Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Lý Công Uẩn là vị hoàng đế của triều đại chính thống lâu dài đầu tiên của nước Đại Việt thống nhất. Ông xuất thân từ cửa chùa, là người khai vận cho triều Lý, được lịch sử nhắc đến như một vị minh quân đáng kính, tràn đầy lòng nhân từ. Cuộc đời ông ẩn chứa đầy màu sắc huyền bí, thú vị. Hãy cùng chúng tôi lần giở lại trang sử cũ về vị hoàng đế đặc biệt này.
Một bậc thánh nhân cai trị thiên hạ không những ân đức tưới khắp quốc gia bởi lòng nhân nghĩa của mình mà còn dùng võ công để an định xã tắc, chấn nhiếp ngoại địch. Lý Thái Tổ chính là một ví dụ sinh động nhất về một thời đại hiếm có mà văn trị và võ đức đều đạt đến toàn thịnh. Quân đội Đại Việt thời Lý quả thực là một đạo quân hùng mạnh, thiện chiến, lập được những chiến công đầy hiển hách.
U Linh Thương, bài thương pháp bí truyền từ thiền phái Diệt Hỷ
Thân là đệ tử đích truyền của Phật môn, Lý Công Uẩn đã lãnh hội hết những tài năng siêu việt của Thiền Sư Vạn Hạnh, thiền phái Diệt Hỷ, một môn phái tu luyện bí truyền nghìn năm với nội ngoại kiêm tu (vừa luyện võ công, vừa tu nội thiền định). Nguồn gốc bài U Linh Thương pháp này cũng khá ly kỳ.
Tương truyền rằng thời bấy giờ, các thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, dân chúng lầm than, khổ sở. Lý Công Uẩn nhiều phen đích thân đi dẹp loạn. Nhưng do địa hình đất nước núi rừng thâm u, tịch mịch, các trận chiến thường bố trí vào lúc chạng vạng nên với những bài thương thông thường, khả năng đánh tan quân phiến loạn rất thấp.
Bởi vậy, ông bèn sáng tạo ra bài thảo U Linh Thương, rồi tập cho binh lính. Điểm độc đáo của U Linh Thương là có tầm sát thương cao, đường thương đâm thẳng, trực diện với kình lực lớn, kết hợp các động tác uyển chuyển, nhu cương hòa điệu… thích hợp với lối đánh áp sát cận chiến, phù hợp với thể hình thấp bé của đa số binh sĩ triều Lý thời bấy giờ.
Những đạo quân bách chiến bách thắng khiến ngoại bang kinh sợ
Bản lĩnh văn võ cao cường của nhà vua khai quốc này đã tạo nên một quân đội nhà Lý bách chiến bách thắng nổi danh trong lịch sử, mà chiến công sau là minh chứng rõ nét nhất. Sử chép: “Giáp Dần, [Thuận Thiên] năm thứ 5 [1014], mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa.
Châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh đem việc tâu lên. Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu kể hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết. Xuống chiếu cho viên ngoại lang là Phùng Chân và Lý Thạc đem một trăm con ngựa bắt được của người Man sang biếu nhà Tống. Vua Tống xuống chiếu cho quan sở tại sai sứ thần đón tiếp, cùng đi đến cửa khuyết, mọi khoản cung đốn dọc đường đều được chu cấp đầy đủ. Khi đến, vua Tống gọi bọn Chân vào ra mắt ở điện Sùng Đức, ban cho mũ, đai, đồ dùng, tiền bạc theo thứ bậc khác nhau”.
Ngay khi nhà Lý vừa lập quốc, chắc chắn đã trở thành một cái gai trong mắt nhà Tống vốn đã từng coi nước ta như thuộc địa. Đoàn Kính Chí trong đoạn sử trên chính là đại tướng quân của nước Đại Lý họ Đoàn (nổi tiếng được thần thoại hóa trong truyên Kim Dung). Đây là một chư hầu khá mạnh của nhà Tống, được sự đồng ý ngầm của vua Tống mà dám đem 200.000 quân (đạo quân khổng lồ đủ để chiếm một quốc gia ) sang xâm lấn nước ta.
Nhưng không may cho họ, tuy vừa lập quốc và rất nhân từ nhưng Lý Thái Tổ lại không phải là ông vua mềm yếu, thậm chí còn là vị quân vương dũng mãnh với võ công hạng nhất. Chỉ cần một người em trai ông (Dực Thánh Vương) mà cũng dẹp tan quân giặc thì có thế thấy sức mạnh quân đội nhà Lý đáng sợ như thế nào.
Nhưng có một chuyện rất đặc biệt là, mặc dù chiến thắng vang dội nhưng Lý Thái Tổ không hề kiêu ngạo mà lại đem 100 con ngựa bắt được dâng vua Tống. Đó là một cách thức ngoại giao khôn ngoan, vừa thể hiện hòa khí với nước lớn mà lại kín đáo phô diễn cái uy dũng của quân đội mình, răn đe bất kỳ cái đầu nóng nào muốn có ý đồ với Đại Việt. Quả thật là một biện pháp hoàn hảo để giữ vẹn bờ cõi vậy. Đây chính là cách mà Thánh nhân trị quốc theo nhân nghĩa, đúng với chuẩn tắc “Nhân giả vô địch”.
Ngoài nhân nghĩa để nhiếp phục thiên hạ ra thì có một điểm nữa giúp Lý Thái Tổ có thể trở thành người khai vận quốc tộ lâu dài hơn 200 năm của nhà Lý. Đó chính là Thuận Thiên hành Đạo, cai trị thuận ý trời, không đi sang cực đoan và không làm điều bạo ngược.
Sử chép: “Nhâm Tý, [Thuận Thiên] năm thứ 3 [1012], vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét”. Khấn xong, gió sấm đều yên lặng”.
Thân là Hoàng đế lãnh quân viễn chinh thì việc lạm sát chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhưng có thể thành khẩn nhận lỗi của mình với Trời Đất để mong quân sĩ được bảo toàn thì cũng là hiếm thấy vậy. Chính vì lòng nhân đó, sự thành tâm đó mà Thái Tổ có được thiên hạ lâu dài mà truyền cho con cháu vậy.
Sử thần Ngô Sĩ Liên có nhận xét rất hay như sau: “Vua Thang gặp tai nạn hạn hán, lấy sáu việc tự trách mình mà mưa xuống ngay. Nay vua gặp nạn gió sấm, lấy việc đánh dẹp tự trách mình mà gió bão ngừng ngay. Trời và người cảm ứng nhau rất nhỏ nhạy, ảnh hưởng rất chóng, ai bảo là trong chỗ tối tăm mặt trời không soi đến ta mà dám dối trời chăng?”.
Lời kết
Khổng Tử có dạy: “Thành ý, chính tâm, tu thân, tề Gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Quả thật muốn làm nên đại nghiệp lưu danh thiên cổ (bình thiên hạ) thì đều phải bắt nguồn từ việc tu dưỡng bản thân của người lãnh đạo. Thành ý, chính tâm chỉ có thể đạt được khi tấm lòng nhân từ to lớn, lòng yêu thương, thương xót với dân chúng của bậc Thánh nhân thể hiện ra mà thôi. Nói Lý Thái Tổ là thánh nhân quả là không ngoa vậy.
Đã hơn 1.000 năm trôi qua kể từ ngày Lý Công Uẩn lên ngôi nhưng tấm gương sáng của ông vẫn chiếu rọi đến hậu thế nghìn thu, công đức của ông vẫn còn thấm nhuần, lối sống đạo đức và tinh thần của ông hãy còn nguyên giá trị. Con người Lý Thái Tổ chính là thành quả hun đúc giáo dưỡng đến từ Phật Pháp. Chính Phật Pháp vô biên đã tạo ra một bậc vĩ nhân khai mở cho dân tộc một thời đại thịnh thế, bình trị đỉnh cao.
Thành Thăng Long do một tay Lý Thái Tổ dựng nên cũng đã trải qua hơn 1.000 năm lịch sử đầy hào hùng. Ngôi thành cũ xưa nay chỉ còn là những phế tích. Nhưng tinh thần của bậc đế vương, của truyền thống dân tộc nghìn năm văn hiến kết tụ nơi mảnh đất linh thiêng thì hãy còn chảy mãi, chảy mãi…
(Hết)
Tĩnh Thủy
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét