Trước những nguy cơ chiến lược tại Biển Hoa Đông và Biển Đông mà châu Âu, nhất là Pháp đang đối mặt, Pháp buộc phải dành lại sự quan tâm của mình đối với khu vực này.
Từ khoảng chục năm trở lại đây, biển Hoa Đông và Biển Đông là nơi diễn ra nhiều sự kiện, vốn là kết quả của những căng thẳng đang tồn tại giữa các quốc gia ven biển, đồng thời cũng là những căng thẳng giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây như Úc hay Mỹ. Tháng 1 năm ngoái, chính quyền mới của Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo tới Bắc Kinh. Thật vậy, khu vực này là đối tượng yêu sách chủ quyền của nhiều bên liên quan. Ngoài Trung Quốc, và Đài Loan là những bên yêu sách phần lớn diện tích Biển Hoa Đông và Biển Đông, Việt Nam và Nhật Ban cũng yêu sách lần lượt các quần đảo như Trường Sa, Hoàng Sa và Senkaku.[1] Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia yêu sách một phần vùng đặc quyền kinh tế.
Cuộc chơi của Trung Quốc
Chủ thể chính tại Biển Hoa Đông và Biển Đông là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Ngoài việc coi khu vực này có vai trò quan trọng giống như Tây Tạng hay Đài Loan, Trung Quốc cũng tuyên bố đây là trung tâm của “các lợi ích cốt lõi”. Trước hết là về lợi ích chiến lược. Một mặt, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tàu ngầm hạt nhân lớp Jin ở Đảo Hải Nam. Khi tiếp cận vào khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thế hệ tàu ngầm này chỉ có thể phát huy khả năng răn đe nếu đạt được những điều kiện tối thiểu là có đủ không gian để “giấu mình” trong lòng đại dương. Có nghĩa là, các tàu ngầm này cần có vùng biển do Trung Quốc kiểm soát và lặn đủ sâu để có thể hoạt động mà không bị phát hiện. Mặt khác, Biển Hoa Đông và Biển Đông là khu vực qua lại quan trọng đối với thương mại quốc tế, với 50% khối lượng hàng hoá vận tải đường biển, 1/3 là vận chuyển dầu; việc kiểm soát được khu vực này mang lại lợi thế chiến lược mấu chốt. Đó cũng là các thách thức về kinh tế vì các nguồn lợi năng lượng được dự đoán tại khu vực. Năm 2013, Cơ quan Thông tin năng lượng đã đánh giá nguồn năng lượng ở đây tương đương với 11 tỷ thùng dầu mỏ và khí đốt, gấp đôi trữ lượng dầu của Trung Quốc hiện nay (chiếm 1,1,% trữ lượng toàn thế giới). Trung Quốc cũng dòm ngó tới nguồn tài nguyên sinh vật. Ngành thuỷ sản đang nuôi sống 10 triệu ngư dân Trung Quốc và mang lại nguồn thực phẩm cơ bản cho con người, trong khi đó Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, một khu vực chứa đựng khoảng 10% trữ lượng tài nguyên toàn cầu. Cuối cùng, đối với Trung Quốc, các yêu sách về các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông xuất phát từ chính sách đối nội. Những yêu sách này là cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và người dân Trung Quốc coi các yêu sách đó là hoàn toàn chính đáng.
Rõ ràng là Trung Quốc đang chứng tỏ mong muốn làm bá chủ trên biển, điều đó được thể hiện qua các hoạt động từ nhiều năm nay. Trung Quốc muốn mở rộng vùng biển rộng 2 triệu cây số vuông bằng yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm 80-90% vùng biển quốc tế, tương đương với diện tích của Địa Trung Hải. Chính sách chiếm hữu thực tế đã được tiến hành từ năm 1974, lợi ích của Trung Quốc đối với vùng biển này xuất phát từ năm 1968, thông qua việc tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động của mình, chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1978 và 1984, sau đó vào năm 1995 chiếm đóng Bãi Vành Khăn. Năm 2016, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài thường trực La Hay, với phán quyết có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối. Thái độ phản đối Toà trọng tài cho thấy Trung Quốc từ chối việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại các biển Hoa Đông và Biển Đông thông qua phương thức pháp lý.
Tình hình đối đầu gần như lan toả tới các quốc gia láng giềng và khả năng xung đột là rõ ràng. Nhiều tuyên bố chính thức của Trung Quốc thể hiện quyết tâm cứng rắn, thông qua tờ Hoàn Cầu (tờ báo do Đảng kiểm soát), đã viết về các biển Hoa Đông và Biển Đông rằng “cuộc chiến ở đây là không tránh khỏi”. Hiện nay, từ các khu vực do nước này kiểm soát, Trung Quốc đã tiến hành lấn biển và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự như sân bay, cầu cảng với mức độ chưa từng có: bốn căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa (7km2) trong đó có hai sân bay; ba căn cứ quân sự trên một số đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế do Philippines yêu sách (6km2), trong đó có một sân bay ở trên bãi Vành Khăn; bốn căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đã được mở rộng, trong đó có một sân bay quân sự với đường băng dài 3 km trên đảo Phú Lâm. Đồng thời, Trung Quốc luôn thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tăng cường năng lực, cưỡng ép quân sự, đặc biệt là tăng cường năng lực không quân và hải quân tại các biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong đó lực lượng hải quân đứng thứ ba trên thế giới, với số nhân sự là 255.000 người, có tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng số tàu sân bay lên 4 chiếc từ nay đến năm 2030), cùng số lượng lớn tàu ngầm (3 tàu ngầm phóng hạt nhân, 6 chiếc tàu ngầm tấn công và 56 tàu ngầm thế hệ cũ). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chú trọng tới phát triển lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực biển, một mặt là sự chuyển giao từ lực lượng hải quân sang lực lượng cảnh sát biển; mặt khác huy động ngư dân Trung Quốc, còn được gọi là “dân quân biển”. Các lực lượng có sự phối hợp qua các tổ chức nghề nghiệp hoặc chịu sự kiểm soát của Cục Hải dương Quốc gia hoặc chịu sự điều phối của cơ quan theo luật Thuỷ sản của Tổng cục Thuỷ san thuộc Bộ Nông nghiệp.
Tất cả các lực lượng đó phối hợp hành động cứng rắn để khẳng định chủ quyền tại các vùng biển chồng lấn yêu sách, đuổi tàu nước ngoài hoặc có những hành động đáp trả như ở khu vực dầu khí lô 143. Thật vậy, vào năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt dàn khoan tại lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Việc đặt dàn khoan được thực hiện với sự huy động 80 tàu Trung Quốc với 7 tàu chiến để đối đầu với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Cùng thời gian đó, Trung Quốc luôn khẳng định sự chiếm đóng các quần đảo, đặc biệt thông qua việc cải tổ quân đội gần đây như cải tổ “chiến khu miền Nam và miền Đông” thành các bộ chỉ huy trên biển và cải cách hành chính, thành lập Thành phố Tam Sa. Những động thái đó chứng tỏ sự bành trướng có kế hoạch và rõ ràng từ chủ nghĩa bá quyền tới việc mở rộng chuỗi đảo thứ hai theo học thuyết chính thức của hải quân Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất là yêu sách chín đoạn xác định vùng biển theo hình đường lưỡi bò. Chuỗi đảo thứ hai là đường nối từ phía Bắc đảo Papouasie-New Guinea tới phía Nam Nhật Bản đi qua đảo Guam. Chính sách bành trướng cũng mở rộng tới tận Ấn Độ Dương, thông qua cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”. Chiến lược này là cuộc cạnh tranh giữa các đồng minh và chạy đua ảnh hưởng với các quốc gia ven Ấn Độ Dương, những quốc gia này sẽ tạo thành các điểm hậu thuẫn thương mại hoặc quân sự cho Trung Quốc. Cạnh tranh này cũng kéo theo rủi ro căng thẳng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Myanmar hay ở Việt Nam.
Những hệ quả không thể phủ nhận
Việc Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông có thể kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là việc tiếp cận khu vực này sẽ bị ngăn chặn bởi hệ thống tàu ngầm truyền thống, tên lửa hành trình, tên lửa chống tàu hoặc vũ khí của không quân. Từ đó, sẽ tạo ra nguy cơ cho khả năng tự do hành động đối với các chiến dịch của Pháp tại khu vực, kể cả tại Ấn Độ Dương. Khả năng ngăn chặn tiếp cận khu vực có thể được coi là một vũ khí chiến lược, trong đó có nguy cơ cản trở thương mại quốc tế trong trường hợp xung đột; 2/3 vận tải hàng hoá đi qua các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, chiếm gần 70% trao đổi của Châu Âu trong mặt hàng chế biến, ảnh hưởng tới việc cung ứng cần thiết cho hàng công nghiệp như sản xuất ô-tô hay tin học. Cũng có ít khả năng Trung Quốc sẽ làm tổn hại nền thương mại của mình, nước này có thể kiểm soát thương mại của các quốc gia láng giềng. Hơn nữa, việc Trung Quốc từ chối áp dụng Công ước UNCLOS[2] và hành vi kiểm soát trên thực thế (de facto) các vùng biển có thể xem là tiền lệ có thể ảnh hưởng tới các yêu sách hiện nay về vùng đặc quyền kinh tế Pháp, đặc biệt là ở các đảo Eparses, Tromelin, hay Clipperton.
Xét từ khía cạnh thuần tuý kinh tế, các mối quan hệ đối tác kinh tế và quân sự chiếm khoảng 10% trong tổng số 24 tỷ euro về xuất khẩu và 15% trong số 21 tỷ euro về nhập khẩu của Liên minh Châu Âu vào năm 2016. Buôn bán vũ khí quốc phòng của Pháp tại Châu Á cũng đang tăng mạnh: 28% vào năm 2015 so với 12% trong giai đoạn 1998-2002, chủ yếu với Úc, Ấn Độ, Malaysia và Singapore. Ngoài vai trò của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, việc hợp tác quân sự giữa Pháp và các quốc gia trong khu vực cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bên cạnh đó, kế hoạch tự do thương mại giữa EU-ASEAN hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thảo luận và tương lai có thể sẽ thúc đẩy mức độ trao đổi giữa hai khối. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng quá trình quân sự hoá hỗn loạn ở châu Á, đặc biệt qua việc bán vũ khí của Pháp và Đức phần nào cũng thúc đẩy quá trình chạy đua vũ trang, có thể gia tăng căng thẳng tại khu vực, nơi có 130.000 công dân Pháp (gấp bốn lần cách đây 20 năm) đang sinh sống và hàng năm có khoảng 1,2 triệu du khách Pháp đến thăm quan khu vực.
Cuối cùng, các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông cũng là thách thức chính trong việc đảm bảo nguồn tài nguyên sinh vật của nước Pháp. Hiện nay, ngư dân của Trung Quốc (được sự hậu thuẫn của các lực lượng chức năng Trung Quốc, trong đó có lực lượng dân quân) đang tiến hành xác định lại các khu vực đánh cá. Điều này dẫn tới việc nhiều ngư dân Việt Nam tới đánh cá tại vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo New Caledonia, và từ đó đe doạ tới nguồn lợi đánh cá của nước Pháp. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của Trái đất, tình trạng thiếu phối hợp giữa các quốc gia ven biển trong lĩnh vực đánh cá, cùng những sức ép chính trị từ các quốc gia ven biển-đặc biệt là của Trung Quốc và Indonesia-nhằm chiếm đoạt các nguồn tài nguyên dẫn đến hệ quả phá huỷ nghiêm trọng các rặng san hô. Sự suy thoái này cũng gây ra sự suy giảm nguồn tài nguyên đánh cá, đẩy ngư dân đi tới các vùng đánh cá khác. Nếu vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo New Caledonia trở thành đối tượng thèm muốn của các nước, số phận các vùng đặc quyền kinh tế của Pháp như quanh đảo Reunion hay Polynesia sẽ tương tự.
Sự can dự khiêm tốn của nước Pháp
Nước Pháp có nhiều mối liên hệ trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng tại Đông Nam Á, tuy nhiên, cam kết cụ thể tại các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông dường như lại hạn chế. Hàng năm, Pháp chỉ có hai hay ba lần triển khai tàu hoặc tập trận chung, nhất là qua tuyên bố chính thức như tại Đối Thoại Shangri La. Từ mức độ cam kết thấp của Pháp tại khu vực, các đồng minh của chúng ta (Pháp) nhìn nhận Pháp là một đồng minh thiếu thuyết phục nhất. Hơn nữa, ngoài việc chiếm hữu một số đảo tại Thái Bình Dương, Pháp còn bị xem là chưa đủ tin cậy để hội nhập các tổ chức khu vực. Ngày nay, Pháp lựa chọn lập trường trung dung, dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế, không đứng về bên nào trong các vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết hoà bình tranh chấp.
Vào tháng 7/2016, Toà Trọng tài Thường trực (PCA) La Hay đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển yêu sách tại Biển Đông, và Philippines đã thắng kiện. Toà Trọng tài cũng khẳng định các hành vi của Trung Quốc tại khu vực là trái pháp với luật pháp, lên án Trung quốc đã hành động làm “gia tăng căng thẳng” bằng các hoạt động trên các thực thể tranh chấp, từ đó ảnh hưởng xấu tới môi trường. Bắc Kinh đã tái khẳng định “các quyền lịch sử” đối với đường 9 đoạn và chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối thẩm quyền và phán quyết của Toà trọng tài. Ở điểm này, Pháp ủng hộ tính chất ràng buộc của phán quyết từ Toà trọng tài và cho rằng, không quốc gia nào có thể nhân danh quyền lịch sử, vốn không được UNCLOS thừa nhận, để thực hiện chủ quyền trên các vùng biển quốc tế. Pháp cũng nhận định rằng quan hệ giữa các quốc gia phải điều chỉnh bằng luật pháp, giải quyết tranh chấp hoà bình và các phán quyết có tính chất ràng buộc. Nhưng trên thực tế, EU đưa ra tuyên bố vào ngày 15/7/2016 về Kết luận của Toà, Pháp đã không tuyên bố rộng rãi và tôn trọng tuyên bố của EU. Lập trường này của EU là nhằm tránh thái độ khó chịu của Bắc Kinh khi cân nhắc mối quan hệ đối tác chiến lược kinh tế với Trung Quốc, tránh tình thế đối đầu với Bắc Kinh và không làm ảnh hưởng tới một số vùng đặc quyền kinh tế của Pháp[3].
Cuối cùng, Pháp không tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải, kiểu như các chiến dịch FONOP[4] mà Mỹ thường tiến hành. Pháp chỉ dừng ở mức độ thực hiện quyền đi lại trên biển và quyền bay tại các vùng biển quốc tế ở khu vực, với mục đích duy trì cân bằng quan hệ quân sự với Trung Quốc, và áp dụng theo nghĩa hẹp (stricto sensu) các nguyên tắc chủ đạo của trật tự quốc tế (cụ thể là UNCLOS).
Nguy cơ đối với trật tự hiện nay tại khu vực
Chắc chắn rằng sự leo thang căng thẳng tại Biển Đông có thể trực tiếp tác động xấu tới lợi ích của các quốc gia phương Tây. Mối đe doạ đối với quyền tự do hàng hải, diễn tập quân sự, luật biển quốc tế và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á cũng như đối với các lợi ích riêng của Pháp tại khu vực, vốn quan trọng cho sự tăng trưởng của Pháp và Liên minh châu Âu, bảo vệ môi trường cũng là mối nguy cơ rõ ràng. Tuy nhiên, những hậu quả chiến lược từ âm mưu chiếm đoạt của Trung Quốc qua yêu sách đường lưỡi bò sẽ mang lại những hệ quả rất tiêu cực.
Với chiến lược “sự đã rồi” (fait accompli) được triển khai cách đây 40 năm, Trung Quốc rõ ràng đã bộc lộ âm mưu áp đặt chủ quyền lên toàn bộ các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông (Hoa Đông và Biển Đông). Chính quyền Trung Quốc không giống như các chính quyền Phương Tây. Nếu các quốc gia ven biển và các cường quốc liên quan như Pháp, Mỹ hay Úc không thay đổi chính sách trong khu vực, khả năng trong 30 hoặc 50 năm nữa, trên thực tế (de facto), các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ trở thành vùng biển nội thuỷ của Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề xung đột chủ quyền khu vực này. Để có thể đưa ra một giải pháp như vậy, nước Pháp phải tìm cách tiếp cận đối với các diễn đàn khu vực và ngoại vi-nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Nước Pháp cần thiết phải xây dựng một giải pháp ngoại giao và thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng hải quân. Đặc biệt, Pháp phải cố gắng thể hiện mình là cường quốc có uy tín và tin cậy trong khu vực. Để làm được điều này, một phần, Pháp buộc phải thảo luận về lĩnh vực hải quân và tính chính danh của mình tại Châu Á. Mặt khác, ngoài việc tăng cường các hoạt động ngoại giao, Pháp phải thể hiện một cam kết thực tế trong khu vực – không chỉ dừng ở lời nói – mà thông qua các hành động cụ thể, bao gồm lĩnh vực hải quân và các lĩnh vực khác. Thật vậy, vấn đề chủ quyền tại các biển Hoa Đông và Biển Đông ảnh hưởng tới việc quản lý nguồn tài nguyên cá, thăm dò dầu khí cũng như bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng đặc quyền kinh tế của châu Âu và việc nghiên cứu khoa học biển và môi trường là các lĩnh vực mà Pháp có năng lực. Pháp có thể dựa vào các thế mạnh này để tăng vị thế của mình tại các diễn đàn khu vực. Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán qua kênh song phương. Trung Quốc lo ngại sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao trên các diễn đàn đa phương. Để đối phó với chính sách “việc đã rồi” của Trung Quốc, các quốc gia yêu sách đối lập có thể cùng nhau tìm một giải pháp ngoại giao. Cách thức vận hành ngoại giao của Trung Quốc là áp đặt đối thoại song phương để thể hiện uy thế nước lớn (trừ với Mỹ) và sẽ dẫn dắt quá trình đàm phán. Do đó, để đạt được hiệu quả, một giải pháp ngoại giao nhất thiết phải tạo ra một mặt trận ngoại giao thống nhất và có sự đồng thuận. Từ đó, nước Pháp phải phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối các hành động ngoại giao, quân sự, khoa học, kinh tế, thúc đẩy đối thoại đa phương với các chủ thể trong khu vực.
Do đó, khi chúng ta lờ đi các tham vọng của Trung Quốc, cũng như việc áp dụng chính sách ngoại giao tối thiểu, đó là không làm mếch lòng Trung quốc, cho dù gián tiếp hay trực tiếp, đây chính là chính sách “đà điểu”. Trước những nguy cơ chiến lược tại Biển Hoa Đông và Biển Đông mà châu Âu, nhất là Pháp đang đối mặt, Pháp buộc phải dành lại sự quan tâm của mình đối với khu vực này.
Axelle Letouzé
Axelle Letouzé là Thuyền trưởng tàu khu trục nhỏ, tốt nghiệp Học viện Hải quân và đã từng tham gia nhiều hoạt động và chiến dịch, bà đã từng là trưởng ban đối ngoại” của tàu sân bay Charles de Gaulle. Bài viết được đăng trên Asia Focus số 41/chương trình châu Á/Tháng 9.2017/Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS (Pháp)
Hương Lan (dịch)
[1] Trung Quốc gọi lần lượt là Tây Sa, Nam Sa và Điếu Ngư.
[2] Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển.
[3] Toà đã ra phán quyết rằng các đảo do Bắc Kinh đang chiếm đóng không “có khả năng mở rộng vùng biển đặc quyền kinh tế” vì lý do các đảo đó “không có con người sinh sống”, và do đó, các thực thể đó không phải là đảo. Một số đảo do Pháp chiếm hữu như đảo Clipperton cũng có thể được xem là không có khả năng cho con người sinh sống và việc mở rộng vùng đặc quyền kinh tế cũng đang là điều gây tranh cãi.
[4] FONOP là Các chiến dịch tự do hàng hải, là việc đưa các tàu thuyền đi và các thiết bị bay trong khuôn khổ cho phép của UNCLOS bao gồm cả quanh khu vực ít nhất 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc yêu sách.
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét