Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Châu Âu đã chinh phục thế giới như thế nào?

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
16th_Century_Artillerie
Nguồn: Philip T. Hoffman, “How Europe Conquered the World: The Spoils of a Single-Minded Focus on War,” Foreign Affairs, 07/10/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Từ năm 1492 đến năm 1914, người châu Âu đã chinh phục 84% thế giới, thiết lập nên các thuộc địa và mở rộng tầm ảnh hưởng của họ tới mọi lục địa có người ở. Đây không phải là điều không thể tránh khỏi. Trên thực tế, trong nhiều thập niên, các nhà sử học, khoa học xã hội, và sinh học đã trăn trở: vì lẽ gì và làm thế nào châu Âu có thể vươn lên vị trí dẫn đầu, ngay cả khi các xã hội ở châu Á và Trung Đông đã phát triển hơn nhiều?
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được những câu trả lời thỏa đáng. Nhưng câu hỏi này là vô cùng quan trọng do sức mạnh của châu Âu đã định đoạt mọi thứ từ những người buôn bán nô lệ cho tới những người đã giàu lên hay những người vẫn sa lầy trong nghèo đói.
Người ta có thể cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự thống trị của châu Âu là rất rõ ràng: người châu Âu tiến hành công nghiệp hóa đầu tiên, và họ miễn dịch với nhiều bệnh tật, như bệnh đậu mùa, vốn đã hủy diệt nhiều dân tộc bản địa. Nhưng chỉ lý do thứ hai này thôi thì không thể làm sáng tỏ hành trình chinh phục châu Mỹ, bởi lẽ rất nhiều chiến binh trẻ người châu Mỹ bản xứ vẫn sống sót sau dịch bệnh, và cũng không lý giải được quá trình thực dân hóa Ấn Độ của châu Âu khi người Ấn Độ cũng có khả năng miễn dịch tương tự. Công nghiệp hóa cũng không hẳn là một lời giải thích đầy đủ: người châu Âu vốn đã kiểm soát hơn 35% hành tinh trước khi họ bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá. Dĩ nhiên, việc người châu Âu đi đầu trong việc phát triển công nghệ súng đạn, tàu chiến, và pháo đài là vô cùng quan trọng. Nhưng mọi nền văn minh lớn khác ở châu Á cũng có kỹ thuật thuốc súng tương tự, và nhiều nền văn minh trong số đó cũng biết dùng súng để chiến đấu.
Vậy điều gì đã góp phần tạo nên sự thành công của châu Âu? Phần lớn điều này bắt nguồn từ những động cơ mà các nhà lãnh đạo chính trị phải đối mặt ở châu Âu – những động cơ thúc đẩy họ không chỉ phát động chiến tranh, mà còn chịu chi một khoản tiền khổng lồ vào nó. Đúng là các quốc vương châu Âu cũng xây dựng cung điện, nhưng ngay cả lâu đài kỳ vĩ ở Versailles cũng chỉ khiến Vua Louis XIV của Pháp tốn chưa đến 2% nguồn thu từ thuế của ông. Phần còn lại đều được huy động cho chiến tranh. Từ thuở ấu thơ, Louis XIV cùng các vị vua khác ở châu Âu đều được nuôi dạy để theo đuổi vinh quang trên chiến trường, nhưng không ai phải gánh bất cứ phí tổn nào liên quan – thậm chí cả nguy cơ mất ngai vàng sau một lần bại trận. Giới lãnh đạo ở những nơi khác phải đối mặt với những động cơ hoàn toàn khác, khiến nhiều người trong số họ yếu kém về mặt quân sự. Ví dụ như ở Trung Quốc, các vị hoàng đế được khuyến khích giữ mức thuế thấp và chăm lo tới sinh kế của người dân thay vì theo đuổi thứ vinh quang quân sự luôn ám ảnh các vị vua châu Âu.
Vì lý do này và nhiều lý do khác, các nhà lãnh đạo bên ngoài châu Âu không thể sánh kịp những cách tân của châu Âu trong việc đổi mới nghệ thuật chiến tranh. Các khoản tiền kếch sù đổ vào chiến sự ở châu Âu đã giúp các nhà lãnh đạo quân sự linh hoạt trong việc mua các loại vũ khí cùng tàu chiến mới, cũng như trong việc thử nghiệm các chiến thuật, pháo đài, và các phương pháp tiếp tế mới. Trong quá trình đó, họ rút kinh nghiệm từ những sai lầm và cải tiến công nghệ của mình. Cũng bởi các nước châu Âu đều nhỏ và gần nhau về mặt địa lý nên họ có thể dễ dàng học hỏi từ những sai lầm của đối thủ và sao chép cải tiến của nhau. Chẳng hạn như khi Quốc vương Thụy Điển Gustavus Adolphus cho đóng một trong những con tàu hai bệ pháo đầu tiên vào năm 1628, nó đã bị đắm ngay sau khi hạ thủy. Nhưng hải quân Thụy Điển và các lực lượng hải quân khác trên khắp châu Âu đã nhanh chóng rút kinh nghiệm từ thất bại này, và đến thế kỷ 18 họ đã đóng được những chiếc tàu chiến với hai bệ pháo trở lên, không những vững chắc mà còn có tầm ngắm rộng và cơ động hơn tàu chiến thế kỷ 17.
Bên ngoài châu Âu, những điều kiện chính trị và quân sự đã khiến những sự đổi mới trong nghệ thuật chiến tranh, đặc biệt là công nghệ thuốc súng mới, không thể phát triển với cùng nhịp độ không ngừng như ở châu Âu. Ví dụ, nguồn thu từ thuế cho chi tiêu quân sự của Trung Quốc ít hơn nhiều so với của châu Âu. Cuối thế kỷ 18, thuế ở Pháp tính theo đầu người cao gấp 15 lần, và ở Anh cao gấp 40 lần, so với Trung Quốc, và phần lớn tiền thuế mà Trung Quốc thu được lại không được chi cho các hình thức chiến tranh mới mà để hỗ trợ cho kỵ xạ, đơn vị tinh nhuệ hơn nhiều so với lính ngự lâm trong việc giao tranh với những đội quân du mục vốn từ lâu là kẻ thù chính của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc thường là cường quốc thống trị ở Đông Á, vì thế hiếm có đối thủ nào dám thách thức quốc gia này, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc có ít động cơ hơn để chi mạnh tay cho quân sự. Kết quả là vũ khí sử dụng thuốc súng ở Đông Á được sử dụng ít hơn.
Ngược lại, ở Châu Âu bấy giờ không có một cường quốc thống trị như vậy. Và một khi các nước Tây Âu đã dẫn đầu về việc nâng cấp công nghệ thuốc súng thì Trung Quốc sẽ khó mà bắt kịp; trung tâm của sự tiến bộ nằm ở chính châu Âu.
Thế dẫn đầu về mặt quân sự của châu Âu được duy trì đến thế kỷ 19. Nguồn thu từ thuế tăng lên nhờ việc châu Âu tiến hành công nghiệp hóa, và những cách tân từ cuộc Cách mạng công nghiệp gắn liền với khoa học ứng dụng và kỹ thuật ứng dụng đã tạo điều kiện cho châu Âu cải tiến công nghệ, không chỉ bằng cách phát động chiến tranh mà còn bằng việc tiến hành nghiên cứu, từ đó tăng cường những điều mà người châu Âu đã lĩnh hội được trên chiến trường.
Cho đến năm 1914, châu Âu không chỉ nắm vị thế thống trị quân sự toàn cầu mà các quốc gia hùng mạnh trong khối còn có khả năng tích lũy một khoản tiền khổng lồ từ nguồn thu thuế để phục vụ cho chiến tranh. Tại Pháp và Đức, mức thuế bình quân đầu người trên thực tế đã tăng ít nhất 15 lần so với hai thế kỷ trước đó. Khả năng đánh thuế dồi dào vượt qua những gì có thể được giải thích bởi mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhờ công nghiệp hóa đem lại cho châu Âu. Đây là kết quả của quá trình học hỏi tương tự như quá trình vốn giúp công nghệ thuốc súng được nâng cao. Điều khác biệt duy nhất là việc học hỏi ở đây liên quan đến kinh tế thay vì công nghệ quân sự, và điều đó phải kể tới công lao của các nhà lãnh đạo chính trị đã mặc cả thành công với giới thượng lưu để thúc đẩy nguồn thu từ thuế. Sau đó các nhà lãnh đạo này dùng nguồn thu từ thuế gia tăng để mở rộng và trang bị cho quân đội và hải quân của họ.
Khả năng đánh thuế của châu Âu là một thành tựu lớn. Ngay cả trong thế kỷ 19, Trung Quốc cũng không thể thu được lượng thuế tương đương. Các nước châu Phi hạ Sahara ngày nay vẫn thiếu năng lực đánh thuế cơ bản, điều đó cản trở họ đảm bảo an sinh cũng như cung cấp các hàng hóa công cơ bản khác cho công dân của họ.
Châu Âu cũng còn có một ưu thế khác: các doanh nhân châu Âu được tự do sử dụng công nghệ thuốc súng để tiến hành phiêu du nhằm mục đích chinh phục, thực dân hóa, và hoặc cưỡng ép thương mại. Mặc dù thường phải được chính quyền chính thức cho phép mới được khởi hành, họ thường được các quan chức ham muốn săn lùng của cải ở nước ngoài khích lệ. Họ cũng không gặp phải bất cứ trở ngại nào trong việc thu thập vũ khí hay thu nạp những cựu binh thiện chiến để huấn luyện cho những tân binh mới nhập cuộc. Đến thế kỷ 17, những cuộc viễn chinh tư nhân như vậy đã sản sinh những doanh nghiệp khổng lồ, đem lại nguồn tiền dồi dào cho thị trường vốn đang phát triển của châu Âu để tài trợ cho các khoản đầu tư tài chính mạo hiểm ở nước ngoài. Có thể kể đến các doanh nghiệp như Công ty Đông Ấn Hà Lan, không chỉ là cánh tay tư nhân đắc lực cho chính sách đối ngoại Hà Lan mà còn là công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu có thể giao dịch trên thị trường.
Điểm khác biệt cuối cùng giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới nằm ở lịch sử chính trị của khu vực này. Từ năm 221 TCN trở đi, Trung Quốc gần như lúc nào cũng thống nhất trong một đế chế lớn. Đế chế Trung Quốc sớm phát triển một bộ máy tập quyền trung ương, thu hút tầng lớp thượng lưu địa phương phục vụ cho chính quyền và gắn trách nhiệm của họ với sự tồn vong của đế chế. Cơ chế phục vụ chính quyền ấy đã giúp củng cố đế chế và chừng nào đế chế ấy còn hùng mạnh và thống nhất thì các quốc gia Đông Á khác còn e ngại tấn công nó. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có rất ít động cơ để tìm kiếm kẻ thù và cơ hội mới.
Ngược lại, Tây Âu không hề có sự thống nhất lâu dài sau khi đế chế La Mã sụp đổ. Thay vào đó là tình trạng chiến tranh triền miên trong hàng thế kỷ giữa các nhóm chiến binh mà những thủ lĩnh thời đó giống như những chỉ huy quân sự thời hiện đại. Giao tranh không ngừng nghỉ đã tôi luyện những thủ lĩnh, những người giành thắng lợi trên chiến trường. Tình trạng xung đột ấy còn tạo nên mối hiềm khích lâu dài giữa thủ lĩnh và các thuộc hạ, và cuối cùng những thù hằn mỗi lúc một sâu sắc đó trở thành những chia rẽ chính trị lâu dài. Chính điều này – chứ không phải do địa lý tự nhiên của châu Âu – đã dẫn tới việc không một nhà lãnh đạo nào thống nhất được Tây Âu thành một đế chế bền vững như đã tồn tại hàng thế kỷ ở Trung Quốc. Xét cho cùng, những người chiến thắng ở Tây Âu thực chất là những thủ lĩnh quân sự đã học được cách đánh thuế nặng cốt để phục vụ chiến tranh, và kết quả là châu Âu rốt cuộc chỉ gồm các bậc quân vương chịu chi những khoản tiền khổng lồ cho chiến tranh và, như lời Machiavelli, họ “không có mục đích, tư tưởng, hay công việc gì khác ngoài chiến tranh.”
Nếu không phải nhờ việc nhất mực chú tâm vào chiến tranh và khả năng nổi trội ở việc đánh thuế, có lẽ đã không một đế chế châu Âu nào tồn tại. Những cuộc chiến và khoản tiền thuế đổ dồn vào chúng đã trao cho người châu Âu một vị trí đứng đầu trong công nghệ quân sự. Điều này cho phép họ hiện thực hóa những cuộc chinh phục, giúp họ kiểm soát dân số bản địa mà không cần đưa một lượng quân đội lớn người châu Âu ra nước ngoài. Nếu không có những lợi thế này, các nước châu Âu có thể vẫn phát triển thịnh vượng – và thậm chí công nghiệp hoá sớm hơn – nhưng họ đã không thể thống trị thế giới vào năm 1914.
Philip T. Hoffman là Giáo sư ngành Kinh tế kinh doanh và là Giáo sư ngành Lịch sử tại Viện Công nghệ California. Ông là tác giả của cuốn Why Did Europe Conquer the World? (NXB Đại học Princeton, 2015).
Hình: Các loại pháo của người Đức thời thế kỷ 16. Nguồn: Wikipedia.

Không có nhận xét nào: