15:48 ngày 11 tháng 08
năm 2007
TP - Nguyễn Đình Chính
tuổi Bính Tuất (1946). Bính biến vi tù, có lẽ ứng vào việc Chính bị giam trong
cái bóng của người cha tài hoa nổi tiếng là nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Mặc
dù Chính đã cho ra đời nhiều cuốn sách hay như Đá xanh ở thung lũng
cháy, Con phù du cánh mỏng, Sương mù ký ức với lối văn suy tưởng nhẹ
nhàng đẹp như văn Saint Exupéry, Chính từng là tác giả kịch bản của những bộ
phim truyện khá hay như Rừng lạnh, Hồi chuông màu da cam, Bãi biển đời
người... nhưng tên tuổi Chính vẫn bị chìm đi dưới cái tên của bố.
Thế
rồi, vào những ngày cuối cùng của thế kỷ hai mươi, Chính tung ra tiểu thuyết
Đêm thánh nhân làm rung động văn đàn, đáng chú ý là trong đó có nhiều độc giả
lớp cha anh, khiến nhà văn Nguyễn Đình Thi sau cơn sốc ban đầu thấy con mình
đang phá hỏng ngôn ngữ, đã phải thừa nhận “Về tiểu thuyết Chính đi xa hơn bố
nhiều lắm!”.
Phải
chăng từ đó, có thể nói Nguyễn Đình Chính đã tự giải phóng mình khỏi cái bóng
của người cha để bước song hành bên ông như một nhà văn độc lập có bản lĩnh
riêng và bút pháp riêng ? Nhưng chưa mấy ai biết Chính là một đứa con mạnh mẽ
và hiếu thảo, vừa thương yêu bố vừa nghiêm khắc với bố...
Chạy
khỏi cái bóng của bố là một điều khó khăn
Anh
có cảm thấy áp lực của tên tuổi bố đè nặng lên cuộc sống và sáng tác của mình
không?
Có
một ông bố như Nguyễn Đình Thi, cũng mệt lắm chứ! Mười người yêu ông ấy thì
chắc cũng yêu tôi. Nhưng mười người ghét ông ấy cũng sẽ từng ấy người ghét tôi.
Mà tôi còn nói thẳng với ông là con sợ rằng người ghét bố còn nhiều hơn người
yêu bố!
Có
những người tôi chẳng quen biết gì, khi gặp tôi thái độ rất hằn học, hóa ra là
họ ghét ông Thi. Có thể nói thẳng là áp lực của các ông bố thành danh như
Nguyễn Đình Thi đè lên con cháu nhiều hơn là cơ hội. - Chính cười - Tôi
nói thật, nếu tôi không phải con ông Thi, mà con một nông dân nào đó thì có khi
lại được lăng-xê lên tận đẩu đâu ấy chứ!
Vậy
anh có ý thức chạy khỏi cái bóng của bố mình không?
Chạy
khỏi cái bóng ông ấy là một vấn đề rất khó khăn vì Nguyễn Đình Thi cùng với các
ông Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng...tiêu biểu cho phương pháp sáng tác của
một thời. Ông Thi có kể với tôi là các ông ấy họp và chia nhau viết về các mảng
hiện thực.
Nguyễn
Đình Thi viết về nông thôn cách mạng, Nguyên Hồng viết về thành phố Cảng, Võ
Huy Tâm viết về vùng mỏ, rồi Nguyễn Tuân viết gì, Đồ Phồn viết gì... Có thể nói
các vị ấy đã thành công tạo lập được nền móng cho văn học hiện thực XHCN, gây
ảnh hưởng đến cách viết của thế hệ sau.
Theo
tôi, ngay cả thế hệ Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu cũng chưa thoát
khỏi cái bóng của thế hệ trước. Thế hệ tôi lại bị sức ép từ hai thế hệ trên nên
những Lê Lựu, Triệu Bôn, Đỗ Chu... đều không thoát khỏi lối sáng tác văn
chương còn nhiều công thức.
Anh
có bao giờ nói những nhận xét đó với nhà văn Nguyễn Đình Thi không?
Có
chứ! Tôi bảo thế hệ bố viết văn còn có nhiều cái giả. Như ở cuốn Mặt
trận trên cao bố kể chuyện anh lính về phép thăm người yêu, bố cho anh
ấy trải bạt dưới đất ngủ trong khi cô người yêu ngủ trên giường, để tỏ ra ta
đây đạo đức.
Ở
đây chỉ có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là anh ta bị bệnh, hoặc anh ta là
người bình thường nhưng giả. Sex là một cái gì rất đẹp, nhất là trong tình yêu.
Vậy mà bố để nhân vật nhìn nó như một cái gì xấu xa. Thế là đạo đức giả. Nó gắn
với phương pháp sáng tác mà bọn con phải vượt qua.
Vậy
là vượt qua cái bóng của bố trước hết là vượt qua những hạn chế về sáng tác.
Nhưng bằng cách nào?
Bằng
cách làm ngược lại với các ông ấy! Nghĩa là viết thoải mái, viết bằng vô thức,
viết nhằm truyền đạt cảm xúc của đời sống, lột tả những xao xuyến sâu thẳm của
kiếp người chứ không phải để nói ý nghĩa, để minh họa hay tuyên truyền. Tiểu
thuyết Đêm thánh nhân thể hiện rõ nhất quan điểm sáng tác của
tôi...
Chức
năng của văn nghệ là chống đạo đức giả
Đêm
thánh nhân được NXB Văn học in ra năm 1999 và tái
bản năm 2006 dưới tiêu đề Ngày hoàng đạo, là cú lên đồng hoành
tráng của Nguyễn Đình Chính để nhập vào hồn vía của những kiếp người dưới đáy.
Cả
bộ tiểu thuyết ngàn trang không có một dấu phẩy, thể hiện sinh khí của đời sống
qua lối văn nói liền mạch xông xáo miên man giống như kẻ đi hoang, băng qua
những rào cản quy ước chỉ có giá trị lúc bình thường.
Ngược
với bố ngày xưa cho nhân vật trải bạt dưới đất nằm ngủ để giữ gìn, Chính đã
giải phẫu một thời qua ngàn lẻ một những hành vi tình dục nhếch
nhác, thảm hại, quái dị, dơ bẩn, đểu cáng, dung tục, đồi bại, tội nghiệp, đáng
thương.
Nhà
văn Trần Kim Thành bảo Chính: “Tôi đọc hai lần Đêm thánh nhân, thấy
ông lên đồng suốt cả ngàn trang, kinh quá!”. Đám trẻ @ cũng thích văn của
Chính. Có cô bé mê văn, viết thư hẹn gặp nói chuyện ở quán cafe, dặn cháu mặc
áo màu này, tóc để thế kia, để nhận ra nhau. Cứ như là hò hẹn của đám trẻ con
làm quen nhau trên mạng ấy!
Ông
Đinh Nho Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đọc xong Đêm thánh nhân tìm
đến nhà Chính tự giới thiệu là độc giả muốn nói chuyện về tác phẩm với tác giả.
Chính bảo, bác là bạn ông Thi, tôi là hạng con cháu viết kiếm tiền nuôi các con
ấy mà có gì đáng bàn đâu.
Thế
là ông ấy đứng phắt dậy nói: “Tôi học cùng anh Thi, chúng tôi đều học giỏi nhất
trường. Tôi biết ba ngoại ngữ, tôi từng là Đại sứ ở Liên Xô. Tôi đến muốn nói
chuyện nghiêm túc với anh về tác phẩm Đêm thánh nhân”. Nghe thế,
Chính vội xin lỗi. Ông Liêm bảo: “Đọc xong Đêm thánh nhân có
một cảm giác không bình thường, lạ lắm, thấy như đất chuyển dưới chân”.
Có
phải Đêm thánh nhân được anh sáng tác bằng cảm hứng phê phán
thói đạo đức giả nên nó có sức lay động mạnh mẽ?
Đúng
vậy. Một trong những đe dọa rất lớn của xã hội mình là thói đạo đức giả. Tôi
cho rằng chỉ có văn học nghệ thuật mới đủ sức mạnh phanh phui, lật tẩy thói đạo
đức giả trong đời sống xã hội, làm cho người đọc nhìn nhận ra nó, cười giễu và
chia tay nó. Chức năng của văn nghệ là chống đạo đức giả.
Thế
ông Nguyễn Đình Thi nhận xét thế nào?
Ông
Thi đọc bản thảo tập I năm 1990, trước khi nó được in bảy, tám năm. Ông không
chịu được, cho là mình phá hỏng ngôn ngữ và viết về lớp trước có những chỗ hết
sức nặng nề.
Ông
bảo: “Trước đây Chính viết văn tử tế, những tác phẩm như Đá xanhở
thung lũng cháy, Con phù du cánh mỏng rất hay. Tại sao bây giờ
Chính lại có thể viết cẩu thả như thế, phá hỏng hết cả ngôn ngữ?”.
Tôi
bảo, bố học tiếng Pháp nên văn chương chỉn chu, đúng ngữ pháp kiểu văn Tây,
công nhận đó là văn hay, nhưng không phải văn của cuộc đời. Văn ấy chỉ truyền
đạt được thông tin ý nghĩa, không bao giờ truyền đạt được cảm xúc.
Ông
Thi giận lắm, bảo tôi ác khẩu. Nhưng sau khi đọc lại, rồi nghe Anh Chi, Trần
Đăng Khoa khen thì ông mới đổi ý. “Bố đọc lại rồi, đúng là văn của Chính rậm
hơn, đời hơn. Văn của bố nó quang”. Lúc ấy bố con mới bàn nhau quan niệm về văn
tiểu thuyết. Tôi bảo, bố đã bao giờ nghe đồng dao, nghe lên đồng chưa, làm gì
có câu cú chỉn chu ngay ngắn như văn của bố.
Bố
giải nghĩa đồng dao đi? Không giải nghĩa được, nhưng nó đầy ứ cảm xúc, hàng
trăm cung bậc cảm xúc trong những cái nghe có vẻ lộn xộn vô nghĩa ấy. Đó là văn
nói của nhân dân, viết tiểu thuyết phải dùng thứ văn đầy cảm xúc ấy thì mới có
cái cho người ta đọc.
Có
lần con ăn cơm cùng dân, bà cụ chủ nhà bưng mâm cơm rau cà ra bảo: “Ấy cơm nhà
quê nó sột soạt thế thôi!”. “Sột soạt” là gì? Bố giải thích đi? Tiếng sột soạt
ấy không phải tiếng của rau, của bát đũa, nó là tiếng của cuộc đời. Cái sột
soạt ấy không thể dịch ra tiếng nước ngoài được.
Sau
này có lần ông Thi nói thẳng: “Về tiểu thuyết Chính đi xa hơn bố nhiều lắm! Văn
Chính nó ngồn ngộn chất liệu cuộc đời”.
Từ
đó ông cụ tin mình, thân mình, đưa cho mình đọc hộ nhiều tác phẩm mới, cả thơ
và kịch, mình xóa bỏ nhiều chỗ, ông phải chịu. Bản thảo mình biên tập còn giữ
cả đây này.
Việc
đời thì chuyện gì cũng kể, có những rắc rối trong đời sống tình cảm riêng cũng
tâm sự hết với mình để cùng tháo gỡ. Mình nhiều lúc phải xông vào cuộc để đóng
vai trò vệ sĩ đầu gấu bảo vệ cụ, giải thoát cụ khỏi những tình huống nan giải
của đời thường. Không ngờ văn chương lại làm cho bố con xích lại gần nhau hơn
như thế!
Kẻ đem bố ra đùa
Nguyễn
Đình Chính rất thương bố, nhưng thương theo cách khác thường, rất... Nguyễn
Đình Chính. Anh kể đã hai lần tổ chức cho bố đi thực tế... hát karaoke, một lần
chỉ có hai bố con, một lần có thêm mấy ông bạn nhạc sỹ.
Chính
chép mấy bài thơ Đất nước rồi Lá đỏ đưa cho
mấy cô tiếp viên dặn phải nói mình là sinh viên nhé! Nhà hàng nghe nói có
nhà văn lớn sẽ đến vội phóng đi kiếm cho các cô tiếp viên mấy cái áo dài rất
trang trọng, thanh tao, nhưng Chính không đồng ý, bảo các cô vào mặc lại váy
ngắn như mọi khi.
Ông
Thi muốn hát Diệt phát xít và Người Hà Nội, nhưng
thế nào mà những bài ấy lại không có trong "lít" của nhà hàng? Hát
được một lúc thì một cô chợt nhận ra reo lên: “Ơ sao hai anh trông giống nhau
thế? Hai anh là bố con à?!”. Rốt cục, cái niềm vui thế tục hoá mà ông con tận
tình kết nối chẳng thể trọn vẹn.
Anh
có vẻ hay nói về bố mình bằng giọng giễu cợt, người không hiểu tưởng là anh
đang báng bổ ?
Có
thể nói là ông Thi thương tôi nhất và tôi cũng thương ông nhất. Bao nhiêu
chuyện rắc rối của ông ấy tôi đều phải xông vào giải quyết, nhiều lúc bươu đầu
sứt trán ấy chứ! Trong quan hệ hàng ngày bố con cũng rất trọng nhau.
Ông
Thi tác phong rất Tây, đến chơi nhà tôi bao giờ cũng gọi điện thoại trước, chỉ
ghế nào ngồi ghế ấy, nếu dẫn ông ấy đi xem nhà thì ông ấy đi theo, chỉ đâu nhìn
đấy, chứ không đi lang thang dòm ngó sờ mó đồ đạc như nhiều ông bố khác. Không
bao giờ ông ấy ngồi vào giường.
Ông
ấy dạy chúng tôi đến nhà người khác không được ngồi vào giường của người ta.
Tôi cũng luôn mặc quần áo nghiêm chỉnh để tiếp ông ấy. Lúc đầu còn đối thoại,
trao đổi về một vấn đề gì đó, sau thì độc thoại mỗi người nói theo dòng suy
nghĩ của mình…
Nhưng
hình như bố con tôi đều không có khả năng thể hiện sự thân mật với nhau hay
biểu lộ tình cảm trước mọi người. Khi tôi làm ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, hai
bố con đi cùng ô tô, ông ấy gọi cậu lái xe của tôi chỉ bằng tuổi con tôi là
anh, nhưng lại gọi tôi là thằng ngay trước mặt cậu ta.
Tôi
thì trưởng thành lên từ người công nhân lăn lộn với đời nên lời ăn tiếng nói có
phần thô thiển, bỗ bã, du côn nữa. Mặt khác, tôi nhìn đời bằng cặp mắt của
người đã giác ngộ, thấy mọi thứ chẳng có gì quan trọng...
Anh
không chỉ bỗ bã và đùa cợt khi nói về bố mình. Anh còn có lần "mời"
bố ra khỏi nhà, có đúng vậy không?
À,
việc ấy thế này. Bà Madeleine Riffaud hiện vẫn sống độc thân ở Paris, bà coi
chúng tôi như con mình. Lần ấy bà có gửi sang cho mấy anh em tôi mỗi người 200
đô. Bà còn cẩn thận viết thư thông báo cho tôi là Chính có hai trăm đô đấy.
Hôm
bố tôi đến chơi, tôi hỏi: “Hình như con có tiền, 200 đô?”. “Ai bảo anh
thế?". Tôi đưa lá thư ra. Mấy hôm sau ông Thi trở lại, ném tiền lên bàn,
nói: “Đây! Con người chỉ biết có tiền thôi!”. Sau này tôi mới biết, ông có việc
cần đã tạm tiêu hết số tiền ấy, tôi hỏi bất ngờ nên ông phải đi vay đâu đó để
đưa tôi. Nhưng lúc ấy tôi giận lắm.
Tôi
bảo: “Bố chưa cho con cái gì. Cái xe đạp bố cũng không cho. Con phải đi làm từ
năm 15 tuổi. Cái nhà này cũng là do tay con tự làm ra. Đây là nhà của con.
Nguyên tắc của con là trong nhà của con không ai được phép mắng mỏ, xúc phạm
con. Con mời bố ra khỏi nhà con!”.
Thế
là cụ lùi lũi cầm mũ đi ra, leo lên cái xe Pơ-giô đạp mãi không nổ máy. Vợ tôi
hoảng quá bảo “Chết, anh phải chạy theo xin lỗi ông đi”. Mình cũng thấy ân hận,
nhưng gạt đi, có xin lỗi thì cũng để đến chiều, chứ ai lại chạy theo ngay như
thế?
Đến
hai giờ chiều, mình đang định dắt xe đi xuống Trung Tự xin lỗi cụ thì nhìn thấy
cụ phăm phăm phóng xe đến nhà mình. Cụ bảo: “Bố xin lỗi Chính, sáng bố nóng
quá”.
Kể
đến đây Chính cười ha hả với niềm vui của người con được giải thoát khỏi gánh
nặng của sự hối hận và có phần khoái chí vì ngẫu nhiên “trúng số”: “Cụ trót
tiêu rồi, có thể thông cảm được, nhưng mình có lẽ phải chứ! Nếu mình không đủ
gan, mình vội đến xin lỗi cụ thì có khi cái lẽ phải ấy sẽ bị vùi đi! Cụ đã vô
tình dạy cho mình hiểu cái đạo đức lớn nhất là lẽ phải”.
Chính
thương bố, muốn che chở, tiếp sức trẻ cho bố, nhưng luôn luôn có một tấm áo
giáp sắt của thế hệ cha anh ngăn cách vòng ôm ấp ấy, nhân danh những khái niệm
cao siêu.
Và
đứa con giàu "bặm trợn" đã có lúc phải vung búa đập vào chiếc áo giáp
đó để tìm lại hơi ấm thịt da của bố. Nhưng hình như trong cái bỗ bã, cục cằn và
quyết liệt của người con, có ẩn chứa một nỗi hận gì đó sâu sắc? Tôi cố gắng dò
tìm cái ẩn số đó. Tôi hỏi Chính:
Có
cái gì trong con người ông Thi anh thấy không thích lắm?
Ông
Thi rất mạnh mẽ về tư tưởng, về lý tưởng, nhưng trong cuộc sống lại là người
yếu ớt. Nhìn chung tôi không thích cách đối nhân xử thế của ông. Cái hồi ông ấy
làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, có một vị lãnh đạo cấp cao đề nghị đến thăm một
nhà văn nổi tiếng đang ốm nặng tại bệnh viện.
Khi
vị lãnh đạo kia đến, thấy có mỗi ông Thi ở đấy đón mình bèn hỏi “Sao không thấy
ai nhỉ?”. Ý ông nói là sao không thấy các thành viên khác của Ban chấp hành Hội
Nhà văn đến đón ông.
Sau
hôm ấy ông Thi buồn lắm, cứ tưởng người ta đến thăm người ốm vì tình người, ai
ngờ lại chỉ mong có nhiều khán giả. Ông bảo: “Hóa ra cũng tầm thường”. Thế
nhưng bản thân mình có lúc cũng nghĩ về ông Thi như ông Thi nghĩ về vị
lãnh đạo kia. Mình rất kính trọng lý tưởng, hoài bão và sự lãng mạn của các cụ,
nhưng có những lúc họ làm mình thất vọng.
Trong
đôi mắt sâu thẳm của Nguyễn Đình Chính có cái xa xăm mơ màng của bố, nhưng ánh
lên vẻ dữ dằn mà mắt bố anh không bao giờ có. Đó là cái dữ dằn của một Tôn Ngộ
Không tận tụy, trung thành, đầy bản lĩnh chiến đấu, quên mình bảo vệ Đường
Tăng, nhưng vẫn bị thầy niệm chú thít vòng kim cô trên đầu và bị đời chê là
hiếu đấu.
Tổng
Giám đốc "Công ty Truyền thông Nguyễn Đình Thi"
Có
lần vui chuyện, Chính bảo bố: “Bồ của con toàn các cô xinh, bồ của bố trông
“giật gấu vá vai” quá, toàn là mẹ bổi”. Kể ra Chính nói vậy hơi quá. Nguyễn
Đình Thi đã từng có một mối tình lãng mạn với nữ ký giả, nhà thơ Madeleine
Riffaud xinh đẹp, người anh hùng của nước Pháp.
Madeleine
Riffaud giờ đã ngoài 80, sống một mình giữa Paris hoa lệ nhưng dường như vẫn
luôn ấp ủ mối tình xưa. Bà gọi Chính sang Pháp, muốn tặng hai ngôi nhà, một ở
Paris và một ở bên bờ biển Măng-sơ để làm Nhà lưu niệm mang tên Nguyễn Đình
Thi.
Những
ngày ở bên bà, Chính được bà chăm sóc như chăm một đứa trẻ. Tình cảm của bà trở
thành một sợi dây vô hình ràng buộc Chính vào việc giữ gìn những kỷ niệm của bà
với ông bố tài hoa.
Thế
rồi, mỗi lần gặp lại Chính tôi lại thấy anh dấn sâu thêm vào sự nghiệp chăm sóc
hình ảnh bố. Cuối tháng 7 vừa rồi, Chính gọi tôi đến bàn chuyện lập Cty truyền
thông Nguyễn Đình Thi, nhờ tôi tìm giúp một Tổng Giám đốc. Tôi bảo, sao anh
không làm luôn? Chính phân vân rồi cuối cùng cũng đồng ý, ký vào hồ sơ.
Hôm
đưa tang nhà văn Kim Lân, Chính đã mang vòng hoa của Công ty
Truyền thông Nguyễn Đình Thi đến viếng. Chính say sưa vạch ra kế hoạch của công
ty: Làm mấy chục tập phim từ tiểu thuyết Vỡ bờ, làm phim về mối
tình của bố với Madeleine Riffaud...
Một
sáng Chủ nhật cách đây không lâu, Nguyễn Đình Chính gọi tôi đến nhà thờ Tin
lành ở phố Hàng Da. Tôi bị bất ngờ khi chứng kiến cảnh vợ chồng Chính đang làm
lễ Báp-têm (Baptizòs), chính thức gia nhập đội ngũ những con chiên của Chúa.
Cái
ông nhà văn bặm trợn xúng xính trong lễ phục nhà thờ đầy vẻ ngoan đạo kia thật
chẳng ăn nhập tý nào với cái ông tác giả châm biếm cay độc cha Tạc trong tiểu
thuyết Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo). Một kẻ tưởng như vô
đạo luôn báng bổ Chúa cuối cùng vẫn có một ngày làm chứng trước Chúa.
Một
ông con ngỗ ngược luôn tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của bố, rốt cục vẫn chịu
trở về cái bóng đã giam mình để chăm sóc cho hình ảnh của người cha. Giễu cợt
thánh nhân, đem bố ra đùa - đó chỉ là cách Chính gồng mình che giấu một tình
thương mãnh liệt sâu sắc, khác thường với người cha.
Giống
như nhân vật người em trong phim Rain Man (Người trong mưa) của đạo diễn Barry
Levinson cố dìu người anh bệnh tật vượt qua sự ám ảnh điên loạn của ký ức
để trở về với gia đình trong đời thực, Chính cũng dùng tất cả sức mạnh chân
tình và thô ráp của người con để quyết liệt dìu bố từ thế giới của sao trời, lá
đỏ và những hình nhân trở về với trách nhiệm, niềm vui và chân lý của đời
thường, theo cách của anh. Đó cũng là một cách thể hiện đạo làm con khác đời
của Chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét