Hiện việc đúc tượng trong các cơ sở tôn giáo, làm tượng doanh nhân ở các trường học, cơ quan cũng diễn ra ồ ạt, mất kiểm soát...
Ngày 24-7, Bộ VH-TT&DL và Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm đã tổ chức hội thảo về việc đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định 113/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.
Tại đây, vấn đề dựng tượng đài đã gây nóng hội thảo với nhiều ý kiến kiến nghị từ đại diện nhiều tỉnh, thành. Đó là việc đúc tượng trong các cơ sở tôn giáo, nhất là ở các chùa, hay đúc tượng doanh nhân trong các trường học, cơ quan diễn ra tràn lan không quản lý được vì luật chưa đầy đủ.
Đến khi sự việc không hay xảy ra như tượng vua Quang Trung cầm kiếm tay trái, tượng anh Kim Đồng mà già quá, tượng vua Đinh không thẩm mỹ bỏ hoang phế... dư luận lên tiếng nhưng không xử lý được...
Việc không quản lý được những vấn đề trên do Nghị định 113/2013 chỉ quy định về việc đúc tượng đài bằng tiền ngân sách nhà nước. Trong khi các nhà trường, cơ quan làm tượng danh nhân từ nguồn tiền riêng. Các cơ sở tôn giáo cho rằng tượng tôn giáo không phải tượng đài nên không phải xin phép.
Ý kiến của các đơn vị quản lý tại hội thảo nhất trí rằng tượng tôn giáo hay tượng danh nhân đều là tượng đài nên vẫn phải xin phép và được duyệt bởi hội đồng chuyên môn về mặt mỹ thuật và kết cấu đúng kỹ thuật, an toàn.
Chuyện xây tượng, dựng tượng trong các tư gia, các quán cà phê có quản hay không cũng được đặt ra ở hội thảo này. Đại diện tỉnh An Giang cho biết có quán cà phê mua tượng kiếm sĩ La Mã cầm gươm cầm giáo to lớn về đặt mà không xử lý được vì họ nói tượng mình không làm, chỉ mua về. Vậy chuyện làm tượng ở các xưởng đúc tượng có quản không?
Ý kiến của cục trưởng Vi Kiến Thành là tượng trong nhà riêng có tường bao không ai thấy thì không quản. Tuy nhiên, tượng trong nhà riêng không có tường bao kín, người ngoài có thể nhìn thấy ảnh hưởng tâm tư tình cảm họ thì phải xin phép và được duyệt.
Riêng quán cà phê là không gian công cộng, dù sở hữu cá nhân, có tường bao hay không đặt tượng, làm tượng vẫn phải xin phép.
Nhiều địa phương như Đồng Nai, Bến Tre cho biết ở chỗ mình có rất nhiều đơn vị quân đội đóng quân trước đây xin lập bia tưởng niệm, tượng đài dẫn đến lúng túng phát sinh về không gian, kinh phí, quỹ đất...
Cục trưởng Kiến Thành nói rằng báo chí, truyền thông cứ phản ứng lạm phát tượng đài nhưng đây là nhu cầu, mong muốn của địa phương, xã hội. Nhưng Nhà nước đang đưa ra quy hoạch về tượng đài Bác Hồ và tượng đài Quốc tổ Hùng Vương theo hướng hạn chế tượng đài. Vừa qua có đến 58 tỉnh, thành đề nghị làm tượng đài Bác Hồ ở các địa phương, Cục Mỹ thuật chỉ trình Chính phủ duyệt có 6.
HÒA BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét