Nước Đức có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, giành nhiều giải Nobel hơn bất cứ nước nào trong thế kỷ 20, là một cường quốc khổng lồ. Bí quyết của họ rất đơn giản: Coi trọng giáo dục trẻ em. Ở Đức, giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội.
Xem thêm: Kỳ 1
Những bài học đạo đức tuổi măng non
Ở Đức có một cuốn sách dành cho các em nhi đồng rất thịnh hành tên là “Struwwelpeter”. Trong đó sử dụng rất nhiều câu chuyện thần thoại hài hước để nói cho bọn trẻ biết rằng điều gì là đúng, điều gì là sai. Rất nhiều thói quen tốt là kết quả của sự giáo dục trong gia đình ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ.
1. Khả năng tự biết lo liệu cho bản thân như bố trí ăn uống, ngủ nghỉ, đi vệ sinh, tự chăm sóc mình…
2. Ý thức về phép tắc: Đồ ăn đựng trong đĩa của mình thì phải ăn hết, phải ăn cơm trước mới được ăn vặt.
3. Bồi dưỡng lòng yêu thương, lương thiện. Rất nhiều gia đình nuôi động vật nhỏ trong nhà như chó con, mèo con để trẻ tự mình chăm sóc chúng. Trong quá trình ấy trẻ sẽ biết quan tâm, săn sóc tới những sinh mệnh yếu đuối, bé nhỏ.
4. Dưỡng thành sự kiên cường. Nếu trẻ bị ngã nhẹ, không nghiêm trọng lắm thì cha mẹ người Đức sẽ không lập tức lao tới giúp, mà để chúng học cách tự mình đứng lên.
5. Nói với trẻ phải biết tôn trọng sự riêng tư của người khác. Nhiều ông bố bà mẹ của Đức sẽ không đọc những điều thầm kín của trẻ nếu chúng chưa đồng ý.
6. Các ông bố bà mẹ của Đức khi tìm sự giúp đỡ của con sẽ nói “Bitte” (Làm ơn) giúp cha mẹ làm gì đó. Sau đó họ sẽ nói “Danke” (Cảm ơn) với chúng để bồi dưỡng phép lịch sự cho con mình.
7. Các ông bố bà mẹ ở Đức quản lý tiền tiêu vặt của con cái mình rất nghiêm khắc. Họ sẽ để những đứa trẻ làm một vài việc nhà đơn giản để nhận được những đồng tiền lẻ, tránh tạo thói quen “ngồi mát ăn bát vàng” cho chúng.
8. Một bà mẹ người Đức nói với cậu con trai thường xuyên dậy muộn của mình rằng: “Thật tiếc là mẹ không thể lái xe đưa con đến trường được. Điều này con phải tự trách bản thân mình. Con có thể chọn nhịn ăn sáng hoặc là đi học muộn”. Đó chính là dạy cho trẻ khả năng chịu trách nhiệm về hậu quả mình gây ra. Thậm chí, trong một số gia đình người Đức nghiêm khắc, nếu trẻ quên không bỏ quần áo bẩn vào túi giặt thì chúng sẽ phải tiếp tục mặc đồ bẩn vào ngày hôm sau.
9. Những bậc phụ huynh người Đức sẽ lấy mình làm gương về sự chân thành, thẳng thắn. Họ sẽ thường xuyên nói với con mình rằng phải tuân thủ giao kèo, không được dễ dàng thề thốt điều gì, những chuyện đã đồng ý thì phải được làm trong khoảng thời gian quy định.
10. Những bậc phụ huynh người Đức vô cùng coi trọng rèn luyện sự tự tin cho con cái mình. Dẫu chỉ là một sự tiến bộ nhỏ, họ cũng đều dành cho con mình rất nhiều sự khích lệ và khen ngợi. Bởi họ biết rằng sự tự tin của trẻ nhỏ bắt nguồn từ cha mẹ mình. Họ cũng tuyệt đối không vì thành tích học tập tốt xấu của con mà phủ nhận sự xuất sắc của chúng trong những phương diện khác.
11. Ở Đức dù ở nhà hay trường học, người ta cũng luôn lưu tâm tổ chức các hoạt động tập thể cho bọn trẻ. Bởi vì người Đức có một câu thế này: “Wer alleine arbeitet , addiert. Wer zusammen arbeitet, multipliziert” (Sự nỗ lực của một người là phép cộng. Sự nỗ lực của tập thể là phép nhân).
Tinh thần Đức, ý chí Đức toát lên từ những thói quen nhỏ
Đọc sách
Người Đức thường có một cuốn sách trong tay. Số người chơi điện thoại trên tàu điện ngầm rất ít, số người đọc sách lại chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Ở Đức nếu để ý bạn sẽ có thể gặp đủ các hiệu sách lớn nhỏ khác nhau. Điều kỳ lạ là trong những hiệu sách đó hiếm khi vắng bóng người đọc.
Những cuốn sách giấy hầu như vẫn khá thịnh hành tại Đức ngày nay, dẫu là trong một xã hội mà sách điện tử đã len lỏi từng ngóc ngách. Trước kia, người ta thống kê được rằng có tới 91% người Đức mỗi năm đọc ít nhất 1 cuốn sách, 23% hàng năm đọc được từ 9 đến 18 cuốn, 25% dân số hàng năm đọc trên 18 cuốn.
Lịch thiệp và khiêm nhường
Đó chính là tâm thái bao dung với người khác. Một lần nọ khi ở Đức, đi trên đường cao tốc, tôi bắt gặp một chuyện lạ. Hai dãy xe ô tô tự động gộp thành lại một hàng. Vì cảm thấy rằng tôi đang có việc gấp, một chủ xe bên tay trái đã đi chậm lại để nhường cho tôi đi trước.
Nếu đi tàu điện ngầm vào những lúc đông người, bạn cũng sẽ phát hiện rằng người đứng ở cửa sẽ chủ động xuống trước, nhường lối cho những người cần xuống xe ở phía sau. Sau đó họ mới lên xe lại.
Đúng giờ
Đa số người Đức đều tuân thủ thời gian đã được quy định. Ngay cả các phương tiện giao thông công cộng cũng rất đúng giờ. Ngoại trừ những sự cố ngoài ý muốn, mỗi chiếc tàu điện ngầm và xe buýt đều có thể về bến chuẩn giờ theo lịch trình quy định, thậm chí đến từng phút.
Coi trọng gia đình
Giữa công việc và gia đình, người Đức coi trọng gia đình hơn. Họ sẽ về nhà đoàn tụ cùng người thân sau khi hết giờ làm. Rất ít người vì muốn kiếm thêm tiền làm ngoài giờ mà về nhà muộn. Trong những ngày lễ Tết họ lại càng dành nhiều thời gian cho gia đình của mình hơn.
Một cuốn sổ tay
Hầu như mỗi một người Đức đúng giờ đều có một cuốn sổ ghi chép. Cuốn sổ này không nhất định là có liên quan tới công việc. Nhưng nhất định là liên quan tới cuộc sống của bản thân họ, ví như ghi nhớ những chuyện quan trọng hoặc thời gian các cuộc hẹn.
Tuân thủ luật lệ giao thông
Người Đức vô cùng tôn trọng luật lệ giao thông dù vẫn có những người vượt đèn đỏ. Đặc biệt, lái xe luôn tuân thủ rất nghiêm ngặt điều này. Bởi nó liên quan tới an toàn của sinh mệnh bản thân họ và những người khác. Ở Đức lái xe thường bật đèn ban ngày. Khi họ đổi làn thì không chỉ nhìn gương chiếu hậu, mà còn phải quay đầu nhìn vào khu vực điểm mù xem có xe hay phương tiện khác hay không.
Chú trọng chất lượng cuộc sống
Người Đức tuyệt đối không phải là một dân tộc thích hư vinh. Họ luôn biết tiêu tiền sao cho hợp lý nhất. Ví như họ sẽ tiêu 200 euro (hơn 5,3 triệu đồng) để mua một bình nước nóng, chứ không phải là một cái ví Gucci. Họ sẽ tiêu 500 euro (gần 13,5 triệu đồng) để mua một bộ đồ nhà bếp chứ không mua một cái túi xách LV.
Họ sẽ tiêu hàng nghìn euro (khoảng 26 – 80 triệu đồng) để chăm sóc, tỉa tót cho vườn hoa của mình chứ không phải để mua một chiếc áo khoác Burberry. Bởi người Đức biết rằng đồ xa xỉ thực sự chính là chất lượng cuộc sống của họ chứ không phải là một cái túi xách hay một chiếc áo khoác.
Bảo vệ môi trường
Người Đức rất ít vứt rác lung tung. Bởi vì họ biết tầm quan trọng của môi trường. Dẫu là sống ở nước ngoài thì đa số người Đức vẫn giữ thói quen này. Tôi và một cô bạn người Đức tới Trung Quốc leo núi. Vì không tìm thấy thùng rác, cô bạn người Đức này đã cầm que của cây kem suốt dọc đường xuống núi. Sau khi tìm thấy một cái thùng rác nhỏ cô ấy mới vứt bỏ vào.
Cẩn trọng
Sự cẩn trọng của họ bắt nguồn từ việc suy xét tới những tiểu tiết. Ví như phía trên mỗi một quả trứng gà được bán trong các siêu thị ở Đức đều có một mã số. Thậm chí, bạn có thể thông qua mã số này để tìm hiểu môi trường sinh trưởng của gà mẹ đã đẻ ra quả trứng này.
Tinh thần khế ước
Trong mắt chúng ta, có thể người Đức vô cùng cứng nhắc, không linh hoạt. Nhưng đó là do văn hóa và thói quen “Tinh thần khế ước” được dưỡng thành từ nhỏ. Họ không dễ dàng hứa hẹn bất cứ điều gì nhưng một khi đã hứa thì nhất định sẽ làm đến nơi đến chốn. Chúng ta có thể thấy được điều này trong chất lượng sản phẩm của Đức.
Uy tín
Vì sao xe hơi của Đức lại đắt hơn những loại xe hơi thông dụng khác nhiều lần? Vì sao nồi của Đức lại đắt gấp mấy chục thậm chí là mấy trăm lần những chiếc nồi bình thường? Vì sao máy giặt Miller của Đức lại đắt hơn vài chục nghìn, thậm chí là vài trăm nghìn euro? Vì sao cụm từ “Made in Germany” (Sản xuất tại Đức) lại là biểu tượng về hàng chất lượng cao?
Kỳ thực, 100 năm trước đây, những vật dụng của Đức thường mắc lỗi, bị người Anh chế nhạo. Để xây dựng được uy tín và chất lượng như ngày nay, người Đức đã dựa vào sự chuyên tâm và kiên trì, dựa vào chữ tín của mình
Đạo đức cộng đồng
Nếu để ý bạn sẽ phát hiện rằng nhiều khi những nơi công cộng của Đức (trừ thời gian thi đấu bóng đá) đều vô cùng yên ả. Hầu như mọi người đều ở trong trạng thái thì thầm to nhỏ. Rất ít người lớn tiếng, ồn ào huyên náo (trừ những fan hâm mộ bóng đá và những tay bợm rượu).
Trái tim đồng cảm
Đa số người Đức sẽ chủ động giúp đỡ những người yếu hơn mình, người tàn tật và người già. Ở Đức nếu người già bị ngã chắc chắn sẽ có người tới giúp, hơn nữa không chỉ là một người. Khi gặp người tàn tật, cũng sẽ có người chủ động bước tới giúp họ.
Tôn trọng sinh mệnh
Khi gặp những loại xe đặc biệt như xe cảnh sát, cứu hộ, cứu hỏa có còi báo, người ta đều chủ động đi áp sát lề để nhường đường.
Yêu nước
Người Đức hiếm khi nói ra miệng rằng mình yêu đất nước như thế nào. Thậm chí họ còn thường hay châm chọc những điểm hạn chế của quốc gia, chính phủ mình. Nhưng thay vào đó, họ luôn kiên trì sử dụng sản phẩm do nước mình sản xuất. Không khó để có thể thấy được tinh thần yêu nước của họ. Đương nhiên cũng là do niềm tin của họ vào sản phẩm của đất nước mình. Nếu gặp những trận thi đấu bóng đá quốc tế, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được tình yêu nước nồng nàn, mãnh liệt của họ.
Ngoài ra người Đức còn khá cởi mở đón nhận những nét đẹp văn hóa Đông Tây kim cổ của các dân tộc khác trên thế giới và trân trọng những vĩ nhân lịch sử trong cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Họ coi đó là những tấm gương đạo đức và tinh hoa của nhân loại, cần được truyền thừa cho con cháu người Đức mai sau. Nghĩa là tình yêu nước của họ đã vươn ra tầm thế giới chứ không còn là thứ tình cảm hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc.
***
Với chừng ấy những điều tuyệt vời như vậy, nước Đức quả thực không thể không hùng mạnh. Sức mạnh thực sự của một quốc gia không phải dựa vào quân đội đông đảo, vũ khí tối tân hay kinh tế phát đạt, trù phú. Cường quốc thực sự chính là biết bồi dưỡng nhân cách công dân, đặt trọng tâm vào giáo dục, phát triển con người, xây dựng được nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh, vững chãi và một thiết chế công bằng. Sức mạnh ấy thể hiện ý chí, nội lực của một quốc gia, là thứ khiến cả thế giới phải nể trọng.
Theo CmoneyHiểu Liên biên dịch
Xem thêm: