Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Giấc mơ Trung Hoa, ác mộng thế giới

Thụy My

mediaTổng bí thư Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thông báo thành phần Ban Thường vụ Bộ Chính trị ngày 25/10/2017.REUTERS/Jason Lee
Tác giả Christian Makarian trên L’Express tuần này khi viết về Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 đã nhận định « Giấc mơ Trung Hoa, ác mộng cho thế giới ». Bài viết mô tả, hàng ngàn đại biểu Đảng bỗng xuất hiện như từ trong quá khứ, với những nụ cười giả tạo và cờ đỏ rợp trời, chẳng khác nào thời kỳ chủ nghĩa cộng sản làm mưa làm gió.




Trong khung cảnh hoành tráng này, vẫn phải đặt ra câu hỏi về tương lai của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc « sẽ có một chỗ đứng trung tâm trên trường quốc tế ».
Không ai nghi ngờ về điều đó, nhưng tất cả vấn đề đều nằm ở đây. Với dân số 1,4 tỉ người, sự « thành công » của Trung Quốc có liên quan đến toàn thế giới. Tập Cận Bình đã tuyên bố trước các đồng chí đang đứng im phăng phắc như tượng: « Chúng ta ngày nay có khả năng hơn bao giờ hết để thực hiện mục tiêu đại phục hưng quốc gia ».
Phục hưng đại quốc như thế nào ? Bắt đầu bằng « Kiên quyết phản đối mọi lời nói và hành động nhằm đặt lại vấn đề, bóp méo hoặc chối bỏ hệ thống chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Tiếp theo là đưa trên 80 triệu người nghèo bước vào giai cấp trung lưu ngay từ đầu thập niên tới. Cuối cùng, từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, « Giấc mơ Trung Hoa » là trở thành một người khổng lồ trên mọi mặt.
Tập Cận Bình thậm chí còn dùng ngôn ngữ của một thủ lãnh chiến tranh, nhấn mạnh « Quân đội khi vào trận là phải chiến thắng ». Hướng về chính quyền Đài Loan và phe đòi độc lập ở Hồng Kông, người đứng đầu Trung Quốc vừa đe nẹt vừa chiêu dụ.
Tăng cường quyền lực cá nhân, cường điệu chủ nghĩa dân tộc, sùng bái lãnh tụ quá trớn…chế độ Bắc Kinh hứa hẹn là một mối đe dọa. Trong khi Donald Trump, Brexit, khủng hoảng Catalunya… đang gây quan ngại, thì một mối lo khác bỗng xuất hiện, bao trùm lên tất cả. Trong khi những nền dân chủ ngày càng gặp khó khăn, thì Bắc Kinh dấn những bước mạnh mẽ.
L’Express cho rằng, việc Tập Cận Bình xử sự như một Mao Trạch Đông mới là rất nguy hiểm cho sự thăng bằng trên thế giới. Bởi vì nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của năm 2017 hoàn toàn không giống chút nào với đất nước nghèo khổ của thời Sách Đỏ, mà là động lực phát triển của thế giới. Nhưng người đứng đầu cường quốc khổng lồ này lại là người quảng bá cho chủ nghĩa toàn trị. Bắc Kinh không ngại ngần đề cao trở lại  quan niệm của đế chế Trung Hoa xưa, « Trung Quốc là cái rốn của vũ trụ, là toàn thể diện tích dưới bầu trời ».
Chống Tập Cận Bình là chống Đảng !
Trong bài « Sự phong thánh cho Tập Cận Bình », tuần báo The Economist đánh giá việc ghi « Tư tưởng Tập Cận Bình » vào Điều lệ Đảng đã giúp củng cố quyền lực của ông Tập không chỉ một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà là suốt đời. Tập Cận Bình nay ngang hàng với Mao Trạch Đông, một vinh dự mà những người tiền nhiệm không có được.
Cá nhân ông Tập đã được đồng hóa với Đảng, chống Tập Cận Bình là chống Đảng ! Điều này có nguy cơ khiến cấp dưới chỉ nói với ông Tập những gì ông ta muốn nghe mà thôi, và như vậy có thể dẫn đến các quyết định tồi tệ.
Một số người cho rằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng không làm tăng nhiều quyền lực cho Tập, vì người cộng sản dù sao cũng phải tuân lệnh Đảng. Không có « Tư tưởng Đặng Tiểu Bình »,nhưng ảnh hưởng ông Đặng vẫn rất lớn. Đưa được tên mình vào Điều lệ, có lẽ giúp sức cho ông Tập trong trận đấu sắp tới, hơn là mang ý nghĩa ông đã thắng được cuộc chiến.
Theo The Economist, thoạt nhìn vào danh sách các ủy viên thường trực Bộ Chính trị thì có thể nghĩ như thế. Chỉ có một trong số năm ủy viên mới là thân cận với Tập Cận Bình, bốn người còn lại được cho là thuộc các phe nhóm khác. Còn Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập thì về hưu.
4/5 ủy viên thường vụ mới thuộc các phe nhóm khác
Hai ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) và Uông Dương (Wang Yang) thuộc cánh Đoàn Thanh niên Cộng sản của ông Hồ Cẩm Đào. Hai tân ủy viên khác thuộc phe Giang Trạch Dân – tổng bí thư 1989-2002, nguyên bí thư Thượng Hải. Đó là Hàn Chính (Han Zheng), bí thư Thượng Hải hiện nay và Vương Hộ Ninh (Wang Huning), người viết diễn văn cho ông Tập. Vương Hộ Ninh còn là « quân sư », không chỉ cho « Tư tưởng Tập Cận Bình » mà cả « Thuyết Ba đại diện » của Giang Trạch Dân và « Quan điểm Phát triển Khoa học » của Hồ Cẩm Đào.
Ông Vương sẽ trở thành trưởng ban tuyên huấn đầu tiên từng học ở Mỹ (đại học Berkeley). Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), người sẽ phụ trách chống tham nhũng, thuộc nhóm nào không rõ. Chỉ có Lật Chiến Thư là người gần gũi với ông Tập. Hai ông gặp nhau hồi thập niên 80, lúc cùng công tác ở tỉnh Hà Bắc. Trước khi trở thành tổng bí thư năm 2012, ông Tập đến thăm Quý Châu, nơi Lật Chiến Thư làm bí thư, và trở nên thân thiết từ lúc đó.
Như vậy, về thành phần Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất, Tập Cận Bình đã nhượng bộ các phe đối địch ? Không đơn giản như thế, vì trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập đã dựng lên hệ thống « các nhóm chỉ đạo nhỏ ». Trên thực tế, Tập Cận Bình lãnh đạo thông qua các nhóm này, làm giảm bớt quyền hạn của Ban Thường vụ. Bốn ủy viên thường vụ mới là thành viên của các nhóm chỉ đạo này, có lẽ họ đã chịu ơn mưa móc của ông.
Áp đảo ở Bộ Chính trị, nhưng không chỉ định người kế nhiệm
Ở hàng thấp hơn, ảnh hưởng Tập Cận Bình rất rõ nét. Hơn phân nửa trong số 18 ủy viên còn lại của Bộ Chính trị là người của ông Tập, kể cả hai tân ủy viên là Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh và Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), bí thư Trùng Khánh.
Đáng chú ý nhất là sự thiếu vắng người kế nhiệm. Là chủ tịch nước, Tập Cận Bình chỉ có thể làm hai nhiệm kỳ, cho đến năm 2023. Chức tổng bí thư thì không có quy định cụ thể, nhưng theo thông lệ cũng chỉ hai nhiệm kỳ, kết thúc vào năm 2022. Trong Đại hội Đảng 19, người ta hy vọng có được dấu hiệu về một khuôn mặt sẽ nối ngôi. Một nhân vật như thế phải tương đối trẻ để lãnh đạo Đảng đến tận năm 2032, tức là không thể sinh trước năm 1960. Nhưng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, người trẻ nhất là Triệu Lạc Tế sinh năm 1957.
Tập Cận Bình vẫn có thể chỉ định người kế vị trong những năm tới, nhưng hiện nay không có ai trong danh sách chờ. Ông Tập đang một mình một chợ, và có thể tự ý quyết định ở lại tiếp, sau 2022.
Lên ngang hàng với Mao, Tập Cận Bình có quyền lực trọn đời
Với tên tuổi được ghi trong Điều lệ Đảng, Tập Cận Bình sẽ là người có tiếng nói quyết định cuối cùng, dù có đang tại vị hay không. Cùng với Mác, Lênin, Mao và Đặng, nay Tập cũng ngang hàng với những ông tổ cộng sản ; quyền lực ông không chỉ kéo dài thêm 5 năm mà là trọn đời.
« Tư tưởng Tập Cận Bình » là một sự cập nhật luận thuyết của Đặng Tiểu Bình, mang tên « Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Nhưng rõ ràng là Tập trái ngược hẳn với Đặng.
Năm 1980, Đặng Tiểu Bình lập luận rằng Trung Quốc phải được lãnh đạo tập thể, rằng tập trung quá nhiều quyền hành vào tay một con người là không tốt cho đất nước, và Đảng cần phải quy hoạch trước các lãnh đạo tương lai. Ông Đặng cũng quy định ủy viên Bộ Chính trị không thể ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nếu đã 68 tuổi. Về đối ngoại, Đặng Tiểu Bình chủ trương không phô trương, mà phải giấu kỹ thực lực, ẩn nhẫn chờ thời.
Tất cả những quan điểm trên nay đã bị xếp xó. Một bài bình luận trên Nhân Dân Nhật Báo nói rằng « Tư tưởng Tập Cận Bình » xứng đáng có được « sự chú ý của toàn thế giới », còn Tân Hoa Xã so sánh sức mạnh của « Tư tưởng Tập Cận Bình » với « các nền dân chủ đang lung lay ».
Ông Tập đã đưa ra một số chỉ dấu cho thấy nhiệm kỳ sắp tới của ông sẽ khác nhiệm kỳ đầu. Ông dõng dạc tuyên bố trong Đại Hội : « Chính quyền, quân đội, xã hội, trường học, đông tây nam bắc, Đảng lãnh đạo tất cả ! ».
Putin, Sa hoàng thế kỷ 21
Còn tại nước Nga, « Một Sa hoàng đã ra đời, 100 năm sau cuộc cách mạng Nga », theo The Economist. Ảnh bìa tuần báo Anh là tổng thống Nga Vladimir Putin mặc triều phục, với ngù vai và huy chuơng là hỏa tiễn, xe tăng, chiến đấu cơ. Tờ báo cho rằng một thế kỷ sau khi vương triều bị lật đổ, nước Nga vẫn đang dưới sự thống trị của một Sa hoàng mới.
Phương Tây vẫn coi ông Vladimir Putin là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Stalin đến nay. Mười bảy năm sau khi lên nắm quyền, Putin vẫn điều khiển nước Nga bằng bàn tay sắt. Cả hai phe cải cách và bảo thủ ở Matxcơva đều cho rằng Putin là Sa hoàng của thế kỷ 21.
Cho dù Putin vẫn e ngại các cuộc « cách mạng màu », mối đe dọa lớn nhất không phải là một cuộc nổi dậy tập thể kiểu bôn-sê-vích. Từ mùa xuân 2018, tổng thống Nga bắt đầu nhiệm kỳ 6 năm cuối cùng, sau cuộc bầu cử mà ông chắc chắn sẽ thắng. Người ta lo sợ vị Sa hoàng mới này khi ra đi sẽ để lại phía sau một nước Nga hỗn loạn.
Ai sẽ nối ngôi Sa hoàng Putin ?
Cũng như Sa hoàng, từ khi tấn công vào các đại gia, nắm lấy truyền thông và ngành dầu khí, tất cả các ngả đường dẫn đến quyền lực và tiền bạc đều phải thông qua Putin. Cũng như Sa hoàng, Putin phải đối mặt với câu hỏi, nên hiện đại hóa nước Nga theo kiểu phương Tây với các quyền dân sự và chính phủ đại diện, hay giữ ổn định bằng cách đi theo hướng ngược lại ? Câu trả lời của Putin là giao phó kinh tế cho các nhà kỹ trị tự do, còn chính trị do các cựu sĩ quan tình báo KGB nắm. Tất nhiên là chính trị đứng trên kinh tế, và nước Nga đã phải trả giá. Dù vượt qua được các trừng phạt, nền kinh tế vẫn lệ thuộc nặng nề vào nguồn lợi thiên nhiên.
Và cũng như Sa hoàng, Putin củng cố quyền lực bằng đàn áp và chinh chiến. Trong nước, đối lập và các nhà hoạt động xã hội kể cả cho nữ quyền, các tổ chức phi chính phủ, người đồng giới đều bị trấn áp. Ở bên ngoài, Putin sáp nhập Crimée bằng vũ lực, còn việc tham gia vào cuộc chiến Syria và Ukraina được truyền thông nhà nước khoác lên một vầng hào quang.
Vấn đề là ai sẽ lên nối ngôi Putin ? Ông ta không thể truyền ngôi cho con cháu, hay thông qua tôn ti trật tự của đảng Cộng Sản. Putin cần một người đủ yếu để có thể kiểm soát, nhưng lại đủ mạnh để loại các đối thủ - một bài toán khó giải. Ra đi nhưng giựt dây trong hậu trường như Đặng Tiểu Bình, hay né tránh chỉ định người kế nhiệm như Tập Cận Bình mới đây ?
The Economist nhận định, do thiếu vắng một cơ chế dân chủ để có được tính chính danh, nhà lãnh đạo mới sẽ phải đấu đá kịch liệt để ngoi lên nắm quyền. Trong một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử, điều này rất đáng lo sợ.

Không có nhận xét nào: