Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Những “cú bắt tay ngầm” khiến Nhà nước thất thu hàng chục tỷ USD

Dân trí Cho rằng những chỉ đạo của Thủ tướng trong vấn đề bán vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn, đại diện VAFI cũng nhận định, việc yêu cầu phải niêm yết trước khi bán vốn sẽ giúp Nhà nước tránh thất thu hàng chục tỷ USD từ tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.
 >> Cổ phần hóa “ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước: Phải kiểm toán kết quả định giá
 >> Sắp có cơ chế cưỡng chế, Sabeco muốn “trốn niêm yết” cũng khó
 >> Chậm niêm yết khiến Nhà nước hụt thu tại Sabeco, Habeco?

Một nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ ngành mới đây bàn về chủ trương tiếp tục bán vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn đó là “phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước”.
Riêng tại Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng yêu cầu, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước.
Ngay cả việc định giá cổ phần các doanh nghiệp này cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.
Trước đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã liên tiếp có các văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan, lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt, yêu cầu niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi Habeco và Sabeco sau 9 năm hai đơn vị này thực hiện cổ phần hóa.
Sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, giới đầu tư cũng sẽ chứng kiến Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán
Sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, giới đầu tư cũng sẽ chứng kiến Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch VAFI – người trực tiếp ký các văn bản kiến nghị nói trên:
Có “nhóm lợi ích” thâu tóm doanh nghiệp trong tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa
Thưa ông, chắc hẳn là ông đã nắm được thông tin về các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề thoái vốn Nhà nước khỏi một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Sabeco, Habeco?
- Tôi đã đọc qua báo chí và thấy rất vui. Chỉ đạo của Thủ tướng là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Trước đây, chúng tôi cũng đã từng kiến nghị về những vấn đề này nhưng không được Bộ Công Thương quan tâm, để ý.
Rõ ràng Habeco và Sabeco đã trốn tránh niêm yết trong 9 năm, cuối cùng thì cũng bị Chính phủ yêu cầu niêm yết và bán vốn Nhà nướckhỏi doanh nghiệp.
Nhưng tôi nghĩ, có lẽ với tình trạng chậm trễ trong đổi mới doanh nghiệp, cụ thể là việc chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc niêm yết trên sàn chứng khoán, điển hình là Sabeco và Habeco thì Bộ Công Thương cần bị phê bình. Đây là một vấn đề lớn nhưng ngay cả khi chúng tôi gửi đề xuất cách đây 3 tháng, Bộ vẫn không quan tâm đúng mức.
Họ nói phải thoái vốn trước rồi mới niêm yết được, nhưng tôi cho rằng, nếu làm như thế, Nhà nước có thể mất hàng tỷ USD. Cho nên vừa rồi, Chính phủ chỉ đạo phải chống các “nhóm lợi ích” là hoàn toàn đúng. Tôi thấy, may mắn là Thủ tướng dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn sát sao những vấn đề này.
Nhà nước có thể mất tới hàng tỷ USD, thưa ông?
- Đúng vậy. Tôi dám chắc rằng, nếu buộc các doanh nghiệp này phải niêm yết xong mới được bán thì Nhà nước thu được hàng tỷ USD. Bởi thực tế chúng tôi đã chứng kiến, có nhóm lợi ích chi phối trong việc thôn tính doanh nghiệp và để gặt hái, mưu cầu làm giàu, bán rẻ tài sản Nhà nước.
Có những doanh nghiệp cổ phần hóa rồi, khi nhóm lợi ích mang danh đối tác chiến lược vào mua và thôn tính hết doanh nghiệp thì kể cả ban quản lý doanh nghiệp xin được niêm yết thì lại bị nhóm lợi ích cản trở, gây khó khăn, không cho niêm yết.
Tất nhiên, với trường hợp Sabeco thì trước khi có thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng, cổ phần Sabeco đang trong khoảng 35.000 - 37.000 đồng. Việc công bố thông tin này có thể sẽ giúp đẩy giá tăng lên. Khi “lên sàn”, giá có thể sẽ không còn mức đó nữa mà có thể lên đến 60.000 - 70.000 đồng. Các công ty tư vấn bao giờ cũng định giá theo giá thị trường. Nếu bán trước khi niêm yết có thể giá sẽ rất thấp, thất thoát tài sản nhà nước chính là ở chỗ này.
Chúng tôi băn khoăn tự hỏi, vì sao đã có rất nhiều phân tích, cảnh báo nhưng Bộ Công Thương vẫn muốn bán rồi mới niêm yết? Chủ trương này là rất “bậy”. Tôi nghĩ là không có chuyện họ không biết rằng nếu niêm yết rồi mới bán thì sẽ được giá hơn và có lợi hơn cho Nhà nước. Bán rồi mới niêm yết rõ ràng sẽ gây thất thu tài sản Nhà nước.
Sau niêm yết, thoái vốn sẽ không còn chỗ cho bất tài, tham nhũng
Trong chỉ đạo của Thủ tướng nêu đích danh Sabeco và Habeco phải niêm yết trước khi bán vốn Nhà nước. Liệu có nên nhân rộng cách thức này hay không?
- Phải nhân rộng chứ! Sabeco và Habeco là trường hợp điển hình, nên chúng tôi đề nghị Chính phủ cần “thúc” tất cả những DNNN đã cổ phần hóa đều phải niêm yết trên thị trường chứng khoán và nếu làm được như vậy, Nhà nước sẽ thu thêm được hàng chục tỷ USD từ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN.
Bởi, giả sử như trường hợp doanh nghiệp bán vốn Nhà nước xong rồi trốn niêm yết, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư, ai dám mua cổ phần nữa? Hoặc họ sẽ không mua, hoặc họ chỉ mua với giá rẻ.
Sau khi niêm yết và thoái hết vốn Nhà nước, theo ông, liệu có sự xáo trộn mạnh mẽ trong đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp này?
- Nếu bán hết vốn Nhà nước thì những kẻ bất tài, tham nhũng sẽ không còn chỗ đứng. Cổ đông sẽ không bao giờ chấp nhận để cho những kẻ đó quản lý tiền của họ.
Bán đi thì Nhà nước sẽ lấy được tiền. Chứ không cẩn thận mà giao hàng tỷ USD tài sản của Nhà nước cho những kẻ bất tài, tham nhũng quản lý thì Nhà nước không những mất hết vốn mà thậm chí còn bị âm vốn. Đã có những bài học rất “đắt” để lại về việc âm vốn chủ sở hữu tại những doanh nghiệp Nhà nước lớn như Vinashin, Vinalines…
Không những mất vốn Nhà nước, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần chồng chất, đe dọa đến tài sản của cả các ngân hàng.
Một vấn đề cũng đang rất được quan tâm là có chuyện các đại gia nhảy vào mua cổ phần DNNN chỉ vì doanh nghiệp đó sở hữu “đất vàng”. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Trên thực tế thì bao giờ đất đai (sổ đỏ, quyền sử dụng đất, thuê dài hạn) đều góp phần tạo thành giá trị doanh nghiệp.
Nhưng như trường hợp Sabeco, Habeco thì tôi cho rằng phần đất đai là chuyện nhỏ, vì lợi nhuận của họ đến từ sản xuất bia. Nhà máy bia thì có ở nội thành hay ngoại thành đều không có vấn đề gì. Định giá của những doanh nghiệp này theo phương pháp dòng tiền, tức là tính toán theo nhu cầu mở rộng thị trường, doanh thu… là chủ yếu.
Những doanh nghiệp có đất có thể chuyển hóa thành bất động sản nhà ở, hoặc khách sạn, văn phòng thì phương pháp xác định doanh nghiệp lại theo kiểu khác. Nhưng nói chung, phải tiến hành đấu giá. Và giá đấu còn phụ thuộc vào việc bán trọn lô cổ phần Nhà nước hay chỉ bán một phần cổ phần Nhà nước, các mức giá này sẽ khác nhau.
Trong trường hợp bán trọn lô và nhà đầu tư có quyền điều hành doanh nghiệp thì giá sẽ cao, còn nếu nhà đầu tư chỉ mua được cổ phần thiểu số và Nhà nước vẫn chi phối, điều hành thì giá sẽ thấp hơn, thậm chí không bán được.
Xin cảm ơn ông!
Trao đổi với phóng viên Dân Trí hồi cuối năm 2015 bên hành lang Quốc hội khóa XIII, ông Bùi Đức Thụ, lúc đó là Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã cảnh báo, khi bán vốn Nhà nước, cần lường trước hiện tượng thao túng giá, bắt tay ngầm.
Ông Thụ cho biết, có trường hợp tại những dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn nhà nước, trái phiếu Chính phủ phải thực hiện theo Luật đấu thầu, nhưng trên thực tế có hiện tượng “thông thầu”. Hay ngay như trong việc tổ chức đấu giá mua sắm các thiết bị vật tư kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước, mặc dù cũng đấu giá công khai rộng rãi nhưng trên thực tế vẫn có “quân xanh quân đỏ” thông thầu, liên kết với nhau.
"Do vậy tôi lưu ý phải bán trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo, phải đánh giá đầy đủ về tính kế thừa sau khi đấu giá. Việc bán cổ phần phải minh bạch, công khai và nếu cần có thể mới báo chí và bên thứ 3 giám sát. Qua đó có thể ngăn chặn được tình trạng thông thầu, bắt tay nhau liên kết, gìm giá để thao túng", ông Bùi Đức Thụ cho hay.
Lý giải về tình trạng tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa diễn ra chậm chạp trong thời gian gần đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, hiện đang có một số bộ, ngành vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối doanh nghiệp. Chẳng hạn như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa.
Thực tế cho thấy một trong các nguyên nhân không bán được vốn, không có nhà đầu tư tham gia là do Nhà nước còn nắm tỷ lệ vốn lớn.
Ngoài ra, tiến độ thoái vốn ngoài ngành các khoản đầu tư trước năm 2011 cho đến nay vẫn chậm trễ một phần là do những gì "ngon" đã bán, giờ chỉ còn lại những khoản đầu tư mang tính chất cắt lỗ. Theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2015, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN tại 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mới chỉ đạt 40% so với yêu cầu.

Bích Diệp (thực hiện)

Úc ban hành cẩm nang phòng ngừa Trung Quốc

31/08/2016 13:33 GMT+7

TTO - Chính quyền Canberra vừa ban hành một cẩm nang cảnh báo các nhà lập pháp nước này phải cẩn trọng hơn trong việc cấp phép cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Úc ban hành cẩm nang phòng ngừa Trung Quốc
Người Trung Quốc xem Úc như một mảnh đất kinh doanh màu mỡ mới - Ảnh: T&E Queensland
Theo Reuters, chính quyền Úc cảnh báo các nghị sĩ của mình phải cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các qui định và đạo luật liên quan đến việc cấp phép các công ty hay tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào Úc.
Quyển cẩm nang 205 trang đã được phát cho các thành viên Quốc hội trước ngày nhóm họp từ hôm qua (30-8). Quyển cẩm nang này nêu rõ những mối quan ngại của nước Úc trước tình hình Trung Quốc bành trướng về mặt kinh tế và quân sự ở cả châu Âu và châu Á.
Nhằm tạo đối trọng với Mỹ, Trung Quốc đã và đang ráo riết thúc đẩy việc thành lập một tuyến đường thương mại đầy tham vọng với tên gọi “Một vành đai, một con đường”. Trên con đường Tơ lụa mới của thế kỉ 21 này, Trung Quốc đóng vai trò là tâm điểm và nước Úc sẽ là một trong những mắt xích quan trọng.
Nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng nước Úc cần phải thực hiện những bước đi cẩn trọng hơn trong việc thiết lập mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trong tháng này, bộ trưởng Tài chính của Úc Scott Morrison đã quyết định ngăn việc bán mạng lưới điện quốc gia Ausgrid cho các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông vì quan ngại các vấn đề an ninh. Quyết định này cũng đã khiến Bắc Kinh nổi giận.
Tuy vậy, hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Úc. Theo thống kê của công ty tư vấn KPMG và trường Đại học Sydney, Trung Quốc đã chi 11,1 tỉ USD trong năm 2015 để mua lại nhiều tài sản của Úc mà phần lớn là bất động sản.
Năm 2015, Úc cũng đã cho một công ty Trung Quốc thuê lại một cảng quân sự thương mại ở phía bắc và hợp đồng này đã gây ra nhiều sự lo ngại từ phía chính quyền Washington.
Quyển cẩm nang đã nêu rõ rằng những động thái bành trướng về mặt quân sự cũng như coi thường luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông gần đây của Trung Quốc, buộc chính quyền Canberra phải cẩn trọng hơn trong việc ký kết các hiệp định giao thương với Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và khu vực.
MINH NHIÊN

TÓM TẮT QUAN ĐIỂM CỦA MAO TRẠCH ĐÔNG VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ “MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM”

 31/08/2016
30-8-2016
H1
Trong suốt cuộc chiến Việt Nam, quan điểm chính trị và quân sự của Mao Trạch Đông thay đổi nhiều lần. Từ một Mao chủ hòa sau hiệp định Geneva trở thành một Mao chủ chiến trong giai đoạn đầu của cuộc chiến vào thập niên 1960 và lần nữa trở về với Mao chủ hòa sau Thông Cáo Chung Thượng Hải ngày 27 tháng Hai 1972.
Mao và lý luận “chiến tranh giải phóng dân tộc”
Phát xuất từ quan điểm cố hữu “lấy nông thôn bao vây thành thị” và cũng vì không đủ khả năng để trực tiếp đương đầu với Mỹ, Mao chủ trương gây khó khăn cho Mỹ, kẻ thù chính của Trung Cộng trong giai đoạn từ 1949 đến 1972, qua hình thức chiến tranh cách mạng tại bất cứ quốc gia nào Mỹ đang có quyền lợi hay có thể tạo ảnh hưởng.
Trong dịp tiếp phái đoàn báo chí Chile ngày 23 tháng Sáu 1964, Mao tuyên bố: “Chúng tôi chống chiến tranh, nhưng chúng tôi ủng hộ các cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc do các dân tộc bị áp bức phát động”. Từ Phi Châu, Nam Mỹ, và Á Châu, Mao tích cực yểm trợ võ khí và cơ sở lý luận cho các phong trào “giải phóng dân tộc”, chống “đế quốc thực dân”. Các phong trào Maoist lan rộng khắp nơi, từ Nepal bên rặng Hy Mã Lạp Sơn ở Á Châu cho đến tận những cánh đồng ở Ecuador, Nam Mỹ.
Trong mắt Mao, ba “anh hùng” được xem là những lãnh tụ tiêu biểu của phong trào “giải phóng dân tộc” là Hồ Chí Minh tại Á Châu, Fidel Castro tại Nam Mỹ, và Ben Bella tại Phi Châu. Trong số ba “anh hùng” đó, Hồ Chí Minh và đảng CSVN vì lý do ý thức hệ và địa lý chính trị, được Mao quan tâm nhất và bằng mọi giá phải nắm chặt trong tay.
Khi phong trào giải thực bước vào giai đoạn chót vào cuối thập niên 1960, hầu hết các nước thuộc địa đã được trao trả quyền độc lập hoàn toàn hay độc lập trong khuôn khổ thịnh vượng chung. Hai trong số ba nước tiên phong gồm Algeria và Cuba nghiêng về phía Liên Xô, Mao chỉ còn lại một đàn em trung thành duy nhất ở Á Châu là CS Bắc Việt. Mao tìm mọi cách để kiểm soát CSVN về mọi mặt từ giáo dục tuyên truyền, đường lối lãnh đạo cho đến kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mao và quan điểm về chiến tranh Việt Nam
– Sau hiệp định Geneva 1954 đến 1964: Trung Cộng là nguồn cung cấp duy nhất cho CS Bắc Việt, không chỉ từ chén cơm manh áo mà cả lý luận tư tưởng. Nói chung đời sống từ vật chất đến tinh thần của đảng CSVN lệ thuộc sâu xa vào đảng CSTQ. Khắp miền Bắc, từ công sở đến gia đình, hình ảnh của Mao được đặt trên mức linh thiêng.
Hồ Chí Minh và lãnh đạo CSVN đã thi hành một cách nghiêm chỉnh hầu hết các mệnh lệnh đầy tai họa từ Mao và các chính sách phi nhân này đã dẫn đến cái chết oan uổng của nhiều trăm ngàn người dân Việt Nam vô tội qua các chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất.
Sau tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, Mao có ý định tập trung vào các chính sách đối nội, và cũng muốn CSVN đặt thứ tự ưu tiên vào việc CS hóa xã hội miền Bắc trước. Tuy nhiên, để đồng thuận với đảng CSVN anh em, Mao cũng đã tích cực yểm trợ quân sự trong chủ trương CS hóa Việt Nam bằng võ lực. Tổng số viện trợ quân sự của Trung Cộng trong giai đoạn này gồm 320 triệu yuan, 270 ngàn súng ngắn, 10 ngàn pháo, 200 triệu viên đạn, 2.02 triệu đạn pháo, 1 ngàn xe tải, 25 máy bay, 1.18 triệu bộ quân phục.
– 1964 đến 1965: Thái độ của Mao đối với chiến tranh trở nên kiên quyết hơn. Cuối năm 1964, Hồ Chí Minh chủ trương cân bằng ảnh hưởng giữa Liên Xô và Trung Cộng mong nhận được viện trợ của cả hai để theo đuổi mục tiêu CS hóa toàn cõi Việt Nam. Điều này làm Mao lo lắng. Mao sai Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Tổng Bí Thư đảng CSTQ, bí mật thăm Hà Nội và hứa viện trợ Hà Nội một tỉ yuan nếu Hà Nội từ chối viện trợ của Liên Xô.
Ngoài ra, Mao cũng cứng rắn chống lại mọi sáng kiến chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng phương tiện đàm phán. Mao nói thẳng với Kosygin, Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Liên Xô, trong chuyến viếng thăm của ông ta tới Bắc Kinh ngày 11 tháng Hai, 1965, “Liên Xô không được dùng Việt Nam để mặc cả với Mỹ”. Mao cũng từ chối đề nghị của Liên Xô về một phiên họp thượng đỉnh giữa ba đảng CS để thảo luận về đường lối chiến tranh Việt Nam. Mao xem đảng CSVN chẳng khác gì một xứ bộ của đảng CSTQ.
– 1965 đến 1972: Khi chiến tranh Việt Nam gia tăng cường độ, Lê Duẩn, trưởng phái đoàn đại diện đảng CSVN, trong chuyến viếng thăm Trung Cộng tháng Tư 1965, đã chính thức yêu cầu Mao gởi quân sang Việt Nam. Đáp lại lời thỉnh cầu của Lê Duẩn, Mao gia tăng hàng loạt viện trợ quân sự cho CS Bắc Việt. Tháng Sáu 1965, các sư đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào miền Bắc Việt Nam. Đến tháng Ba 1968, tổng số quân Trung Cộng có mặt tại miền Bắc là 320 ngàn quân với tất cả phương tiện yểm trợ và trang bị vũ khí đầy đủ.
Các cuộc dội bom ồ ạt của Mỹ lên miền Bắc gây tổn hại trầm trọng trong mọi lãnh vực kinh tế, quốc phòng của CS Bắc Việt. Cùng lúc đó, Liên Xô, các nước CS Đông Âu, và đồng minh của Mỹ Tây Âu khuyến khích CS Bắc Việt và Mỹ ngồi vào bàn hội nghị để tìm cách giải quyết chiến tranh Việt Nam. CS Bắc Việt đồng ý.
Chủ trương của lãnh đạo CS Bắc Việt lúc đó là vừa đánh vừa đàm để tận dụng mọi cơ hội có lợi nhất cho mục đích tối hậu CS hóa Việt Nam và đồng thời dùng bàn hội nghị để mặc cả Mỹ giảm mức độ ném bom. Ngoài ra, Hồ Chí Minh lo ngại Mỹ sẽ tăng cường thêm 100 ngàn quân tại miền Nam như y đã trao đổi với Mao vào tháng Sáu 1965.
Mao thì khác. Mao chống đối phương pháp thương thuyết và chủ trương kéo dài chiến tranh càng lâu càng tốt. Chủ trương kéo dài chiến tranh của Mao phát xuất từ ba lý do: (1) Mao muốn tiếp tục làm tiêu hao khả năng của Mỹ, (2) chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Mao trong thế giới thứ ba, (3) dùng chiêu bài chống đế quốc xâm lược để củng cố vai trò cai trị của Mao tại lục địa Trung Quốc.
– Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972 đến 30-4-1975: Quan hệ giữa Trung Cộng và Liên Xô ngày càng xấu và khó có cơ hội hòa giải giữa hai nước CS hàng đầu. Chỉ riêng năm 1969, đã có tới 400 vụ đụng độ dọc biên giới. Đáp lại ý định rút lui khỏi Việt Nam của TT Richard Nixon, Mao nghĩ đã đến lúc phải bắt tay với Mỹ để tránh bị bao vây cả hai mặt bằng hai kẻ thù mạnh nhất nhì trên thế giới.
Sau chuyến viếng thăm Trung Cộng của TT Richard Nixon cuối tháng Hai 1972, tới phiên Mao cổ võ một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Việt Nam mà trước đó không lâu ông ta đã chống lại.
Mao và “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam”
Hôm nay cả thế giới đều biết những tổ chức được gọi là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” hay “Chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” đều chỉ là các bộ phận thuộc đảng bộ miền Nam do Trung Ương Cục Miền Nam, tên mới của Xứ ủy Nam Bộ đảng Lao Động, lãnh đạo.
Tổ chức gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” (MTDTGPMNVN) hay thường được gọi tắt là “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” được thành lập ngày 20 tháng 12, 1960 với mục đích: “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ; thành lập một chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hoà bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới.”
Bí thư Trung Ương Cục đầu tiên là Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ chính tri đảng Lao Động Việt Nam. Tháng 10 năm 1964, nhu cầu quân sự gia tăng, Nguyễn Chí Thanh được điều vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Quân ủy Miền.
Từ 1967 đến 1975, Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Phạm Hùng, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang miền Nam. Đầu năm 1961, “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam” cũng được Trung Ương Cục Miền Nam thành lập. Dù chỉ trên danh nghĩa, “quân giải phóng” này lẽ ra phải trực thuôc “MTDTGPMNVN”, tuy nhiên, theo nội dung chỉ thị của Tổng Quân ủy CSVN tháng 1 năm 1961 nhấn mạnh: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo“.
Đáp ứng nhu cầu tạo thế đối trọng với chính phủ VNCH, ngày 8 tháng 6, 1969, Trung Ương Cục thành lập thêm một tổ chức mới gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” do Huỳnh Tấn Phát, đảng viên CS từ thời 1945 làm Chủ tịch và Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Ngoại Giao.
Nhân dịp đánh dấu 40 năm hiệp định Paris, các cơ quan tuyên truyền của đảng ca ngợi bà Bình là “nhà ngoại giao sáng tạo linh hoạt”. Điều đó không đúng. Về nguyên tắc lãnh đạo, vai trò của “Chính phủ Lâm thời” trong đó có “Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thị Bình” chỉ là mặt nổi đối ngoại, tất cả lời ăn tiếng nói của bà đều được chỉ thị từ đảng ủy bên trong, đứng đầu là Lê Đức Thọ. Chắc bà Bình cũng phải thừa nhận, dưới sự lãnh đạo của đảng CS, mọi “sáng tạo linh hoạt” cá nhân là những điều cấm kỵ.
Dù sao, trước 1975, nhờ che đậy dưới mục đích rất nhân bản và lương thiện “dân tộc dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hoà bình, thi hành chính sách trung lập”, “MTDTGPMNVN” đã thu hút khá đông “trí thức” miền Nam về phía họ và nhanh chóng làm suy yếu cơ chế chính trị dân chủ còn rất non trẻ ở miền Nam.
– Mao ve vãn các lãnh đạo “Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam”:Không ai hiểu con bằng cha mẹ, tác giả của sách vở mà CSVN dùng là của Mao và đường lối CSVN dùng cũng là của Mao đã từng áp dụng tại Trung Quốc như trường hợp Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là Chính Hiệp sau 1949. Chủ tịch của các Hiệp Chính này không ai khác hơn là những lãnh đạo tối cao của đảng. Mao Trạch Đông chủ tịch khóa I (1949 – 1954), Chu Ân Lai chủ tịch các khóa II, III, IV (1954 – 1976), Đặng Tiểu Bình chủ tịch khóa V (1978 -1983) Đặng Dĩnh Siêu chủ tịch khóa VI (1983 – 1988), Lý Tiên Niệm chủ tịch khóa VII (1988 – 1992) v.v…
Qua kinh nghiệm lãnh đạo Chính Hiệp tại Trung Quốc, Mao biết dù sao vẫn còn tồn tại một thành phần ngây thơ trong hàng ngũ “MTDTGPMNVN” nên sau Thông Cáo Chung Thượng Hải, Mao tìm cách khai thác và ve vãn hàng ngũ này. Điều Mao dự đoán không sai nhưng không đủ thế và lực để tạo ra ảnh hưởng lớn. Sau 1975 các thành phần ngây thơ này tập trung dưới hình thức Câu Lạc Bộ Kháng Chiến và nhiều trong số họ đã bị bắt.
Mao tiếp Nguyễn Thị Bình tại Bắc Kinh ngày 29 tháng Hai 1972 và nói với bà Bình “Chúng ta thuộc vào một gia đình. Bắc Việt, Nam Việt, Đông Dương, Triều Tiên cùng một gia đình và chúng ta ủng hộ lẫn nhau. Nếu các bạn thành công tại hội nghị Paris, không chỉ Nam Việt mà Bắc Việt cũng đạt đến mức bình thường hóa với Mỹ ở mức độ nào đó”.
Tháng 11, 1973, Nguyễn Hữu Thọ và phái đoàn MTDTGPMNVN thăm Bắc Kinh. Phái đoàn của y được Mao tiếp đón nồng nhiệt và hứa các khoản viện trợ không hoàn trả. Các thành viên trong phái đoàn MTDTGPMNVN ngạc nhiên trước cách đối xử khác biệt của Mao. Trương Như Tảng, Bộ trưởng Tư Pháp của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, kể lại trong vài ngày đầu thăm viếng Bắc Kinh, các lãnh đạo Bắc Kinh tưởng Trương Như Tảng là người của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nên tỏ ra lạnh nhạt, nhưng khi biết y là thành phần của phái đoàn Nguyễn Hữu Thọ, họ đã trở nên niềm nở.
– Mao và chủ trương hai nước CS Việt Nam: Chiều ngày 11 tháng 8, 1975, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Daniel P. Moynihan, hai lần đưa tay phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lẫn Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sau khi đơn gia nhập của Nam Hàn bị bác bỏ tuần trước đó.
Với lãnh đạo CSVN, việc hai miền CS Việt Nam cùng tham gia vào LHQ chỉ là một chiến thuật đối ngoại về mặt nhà nước, nhằm “hợp thức hóa” việc cưỡng chiếm miền Nam của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và gia tăng áp lực buộc Hoa Kỳ phải viện trợ để “tái thiết Việt Nam”. Về mặt lãnh đạo, chỉ do một đảng CSVN mà thôi.
Mao biết khuynh hướng thân Liên Xô trong lãnh đạo CSVN và hy vọng lãnh đạo CSVN tại miền Nam hay gốc miền Nam sẽ có một khuynh hướng khác. Những ve vãn của Mao đối với MTDTGPMNVN cũng chỉ là hành động “còn nước còn tát”.
Bắt được ý định đó, Hoa Kỳ đưa ra một “giải pháp trọn gói” tức cả bốn nước Đông Nam Á gồm Bắc Hàn, Nam Hàn, Bắc Việt, Nam Việt cùng vào LHQ. Trung Cộng không chấp nhận. Mao, vào thời gian đó, sức khỏe yếu dần nhưng đã đóng vai trò quyết định trong “giải pháp trọn gói” của Mỹ.
Mao và lãnh đạo Trung Cộng khi ủng hộ chủ trương hai Việt Nam không phải phát xuất từ lòng thương xót Việt Nam Cộng Hòa hay người dân miền Nam mà chỉ muốn tiếp tục chi phối chính trị Việt Nam qua vai trò của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên để trả giá cho chính sách đó bằng việc chấp nhận Nam Hàn vào LHQ, Mao cho rằng không tương xứng. Vì Mao không đồng ý “giải pháp trọn gói” tức cả bốn nước cùng vào LHQ nên chiều ngày 11 tháng 8, 1975, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Daniel P. Moynihan Mỹ phủ quyết CS Bắc Việt và CS Nam Việt.
Tìm hiểu quan điểm của Mao qua các giai đoạn của cuộc chiến để thấy phía sau những khẩu hiệu tuyên truyền đường mật, dã tâm của Mao vẫn là khống chế Việt Nam bằng mọi cách. Tập Cận Bình hãnh diện là truyền nhân của Mao, do đó, đọc lại Mao để có thể đo lường những bước đi tới của họ Tập.
Ngoài các đặc điểm kế thừa từ Mao, Tập Cận Bình còn đi xa hơn khi tham vọng bành trướng cả Á Châu.
CSVN ngày nay không còn chọn lựa nào khác hơn là quy phục Trung Cộng để tiếp tục tồn tại và duy trì quyền cai trị đất nước. Chọn lựa duy nhất của các tầng lớp người Việt Nam yêu nước hiện nay là đóng góp hết sức mình vào cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam. Dân chủ hóa Việt Nam là phương cách “thoát Trung” đúng đắn và phù hợp với sự phát triển văn minh thời đại nhất. Mục tiêu đầu tiên trong tiến trình dân chủ hóa là tháo gỡ cho được cơ chế chính trị xã hội độc tài CS hiện nay.
Tham khảo
– Discussion between Mao Zedong and Nguyen Thi Binh. December 29, 1972. Wilson Center.
– Rosemary Foot, John Gaddis, Andrew Hurrell (2002). Order and Justice in International Relations. Oxford.
– Yang Kuisong (2002). Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949-1973. Woodrow Wilson International Center for Scholars.
– Qiang Zhai (2002). China & The Vietnam Wars, 1950-1975. University of North Carolina Press.
– Eric J Ladley (2007) Balancing Act: How Nixon Went to China and Remained a Conservative. iUniverse.
– Trương Quảng Hoa. Hồi kí cố vấn Trung Quốc. Diendan.org.
– New York Times, August 7, 1975 – New York Times, August 12, 1975
– Trần Gia Phụng (2016). Lịch Sử Sẽ Phán Xét, Nhà xuất bản Non Nuoc, Toronto, Canada.

– Chen Jian (1995), China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-69, Cambridge University Press.

Quách Bá Hùng khóc lóc sướt mướt, hối hận cũng đã muộn rồi

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc lần lượt nối gót nhau ngã ngựa, đây đúng là vở kịch thiện ác hữu báo nơi thế gian. Trong bản án còn ẩn chứa nhân quả phân minh, quả là ngụ ý sâu xa đáng để suy ngẫm.

Quách Bá Hùng, pháp luân công, bức hại,
Ngày 25/7, Quách Bá Hùng bị phán xử tù chung thân, tước bỏ quyền lợi chính trị, tước bỏ quân hàm thượng tướng, tịch thu hết tài sản. (Ảnh: Internet)
Gần đây, vụ án định tội Quách Bá Hùng lại lần nữa cho thấy công lý trong cõi nhân sinh: Danh lợi cuối cùng đều là không, thiện ác sau cùng đều có báo ứng. Ngày 25/7, Tòa án Quân sự Trung Quốc một lẫn nữa mở ra phiên tòa xét xử đối với Quách Bá Hùng, phán xử tù chung thân, tước bỏ quyền lợi chính trị, tước bỏ quân hàm thượng tướng, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân, toàn bộ tài sản tham ô đều sung vào ngân khố quốc gia.
Báo cáo mới nhất của trang tạp chí “Tranh Minh” của Hồng Kông, sau khi tòa án quân sự tuyên án, Quách Bá Hùng bày tỏ phục tùng với phán quyết của tòa, không khiếu nại nữa. Theo băng hình nội bộ của phía chính quyền, Quách Bá Hùng trong lúc nghe tuyên bố phán quyết đã khóc lóc nức nở, không khống chế được bản thân.
Quách Bá Hùng 3 lần lặp lại “Hoàn toàn nghe theo”, “Không khiếu nại”. Đã làm quá nhiều chuyện hổ thẹn rồi, có lẽ nghĩ đến tội ác mổ sống người cướp nội tạng còn chưa bị phanh phui triệt để, báo ứng lớn khủng khiếp hơn còn đang chờ đợi ở phía sau, làm sao không mất bình tĩnh được đây!
Bài báo này còn cho biết, Quách Bá Hùng đã bán hơn 700 chức quan, số tiền nhận hối lộ vượt quá 2,2 tỷ NDT. Quách Bá Hùng còn cùng với Từ Tài Hậu mở một kho bạc nhỏ, tồn trữ 79,2 tỷ NDT. Còn về hóa đơn vật hối lộ, bao gồm 57 tài khoản, có 50 tài khoản dùng tên thay thế, số tiền trên 117 triệu NDT; phiếu công trái không ghi tên các loại là trên 15 triệu NDT; hơn 75 kg vàng; 62 dinh thự cùng với nhiều tài sản giá trị khác.
Quách Bá Hùng lợi dụng quân quyền chiếm giữ một số tiền lớn, không chỉ cho thấy sự thối nát triệt để của các quan chức cấp cao, cũng khiến cho các giới bên ngoài nhìn thấy phạm vi thế lực đáng sợ trong quân đội của thân tín Giang Trạch Dân. Tìm hiểu nguồn gốc, mối quan hệ trong việc xử lý Quách Bá Hùng, ắt sẽ nhắm đến hậu trường họ Giang.
Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu lần lượt được Giang Trạch Dân thăng cấp là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 2002, 2004. Hai người này nắm giữ quyền lực quân đội, làm xằng làm bậy, thu góp tiền của, thủ đoạn tàn độc.
Thế lực của Quách Bá Hùng lớn đến nỗi “gần như đã nắm trọn một nửa giang sơn”, bởi vậy Quách Chính Cương – con trai của ông ta sau khi say rượu mới dám ăn nói ngông cuồng rằng:“Có người muốn gây sự với nhà chúng tôi, nằm mơ ban ngày đi! Hơn một nửa cán bộ trong toàn bộ hệ thống quân đội là nhà chúng tôi đề bạt, trên cả nghìn người đều đang nắm giữ các vị trí quan trọng”.
Tháng 5/2016, Báo quân đội của Trung Quốc đã từng đăng bài viết, nói rằng điểm quan trọng trong vụ án vi phạm của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu là “họ đã xâm phạm giới tuyến cuối cùng của chính trị“. Trên thực tế, Quách, Từ hai người họ đã xâm phạm ranh giới cuối cùng của đạo đức trong tội ác mổ sống cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công.
Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu là hai người đại diện cao nhất trong quân đội, vẫn không ngừng dốc hết sức lực chấp hành chính sách bức hại Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân, hơn nữa đều tham gia vào tội ác mổ sống cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công.
Mười năm nay, “Tổ chức quốc tế điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công” đã thông qua hàng chục ngàn cuộc điện thoại điều tra, phát hiện tập đoàn phạm tội họ Giang đã khống chế toàn bộ trại cưỡng bức lao động, nhà ngục, trại tập trung và quân đội, giới chính trị, giới tư pháp, giới y học, giới thương mại trong cả nước, ngoài ra còn liên thủ với các băng nhóm tội phạm đã hình thành mạng lưới giết người mổ sống cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn, buôn bán nội tạng, thí nghiệm cơ thể sống, buôn bán thi thể, buôn bán người sống để kiếm lời, đặc biệt là có sự dính líu của cả hệ thống bệnh viện cảnh sát vũ trang và quân đội, đã đạt đến mức độ giết người không ghê tay.
Theo thống kê không đầy đủ của “Tổ điều tra quốc tế”, các bệnh viện trong quân đội đã bắt đầu thành lập kể từ sau khi diễn ra cuộc bức hại Pháp Luân Công, quy mô cấy ghép tạng cũng được mở rộng thêm.
Theo phân tích của nhân viên điều tra đã có hơn 2 triệu học viên Pháp Luân Công bị mổ sống cướp nội tạng. Tội ác chấn động trời đất, đã kéo dài hơn 10 năm nay, hơn nữa vẫn còn đang tiếp diễn, Quách Bá Hùng thân là phó chủ tịch quân ủy hiển nhiên khó thoát khỏi sự trừng phạt.
Quách Bá Hùng trèo càng cao, ngã càng đau, làm ác nhiều, rơi xuống đến tận đáy. Vụ án to lớn này đang là một hồi chuông cảnh báo đối với những nhân viên các cấp vẫn còn đang bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công.
Từ trên bề mặt mà nhìn thì thấy Quách Bá Hùng bị bắt là bởi tham nhũng, còn trên thực tế thì là vì phạm phải tội ác bức hại Pháp Luân Công, phạm phải tội ác diệt chủng chống lại loài người. Thời gian hễ đến, báo ứng hoàn trả hết một lượt.
Chân tướng đã hiển rõ từ lâu, thông điệp cũng đã gửi đi từ sớm. Nếu như vẫn không dừng cương trước bờ vực, e rằng cơ hội ngay cả đấm ngực khóc than cũng đều không có nữa.
Giấc mộng ban ngày của Quách Bá Hùng dường như rất đẹp, nhưng lại không có ngờ rằng sau khi tỉnh mộng lại u ám thê lương đến như vậy. Sớm đã biết có ngày này, sao lúc đầu vẫn làm!
Theo Epochtimes.com

Thấy gì qua chuyến thăm Trung Quốc của BTBQP Đại tướng Ngô Xuân Lịch; VOV.VN: Dấu ấn nổi bật chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

Phạm Viết Đào.


