08:29 - 31/10/2017
Đem bò bị dịch bệnh lở mồm, long móng để hỗ trợ cho người dân nghèo. Sự việc đang khiến người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bức xúc.
Bò dự án hỗ trợ người nghèo bị dịch bệnh khi mới nhận về chuồng |
Theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc dự án 30A, các hộ nghèo một số xã ở huyện miền núi Hương Khê sẽ được cấp bò hỗ trợ, phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất.
Theo đó, 30 con bò cái lai Zêbu sẽ được cấp cho 30 hộ dân thuộc diện nghèo. Tuy nhiên, cấp bò buổi sáng, trưa đến đã phát hiện bò bị bệnh, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở mồm, long móng, xuất hiện vết xước ở chân.
Bà Phan Thị Lê, xã Phú Phong (Hương Khê) bức xúc nói: "Ngày 25/10, gia đình nhận được một con bò hỗ trợ theo đề án 30A, vui mừng vì từ nay có bò để sản xuất, sinh đẻ. Ai ngờ, sáng nhận bò, trưa phát hiện bò bị bệnh. Bò chỉ nằm chứ không đứng được, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở loét, chảy dãi.
Tôi lo lắng, nghĩ chắc bò lạ nước, lạ cái nên mới không ăn. Con gái tôi mới bón cỏ, nấu cháo cạy miệng để đút nhưng bò vẫn không ăn. Gọi bác sĩ thú y đến, họ chẩn đoán bò mắc bệnh, khả năng là lở mồm, long móng".
Bà Lê cũng cho biết thêm, "5 ngày rồi bò chỉ nằm không ăn, gầy đi thấy rõ. Hiện cơ quan chuyên môn đã về kiểm tra, họ cho hóa chất để xử lý. Đến nay, bò đã đỡ hơn và đứng dậy ăn uống nhẹ".
Với anh Nguyễn Hữu Quyền (xã Gia Phố, huyện Hương Khê) cũng là hộ gia đình được cấp bò, sau khi được nhận bò hỗ trợ, gia đình anh phát hiện bò bị lở loét ở chân. Lúc đó anh chỉ nghĩ chắc do chằng chéo, vận chuyển bò trên xe đường dài nên nó bị xây xước. Nhưng không ngờ, khì bò bỏ ăn, gọi cơ quan chuyên môn đến kiểm tra mới phát hiện bò bị dịch bệnh.
"Chúng tôi nghèo thật, nhưng không vì thế mà bị khinh rẻ, coi thường. Hỗ trợ bò cho người nghèo mà đem bò bệnh, bò dịch cho dân!" - anh Quyền bức xúc nói.
Theo thông tin từ UBND huyện Hương Khê, ngày 30/6, huyện ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 30a năm 2016. Theo quyết định này, trên địa bàn Hương Khê có 6 xã được hỗ trợ giống bò cái lai Zêbu là: Phúc Trạch, Hương Trạch, Phú Phong, Hương Xuân, Gia Phố, Hương Trà. Mỗi xã có 10 hộ gia đình khó khăn được nhận bò của dự án, mỗi con bò trị giá 10 triệu đồng. Ngày 25/10, người dân 3 xã được nhận bò là Phú Phong, Hương Xuân và Gia Phố với tổng số 30 con.
Số bò trên do hai cán bộ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê đưa về và phối hợp với các xã bàn giao cho dân.
Trao đổi với ông Nguyễn Minh Long - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hương Khê, ông Long cho biết: "Sự việc bò bị dịch bệnh quá thực rất bất ngờ! Đúng là có sự việc đó. Bò dự án cung cấp cho dân mà bị bệnh là hết sức nghiêm trọng".
"Tuy nhiên, trước khi nhận bò từ dự án, cán bộ kỹ thuật đã kiểm tra hồ sơ kỹ, toàn bộ 30 con bò đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng nhị tupe (O, A) và đủ thời gian miễn dịch nhưng lại bị bệnh đồng loạt" - ông Long khẳng định.
Ông Long cũng nói thêm, sau khi nhận được thông tin, về cơ sở xác minh cụ thể, Trung tâm đã yêu cầu đơn vị cung ứng giống phải phối hợp với địa phương và phải chịu kinh phí để điều trị bệnh cho số bò nói trên, kể cả những con bị lây lan ngoài chương trình.
"Những con bò bị bệnh nặng hoặc chết do bệnh thì phải đền bù cho dân" - ông Long nhấn mạnh.
Hiện, UBND huyện đã yêu cầu Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê báo cáo giải trình và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan.
Được biết, ngày 26/10 đã có 14/30 con bò dự án bị bệnh tại huyện Hương Khê. Đến ngày 29/10 đã có 30/30 con bò bị bệnh và còn lây lan sang 3 con bò và 1 con lợn nái đang mang thai của người dân tại địa phương. Số bò dự án trên được mua từ Trạm giống chăn nuôi Bắc Nghệ An.
Trước đó, vào năm 2016 trên địa bàn huyện Hương Khê cũng đã xảy ra tình trạng lợn dự án hỗ trợ người nghèo khi được cấp cho người dân cũng đã bị dịch bệnh.
'Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm!'
(PLO)- ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đã làm nóng bưng nghị trường Quốc hội với nhận định "chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm", tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngày 31-10.
Trong bài phát biểu của mình ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng điều dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ lần này là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ thì trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ.
Kế đó, ông Cương nêu hai dẫn chứng về tình trạng buôn lậu và phá rừng.
"Rừng phá tan hoang rồi lãnh đạo mới đến kiểm tra"
Theo ông Cương, Thủ trướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất vừa qua ở một số địa phương cho thấy tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. “Một chủ DN trồng rừng cho biết nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy”- ông Cương nói.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, một cây to có đường kính 1m cần 70 đến 100 năm mới có được nhưng lâm tặc chỉ cần 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi đêm có từ 80 đến 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và nộp cho kiểm lâm 300-400 nghìn đồng tiêu cực thì số tiền thu lợi bất chính không hề nhỏ.
Có nơi “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm” - ông Cương nói và cho rằng nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do “tận thu”.
“Nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo và không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng bao giờ mới thành hiện thực”- ông Cương kết.
Buôn lậu thuốc lá hoành hành, lực lượng chức năng vắng bóng
Theo Đại biểu Cương, tình trạng buôn lậu, dù báo cáo của Chính phủ chỉ nêu được một câu “tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra” nhưng trên thực tế tình trạng này đang diễn ra rất sôi động cả ở trên đất liền và trên biển. Hiện không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê về hậu quả, từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Ông Cương cho biết mình đã đi thực tế để “mục sở thị” tình trạng buôn lậu thuốc lá ở một số tỉnh phía Nam. Ông nhận thấy tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai ở một số thời điểm trong ngày. Ở Châu Đốc, xe máy chở thuốc lá lậu thành từng tốp từ 1-4h sáng.
“Sau khi đi khảo sát ở chợ Châu Đốc, anh em nói với tôi là phải qua Long An trước 13h. Chúng tôi đã phải trì hoãn ăn trưa để 12h30 có mặt ở đoạn đường quốc lộ 62, cách cửa khẩu Bình Hiệp vài trăm mét. Theo tiết lộ, đó là khung giờ bọn buôn lậu hoạt động. Quả nhiên sau khi đến đó được vài phút thì xe máy chở buôn lậu rầm rầm chạy qua với tốc độ kinh hoàng...”- ông Cương nói.
Cũng theo ĐB, thuốc lậu được bán công khai và muốn mua thuốc lá gì cũng có. Ông Cương giơ một túi nilon to lên và cho biết đây là số thuốc lá ông mua được trong chuyến đi thực tế ở các tỉnh phía Nam.
“Trong ba ngày đi thực tế, tôi chỉ mong có một lần được gặp các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên tôi không gặp bất cứ lực lượng nào”- ông Cương cho biết và cho rằng nếu không tăng cường chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là vào dịp giáp Tết nguyên đán.
ĐỨC MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét