24/10/2017 03:00 GMT+7
“Bức tranh” doanh nghiệp Nhà nước năm 2016 được Chính phủ phác thảo cho thấy khối DN này đang nắm giữ tổng tài sản phải là hơn 3 triệu tỷ đồng, nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 nghìn tỷ đồng.
Nợ phải trả hơn 1,5 triệu tỷ đồng
Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính của DNNN năm 2016 cho thấy: Tổng tài sản của 583 DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015 (xét trong cùng số lượng 583 DNNN hiện có năm 2015).
Theo báo cáo hợp nhất của các DNNN, tổng số nợ phải trả của các DN là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2015.
Báo cáo của Chính phủ cũng điểm mặt một số tập đoàn có tổng nợ phải trả lớn. Trong đó có 3 tập đoàn có số nợ từ 100 nghìn tỷ trở lên.
Một vài số liệu về tài chính của DNNN. Ảnh: L.Bằng |
Cụ thể, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là hơn gần 487 nghìn tỷ đồng, của Tập đoàn Dầu khí VN là hơn 338 nghìn tỷ đồng và Tập đoàn CN Than và Khoáng sản VN là hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Những DN có nợ phải trả nhiều còn có sự góp mặt của Viettel, Tập đoàn Hóa chất,... với số nợ cũng lên đến vài chục nghìn tỷ đồng.
Lưu ý thêm, nợ của DNNN là nợ tự vay tự trả, không được tính vào nợ công, trừ những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Đối với các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh, nếu DN đó không trả được nợ thì ngân sách sẽ ứng ra trả thay. Đơn cử như trường hợp của Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến 31/12/2016, nợ phải trả quá hạn của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam) là hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả Bộ Tài chính (khoản nợ Bộ Tài chính ứng ra từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay cho Tổng công ty Giấy Việt Nam) là 1.610 tỷ đồng.
Một số DNNN có nợ lớn. |
Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy Miền Nam là công ty con 100% vốn của Tổng công ty Giấy Việt Nam có dự án đầu tư kinh doanh rừng thông tại tỉnh Kon Tum, cũng không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn.
Cụ thể, đến 31/12/2016, nợ phải trả cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển Kon Tum là 504 tỷ đồng (nợ gốc và lãi), Tổng công ty Giấy đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến 1/1/2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay đối với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án (tuy nhiên chưa nhận được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Mặc dù theo quy định, việc huy động vốn vượt quá mức 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18 tập đoàn, tổng công ty trong số 91 doanh nghiệp có mức huy động vốn vượt quá mức trần.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các DNNN đã có dấu hiệu được cải thiện đáng kể. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty bình quân đạt 0,75 lần.
Nhiều DN lỗ nghìn tỷ
Theo báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT, Công ty mô hình mẹ - con tổng doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với mức thực hiện năm 2015.
Xét theo báo cáo hợp nhất, tỷ lệ doanh thu/tổng tài sản bình quân là 0,49 lần và tỷ lệ doanh thu/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,1 lần.
Xét theo báo cáo hợp nhất, một số DNNN có tổng doanh thu giảm tương đối mạnh so với năm 2015 (từ 20% trở lên) như Tổng công ty XNK Tổng hợp Vạn Xuân giảm 53%; Sông Đà giảm 41%; Xăng dầu Quân đội giảm 42%; Trực thăng VN giảm 35%,...
Ngoài ra, 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là trên 12.500 tỷ đồng.
Những DNNN có số lỗ lũy kế lớn. Ảnh: L.Bằng |
Trong đó, đơn vị có số lỗ lớn nhất là Tổng Hàng hải VN Vinalines lỗ tới hơn 5.000 tỷ đồng. Còn Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu Gtel lỗ gần 4.000 tỷ đồng.
Một tập đoàn dính nhiều tai tiếng khác là Tập đoàn Hóa chất VN lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ gần 1.000 tỷ đồng.
Tổng công ty 15 lỗ 641 tỷ đồng; TCT Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (150 tỷ đồng); TCT Xây dựng Trường Sơn (111 tỷ đồng); TCT Giấy VN (109 tỷ đồng),...
Ngoài ra, 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 4.595 tỷ đồng, gồm Công ty mẹ - TCT Hàng Hải VN (2.760 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Nam (798 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất (687 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Giấy VN (120 tỷ đồng),...
Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty (theo số liệu báo cáo hợp nhất) và các DNNN độc lập năm 2016 là hơn 251 nghìn tỷ đồng (chiếm 24,82% trong tổng cân đối thu NSNN năm 2016); đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.
Lương Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét