Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Giảm tối thiểu 400.000 biên chế trong bốn năm tới; Đề xuất hợp nhất một số bộ

Thu gọn cấp xã, tổ chức linh hoạt sở ngành, giảm đơn vị trực thuộc bộ... là giải pháp được nêu trong Nghị quyết của Trung ương.


giam-toi-thieu-400000-bien-che-trong-bon-nam-toi
Hội nghị Trung ương 6, khoá 12 đã ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Hà (thành viên tổ biên tập dự thảo Nghị quyết, Ban Tổ chức Trung ương) cho hay, Nghị quyết đề ra bốn nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2021, bao gồm việc giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.
Theo ông, hiện có bốn triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang), với mục tiêu trên thì nhiệm vụ của các cơ quan trong bốn năm tới là giảm tối thiểu 400.000 biên chế.
Thu gọn cấp xã
Nghị quyết của Trung ương đề ra việc sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; giảm số lượng thôn, tổ dân phố.
Quy định hiện hành yêu cầu cấp xã phải từ 30 km2 và 5.000 người trở lên, tuy nhiên ông Hà cho biết cả nước có tới 724 xã chưa đạt một nửa tiêu chí về dân số và diện tích tự nhiên; thậm chí nhiều xã - phường chưa đến một km2. 
"Những xã nhỏ quá sẽ được nhập lại. Hiện trung bình mỗi xã có trên 20 công chức, chưa kể những người hoạt động không chuyên trách. Việc sáp nhập hàng trăm xã sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách cả nghìn tỷ đồng mỗi năm", ông Hà nói.
giam-toi-thieu-400000-bien-che-trong-bon-nam-toi-1
Ông Nguyễn Đức Hà cho biết Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Ảnh: Vinh An
Tổ chức linh hoạt sở ngành cấp tỉnh
Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết tới đây sẽ phân cấp mạnh cho địa phương, "không áp khung chung cho tất cả tỉnh, thành như trước mà tạo cơ chế mở, trao quyền chủ động cho cơ sở".
Cụ thể, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được tổ chức thành hai nhóm, gồm các sở ngành mà địa phương nào cũng có, gọi tắt là sở "cứng" như Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Y tế... 
Nhóm còn lại là các sở ngành được tổ chức sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (sở "mềm"), ví dụ Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch...
"Chính quyền địa phương được quyền xem xét, quyết định nên hợp nhất, giải thể, có thành lập hay không sở ngành nào để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Tương tự, Trung ương chỉ quy định chung về số lượng cấp phó và địa phương được quyền bố trí cụ thể, miễn sao không vượt khung.
Giải thích nội dung trên, ông Nguyễn Đức Hà nêu ví dụ, một tỉnh có 15 sở ngành, trung bình mỗi sở ngành có 3 phó, tổng cộng là 45 cấp phó. "Nếu Sở Nông nghiệp nhiều việc, tỉnh có thể bố trí 4 phó giám đốc, Sở Tư pháp ít việc thì một phó, miễn sao toàn tỉnh không quá 45 nhân sự cấp phó", ông Hà nói. Ông cũng cho rằng, việc cắt giảm người làm lãnh đạo, quản lý sẽ giúp ngân sách bớt gánh nặng về phương tiện, trụ sở, phụ cấp...
giam-toi-thieu-400000-bien-che-trong-bon-nam-toi-2
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết các sở ngành ở địa phương sẽ được tổ chức linh hoạt. Ảnh: Hoài Thu
Giảm số lượng đơn vị trong các bộ
Trung ương thống nhất yêu cầu tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ...
"Sau ba nhiệm kỳ, từ khóa 11 đến nay nay, số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Nghĩa là bộ máy có 42 tổng cục trưởng, khoảng 200 tổng cục phó, chưa kể các đơn vị bên trong tổng cục cũng phát sinh theo. Chỉ giảm riêng chỗ này cũng rất đáng kể rồi", ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông, Trung ương Đảng đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những cơ quan có chức năng tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp.
"Việc nghiên cứu này là cơ sở thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…", ông Hà nói.
Cơ chế tiền lương theo sau việc tổ chức bộ máy
Không phải lần đầu nỗ lực tinh giản biên chế được triển khai, tuy nhiên nhiều năm qua Chính phủ đối mặt với tình trạng "càng nói tinh giản bộ máy càng phình ra". Vậy lần này có gì khác?
Theo ông Hà, lần này Trung ương nêu rõ Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị; ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị; ở địa phương trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh.
Cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương quản lý hệ thống tổ chức của Đảng và đoàn thể; Bộ Nội vụ quản biên chế khối nhà nước; Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý biên chế Quốc hội; Chủ tịch nước quản Văn phòng Chủ tịch nước và khối tư pháp...
"Bộ ngành nào muốn tăng thêm một vụ, cục hoặc tương đương trở lên thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Như vậy là không dễ hay nói đúng hơn là không thể tự tiện phát sinh bộ máy và biên chế", ông Hà phân tích.
Thời gian tới, cấp có thẩm quyền sẽ phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Ví dụ giảm 10% biên chế, "anh thực hiện tốt được khen thưởng, nếu không sẽ có chế tài. Đây là tiêu chí để cất nhắc, đề bạt cán bộ".
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho hay, biên chế được tinh giản dựa trên 3 trụ cột chính là giảm đầu mối; tổ chức lại cơ cấu bên trong và sắp xếp chức năng các đơn vị không trùng lặp.
"Hội nghị Trung ương 7 trong năm tới sẽ bàn về cơ chế tiền lương, chính là dựa trên cơ sở giải quyết được hai Nghị quyết lần này về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập", ông Tân cho biết.
Hoàng Thuỳ - Võ Hải - Anh Minh

Đề xuất hợp nhất một số bộ


 - Đoàn giám sát của QH đề nghị nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau.
Sáng nay, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định báo cáo QH về kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
tinh giản biên chế,tinh gọn bộ máy,Nguyễn Khắc Định,biên chế
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Hoàng Anh
16 bộ tự “đẻ” thêm 320 phòng
Kết quả giám sát cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.
Tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối. Cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.
Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu trong nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. 
Cụ thể, trừ Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT, có 16 bộ ngành duy trì phòng trong vụ với tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng (như Bộ  KH-ĐT, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT có từ 5-7 phòng/vụ).
Tình trạng TƯ có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến. Cụ thể có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ ngành.
Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình 1 cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý. 
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng 108.148 người từ năm 2011- 2016.
Biên chế trong những năm 2014-2016 giảm bình quân 4.000 người/năm nhưng vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, chưa đạt mục tiêu.
Không duy trì phòng trong vụ
Đoàn giám sát đề xuất và kiến nghị 6 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, QH và UB Thường vụ QH tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở TƯ và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước. 
Đối với Chính phủ, đoàn giám sát đề nghị, trong năm nay khẩn trương hoàn thành các văn bản, trong đó có việc ban hành nghị định về tiêu chí thành lập và thống nhất mô hình tổ chức phòng, vụ, cục, tổng cục thuộc bộ và phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh...
Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong bộ máy hành chính nhà nước theo nguyên tắc 1 cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. 
Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bộ ngành phải tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm số lượng đầu mối; giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. 
Tinh giản biên chế: Tiêu chí đánh giá tín nhiệm người đứng đầu
Đối với chính quyền địa phương, đoàn giám sát đề xuất thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp, thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện.
Đồng thời, thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương.
Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.    
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu.
Cải cách bộ máy: Mấy chục năm vẫn loay hoay

Cải cách bộ máy: Mấy chục năm vẫn loay hoay

Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với sắp xếp tổ chức bộ máy, nhập bộ này, tách bộ kia, bao nhiêu bộ là vừa.
Tinh gọn bộ máy sẽ ra tiền, ra gạo

Tinh gọn bộ máy sẽ ra tiền, ra gạo

Thực hiện tốt nghị quyết 18 TƯ 6, bộ máy tinh gọn không những nâng cao chất lượng hoạt động mà còn ra tiền, ra gạo.
Tinh giản biên chế trong mắt Bộ trưởng Nội vụ

Tinh giản biên chế trong mắt Bộ trưởng Nội vụ

Tới đây tổ chức sở, ngành; phòng, ban phần lớn sẽ do địa phương chủ động quyết, TƯ không còn áp đặt một khung chung.
Quảng Ninh dò đá qua sông, chấp nhận vấp để tinh gọn bộ máy

Quảng Ninh dò đá qua sông, chấp nhận vấp để tinh gọn bộ máy

Đi trước như người dò đá qua sông, có thể bị vấp ngã, hy sinh vẫn phải làm, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng chia sẻ.
Bộ máy quá nhiều sếp, không ngân sách nào nuôi nổi

Bộ máy quá nhiều sếp, không ngân sách nào nuôi nổi

Nếu bộ máy cứ phình ra, lại có quá nhiều người làm lãnh đạo, quản lý nhưng không hiệu quả thì đó là lãng phí, không ngân sách nào nuôi nổi.
Thu Hằng

Không có nhận xét nào: