Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Bị khai trừ Đảng, Bí thư xã Đồng Tâm nói gì?

Thứ bảy , 21/10/2017 14:44 PM GMT+7

Bà Nguyễn Thị Lan cho biết bản thân rất buồn khi nhận quyết định bị khai trừ Đảng, bà sẽ đề nghị bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐND của mình.
Sáng 21/10, một lãnh đạo Huyện ủy Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa có thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Kỷ luật Đảng 6 cán bộ xã Đồng Tâm

Kết luận nêu rõ ngày 31/10/2016, UBND Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về việc UBND huyện đã vi phạm trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Huyện Mỹ Đức đã tổ chức hàng chục hội nghị để triển khai kết luận này cũng như thành lập các tổ công tác tuyên truyền đến người dân về nội dung kết luận.
Bi khai tru Dang, Bi thu xa Dong Tam noi gi? hinh anh 1

6 lãnh đạo xã Đồng Tâm bị kỷ luật liên quan vụ việc đất đai ở sân bay Miếu Môn. (Ảnh: Công Khanh)

Trong quá trình tuyên truyền có một số cán bộ, Đảng viên thuộc Đảng bộ xã Đồng Tâm đã không đồng tình với kết luận và một số người là thành viên trong tổ tuyên truyền nhưng không đi tham gia tuyên truyền.
"Mặc dù các văn bản của TP Hà Nội và huyện Mỹ Đức đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Nguyễn Thị Lan (Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) đã không chỉ đạo cán bộ, Đảng viên, nhân dân thực hiện đúng", kết luận nêu.
Ngoài ra, ở hội nghị chi bộ thôn Hoành ngày 10/4, bà Lan phát biểu: "Bản thân tôi cũng chưa xác định đây là đất quốc phòng hay là đất địa phương Đồng Tâm".
Cũng theo kết luận, khi xảy ra vụ việc bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ công an ngày 15/4, bà Lan biết và gọi điện báo cáo lãnh đạo huyện nhưng lại không thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và bỏ vị trí công tác trong 3 ngày.
 Huyện ủy Mỹ Đức cũng chỉ ra một số sai phạm về về công tác quản lý, sử dụng đất đai như: Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2017 có 44 trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 7.000 m2, UBND xã Đồng Tâm đã phát hiện và lập biên bản vi phạm nhưng thực tế các hộ vẫn còn vi phạm.
"Để xảy ra sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm, trách nhiệm chính thuộc về bà Nguyễn Thị Lan, ông Hoàng Thanh Hương (Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm) và ông Lê Trường Huy (Phó chủ tịch UBND xã)", kết luận cho hay.
Huyện ủy Mỹ Đức cũng cho rằng Đảng ủy xã Đồng Tâm chưa tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác quản lý đất đai, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, việc để xảy ra việc 38 chiến sĩ công an bị người dân bắt giữ ngày 15/4 cũng như nhiều cuộc làm việc khác của huyện với xã bị cản trở là do Đảng ủy xã đã buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lực lượng và áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Sau thông báo này, Huyện ủy Mỹ Đức cũng ra quyết định thi hành kỷ luật đối với các cán bộ, lãnh đạo của xã Đồng Tâm liên quan. Bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm bị thi hành hình thức kỷ luật khai trừ Đảng.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó bí thư thường trực Đảng ủy; ông Hoàng Thanh Hương; Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã; ông Lê Trường Huy, Phó chủ tịch UBND và ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm bị thi hành hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ông Phạm Văn Quang, Phó chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Bi khai tru Dang, Bi thu xa Dong Tam noi gi? hinh anh 2

Bà Nguyễn Thị Lan (ngồi ngoài cùng bên trái) bị khai trừ Đảng. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Vị lãnh đạo Huyện ủy Mỹ Đức cho cũng cho biết sau khi công bố các quyết định kỷ luật về Đảng đối với lãnh đạo xã Đồng Tâm thì Huyện ủy, UBND huyện sẽ báo cáo thành phố để có các bước xử lý tiếp theo.

Xin miễn nhiệm chức vụ

Sáng 21/10, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Lan cho biết bà rất buồn khi nhận thông tin này.
“Mấy hôm nay tôi bị ốm ở nhà. Quyết định kỷ luật khai trừ Đảng tôi chưa nhận được vì mấy hôm bị ốm không lên cơ quan làm việc được. Các anh bên Huyện ủy nói gửi cho đồng chí Phó bí thư xã mang đến nhà, nhưng ngày hôm qua, 20/10, các anh ấy đến chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam nên không mang theo”, bà Lan nói.
Video: Tuyên án 14 cựu cán bộ sai phạm ở Đồng Tâm
Theo bà Lan, trong các cuộc họp của Huyện ủy Mỹ Đức liên quan đến việc kiểm tra trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đồng Tâm để xảy ra sự việc điểm nóng ở thôn Hoành, bà đã nhiều lần báo cáo về các sự việc liên quan.
Bí thư xã Đồng Tâm cũng cho hay bà sẽ đề nghị bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐND của mình. “Đây là chức danh do nhân dân bầu. Tôi cũng xin được bãi miễn chức danh này. Trong 17 năm công tác, tôi luôn tận tụy hết lòng với nhiệm vụ được giao", bà Lan khẳng định.
Bí thư xã Đồng Tâm nói sẽ nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về những việc chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Phía sau lá đơn xin từ nhiệm của Tổng thanh tra Chính phủ?


Ông Phan Văn Sáu. Ảnh: Báo Thanh tra
   Trong 3-4 nhiệm kỳ gần đây, hình ảnh những người đứng đầu ngành thanh tra nước nhà xem ra chưa có vị nào được coi như tấm gương mẫu mực như các bậc tiền bối của họ. Trước khi rời nhiệm sở, họ cũng đã để lại những ấn tượng không hay.
Tôi nghĩ, việc ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ, sau gần 2 năm đứng mũi chịu sào ở cương vị Tổng thanh tra, chắc ông phải chịu áp lực như thế nào đó thì mới đệ đơn xin rời khỏi vị trí này. Chúng ta cũng nên cân nhắc khi phân tích, tránh suy luận khi chưa biết kỹ để cho khách quan. Bên cạnh đó, theo tôi thì việc này cũng nên đánh giá cao cách suy nghĩ và đề nghị của ông. Nếu vì sức khỏe, vì công việc quá sức mình, vì không phù hợp hay vì gì gì đó mà xin không tiếp tục đảm trách, âu cũng là chuyện thường tình và cần được tôn trọng.
3 năm còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, đâu phải ngắn ngủi để làm chiếu lệ khi mà Tổng bí thư đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Đảng: Phải khẩn trương đưa tiếp "củi" vào "lò đốt". Mục tiêu đặt ra là để thiêu rụi mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xã hội bằng mọi biện pháp. Cái "lò" đó đang chất ngồn ngộn "củi". Cả "củi khô" lẫn "chưa thật khô" và cả "củi còn ướt ".
Có lẽ ông Phan Văn Sáu đủ hiểu Thanh tra Chính phủ không thể đứng ngoài cuộc. Nhất là khi người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã và đang quyết tâm cao độ trong việc xây dựng một nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động thì lại càng phải vậy. Không khác được! 
Cơ quan Thanh tra Chính phủ từng có nhiều tên gọi khác nhau. Nếu không tính các bậc lãnh đạo tiền bối trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Tôn Đức Thắng, cụ Hồ Tùng Mậu một lòng vì dân vì nước thì kể từ sau hòa bình 1954, các vị Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Bùi Quang Tạo... đều là những tấm gương mẫu mực về chí công vô tư khi phụ trách công tác thanh tra của Chính phủ. 
Tiếc rằng trong 3-4 nhiệm kỳ gần đây, hình ảnh những người đứng đầu ngành thanh tra nước nhà xem ra chưa có vị nào được coi như tấm gương mẫu mực như các bậc tiền bối của họ. Trước khi rời nhiệm sở, họ cũng đã để lại những ấn tượng không hay. Đại để như chuyện bổ nhiệm ồ ạt cán bộ trong vòng 6 tháng trước khi rời ghế, chuyện nhà cửa đất đai kê khai chưa trung thực... và nhiều kết quả thanh tra qua nhiều nhiệm kỳ không làm cho người dân an lòng, đảng viên chưa tin tưởng vào bộ máy thanh tra nói chung.
Không có lý gì và không phải vô tình như vừa mới rồi, chuyện ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ đã làm cái việc hy hữu: tự tổ chức họp báo. Ông Mẫn đã tự "moi gan ruột" của mình "phanh" ra trước báo chí chỉ để thanh minh một điều: "Tôi là cán bộ thanh tra liêm khiết nhất ngành! (?)".
Việc này đúng đến đâu thì không mấy ai biết nhưng qua đó đã nói lên một điều: trong ngành thanh tra bây giờ chắc có nhiều "chuyện" ít người biết để khui ra mà thôi. Nói như ông Mẫn, chắc ông "là người trong chăn", ông am tường hết, âu cũng có lý! 
Rồi cách đây 1 năm, có đám tang của thân phụ một vị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Theo lẽ thường, cơ quan này sẽ có thông báo nội bộ trong cơ quan mình hoặc ngành mình cùng biết để đến chia buồn với đồng nghiệp. Thế nhưng cái ngành dầu khí bê bối kia, họ lại chả tế nhị tẹo nào và ra một thông báo đến toàn bộ lãnh đạo tập đoàn, trong đó có ghi đầy đủ các đơn vị thành viên của họ biết để đến thăm viếng. 

Đành rằng "nghĩa tử là nghĩa tận". Ai có đến viếng thì cũng là việc của người ta, không ai có quyền can thiệp. 
Song, như chúng ta đều biết, ngành dầu khí thời điểm đó đã nảy sinh nhiều bê bối. Thanh tra Chính phủ đã và đang vào cuộc. Kết quả thanh tra ngày đó, nếu so với những gì gần đây mà chúng ta nắm được thì xem ra những kết luận ngày đó... nhẹ hều. 
Người ta đặt dấu hỏi, phải chăng các quan chức ngành dầu khi đều ân tình với vị quan chức nọ đến vậy sao? Nếu tế nhị ra, mình  đã và đang là đối tượng của thanh tra thì có chăng chỉ là rỉ tai nhau để biết mà "lựa", mà "tính" chứ không nên xuất hiện cả bầu đoàn thê tử như thế để nảy sinh đàm tiếu...
Cuốn Cổ học tinh hoa do hai ông Nguyễn Vãn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn đã thâu lượm, giới thiệu với bạn đọc những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện, các tác giả đã đem đến cho người đọc cách nhìn nhận cuộc sống, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi, từng lúc. 
Có thể nói vắn tắt, đó là cuốn sách "dạy làm người", là cái "túi khôn" rất cần thiết không chỉ cho xã hội lúc bấy giờ mà cả hôm nay và về sau.
Cuốn sách có nhắc đến một câu chuyện khá sâu sắc. Chuyện trong bài Quân tử hành của Tào Thực, chỉ  có hai câu nhưng rất hay và thâm thúy đến lạ lùng. Nó chỉ rõ cho con người ta cái đạo làm người quân tử: "Qua điền bất nạp lý/Lý hạ bất chỉnh quan".
Thoát nghĩa thì đại ý là "quân tử khi qua ruộng dưa không cúi xuống chỉnh sửa giày, còn qua vườn đào thì không chỉnh sửa nón". Cổ nhân dạy thế để mình biết mà tránh, khiến không ai hiểu nhầm mình (có thể đó là quân tử, là quan lại, là người đàng hoàng trong xã hội...) đang có ý đồ nào đó không tốt.
"Vận" vào chuyện này thì có lẽ vị lãnh đạo ngành thanh tra nọ nên ý tứ nói nhỏ với các "đương sự" của mình xin tránh giúp ông, đừng đến đông quá để tránh bị nghi kỵ. Ngược lại, dù cho các đơn vị của ngành dầu khí có biết và muốn đến viếng thì cũng nên tế nhị. Như thế sẽ có" lợi" và dễ xử cho cả hai...
Gần đây, dư luận xã hội tỏ ra không hài lòng khi họ phải chờ đợi lần lữa mấy kết luận thanh tra của cơ quan ông Sáu. Họ chờ và hy vọng hết tháng này sang tháng khác xung quanh chuyện xây biệt phủ và tài sản của vị giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái. Không lẽ một cái chuyện cỏn con như vậy mà kéo dài đến thế sao? Phải chăng nội bộ ngành đang có gì bất ổn mà ông Tổng thanh tra không kiểm soát được? 
Đó là chưa nhắc đến mấy chuyện thanh tra vụ này vụ nọ, nó còn lớn tày đình gấp cả ngàn lần như thế  nữa kia! 
Tất cả cũng chưa được cơ quan ông làm cho "ra môn ra khoai" trong khi mà áp lực của Đảng, của dân đòi hỏi thì thật lớn .
Có lẽ cũng vì cái sự mệt mỏi ấy trong 2 năm ông lĩnh ấn mà ông đã không chịu nổi khi sức khỏe lại có chuyện, muốn thay đổi chỗ khác cho phù hợp?
Người xưa đúc kết "thần thiêng nhờ bộ hạ". Việc Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu xin từ quan trước nhiệm kỳ, tôi cho rằng nó là chuyện bình thường ở người lãnh đạo. Tuy nhiên qua đó, người ta cũng đoán được đôi điều: Việc quản lý một ngành nhạy cảm như nơi đây, khi thuộc hạ đều là của bộ máy cũ với những vị lãnh đạo cũ như tôi điểm qua thì quả thật rất khó có thể giúp ông Sáu làm đến nơi đến chốn! 
Quốc Phong

Tại sao nước Pháp phải chú ý tới Biển Đông?

Trước những nguy cơ chiến lược tại Biển Hoa Đông và Biển Đông mà châu Âu, nhất là Pháp đang đối mặt, Pháp buộc phải dành lại sự quan tâm của mình đối với khu vực này.


Từ khoảng chục năm trở lại đây, biển Hoa Đông và Biển Đông là nơi diễn ra nhiều sự kiện, vốn là kết quả của những căng thẳng đang tồn tại giữa các quốc gia ven biển, đồng thời cũng là những căng thẳng giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây như Úc hay Mỹ. Tháng 1 năm ngoái, chính quyền mới của Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo tới Bắc Kinh. Thật vậy, khu vực này là đối tượng yêu sách chủ quyền của nhiều bên liên quan. Ngoài Trung Quốc, và Đài Loan là những bên yêu sách phần lớn diện tích Biển Hoa Đông và Biển Đông, Việt Nam và Nhật Ban cũng yêu sách lần lượt các quần đảo như Trường Sa, Hoàng Sa và Senkaku.[1] Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia yêu sách một phần vùng đặc quyền kinh tế.

Cuộc chơi của Trung Quốc

Chủ thể chính tại Biển Hoa Đông và Biển Đông là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Ngoài việc coi khu vực này có vai trò quan trọng giống như Tây Tạng hay Đài Loan, Trung Quốc cũng tuyên bố đây là trung tâm của “các lợi ích cốt lõi”. Trước hết là về lợi ích chiến lược. Một mặt, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tàu ngầm hạt nhân lớp Jin ở Đảo Hải Nam. Khi tiếp cận vào khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thế hệ tàu ngầm này chỉ có thể phát huy khả năng răn đe nếu đạt được những điều kiện tối thiểu là có đủ không gian để “giấu mình” trong lòng đại dương. Có nghĩa là, các tàu ngầm này cần có vùng biển do Trung Quốc kiểm soát và lặn đủ sâu để có thể hoạt động mà không bị phát hiện. Mặt khác, Biển Hoa Đông và Biển Đông là khu vực qua lại quan trọng đối với thương mại quốc tế, với 50% khối lượng hàng hoá vận tải đường biển, 1/3 là vận chuyển dầu; việc kiểm soát được khu vực này mang lại lợi thế chiến lược mấu chốt. Đó cũng là các thách thức về kinh tế vì các nguồn lợi năng lượng được dự đoán tại khu vực. Năm 2013, Cơ quan Thông tin năng lượng đã đánh giá nguồn năng lượng ở đây tương đương với 11 tỷ thùng dầu mỏ và khí đốt, gấp đôi trữ lượng dầu của Trung Quốc hiện nay (chiếm 1,1,% trữ lượng toàn thế giới). Trung Quốc cũng dòm ngó tới nguồn tài nguyên sinh vật. Ngành thuỷ sản đang nuôi sống 10 triệu ngư dân Trung Quốc và mang lại nguồn thực phẩm cơ bản cho con người, trong khi đó Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, một khu vực chứa đựng khoảng 10% trữ lượng tài nguyên toàn cầu. Cuối cùng, đối với Trung Quốc, các yêu sách về các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông xuất phát từ chính sách đối nội. Những yêu sách này là cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và người dân Trung Quốc coi các yêu sách đó là hoàn toàn chính đáng.

Rõ ràng là Trung Quốc đang chứng tỏ mong muốn làm bá chủ trên biển, điều đó được thể hiện qua các hoạt động từ nhiều năm nay. Trung Quốc muốn mở rộng vùng biển rộng 2 triệu cây số vuông bằng yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm 80-90% vùng biển quốc tế, tương đương với diện tích của Địa Trung Hải. Chính sách chiếm hữu thực tế đã được tiến hành từ năm 1974, lợi ích của Trung Quốc đối với vùng biển này xuất phát từ năm 1968, thông qua việc tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động của mình, chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1978 và 1984, sau đó vào năm 1995 chiếm đóng Bãi Vành Khăn. Năm 2016, Philippines đã kiện Trung Quốc  ra Toà Trọng tài thường trực La Hay, với phán quyết có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối. Thái độ phản đối Toà trọng tài cho thấy Trung Quốc từ chối việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại các biển Hoa Đông và Biển Đông thông qua phương thức pháp lý.

Tình hình đối đầu gần như lan toả tới các quốc gia láng giềng và khả năng xung đột là rõ ràng. Nhiều tuyên bố chính thức của Trung Quốc thể hiện quyết tâm cứng rắn, thông qua tờ Hoàn Cầu (tờ báo do Đảng kiểm soát), đã viết về các biển Hoa Đông và Biển Đông rằng “cuộc chiến ở đây là không tránh khỏi”. Hiện nay, từ các khu vực do nước này kiểm soát, Trung Quốc đã tiến hành lấn biển và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự như sân bay, cầu cảng với mức độ chưa từng có: bốn căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa (7km2) trong đó có hai sân bay; ba căn cứ quân sự trên một số đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế do Philippines yêu sách (6km2), trong đó có một sân bay ở trên bãi Vành Khăn; bốn căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đã được mở rộng, trong đó có một sân  bay quân sự với đường băng dài 3 km trên đảo Phú Lâm. Đồng thời, Trung Quốc luôn thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tăng cường năng lực, cưỡng ép quân sự, đặc biệt là tăng cường năng lực không quân và hải quân tại các biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong đó lực lượng hải quân đứng thứ ba trên thế giới, với số nhân sự là 255.000 người, có tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng số tàu sân bay lên 4 chiếc từ nay đến năm 2030), cùng số lượng lớn tàu ngầm (3 tàu ngầm phóng hạt nhân, 6 chiếc tàu ngầm tấn công và 56 tàu ngầm thế hệ cũ). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chú trọng tới phát triển lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực biển, một mặt là sự chuyển giao từ lực lượng hải quân sang lực lượng cảnh sát biển; mặt khác huy động ngư dân Trung Quốc, còn được gọi là “dân quân biển”. Các lực lượng có sự phối hợp qua các tổ chức nghề nghiệp hoặc chịu sự kiểm soát của Cục Hải dương Quốc gia hoặc chịu sự điều phối của cơ quan theo luật Thuỷ sản của Tổng cục Thuỷ san thuộc Bộ Nông nghiệp.

Tất cả các lực lượng đó phối hợp hành động cứng rắn để khẳng định chủ quyền tại các vùng biển chồng lấn yêu sách, đuổi tàu nước ngoài hoặc có những hành động đáp trả như ở khu vực dầu khí lô 143. Thật vậy, vào năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt dàn khoan tại lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Việc đặt dàn khoan được thực hiện với sự huy động 80 tàu Trung Quốc với 7 tàu chiến để đối đầu với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Cùng thời gian đó, Trung Quốc luôn khẳng định sự chiếm đóng các quần đảo, đặc biệt thông qua việc cải tổ quân đội gần đây như cải tổ “chiến khu miền Nam và miền Đông” thành các bộ chỉ huy trên biển và cải cách hành chính, thành lập Thành phố Tam Sa. Những động thái đó chứng tỏ sự bành trướng có kế hoạch và rõ ràng từ chủ nghĩa bá quyền tới việc mở rộng chuỗi đảo thứ hai theo học thuyết chính thức của hải quân Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất là yêu sách chín đoạn xác định vùng biển theo hình đường lưỡi bò. Chuỗi đảo thứ hai là đường nối từ phía Bắc đảo Papouasie-New Guinea tới phía Nam Nhật Bản đi qua đảo Guam. Chính sách bành trướng cũng mở rộng tới tận Ấn Độ Dương, thông qua cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”. Chiến lược này là cuộc cạnh tranh giữa các đồng minh và chạy đua ảnh hưởng với các quốc gia ven Ấn Độ Dương, những quốc gia này sẽ tạo thành các điểm hậu thuẫn thương mại hoặc quân sự cho Trung Quốc. Cạnh tranh này cũng kéo theo rủi ro căng thẳng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Myanmar hay ở Việt Nam.

Những hệ quả không thể phủ nhận

Việc Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông có thể kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là việc tiếp cận khu vực này sẽ bị ngăn chặn bởi hệ thống tàu ngầm truyền thống, tên lửa hành trình, tên lửa chống tàu hoặc vũ khí của không quân. Từ đó, sẽ tạo ra nguy cơ cho khả năng tự do hành động đối với các chiến dịch của Pháp tại khu vực, kể cả tại Ấn Độ Dương. Khả năng ngăn chặn tiếp cận khu vực có thể được coi là một vũ khí chiến lược, trong đó có nguy cơ cản trở thương mại quốc tế trong trường hợp xung đột; 2/3 vận tải hàng hoá đi qua các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, chiếm gần 70% trao đổi của Châu Âu trong mặt hàng chế biến, ảnh hưởng tới việc cung ứng cần thiết cho hàng công nghiệp như sản  xuất ô-tô hay tin học. Cũng có ít khả năng Trung Quốc sẽ làm tổn hại nền thương mại của mình, nước này có thể kiểm soát thương mại của các quốc gia láng giềng. Hơn nữa, việc Trung Quốc từ chối áp dụng Công ước UNCLOS[2] và hành vi kiểm soát trên thực thế (de facto) các vùng biển có thể xem là tiền lệ có thể ảnh hưởng tới các yêu sách hiện nay về vùng đặc quyền kinh tế Pháp, đặc biệt là ở các đảo Eparses, Tromelin, hay Clipperton.

Xét từ khía cạnh thuần tuý kinh tế, các mối quan hệ đối tác kinh tế và quân sự chiếm khoảng 10% trong tổng số 24 tỷ euro về xuất khẩu và 15% trong số 21 tỷ euro về nhập khẩu của Liên minh Châu Âu vào năm 2016. Buôn bán vũ khí quốc phòng của Pháp tại Châu Á cũng đang tăng mạnh: 28% vào năm 2015 so với 12% trong giai đoạn 1998-2002, chủ yếu với Úc, Ấn Độ, Malaysia và Singapore. Ngoài vai trò của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, việc hợp tác quân sự giữa Pháp và các quốc gia trong khu vực cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bên cạnh đó, kế hoạch tự do thương mại giữa EU-ASEAN hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thảo luận và tương lai có thể sẽ thúc đẩy mức độ trao đổi giữa hai khối. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng quá trình quân sự hoá hỗn loạn ở châu Á, đặc biệt qua việc bán vũ khí của Pháp và Đức phần nào cũng thúc đẩy quá trình chạy đua vũ trang, có thể gia tăng căng thẳng tại khu vực, nơi có 130.000 công dân Pháp (gấp bốn lần cách đây 20 năm) đang sinh sống và hàng năm có khoảng 1,2 triệu du khách Pháp đến thăm quan khu vực.

Cuối cùng, các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông cũng là thách thức chính trong việc đảm bảo nguồn tài nguyên sinh vật của nước Pháp. Hiện nay, ngư dân của Trung Quốc (được sự hậu thuẫn của các lực lượng chức năng Trung Quốc, trong đó có lực lượng dân quân) đang tiến hành xác định lại các khu vực đánh cá. Điều này dẫn tới việc nhiều ngư dân Việt Nam tới đánh cá tại vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo New Caledonia, và từ đó đe doạ tới nguồn lợi đánh cá của nước Pháp. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của Trái đất, tình trạng thiếu phối hợp giữa các quốc gia ven biển trong lĩnh vực đánh cá, cùng những sức ép chính trị từ các quốc gia ven biển-đặc biệt là của Trung Quốc và Indonesia-nhằm chiếm đoạt các nguồn tài nguyên dẫn đến hệ quả phá huỷ nghiêm trọng các rặng san hô. Sự suy thoái này cũng gây ra sự suy giảm nguồn tài nguyên đánh cá, đẩy ngư dân đi tới các vùng đánh cá khác. Nếu vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo New Caledonia trở thành đối tượng thèm muốn của các nước, số phận các vùng đặc quyền kinh tế của Pháp như quanh đảo Reunion hay Polynesia sẽ tương tự.

Sự can dự khiêm tốn của nước Pháp

Nước Pháp có nhiều mối liên hệ trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng tại Đông Nam Á, tuy nhiên, cam kết cụ thể tại các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông dường như lại hạn chế. Hàng năm, Pháp chỉ có hai hay ba lần triển khai tàu hoặc tập trận chung,  nhất là qua tuyên bố chính thức như tại Đối Thoại Shangri La. Từ mức độ cam kết thấp của Pháp tại khu vực, các đồng minh của chúng ta (Pháp) nhìn nhận Pháp là một đồng minh thiếu thuyết phục nhất. Hơn nữa, ngoài việc chiếm hữu một số đảo tại Thái Bình Dương, Pháp còn bị xem là chưa đủ tin cậy để hội nhập các tổ chức khu vực. Ngày nay, Pháp lựa chọn lập trường trung dung, dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế, không đứng về bên nào trong các vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết hoà bình tranh chấp.

Vào tháng 7/2016, Toà Trọng tài Thường trực (PCA) La Hay đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển yêu sách tại Biển Đông, và Philippines đã thắng kiện. Toà Trọng tài cũng khẳng định các hành vi của Trung Quốc tại khu vực là trái pháp với luật pháp, lên án Trung quốc đã hành động làm “gia tăng căng thẳng” bằng các hoạt động trên các thực thể tranh chấp, từ đó ảnh hưởng xấu tới môi trường. Bắc Kinh đã tái khẳng định “các quyền lịch sử” đối với đường 9 đoạn và chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối thẩm quyền và phán quyết của Toà trọng tài. Ở điểm này, Pháp ủng hộ tính chất ràng buộc của phán quyết từ Toà trọng tài và cho rằng, không quốc gia nào có thể nhân danh quyền lịch sử, vốn không được UNCLOS thừa nhận, để thực hiện chủ quyền trên các vùng biển quốc tế. Pháp cũng nhận định rằng quan hệ giữa các quốc gia phải điều chỉnh bằng luật pháp, giải quyết tranh chấp hoà bình và các phán quyết có tính chất ràng buộc. Nhưng trên thực tế, EU đưa ra tuyên bố vào ngày 15/7/2016 về Kết luận của Toà, Pháp đã không tuyên bố rộng rãi và tôn trọng tuyên  bố của EU. Lập trường này của EU là nhằm tránh thái độ khó chịu của Bắc Kinh khi cân nhắc mối quan hệ đối tác chiến lược kinh tế với Trung Quốc, tránh tình thế đối đầu với Bắc Kinh và không làm ảnh hưởng tới một số vùng đặc quyền kinh tế của Pháp[3].

Cuối cùng, Pháp không tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải, kiểu như các chiến dịch FONOP[4] mà Mỹ thường tiến hành. Pháp chỉ dừng ở mức độ thực hiện quyền đi lại trên biển và quyền bay tại các vùng biển quốc tế ở khu vực, với mục đích duy trì cân bằng quan hệ quân sự với Trung Quốc, và áp dụng theo nghĩa hẹp (stricto sensu) các nguyên tắc chủ đạo của trật tự quốc tế (cụ thể là UNCLOS).

Nguy cơ đối với trật tự hiện nay tại khu vực

Chắc chắn rằng sự leo thang căng thẳng tại Biển Đông có thể trực tiếp tác động xấu tới lợi ích của các quốc gia phương Tây. Mối đe doạ đối với quyền tự do hàng hải, diễn tập quân sự, luật biển quốc tế và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á cũng như đối với các lợi ích riêng của Pháp tại khu vực, vốn quan trọng cho sự tăng trưởng của Pháp và Liên minh châu Âu, bảo vệ môi trường cũng là mối nguy cơ rõ ràng. Tuy nhiên, những hậu quả chiến lược từ âm mưu chiếm đoạt của Trung Quốc qua yêu sách đường lưỡi bò sẽ mang lại những hệ quả rất tiêu cực.

Với chiến lược “sự đã rồi” (fait accompli) được triển khai cách đây 40 năm, Trung Quốc rõ ràng đã bộc lộ âm mưu áp đặt chủ quyền lên toàn bộ các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông (Hoa Đông và Biển Đông). Chính quyền Trung Quốc không giống như các chính quyền Phương Tây. Nếu các quốc gia ven biển và các cường quốc liên quan như Pháp, Mỹ hay Úc không thay đổi chính sách trong khu vực, khả năng trong 30 hoặc 50  năm nữa, trên thực tế (de facto), các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ trở thành vùng biển nội thuỷ của Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp ngoại  giao để giải quyết vấn đề xung đột chủ quyền khu vực này. Để có thể đưa ra một giải pháp như vậy, nước Pháp phải tìm cách tiếp cận đối với các diễn đàn khu vực và ngoại vi-nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Nước Pháp cần thiết phải xây dựng một giải pháp ngoại giao và thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng hải quân. Đặc biệt, Pháp phải cố gắng thể hiện mình là cường quốc có uy tín và tin cậy trong khu vực. Để làm được điều này, một phần, Pháp buộc phải thảo luận về lĩnh vực hải quân và tính chính danh của mình tại Châu Á. Mặt khác, ngoài việc tăng cường các hoạt động ngoại giao, Pháp phải thể hiện một cam kết thực tế trong khu vực – không chỉ dừng ở lời nói – mà thông qua các hành động cụ thể, bao gồm lĩnh vực hải quân và các lĩnh vực khác. Thật vậy, vấn đề chủ quyền tại các biển Hoa Đông và Biển Đông ảnh hưởng tới việc quản lý nguồn tài nguyên cá, thăm dò dầu khí cũng như bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng đặc quyền kinh tế của châu Âu và việc nghiên cứu khoa học biển và môi trường là các lĩnh vực mà Pháp có năng lực. Pháp có thể dựa vào các thế mạnh này để tăng vị thế của mình tại các diễn đàn khu vực. Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán qua kênh song phương. Trung Quốc lo ngại sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao trên các diễn đàn đa phương. Để đối phó với chính sách “việc đã rồi” của Trung Quốc, các quốc gia yêu sách đối lập có thể cùng nhau tìm một giải pháp ngoại giao. Cách thức vận hành ngoại giao của Trung Quốc là áp đặt đối thoại song phương  để thể hiện uy thế nước lớn (trừ với Mỹ) và sẽ dẫn dắt quá trình đàm phán. Do đó, để đạt được hiệu quả, một giải pháp ngoại giao nhất thiết phải tạo ra một mặt trận ngoại giao thống nhất và có sự đồng thuận. Từ đó, nước Pháp phải phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối các hành động ngoại giao, quân sự, khoa học, kinh tế,  thúc đẩy đối thoại đa phương với các chủ thể trong khu vực.

Do đó, khi chúng ta lờ đi các tham vọng của Trung Quốc, cũng như việc áp dụng chính sách ngoại giao tối thiểu, đó là không làm mếch lòng Trung quốc, cho dù gián tiếp hay trực tiếp, đây chính là chính sách “đà điểu”. Trước những nguy cơ chiến lược tại Biển Hoa Đông và Biển Đông mà châu Âu, nhất là Pháp đang đối mặt, Pháp buộc phải dành lại sự quan tâm của mình đối với khu vực này.

Axelle Letouzé

Axelle Letouzé là Thuyền trưởng tàu khu trục nhỏ, tốt nghiệp Học viện Hải quân và đã từng tham gia nhiều hoạt động và chiến dịch, bà đã từng là trưởng ban đối ngoại” của tàu sân bay Charles de Gaulle. Bài viết được đăng trên Asia Focus số 41/chương trình châu Á/Tháng 9.2017/Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS (Pháp)

Hương Lan (dịch)

[1] Trung Quốc gọi lần lượt là Tây Sa, Nam Sa và Điếu Ngư.
[2] Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển.
[3] Toà đã ra phán quyết rằng các đảo do Bắc Kinh đang chiếm đóng không “có khả năng mở rộng vùng biển đặc quyền kinh tế” vì lý do các đảo đó “không có con người sinh sống”, và do đó, các thực thể đó không phải là đảo. Một số đảo do Pháp chiếm hữu như đảo Clipperton cũng có thể được xem là không có khả năng cho con người sinh sống và việc mở rộng vùng đặc quyền kinh tế cũng đang là điều gây tranh cãi.
[4] FONOP là Các chiến dịch tự do hàng hải, là việc đưa các tàu thuyền đi và các thiết bị bay trong khuôn khổ cho phép của UNCLOS bao gồm cả quanh khu vực ít nhất 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc yêu sách.

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Có cần thiết thành lập Viện Đạo đức học dành cho cán bộ hay không?

Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng vừa có đề nghị thành lập Viện Đạo đức học để dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng.

Các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đảng toàn quốc đầu năm 2016.
Các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đảng toàn quốc đầu năm 2016.
Phản đối

Đề nghị thành lập Viện Đạo đức học của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc-Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, diễn ra vào sáng ngày 18 tháng 10, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, ông Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng cán bộ là cái gốc của Đảng và của mọi công việc nên việc thành lập Viện Đạo đức học là cần thiết để huấn luyện cán bộ và những giảng viên mẫu mực sẽ được tuyển chọn để phụ trách công tác giảng dạy. Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc còn kiến nghị Viện Đạo đức học sẽ trực thuộc quản lý bởi Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận chỉ trong vòng xấp xỉ vài giờ đồng hồ Báo mạng VnExpress.net đăng tải thông tin vừa nêu, trên trang fanpage của tờ báo mạng này có khoảng 60 ý kiến nhưng hầu hết đều phản đối, cho đó là “điều nực cười” vì “uốn tre chứ không uốn măng”; vả lại chủ trương của Chính phủ là bộ máy nhà nước cần được tinh giản, nhưng với đề xuất này thì phải gánh thêm một cơ quan hoạt động không mang lại hiệu quả mà còn tiêu tốn ngân sách. Nhiều người lý giải rằng đạo đức phải được dạy từ nhỏ chứ không đợi đến khi trở thành cán bộ rồi mới vào Viện Đạo đức học để được huấn luyện. Một độc giả nhấn mạnh đạo đức thuộc về bản chất của mỗi cá nhân nên để thay đổi bản chất của một người là điều rất khó, nhất là trong bối cảnh vô số cán bộ từ địa phương đến trung ương bị tha hóa, tham ô tham nhũng và lạm quyền như hiện nay.

Không phải chỉ có mở trường mà với một chế độ như hiện nay vẫn là tàn nhẫn với dân, vẫn là cướp bóc của dân một cách trắng trợn, tham nhũng thì không có cách gì đẩy lùi được. Thế thì việc lập một trường dạy về đạo đức cho cán bộ cũng như kiểu dán cao cho bệnh ung thư, chỉ xoa dịu giảm đau một chút nhưng thực ra bệnh hoạn vẫn trầm trọng bên trong
-Ông Nguyễn Khắc Mai
Trao đổi với chúng tôi liên quan đề nghị thành lập Viện Đạo đức học dành cho cán bộ, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết ông không phản đối, nhưng ông nghĩ rằng việc thành lập này cũng chỉ là hình thức mà thôi. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA:

“Vấn đề muốn có đạo đức xã hội thì cần thay đổi nhiều lắm, đặc biệt là thể chế, thiết kế của hệ thống xã hội phải thay đổi. Nền giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng phải thay đổi. Trên cơ sở đó thì mới có được nhân tố con người. Và khi đã có nhân tố con người thì mới đặt ra vấn đề là học đạo đức, mà đặc biệt là đạo đức công chức; tức là đạo đức công vụ, đạo đức làm việc để phụng sự và quản lý xã hội, gọi là đạo đức nghề nghiệp nhưng phải trên cơ sở một nền giáo dục tử tế, nhân văn thì mới hình thành được tốt.

Hai nữa, không phải chỉ có mở trường mà với một chế độ như hiện nay vẫn là tàn nhẫn với dân, vẫn là cướp bóc của dân một cách trắng trợn, tham nhũng thì không có cách gì đẩy lùi được. Thế thì việc lập một trường dạy về đạo đức cho cán bộ cũng như kiểu dán cao cho bệnh ung thư, chỉ xoa dịu giảm đau một chút nhưng thực ra bệnh hoạn vẫn trầm trọng bên trong.”

Qua đề nghị của ông nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, dư luận thắc mắc rằng có phải phong trào “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động bao năm qua không đạt kết quả gì? Tiến sĩ Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện từng lên tiếng với RFA liên quan phong trào này:

“Sự suy thoái đạo đức trong Đảng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng và Nhà nước đã phát động rất mạnh mẽ và tốn rất nhiều tiền của cho phong trào học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng không đem lại mấy kết quả cho việc chấn hưng lại đạo đức của Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng và đạo đức của toàn xã hội nói chung.”

Luật sư Nhân quyền-Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài cũng đã nói rằng một nhà nước tuyệt đối hóa quyền lực như Việt Nam thì sẽ tha hóa tuyệt đối về đạo đức và lối sống của cán bộ đảng viên, do đó họ điều hành đất nước chỉ với mục đích nắm trong tay quyền lực và lợi ích cho riêng họ.

Phản tác dụng?

HocTapHCM.jpg
Cuộc thi Tuổi trẻ học tập đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Courtesy: Tuoitrehaiduong.vn
Một trường hợp minh chứng mới nhất về cán bộ tham ô nhưng được cả hệ thống lãnh đạo bao che, vừa được phổ biến trên mạng xã hội mà cộng đồng cư dân mạng quan tâm, qua chia sẻ của nạn nhân cũng là cán bộ ở tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Văn Khấn cho biết thuộc gia đình cách mạng, nghe theo lời vận động của Đảng ủy và Ủy ban nhằm thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở địa phương nên ông cùng 16 người khác tham gia vào thành lập Quỹ Tín dụng Nhân dân hồi năm 1995 và sẽ thanh lý tài sản chia cho cổ đông sau 20 năm hoạt động. Ông Nguyễn Văn Khấn, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vào năm 2008-2009 phát hiện ông Võ Văn Của, là Giám đốc Điều hành, chỉ đạo cấp dưới cố ý làm sai nguyên tắc tài chính kế toán để thu lợi bất chính. Ông Khấn kể lại:

Sự suy thoái đạo đức trong Đảng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng và Nhà nước đã phát động rất mạnh mẽ và tốn rất nhiều tiền của cho phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng không đem lại mấy kết quả cho việc chấn hưng lại đạo đức của Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam
-TS. Nguyễn Xuân Diện
“Khi vụ việc xảy ra thì tôi có báo với Ngân hàng Nhà nước. Ông Giám đốc Ngân hàng Nhà nước nói sẽ giải quyết, nhưng khi lập biên bản với chứng từ rõ ràng thì không xử lý. Lúc tôi họp Hội đồng quản trị để đưa ra xử lý thì ông Bí thư Đảng ủy đến dự, nhưng cuối cùng bao che cho nhau. Một ông cán bộ đảng viên như ông Của không có đạo đức mà vẫn bao che, ngoài tham ô tham nhũng còn thách thức tôi nữa. Ông ta chửi thô tục tại cuộc họp luôn.”

Ông Khấn đã làm hồ sơ gửi đến cơ quan các cấp của Đảng từ địa phương đến trung ương nhưng đều không nhận được hồi đáp. Năm 2010, ông Khấn quyết định ra khỏi Đảng. Ông Khấn khẳng định với chúng tôi hoàn toàn không có niềm tin là đạo đức của cán bộ đảng viên sẽ tốt hơn nếu được huấn luyện.

Quyết định ra khỏi Đảng của của ông Nguyễn Văn Khấn không phải là cá biệt, mà trong những năm gần đây ngày càng có nhiều đảng viên tuyên bố từ bỏ tham gia Đảng Cộng Sản Việt Nam với lý do tổ chức này hiện chỉ là một tổ chức của những người “tham quyền cố vị”, “mua quan bán chức”, “tranh giành quyền lực” và hơn hết là “không có tâm” lẫn “không có tầm” để lãnh đạo quốc gia.

Cũng vì các lý do đó, những người dân khắp nơi ở trong nước mà Đài RFA tiếp xúc quả quyết không cần thiết xây dựng Viện Đạo đức học dành cho cán bộ, vì như thế chỉ khiến dân chúng càng bất mãn hơn đối với chính quyền mà thôi.

Hòa Ái

(RFA)

8 cơ quan trong cơ thể sẽ bị tổn hại mỗi khi tức giận

Các chuyên gia dưỡng sinh cho rằng, người sống thọ đều là người có tâm tính ôn hòa, thích cười. Còn người mặt suốt ngày nhăn nhó và tức giận vì việc nhỏ thì rất khó có được những ngày vui hưởng cuộc sống. Thực ra, đây là điều rất bình thường, bởi vì tức giận sẽ gây tổn hại vô cùng lớn đến cơ thể.

tức giận, tổn hại cơ thể, nội tạng,
Tức giận chính là hỏa khí bốc lên giống như thiêu đốt phủ tạng, đặc biệt là gan, khí huyết sẽ tăng xông. (Ảnh: Ama)
Nếu nhìn từ góc độ y học cổ truyền Trung Hoa, tức giận chính là hỏa khí bốc lên giống như thiêu đốt phủ tạng, đặc biệt là gan, khí huyết sẽ tăng xông, làm cho đỉnh đầu phát nhiệt, lâu dần sẽ dẫn tới hói đầu. Cơn nóng giận càng nghiêm trọng, có lúc sẽ gây ra xuất huyết trong gan, trường hợp nghiêm trọng còn có thể bị nôn ra máu. Khi máu trong gan có thể xuất huyết ra một chút thì mức độ sẽ nhẹ bớt, nếu để xuất huyết trong gan, một thời gian sau sẽ hình thành huyết khối. Những điều này nghe rất đáng sợ, nhưng đây thực sự là tình hình thực tế sẽ xảy ra nếu bạn tức giận.
Còn nếu xét theo các phân tích hiện đại, khi tức giận sẽ thấy huyết áp, nhịp tim, nồng độ các hormone “đáp ứng khẩn cấp với stress” như adrenaline, noradrenaline trong cơ thể đều tăng lên. Cơn nóng giận kích thích cơ thể giải phóng cortisol, đây là hormone quan trọng do vỏ tuyến thượng thận tiết ra, có liên quan đến một số chức năng trong cơ thể như điều hòa chuyển hóa đường glucose, điều hòa huyết áp, phóng thích insulin để duy trì lượng đường trong máu, nâng khả năng miễn dịch trong cơ thể…
Các nhà khoa học nhận thấy sự nóng giận sẽ gây tổn hại đến hàng loạt cơ quan lớn, ví dụ như:
1. Não
Khi tức giận một lượng lớn máu sẽ dồn lên não, làm tăng áp lực lên mạch máu não, khi đó độc tố chứa trong máu là nhiều nhất, làm tăng nhanh chóng tốc độ lão hóa não bộ.
2. Gan và máu
Khi tức giận cơ thể sẽ tiết ra các catecholamine, làm ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương, khiến lượng đường trong máu tăng cao, làm gia tăng phân giải axit béo, khiến cho độc tố trong tế bào gan và máu cùng tăng lên theo.
tức giận, tổn hại cơ thể, nội tạng,
Khi tức giận cơ thể sẽ tiết ra các catecholamine, làm ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương. (Ảnh: Twitter)
3. Phổi
Nữ giới thay đổi cảm xúc đột ngột sẽ khiến hô hấp gấp rút, thậm chí xuất hiện hội chứng tăng thông khí. Lá phổi không ngừng giãn nỡ, rồi không đủ thời gian co rút lại, và không được co giãn thích hợp, vì vậy làm ảnh hưởng đến hoạt động của phổi.
4. Tim
Lượng lớn máu dồn lên não và mặt, làm giảm lượng máu cung cấp đến tim, gây ra thiếu máu cơ tim. Vì đáp ứng nhu cầu từ cơ thể, tim không thể làm gì khác hơn là tăng cường hoạt động gấp bội, vì vậy làm nhịp tim đập càng không theo uy luật, mà gây ra nhiều bệnh.
5. Lỗ chân lông
Khi tức giận độc tố trong máu não sẽ gia tăng, làm kích thích lỗ chân lông, gây ra bệnh viêm với mức độ khác nhau xung quanh lỗ chân lông, từ đó xuất hiện viêm sắc tố.
6. Dạ dày
Tức giận sẽ khiến cho thần kinh giao cảm bị kích thích, ảnh hưởng trực tiếp đến tim và mạch máu, dẫn đến giảm lượng máu đến dạ dày, và hoạt động chậm lại, khi nghiêm trọng hơn sẽ gây loét dạ dày.
7. Tuyến giáp
Thường xuyên tức giận sẽ làm rối loạn chức năng của tuyến giáp trạng, gây ra bệnh cường chức năng tuyến giáp.
8. Tuyến vú
Nam giới tức giận làm tổn thương gan, còn nữ giới tức giận làm tổn thương tuyến vú và tử cung. Tuyến vú đi qua hệ thống dạ dày, tử cung đi qua gan. Khi cơn giận lên cao, sẽ gây tổn hại đến tuyến vú, sau đó hạ xuống dưới thì tổn hại đến gan.
Khi các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương sẽ kéo theo nhiều chứng bệnh:
1. Viêm sắc tố
Mỗi người khi tức giận cáu gắt, sẽ xuất hiện tình trạng mạch máu bị giãn nỡ, khi đó lượng lớn máu sẽ dồn lên não, khiến cho lượng khí oxy trong máu bị thiếu hụt, làm độc tố tăng nhanh, vì vậy hiệu quả dưỡng ẩm đối với da sẽ giảm, thậm chí xuất hiện vấn đề như lỗ chân lông bị kích thích gây phát viêm, cuối cùng viêm sắc tố sẽ dần dần xuất hiện càng rõ.
tức giận, tổn hại cơ thể, nội tạng,
Mỗi người khi tức giận cáu gắt, sẽ xuất hiện tình trạng mạch máu bị giãn nỡ. (Ảnh: Genk)
2. Đau đầu
Tức giận làm đau đầu“. Đây là câu nói này không chỉ đơn giản như vậy, một người khi tức giận, cơ não sẽ dần dần bị co lại, cơ vai sẽ cứng theo, dẫn đến bệnh nhức đầu căng thẳng mà người ta thường nói.
3. Tổn thương gan
Khi một người tức giận, thân thể sẽ tiết ra một loại chất là catecholamine, loại vật chất này vô cùng đặc biệt, nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm cho lượng đường trong máu tăng cao, và phân giải axit béo sẽ tăng nhanh, Vì vậy, độc tố bên trong cơ thể sẽ tăng theo, dẫn đến áp lực lên gan cũng sẽ trở nên lớn.
4. Bài tiết
Một khi một người cảm thấy căng thẳng hoặc tức giận, thì bàng quang và đường ruột co rút hoặc phồng lên theo, như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn chức năng đường ruột.
5. Tổn thương phổi
Có nhiều người nói vui rằng “nổ phổi”, khi tức giận, theo sau đó là hô hấp gấp rút, lá phổi sẽ ngừng giãn nở, thậm chí đều co rút không kịp như bình thường, như vậy thì sẽ liên tục làm phổi ở trong trạng thái căng thẳng, tình trạng nghiêm trọng hơn xuất hiện “nổ” thì không phải là không có khả năng.
6. Rối loạn nội tiết
Hoóc-môn từ tuyến giáp trạng trong cơ thể tăng cường tiết ra tùy theo trạng thái căng thẳng hoặc tức giận. Nếu như thường xuyên trong trạng thái tức giận, thì có khả năng xuất hiện rối loạn nội tiết tố, thậm chí gây ra cường giáp.
7. Khí huyết không đủ
Nhiều người nói khí huyết là thứ quan trọng nhất của nữ giới, nhưng bạn có biết rằng tức giận cũng sẽ ảnh hưởng đến khí huyết không? Đông y giảng rằng, cảm xúc không tốt, lo lắng quá nhiều, và tính tình nóng nảy đều khiến khí huyết bị hao tổn.
Theo Tri Thức VN

4 điểm nổi bật trong báo cáo Đại hội 19 của ông Tập Cận Bình; Bài phát biểu của Tập Cận Bình: năm điều cần biết

Trong buổi khai mạc Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã báo cáo hơn 3 tiếng đồng hồ. Có kênh truyền thông đã tổng kết ra 4 điểm nổi bật của báo cáo này, trong đó có nói đến việc “Tư tưởng Tập Cận Bình” cuối cùng đã được định danh.

đại hội 19, Tap Can Binh, báo cáo,
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh trong phiên khai mạc Đại hội 19 của ĐCSTQ, sáng ngày 18/10/2017 (Ảnh: REUTERS)
Điểm nổi bật thứ nhất trong báo là định nghĩa “biến đổi mâu thuẫn chủ yếu xã hội Trung Quốc”
Trong báo cáo, ông Tập Cận Bình đã chỉ ra: “Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa yêu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển không cân bằng, không nguyên vẹn”. Trước đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) định nghĩa mâu thuẫn xã hội là “mâu giữa yêu cầu văn hóa vật chất ngày càng tăng của nhân dân và sản xuất xã hội lạc hậu”.
Tiếp theo đó, khi trình bày về mâu thuẫn này, ông Tập Cận Bình đã đề cập: “Nhu cầu cuộc sống tốt đẹp của nhân dân ngày càng mở rộng, không chỉ đưa ra đòi hỏi cao hơn đối với văn hóa vật chất, mà yêu cầu đối với các phương diện khác như dân chủ, pháp trị, công bằng, chính nghĩa, an toàn, môi trường… cũng ngày càng cao hơn”. Việc ông Tập Cận Bình công khai đề cập và phản ánh các giá trị quan phổ quát của thế giới “dân chủ, pháp trị, công bằng, chính nghĩa” được coi là điểm sáng lớn trong báo cáo.
Đối với việc định nghĩa lại “mâu thuẫn xã hội” trong báo cáo Đại hội 19, nhân sĩ bình luận thời sự hiện đang sống ở nước ngoài Văn Chiêu cho biết: “Phát triển không cân bằng, không nguyên vẹn tương đương với thừa nhận hiện tượng phân hóa giàu nghèo, đặc quyền tràn lan. Ngầm ám chỉ rằng, chướng ngại vật tạo thành phát triển không cân bằng không nguyên vẹn, chính là các tập đoàn lợi ích và các thế lực bè phái. Đây chính dự báo đấu tranh chính trị sau Đại hội 19 sẽ vẫn quyết liệt, ngoài chiến dịch phòng chống tham nhũng ra, thì đấu tranh chính trị có thể còn được tiến hành dưới danh nghĩa giải quyết mâu thuẫn xã hội”.
Điểm nổi bật thứ hai là “Giấc mộng Trung Hoa” mở rộng thêm “Bốn vĩ đại”
Trước đó, “Bốn vĩ đại” lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo của Hội nghị Trung ương 7 khóa 18 của ĐCSTQ, được cho là điểm chính trong Đại hội 19.
Điểm nổi bật thứ ba là “Tư tưởng Tập Cận Bình” cuối cùng đã được định danh
Ông Tập Cận Bình trong báo cáo đã đặc biệt đề cập đến “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây chính là xác nhận cho việc “Tư tưởng Tập Cận Bình” sẽ được viết vào Điều lệ Đảng trong Đại hội 19. Việc không đề tên “Tập Cận Bình” vào tên của tư tưởng, có thể là do ông Tập Cận Bình cố ý tránh phân tranh, cũng có thể là do áp lực từ thế lực phản Tập.
Trong ngày 19/10, 6 Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ khác đều đề cập đến “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” của ông Tập Cận Bình trong lúc thảo luận với đoàn đại biểu địa phương của mình.
Điểm nổi bật cuối cùng là xác định “mục tiêu giai đoạn” cho phát triển tương lai
Trong báo cáo ông Tập Cận Bình đã chia khoảng thời gian từ năm 2020 – 2050 thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ năm 2020 – 2035 phải cơ bản thực hiện “hiện đại hoá”, giai đoạn thứ hai từ năm 2035 – 2050 phải kiến thành “văn minh dân chủ phú cường” và “cường quốc hiện đại hài hòa mỹ lệ”.
Lê Hiếu biên dịch

Bài phát biểu của Tập Cận Bình: năm điều cần biết


21-10-2017
Dịch giả: Song Phan
Tập Cận Bình phát biểu hôm 18/10 tại lễ khai mạc ĐH Đảng CSTQ lần thứ 19. Nguồn: Ng Han Guan, AP
Chủ tịch Trung Quốc đã phát biểu trong 3 giờ và 23 phút – sau đây là những điểm thú vị nhất
Tập Cận Bình (TCB) đã khai mạc cuộc họp đảng Cộng sản lịch sử ở Bắc Kinh với một bài phát biểu 3 giờ và 23 phút, báo trước một “kỷ nguyên mới” trong chính trị Trung Quốc. Một phát biểu hầu như đơn điệu, TCB trở nên biểu cảm ở một số điểm, và khối trung thành trong cử toạ đáp lại bằng loạt vỗ tay ở những chỗ dừng thích hợp.
Dưới đây là những điểm quan trọng nhất và những điều cần quan sát trong 5 năm tiếp theo của TCB với tư cách là lãnh đạo của Trung Quốc:
Tập muốn Trung Quốc trỗi dậy trên sân khấu toàn cầu
TCB đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ trích trực tiếp tổng thống Hoa Kỳ, tự coi mình là kẻ chống Donald Trump qua việc tố cáo chủ nghĩa cô lập và qua việc ủng hộ sự hợp tác giữa các quốc gia.
Ông nói, “Không có nước nào có thể thu mình vào ốc đảo, chúng ta đang sống trong một thế giới chung và đối mặt với một số phận chung”, ít nhất một lần gián tiếp liên hệ tới việc Hoa Kỳ rời khỏi hiệp ước khí hậu Paris.
Ông cũng vạch ra một tương lai lâu dài cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế, với dự đoán đến năm 2050, đất nước sẽ “đứng một cách tự hào giữa các quốc gia trên thế giới” và “trở thành một cường quốc hàng đầu”. Một phần của kế hoạch đó bao gồm xây dựng một  quân đội “đẳng cấp thế giới”có thể đánh và thắng trận.
Trung Quốc không quan tâm đến các hệ thống dân chủ phương Tây
TCB cảnh báo đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tham nhũng, nhưng đã nhấn mạnh gấp đôi lên hệ thống, và nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sao chép hệ thống chính trị ở các nước khác. Ý kiến của ông ta là một dấu hiệu rõ ràng rằng các lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm đến những quan niệm về dân chủ của phương Tây.
Trong 5 năm qua, TCB đã trở nên nổi tiếng như một người hùng, và ông ta đã không ngại ngùng về việc nổi tiếng, nói rằng đảng sẽ thâm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống ở Trung Quốc, từ luật pháp tới đổi mới công nghệ.
Ông ta cũng tiết lộ việc đóng góp lý thuyết cho tư tưởng của đảng, mớ hổ lốn “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc cho thời đại mới”. Về tham nhũng, ông ta hứa hẹn nhiều luật mới để đáp ứng vấn đề này, vì các vụ hối lộ hiện đang được xử lý bằng một quá trình nội bộ mù mờ.
Bắc Kinh đang giở giọng cứng rắn với các khu vực đang nhắm tới độc lập
Chủ yếu nói về Đài Loan – với chính phủ mà Trung Quốc không công nhận – nhưng cũng về Hồng Kông, TCB trở nên linh hoạt thấy rõ và nhận được tràng pháo tay dài nhất cho giọng nói cứng rắn của ông ta về các khu vực có ý đồ tuyên bố độc lập chính thức.
Ông nói: “Chúng ta sẽ không dung thứ cho bất cứ ai, dùng bất cứ phương tiện gì, vào bất cứ lúc nào tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc. Máu không loảng như nước lã“.
Sự không tin tưởng của Trung Quốc với cả Đài Loan và Hồng Kông đã tăng lên, và TCB tuyên bố đẩy mạnh tuyên truyền cho các khu vực này để “tăng cường hàng ngũ người yêu nước yêu đất nước của chúng ta“. Những nỗ lực đè nén tương tự trong quá khứ chỉ thành công chút ít trong việc xoay chuyển thế hệ trẻ.
TCB tìm cách làm dịu nỗi sợ hãi đối với nền kinh tế
TCB đã cố làm dịu đi nỗi lo sợ về giá nhà gia tăng, vốn đã đánh một cú rất mạnh vào người Trung Quốc bình thường. Bất động sản là một món đầu tư được ưa thích ở một đất nước mà hệ thống tài chính thiếu tin cậy.
Ông nói: “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ”, làm thành một khẩu hiệu mà chắc chắn sẽ trở thành một câu thần chú.
Ông ta cũng cam đoan sẽ biến Trung Quốc thành “đất nước của các nhà sáng tạo”, tập trung vào không gian vũ trụ, không gian mạng, giao thông. Ông hứa sẽ tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty nước ngoài và tăng cường vai trò của thị trường trong hệ thống tài chính và tỉ giá hối đoái, tuy nhiên vẫn cần xem, liệu phát biểu này có chuyển thành các chính sách cụ thể hay không.
Đảng Cộng sản muốn có một “Trung Quốc tươi đẹp”
Là một phần trong việc làm cho Trung Quốc vĩ đại, TCB đã dành rất nhiều thời gian để đối phó các vấn đề môi trường. Ông cam kết sẽ xây dựng một “Trung Quốc tươi đẹp” với một môi trường sạch sẽ, các công ty công nghệ cao và chính phủ đáp ứng nhanh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cần “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một môi trường tươi đẹp. Người dân Trung Quốc sẽ được hưởng hạnh phúc và sung sướng hơn”, Tập nói.
Ông ta nhận thức rằng, hạnh phúc không chỉ là hàng hóa vật chất, từ lâu được tin là chìa khóa để giành được lòng trung thành của quần chúng, và nói rằng đảng này sẽ làm giảm mức độ độc hại của ô nhiễm không khí, nước và đất lan tràn ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.