Có lần mình đã gặp một anh người Bắc, nói năng nho nhả cũng
thuộc dạng trí thức anh đã hỏi mình một câu như vầy :
Em người miền Nam sống ở Saigon từ nhỏ, anh hỏi thật em trả lời đúng sự thật
với suy nghĩ của người Saigon nhé !
Tại sao cũng là người Bắc, nhưng Bắc 54 di cư vô miền Nam, tới
giải phóng là 21 năm.
Anh vô miền Nam năm 75 đến giờ là 42 năm, gấp đôi dân 54.
Thế nhưng tại sao người SàiGòn lại coi Bắc 54 là một phần của họ
gặp nhau tay bắt mặt mừng như ruột thịt, anh để ý riêng bản thân anh thôi nha.
Có thân lắm có vui lắm, dân SàiGòn vẫn luôn mang một khoảng cách khi tiếp xúc
với anh, nếu họ biết anh đến với Sài Gòn năm 75???
Trời, một câu hỏi khó cho thí sinh à nha !
Em trả lời thật, anh đừng giận em nói :
-Tách riêng 2 phần chính trị và văn hoá nghệ thuật ra đi ha!
Phần chính trị thật ra khi giải phóng vô em mới có gần 15 tuổi thôi về quan
điểm thắng, thua em chưa đủ trình độ nhận xét,
Nhưng nếu nói về cuộc sống của thời trước và thời sau 75, khác
nhau nhiều lắm : sướng khổ rỏ rệt. Má em chỉ là công chức nhỏ của tổng nha kiều
lộ, bây giờ mấy anh gọi là cầu đường đó, nhưng hồi nhỏ em rất sướng, đi học
toàn trường dòng, em không biết ngoài Bắc anh có không, chứ thời đó mà học nội
trú là mắc lắm đó, nhà em không giàu, cậu đi lính Quốc Gia, dì và ông ngoại đều
dân Kiều lộ, nhưng sống rất thanh thản, mặc dầu lúc đó chiến tranh tràn lan
khắp nơi.
Thời đó người Bắc di cư vô Nam, thường sống từng vùng do chánh
phủ chỉ định, rồi từ từ lan ra.
Người miền Nam học được người Hà Nội nhiều điều : Cần kiệm, lễ
giáo, nếp sống thanh lịch quý phái và tri thức.
Người miền Bắc vô Nam học được của người Sài Gòn nói riêng và
người miền Nam nói chung : Sự giản dị, chân thật, tốt bụng, phóng khoáng ;
không câu nệ bắt bẻ hay khó khăn.
Và cả hai miền học được của miền Trung cái chịu thương chịu khó,
cái đùm bọc tình đồng hương.
Cả ba miền hoà nhập với nhau, ảnh hưởng nhau lúc nào không hay.
Hồi đó, em đi học gặp mấy đứa bạn Bắc Kỳ rốn vẫn hay chọc tụi nó là "Bắc
kỳ con bỏ vô lớn kêu chít chít" mà tụi nó cũng không giận, chọc lại em :
"mày Nam kỳ ga guộng bắt con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gột", rồi lại
khoác tay nhau chơi bình thường. Trẻ con thì như vậy, người lớn gặp nhau ba
miền chung bàn nhậu là dô đi anh hai mình, là tay bắt mặt mừng ...
Em nói dài dòng để cho anh hiểu rõ hơn vì sao Bắc 54 trở thành
người miền Nam.
Chưa kể đến cái tình nha anh! Tình đồng đội khi chiến đấu chung.
Ngoài anh chắc gọi đồng chí, trong đây em nói quen tiếng dân Sài gòn xưa, lúc
chiến tranh mà đi lính thì cũng phải đi chung, cả ba miền gặp nhau giữa lúc
thập tử nhất sinh, thân nhau là chuyện bình thường.
Đó là lính, còn người dân giữa cái tan tác đau thương chạy loạn
lạc, chết chóc hầu như từ mũi Cà Mau đến sông Bến Hải.... nơi nào không có. Từ
đó, người ta thương yêu nhau và không ai nghĩ miền nào là miền nào. Người ta
gọi đó là tình đồng bào, tình quân dân cá nước nói theo kiểu miền Nam của em.
Đó là nói hơi thiên về chính chị chính em đó nha !
Bây giờ, bàn hơi sâu văn hoá nghệ thuật thời đó nha !
Em nói với anh ngay từ đầu rồi nhé ! Lúc đó em chỉ mới 15 tuổi,
làm sao đủ tư cách phê bình văn học. Em chỉ kể cho anh nghe theo cái hiểu biết
nhỏ bé của em thôi.
Người miền Bắc 54 vô miền Nam đem theo được gì nhỉ ?
Người thì chắc cũng không có của cải gì nhiều rồi, đi giống như
đi vượt biên mà có gì, sao anh cười, em nói thiệt mà !
Nhưng có một di sản khổng lồ mà người miền Bắc 54 đã đem cho
miền Nam. Đó là văn hoá, nghệ thuật. Nếu xét kỹ, nhà văn thời đó của người Nam
bộ vẫn ít hơn người Trung và Bắc. Những tác phẩm giá trị, từ dịch thuật đến thơ
văn, hầu như tác giả người Hà Nội, người Huế, Đà Nẵng, Sài gòn, v.v... toàn
những tác phẩm để đời.
Em xin lỗi, “giải phóng” hơn bốn chục năm năm rồi, nhưng nếu ai
có hỏi em đã đọc được cuốn sách nào để lại ấn tượng trong em chưa....
Xin chào thua, giận em, em chịu, vì có đọc đâu mà nhớ !
Chả có gì cho em ấn tượng, chắc một phần do em dốt anh ạ, nên
không hiểu nổi văn học thời này thôi.
Nói đến nghệ thuật cái này thì em thích ca thích hát nên hơi
rành một chút. Chắc anh không ít thì nhiều cũng phải có nghe Duy Quang hay Sĩ
Phú, Duy Trác, Tuấn Ngọc... những người con Hà Nội hát trước 75, nói về văn học
có thể anh không biết chứ hát hò anh phải biết sơ thôi.
Vâng, Hà Nội 36 phố phường để lại cho người miền Nam nhiều ca
khúc để đời của Phạm Duy, chắc anh không biết bài Viet Nam... Việt Nam, bài
tình ca Con đường cái quan, của bác ấy .
Em nói nhiều về Pham Duy vi đúng là dân Hà Nội 45 đó anh !
Oh, anh biết nhiều về Phạm Duy, như vậy chắc anh cũng biết rõ
những nghệ sĩ nổi tiếng trước 75, đến bây giờ vẫn ăn khách, những người ca sĩ
mà anh biết không, cái thời ngăn sông cấm chợ, muốn được nghe phải thức canh
đài BBC hay đài VOA, vừa nghe vừa khóc vì quá xúc động. Đó là lý do tại sao ca
sĩ Hải ngoại khi về nước người ta đi đón râ`n trời, một cái vé có khi nữa tháng
lương người ta vẫn cắn răng để nghe cho bằng được thần tượng của mình hát.
Đó là ca sĩ Hà Nội, còn trong Nam hay ngoài Huế cũng rất nhiều
ca sĩ nổi tiếng, kiểu Chế Linh, Nhật Trường, Duy Khánh, v.v...
Em xin lỗi anh nhé, có thể ca sĩ ngày xưa người ta hát không cần
phải là học trường lớp thanh nhạc như cái cô Thanh Lam gì ngoài Bắc của anh bây
giờ đâu, nhưng vẫn đi vào lòng người nghe mãi không quên, còn cô ấy học cao quá
diva diviec gì đó, nói thiệt anh đừng cười em lạc hậu với thời cuộc quá anh ạ,
nhờ cái chuyện cổ chửi ca sĩ miền Nam thất học, dư luận ồn ào quá, em mới để ý,
chứ thiệt tình bình thường em mà biết cô này .. em chết liền đó anh, chưa từng
nghe giọng hát này bao giờ.
Thì đó, nhờ những tác phẩm giá trị của văn học nghệ thuật, những
nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ đều có sự đóng góp của Huế, Sài gòn, Hà Nội.. đã đưa ba
miền Nam-Trung-Bắc, gần nhau hơn, hoà quyện lại với nhau thành một.
Cám ơn anh chịu khó nghe em phân tích một cách dài dòng xoay
quanh câu hỏi của anh.
Vì đây là lần đầu tiên em được nghe một câu hỏi rất thật của một
người Bắc vào trong Nam ... năm 1975 .Thế cho nên em cũng trả lời rất thật lý
do vì sao Bắc 54 lại là dân miền Nam dầu chỉ mới sống với nhau có 21 năm.
Và dân Bắc 75, dầu sống trong Nam đến 42 năm, vẫn mãi mãi là
.... người Bắc, chứ không thể nào là người Hà Nội của dân miền Nam xưa.
Với một ít kiến thức nhỏ nhoi, một ít kinh nghiệm sống từng trải
qua những thăng trầm của đất nước.
Em xin các cô bác, anh chị đã, đang và sắp đọc những giòng tự sự
này một lời xin lỗi nếu như em có viết sai một ít chi tiết nào đó, các bậc cao
nhân, tiền bối làm ơn bỏ qua cho kẻ hậu bối này câu trả lời mơ hồ của em, chắc
chưa đủ sức thuyết phục cho anh bạn miền Bắc của chúng ta hiểu rõ hơn... Nhưng
sức người có hạn, em nói rồi - tầm hiểu biết của em hạn hẹp bao nhiêu đấy thôi.
Xin chỉ giáo thêm!
Tác giả: Nguyen Anh