đông.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi có báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ hôm 6 tháng 6 cho biết đến cuối năm 2016 Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở quân sự ở khu vực Trường Sa và có thể triển khai ba trung đoàn máy bay chiến đấu tại đó.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng nói Trung Quốc là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới, vì vậy Trung Quốc nên hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng để đảm bảo sự ổn định, hòa bình trong khu vực, cũng như khu vực biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hiện, Trung Quốc đang đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích biển Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền tại khu vực này.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tái khẳng định hợp tác quốc phòng với Philippines

mediaThiết giáp của quân đội Philippines tại Marawi, ngày 01/06/2017REUTERS/Romeo Ranoco
Kết thúc chuyến thăm Philippines kéo dài 3 ngày, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Scott Swift hôm qua 14/06/2017 tái khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ quân đội Philippines trong chiến dịch chống khủng bố tại Marawi, cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng và chống khủng bố với Manila.




Đô đốc Scott Swift phát biểu : "Tôi rất vui khi có cơ hội làm việc với các quan chức chính phủ cấp cao và các nhà lãnh đạo quân sự ở Manila. Chúng tôi tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và tái khẳng định cam kết hợp tác để đối mặt với những thách thức chung."
Báo Philstar của Philippines cho biết tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift đã gặp ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana, tổng tham mưu trưởng quân đội Eduardo Año và Phó Tư lệnh Hải Quân Ronald Mercado.
Liên quan tới cuộc chiến ở thành phố Marawi miền nam Philippines, một chính trị gia nước này dẫn lời nhiều dân thường trốn thoát khỏi thành phố Marawi miền nam Philippines cho biết đã nhìn thấy thi thể của ít nhất 100 người trong khu vực diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh Philippines và các chiến binh Hồi Giáo Maute. Hiện vẫn còn 500-1000 dân thường bị mắc kẹt bên trong thành phố.
Trong khi đó, quân đội Philippines hôm nay cho biết đã bắt được Mohammad Noaim Maute, một trong bẩy anh em nhà Maute, thành viên cao cấp của nhóm Hồi Giáo cực đoan Maute ủng hộ Daech, tại một trạm kiểm soát gần thành phố biển Cagayan de Oro.