Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Điện mừng của ông Tập "gây nhiễu" giữa căng thẳng Nga-Ukraine

Hữu Hoàng | 

Điện mừng của ông Tập "gây nhiễu" giữa căng thẳng Nga-Ukraine
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện chúc mừng 25 năm Ngày Độc lập Ukraine (24/8), trong bối cảnh Kiev tuyên bố sẵn sàng đối phó "Nga phát động tấn công".

Điện mừng của ông Tập được quan tâm
Báo Kyiv Post (Ukraine) cho hay, Phủ tổng thống Ukraine thông báo, lãnh đạo Trung QuốcTập Cận Bình gửi tới tổng thống Petro Poroshenko lời chúc mừng 25 năm Ngày Độc lập Ukraine.
Ông Tập viết trong điện mừng: "Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên ghi nhận Ukraine độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Ukraine.
Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, tôn trọng con đường phát triển mà nhân dân Ukraine lựa chọn căn cứ vào đặc điểm của đất nước mình."
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh hy vọng cùng tổng thống Poroshenko cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ hai nước.
Thời gian gần đây, tình hình căng thẳng giữa hai nước Nga và Ukraine leo thang trở lại. Việc Nga gia tăng hiện diện quân sự ở bán đảo Crimea sau vụ âm mưu khủng bố mà Moscow cáo buộc là do Kiev đứng sau, đã khiến Ukraine lo ngại xung đột bùng phát.
Trong tình hình đó, điện mừng của ông Tập Cận Bình được truyền thông Ukraine thông báo rộng rãi, đồng thời được nhiều phương tiện truyền thông Nga đưa tin.
Điện mừng của ông Tập gây nhiễu giữa căng thẳng Nga-Ukraine - Ảnh 1.
Các quân nhân Ukraine tổng duyệt hôm 19/8 để chuẩn bị cho lễ duyệt binh Ngày Độc lập 24/8. (Ảnh: AFP)
Bắc Kinh không hy vọng Nga ủng hộ nhiều hơn
Một số chuyên gia phân tích ngoại giao Nga cho rằng, Trung Quốc không có lập trường rõ ràng đứng về phía Nga trong vấn đề Crimena, do đó đừng nên hy vọng Nga có thể dành nhiều sự ủng hộ cho Trung Quốc trong các vấn đề như biển Đông.
Andrei Grozin, người đứng đầu Sở Trung Á và Kazakhstan tại Viện CIS của Nga cho rằng, sự ủng hộ là vấn đề hai bên đều phải tiến hành.
Nếu Trung Quốc cần sự ủng hộ nhiều hơn của Moscow trong các vấn đề như biển Đông, Nga đương nhiên cũng mong muốn nhận được sự "báo đáp" tương đương từ Bắc Kinh.
Mặt khác, trong vấn đề Ukraine, Nga cũng không mong muốn chứng kiến Trung Quốc can thiệp.
Ông Grozin bình luận: “Không ai hy vọng ảnh hưởng của Trung Quốc nhiều hơn, càng không muốn Trung Quốc can thiệp vào vấn đề giữa Moscow và Kiev.
Có thể nói, Nga và Trung Quốc đều có 'việc riêng', hai bên nên giải quyết những vấn đề của chính mình mà không phải pha trộn với nhau”.
Điện mừng của ông Tập gây nhiễu giữa căng thẳng Nga-Ukraine - Ảnh 2.
Nga và Trung Quốc không thể hiện sự ủng hộ mạnh đối với những vấn đề lợi ích cốt lõi của hai bên. (Ảnh minh họa: AP)
Tình hình khủng hoảng Ukraine thành đề tài ở G20
Cựu tổng thống Ukraine Leonid Kuchma - người từng tham gia cuộc đàm phán thỏa thuận Minsk để giải quyết căng thẳng Moscow-Kiev về tình hình miền Đông - cho rằng nên lôi kéo Trung Quốc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cùng với việc leo thang căng thẳng Ukraine và Nga, nhiều học giả cho rằng, đây là vấn đề nhiều khả năng được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu vào đầu tháng tới.
Vladimir Petrovsky, người phụ trách Trung tâm nghiên cứu và dự báo quan hệ Nga-Trung, thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông (Nga) đánh giá, khả năng thảo luận vấn đề Ukraine tại Hàng Châu là rất lớn.
Theo ông: “Vừa qua Nga đã phá âm mưu khủng bố tại Crimea có liên quan đến chính phủ Ukraine, tình thế căng thẳng giữa hai nước leo thang.
Tổng thống Putin cho biết, cuộc thảo luận Normandy 4 bên gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine về cuộc khủng hoảng Ukraine tại Hàng Châu đã không còn ý nghĩa.
Dù vậy, tôi vẫn mong vấn đề này sẽ được bàn bạc tại G20. Cho dù thái độ của Poroshenko và Putin đều rất cứng rắn, nhưng nhiệm vụ của hoạt động ngoại giao là hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng.”
Tăng cường tương tác, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine
Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Poroshenko đã có cuộc gặp nhanh với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington, Mỹ, và mời ông Tập thăm Ukraine.
Trong tháng 4, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin thăm Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời nhấn mạnh hai nước phát triển quan hệ không nên chịu ảnh hưởng của nước thứ ba.
Lãnh đạo và quan chức cấp cao Ukraine trong các diễn đàn đều cho biết hy vọng tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Trong lúc quy mô thương mại Ukraine-Nga suy giảm, kim ngạch thương mại giữa Ukraine và các nước khác như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng lên. Trong năm nay, Trung Quốc có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.
theo Thế giới trẻ

Không có nhận xét nào: