Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Sự sụp đổ của trật tự thế giới tự do

Posted on  by The Observer

Print Friendly
libdeath
Nguồn: Stephen M. Walt, “The Collapse of the Liberal World Order,” Foreign Policy, 26/06/2016.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Có một thời gian – trong những năm 1990 – rất nhiều người khôn ngoan và nghiêm túc tin rằng các trật tự chính trị tự do là làn sóng của tương lai và chắc chắn sẽ bao trùm lên phần lớn địa cầu. Mỹ và các đồng minh dân chủ của nó đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và sau đó là chủ nghĩa cộng sản, được cho là đưa nhân loại đến “điểm tận cùng của lịch sử.” Liên minh châu Âu có vẻ là một thử nghiệm táo bạo về chủ quyền chung, điều đã giúp chấm dứt chiến tranh tại phần lớn châu Âu. Quả thật, nhiều người châu Âu tin rằng sự kết hợp độc đáo các thể chế dân chủ, hội nhập thị trường, pháp quyền, và các đường biên giới mở của họ đã khiến “quyền lực dân sự” của châu Âu trở thành đối trọng tương xứng, nếu không muốn nói là ưu việt hơn, thứ “quyền lực cứng” thô của Mỹ. Về phần mình, Mỹ cam kết “mở rộng phạm vi của chế độ dân chủ,” loại bỏ những kẻ chuyên quyền phiền phức, củng cố “nền hòa bình nhờ dân chủ,” và từ đó mở ra một trật tự thế giới nhân từ và bền vững.
Như bạn có thể nhận thấy, sự lạc quan cuồng nhiệt của những năm 1990 đã nhường đường cho cảm giác bi quan ngày càng lớn – thậm chí sự báo động – về trật tự tự do hiện tại. Roger Cohen của tờ The New York Times, một nhà tự do chủ nghĩa sâu sắc và tận tâm, tin rằng “các lực lượng của sự tan rã đang trên đà tiến tới” và “những nền tảng của thế giới hậu chiến… đang lung lay.” Một bản sách trắng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 4 cảnh báo rằng trật tự thế giới tự do “đang bị thách thức bởi nhiều thế lực – các chính phủ chuyên chế mạnh và các phong trào bảo căn chủ nghĩa phản tự do.” Và trên tạp chí New York, Andrew Sullivan cảnh báo rằng chính nước Mỹ cũng có thể bị đe dọa bởi vì nó đã trở nên “quá dân chủ.”
Những nỗi sợ như vậy là điều dễ hiểu. Ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập – và thậm chí ở ngay tại Mỹ – người ta đang chứng kiến hoặc chủ nghĩa chuyên chế hồi sinh hoặc một khát khao có một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” với những hành động táo bạo để quét sạch những bất mãn hiện nay. Theo chuyên gia về dân chủ Larry Diamond, “từ năm 2000 đến năm 2015, các nền dân chủ đã đổ vỡ tại 27 quốc gia,” trong khi “nhiều chế độ chuyên chế hiện tại đã trở nên ít cởi mở, thiếu minh bạch, và ít đáp ứng các công dân của họ hơn.” Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời EU; Ba Lan, Hungary, và Israel đang đi theo các phương hướng phi tự do; và một trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ sắp đề cử một ứng cử viên tổng thống công khai miệt thị sự khoan dung vốn là trung tâm của một xã hội tự do, liên tục bày tỏ những niềm tin phân biệt chủng tộc và những lý thuyết âm mưu vô căn cứ, và thậm chí còn nghi ngờ ý tưởng về một nền tư pháp độc lập. Với những người trung thành với những lý tưởng tự do cốt lõi, đây không phải là khoảng thời gian hạnh phúc.
Có thể tôi có quan điểm hiện thực chủ nghĩa về chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại, nhưng tôi không hề có bất cứ niềm vui nào trước những diễn biến ấy. Như Robert Gilpin, “nếu bị ép buộc thì tôi sẽ mô tả mình là một nhà tự do chủ nghĩa trong một thế giới hiện thực chủ nghĩa,” tức là tôi đánh giá cao những phẩm chất của một xã hội tự do, biết ơn vì được sống trong một xã hội như thế, và cho rằng thế giới trên thực tế sẽ là một nơi tốt hơn nếu các thể chế và các giá trị tự do được áp dụng rộng rãi hơn – thậm chí phổ quát. (Tôi nghi ngờ sâu sắc về khả năng tăng tốc tiến trình ấy của chúng ta, đặc biệt là bằng lực lượng quân sự, nhưng đó là một vấn đề khác.) Do đó mọi chuyện sẽ hoàn toàn tốt đẹp với tôi nếu những hy vọng trước đây của các nhà tự do chủ nghĩa đã trở thành hiện thực. Nhưng chúng chưa hề, và điều quan trọng là phải xem xét tại sao.
Vấn đề đầu tiên là các nhà bảo vệ chủ nghĩa tự do đã quá đề cao sản phẩm của họ. Chúng ta được bảo rằng nếu các nhà độc tài tiếp tục ngã ngựa và nhiều nhà nước tổ chức các cuộc bầu cử tự do, bảo vệ tự do ngôn luận, thực thi pháp quyền, chấp nhận các thị trường cạnh tranh, và tham gia EU và/hoặc NATO, thì một “vùng hòa bình” rộng lớn sẽ được tạo ra, thịnh vượng sẽ lan rộng, và bất kỳ bất đồng chính trị kéo dài nào cũng sẽ dễ dàng được giải quyết trong khuôn khổ của một trật tự tự do.
Khi mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như thế, và khi một số nhóm trong các xã hội tự do ấy trên thực tế lại bị tổn hại trước những diễn tiến này, một mức độ phản ứng nhất định là không thể tránh khỏi. Thậm chí giới tinh hoa ở nhiều nước tự do còn mắc một số sai lầm nghiêm trọng, bao gồm việc tạo ra đồng euro, xâm lược Iraq, nỗ lực sai lầm trong việc kiến thiết đất nước ở Afghanistan, và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng cùng những sai lầm khác đã góp phần làm suy yếu tính chính danh của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh, mở cửa cho các thế lực phi tự do, và khiến một số nhóm xã hội dễ bị những lời kêu gọi của chủ nghĩa bản địa “tấn công”.
Những nỗ lực truyền bá một trật tự thế giới tự do cũng phải đối mặt với sự phản đối như được dự đoán từ các nhà lãnh đạo và các nhóm người bị đe dọa trực tiếp bởi những nỗ lực của chúng ta. Ví dụ, khó mà ngạc nhiên được khi Iran và Syria đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ ở Iraq, bởi chính quyền George W. Bush đã nêu rõ những chế độ ấy cũng nằm trong danh sách tấn công của họ. Tương tự, tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cho rằng những nỗ lực truyền bá các giá trị “tự do” của phương Tây là mối đe dọa, hay tại sao họ đã thực hiện nhiều bước khác nhau để ngăn chặn chúng, có khó hiểu hay không?
Các nhà tự do chủ nghĩa cũng quên rằng các xã hội tự do thành công đòi hỏi không chỉ các thể chế dân chủ hình thức. Chúng cũng phụ thuộc vào một cam kết sâu rộng với các giá trị nền tảng của một xã hội tự do, đáng chú ý nhất là sự khoan dung. Tuy nhiên, như những sự kiện ở Iraq, Afghanistan, và một số nơi khác đã chứng minh, viết một bản hiến pháp, thành lập các đảng chính trị, và tổ chức các cuộc bầu cử “tự do và công bằng” sẽ không tạo ra một trật tự tự do đích thực trừ khi cá nhân và các nhóm trong xã hội cũng theo đuổi các quy chuẩn tự do chủ chốt. Dạng cam kết văn hóa và chuẩn tắc này không thể được xây dựng qua một đêm hay áp đặt từ bên ngoài, và chắc chắn không phải bằng những máy bay không người lái, các lực lượng đặc nhiệm, và những công cụ bạo lực khác.
Một điều rất rõ ràng khác là các nhà tự do chủ nghĩa hậu Chiến tranh lạnh đã đánh giá thấp vai trò của chủ nghĩa dân tộc và các hình thức bản sắc địa phương khác, bao gồm chủ nghĩa bè phái, sắc tộc, các liên kết bộ lạc, v.v… Họ cho rằng những niềm tin nguyên thủy như vậy sẽ chết dần, bị giới hạn trong các biểu đạt phi chính trị, văn hóa, hoặc được cân bằng và quản lý một cách khéo léo trong các thể chế chính trị được thiết kế tốt.
Nhưng hóa ra nhiều người ở nhiều nơi vẫn quan tâm đến bản sắc dân tộc, thù hằn lịch sử, biểu tượng lãnh thổ, và các giá trị văn hóa truyền thống nhiều hơn quan tâm đến “tự do” như định nghĩa của các nhà tự do chủ nghĩa. Và nếu Brexit có nói với chúng ta điều gì, thì đó là một số cử tri (đa phần là người lớn tuổi) dễ dàng lay động trước những sức hút như vậy hơn là trước những cân nhắc mang tính duy lý kinh tế thuần túy (ít nhất là cho đến khi họ cảm nhận được những hệ quả). Chúng ta có thể cho rằng những giá trị tự do của mình có giá trị phổ quát, nhưng đôi lúc những giá trị khác sẽ đánh bại chúng. Những tình cảm truyền thống như vậy sẽ xuất hiện đặc biệt lớn khi sự thay đổi xã hội diễn ra nhanh chóng và khó đoán, và nhất là khi các xã hội từng thuần nhất buộc phải thu nạp và đồng hóa những người có nền tảng khác và phải làm điều đó trong thời gian ngắn. Các nhà tự do chủ nghĩa có thể nói tất cả những gì họ muốn về tầm quan trọng của sự khoan dung và những phẩm chất của chủ nghĩa đa văn hóa (và tôi đồng tình với họ), nhưng thực tế là pha trộn các nền văn hóa trong một chính thể duy nhất chưa bao giờ là trơn tru hay đơn giản. Những căng thẳng kéo theo sẽ có lợi cho các nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn bảo vệ các giá trị “truyền thống” (hoặc “làm đất nước vĩ đại trở lại.”) Hoài niệm không còn như trước đây, nhưng vẫn có thể là một ẩn dụ chính trị đáng gờm.
Quan trọng nhất, các xã hội tự do ngày nay gặp rắc rối là do chúng dễ bị tổn thương khi bị tấn công bởi các nhóm hoặc cá nhân đang lợi dụng chính những tự do vốn là nền tảng của các xã hội tự do. Như Donald Trump đã chứng tỏ cả năm nay (và như Jean-Marie Le Pen, Recep Erdogan, Geert Wilders, và những “con buôn chính trị” khác thể hiện trong quá khứ), các nhà lãnh đạo hoặc các phong trào mà sự cam kết với các nguyên tắc tự do của họ hời hợt đều có thể lợi dụng các nguyên tắc của xã hội mở và sử dụng chúng để tập hợp một đám đông ủng hộ. Và không gì trong một trật tự dân chủ có thể đảm bảo những nỗ lực như vậy sẽ luôn thất bại.
Trong thâm tâm, tôi cho rằng điều này giải thích tại sao rất nhiều người ở Mỹ và ở châu Âu đang tuyệt vọng muốn Chú Sam tiếp tục can dự đầy đủ vào châu Âu. Đó không hẳn là vì nỗi sợ về một nước Nga đang suy thoái nhưng vẫn quyết đoán; mà là nỗi sợ của họ về chính châu Âu. Các nhà tự do chủ nghĩa muốn châu Âu tiếp tục hòa bình, khoan dung, dân chủ, và nằm trong khuôn khổ EU, và họ muốn kéo các nước như Gruzia hay Ukraina rốt cuộc sẽ can dự sâu hơn vào vòng tròn dân chủ của châu Âu. Nhưng trong thâm tâm, họ không tin người châu Âu có thể quản lý tình hình này, và họ sợ rằng tất cả sẽ suy thoái nếu cái “núm vú giả của Mỹ” bị cắt bỏ. Bất chấp tất cả những phẩm chất giả định của chủ nghĩa tự do, rốt cuộc những người bảo vệ nó không thể rũ bỏ mối nghi ngờ rằng phiên bản chủ nghĩa tự do châu Âu quá mong manh đến mức nó cần sự hỗ trợ từ Mỹ. Ai mà biết được? Có thể họ đúng. Nhưng trừ khi bạn nghĩ rằng Mỹ có nguồn lực vô hạn và sự sẵn lòng vô bờ bến để trợ cấp cho việc phòng thủ các nước giàu khác, thì vấn đề là: những ưu tiên toàn cầu nào khác là thứ mà các nhà tự do chủ nghĩa sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những gì còn lại của trật tự châu Âu?
Stephen M. Walt là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Quản trị Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Xem thêm:

Các nước nhập cát mở rộng lãnh thổ, Việt Nam đổ bán rẻ mạt

02/07/2017  19:00 GMT+7

Bộ Tài chính cho rằng không nên xuất khẩu cát nhiễm mặn vì mặt hàng này không chỉ là khoáng sản mà còn là nền móng hình thành lên lãnh thổ quốc gia.
Góp ý với đề xuất xuất khẩu cát nhiễm mặn thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng, Bộ Tài chính cho rằng nên cân nhắc.
Ảnh minh họa
Theo quy định của Bộ Xây dựng, cát nhiễm mặn thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng không được phép xuất khẩu (trừ các dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép, địa phương không có nhu cầu sử dụng).
Theo Bộ Tài chính, mặt hàng này không chỉ là khoáng sản hay là vật liệu để sử dụng trong xây dựng và san lấp mặt bằng của các công trình xây dựng mà còn là nền móng hình thành lên lãnh thổ quốc gia, không phải là nguồn tài nguôn vô hạn. Trong khi đó, trong nước cũng có nhu cầu về sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu để san lấp, bồi đắp.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần ưu tiên nhu cầu sử dụng trong nước trong bối cảnh các nước trong khu vực thu mua cát để bồi đắp, mở rộng lãnh thổ thì nước ta lại xuất khẩu mặt hàng này với giá trị thấp.
“Trường hợp nhu cầu trong nước tại thời điểm này chưa sử dụng thì nên tính đến phương án dự trữ làm nguồn sử dụng lâu dài, tránh việc phải nhập khẩu trong tương lai như hiện trạng của một số mặt hàng khoáng sản hiện nay”, Bộ Tài chính lưu ý.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành liên quan đánh giá tác động môi trường của hoạt động khai thác nạo vét cát nhiễm mặn khơi thông luồng tại một số cảng biển thời gian vừa qua. Trong đó phải đánh giá được mức độ, khả năng gây biến đổi môi trường sinh thái khu vực khai thác cát, khả năng xảy ra sạt lở, sụt lún bờ, nền đất tại các khu vực lân cận nơi nạo vét, khai thác cát để có phương án đảm bảo an toàn, môi trường và dân sinh phù hợp.
L.Bằng

Có một ông bố như Nguyễn Đình Thi, cũng mệt lắm chứ!

15:48 ngày 11 tháng 08 năm 2007

TP - Nguyễn Đình Chính tuổi Bính Tuất (1946). Bính biến vi tù, có lẽ ứng vào việc Chính bị giam trong cái bóng của người cha tài hoa nổi tiếng là nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Mặc dù Chính đã cho ra đời nhiều cuốn sách hay như Đá xanh ở thung lũng cháy, Con phù du cánh mỏng, Sương mù ký ức với lối văn suy tưởng nhẹ nhàng đẹp như văn Saint Exupéry, Chính từng là tác giả kịch bản của những bộ phim truyện khá hay như Rừng lạnh, Hồi chuông màu da cam, Bãi biển đời người... nhưng tên tuổi Chính vẫn bị chìm đi dưới cái tên của bố.
Thế rồi, vào những ngày cuối cùng của thế kỷ hai mươi, Chính tung ra tiểu thuyết Đêm thánh nhân làm rung động văn đàn, đáng chú ý là trong đó có nhiều độc giả lớp cha anh, khiến nhà văn Nguyễn Đình Thi sau cơn sốc ban đầu thấy con mình đang phá hỏng ngôn ngữ, đã phải thừa nhận “Về tiểu thuyết Chính đi xa hơn bố nhiều lắm!”.
Phải chăng từ đó, có thể nói Nguyễn Đình Chính đã tự giải phóng mình khỏi cái bóng của người cha để bước song hành bên ông như một nhà văn độc lập có bản lĩnh riêng và bút pháp riêng ? Nhưng chưa mấy ai biết Chính là một đứa con mạnh mẽ và hiếu thảo, vừa thương yêu bố vừa nghiêm khắc với bố...
Chạy khỏi cái bóng của bố là một điều khó khăn
Anh có cảm thấy áp lực của tên tuổi bố đè nặng lên cuộc sống và sáng tác của mình không?
Có một ông bố như Nguyễn Đình Thi, cũng mệt lắm chứ! Mười người yêu ông ấy thì chắc cũng yêu tôi. Nhưng mười người ghét ông ấy cũng sẽ từng ấy người ghét tôi. Mà tôi còn nói thẳng với ông là con sợ rằng người ghét bố còn nhiều hơn người yêu bố!
Có những người tôi chẳng quen biết gì, khi gặp tôi thái độ rất hằn học, hóa ra là họ ghét ông Thi. Có thể nói thẳng là áp lực của các ông bố thành danh như Nguyễn Đình Thi  đè lên con cháu nhiều hơn là cơ hội. - Chính cười - Tôi nói thật, nếu tôi không phải con ông Thi, mà con một nông dân nào đó thì có khi lại được lăng-xê lên tận đẩu đâu ấy chứ!
Vậy anh có ý thức chạy khỏi cái bóng của bố mình không?
Chạy khỏi cái bóng ông ấy là một vấn đề rất khó khăn vì Nguyễn Đình Thi cùng với các ông Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng...tiêu biểu cho phương pháp sáng tác của một thời. Ông Thi có kể với tôi là các ông ấy họp và chia nhau viết về các mảng hiện thực.
Nguyễn Đình Thi viết về nông thôn cách mạng, Nguyên Hồng viết về thành phố Cảng, Võ Huy Tâm viết về vùng mỏ, rồi Nguyễn Tuân viết gì, Đồ Phồn viết gì... Có thể nói các vị ấy đã thành công tạo lập được nền móng cho văn học hiện thực XHCN, gây ảnh hưởng đến cách viết của thế hệ sau.
Theo tôi, ngay cả thế hệ Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu cũng chưa thoát khỏi cái bóng của thế hệ trước. Thế hệ tôi lại bị sức ép từ hai thế hệ trên nên những Lê Lựu, Triệu Bôn, Đỗ Chu... đều không thoát khỏi lối sáng tác  văn chương còn nhiều công thức.
Anh có bao giờ nói những nhận xét đó với nhà văn Nguyễn Đình Thi không?
Có chứ! Tôi bảo thế hệ bố viết văn còn có nhiều cái giả. Như ở cuốn Mặt trận trên cao bố kể chuyện anh lính về phép thăm người yêu, bố cho anh ấy trải bạt dưới đất ngủ trong khi cô người yêu ngủ trên giường, để tỏ ra ta đây đạo đức.
Ở đây chỉ có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là anh ta bị bệnh, hoặc anh ta là người bình thường nhưng giả. Sex là một cái gì rất đẹp, nhất là trong tình yêu. Vậy mà bố để nhân vật nhìn nó như một cái gì xấu xa. Thế là đạo đức giả. Nó gắn với phương pháp sáng tác mà bọn con phải vượt qua.
Vậy là vượt qua cái bóng của bố trước hết là vượt qua những hạn chế về sáng tác. Nhưng bằng cách nào?
Bằng cách làm ngược lại với các ông ấy! Nghĩa là viết thoải mái, viết bằng vô thức, viết nhằm truyền đạt cảm xúc của đời sống, lột tả những xao xuyến sâu thẳm của kiếp người chứ không phải để nói ý nghĩa, để minh họa hay tuyên truyền. Tiểu thuyết Đêm thánh nhân thể hiện rõ nhất quan điểm sáng tác của tôi...
Chức năng của văn nghệ là chống đạo đức giả
Đêm thánh nhân được NXB Văn học in ra năm 1999 và tái bản năm 2006 dưới tiêu đề Ngày hoàng đạo, là cú lên đồng hoành tráng của Nguyễn Đình Chính để nhập vào hồn vía của những kiếp người dưới đáy.
Cả bộ tiểu thuyết ngàn trang không có một dấu phẩy, thể hiện sinh khí của đời sống qua lối văn nói liền mạch xông xáo miên man giống như kẻ đi hoang, băng qua những rào cản quy ước chỉ có giá trị lúc bình thường.
Ngược với bố ngày xưa cho nhân vật trải bạt dưới đất nằm ngủ để giữ gìn, Chính đã giải phẫu một thời  qua ngàn lẻ một những hành vi tình  dục nhếch nhác, thảm hại, quái dị, dơ bẩn, đểu cáng, dung tục, đồi bại, tội nghiệp, đáng thương.
Nhà văn Trần Kim Thành bảo Chính: “Tôi đọc hai lần Đêm thánh nhân, thấy ông lên đồng suốt cả ngàn trang, kinh quá!”. Đám trẻ @ cũng thích văn của Chính. Có cô bé mê văn, viết thư hẹn gặp nói chuyện ở quán cafe, dặn cháu mặc áo màu này, tóc để thế kia, để nhận ra nhau. Cứ như là hò hẹn của đám trẻ con làm quen nhau trên mạng ấy!
Ông Đinh Nho Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đọc xong Đêm thánh nhân tìm đến nhà Chính tự giới thiệu là độc giả muốn nói chuyện về tác phẩm với tác giả. Chính bảo, bác là bạn ông Thi, tôi là hạng con cháu viết kiếm tiền nuôi các con ấy mà có gì đáng bàn đâu.
Thế là ông ấy đứng phắt dậy nói: “Tôi học cùng anh Thi, chúng tôi đều học giỏi nhất trường. Tôi biết ba ngoại ngữ, tôi từng là Đại sứ ở Liên Xô. Tôi đến muốn nói chuyện nghiêm túc với anh về tác phẩm Đêm thánh nhân”. Nghe thế, Chính vội xin lỗi. Ông Liêm bảo: “Đọc xong Đêm thánh nhân có một cảm giác không bình thường, lạ lắm, thấy như đất chuyển dưới chân”.
Có phải Đêm thánh nhân được anh sáng tác bằng cảm hứng phê phán thói đạo đức giả nên nó có sức lay động mạnh mẽ?
Đúng vậy. Một trong những đe dọa rất lớn của xã hội mình là thói đạo đức giả. Tôi cho rằng chỉ có văn học nghệ thuật mới đủ sức mạnh phanh phui, lật tẩy thói đạo đức giả trong đời sống xã hội, làm cho người đọc nhìn nhận ra nó, cười giễu và chia tay nó. Chức năng của văn nghệ là chống đạo đức giả.
Thế ông Nguyễn Đình Thi nhận xét thế nào?
Ông Thi đọc bản thảo tập I năm 1990, trước khi nó được in bảy, tám năm. Ông không chịu được, cho là mình phá hỏng ngôn ngữ và viết về lớp trước có những chỗ hết sức nặng nề.
Ông bảo: “Trước đây Chính viết văn tử tế, những tác phẩm như Đá xanhở thung lũng cháy, Con phù du cánh mỏng rất hay. Tại sao bây giờ Chính lại có thể viết cẩu thả như thế, phá hỏng hết cả ngôn ngữ?”.
Tôi bảo, bố học tiếng Pháp nên văn chương chỉn chu, đúng ngữ pháp kiểu văn Tây, công nhận đó là văn hay, nhưng không phải văn của cuộc đời. Văn ấy chỉ truyền đạt được thông tin ý nghĩa, không bao giờ  truyền đạt được cảm xúc.
Ông Thi giận lắm, bảo tôi ác khẩu. Nhưng sau khi đọc lại, rồi nghe Anh Chi, Trần Đăng Khoa khen thì ông mới đổi ý. “Bố đọc lại rồi, đúng là văn của Chính rậm hơn, đời hơn. Văn của bố nó quang”. Lúc ấy bố con mới bàn nhau quan niệm về văn tiểu thuyết. Tôi bảo, bố đã bao giờ nghe đồng dao, nghe lên đồng chưa, làm gì có câu cú chỉn chu ngay ngắn như văn của bố.
Bố giải nghĩa đồng dao đi? Không giải nghĩa được, nhưng nó đầy ứ cảm xúc, hàng trăm cung bậc cảm xúc trong những cái nghe có vẻ lộn xộn vô nghĩa ấy. Đó là văn nói của nhân dân, viết tiểu thuyết phải dùng thứ văn đầy cảm xúc ấy thì mới có cái cho người ta đọc.
Có lần con ăn cơm cùng dân, bà cụ chủ nhà bưng mâm cơm rau cà ra bảo: “Ấy cơm nhà quê nó sột soạt thế thôi!”. “Sột soạt” là gì? Bố giải thích đi? Tiếng sột soạt ấy không phải tiếng của rau, của bát đũa, nó là tiếng của cuộc đời. Cái sột soạt ấy không thể dịch ra tiếng nước ngoài được.
Sau này có lần ông Thi nói thẳng: “Về tiểu thuyết Chính đi xa hơn bố nhiều lắm! Văn Chính nó ngồn ngộn chất liệu cuộc đời”.
Từ đó ông cụ tin mình, thân mình, đưa cho mình đọc hộ nhiều tác phẩm mới, cả thơ và kịch, mình xóa bỏ nhiều chỗ, ông phải chịu. Bản thảo mình biên tập còn giữ cả đây này.
Việc đời thì chuyện gì cũng kể, có những rắc rối trong đời sống tình cảm riêng cũng tâm sự hết với mình để cùng tháo gỡ. Mình nhiều lúc phải xông vào cuộc để đóng vai trò vệ sĩ đầu gấu bảo vệ cụ, giải thoát cụ khỏi những tình huống nan giải của đời thường. Không ngờ văn chương lại làm cho bố con xích lại gần nhau hơn như thế!

Kẻ đem bố ra đùa
Nguyễn Đình Chính rất thương bố, nhưng thương theo cách khác thường, rất... Nguyễn Đình Chính. Anh kể đã hai lần tổ chức cho bố đi thực tế... hát karaoke, một lần chỉ có hai bố con, một lần có thêm mấy ông bạn nhạc sỹ.
Chính chép mấy bài thơ Đất nước rồi Lá đỏ đưa cho mấy cô tiếp viên dặn  phải nói mình là sinh viên nhé! Nhà hàng nghe nói có nhà văn lớn sẽ đến vội phóng đi kiếm cho các cô tiếp viên mấy cái áo dài rất trang trọng, thanh tao, nhưng Chính không đồng ý, bảo các cô vào mặc lại váy ngắn như mọi khi.
Ông Thi muốn hát Diệt phát xít và Người Hà Nội, nhưng thế nào mà những bài ấy lại không có trong "lít" của nhà hàng? Hát được một lúc thì một cô chợt nhận ra reo lên: “Ơ sao hai anh trông giống nhau thế? Hai anh là bố con à?!”. Rốt cục, cái niềm vui thế tục hoá mà ông con tận tình kết nối chẳng thể trọn vẹn.
Anh có vẻ hay nói về bố mình bằng giọng giễu cợt, người không hiểu tưởng là anh đang báng bổ ?
Có thể nói là ông Thi thương tôi nhất và tôi cũng thương ông nhất. Bao nhiêu chuyện rắc rối của ông ấy tôi đều phải xông vào giải quyết, nhiều lúc bươu đầu sứt trán ấy chứ! Trong quan hệ hàng ngày bố con cũng rất trọng nhau.
Ông Thi tác phong rất Tây, đến chơi nhà tôi bao giờ cũng gọi điện thoại trước, chỉ ghế nào ngồi ghế ấy, nếu dẫn ông ấy đi xem nhà thì ông ấy đi theo, chỉ đâu nhìn đấy, chứ không đi lang thang dòm ngó sờ mó đồ đạc như nhiều ông bố khác. Không bao giờ ông ấy ngồi vào giường.
Ông ấy dạy chúng tôi đến nhà người khác không được ngồi vào giường của người ta. Tôi cũng luôn mặc quần áo nghiêm chỉnh để tiếp ông ấy. Lúc đầu còn đối thoại, trao đổi về một vấn đề gì đó, sau thì độc thoại mỗi người nói theo dòng suy nghĩ của mình…
Nhưng hình như bố con tôi đều không có khả năng thể hiện sự thân mật với nhau hay biểu lộ tình cảm trước mọi người. Khi tôi làm ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, hai bố con đi cùng ô tô, ông ấy gọi cậu lái xe của tôi chỉ bằng tuổi con tôi là anh, nhưng lại gọi tôi là thằng ngay trước mặt cậu ta.
Tôi thì trưởng thành lên từ người công nhân lăn lộn với đời nên lời ăn tiếng nói có phần thô thiển, bỗ bã, du côn nữa. Mặt khác, tôi nhìn đời bằng cặp mắt của người đã giác ngộ, thấy mọi thứ chẳng có gì quan trọng...
Anh không chỉ bỗ bã và đùa cợt khi nói về bố mình. Anh còn có lần "mời" bố ra khỏi nhà, có đúng vậy không?
À, việc ấy thế này. Bà Madeleine Riffaud hiện vẫn sống độc thân ở Paris, bà coi chúng tôi như con mình. Lần ấy bà có gửi sang cho mấy anh em tôi mỗi người 200 đô. Bà còn cẩn thận viết thư thông báo cho tôi là Chính có hai trăm đô đấy.
Hôm bố tôi đến chơi, tôi hỏi: “Hình như con có tiền, 200 đô?”. “Ai bảo anh thế?". Tôi đưa lá thư ra. Mấy hôm sau ông Thi trở lại, ném tiền lên bàn, nói: “Đây! Con người chỉ biết có tiền thôi!”. Sau này tôi mới biết, ông có việc cần đã tạm tiêu hết số tiền ấy, tôi hỏi bất ngờ nên ông phải đi vay đâu đó để đưa tôi. Nhưng lúc ấy tôi giận lắm.
Tôi bảo: “Bố chưa cho con cái gì. Cái xe đạp bố cũng không cho. Con phải đi làm từ năm 15 tuổi. Cái nhà này cũng là do tay con tự làm ra. Đây là nhà của con. Nguyên tắc của con là trong nhà của con không ai được phép mắng mỏ, xúc phạm con. Con mời bố ra khỏi nhà con!”.
Thế là cụ lùi lũi cầm mũ đi ra, leo lên cái xe Pơ-giô đạp mãi không nổ máy. Vợ tôi hoảng quá bảo “Chết, anh phải chạy theo xin lỗi ông đi”. Mình cũng thấy ân hận, nhưng gạt đi, có xin lỗi thì cũng để đến chiều, chứ ai lại chạy theo ngay như thế?
Đến hai giờ chiều, mình đang định dắt xe đi xuống Trung Tự xin lỗi cụ thì nhìn thấy cụ phăm phăm phóng xe đến nhà mình. Cụ bảo: “Bố xin lỗi Chính, sáng bố nóng quá”.
Kể đến đây Chính cười ha hả với niềm vui của người con được giải thoát khỏi gánh nặng của sự hối hận và có phần khoái chí vì ngẫu nhiên “trúng số”: “Cụ trót tiêu rồi, có thể thông cảm được, nhưng mình có lẽ phải chứ! Nếu mình không đủ gan, mình vội đến xin lỗi cụ thì có khi cái lẽ phải ấy sẽ bị vùi đi! Cụ đã vô tình dạy cho mình hiểu cái đạo đức lớn nhất là lẽ phải”.
Chính thương bố, muốn che chở, tiếp sức trẻ cho bố, nhưng luôn luôn có một tấm áo giáp sắt của thế hệ cha anh ngăn cách vòng ôm ấp ấy, nhân danh những khái niệm cao siêu.
Và đứa con giàu "bặm trợn" đã có lúc phải vung búa đập vào chiếc áo giáp đó để tìm lại hơi ấm thịt da của bố. Nhưng hình như trong cái bỗ bã, cục cằn và quyết liệt của người con, có ẩn chứa một nỗi hận gì đó sâu sắc? Tôi cố gắng dò tìm cái ẩn số đó. Tôi hỏi Chính:
Có cái gì trong con người ông Thi anh thấy không thích lắm?
Ông Thi rất mạnh mẽ về tư tưởng, về lý tưởng, nhưng trong cuộc sống lại là người yếu ớt. Nhìn chung tôi không thích cách đối nhân xử thế của ông. Cái hồi ông ấy làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, có một vị lãnh đạo cấp cao đề nghị đến thăm một nhà văn nổi tiếng đang ốm nặng tại bệnh viện.
Khi vị lãnh đạo kia đến, thấy có mỗi ông Thi ở đấy đón mình bèn hỏi “Sao không thấy ai nhỉ?”. Ý ông nói là sao không thấy các thành viên khác của Ban chấp hành Hội Nhà văn đến đón ông.
Sau hôm ấy ông Thi buồn lắm, cứ tưởng người ta đến thăm người ốm vì tình người, ai ngờ lại chỉ mong có nhiều khán giả. Ông bảo: “Hóa ra cũng tầm thường”. Thế nhưng  bản thân mình có lúc cũng nghĩ về ông Thi như ông Thi nghĩ về vị lãnh đạo kia. Mình rất kính trọng lý tưởng, hoài bão và sự lãng mạn của các cụ, nhưng có những lúc họ làm mình thất vọng.
Trong đôi mắt sâu thẳm của Nguyễn Đình Chính có cái xa xăm mơ màng của bố, nhưng ánh lên vẻ dữ dằn mà mắt bố anh không bao giờ có. Đó là cái dữ dằn của một Tôn Ngộ Không tận tụy, trung thành, đầy bản lĩnh chiến đấu, quên mình bảo vệ Đường Tăng, nhưng vẫn bị thầy niệm chú thít vòng kim cô trên đầu và bị đời chê là hiếu đấu.
Tổng Giám đốc "Công ty Truyền thông Nguyễn Đình Thi"
Có lần vui chuyện, Chính bảo bố: “Bồ của con toàn các cô xinh, bồ của bố trông “giật gấu vá vai” quá, toàn là mẹ bổi”. Kể ra Chính nói vậy hơi quá. Nguyễn Đình Thi đã từng có một mối tình lãng mạn với nữ ký giả, nhà thơ Madeleine Riffaud xinh đẹp, người anh hùng của nước Pháp.
Madeleine Riffaud giờ đã ngoài 80, sống một mình giữa Paris hoa lệ nhưng dường như vẫn luôn ấp ủ mối tình xưa. Bà gọi Chính sang Pháp, muốn tặng hai ngôi nhà, một ở Paris và một ở bên bờ biển Măng-sơ để làm Nhà lưu niệm mang tên Nguyễn Đình Thi.
Những ngày ở bên bà, Chính được bà chăm sóc như chăm một đứa trẻ. Tình cảm của bà trở thành một sợi dây vô hình ràng buộc Chính vào việc giữ gìn những kỷ niệm của bà với ông bố tài hoa.
Thế rồi, mỗi lần gặp lại Chính tôi lại thấy anh dấn sâu thêm vào sự nghiệp chăm sóc hình ảnh bố. Cuối tháng 7 vừa rồi, Chính gọi tôi đến bàn chuyện lập Cty truyền thông Nguyễn Đình Thi, nhờ tôi tìm giúp một Tổng Giám đốc. Tôi bảo, sao anh không làm luôn? Chính phân vân rồi cuối cùng cũng đồng ý, ký vào hồ sơ.
Hôm đưa tang nhà văn Kim Lân, Chính đã mang vòng hoa của Công ty Truyền thông Nguyễn Đình Thi đến viếng. Chính say sưa vạch ra kế hoạch của công ty: Làm mấy chục tập phim từ tiểu thuyết Vỡ bờ, làm phim về mối tình của bố với Madeleine Riffaud...
Một sáng Chủ nhật cách đây không lâu, Nguyễn Đình Chính gọi tôi đến nhà thờ Tin lành ở phố Hàng Da. Tôi bị bất ngờ khi chứng kiến cảnh vợ chồng Chính đang làm lễ Báp-têm (Baptizòs), chính thức gia nhập đội ngũ những con chiên của Chúa.
Cái ông nhà văn bặm trợn xúng xính trong lễ phục nhà thờ đầy vẻ ngoan đạo kia thật chẳng ăn nhập tý nào với cái ông tác giả châm biếm cay độc cha Tạc trong tiểu thuyết Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo). Một kẻ tưởng như vô đạo luôn báng bổ Chúa cuối cùng vẫn có một ngày làm chứng trước Chúa.
Một ông con ngỗ ngược luôn tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của bố, rốt cục vẫn chịu trở về cái bóng đã giam mình để chăm sóc cho hình ảnh của người cha. Giễu cợt thánh nhân, đem bố ra đùa - đó chỉ là cách Chính gồng mình che giấu một tình thương mãnh liệt sâu sắc, khác thường với người cha.

Giống như nhân vật người em trong phim Rain Man (Người trong mưa) của đạo diễn Barry Levinson cố dìu người anh bệnh tật vượt qua sự ám ảnh điên loạn của ký ức để trở về với gia đình trong đời thực, Chính cũng dùng tất cả sức mạnh chân tình và thô ráp của người con để quyết liệt dìu bố từ thế giới của sao trời, lá đỏ và những hình nhân trở về với trách nhiệm, niềm vui và chân lý của đời thường, theo cách của anh. Đó cũng là một cách thể hiện đạo làm con khác đời của Chính.

Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Tạp chí Tuyên Giáo
6/2017
(Viet-studies bôi đậm những câu nổi bật)
                                                                                                                                                    
  Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
 Vũ Ngọc Hoàng
                           

Một số năm gần đây, nhiều văn bản của Trung ương, và gần nhất là nghị quyết TW 4 khóa XII, khi nói về vấn đề suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên, đã nhấn mạnh cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng còn các cách hiểu không giống nhau. Đó là lý do khiến tôi muốn tiếp cận vấn đề này, mong góp vài ý kiến để bạn đọc tham khảo.
“Tự” là tự mình, do mình, chứ không phải do ai bắt mình phải thế. Tự mình thì mình phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho ai, tức là loại trừ nguyên nhân kẻ khác phá ta. Phá là việc của họ, còn tự diễn biến, tự chuyển hóa là việc của chính ta, tự ta, do ta. Nhưng “tự diễn biến” muốn nói ở đây là “tự” của ai? Theo tôi, không phải là của nhân dân. Nhân dân không có “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trách nhiệm trực tiếp trong việc này nếu để xảy ra sẽ thuộc về nhà nước và đảng cầm quyền, chứ không phải do nhân dân.
Trước đây ít năm ta hay nói về việc phải cảnh giác các âm mưu của thế lực thù địch và cơ hội chính trị tác động lôi kéo nhân dân theo hướng “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị. Nhưng đó là nói về “diễn biến hòa bình”. Còn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tôi hiểu là nói về hệ thống chính trị, trước nhất là cán bộ của hệ thống chính trị ấy. Mà cán bộ không có chức vụ quan trọng thì dù cá nhân người ấy có thay đổi cũng không dễ gì chuyển hóa được ai. Đáng lo và đáng đề phòng nhiều, chính là cán bộ có chức quyền, nhất là cấp chiến lược.
Thế giới và cuộc sống quanh ta không đứng yên, không cố định, không bất biến, mà ngược lại nó phải vận động, biến đổi liên tục, không ngừng. Vận động là phương thức tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng là một sự vận động, do vậy, nó cũng là tất yếu khách quan. Ba mươi năm qua, Đảng CSVN đã chủ trương đổi mới. Hiện tại cũng đang chủ trương phải tiếp tục đổi mới, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn. Chủ trương đó là đúng, rất đúng, không có gì phải bàn cãi. Trong quá trình thực hiện đổi mới, ta đã độc lập tư duy, tự mình nghĩ ra việc này, việc khác và cũng tự mình tổ chức thực hiện để thay đổi. Tự là đúng, là chủ động, không bị động. Đó là tự đổi mới. Bản thân việc tự đổi mới cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa đó thôi. Cho nên, việc tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng là đương nhiên, tất yếu, và không hàm ý là xấu hay tốt. Để nói nó tốt hay xấu thì phải xem thử nó diễn biến theo hướng nào. Hướng nào đó sẽ là tốt, là cần thiết. Hướng nào đó sẽ là xấu, là nguy hại, phải ngăn ngừa. Và cũng có hướng không tốt, không xấu, đó là trạng thái tạm thời. Trong một số văn bản chính thống, cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường viết trong ngoặc kép. Tôi nghĩ thế là đúng, hàm ý muốn chỉ ra một xu hướng không lành mạnh, một xu hướng xấu, phải đề phòng, phải ngăn ngừa, chứ không phải là tự diễn biến, tự chuyển hóa một cách bình thường.
Như đoạn trên đã nói, biến đổi không ngừng là một tất yếu, là yêu cầu nội tại, tự nó, của sự vật, và xã hội. Trong thời kỳ quá độ, sự biến đổi như vậy càng nhiều hơn.  Mọi việc không thể đứng yên. Nếu không tốt thì sẽ xấu. Vì vậy, cần phải tốt, để không bị xấu. Muốn có sự biến đổi theo hướng tốt, không bị rơi vào xu hướng xấu thì phải liên tục dẫn dắt và tác động theo hướng tốt. Tích cực đổi mới, kể cả thường xuyên và căn bản, theo đúng hướng, có cơ sở khoa học-khách quan, là cách tốt nhất để không rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu. Cuộc sống biến đổi liên tục, không đổi mới thì tất yếu sẽ tha hóa. Sự bảo thủ và trì trệ giam cầm cuộc sống, kìm hãm nó, trong khi cuộc sống nhất thiết không chịu đứng yên, phải vùng vẫy để thoát ra, vậy là mâu thuẩn và xung đột, mà rồi trước sau gì cũng phải mở lối đi cho cuộc sống tiến lên. Tốt nhất là nên chủ động đổi mới sớm, không để bị động. Không thể khác được. Không chống lại quy luật được. Trong lịch sử, mọi triều đại đã phải đi qua, chỉ có sự thật bướng bỉnh thì còn ở lại. Không nhận thức rõ điều đó, mà cứ bảo thủ, không chịu đổi mới, không đủ nhạy bén để chủ động thúc đẩy theo hướng đi đúng thì đến một lúc nhất định sẽ phải trả giá đắt. Thậm chí là đổ vỡ.
 Thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tốt? Đó là sự vận động tự nhiên, theo đúng quy luật khách quan, với sự lành mạnh về động cơ, với các quyết định có đủ cơ sở khoa học, đem lại lợi ích chính đáng, hiệu quả, bình đẳng cho từng con người và cho cả cộng đồng xã hội. Mấy năm trước cũng có một số ý kiến cho rằng có những người tuy có “lợi ích nhóm” nhưng họ có khả năng đổi mới thì nên giao cho họ làm, tham nhũng đủ rồi thì không tham nhũng nữa, còn tốt hơn là không “lợi ích nhóm” nhưng bảo thủ trì trệ? Tôi đã có lần viết và trả lời phỏng vấn là coi chừng “gởi trứng cho ác”. Đó là một kiểu suy nghĩ không trên nền tảng của văn hóa. Chẳng thể nào có thể dẫn dắt xã hội đi theo hướng tốt bằng những động cơ xấu, cá nhân chủ nghĩa và bè phái vụ lợi. Đạo đức là cái gốc. Đó là ý kiến của bác Hồ, và cũng là tư duy khoa học. Đạo đức là cái cốt lõi của văn hóa. Văn hóa là những gì thuộc về con người, là dấu vết của con người “in” trong tự nhiên, là tính người, chất người, là chữ “Người” viết hoa. Không có đạo đức thì mất tính người, mất chất người. Không thể trao gởi cơ đồ, sự nghiệp của dân tộc và đất nước vào tay những con người vô đạo đức. Đừng nghe họ lập luận kiểu mị dân. Mặt khác, chỉ có động cơ tốt chưa chắc thúc đẩy được xã hội theo hướng tốt. Nếu như chủ quan, bảo thủ, bất chấp khoa học, không đủ nhạy bén và thông minh để nhìn ra lẽ đúng thì cũng có thể sai lầm, dẫn xã hội đi theo hướng xấu, thậm chí là đến bờ vực của sụp đổ, dù không cố tình như vậy. Trong trường hợp đó, vẫn là có lỗi, thậm chí là có tội với nhân dân, dù có thể không phải động cơ xấu, mà chỉ là do không đủ trí tuệ, năng lực và lòng dũng cảm.
Thế nào là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu? Nguyên nhân tại đâu và ngăn ngừa cách nào? Để nói sự diễn biến và chuyển hóa ấy là xấu hay tốt thì phải căn cứ vào kết quả, hậu quả do nó gây ra. Thực tiễn là cơ sở để kiểm nghiệm chân lý. Tốt xấu là khách quan. Các ý muốn chủ quan bảo thủ, duy ý chí không phải là căn cứ để khẳng định tốt xấu, dù cho nó đã được ghi trong nhiều văn bản. Kết quả thực tế và cơ sở khoa học mới là căn cứ để đánh giá. Nhưng đối với một sự vật hay hiện tượng đang diễn biến, đang chuyển hóa thì chưa có kết quả thực tế cuối cùng để đánh giá là tốt hay xấu, mà đợi cho đến khi có kết quả cuối cùng thì quá lâu hoặc phải trả giá quá đắc, vì vậy, đối với các trường hợp ấy, căn cứ chủ yếu, và trong nhiều trường hợp là căn cứ duy nhất, để đánh giá tốt xấu, đó là các cơ sở khoa học và tư duy lô-gic. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, một người nào đó, chỉ một mình, ngồi trong phòng làm thí nghiệm, vẫn có thể tìm ra được chân lý. Còn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sự tiếp cận chân lý chủ yếu phải bằng tranh luận, đối thoại bình đẳng, thông qua các hội thảo, các diễn đàn khoa học và thông qua thực chứng (nếu có thể). Nói vậy để thấy rằng, để đánh giá sự diễn biến và chuyển hóa cần phải có cách tiếp cận mở, chứ không phải áp đặt bằng ý chí chủ quan. Đối với xã hội VN hiện tại, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo nhất không phải là từ ý nghĩ, tư tưởng mà là do hành động, từ hành động. Tất nhiên, phần lớn hành động của con người đều gắn với những suy nghĩ, tư tưởng; các quan điểm sai trái nếu lan rộng cũng dẫn đến “tự diễn biến”. Nhưng cái “tự diễn biến” nguy hiểm nhất chính là hành động trên thực tế, chứ không phải lời nói. Đối với luật pháp tiến bộ thì suy nghĩ không cấu thành tội phạm. Suy nghĩ, tư tưởng của con người là cái tự do. Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người. Mà toàn trị là thứ chống lại tự do - giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người. Toàn trị không phải là chế độ dân chủ và tiến bộ, mà là một chế độ lạc hậu, xa lạ và trái ngược với CNXH. CNXH phải là dân chủ và tự do, chứ không phải là toàn trị. Nếu cứ bám theo hướng của chế độ toàn trị thì thực chất đó là sự chệch hướng khỏi mục tiêu XHCN, rời bỏ CNXH. Phải đề phòng nhiều lúc cái “phi XHCN” lại nhân danh CNXH. Cần phải có tư duy sắc bén trước những vấn đề như vậy. Không nhầm lẫn cái nó nhân danh với bản chất thực của chính nó.
 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nguy hiểm nhất chính là sự thoái hóa về chính trị do “lợi ích nhóm” gây nên. Ban đầu, các “nhóm lợi ích” nói chung, không phải đã có mục đích xấu về chính trị, mà chỉ là do lòng tham quá lớn, nặng chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ đó, đồng tiền làm tha hóa họ về đạo đức. Đạo đức là giá trị lõi của văn hóa. Đạo đức hỏng tức là nền tảng văn hóa hỏng. Mặt khác, đạo đức của cán bộ hỏng thì dẫn đến chất lượng của hệ thống chính trị giảm và niềm tin của mọi người đối với Đảng và Nhà nước không còn. Khi chất lượng của hệ thống chính trị suy giảm nghiêm trọng và niềm tin của nhân dân không còn tức là nền tảng chính trị đổ vỡ và do đó, chế độ chính trị không còn chỗ dựa để tồn tại. Về bản chất thì các “nhóm lợi ích” mâu thuẩn với nhau, không thống nhất được, do luôn có xung đột lợi ích. Tuy nhiên, có những thời điểm, khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết liệt thực thi pháp luật về chống tham nhũng thì, do sự mất còn về “lợi ích” cá nhân và sinh mạng chính trị, các “nhóm lợi ích” có thể sẽ thỏa hiệp và liên kết với nhau để đối phó và bằng mọi cách nhằm chống lại các cơ quan lãnh đạo. Kể cả việc họ sử dụng một bộ phận truyền thông để tác động thông tin nhằm làm cho dư luận lẫn lộn “trắng-đen”, “phải-trái”, kể cả họ xuyên tạc ý nghĩa và mục đích của cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước phát động và lãnh đạo. Họ xuyên tạc rằng, đây là “nhóm này đánh nhóm kia”, nhằm tác động tư tưởng gây khó cho việc thực hiện chủ trương chống tham nhũng và bảo vệ cho “nhóm lợi ích”. Khi cần và nếu có thể được thì họ cũng sẵn sàng thay đổi lãnh đạo để bảo vệ cho quyền lợi bất chính của họ. Đây không phải là sự đổi mới trong sáng vì lợi ích chung và hầu hết sự thay đổi như thế sẽ hình thành chế độ độc tài, thối nát, do “maphia-lợi ích nhóm” chi phối. Như vậy, quá trình đó bắt đầu là chuyện kinh tế, tiếp theo là văn hóa và cuối cùng thành chuyện chính trị. Nếu giới hạn vấn đề ở mức thấp hơn, chỉ có tham nhũng và “nhóm lợi ích”, đương nhiên đã gắn với cán bộ có chức quyền, và dừng lại ở đó, không đi xa hơn về chính trị, thì bản thân việc phá hỏng niềm tin cũng đã là chính trị rồi.
Tự diễn biến, tự chuyển hóa là một sự thay đổi, tự thay đổi, mà chủ yếu muốn nói ở đây là đối với lĩnh vực chính trị, có thể theo hướng tốt, hoặc theo hướng xấu. Tốt xấu là so với cái gì, căn cứ vào cái gì để nói tốt hay xấu? Thường thì mọi người vẫn hay lấy ý muốn chủ quan của mình để làm căn cứ. Phương pháp tiếp cận đó chưa phải là khoa học. Những ý muốn chủ quan, giáo điều, bảo thủ, không đủ cơ sở khoa học, thì chưa phải là căn cứ khoa học, cùng lắm thì đó cũng mới là ý kiến tư biện có lô-gich. Nếu diễn biến và chuyển hóa theo hướng tốt thì chẳng có gì đáng phải lo ngại. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo là sự thay đổi của chế độ chính trị theo hướng xấu, nói cách khác đó là một sự thoái hóa nghiêm trọng về chính trị. Thế nào là sự thoái hóa về chính trị? Trước tiên thử xem thế nào là một nền chính trị tốt? Đó phải là một nền chính trị chân chính, dân chủ và tự do, dân là chủ, do nhân dân làm chủ, nhà nước là công cụ bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo đảm đầy đủ các quyền con người và quyền dân chủ,  con người được thật sự tự do về tư tưởng, về ngôn luận và các quyền tự do khác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị ổn định và tác động tích cực cho kinh tế phát triển, văn hóa lành mạnh và nhân văn, mọi người hạnh phúc. Nếu tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tạo ra một nền chính trị tốt như vừa nói thì chẳng có gì đáng ngại, mà là cần thiết, là mong muốn, kể cả phải thúc đẩy nữa. Đó mới là XHCN chân chính. Còn nếu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu, xa rời mục tiêu một nền chính trị tốt, để hình thành một nền chính trị không chân chính, dã hiệu và mị dân, mất dân chủ, nhân dân không được làm chủ, không có tự do, không được nhà nước bảo vệ và phục vụ, mà là đối tượng bị cai trị, bị ức hiếp, tham nhũng và “lợi ích nhóm” tràn lan, các “nhóm lợi ích” thâu tóm kinh tế và chính trị, xã hội bị phân hóa giàu-nghèo bất hợp lý và gây nên mất ổn định, gia tăng sự bất bình và mâu thuẫn xã hội, cuộc sống của nhân dân không có hạnh phúc, thì cái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” kiểu ấy chúng ta không cần, phải ngăn chặn, phải phòng chống. Xa rời mục tiêu của một nền chính trị tốt để chuyển theo hướng một nền chính trị xấu, đấy chính là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phê phán và đề phòng; cũng chính là sự chệch hướng, xa rời mục tiêu XHCN chân chính và khoa học. Tôi muốn dùng chữ “chân chính” và “khoa học” để phân biệt với “CNXH” giả hiệu và ngộ nhận, ảo tưởng. Điều đó là rất đáng lưu ý, bởi vì, như tôi hiểu, trong tư duy cũ, từ Liên-xô và Trung Quốc đã tác động vào Việt Nam ta, cách hiểu, cách nghĩ về CNXH có nhiều điều không đúng khoa học, không đúng theo cách tư duy của K.Marx, đến nay qua đổi mới ta đã điều chỉnh khá nhiều, nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần phải đổi mới nữa, một cách căn bản (sẽ bàn sau, trong các chuyên đề khác).
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu do cái gì gây nên? Có ý kiến muốn nhấn mạnh nguyên nhân do sai lầm về nhận thức. Có nguyên nhân ấy thật! Nhưng nếu đó là nhận thức của một người bình thường thì tác động không nhiều, vì họ không có quyền lực để áp đặt, và vì nhận thức của cộng đồng xã hội có tư duy không dễ bị mê hoặc, lừa phỉnh. Cái đáng lo là nhận thức của lãnh đạo, của những người có quyền lực, có thể áp đặt tư duy của mình lên cộng đồng. Như vậy, cái chính ở đây là lãnh đạo phải lo giữ mình, chứ không phải bận tâm nhiều về việc các cá nhân nào đó nói ý kiến khác lãnh đạo. Nói đi rồi cũng phải nói lại để góp cho cái nhìn toàn diện hơn. Một người nào đó nói khác ý kiến lãnh đạo thì lãnh đạo hoàn toàn có quyền phản biện và tranh luận để làm rõ chân lý. Đó là sự phản biện khoa học, rất cần thiết. Chứ tại sao không? Tại sao người khác thì được nói ý kiến phản biện của mình còn nhà lãnh đạo thì không được? Nếu vậy thì mất dân chủ ngược. Thật là không công bằng khi thấy một nhà lãnh đạo nào đó có ý kiến phản biện lại, tranh luận lại thì cho rằng ông ấy mất dân chủ, ông ấy áp đặt. Chỉ có điều là, đối với khoa học, thì phải khách quan và bình đẳng, lãnh đạo hay người bình thường đều bình đẳng như nhau, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng ý kiến khác mình, không ai áp đặt cho ai, không được quy chụp nhau, đó là  thái độ khoa học và ứng xử có văn hóa, biết khoan dung và rộng mở, tôn trọng sự đa dạng trong văn hóa và trong tư duy. Đó là con đường tiếp cận chân lý, con đường phát triển nhân tố con người – cái lõi quan trọng nhất đối với mọi sự phát triển, cũng như đối với những cuộc “cách mạng” xã hội sâu sắc bậc nhất. Xã hội ta rất cần những người lãnh đạo sẵn sàng đối thoại, tranh luận với mọi người. Với cách đó, các ý kiến đúng của đôi bên sẽ được lan tỏa và góp phần hoàn thiện tư duy lẫn nhau, cho cả cộng đồng. Nếu lãnh đạo có nhiều ý kiến đúng thì sự lan tỏa sẽ lớn và rất cần cho xã hội. Nếu lãnh đạo có ý kiến sai hoặc chưa đúng thì sẽ sớm được điều chỉnh, cũng là có lợi, vừa lợi cho việc chung, vừa lợi cho chính các lãnh đạo ấy. Mặt khác cũng là tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ, dễ đánh giá và lựa chọn những người lãnh đạo.
Như phần trước của bài viết đã nói, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo nhất thuộc về nguyên nhân do “lợi ích nhóm” gây nên. Nó không phải từ lời nói, mà từ việc làm, từ hành động. Nó phá vỡ các nền tảng, các trật tự. Các “nhóm lợi ích” có thể vẫn nói những lời, hô to những khẩu hiệu tưởng như “quan điểm lập trường” vô cùng vững vàng. Nhưng họ làm khác. Nói kiểu này nhưng làm kiểu khác, nói một đường làm một nẻo. Đó cũng là cách hoặc do bị ngộ nhận, hoặc là “đánh lạc hướng” mà những người “ngây thơ” dễ bị lầm tưởng, mất cảnh giác. Lâu nay, khi nói đến chuyện đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì các nhà tuyên truyền thường tập trung vào những người có ý kiến khác với lãnh đạo, khác với văn bản, nghị quyết, nhất là về quan điểm, chứ ít người nhấn mạnh về “lợi ích nhóm” và nạn tham nhũng – cái đang hằng ngày hằng giờ làm sụp đổ lòng tin, tức là sụp đổ nền tảng chính trị.
Các nhà tuyên truyền thì cho rằng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là đấu tranh về quan điểm (chứ không phải hành động?). Nói quan điểm là để ngăn chặn hành động sai, mục đích chính là vậy, chứ nếu không cần quan tâm đến hành động thì lời nói chỉ là chuyện “gió bay”. Quan điểm cũng là quan trọng, quan điểm sai cũng cần phải “đấu tranh”, nhưng hành động mới là quan trọng hơn, quan trọng nhất. Khi buộc phải dùng từ “đấu tranh” về quan điểm như các văn bản chính thống đã nêu, tôi muốn viết chữ ấy trong ngoặc kép là nhằm tránh sai lầm về phương pháp mà lâu nay ta vẫn gặp. Nó là sự thuyết phục lẫn nhau chứ không phải là sự áp đặt và quy chụp, càng không được dùng biện pháp hành chính để đối phó. Trong các quan điểm khác với lãnh đạo ấy có nhiều động cơ khác nhau mà phải phân tích rất kỹ và ứng xử phù hợp mới có hiệu quả thiết thực, nếu không, đôi khi lợi bất cập hại. Có người có động cơ xấu, chống cộng cực đoan, muốn chống phá, muốn gây mất ổn định tư tưởng để dẫn đến mất ổn định chính trị, thì đúng là phải đấu tranh vạch rõ cái sai để cho mọi người cùng hiểu. Mà ngay cả đối với loại này vẫn phải có cách trình bày rõ cơ sở khoa học của vấn đề một cách thuyết phục, chứ không phải “đao to búa lớn” mà có kết quả. Trường hợp khác, đối với những người do cách hiểu, do nhận thức thì càng cần phải làm rõ cơ sở khoa học để thuyết phục nhau bằng chân lý. Chưa thuyết phục được thì thuyết phục nữa. Không đủ sức thuyết phục thì yếu kém của người nói, chứ đừng đổ lỗi cho người nghe. Trường hợp khác nữa là những ý kiến mới, khác với quan điểm đã có, khác với lãnh đạo, nhưng đúng, có cơ sở khoa học, cần được khuyến khích, trân trọng và lắng nghe một cách cầu thị, tiếp thu để hoàn thiện hoặc điều chỉnh đường lối. Đó chính là sự phản biện xã hội đối với các chủ trương đường lối mà chúng ta rất cần, trong một xã hội dân chủ. Lắng nghe những ý kiến khác ấy-đó chính là dân chủ và khoa học. Mà dân chủ và khoa học thì vừa là mục tiêu vừa là động lực. Nếu không có những ý kiến khác ấy thì xã hội sẽ một chiều, không còn sự đa dạng văn hóa, mất sức đề kháng và mất sức sống, giống như thế giới tự nhiên sẽ tàn lụi dần khi bị triệt tiêu tính đa dạng sinh học. Đừng chủ quan nghĩ rằng, mọi cái đã nêu ra đều đúng và đúng mãi. Nghĩ vậy là không duy vật, cũng chẳng biện chứng. Nói thì duy vật và biện chứng mà làm thì duy tâm và siêu hình. Thỉnh thoảng tôi thấy có bài viết hoặc nói nhân danh bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ, nhưng toàn đi “trên mây”, tung hô ca ngợi thành tích một chiều và cường điệu, hô vang các khẩu hiệu. Kiểu ấy chẳng những không thuyết phục được ai mà còn làm người ta chán, thậm chí nguy hiểm hơn nữa là vô tình “đẩy” đến sụp đổ khi mà tình thế đang đứng trước một bờ vực. Nếu người làm tuyên truyền không đủ trí tuệ và tầm văn hóa thì rất dễ đẩy tất cả mọi người có ý kiến khác về phía đối lập, làm cho đảng và nhà nước bị cô lập, giảm uy tín về trí tuệ và văn hóa, gây nên sự xơ cứng và thụ động cho hệ thống chính trị và cho cả xã hội, trong khi rất cần sự năng động, chủ động và liên tục khai hóa văn minh. Công tác tư tưởng, xét cho đến cùng, chỉ có lợi và đáng làm khi nó là công việc khai phá văn minh, nâng đở cái tốt và cái đẹp, chống lại sự kìm hảm lạc hậu, cái xấu và cái ác, chứ không phải là “cảnh sát tư tưởng”, làm cho một tập thể đảng và tầng lớp trí thức bị thụ động, từ đó mà lan ra làm cho một dân tộc phải thụ động. Nói gọn lại là phải khai phá văn minh, chứ không được ngu dân. Còn đối với những người hầm hồ, chưởi đổng, ngôn ngữ “chợ búa” hoặc cố tình xuyên tạc, nói xấu người khác và nói xấu các tổ chức, thì có lẽ cũng chẳng đáng ngại lắm. Tự họ đang tích cực hạ thấp và vô hiệu hóa chính họ đó thôi, kể cả đối mặt với pháp luật nữa nếu như họ vu cáo. Với trình độ dân trí của ngày nay thì nói chung cán bộ và nhân dân sẽ không khó khăn lắm để hiểu đâu là chính đâu là tà.
Chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa, lần này xin được góp một số ý kiến như vậy.
                                                      Quảng Nam tháng 6. 2017