Đánh giá chung về chuyến thăm này cả chủ và khách đều sử dụng những lời có cánh để “ru” nhau:
Thượng tướng Thường Vạn Toàn khẳng định, đây là chuyến thăm quan trọng, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Trung lên tầm cao mới và đóng góp quan trọng cho quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước.” (Tin TTXVN)
Còn Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng: việc lãnh đạo cao nhất của hai quân đội thường xuyên có các cuộc tiếp xúc là rất quan trọng và cần thiết, nhằm không ngừng củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, tăng cường lòng tin chiến lược, kịp thời trao đổi, xử lý các vấn đề phát sinh, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng phát triển, đóng góp cho quan hệ chung giữa hai Đảng, hai nước…”( Tin TTXVN )
Khi hội đàm với BT Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thương Vạn Toàn và các nhà lãnh đạo Trung Quốc BT Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nêu những vấn đề gì:

1. BT Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thông báo với Trung Quốc chính sách ngoại giao hiện tại của Việt Nam

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục kế thừa đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của các khóa trước, trong đó xác định rõ 4 mục tiêu: bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định lại chính sách quốc phòng của Việt Nam là mang tính tự vệ, không đi với nước này chống nước khác, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, gây mất ổn định và an ninh cho sự phát triển chung của cả khu vực.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, là ưu tiên hàng đầu…”( TTXVN )


2/ Về vấn đề Biển Đông

Gặp Lý Nguyên Triều và Phạm Trường Long, BT Ngô Xuân Lịch dùng những lời lẽ chân thành:
Về vấn đề Biển Đông, khi tới chào xã giao đồng chí Lý Nguyên Triều và hội kiến Thượng tướng Phạm Trường Long, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà Việt Nam và Trung Quốc đều có thể chấp nhận được, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị, hai bên cần thực hiện có hiệu quả nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiểm soát tốt tình hình trên biển, chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển bình tĩnh, kiên trì, kiềm chế, tránh hiểu lầm, không để xảy ra xung đột.”( TTXVN )
Khi hội đàm với Đoàn Trung Quốc:”Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là hai bên cần tuân thủ nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp và nhất là không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông…”
ASEAN luôn coi Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang đặt ra những thách thức lớn đối với quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN​-Trung Quốc. Chính vì vậy, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng…” (TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc: Lý Nguyên Triều, Phạm Trường Long, Thương Vạn Toàn trả lời Việt Nam những gì:

Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều: “Đánh giá cao chuyến thăm của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều khẳng định, Trung Quốc coi trọng tình hữu nghị lâu đời với Việt Nam; mong muốn phát triển quan hệ hợp tác song phương ngày càng thực chất và sâu sắc hơn. Đồng chí Lý Nguyên Triều đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và bày tỏ hy vọng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm sang thăm Trung Quốc…
Về quan hệ giữa hai quân đội, đồng chí Lý Nguyên Triều đánh giá hợp tác quốc phòng song phương đang trên đà phát triển tốt đẹp với những kết quả nổi bật như đối thoại các cấp, đào tạo, giao lưu biên giới, hợp tác biên phòng và tuần tra chung trên biển...”( TTXVN)
Phó Chủ tịch Quân ủy TW Thượng tướng Phạm Trường Long: “Đồng tình với ý kiến của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Thượng tướng Phạm Trường Long cho rằng, láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Thượng tướng Thương Vạn Toàn-BTBQP Trung Quốc: “Về vấn đề Biển Đông:”Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Hai nước có nhiều mục tiêu và lợi ích tương đồng. Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông…”

Lời bàn:

Ngoại giao là cái công việc tùy cơ ứng biến, đối tác chìa ra cái gì thì ta bỏ ra cái ấy tương thích: “ ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”…
Trước một đối tác gian ngoan, xảo quyệt, không thiện ý như Trung Quốc mà cử tỏ ra chân thành, cởi mở, ruột gan gì cũng đem bày xổ ra sàng hết thì rất dễ bị rơi vào “bẫy việt vị”, người ta dễ cho anh là kẻ yếu thế, do đó sẽ bẫy ép anh, lỡm anh…
-Về đường lối đối ngoại của Việt Nam, phía Trung Quốc lờ, như không quan tâm…
- Một số nhận thức 2 bên đã đạt được nhưng là chung chung, vô thưởng vô phạt,vô bổ:
Hai bộ trưởng cho rằng, hợp tác quốc phòng là một nhân tố quan trọng trong Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt​-Trung và là một trụ cột góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước…”
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Thường Vạn Toàn nhất trí cho rằng, quan hệ giữa hai quân đội Việt Nam và Trung Quốc đang trên đà phát triển tốt đẹp với những điểm sáng như đối thoại chiến lược, trao đổi đoàn, hợp tác biên phòng, tuần tra chung trên biển, trao đổi kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đặc biệt là chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt​-Trung…” (TTXVN )
-Về Biển Đông vấn đề nổi cộm hiện nay trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và nhiều nước thì Lý Nguyên Triều và Phạm Trường Long hai nhân vật cao cấp này đều tảng lờ…
BT Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tấu trình với lãnh đạo Trung Quốc hiện tại:“lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục kế thừa đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của các khóa trước…
BT Ngô Xuân Lịch không quên nói thêm là luôn tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” đã ký giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT Hồ Cẩm Đào ký ngày 12/10/2011, gồm 6 điểm, tại Điều  2 của Bản tuyên bố :”Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển…”
Cái “chân giò” “Thỏa thuận…” này được Đoàn Việt Nam chìa ra sát mặt nhưng phía Trung Quốc cũng chẳng thèm “ đụng đũa”; Cả 2 lãnh đạo của Trung Quốc Lý Nguyên Triều và Phạm Trường Long không thèm nói gì chuyện Biển Đông, cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và cái thỏa thuận mà ông Trọng, ông Đào mới ký với nhau năm 2011 do đoàn BT Ngô Xuân Lịch tấu trình?
Ông Hồ Cẩm Đào về hưu rồi thì thôi; Ông Nguyễn Phú Trọng còn đương nhiệm; Lãnh đạo mới của Trung Quốc lờ cái Tuyên bố cúa ông Trọng, ông Đào ký với nhau không sợ ông Trọng tự ái sao ?
Về Biển Đông chỉ được phía Trung Quốc đề cập trong cuộc hội đàm giữa BT Ngô Xuân Lịch và BT Thương Vạn Toàn; Bản tin TTXVN đưa tin:”Tại cuộc hội đàm, hai bộ trưởng cũng đã trao đổi thẳng thắn vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hợp tác thực chất của quan hệ Việt​-Trung, đó là vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Hai nước có nhiều mục tiêu và lợi ích tương đồng. Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông…” ( TTXVN )
Tại cuộc hội đàm này, BT Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thương Vạn Toàn đưa ra một sự cam kết rất mơ hồ với đoàn Việt Nam: “Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông..” ( TTXVN)
Thỏa đáng theo cái gì, chuẩn mực nào khi Trung Quốc từng tuyên bố 90 % lãnh hải Biển Đông ( theo đường lưỡi bò) thuộc chủ quyền Trung Quốc; Còn Luật Biển năm 1982 và cả Tuyên bố chung về nguyên tắc đã ký giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ký 12/10/2011cũng chỉ là giấy lộn…
Tướng Thương Vạn Toàn sử dụng cụm từ “ thỏa đáng”, nghe rất bùi tai, dễ đánh lừa những kẻ nhẹ dạ cả tin nhưng thực ra là một sự cam hết rất gian ngoan vì nội hàm của sự cam kết này, hình thù của sự thỏa đáng nó ra làm sao thì có trời mới xác định được.
Trung Quốc tuyên bố 90 % lãnh hải Biển Đông là của Trung Quốc nhưng nhường lại cho các đồng chí Việt Nam 15-20 % chi đó để đánh bắt cá và nuôi hải sản, còn lại để Trung Quốc quản lý, khai thác và lại quả cho các đồng chí sau; thế là thỏa đáng lắm rồi, thiện chí lắm rồi ???
Trong khi đó thì:”Hai bên khẳng định quyết tâm tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 trong năm 2017, nhân rộng mô hình hợp tác biên phòng; tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao, thực hiện tốt Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng; tăng cường giao lưu sỹ quan trẻ; mở rộng hợp tác toàn diện, thực chất giữa các quân, binh chủng, học viện, nhà trường; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công tác Đảng - công tác chính trị, phối hợp trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền trong quân đội; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...” ( TTXVN )
Đây là một sự thỏa thuận hợp tác nguy hiểm, là cái cớ để Trung Quốc luồn tiền, gái, người vào đội ngũ các sĩ quan quân đội Việt Nam; Chính sách mua chuộc bằng vật chất vốn là chính sách truyền đời, đầy kinh nghiệm của nhiều triều đại Trung Quốc…Việt Nam càng giao lưu cho nhiều, cho lắm với Trung Quốc càng khó dẫy thoát khói cái vòng kim cô điêu nghiệt của Trung Quốc.
Khi tiếp BT Bộ Quốc Phòng Việt Nam ông Lý Nguyên Triều cũng sất khen sự hợp tác này…Đó có thể là cái thành công đáng chú ý nhất trong chuyến thăm này của đoàn quân sự Việt Nam, nhưng là sự thành công, “ ghi bàn’ của phía Trung Quốc ! Còn Tướng Ngô Xuân lịch thì đi về tay không.
Nghe nói, sắp tới Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng sẽ khăn gói lên đường sang thăm Bắc Kinh để “cầu đồng tồn dị” cái chi đây. Xem hồi sau mới biết…

P.V.Đ.


Dấu ấn nổi bật chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

VOV.VN -Quân đội là yếu tố quan trọng với phát triển của mỗi nước. Quan hệ quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa hai bên
Từ ngày 28-31/8, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao quân sự Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Đại tướng Ngô Xuân Lịch trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhân dịp này, Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Trung Quốc đã phỏng vấn Trung tướng Vũ Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng về kết quả chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Nhận lời mời của Thượng tướng Thường Vạn Toàn - Ủy viên Quốc vụ - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 28-31/8/2016.
dau an noi bat chuyen tham trung quoc cua bo truong ngo xuan lich hinh 0
Trung tướng Vũ Chiến Thắng trả lời phỏng vấn VOV
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Đại tướng Ngô Xuân Lịch trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước đó, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã thăm hữu nghị chính thức 3 nước Nga, Lào và Campuchia.
Trước hết, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước.
Thứ hai là cùng nhau đánh giá lại kết quả hợp tác quốc phòng trong thời gian qua, thống nhất các nội dung hợp tác trong thời gian tới, làm sao để hợp tác quốc phòng đóng góp thiết thực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Tôi cho rằng chuyến thăm lần này hai bên đã thẳng thắn, đánh giá sát những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất trí cho rằng hợp tác quốc phòng trong thời gian qua đã đạt kết quả thiết thực.
Trên cơ sở Nghị định thư mà hai nước đã ký, hai nước đã triển khai được nhiều kết quả, trong đó nổi bật nhất là giao lưu cấp cao, giao lưu giữa các lực lượng quân binh chủng.
Đặc biệt hai bên đánh giá giao lưu giữa lực lượng biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam với lực lương biên phòng Bộ Công an Trung Quốc là điểm sáng trong quan hệ hai nước, nổi bật là kết quả giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 3 vào tháng 5 vừa qua, và giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị vào tháng 6 vừa qua.
Ngoài ra một số lĩnh vực khác như tuần tra chung trên biển, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tham gia gìn giữ hòa bình... cũng mang lại kết quả tốt.
Hai bên thống nhất trong thời gian tới tiếp tục căn cứ theo nội dung Nghị định thư đã ký, đưa hợp tác đi vào chiều sâu đạt kết quả thiết thực hơn nữa.
PV: Theo ông, đâu là dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc lần này của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Thứ nhất, tôi cho rằng kết quả nổi bật nhất là việc hai bên đều khẳng định cần có môi trường hòa bình ổn định để cùng phát triển. Hai bên đều nhất trí ưu tiên thúc đẩy quan hệ song phương.
Thứ hai, hai bên đều đánh giá quân đội là yếu tố quan trọng đối với phát triển của mỗi nước, quan hệ quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa hai nước.
Thứ ba, hai bên đã nhìn nhận thẳng thắng những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, thẳng thắn cho rằng những tồn tại này là cản trở đối với quan hệ giữa hai nước hiện nay.
Hai bên thống nhất phải tiếp tục giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật biển năm 1982.
Quân đội cần phải kiểm soát tốt tình hình, tránh va chạm, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
PV: Với những kết quả quan trọng đạt được của chuyến thăm, ông đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Kết quả chuyến thăm cho thấy, Bộ trưởng hai nước đã thống nhất được nhiều nội dung rất thiết thực và có tính khả thi.
Tôi trong rằng trong thời gian tới nếu những nội dung trên được thực hiện sẽ giúp hai bên cũng cố tin cậy, củng cố lòng tin, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa.
Nếu thực hiện được những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như: Quân y, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm... thì triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ đạt kết quả rất tốt, đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Hà Thắng - Lê Bảo/VOV-Bắc Kinh