(GDVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh vừa đưa ra hàng loạt các biện pháp xử lý rất nghiêm khắc, nếu phát hiện giáo viên và Hiệu trưởng vi phạm về dạy thêm.
Địa phương lúng túng việc xử phạt giáo viên dạy thêm ở nhà không phépGiờ thì tôi đã hiểu vì sao thành phố cấm dạy thêm!Dạy thêm, học thêm khiến nhiều quyền của trẻ em bị tước đoạt“Giáo viên không được dạy thêm tại nhà trong bất kỳ trường hợp nào”
Sáng ngày 31/8, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, liên quan đến vấn đề dạy thêm học thêm gây xôn xao trên địa bàn trong thời gian vừa qua.
Chỉ có 1/3 số lượng học sinh mong muốn đi học thêm
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã cho biết, qua khảo sát của cơ quan quản lý, chỉ có khoảng 1/3 số lượng học sinh đang theo học thêm.
Đây là một con số không cao, vì phần lớn học sinh của thành phố đều biết tự học, hay biết bồi dưỡng kiến thức cho mình.
Về nguyên nhân của việc dạy thêm học thêm, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do thi cử và kiến thức.
Phần lớn học sinh và phụ huynh của những lớp cuối cấp đều mong muốn được đi học thêm, để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như vào lớp 10 hay tốt nghiệp trung học phổ thông.
Hiện đề thi lớp 12 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra có tính phân hóa rất cao, nặng về phần kiểm tra kiến thức hơn là kỹ năng.
Việc dạy thêm, học thêm còn có thể đến từ nguyên nhân biến tướng là o ép, nhưng chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số nhu cầu.
Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra tại 14 đơn vị, và sẽ kiên quyết xử lý ở mức phạt cao nhất nếu phát hiện thấy có vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, chỉ có 1/3 số lượng học sinh đi học thêm (ảnh: Sở GDĐT TP.HCM) |
Một số trường còn cho rằng, việc dạy thêm học thêm sẽ khiến cho trường có nguồn thu nhập tăng thêm cho giáo viên, chi trả thêm cho nhân viên và giáo viên mà trường phải hợp đồng thêm ngoài biên chế.
Việc ngưng dạy thêm học thêm trong trường chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn về mặt kinh tế cho một số trường.
Trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã yệu cầu các trường công lập cần chấm dứt việc cho thuê mướn mặt bằng để dạy thêm học thêm.
Đối với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, hiện cơ quan quản lý cũng đã nhận được rất nhiều đơn xin cấp phép, nhưng cần phải có thời gian kiểm tra, đảm bảo đủ điều kiện các mặt mới được cho phép hoạt động.
Vi phạm về dạy thêm học thêm: Giáo viên có thể bị đuổi việc
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh khẳng định, cơ quan quản lý không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình, trong bất kỳ trường hợp nào, dù dạy trong hay ngoài nhà trường.
Giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là đuổi việc, nếu có các vi phạm trong việc dạy thêm học thêm.
Hiệu trưởng cũng có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất, nếu phát hiện thấy có học sinh bị ép buộc tham gia học thêm với giáo viên trong đơn vị mình.
Giáo viên có thể bị đuổi việc nếu có vi phạm về dạy thêm học thêm (ảnh minh họa: Tuổi Trẻ) |
Hiện TP.Hồ Chí Minh đã ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường. Hiện Sở Giáo dục đang cùng các Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh kiểm tra, để sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định.
Song song đó, Sở cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp đánh giá, kiểm tra, phương pháp giảng dạy, và sẽ sớm chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng học thuộc lòng bài vở.
Theo thống kê từ cơ quan quản lý, hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố đang có khoảng 100.000 học sinh tiểu học, 190.000 học sinh trung học đang theo học thêm ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, các cơ sở học tập trong trường học, còn 30.000 học sinh đang theo học thêm bên ngoài trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh cũng đã cấp phép cho 34 cá nhân, tổ chức tham gia tổ chức dạy thêm ngoài trường học, 82 trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức dạy thêm trong trường học.
Các quận huyện cũng đã cấp phép cho 106 trường trung học cơ sở dạy thêm trong trường với khoảng 110.000 học sinh. Trường tiểu học không được cấp phép dạy thêm học thêm trong trường.
Theo ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, đối với những phụ huynh, học sinh tự nguyện học thêm thì không thể cấm được, vì đó là quyền của con người.
Sắp bước vào năm học mới, câu chuyện dạy thêm – học thêm lại nóng lên tại nhiều địa phương, trên nhiều diễn đàn. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV hồi đầu tháng 8, một số cử tri đề nghị nhà nước cần triệt để nghiêm cấm việc dạy thêm – học thêm
Trao đổi với các cử tri, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, chống dạy thêm – học thêm là chống tình trạng dạy thêm – học thêm tràn lan, cắt xén chương trình chính khóa trên lớp để buộc học sinh phải đi học thêm, nếu không thì không lên lớp được hoặc bị điểm thấp.
Tuy nhiên, đối với việc phụ huynh, học sinh tự nguyện học thêm thì không thể cấm được.
“Đó là quyền của con người chứ không thể cấm người ta được. Không như thời chiến tranh, cấm cái rụp là cấm luôn. Bây giờ thời buổi dân chủ như thế này, chỉ cấm làm những việc trái pháp luật.
Anh ép buộc người ta phải đi học thêm, nếu không đi học thêm thì anh không cho lên lớp hoặc không cho người ta điểm cao, cái đó phải cấm. Còn chúng ta nói chống ở đây nhưng rất nhiều gia đình vẫn cứ đi tìm thầy cho con đi học thêm thì cấm kiểu gì? Bảo người ta không được cho con đi học à?” – ông Đinh Thế Huynh nói.
Theo ông, thái độ đối với vấn đề dạy thêm – học thêm là phải “xử sự trong điều kiện của xã hội đang dân chủ, phải hết sức nhuần nhuyễn và phải trên cơ sở của pháp luật chứ không thể theo ý chí của mình được”.
Ông Đinh Thế Huynh đặt vấn đề với các cử tri yêu cầu cấm tuyệt đối việc dạy thêm – học thêm: “Các bác nói như vậy nhưng con cái các bác thích cho con đi học thêm, bác có cấm được không? Bác bảo con cái cũng không được, huống hồ lại yêu cầu chính quyền không được cho tôi, cháu tôi đi học thêm. Không được đâu!”.
Một lần nữa, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, cấm dạy thêm – học thêm tràn lan vô nguyên tắc, ép buộc học sinh phải đi học thêm, nhưng nếu người ta có nguyện vọng chính đáng cho con đi học thêm để nâng cao trình độ, để có đủ hiểu biết, ví dụ như học thêm tiếng Anh, học thêm âm nhạc, học thêm kỹ năng sống... thì đó là quyền của con người, không thể cấm được!
Phương Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét