Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Lần đầu tiên Việt Nam bộc lộ ý định ‘tính sổ’ với Cambodia


Ông Trần Ðại Quang có bài phát biểu tại 'Ðối Thoại Singapore lần thứ 38' hôm 30 Tháng 8, 2016. (Hình: Getty Images)
Ông Trần Ðại Quang có bài phát biểu tại ‘Ðối Thoại Singapore lần thứ 38’ hôm 30 Tháng 8, 2016. (Hình: Getty Images)
SINGAPORE (NV) – Ông Trần Ðại Quang, chủ tịch nhà nước CSVN, vừa đề cập đến khả năng tìm kiếm “những cơ chế ngoại giao khác nhau để bổ sung cho quy tắc đồng thuận của ASEAN.”

Việt Nam chưa bao giờ có ý kiến hay bộc lộ thái độ trước những diễn biến vừa kể cho tới lúc ông Quang tham dự Ðối Thoại Singapore lần thứ 38 do Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á Yusof Ishak tổ chức hôm 30 tháng 8.

Giới quan sát thời sự Châu Á tin rằng, ý kiến vừa kể nhắm vào Cambodia và đây là lần đầu tiên Việt Nam bộc lộ sự bất bình với Cambodia – quốc gia thường xuyên khai thác “qui tắc đồng thuận” để ngăn cản ASEAN đưa ra những tuyên bố và giải pháp chung cho vấn đề Biển Ðông.

Tháng trước, chuyện Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 phát hành một “thông cáo chung” mà nội dung không đá động gì đến “phán quyết về Biển Ðông” đã khiến cả Trung Quốc, Cambodia lẫn ASEAN trở thành những mục tiêu đàm tiếu.

Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN vừa kể là lần đầu tiên Ngoại trưởng các quốc gia Ðông Nam Á gặp nhau sau khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông.

Bởi Biển Ðông liên quan trực tiếp đến 4/10 thành viên của ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đe dọa xâm hại cả chủ quyền của Indonesia ở vùng biển Natuna nên lẽ ra, ASEAN phải nêu “quan điểm chung” đối với phán quyết về Biển Ðông, tuy nhiên ngoại trưởng các quốc gia Ðông Nam Á hết sức chật vật mới ra được “thông cáo chung” do Cambodia phản đối đề nghị của Philippines: “Thông cáo chung” phải nêu “quan điểm chung” đối với phán quyết về Biển Ðông.

Vì ASEAN chỉ có thể nêu “quan điểm chung” về một vấn đề nào đó nếu tất cả các thành viên cùng tán thành (qui tắc đồng thuận), thành ra ASEAN sẽ không thể nói gì khi Cambodia phản đối. Giờ chót, các ngoại trưởng của ASEAN đành thỏa hiệp với nhau: Philippines rút yêu cầu nêu “quan điểm chung” đối với phán quyết về Biển Ðông. Cambodia gật đầu để “thông cáo chung” ghi rằng: ASEAN lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Ðông.

Ðó cũng là lý do ông Tang Siew Mun, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN đề nghị ASEAN xem xét việc loại bỏ Cambodia nhằm vô hiệu hóa một công cụ mà Trung Quốc dùng để lũng đoạn ASEAN. Một chuyên gia khác tên là Ian Storey, làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á Yusof Ishak, nói thêm, “thông cáo chung” của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 là “điều đáng hổ thẹn” cho cả ASEAN lẫn Trung Quốc. Theo ông Storey, đây là sự kiện cho thấy ASEAN quá mềm yếu còn Trung Quốc thì tiếp tục trâng tráo, sử dụng mọi thủ đoạn vô đạo để đạt mục đích của mình. Ông Storey nhấn mạnh, cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều không có ý thức gìn giữ danh dự.

Trước sự chỉ trích kịch liệt của các chuyên gia và báo giới, ông Chum Sounry, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cambodia phân bua là tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49, ngoại trưởng Cambodia chỉ trình bày quan điểm của nước này là phán quyết về Biển Ðông không phải chuyện của ASEAN. Ðó là chuyện riêng giữa Philippines và Trung Quốc. ASEAN không nên can dự mà cần giữ “sự trung lập.” “Thông cáo chung” của ASEAN không nên dùng những từ có thể khiến mức độ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang.

Ông Sounry nói thêm rằng, việc dùng sự kiện Trung Quốc cho Cambodia vay 600 triệu Mỹ kim trước khi Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 khai mạc một tuần và cho rằng Trung Quốc đã “mua” Cambodia là “sỉ nhục Cambodia.”

Cần nhắc lại rằng, năm 2012, khi Cambodia đang đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, bởi Cambodia phản đối nêu “quan điểm chung” về Biển Ðông, Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lúc đó từng kết thúc mà không có “thông cáo chung.”

Tháng 6 vừa qua, sau hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN phát hành “thông cáo chung” nhấn mạnh rằng các quốc gia Ðông Nam Á hết sức lo ngại về diễn biến tại Biển Ðông vì chúng khiến căng thẳng gia tăng và gây nguy hại cho hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực. Ngay sau đó, ASEAN thu hồi “thông cáo chung” vừa kể cũng vì Cambodia phản đối!

Trung Quốc vẫn tiếp tục dồn vốn đầu tư, các khoản vay ưu đãi và viện trợ cho Cambodia, Lào. Ngoài Cambodia, còn có Lào khiến ASEAN thường xuyên không đạt được sự đồng thuận tuyệt đối khi muốn đưa ra những tuyên bố hay hành động không có lợi cho Trung Quốc.

Tại Ðối Thoại Singapore lần thứ 38 hôm 30 tháng 8, ông Trần Ðại Quang còn cảnh báo nếu Biển Ðông bất ổn và xảy ra xung đột tại đó thì tất cả đều thua.

Chủ tịch Nhà nước CSVN kêu gọi “cùng hành động” để các tranh chấp về chủ quyền phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Biển của Liên Hiệp Quốc. Trò chuyện với báo giới Singapore, ông Quang nói thêm là tình hình rất đáng ngại “khi tư duy đề cao sức mạnh, xem sử dụng vũ lực như một giải pháp vẫn còn tồn tại.”

Mới đây, ông Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh của Nhật, vừa cảnh báo tình trạng chia rẽ trong nội bộ ASEAN hiện đã tới mức biến các cuộc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc trở thành vô nghĩa. Trong bài viết gửi cho một ấn phẩm của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Hoa Kỳ (CSIS), ông Nishihara đề nghị các quốc gia có biển và hiện là thành viên ASEAN nên thành lập một nhóm riêng biệt bên trong hoặc thậm chí ở bên ngoài ASEAN để đối phó với Trung Quốc. (G.Ð)

(Người Việt)

Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN


mediaChủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ngày 30/08/2016AFP
Được mời phát biểu tại cuộc Đối Thoại Singapore (Singapore Lecture) lần thứ 38 vào hôm nay 30/08/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã tỏ ý rất « lo ngại » về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên tranh chấp tiến tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Trả lời một câu hỏi của cử tọa, người đứng đầu Nhà Nước Việt Nam đã không loại trừ khả năng sửa đổi quy tắc đồng thuận trong ASEAN, một quy tắc đang gây tranh cãi.
Hiện đang viếng thăm chính thức Singapore trong ba ngày, chủ tịch nước Việt Nam đã được mời đọc diễn văn tại cuộc Đối Thoại Singapore do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức. Cử tọa gồm hơn 500 người, từ giới hoạch định chính sách cho đến các nhà nghiên cứu, cùng nhiều quan khách khác
Ông Trần Đại Quang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được mời phát biểu tại Đối thoại Singapore, một vinh dự từng được dành cho một số lãnh đạo như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong diễn văn của mình, khi đề cập đến vấn đề nóng bỏng là Biển Đông, chủ tịch nước Việt Nam đã nêu bật một tình hình rất « đáng quan ngại », với vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như làm xói mòn lòng tin, tác hại đến hợp tác trong khu vực. Ông nhấn mạnh : « Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang, thì không có kẻ thắng, người thua, mà tất cả cùng thua ».
Đối với ông Trần Đại Quang, để duy trì ổn định trong khu vực, tất cả các quốc gia phải cùng nhau hành động, và các tranh chấp cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế - trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - bình đẳng, cùng có lợi.
Gián tiếp chỉ trích Trung Quốc
Theo ghi nhận của báo Today tại Singapore, chủ tịch nước Việt Nam đã ám chỉ những hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông khi nêu bật các thách thức nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối phó, trong đó có vấn đề « tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ». Đối với ông Quang : « Tính chất nghiêm trọng của các thách thức rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại ».
Điểm đáng chú ý là phát biểu vào hôm nay, chủ tịch nước Việt Nam đã không ngần ngại gợi ý rằng Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN có thể tìm kiếm thêm những cơ chế ngoại giao khác nhau để bổ sung cho quy tắc đồng thuận hiện hành.
Cần « bổ sung » nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN
Trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak, về nhận định của Việt Nam liên quan đến những khó khăn mà ASEAN gặp phải gần đây trong việc đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông, ông Quang đã cho rằng các thành viên ASEAN cần tìm kiếm thêm các cơ chế ngoại giao mới.
Theo báo Today, chủ tịch nước Việt Nam đã nói ngắn gọn như sau : « Chúng ta đều biết rằng nguyên tắc đồng thuận được ghi trong Hiến chương ASEAN... Nhưng với sự phát triển mới, chúng ta có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác ».
Trả lời báo Today, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng chủ tịch nước Việt Nam có vẻ rất cởi mở trước khả năng điều chỉnh phương pháp làm việc của ASEAN hoặc là bổ sung thêm một số cơ chế để xử lý vấn đề Biển Đông.
Theo ông Hiệp : « Trước lúc xẩy ra những sự cố gần đây, nguyên tắc đồng thuận rất hợp với Việt Nam và một số nước khác, vốn rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền. Nhưng với sự thất vọng của Việt Nam sau những diễn biến gần đây, tôi nghĩ rằng bây giờ chính phủ Việt Nam đang suy nghĩ về làm thế nào để lách được qua nguyên tắc này ».
Uy tín của ASEAN đã bị sứt mẻ vì đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một quan điểm chung trên vấn đề Biển Đông do sự chống đối của một số quốc gia thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc - đặc biệt là Cam Bốt – bị cho là đã răm rắp chiều theo áp lực từ Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào: