Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Định mệnh chiến tranh? Trung Quốc, Hoa Kỳ, và bẫy Thucydides; Hoa kỳ sẽ nhân nhượng hay chiến tranh tại Biển Đông?; Biển Đông căng thẳng: Tàu chiến Mỹ áp sát đảo tranh chấp ở Hoàng Sa khiêu khích TQ

Print Friendly
Nguồn: Gideon Rachman, “Destined for War? China, America, and the Thucydides Trap,” Financial Times, 31/03/2017.
Biên dịch: Dương Thị Thùy Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Khi Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Donald Trump ở Florida vào tuần tới, các nhân viên của ông rất có thể sẽ muốn có một bản bông của cuốn sách quan trọng mới của Graham Allison về quan hệ Mỹ-Trung mang một nhan đề u ám: Destined for War (“Định mệnh chiến tranh”).
Vị chủ tịch Trung Quốc đã quen thuộc với các tác phẩm của Allison, một giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Đại học Harvard. Tháng 11 năm 2013, tôi tham dự một cuộc họp với Chủ tịch Tập tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nơi ông Tập nói với một nhóm khách người phương Tây rằng “Tất cả chúng ta đều phải cùng nỗ lực để tránh bẫy Thucydides.”
Cụm từ “bẫy Thucydides,” nhắc đến những quan sát của một sử gia Hy Lạp cổ đại về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ 5 trước công nguyên, được Allison đặt ra để diễn tả những mối nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên. Allsion, tác giả của một nghiên cứu kinh điển về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, đã tính toán rằng trong 16 trường hợp như vậy thì có 12 trường hợp đối đầu kết thúc bằng một cuộc xung đột công khai. Ông lập luận rằng thời nay tình hình có thể không khác: “Trung Quốc và Mỹ hiện đang trên đà đến chiến tranh – trừ khi hai bên chịu chấp nhận những hành động khó khăn và đau đớn để ngăn chặn điều đó.”
Tại Harvard, Allison và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện một dự án nghiên cứu nhiều trường hợp mà “sự trỗi dậy của một nước lớn đã phá vỡ vị thế của một đất nước thống trị,” và kết luận rằng “căng thẳng cấu trúc kéo theo đã khiến đụng độ bạo lực trở thành quy luật thay vì ngoại lệ.” Trong cuốn sách mới của ông, chỉ có hai trong số các ví dụ lịch sử này được nghiên cứu tương đối chi tiết – cuộc đụng độ nguyên thủy giữa Athens và Sparta, và cuộc đối đầu Anh-Đức trước Thế chiến I (đây cũng là mối bận tâm của Henry Kissinger).
Trong 10 trường hợp mà Allison xem xét ngắn gọn hơn, có một vài trường hợp khá hấp dẫn trong vai trò như những chỉ dẫn cho tương lai, những trường hợp còn lại thì ít thuyết phục hơn. Tương đồng nhất với tình hình hiện tại có lẽ là sự thách thức của Nhật Bản đối với sự thống trị của Mỹ và Anh ở Thái Bình Dương vào nửa đầu thế kỷ 20 – cuộc đối đầu đã lên đến đỉnh điểm là chiến tranh. Vai trò của sức mạnh hải quân trong trận giao tranh đó, cũng như cách thức mà cuộc đối đầu kinh tế trở thành xung đột vũ trang, đều gợi nhắc một cách không mấy thoải mái về sự gia tăng những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay.
Nhưng một số trường hợp tương đồng khác mà Allison đưa ra lại có vẻ ít phù hợp hơn với mô hình bẫy Thucydides. Rõ ràng là Chiến tranh Lạnh không thể được hiểu một cách thấu đáo nhất như một cuộc đối đầu giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc lâu năm. Thay vào đó, Mỹ và Liên Xô đều là những bên thắng cuộc trong Thế chiến II, và đã thiết lập các hệ thống ý thức hệ đối đầu và các vùng ảnh hưởng trong một hệ thống lưỡng cực.
Chiến tranh Lạnh cũng là một trong hai cuộc đối đầu duy nhất diễn ra sau khi vũ khí hạt nhân được phát minh mà Allison xem xét. Việc cả hai cuộc biến chuyển quyền lực trong thời kỳ hạt nhân (cuộc biến chuyển còn lại là sự trỗi dậy của nước Đức thống nhất) đều không chấm dứt bằng chiến tranh đã đặt ra một câu hỏi rõ ràng là có phải vũ khí hạt nhân đã đặt dấu chấm hết cho bẫy Thucydides, bằng cách khiến chiến tranh giữa một đất nước mới nổi với một cường quốc lâu năm trở nên nguy hiểm không thể tưởng tượng được. Đây là câu hỏi mà Allison đã cân nhắc nhưng chưa thể đưa ra được một đáp án thỏa đáng.
Hầu hết các học giả và các nhà quân sự theo dõi sát sao cách thức chiến tranh Mỹ-Trung có thể bùng nổ trên thực tế đều có xu hướng lập luận rằng trong thời đại hạt nhân, nhiều khả năng cả hai bên đều không có chủ ý muốn phát động chiến tranh. Tuy nhiên, một cuộc đụng độ hạn chế, có lẽ ở Biển Đông, có thể sẽ dễ dàng leo thang thành một vấn đề nghiêm trọng hơn. Trong lời mở đầu ngắn gọn được viết sau khi Donald Trump đắc cử, Allison lập luận rằng “Nếu Hollywood làm phim về chủ đề Trung Quốc đối đầu với Mỹ thì không có diễn viên chính nào phù hợp hơn Tập Cận Bình và Donald Trump. Cả hai đều là hiện thân của những khát khao sâu sắc về sự vĩ đại dân tộc của hai đất nước.” Nguy hiểm hơn là cả hai đều “xác định đất nước mà người còn lại cai trị là trở ngại chính đối với giấc mộng của họ.”
Tuy nhiên, một khác biệt lớn có lẽ là việc tầm nhìn “đại phục hưng dân tộc Trung Quốc” của Tập có vẻ được thiết kế đầy đủ hơn tầm nhìn của tân tổng thống Mỹ. Như nhà báo và học giả Howard French nói về nó trong cuốn Everything Under the Heavens (“Mọi thứ trong thiên hạ”), nhà lãnh đạo Trung Quốc về cơ bản là đang tìm cách đưa đất nước của mình trở lại vị thế mà trong lịch sử nó từng được hưởng ở châu Á – như một cường quốc thống trị trong khu vực mà các nước khác phải phục tùng hoặc cống nạp. “Trong gần hai thiên niên kỷ, theo quan điểm của mình, lẽ thường đối với Trung Quốc là quyền lực thống trị tự nhiên của họ đối với mọi thứ trong thiên hạ,” French viết. Trên thực tế, điều này có nghĩa là “một phạm vi địa lý rộng lớn và quen thuộc bao gồm các vùng Trung Á, Đông Nam Á, và Nam Á lân cận.”
Tham vọng truyền thống này của Trung Quốc đã bị xếp xó gần hai thế kỷ. Từ giữa thế kỷ 19, Trung Quốc đã bị các thế lực bên ngoài làm nhục – đầu tiên là các đế quốc châu Âu và sau đó là quân Nhật xâm lược. Sau chiến thắng của phe cộng sản năm 1949, nước này trải qua một thời kỳ bị cô lập về văn hóa và kinh tế và tương đối đói nghèo. Đến cuối những năm 1970, khi Trung Quốc thay đổi đường lối và chấp nhận chủ nghĩa tư bản và đầu tư nước ngoài, nó đã bị tụt hậu khá xa so với các “con hổ kinh tế” của Đông Á. Trong giai đoạn bắt kịp các nền kinh tế này, Trung Quốc đã theo đuổi các mối quan hệ thân thiện với các láng giềng tư bản chủ nghĩa – bao gồm cả Nhật Bản, cựu thù thời chiến của mình. Các nước láng giềng châu Á này là nguồn chuyên gia và nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng đối với một đất nước đang tuyệt vọng tìm cách bù đắp khoảng thời gian đã mất. Nhưng French, như nhiều nhà quan sát khác, đã nhìn ra được sự thay đổi thái độ và giọng điệu trong mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012.
Thực ra, mục tiêu chính của sự lên gân và tham vọng của Trung Quốc không phải Hoa Kỳ mà là Nhật Bản. “Khi lòng tự trọng của Trung Quốc dâng lên, cùng với sức mạnh mới có, Nhật Bản đã trở lại thành hồng tâm trong con mắt Trung Quốc,” French viết. Hầu hết mối hận thù Nhật Bản của Trung Quốc đều tập trung vào cuộc xâm lược và chiếm đóng của người Nhật trong những năm 1930. Nhưng, như French đã làm rõ, mối hận thù này đã bắt nguồn từ thế kỷ 19. Trong một trong những phần thuyết phục nhất của cuốn sách uyển chuyển và thú vị này, French đã cho thấy tầm quan trọng của việc Nhật Bản sáp nhập quần đảo Ryukyu năm 1879. Ngày nay, quần đảo này vẫn giữ được tầm quan trọng do nó bao gồm đảo Okinawa – nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Đông Á. Trọng tâm của các tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc là một quần đảo nhỏ hơn rất nhiều mà Nhật Bản gọi là Sensaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhưng đọc sách của French, người ta không thể không tự hỏi liệu tham vọng cuối cùng của Trung Quốc có bao gồm cả Okinawa hay không.
Quan hệ đồng minh thân cận của Mỹ với Nhật Bản đồng nghĩa với việc nó có mối liên quan sâu sắc trong những căng thẳng đang lên giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Một số nhà dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc có thể sẽ hy vọng rằng Mỹ cuối cùng sẽ rút khỏi Tây Thái Bình Dương và cho Trung Quốc một con đường thênh thang để khôi phục khu vực ảnh hưởng truyền thống. Tuy nhiên, rất có thể họ sẽ phải thất vọng. Như Michael Green nhận xét trong cuốn By More Than Providence (“Hơn cả bởi ý Chúa”), “Nếu có chủ đề trọng tâm nào trong văn hóa chiến lược của Mỹ mà nó áp đặt vào vùng Viễn Đông theo thời gian thì đó chính là Mỹ sẽ không dung thứ cho bất cứ quyền lực nào thiết lập sự kiểm soát bá quyền độc quyền ở châu Á và Thái Bình Dương.” Thông điệp không thể rõ ràng hơn cho Trung Quốc của Tập.
Green, hiện là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng ý tưởng viết ra một lịch sử của “đại chiến lược” của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ những ngày đầu thành lập nền cộng hòa cho đến ngày nay, đến với ông từ khi ông còn là giám đốc các vấn đề châu Á trong Nhà Trắng của George W. Bush – và nhận ra vẫn chưa có nghiên cứu nào mới đây về nó. Trở về với thế giới học thuật, Green bắt đầu lấp đầy khoảng trống trong văn liệu này và đã giành được thành công vẻ vang. Cuốn sách của ông rất có thể sẽ trở thành tác phẩm chuẩn mực về chủ đề này.
Với hơn 130 trang cước chú, By More than Providence là một cuốn nặng ký. Nhưng câu chuyện về vướng mắc của Mỹ với châu Á rất kịch tính – bao gồm quá trình thực dân hóa Philippines, Trân Châu Cảng, các cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên và Việt Nam, và việc “mở cửa với Trung Quốc” của Nixon. Cùng với việc đưa ra một câu chuyện rõ ràng, Green xác định một số tình thế lưỡng nan tái diễn trong đại chiến lược của Mỹ qua nhiều thế kỷ. Chúng bao gồm việc nên xem Trung Quốc hay Nhật Bản là đồng minh quan trọng hơn; và nên chú trọng việc bảo hộ các thị trường của Mỹ hay là việc mở cửa các thị trường châu Á.
Một trong những động thái đầu tiên của Trump kể từ khi trở thành tổng thống là nghiêng hẳn về đường lối bảo hộ chủ nghĩa, bằng cách rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước thương mại khổng lồ mới được xúc tiến bởi cả chính quyền Bush và Obama. Green đã viết xong cuốn sách trước khi Trump đắc cử. Song tác phẩm của ông đã gợi ý Hoa Kỳ sẽ có thể phải hối tiếc vì động thái nghiêng về đường lối bảo hộ này.  “Khi các chính quyền mới của Hoa Kỳ không biến việc mở rộng thương mại thành một trụ cột trong cách tiếp cận chiến lược với châu Á,” ông viết, “thì chắc chắn họ sẽ luôn luôn thất thế.”
Có người xem chủ nghĩa bảo hộ của Trump là một phần trong xu hướng hướng đến chủ nghĩa biệt lập lớn hơn. Nhưng lịch sử của Green cho thấy Hoa Kỳ khó có khả năng rút khỏi Tây Thái Bình Dương. Ông xác định một trong những thế lưỡng nan tái diễn của Hoa Kỳ là việc xác định “tuyến phòng ngự tiền duyên” của Mỹ nằm ở đâu. Green nhận xét rằng để giải quyết các thế lưỡng nan liên tiếp về an ninh, Hoa Kỳ có xu hướng mở rộng khu vực mà họ cho là tối quan trọng đối với an ninh của mình, vì vậy khu vực này đã trải dài đến tận bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. “Qua tiến trình lịch sử này,” ông viết, “Hoa Kỳ đã nhận ra là Thái Bình Dương sẽ không mang lại lợi thế phòng thủ trước các mối đe dọa đến từ trung tâm lục địa Á-Âu nếu Mỹ không duy trì phòng tuyến ở Tây Thái Bình Dương.” Quả thật, Hoa Kỳ đang ngày càng tập trung cao độ vào châu Á trong khi Trung Quốc trỗi dậy. Barack Obama là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tuyên bố rằng châu Á – chứ không phải châu Âu hay châu Mỹ – mới là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hiện nay.
Tuyên bố của Obama phản ánh việc Hoa Kỳ tăng cường cảnh giác đối với tầm quan trọng của sự trỗi dậy của Trung Quốc – và những ý nghĩa của nó đối với sự thống trị trật tự thế giới truyền thống của phương Tây. Các cuốn sách của Green, Allison, và French chỉ là ba ví dụ quan trọng nhất trong một dòng đầu sách mới đề cập đến những tham vọng của một Trung Quốc đang trỗi dậy, và những căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Cuốn China’s Asian Dream (“Giấc mộng châu Á của Trung Quốc”) của Tom Miller là một tác phẩm sống động, và cũng như cuốn của French, nó lập luận rằng Tập có ý định đưa đất nước trở lại “cái mà ông ta xem là vị thế lịch sử, tự nhiên, và xứng đáng là quyền lực lớn nhất ở châu Á.” Miller, một nhà phân tích và nhà báo, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sự phát triển cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư trong việc hiện thực hóa tham vọng này, do nó “tạo ra một hệ thống triều cống hiện đại, mọi con đường đều dẫn về Bắc Kinh, theo nghĩa đen.”
Trái lại, cuốn China’s Quest for Great Power (“Cuộc truy cầu quyền lực lớn của Trung Quốc”) của Bernard Cole tập trung vào một khía cạnh khác trong sự phát triển thành một chủ thể toàn cầu của Bắc Kinh – ở đây là sự phát triển nhanh chóng sức mạnh hải quân, một phần như một phương tiện để đảm bảo Trung Quốc tiếp cận được các nguồn cung năng lượng nước ngoài cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Cả hai chủ đề đều mang tiếng vọng của một số cuộc xung đột mà Allison đã xem xét. Sự tăng cường đối đầu hải quân giữa Anh và Đức là một đặc điểm chính của những căng thẳng diễn ra trước khi Thế chiến I bùng nổ. Tương tự, nỗi sợ bị phong tỏa nguồn cung năng lượng của Nhật Bản đã góp phần tạo ra những sự đối đầu cuối cùng dẫn đến cuộc tấn công của hải quân đế quốc Nhật Bản vào Trân Châu Cảng.
Tuy nhiên, có một phản biện quan trọng cần cân nhắc. Một số học giả tin rằng những tham vọng của Trung Quốc hiện đại – được French, Cole, và Miller vạch ra theo các cách khác nhau – cuối cùng vẫn có thể bị cản trở bởi các điểm yếu nội tại trong hệ thống kinh tế và chính trị Trung Quốc. Một người hoài nghi đáng chú ý về khả năng Trung Quốc đạt được vị thế cường quốc là nhà khoa học chính trị David Shambaugh, người lập luận trong một cuốn sách năm 2014 rằng Trung Quốc rất có thể vẫn chỉ là một “quyền lực một phần.” Giáo sư sử học và nhà nghiên cứu Michael Auslin cũng bày tỏ sự hoài nghi tương tự. Cuốn The End of the Asian Century (“Sự kết thúc của thế kỷ châu Á”) của ông là sự điều chỉnh hữu ích cho sự lạc quan thiếu suy xét về tương lai của châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Cuốn sách bắt đầu bằng cảnh tác giả đứng trong một trong số nhiều đường hầm mà Triều Tiên đã đào xuyên vào nước láng giềng phương Nam. Đó là nơi thích hợp để suy ngẫm về các nguy cơ mà chiến tranh có thể hủy hoại sự thịnh vượng và ổn định của phần lớn châu Á hiện đại.
Quan điểm khác biệt của Trung Quốc và Mỹ trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp cấp cao diễn ra tuần tới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Trump ở Florida. Hoa Kỳ – vốn có sự hiện diện quân sự lớn tại Hàn Quốc và từng đe dọa sẽ tấn công phủ đầu vào chương trình hạt nhân của Bắc Hàn – tất yếu sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra trên bán đảo này. Rất có thể Trung Quốc, một đồng minh hiệp ước chính thức của Triều Tiên, cũng sẽ bị cuốn vào.
Các cuốn sách được điểm trên đây về cơ bản đều được hoàn thành trước khi Trump yên vị trong Phòng Bầu dục. Kể từ đó, vị tổng thống mới đã gửi đi các thông điệp thiếu nhất quán về phương hướng chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á. Có những lúc chính quyền Trump đã thể hiện dấu hiệu của một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn nhiều với Trung Quốc – ví dụ như về vấn đề Đài Loan hay Biển Đông. Nhưng những lúc khác Trump và các thành viên nội các của ông lại đi theo một lập trường hòa hoãn hơn. Cuộc gặp của Trump với ông Tập có thể sẽ đem lại một chỉ dấu quan trọng về việc liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có phải đang đi vào một mối quan hệ mang tính đối đầu và nguy hiểm hơn nhiều hay không.
Gideon Rachman, nhà bình luận ngoại giao chính của FT, là tác giả cuốn Easternization: Asia’s Rise and America’s Decline, From Obama to Trump and Beyond (Other Press, 2017).
Đây là bài điểm các cuốn: Destined For War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? by Graham Allison, Houghton Mifflin Harcourt, RRP$28, 320 pages; Everything Under The Heavens: How the Past Helps Shape China’s Push for Global Power, by Howard French, Scribe, RRP£20/Knopf, RRP$27.95, 352 pages; By More Than Providence: Grand Strategy and American Power in the Asia Pacific Since 1783, by Michael Green, Columbia University Press, RRP£38/$45, 760 pages; China’s Asian Dream: Empire Building along the New Silk Road, by Tom Miller, Zed Books, RRP£14.99/$24.95, 304 pages; China’s Quest for Great Power: Ships, Oil and Foreign Policy, by Bernard Cole, Naval Institute Press, RRP$34.95, 320 pages.




“Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã, thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh” - (Winston Churchill)

Nhân nhượng Trung Quốc hay chiến tranh tại Biển Đông? Đó là cách nhìn bàn cờ Biển Đông bằng lăng kính trắng đen của một số học giả và chính khách phương Tây (và phương Đông). Về cơ bản, họ cho rằng đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc là “diều hâu”, sẽ dẫn đến chiến tranh, vì vậy phải nhân nhượng Trung Quốc. Đó là quan điểm nhầm lẫn của một số học giả như Hugh White (Lowy Institute) hay Lyle Goldstein (Naval War College).


Hệ quả của nhân nhượng

Thực tế bàn cờ Biển Đông vốn phức tạp với nhiều ẩn số và biến số, cũng như Châu Á là một bức tranh mosaic nhiều màu sắc đa dạng. Không thể thay đổi được bức tranh đó, nhưng cần thay đổi cách nhìn về nó, mới có thể tìm được giải pháp hiệu quả. Không nhất thiết phải nhân nhượng hay chiến tranh với Trung Quốc như trò chơi một mất một còn (zero sum). Một đường lối cứng rắn không nhất thiết dẫn đến chiến tranh, mà có khi ngược lại.

Trong tám năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã nhân nhượng Trung Quốc, tuy ông và ngoại trưởng Hillary Clinton đề xướng chủ trương xoay trục sang Châu Á (hay tái cân bằng) và thúc đẩy Hiệp định TPP làm chỗ dựa để Mỹ và đồng minh kiềm chế Trung Quốc. Đó là một chủ trương đúng, nhưng thực hiện thiếu quyết liệt, vì nhân nhượng Trung Quốc. Tuần tra biển Đông (FONOPs) cũng làm chiếu lệ vì “đi qua vô hại” (innocent passage) như “tiếng kèn ngập ngừng” do Obama “lãnh đạo từ phía sau”. Một chính sách nhân nhượng như vậy (với lý do để tránh né chiến tranh) là phản tác dụng và có thể gây nguy hiểm cho khu vực.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ hiểu sự nhân nhượng đó là dấu hiệu nhu nhược, nên họ càng làm già, thậm chí còn tạo ra khủng hoảng để hù dọa chiến tranh (brinkmanship). Lãnh đạo Trung Quốc đã nắn gân Obama tuy có tư tưởng đúng nhưng thiếu quyết liệt nên họ không sợ, thậm chí coi thường. Vì vậy Trung Quốc đã tranh thủ chiếm bãi cạn Scarborough của Manila (2012). Trung Quốc biết Hạm đội 7 tuy rất mạnh, có nhiều tàu chiến và máy bay hiện đại, nhưng Nhà Trắng lại “non gan” (no balls). Lịch sử đã lặp lại từ năm 1974 khi Trung Quốc chiếm Hòang Sa, và năm 1988 khi họ chiếm một phần Trường Sa, nhưng Mỹ không phản ứng.

Thứ hai, các nước Đông Nam Á cũng hiểu Mỹ nhân nhượng Trung Quốc là dấu hiệu nhu nhược, có thể bỏ rơi họ vì “nước Mỹ trước tiên” (America first), nên một số nước đã xoay trục ngả theo Trung Quốc. Các nước đồng minh của Mỹ (có căn cứ quân sự) như Philippines và Thailand đã xoay trục trước, bỏ Mỹ theo Tàu. Đó là một nghịch lý, do chính sách của Mỹ xô đẩy họ chứ thực sự họ không muốn thế. Các nước khác độc lập hơn, có truyền thống chống Tàu (như Việt Nam và Indonesia) cũng buộc phải ứng xử nước đôi bằng cách “đu dây”.


Thứ ba, Trung Quốc đã tranh thủ “cơ hội vàng” này để bành trướng và quân sự hóa Biển Đông, nhằm từng bước biến nó thành cái ao riêng của họ. Trung Quốc không chỉ muốn kiểm soát Biển Đông, mà còn độc chiếm luôn nguồn tài nguyên (dầu khí và đánh cá). Vì vậy, họ đã ráo riết thay đổi thực địa và áp đặt chủ quyền theo “đường lưỡi bò” (đã bị phán quyết của tòa PCA bác bỏ). Nếu Mỹ tiếp tục nhân nhượng thì đến năm 2030, Biển Đông sẽ trở thành cái ao của Trung Quốc (Asia-Pacific Rebalance 2025 report, CSIS, January 19, 2016).

Những dấu hiệu mới

Chính quyền Obama (và các chính quyền Mỹ trước đó) đã “có công” giúp Trung Quốc trỗi dậy bằng chính sách “Constructive Engagement”, nên họ đã trở thành “quái vật Frankenstein” (theo lời cựu Tổng thống Richard Nixon). Trung Quốc còn tham vọng muốn thâu tóm Biển Đông làm bàn đạp để giúp họ thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, với quốc sách “Một vành đai, Một con đường”, nhằm vượt Mỹ để trở thành siêu cường đứng đầu thế giới. Đến lúc đó, nếu Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc thì chắc đã quá muộn (too little too late).

Một số học giả theo trường phái realism, nhưng lại thiếu thực tế về khu vực, vì họ chỉ quan tâm đến cân bằng lực lượng giữa các nước lớn (như megapowers), mà không thực sự quan tâm đến lợi ích các nước nhỏ trong khu vực (như micropowers). Họ không quan tâm (hoặc vô cảm) trước một thế giới mới với bản chất quyền lực đã thay đổi, và cấu trúc quyền lực đã chuyển dịch. Trong khi các megapowers bị suy tàn (decay) và mất dần quyền lực, thì các micropowers có vai trò ngày càng lớn hơn, không chỉ tại nước Mỹ mà còn khắp thế giới.

Trong khi hệ thống quyền lực chính thống (mainstream) bị suy tàn (như Moises Naim lập luận trong cuốn sách “the End of Power”), thì Trumpism (và Brexitism) là hiện tượng mới bất thường, đang làm đảo lộn thế giới. An ninh quốc tế ngày càng bất ổn, đặc biệt là tại Biển Đông, trước nguy cơ Trung Quốc trỗi dậy, bắt nạt các nước láng giềng yếu hơn và đòi thay đổi trật tự thế giới. Liệu “Trục người lớn” (Axis of Adults) có ngăn được Trump trở thành “Chump” (như Tom Friedman cảnh báo) có thể làm Trung Quốc (chứ không phải Mỹ) vĩ đại trở lại (making China great again). Theo Richard Haass (Council on Foreign Relations president), chính sách đối ngoại của Trump là tạm bợ (adhocracy), dựa trên ứng phó (improvisations).

Nói cách khác, liệu James Mattis, HR McMaster, Rex Tillerson… có đủ khôn ngoan và thực tế để không trở thành những chính khách realist ngộ nhân, lăp lại những sai lầm tai hại, nhân nhượng Trung Quốc quá đà, như chính phủ Chamberlain của Anh đã nhân nhượng Hitler bằng chính sách appeasement đầy tai tiếng trong lịch sử. Rốt cuộc, nhân nhượng kiểu Chamberlain không ngăn được nước Đức Phát xít thôn tính Châu Âu. Gần đây, phát biểu của James Mattis và Malcom Turnbull tại Shangri-La Dialogue (3/6/2017) là một dấu hiệu mới tích cưc là Mỹ và đồng minh bắt đầu cứng rắn hơn với Trung Quốc, không để Trump bị ngộ nhận mắc mưu Tập Cận bình, trao đổi vấn đề Biển Đông với vấn đề Bắc Triều Tiên.

Điều đáng chú ý là những dấu hiệu điều chỉnh thái độ của Mỹ và đồng minh (như Nhật, Úc, Ấn) trùng hợp với điều chỉnh thái độ của Việt Nam đang xích lại gần Mỹ và Nhật, qua hai chuyến đi Mỹ và Nhật gần đây của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thái độ của Hà Nội đã cứng rắn hơn về chủ quyền và thăm dò dầu khí tại Biển Đông, bất chấp đe dọa của Trung Quốc, muốn ép Hà Nội dừng hoạt động thăm dò dầu khí tại hai dự án nhạy cảm là Cá Voi Xanh (Blue whale) tại lô 118 (hợp tác với Exxon Mobil của Mỹ) và Cá Rồng Đỏ (Red Dragon Fish) tại lô 136-3 (hợp tác với Talisman của Úc/nay là Repsol của Tây Ban Nha).

Thay lời kết

Thái độ cứng rắn hơn của Hà Nội phản ánh kết quả của những hoạt động ngoại giao gần đây giúp tăng cường cam kết và hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt và Nhật-Việt, không chỉ liên quan đến chủ trương khai thác tài nguyên dầu khí tại Biển Đông (oil politics) mà còn liên quan đến trò chơi cân bằng quyền lực (power politics) trong tam giác Mỹ-Trung-Nhật. Một liên minh khu vực vì an ninh tập thể (a regional coalition for collective security) dựa trên nền tảng TPP, là một sự răn đe hiệu quả để duy trì hòa bình. Lời Mở đầu (Preamble) của Hiến chương UNESCO đã khẳng định, “Vì chiến tranh bắt đầu từ trong tâm thức con người, nên phải xây dựng phòng tuyến hòa bình ngay trong tâm thức con người” (Since wars begin in the minds of men, it is in the minds of men that the defenses of peace must be constructed).

Nếu Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và Nhật, thì quy chế đặc biệt về Cam Ranh giành cho đồng minh là tất yếu, làm bàn cờ Biển Đông thay đổi. Thời gian không còn nhiều để tiếp tục trò chơi bập bênh và đu dây, trong khi Biển Đông đang trở thành cái ao của Trung Quốc. Khi Alexander Vuving viết “Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới.” thì chắc chắn anh ấy nghĩ tới Trung Quốc. Chống lại nguy cơ đó, Mỹ không nhất thiết sa vào bẫy Thucydides như Graham Allison cảnh báo, mà ngược lại nhân nhượng Trung Quốc quá đà sẽ làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh. Trong khi người Trung Quốc đánh ván cờ Biển Đông theo lối cờ vây, vận dụng binh pháp Tôn Tử (Sun Tzu) thì người Mỹ và phương Tây không nên chỉ chấp vào học thuyết Clausewitz.

Nguyễn Quang Dy 

-----------------
Tham khảo

Ely Ratner, “The false choice of war or accommodation in the South China Sea”, Lowy Institute, 30 June 2017;

Hugh White, “South China Sea US policy must begin at home”, Lowy Institute, 26 June 2017

Ely Ratner, “Course Correction: How to Stop China’s Maritime Advance”, Foreign Affairs, July/August 2017)

Tom Friedman, “Trump Is China’s Chump”, New York Times, June 28, 2017

Doug Bandow, “Who Is Making U.S. Foreign Policy?”, National Interest, June 26, 2017

Lyle Goldstein, “The Main Problem with America’s Abundant South China Sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015.

Alexander Vuving, “Think again: Myths and Myopia about the South China Sea”, National Interest, October 16, 2015; 

Lyle Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths, National Interest, September 29, 2015;

Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016.

Nguyễn Quang Dy, “Trung Quốc CÓ THỂ làm gì ở Biển Đông? Viet-studies, 26/2/2016

(Viet-studies)




Một tàu chiến của Hoa Kỳ hôm Chủ Nhật đã áp sát hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc gọi hành động của Hoa Kỳ là "sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng", và nói sẽ áp dụng "mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".

Hình minh họa
Tàu USS Stethem tiến vào khu vực thuộc phạm vi 12 hải l‎ý của đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Hòn đảo nhỏ bé này cũng là nơi Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc gọi hành động của Hoa Kỳ là "sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng", và nói sẽ áp dụng "mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".

Hoạt động được gọi là "tự do đi lại" diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump theo kế hoạch sẽ có cuộc điện thoại đã được sắp xếp trước với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vừa trước đó ít hôm, Hoa Kỳ xác nhận vẫn bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt lên một số công ty trong ngành vận tải và ngân hàng của Trung Quốc "vì có hoạt động chống lệnh cấm vận" nhằm vào Bắc Hàn.

Hồi 2015, BBC đã nhìn thấy một đường băng mới của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn

Đây là lần thứ hai hoạt động "tự do đi lại" của hải quân Hoa Kỳ được thực hiện tại Biển Đông kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống.

Hồi tháng Năm, tàu USS Dewey đi vào khu vực chưa tới 12 hải lý cách hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trên Đá Vành Khăn (tên tiếng Anh là Mischief Reef) thuộc Quần đảo Trường Sa.

Trang tin USNI News thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ nói rằng tàu Dewey khi đó đã đi vào phạm vi cách Đá Vành Khăn 6 hải lý mà không thông báo trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau đó ít hôm nói rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo trong khu vực.

Một số nước đã có tranh chấp lãnh thổ với nhau trên Biển Đông từ hàng thế kỷ nay, nhưng căng thẳng đã liên tục dâng cao trong những năm gần đây.

Các hòn đảo và vùng nước ở Biển Đông hiện được Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ.

Bắc Kinh đã bồi đắp đảo nhân tạo trên các bãi đá và tiến hành tuần tra hải quân tại các vùng biển mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.


(BBC)

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

MỘT SỐ THÔNG TIN CẦN ĐƯỢC BẠCH HÓA VỀ NHÀ, ĐẤT, TÀI SẢN VÀ TIỀN CỦA ÔNG PHẠM SĨ QUÝ-GĐ SỞ TN-MT YÊN BÁI

Phạm Viết Đào.
Kết quả hình ảnh cho Phạm Sỹ quý
Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ đã chính thức có quyết định vào thanh tra về những thông tin liên quan tới tài sản, biệt phủ của ông Phạm Sĩ Quý-GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.
Qua thông tin báo chí lấy từ nguồn Sở TN-MT và do ông Phạm Sĩ Quý cung cấp thông qua hình thứ trả lời phỏng vấn, xin nêu một số vấn đề yêu cầu Đoàn thanh tra của Cục phòng chống tham nhũng cần đi sâu kiểm tra và có kết luận cụ thể:

A/ Về tài sản đất ở của gia đình ông Phạm Sĩ Quý
Căn cứ theo Mục 2, chương II, Điều 7 của Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký ban hành ngày 17/9/2014 quy định:
1. Hạn mức giao đất ở mới tại các phường
a) Đối với các thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có tên trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là không quá 250 m2;
b) Đối với các thửa đất tại các vị trí còn lại là không quá 300 m2…”
(https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Quyet-dinh-16-2014-QD-UBND-huong-dan-Luat-Dat-dai-Nghi-dinh-43-2014-ND-CP-Yen-Bai-251241.aspx )
Theo thông tin báo chí thì ông Phạm Sĩ Quý đã được cấp Giấy chứng nhận đất ở tại 3 vị trí ở phường Minh Tân của thành phố Yên Bái:
“- Theo bản kê khai tài sản của ông Quý đã được công bố công khai từ tháng 1-2017, gia đình ông Quý sở hữu một ngôi nhà tại tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ông Quý cũng kê khai có sở hữu một nhà tạm diện tích xây dựng 150m2, giá trị 200 triệu đồng đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ngoài ra ông còn sở hữu mảnh đất 1.000m2 trị giá 500 triệu đồng tại tổ 51 phường Minh Tân, TP Yên Bái đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trang trai diện tích 2ha giá trị 1 tỷ đồng…”
Thông tin mà báo Tuổi trẻ đưa theo Bản kê khai không chi tiết, lý ra phải cụ thể: Ngôi nhà ở 51 phường Minh Tân có tổng diện tích xây dựng 600 m2 này nằm trên lô đất được cấp quyền sử dụng đất ở là bao nhiêu m2 ?
Điều này cũng xảy ra tương tự với ngôi nhà thứ 2 có diện tích xây dựng 150 m2 ?
Như vậy, nếu bản kê khai tài sản với Sở Tài nguyên Môi trường ông Phạm Sĩ Quý đã khai như vậy; ông Quý đã không kê khai theo đúng quy định của Chính phủ. Vì theo quy định, là quan chức, ngoài việc kê khai nhà, ông Phạm Sĩ Quý phải chịu trách nhiệm kê khai số đất ở đang được cấp quyền sử dụng ?
Phải chăng Sở TN-MT đã sai khi yêu cầu ông Phạm Sĩ Quý làm thủ tục kê khai hay do ông Phạm Sĩ Quý cố tình lờ đi khi trả lời báo chí…Trong khi ông Quý là Giám đốc cái Sở quản lý chuyên ngành này ?
Người viết bài này không ở Yên Bái nên không rõ vị trí của 2 ngôi nhà và một biệt phủ của ông Phạm Sĩ Quý nằm ở khu vực phường Minh Tân thuộc khung định mức được giao đất ở là bao nhiêu ? Nhưng căn cứ vào Mục 2 Điều 7, thì  ông Phạm Sĩ Quý chỉ được cấp hạn mức quyền sử dụng đất ở từ 250-300 m2 đất ở ?
Nếu số đất ở trong các giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất ở của gia đình ông Phạm Sĩ Quý vượt hạn mức trên là vi phạm Quyết định 16 tức là vi phạm Luật Đất đai. Vì Quyết định 16 được BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU, KHOẢN CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2014/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI của UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI…”
Về 2 ngôi nhà mà ông Phạm Sĩ Quý kê khai không chi tiết về diện tích đất và hình ảnh khu nhà nên không rõ lắm; còn khu biệt phủ qua hình ảnh báo chí đưa thì chắc chắn diện tích xây dựng nhà ở vượt diện tích 300 m2 ?
Không rõ trong giấy phép xây dựng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cấp cho gia đình ông Phạm Sĩ Quý cụ thể thế nào, bằng mắt thường thì riêng khu biệt phủ này đã vi phạm Quyết định 16 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái…
Những điều này Đoàn thanh tra của Cục Phòng chống tham những phải chịu trách nhiệm thanh tra làm rõ  mấy điểm sau đây:
Thứ nhất: Ông Phạm Sĩ Quý phải chịu trách nhiệm giải trình với Đoàn thanh tra của Cục Phòng chống tham những những khuất tất về số diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức do Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái quy định trong Quyết định 16 ?
Thứ 2: Với mức lương, thu nhập của ông Phạm Sĩ Quý, Đoàn thanh tra phải có trách nhiệm yêu cầu ông Phạm Sĩ Quý bạch hóa nguồn tiền để xây dựng và mua được 4 ngôi nhà và 1 ôtô…?
Nếu ông Phạm Sĩ Quý giải trình theo hướng: do tài sản của vợ kinh doanh thì lợi nhuận kinh doanh này phải được thể hiện qua báo cáo quyết toàn thuế hàng quý, hàng năm của cái công ty do bà vợ đăng ký? Khó tin một người buôn thúng bán bưng có thể tích tụ được những khoản lãi làm nên 1 biệt phủ và 4 căn nhà ?
Nếu vợ ông Phạm Sĩ Quý kinh doanh có lợi nhuận cao, có tiền mua đất xây nhà mà lại lờ các thủ tục kê khai quyết toán thuế thì đây là hành động buôn lậu, trốn thuế ? 
Tấm gương khởi nghiệp của ông P.S.Q: Đi đánh giầy để xây biệt phủ  ?
( Bạn nào thạo photoshop chỉnh hộ ảnh này )
Còn như ông Quý nói do việc ông từng gia nhập đội quân đóng dày, đánh giày ở Hà Nội từ thời sinh viên, rồi thì tiền do nuôi cá, trồng cây cảnh thì khó tin có thể tịch lũy được vài chục triệu đừng nói đến trăm triệu ? ( Trả lời PV http://tuoitre.vn)
Thứ 3: ông Phạm Sĩ Quý giải trình là số tiền xây nhà mua đất là do vay mượn trong đó có vay ngân hàng 20 tỷ VNĐ ?
Loại trừ khoản vay theo kiểu tín chấp của người thân, đối với khoản vay ngân hàng 20 tỷ VNĐ thì theo quy định của Điều 12 của Quyết định số 217/QĐ-NH1 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước ký ngày ngày 17 tháng 8 năm 1996: để vay được khoản tiền 20 tỷ trên, vợ chồng ông Phạm Sĩ Quý phải có một khối lượng tài sản thế chấp tối thiểu trên 30 tỷ VNĐ…
Thực ra các ngân hàng thương mại hiện nay mới chỉ dám cho khách hàng vay một lượng tiền bằng 1/3 giá trị tài sản thế chấp thề mà nợ xấu còn đùn ra hàng trăm ngàn tỷ không giải được ?
Chả nhẽ ông Phạm Sĩ Quý thế chấp bằng cái ghế Giám đốc Sở TN-MT…Điều khuất tất này Đoàn thanh tra phải có trách nhiệm làm sáng tỏ ?!
Tóm lại, giải trình kiểu ông Quý là tự mình đẩy mình vào tình thế: Tiến thì mắc núi mà lùi thì mắc đầm lầy khó thoát lưới pháp luật. Trừ trường hợp Đoàn thanh tra của Cục Phòng chống tham nhũng à uôm, gà mờ về nghiệp vụ hoặc thông đồng để giải thoát cho ông Phạm Sĩ Quý…thì may ra ông Quý thoát…

B. Kiến nghị:
-1.Đoàn thanh tra Cục Phòng chống tham nhũng sau khi thanh tra nếu phát hiện số lượng m2 đất ở được cấp cho gia đình ông Phạm Sĩ Quý vượt mức được quy định tại Quyết định 16 của UBND tỉnh Yên Bái thì phải yêu cầu cơ quan ký cấp giấy chứng nhận hủy, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp vượt định mức;
-2/ Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của ông Phạm Sĩ Quý với cương vị GĐ Sở TN-MT là sở quản lý về đất đai mà người đứng đầu lại vị phạm pháp luật về đất đai…lại có các vi phạm kể trên…
Hiện nay, thị trường nhà đất loạn lên là do bởi sự đầu cơ của những quan chức như P.S.Q; Những người dân bình thường tích cóp cả đời mua 1 căn nhà đủ ở thì thôi...Chính do bởi sự làm loạn của đám quan chức đầu trộm đuôi cướp nên người dân bình thường khi mua nhà phải cắn răng gánh chịu giá ảo...
-3/ Làm rõ khoản tiền 20 tỷ VNĐ vay ngân hàng của ông Phạm Sĩ Quý đã thông tin với báo Tuổi trẻ: Ngân hàng nào đã vi phạm Quyết định 217 về việc thế chấp cho vay hay ông Phạm Sĩ Quý còn có một nguồn tài sản lớn trên 30 tỷ VNĐ nhưng đã không chịu kê khai với chính quyền như đã khai với báo Tuổi trẻ ?
Qua trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ cho thấy tín hiệu ông Phạm Sĩ Quý đã tính tới bỏ ghế, bỏ chức mà chạy lấy người…chước chuồn được đúc kết trong binh pháp Tôn tử…

P.V.Đ.

Tọa đàm 'nóng' vụ thanh tra "biệt phủ" Yên Bái | VTC1

CÁC CƠ QUAN TW Ở BA ĐÌNH SẼ ĐÀO ĐƯỜNG HẦM ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH NHƯ DINH ĐỘC LẬP THỜI ÔNG DIỆM, ÔNG THIỆU; Phát hiện hầm ngầm bí mật, Mỹ tin Nga đang chuẩn bị chiến tranh

Sẽ xây đường hầm nối các cơ quan trong khu chính trị Ba Đình

NGÀY XƯA ÔNG DIỆM, ÔNG THIỆU ĐÀO ĐƯỜNG HẦM LÀ DO SỢ VC VÀ CÁC TƯỚNG LĨNH ĐẢO CHÍNH...BÂY GIỜ CÁC BÁC Ở BA ĐÌNH ĐỂ PHÒNG AI MÀ ĐÀO HẦM LIÊN THÔNG NHỈ ?

Sẽ có 3 bộ phải di dời trụ sở làm việc hiện tại ra khỏi khu trung tâm chính trị Ba Đình...

Sẽ xây đường hầm nối các cơ quan trong khu chính trị Ba Đình
Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch, xây dựng các phương án di dời khu dân cư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai thực hiện quy hoạch này.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội), tỷ lệ 1/2.000.

Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng mục tiêu, nhu cầu làm việc ổn định lâu dài cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan.

Ba bộ phải di dời

Ngoài mục tiêu tạo dựng một khu làm việc quy mô, quan trọng cho các cơ quan Trung ương, quy hoạch cũng nhằm bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng từ 105 ha lên 134,5 ha, được giới hạn bởi phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.

Đáng chú ý, theo quyết định của Thủ tướng, sẽ có 3 bộ phải di dời trụ sở làm việc hiện tại ra khỏi khu trung tâm chính trị Ba Đình, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt.

Thủ tướng chỉ đạo cơ sở vật chất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê sẽ chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc. Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Quyết định cũng nêu rõ, bảo tồn nguyên trạng tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, chuyển giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý, sử dụng sau khi trụ sở mới của Bộ Ngoại giao hoàn thành.

Với khu dân cư phía Bắc Văn phòng Chính phủ, di dời toàn bộ các hộ dân để mở rộng hoàn thiện không gian công viên ven Hồ Tây và khai thác không gian ngầm làm khu dịch vụ và đỗ xe chung. Khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, di dời các hộ dân nhằm hoàn thiện không gian cho các cơ quan Chính phủ và Chủ tịch nước; đối với khu tập thể Bộ Công an, di dời toàn bộ các hộ dân. Diện tích sau di chuyển, chuyển cho Trung đoàn 600 của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quản lý.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng yêu cầu di dời toàn bộ các hộ dân cư khu tập thể Trung đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh Lăng; di dời các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân; giải tỏa khu nhà phía Nam thảm cỏ quảng trường Ba Đình đến khu vực khác phù hợp quy hoạch của thành phố.

Với các cơ quan ngoại giao, bảo tồn tôn tạo các công trình kiến trúc cũ kiểu Pháp. Ổn định cấu trúc không gian như hiện nay, không cho phép xây dựng xen cấy công trình cao tầng và làm biến dạng công trình kiến trúc nguyên gốc. Chỉnh trang cảnh quan và cải thiện môi trường. Tương lai một số biệt thự sẽ chuyển thành nhà công vụ.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành công viên văn hóa lịch sử.

Các khu như di tích Phủ chủ tịch; Bảo tàng Hồ Chí Minh; nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chùa Một Cột, bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc, khuôn viên có thể cho phép cải tạo chỉnh trang. Riêng Viện 69 sẽ được cải tạo nâng cấp, đảm bảo chức năng hoạt động và cảnh quan chung của khu vực. Không tăng chiều cao công trình.

Sẽ xây đường hầm nối các cơ quan

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, sẽ điều chỉnh mạng lưới đường tại khu vực này. Cụ thể, đường Độc Lập mở rộng về phía ô cỏ quảng trường lên quy mô mặt cắt 30 m. Bổ sung nhánh nối thông với đường Bà Huyện Thanh Quan, tổ chức nút giao thông Điện Biên Phủ, Độc Lập, Chu Văn An.

Đường Hùng Vương đoạn qua công viên Mai Xuân Thưởng được mở rộng lên mặt cắt 40 m, nối với đường Thanh Niên. Đường Ngọc Hà, đoạn qua Trụ sở cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng mở rộng về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô mặt cắt ngang là 25 m, lòng đường 15 m, hè hai bên 5 m.  Đường Tôn Thất Đàm được thông tuyến nối kết với đường Bắc Sơn.

Với nút giao thông Mai Xuân Thưởng, hoàn thiện khép kín đường ven hồ Tây, mở rộng đường Thanh Niên về phía vườn hoa Lý Tự Trọng, bổ sung làn đường nối với đường Thụy Khuê và đường ven hồ Tây.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thiết kế hệ thống đường hầm kết nối các cơ quan quan trọng trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, phục vụ nhu cầu an ninh và quốc phòng.

Cùng với đó, xây dựng bãi đỗ xe tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay có diện tích khoảng 0,63 ha. với sức chứa 600 xe; xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại vị trí phía Tây công viên Bách Thảo quy mô diện tích 0,25 ha, sức chứa đỗ 230 xe...

Ngoài ra, sẽ tổ chức các tuyến đi bộ phục vụ khách tham quan Lăng Bác đoạn phố Chùa Một Cột và đoạn đầu phố Hùng Vương - Lê Hồng Phong, có lộ trình kế hoạch chuyển một số tuyến đường thành tuyến phố đi bộ như Chùa Một Cột, một đoạn phố Ông Ích Khiêm, đường Điện Biên Phủ, đoạn từ nút giao với đư¬ờng Trần Phú đến nút giao với đường Tôn Thất Đàm...

Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch, xây dựng các phương án di dời khu dân cư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai thực hiện quy hoạch này.

(http://vneconomy.vn/bat-dong-san/se-xay-duong-ham-noi-cac-co-quan-trong-khu-chinh-tri-ba-dinh-20131212104124446.htm)

Phát hiện hầm ngầm bí mật, Mỹ tin Nga đang chuẩn bị chiến tranh

Tiền Phong  1 đăng lại 2 liên quan
Liên bang Nga hiện sở hữu hai hầm hạt nhân lớn nằm sâu 300 mét dưới lòng đất Moscow, có thể chứa tới 10.000 người.

Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 1
Ảnh: Express
Trên đây là nhận định của Lầu Năm Góc và được tờ TheTimes trích dẫn.
Theo đó, giới quân sự Mỹ cho rằng, Điện Kremlin dường như đang chuẩn bị cho “trận Armageddon” *.
“Moscow lo ngại những nỗ lực của Mỹ đe dọa nền tảng quyền lực của Điện Kremlin bởi những tư tưởng cổ xúy cho việc can thiệp nước ngoài vào công việc nội bộ của Nga”, báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ chỉ ra.
Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 2
Nga – Mỹ và nguy cơ đối đầu quân sự
Trong trường hợp xấu nhất, quan hệ hiện tại giữa Nga và Mỹ sẽ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức công bố một báo cáo về Nga và làm người ta nghĩ đến sự hoang tưởng của thời kỳ đó.
Những tài liệu tương tự về tiềm năng quân sự của Liên Xô được soạn hàng năm trong giai đoạn 1981-1991, theo giới quân sự Mỹ, “đã tới lúc tiếp tục trở lại” khi Nga xuất hiện ngày càng mạnh mẽ trên sân khấu chính trị thế giới.
Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ nhấn mạnh, ở Nga còn tồn tại hai mạng lưới hầm trú ẩn sâu được nối bằng đường sắt. Một hầm ngầm được cho là nằm dưới Điện Kremlin, khu hầm ngầm thứ hai cách không xa Đại học quốc gia Moscow.
Những cơ sở này sẽ phục vụ cơ quan chỉ huy nhà nước trong thời chiến. Từ đây, các nhà lãnh đạo có thể di chuyển đến các hầm ngầm chỉ huy khác bên ngoài thủ đô và ở Vnukovo.
Ngoài ra, Mỹ còn phát hiện hai tổ hợp ngầm khác ở phía nam Moscow khoảng 60 km.
Giới chức lãnh đạo Nga luôn phủ nhận sự tồn tại của các hệ thống hầm ngầm bí mật trên, và chỉ thừa nhận có những hầm ngầm nằm ở trung tâm thủ đô, được xây dựng trong những năm 1930, một số khác được xây trong những năm 1950, đến nay vẫn duy trì trạng thái hoạt động.
Từ “Armageddon” xuất phát từ tiếng Do Thái “Har- Magedone”, có nghĩa là “Núi của Megiddo”. Từ này đã trở thành đồng nghĩa với cuộc chiến tương lai trong đó Thiên Chúa can thiệp và phá hủy quân đội của Antichrist, như đã được nêu trong lời tiên tri Thánh (Apocalypse 16 : 16, 20 : 1-3 , 7-10).
Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 3
Nga: Mỹ đặt nền móng cho cuộc xâm lược Syria
Trong khi tuyên bố kế hoạch tiến hành vụ tấn công hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Mỹ đã đặt nền tảng cho sự xâm lược quân sự chống lại nước Syria có chủ quyền.
Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 4
Nga – Mỹ và nguy cơ đối đầu trực diện ở Syria
Trong bài viết trên tờ The Guardian, Mary Dejevsky nhận xét rằng sự tranh giành ảnh hưởng giữa Moscow và Washington trên thế giới làm tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh quy mô lớn, có thể bùng lên do hậu quả của một sự cố ngẫu nhiên nào đó.
Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 5
Sự cố Su-22 và sóng gió nổi lên trong quan hệ Nga - Mỹ
Tưởng rằng quan hệ Nga - Mỹ sớm đơm hoa kết trái sau khi ông Donal Trump tiếp quản Nhà Trắng. Tuy nhiên, một loạt các động thái của Washington và Moscow trên chiến trường Syria thời quan qua cho thấy, Mỹ và Nga đang có những toan tính cho riêng mình trên chiến trường Syria.
Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 6
Chiến tranh Lạnh mới và cuộc đấu trí giữa tướng lĩnh Nga – Mỹ
Tờ Wall Street Journal cho rằng Chiến tranh Lạnh mới giữa Moscow và Washington đã bắt đầu và có thể dẫn đến sự đối chọi giữa những tướng lĩnh xuất sắc bậc nhất của Nga và Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Phat hien ham ngam bi mat, My tin Nga dang chuan bi chien tranh - Anh 7
Quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất lịch sử
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, tuy nhiên ông không nhất trí đóng các kênh đàm phán với Nga.
Tùng Dương