Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Thấy gì qua chuyến thăm Trung Quốc của BTBQP Đại tướng Ngô Xuân Lịch; VOV.VN: Dấu ấn nổi bật chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

Phạm Viết Đào.


Đánh giá chung về chuyến thăm này cả chủ và khách đều sử dụng những lời có cánh để “ru” nhau:
Thượng tướng Thường Vạn Toàn khẳng định, đây là chuyến thăm quan trọng, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Trung lên tầm cao mới và đóng góp quan trọng cho quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước.” (Tin TTXVN)
Còn Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng: việc lãnh đạo cao nhất của hai quân đội thường xuyên có các cuộc tiếp xúc là rất quan trọng và cần thiết, nhằm không ngừng củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, tăng cường lòng tin chiến lược, kịp thời trao đổi, xử lý các vấn đề phát sinh, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng phát triển, đóng góp cho quan hệ chung giữa hai Đảng, hai nước…”( Tin TTXVN )
Khi hội đàm với BT Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thương Vạn Toàn và các nhà lãnh đạo Trung Quốc BT Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nêu những vấn đề gì:

1. BT Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thông báo với Trung Quốc chính sách ngoại giao hiện tại của Việt Nam

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục kế thừa đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của các khóa trước, trong đó xác định rõ 4 mục tiêu: bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định lại chính sách quốc phòng của Việt Nam là mang tính tự vệ, không đi với nước này chống nước khác, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, gây mất ổn định và an ninh cho sự phát triển chung của cả khu vực.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, là ưu tiên hàng đầu…”( TTXVN )


2/ Về vấn đề Biển Đông

Gặp Lý Nguyên Triều và Phạm Trường Long, BT Ngô Xuân Lịch dùng những lời lẽ chân thành:
Về vấn đề Biển Đông, khi tới chào xã giao đồng chí Lý Nguyên Triều và hội kiến Thượng tướng Phạm Trường Long, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà Việt Nam và Trung Quốc đều có thể chấp nhận được, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị, hai bên cần thực hiện có hiệu quả nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiểm soát tốt tình hình trên biển, chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển bình tĩnh, kiên trì, kiềm chế, tránh hiểu lầm, không để xảy ra xung đột.”( TTXVN )
Khi hội đàm với Đoàn Trung Quốc:”Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là hai bên cần tuân thủ nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp và nhất là không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông…”
ASEAN luôn coi Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang đặt ra những thách thức lớn đối với quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN​-Trung Quốc. Chính vì vậy, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng…” (TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc: Lý Nguyên Triều, Phạm Trường Long, Thương Vạn Toàn trả lời Việt Nam những gì:

Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều: “Đánh giá cao chuyến thăm của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều khẳng định, Trung Quốc coi trọng tình hữu nghị lâu đời với Việt Nam; mong muốn phát triển quan hệ hợp tác song phương ngày càng thực chất và sâu sắc hơn. Đồng chí Lý Nguyên Triều đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và bày tỏ hy vọng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm sang thăm Trung Quốc…
Về quan hệ giữa hai quân đội, đồng chí Lý Nguyên Triều đánh giá hợp tác quốc phòng song phương đang trên đà phát triển tốt đẹp với những kết quả nổi bật như đối thoại các cấp, đào tạo, giao lưu biên giới, hợp tác biên phòng và tuần tra chung trên biển...”( TTXVN)
Phó Chủ tịch Quân ủy TW Thượng tướng Phạm Trường Long: “Đồng tình với ý kiến của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Thượng tướng Phạm Trường Long cho rằng, láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Thượng tướng Thương Vạn Toàn-BTBQP Trung Quốc: “Về vấn đề Biển Đông:”Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Hai nước có nhiều mục tiêu và lợi ích tương đồng. Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông…”

Lời bàn:

Ngoại giao là cái công việc tùy cơ ứng biến, đối tác chìa ra cái gì thì ta bỏ ra cái ấy tương thích: “ ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”…
Trước một đối tác gian ngoan, xảo quyệt, không thiện ý như Trung Quốc mà cử tỏ ra chân thành, cởi mở, ruột gan gì cũng đem bày xổ ra sàng hết thì rất dễ bị rơi vào “bẫy việt vị”, người ta dễ cho anh là kẻ yếu thế, do đó sẽ bẫy ép anh, lỡm anh…
-Về đường lối đối ngoại của Việt Nam, phía Trung Quốc lờ, như không quan tâm…
- Một số nhận thức 2 bên đã đạt được nhưng là chung chung, vô thưởng vô phạt,vô bổ:
Hai bộ trưởng cho rằng, hợp tác quốc phòng là một nhân tố quan trọng trong Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt​-Trung và là một trụ cột góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước…”
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Thường Vạn Toàn nhất trí cho rằng, quan hệ giữa hai quân đội Việt Nam và Trung Quốc đang trên đà phát triển tốt đẹp với những điểm sáng như đối thoại chiến lược, trao đổi đoàn, hợp tác biên phòng, tuần tra chung trên biển, trao đổi kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đặc biệt là chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt​-Trung…” (TTXVN )
-Về Biển Đông vấn đề nổi cộm hiện nay trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và nhiều nước thì Lý Nguyên Triều và Phạm Trường Long hai nhân vật cao cấp này đều tảng lờ…
BT Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tấu trình với lãnh đạo Trung Quốc hiện tại:“lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục kế thừa đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của các khóa trước…
BT Ngô Xuân Lịch không quên nói thêm là luôn tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” đã ký giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT Hồ Cẩm Đào ký ngày 12/10/2011, gồm 6 điểm, tại Điều  2 của Bản tuyên bố :”Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển…”
Cái “chân giò” “Thỏa thuận…” này được Đoàn Việt Nam chìa ra sát mặt nhưng phía Trung Quốc cũng chẳng thèm “ đụng đũa”; Cả 2 lãnh đạo của Trung Quốc Lý Nguyên Triều và Phạm Trường Long không thèm nói gì chuyện Biển Đông, cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và cái thỏa thuận mà ông Trọng, ông Đào mới ký với nhau năm 2011 do đoàn BT Ngô Xuân Lịch tấu trình?
Ông Hồ Cẩm Đào về hưu rồi thì thôi; Ông Nguyễn Phú Trọng còn đương nhiệm; Lãnh đạo mới của Trung Quốc lờ cái Tuyên bố cúa ông Trọng, ông Đào ký với nhau không sợ ông Trọng tự ái sao ?
Về Biển Đông chỉ được phía Trung Quốc đề cập trong cuộc hội đàm giữa BT Ngô Xuân Lịch và BT Thương Vạn Toàn; Bản tin TTXVN đưa tin:”Tại cuộc hội đàm, hai bộ trưởng cũng đã trao đổi thẳng thắn vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hợp tác thực chất của quan hệ Việt​-Trung, đó là vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Hai nước có nhiều mục tiêu và lợi ích tương đồng. Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông…” ( TTXVN )
Tại cuộc hội đàm này, BT Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thương Vạn Toàn đưa ra một sự cam kết rất mơ hồ với đoàn Việt Nam: “Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông..” ( TTXVN)
Thỏa đáng theo cái gì, chuẩn mực nào khi Trung Quốc từng tuyên bố 90 % lãnh hải Biển Đông ( theo đường lưỡi bò) thuộc chủ quyền Trung Quốc; Còn Luật Biển năm 1982 và cả Tuyên bố chung về nguyên tắc đã ký giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ký 12/10/2011cũng chỉ là giấy lộn…
Tướng Thương Vạn Toàn sử dụng cụm từ “ thỏa đáng”, nghe rất bùi tai, dễ đánh lừa những kẻ nhẹ dạ cả tin nhưng thực ra là một sự cam hết rất gian ngoan vì nội hàm của sự cam kết này, hình thù của sự thỏa đáng nó ra làm sao thì có trời mới xác định được.
Trung Quốc tuyên bố 90 % lãnh hải Biển Đông là của Trung Quốc nhưng nhường lại cho các đồng chí Việt Nam 15-20 % chi đó để đánh bắt cá và nuôi hải sản, còn lại để Trung Quốc quản lý, khai thác và lại quả cho các đồng chí sau; thế là thỏa đáng lắm rồi, thiện chí lắm rồi ???
Trong khi đó thì:”Hai bên khẳng định quyết tâm tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 trong năm 2017, nhân rộng mô hình hợp tác biên phòng; tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao, thực hiện tốt Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng; tăng cường giao lưu sỹ quan trẻ; mở rộng hợp tác toàn diện, thực chất giữa các quân, binh chủng, học viện, nhà trường; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công tác Đảng - công tác chính trị, phối hợp trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền trong quân đội; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...” ( TTXVN )
Đây là một sự thỏa thuận hợp tác nguy hiểm, là cái cớ để Trung Quốc luồn tiền, gái, người vào đội ngũ các sĩ quan quân đội Việt Nam; Chính sách mua chuộc bằng vật chất vốn là chính sách truyền đời, đầy kinh nghiệm của nhiều triều đại Trung Quốc…Việt Nam càng giao lưu cho nhiều, cho lắm với Trung Quốc càng khó dẫy thoát khói cái vòng kim cô điêu nghiệt của Trung Quốc.
Khi tiếp BT Bộ Quốc Phòng Việt Nam ông Lý Nguyên Triều cũng sất khen sự hợp tác này…Đó có thể là cái thành công đáng chú ý nhất trong chuyến thăm này của đoàn quân sự Việt Nam, nhưng là sự thành công, “ ghi bàn’ của phía Trung Quốc ! Còn Tướng Ngô Xuân lịch thì đi về tay không.
Nghe nói, sắp tới Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng sẽ khăn gói lên đường sang thăm Bắc Kinh để “cầu đồng tồn dị” cái chi đây. Xem hồi sau mới biết…

P.V.Đ.


Dấu ấn nổi bật chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

VOV.VN -Quân đội là yếu tố quan trọng với phát triển của mỗi nước. Quan hệ quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa hai bên
Từ ngày 28-31/8, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao quân sự Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Đại tướng Ngô Xuân Lịch trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhân dịp này, Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Trung Quốc đã phỏng vấn Trung tướng Vũ Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng về kết quả chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Nhận lời mời của Thượng tướng Thường Vạn Toàn - Ủy viên Quốc vụ - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 28-31/8/2016.
dau an noi bat chuyen tham trung quoc cua bo truong ngo xuan lich hinh 0
Trung tướng Vũ Chiến Thắng trả lời phỏng vấn VOV
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Đại tướng Ngô Xuân Lịch trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước đó, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã thăm hữu nghị chính thức 3 nước Nga, Lào và Campuchia.
Trước hết, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước.
Thứ hai là cùng nhau đánh giá lại kết quả hợp tác quốc phòng trong thời gian qua, thống nhất các nội dung hợp tác trong thời gian tới, làm sao để hợp tác quốc phòng đóng góp thiết thực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Tôi cho rằng chuyến thăm lần này hai bên đã thẳng thắn, đánh giá sát những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất trí cho rằng hợp tác quốc phòng trong thời gian qua đã đạt kết quả thiết thực.
Trên cơ sở Nghị định thư mà hai nước đã ký, hai nước đã triển khai được nhiều kết quả, trong đó nổi bật nhất là giao lưu cấp cao, giao lưu giữa các lực lượng quân binh chủng.
Đặc biệt hai bên đánh giá giao lưu giữa lực lượng biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam với lực lương biên phòng Bộ Công an Trung Quốc là điểm sáng trong quan hệ hai nước, nổi bật là kết quả giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 3 vào tháng 5 vừa qua, và giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị vào tháng 6 vừa qua.
Ngoài ra một số lĩnh vực khác như tuần tra chung trên biển, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tham gia gìn giữ hòa bình... cũng mang lại kết quả tốt.
Hai bên thống nhất trong thời gian tới tiếp tục căn cứ theo nội dung Nghị định thư đã ký, đưa hợp tác đi vào chiều sâu đạt kết quả thiết thực hơn nữa.
PV: Theo ông, đâu là dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc lần này của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Thứ nhất, tôi cho rằng kết quả nổi bật nhất là việc hai bên đều khẳng định cần có môi trường hòa bình ổn định để cùng phát triển. Hai bên đều nhất trí ưu tiên thúc đẩy quan hệ song phương.
Thứ hai, hai bên đều đánh giá quân đội là yếu tố quan trọng đối với phát triển của mỗi nước, quan hệ quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa hai nước.
Thứ ba, hai bên đã nhìn nhận thẳng thắng những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, thẳng thắn cho rằng những tồn tại này là cản trở đối với quan hệ giữa hai nước hiện nay.
Hai bên thống nhất phải tiếp tục giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật biển năm 1982.
Quân đội cần phải kiểm soát tốt tình hình, tránh va chạm, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
PV: Với những kết quả quan trọng đạt được của chuyến thăm, ông đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới?
Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Kết quả chuyến thăm cho thấy, Bộ trưởng hai nước đã thống nhất được nhiều nội dung rất thiết thực và có tính khả thi.
Tôi trong rằng trong thời gian tới nếu những nội dung trên được thực hiện sẽ giúp hai bên cũng cố tin cậy, củng cố lòng tin, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa.
Nếu thực hiện được những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như: Quân y, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm... thì triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ đạt kết quả rất tốt, đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Hà Thắng - Lê Bảo/VOV-Bắc Kinh

Không có nhận xét nào: