Nguồn: Kishore Mahbubani & Klaus Schwab, “What Makes a Great Leader?”, Project Syndicate, 09/08/2017.
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cách đây không lâu, trong một bữa tối ở Singapore, chúng tôi đã cố xác định những phẩm chất nào sẽ giúp tạo nên một nhà lãnh đạo vĩ đại. Đối với Klaus, có năm yếu tố cốt lõi là trái tim, trí tuệ, sức khỏe, can đảm và tâm hồn. Còn với Kishore, lòng thương cảm, tính cẩn trọng và sự dũng cảm là cốt yếu, tương tự là khả năng xác định tài năng và hiểu được các vấn đề phức tạp. Phạm vi của sự trùng lặp giữa hai ý kiến nói lên được nhiều điều.
Việc hai danh sách trên đều bắt đầu với “trái tim” hoàn toàn không phải là tình cờ. Như lời Nelson Mandela và Mahatma Gandhi, một nhà lãnh đạo không thể trở nên vĩ đại mà không thể hiện sự cảm thông sâu sắc với đồng bào mình, một thái độ giúp tiếp lửa cho cuộc đấu tranh chống lại bất công mà những người dân đó đang phải đối mặt.
Các nhà lãnh đạo anh hùng như vậy dường như không xuất hiện trong các giai đoạn bình thường. Song giai đoạn hiện nay không hề bình thường. Trái lại, tình trạng bất bình đẳng chưa từng có tiền lệ ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới chính là thứ bất công có thể thôi thúc sự trỗi dậy của những nhà lãnh đạo vĩ đại với lòng thương cảm dành cho tầng lớp dưới đáy xã hội. Thủ tướng Canada Justin Trudeau, vị lãnh đạo trẻ đang làm lan tỏa hi vọng trong thời điểm hiện nay, đắc cử một phần là nhờ việc ông cam kết hỗ trợ những người dân bình thường.
Kế đến là “trí tuệ”, khả năng sàng lọc từ khối lượng lớn thông tin mà chúng ta liên tục nhận được để đưa ra các quyết định khôn ngoan trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Ở đây, một số nhà lãnh đạo hiện nay đang bộc lộ rất nhiều tài năng đó.
Ví dụ, sự phát triển và tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ phản ánh thực tế rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi đều hiểu rõ những thách thức và cơ hội xã hội và kinh tế đến từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Họ biết rằng, trong bối cảnh phức tạp này, đất nước họ cần phát triển các ngành công nghiệp mới năng động nhằm đưa nền kinh tế của nước mình dẫn đầu các tiến bộ về khoa học và công nghệ.
Việc sử dụng công nghệ mới một cách thông minh cũng góp phần giảm nghèo. Một tỷ người dân Ấn Độ đã đăng ký làm thẻ chứng minh nhân dân điện tử Aadhaar, và giờ họ có thể tiếp cận trực tiếp các phúc lợi mà không gặp bất cứ rào cản hành chính nào. Một tỷ người dân Trung Quốc đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán trực tuyến nay đã có thể tiếp cận trực tiếp tất cả các loại sản phẩm tiêu dùng để nâng cao đời sống của mình.
Hiện vẫn chưa có ai có thể định lượng chính xác mức độ gia tăng thịnh vượng mà các tiến bộ công nghệ mang lại là bao nhiêu. Song sự lạc quan ở Trung Quốc và Ấn Độ đều đang gia tăng. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 87% người dân Trung Quốc cảm thấy lạc quan về điều kiện kinh tế hiện nay của nước mình, trong đó có 82% tin rằng con cái họ sẽ khá giả hơn họ hiện nay. Tương tự, 83% người dân Ấn Độ cảm thấy lạc quan về nền kinh tế, và 76% trong số đó nghĩ rằng con cái họ sẽ dư giả hơn mình trong tương lai.
Phẩm chất quan trọng thứ ba của một nhà lãnh đạo vĩ đại là lòng dũng cảm – hay dũng khí theo cách gọi của Klaus. Làn sóng người tị nạn ở châu Âu, đặc biệt là những người tị nạn Syria trong năm 2015, đã dẫn tới sự bùng nổ của tư tưởng dân tuý, khi các nhà lãnh đạo chính trị gia tăng kêu gọi đóng cửa biên giới. Những lãnh đạo yếu sẽ chịu khuất phục trước áp lực, hoặc là sẽ đồng nhất luận điệu của mình với tư tưởng của các nhà dân tuý, hoặc là bị đè bẹp bởi các đối thủ hung hăng của họ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel lại không giống vậy. Điển hình là việc bà thông qua việc tiếp nhận một triệu người tị nạn. Thoạt tiên, vị thế của bà trước cử tri – và thậm chí vị thế của nhiều thành viên trong đảng của bà – đã sụt giảm, tới mức nhiều người bắt đầu viết điếu văn chính trị cho bà. Song sự dũng cảm đáng nể của bà cuối cùng lại cho trái ngọt. Giờ đây bà được coi là một trong những vị lãnh đạo quyền lực nhất trong thời đại của chúng ta.
Với cách làm điềm tĩnh của riêng mình, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo cũng cho thấy được lòng can đảm tương tự. Indonesia, giống như châu Âu, đang phải đương đầu với áp lực gia tăng từ các quan điểm ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân tuý vốn đang tìm cách thay thế năm nguyên tắc của lòng khoan dung – hay còn gọi là “Pancasila” – vốn là nền móng tư tưởng cho nhà nước Indonesia.
Việc bỏ tù cựu Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama, hay còn gọi là Ahok, đồng minh chính trị của Jokowi, vì tội phỉ báng Hồi giáo đã khiến áp lực ấy thêm trầm trọng. Tuy nhiên, Jokowi, giống như Merkel, vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại những người theo chủ nghĩa cực đoan, thậm chí còn đặt nhóm cực đoan Hizb ut-Tahrir ra ngoài vòng pháp luật.
Dĩ nhiên, việc biến lòng dũng cảm thành chuyển biến tích cực đòi hỏi phải có sức mạnh – ảnh hưởng và thẩm quyền để hành động – điều cần tới sự hiểu biết sâu sắc về thực tế chính trị. Phẩm chất tinh tế như vậy đóng vai trò thiết yếu mang lại một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong hệ thống chính trị Ireland, khi một đất nước bảo thủ sâu sắc đã bầu Leo Varadkar, một người đồng tính gốc Ấn Độ, làm thủ tướng nước này.
Giáo hoàng Francis cho thấy cách kết hợp những phẩm chất này lại với nhau nhằm tạo nên một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như thế nào. Sắc sảo, dũng cảm, đạo đức và trí tuệ là nền tảng củng cố cho nỗ lực của ông trong việc thay đổi vị thế và nhận thức về Giáo hội Công giáo La Mã trên thế giới.
Chẳng hạn, trong khi truyền thống cấm Giáo hoàng ủng hộ vấn đề đồng tính, Giáo hoàng Francis lại can đảm nói rằng: “Nếu một người đồng tính sẵn sàng tìm tới Chúa, tôi là ai mà có thể phán xét người đó?” Tương tự, Giáo hoàng Francis đã phá vỡ nguyên tắc truyền thống của Giáo hội khi đề xuất rằng những phụ nữ bị nhiễm virus Zirka vốn đang hoành hành nhiều nơi ở Mỹ La-tinh trong năm vừa qua có thể áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Nói rộng hơn, Giáo hoàng Francis đã cho thấy được sự dũng cảm và tầm vóc trí tuệ của mình khi ủng hộ một cấu trúc giáo hội phi tập trung hơn, đồng thời mong đợi một giáo hội bao trùm, là “mái ấm cho tất cả mọi người.” Trong một động thái khôn ngoan khác, ông đã từ từ thay máu một số các chức sắc tại Vatican thay vì thay đổi tất cả cùng một lúc.
Giáo hoàng Francis còn sở hữu một thứ mà Klaus gọi là linh hồn của một nhà lãnh đạo. Đa phần các lãnh đạo không thể cưỡng lại những cám dỗ hấp dẫn khi tại nhiệm, lúc này hay lúc khác. Song Giáo hoàng vẫn tiếp tục sống một cuộc sống đơn giản và khoáng đạt mà không cần những thứ tài sản vốn gắn liền với vị trí lãnh đạo, thậm chí ngay cả trong phạm vi tôn giáo.
Trong một thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm kiếm những nhà lãnh đạo sẵn sàng bảo vệ và phục vụ những lợi ích của người dân mà họ đại diện. Điều này không chỉ có nghĩa là cần chỉ trích các khuyết điểm của những lãnh đạo yếu kém, mà còn cần nêu bật sự thành công của những nhà lãnh đạo vĩ đại. Họ có thể hiếm gặp, nhưng vẫn hiện hữu , và chúng ta nên tôn vinh những con người này.
Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore, là đồng tác giả với Jeffery của cuốn sách The ASEAN Miracle: A Catalyst for Peace. Ông được bình chọn là một trong 50 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới năm 2014 bởi tạp chí Prospect.
Klaus Schwab là nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, là tác giả cuốn The Fourth Industrial Revolution.
Copyright: Project Syndicate 2017 – What Makes a Great Leader?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét