Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Danh sách đề tài luận án tiến sĩ “không thể tin nổi” ở Việt Nam: Bằng chứng khoa học vòng eo Ngọc Trinh 57 cm chứ không phải 56 cm ?

Bùi Hải | 
Danh sách đề tài luận án tiến sĩ “không thể tin nổi” ở Việt Nam

Cư dân mạng Việt Nam đang “sốt phát ban, nổi mề đay” tập thể một cách trầm trọng khi đọc được những đề tài luận án tiến sĩ ở Việt Nam.




Những đề tài mà chỉ đọc tên đã thấy tính chất khoa học ứa nhựa, tràn trề ra cả trang giấy: “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”; “Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng”.
"Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...
Có một luận điểm “rất khoa học” có thể đã được trao giải Ig Nobel năm nào đó: Thiên tài là những người biết biến những cái đơn giản nhất thành thứ phức tạp nhất, chứ không phải ngược lại.
Hàng trăm người đã thành tiến sĩ khi bảo vệ thành công luận án về việc Azit Nexin sinh vào lúc 23h59 hay 24h00.
Tận dụng bí kíp này, một số người Việt Nam, kém hiểu biết đã biết cách để trở thành tiến sĩ.
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra minh chứng khiến rất nhiều người lao động chân tay, “sửu nhi”… ở Việt Nam cũng có thể bừng lên hy vọng mới về chuyện học hàm, học vị.
Ông Quý kể câu chuyện diễn ra ngay ở Viện mình: Có vị, làm tiến sĩ nông nghiệp mà khi kiểm tra ở ngoài ruộng không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa…
> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY

Việt Nam có những lò ấp với tần xuất rất nhanh các tiến sĩ. Ảnh: Internet.
Việt Nam có những lò ấp với tần xuất rất nhanh các tiến sĩ. Ảnh: Internet.
Còn một doanh nhân khác, đã phấn khởi tột độ khi biết có những lò ấp cho nở thành công với tần suất rất nhanh các TS.
Trên tinh thần thừa thắng xông lên: Người người tiến sĩ, nhà nhà tiến sĩ, phổ cập tiến sĩ toàn lãnh thổ ấy, tôi xin cống hiến cho xã hội một số gợi ý rất thiết thực về đề tài để Quý vị có thể bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ để đời:
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của cơ địa Ngọc Trinh: Bằng chứng khoa học về vòng eo thực sự của Ngọc Trinh không phải là 56cm mà là 57cm.
2. Bàn về tâm thức dân gian và sự nhầm lẫn về văn hóa: Alibaba không gặp 40 tên cướp. Chính 40 tên cướp đã gặp Alibaba.
3. Từ thái độ của chủ quán cà phê Xin chào bị khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh: Tìm hiểu về sức mạnh công quyền và kỹ năng biết sợ cho những người muốn làm ăn trong thế kỷ 21.
4. Tại sao Thạch Sanh ngày càng hiếm mà Lý Thông ngày càng nhiều? Đề xuất cơ chế y học ghép tạng và nhân bản Thạch Sanh.
5. Chuẩn ứng xử trong thời kỳ mạng xã hội phát triển, nhìn từ vụ phạt 5 triệu vì “cái mặt kênh kiệu”: Đề xuất điều chỉnh cơ chế xử phạt hành chính.
6. Vận dụng văn chương vào y học: Phương pháp phẫu thuật nội soi mới dành cho những người nói nhiều: Cắt amidan qua đường… hậu môn.
7. Bỉm sữa và gạch đá: Vũ khí tối tượng trong thời kỳ mạng xã hội phát triển nhanh như lợn ăn thuốc tăng trọng.
8. Hình tượng văn học thay đổi theo từng thời kỳ: Nàng công chúa ngủ trong rừng mọc râu và cơ bắp vạm vỡ vì ăn thực phẩm có chất cấm.
9. Những vụ cưa chân nữ sinh ở Việt Nam: Bằng chứng khoa học về việc các nữ sinh cố tình nhập viện vào… ngày xấu.
10. Bị kết án 4 năm tù giam vẫn ở ngoài làm sếp đa cấp: Giải mã những khả năng bí ẩn và kỳ diệu không thể đong đếm của người Việt.
Với kiến văn hạn hẹp, tầm nhìn ngắn, lại thiếu khát vọng tiến sĩ, Bùi mỗ chỉ gợi ý được có thế. Xin các cao nhân, tiền bối bốn phương bổ sung và chỉ giáo.
theo Trí Thức Trẻ

Học viện Khoa học Xã hội: 'Đào tạo 350 tiến sĩ một năm vẫn còn khiêm tốn'

Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội khẳng định so với khả năng hiện có, Học viện còn có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn chỉ tiêu 350 mỗi năm.


Sáng 22/4, tại cuộc họp báo giải đáp thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" đang gây xôn xao dư luận, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội), cho biết trước khi hợp nhất các viện nghiên cứu thành Học viện năm 2010 thì từ năm 1978 cơ sở đã được đào tạo tiến sĩ.
vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-dao-tao350-tien-si-mot-nam-van-con-khiem-ton
Lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội trao đổi tại họp báo. Ảnh: HT
Hiện Học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Hàng năm, Học viện xây dựng chỉ tiêu và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua là 350, chia cho các ngành chỉ 10 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi ngành. Số ứng viên ứng tuyển thường gấp đôi so với chỉ tiêu. "Như vậy chỉ tiêu không phải do Học viện đề ra mà do Bộ phê duyệt. Số lượng ứng viên dôi dư giúp chúng tôi có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất", GS Vinh nói.
Giám đốc Học viện cũng thông tin, hiện cơ sở có 412 giảng viên tham gia giảng dạy, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là tiến sĩ. Học viện cũng vận động giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên ở các trường trên cả nước tham gia giảng dạy, nâng tổng số giảng viên lên khoảng 2.000.
Theo quy định, giáo sư, phó giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh độc lập, còn tiến sĩ thì 2 người hướng dẫn một nghiên cứu sinh. "So với khả năng hiện có chúng tôi còn có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, với chỉ tiêu 350 mỗi năm, có năm chúng tôi không tuyển hết để đảm bảo chất lượng", GS Vinh cho hay.
Giám đốc Học viện khẳng định căn cứ số chỉ tiêu tiến sĩ với cơ sở đa ngành thực hiện đào tạo nhân lực cao, lại là cơ sở duy nhất cả nước chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội "thì con số 350 còn khiêm tốn". Việc xác định chỉ tiêu của Học viện là đúng thực tiễn, theo yêu cầu của Bộ.
"Không có chuyện hạ thấp yêu cầu"
Về quy trình đào tạo, ông Vinh khẳng định rất chặt chẽ từ khi tham gia ứng tuyển đến khi trúng tuyển, làm chuyên đề, bảo vệ luận án. Những nghiên cứu sinh không làm đúng quy trình sẽ bị gửi về cơ quan và nếu học lại phải đúng 3 năm. Quy trình đào tạo này "chỉ có chặt chẽ hơn quy trình của Bộ chứ không có hạ thấp".
Học viện cũng báo cáo thường xuyên với Bộ về quá trình đào tạo. Theo đó, khi Học viện hợp nhất chỉ có 286 nghiên cứu sinh. Hiện nay tổng đào tạo 3 năm là hơn 1.000. Trong đó số lượng trả về và không quay trở lại khoảng 10%, khoảng 20% bảo vệ quá hạn, số còn lại đúng hạn.
"Có ngành số lượng nghiên cứu sinh ít nhưng chúng tôi vẫn đào tạo như Khảo cổ học chỉ có một người", ông Vinh nói và cho hay trong 784 tiến sĩ bảo vệ 3 năm qua, số người làm công tác nghiên cứu trong Viện hàn lâm chiếm 10%; giáo viên ở các trường chiếm tỷ trọng lớn; còn lại là cán bộ làm công tác hoạch định tư vấn chính sách cấp bộ, ngành; cán bộ khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) được gửi đi học. Số cử nhân đi học tiến sĩ rất ít.
Như vậy, theo GS Vinh, thông qua khả năng lọc ở các địa phương, Học viện Khoa học Xã hội đã đào tạo ra "những máy cái", từ đó đào tạo nhân lực chất lượng cho các địa phương.
vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-dao-tao350-tien-si-mot-nam-van-con-khiem-ton-1
GS Võ Khánh Vinh: "Học viện có khả năng đào tạo nhiều hơn 350 nghiên cứu sinh mỗi năm". Ảnh: HT
"Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ"
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Phạm Văn Đức cho biết, hàng năm sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, Bộ Giáo dục sẽ chọn ngẫu nhiên 10% luận án để thẩm định lại. Và cho đến nay Học viện không có luận án nào chưa đạt yêu cầu. "Sắp tới chúng tôi sẽ mua phần mềm để giám định chất lượng, vì nghiên cứu sinh khoa học xã hội có thể có copy, phần mềm sẽ phát hiện ra", ông Đức cho hay.
Trả lời câu hỏi với tốc độ đào tạo tiến sĩ như hiện tại, liệu Việt Nam có tiến tới phổ cập tiến sĩ, GS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học kể, khi ông sang đại học Tokyo (Nhật Bản) làm việc, lúc đó họ thiếu một giảng viên, nhưng đang có 20 tiến sĩ đăng ký thi. "Ở Việt Nam có chuyện này không? Chỉ một câu chuyện như vậy để thấy chúng ta nhiều hay ít tiến sĩ hơn so với thế giới", GS Dũng nói.
Còn GS Vinh thì khẳng định hiện nay Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ. Số lượng tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục chiếm tỷ lệ ít nên các trường đang tăng cường đào tạo nhân lực trình độ này. "Không thể nhìn số lượng 350 chỉ tiêu hàng năm rồi cho là lớn, mà phải nhìn tầng cao hơn nữa, ở tỷ lệ trong tổng số dân 90 triệu người", ông nói.
Trả lời băn khoăn về đầu ra của các tiến sĩ đào tạo tại Học viện, GS Vinh cho rằng không nên nói đầu ra vì các nghiên cứu sinh gần như 100% là cán bộ đi học. Lúc đó, họ đã giữ vị trí nhất định trong các nhà trường, cơ sở. Họ đi học là để nâng cao chất lượng, tầm nhìn. Hơn nữa, nghiên cứu sinh không chỉ đơn thuần làm công việc nghiên cứu mà còn được cung cấp luận cứ, kiến thức để phân tích và hoạch định chính sách.
Trước đó một người dùng Facebook phân tích Học viện Khoa học Xã hội sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ). Còn trong năm 2015, Học viện cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ.
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. "Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.
Hoàng Thùy

Không có nhận xét nào: