Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Nguyễn Phúc Giác Hải: Một chuyên gia nghiên cứu tâm linh đã qua đời

NNC Nguyễn Phúc Giác Hải:Một 'trái tim' đam mê khoa học đã ngừng đập

NNC Nguyễn Phúc Giác Hải- một nhà khoa học, không học hàm chẳng học vị, không tiến sĩ chẳng giáo sư, nhưng nhiều tiến sĩ theo ông không kịp.

Tên tuổi ông xuất hiện nhiều trên báo, trên tivi, trên mạng, cả trong nước cũng như trên thế giới. Một con người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu những vấn đề mà cho tới nay chúng ta vẫn chưa tìm ra lời giải. Một con người mà còn nhiều điều kỳ lạ chúng ta chưa biết hết. Ông vừa từ trần hồi 14h27 ngày 27/8/2016.
   NNC Nguyễn Phúc Giác Hải:Một 'trái tim' đam mê khoa học đã ngừng đập - Ảnh 1
NNC Nguyễn Phúc Giác Hải cả đời đam mê nghiên cứu khoa học.
Ông sinh ngày 29/11/1934 tại Hải Phòng trong một gia đình nhà giáo. Quê ông ở Phú Xuyên, Hà Tây cũ. Ngay khi đang là học sinh, ông đã sáng tác truyện khoa học, về một cuộc chiến sinh tử giữa Voi và Sư tử tại Tây Nguyên. Khi truyện được in, nhiều người khen, nhưng có người nói: Tây Nguyên làm gì có... sư tử. Ông kể: “Lúc ấy mình rất xấu hổ, quyết tâm lao vào học sinh vật”. Ông tốt nghiệp đại học loại giỏi, được về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam.
Năm 1963, ông viết cuốn Những điều kỳ lạ trong thế giới sinh vật, Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã gửi tặng bằng khen cho cuốn sách này. Sau đó, ông về công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước nghiên cứu về di truyền học, một lĩnh vực mới mẻ , chưa được quan tâm ở nước ta.
Năm 1965, trong khi sinh học thời đó ở các nước XHCN còn bị chi phối bởi quan điểm Lưxencô, ông đã sớm nhận ra chân lý trong Sinh học: học thuyết di truyền của Menđen. Năm 1966, ông đề xuất thành lập Hội di truyền học Việt Nam, và đóng vai trò như tổng thư ký hội đầu tiên.
Thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, ở làng Đại Yên, Hà Nội có ông cụ tên Nguyễn Đức Cần, thường gọi là cụ Trưởng Cần. Cụ chữa bệnh rất kỳ lạ, đặc biệt: không dùng thuốc và có thể chữa từ xa. Cụ chữa cho rất nhiều người, không lấy tiền. Ông Giác Hải và một số nhà khoa học nhận thấy đây chính là một vấn đề rất đáng nghiên cứu. Ông muốn tổ chức quay phim việc cụ Cần chữa bệnh.
Ông nói: “Chúng tôi đề xuất với cơ quan nhà nước để ghi nhận một sự kiện khoa học. Chúng tôi đề nghị là phải dùng biện pháp quay phim,vì chỉ quay mới biết được lúc trước và sau khi chữa bệnh.Chúng tôi có đề nghị với xưởng phim Tư liệu khoa học. Thứ hai tôi có nhờ đến xưởng phim Quân Đội, sau đó tôi lại nhờ thêm xưởng phim của Vô tuyến truyền hình, tôi không biết đoàn nào có thể đến được vì khi nhận lời các anh ấy không nói một cách chắc chắn.
   NNC Nguyễn Phúc Giác Hải:Một 'trái tim' đam mê khoa học đã ngừng đập - Ảnh 2
NNC Nguyễn Phúc Giác Hải.
Buổi hôm đó, chúng tôi có mời ông Lê Khắc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật nhà nước, một số đại diện y tế, các cơ quan khoa học, bộ Công an, một số tướng tá trong quân đội như thiếu tướng Kinh Chi, ông Đặng Quốc Bảo,… Buổi quay phim hôm đó tổ chức ngay tại nhà cụ Nguyễn Đức Cần và cả ba đoàn quay phim đều đến quay, có công an Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ”.
Tuy nhiên, ngành Y tế và dư luận xã hội lúc đó lại cho đó là mê tín. Ngày 19/5/1974 một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông báo của Sở y tế về việc cấm cụ Cần hành nghề mê tín.. Nhưng, ông Hải vẫn kiên quyết bảo vệ.
Năm 1976, lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước gọi ông lên bảo: “Nếu nhận mình sai thì được ở lại Viện còn cứ giữ quan điểm của mình thì sẽ thi hành kỷ luật, ra khỏi viện”. Ông lựa chọn con đường thứ hai, con đường đầy gian nan khi phải ra khỏi biên chế, đồng nghĩa với các chế độ tem phiếu từ gạo, thịt, thực phẩm, nhu yếu phẩm bị giảm theo. Một hành động dũng cảm mà chắc không mấy ai dám lựa chọn.
Tôi chợt nhớ tới câu chuyện nhà bác học Galileo Galilei, khi tìm ra chân lý: Trái đất quay quanh mặt trời. Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa toà án, ông đã bực tức nói to: Dù sao trái đất vẫn quay! Ga- li- lê phải trải qua những năm cuối đời trong cảnh tù đày. Nhưng cuối cùng, lẽ phải đã thắng. Tư tưởng của nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.
Rồi hậu quả của việc này làm ông cũng phải chia tay với vợ để vợ con đỡ bị liên lụy. Tuy nhiên, khi người vợ cũ lâm bệnh, ông lại trở lại chăm sóc tận tình chu đáo. Ông Giác Hải nói: Chính cái ngày tôi và vợ chia tay cũng là ngày vừa tròn 19 năm chúng tôi cưới nhau.
Xem lại lịch, tôi biết thêm một điều rằng trong tự nhiên có một chu kỳ bí ẩn. Cứ sau 19 năm thì cả ngày âm và ngày dương sẽ lại trùng nhau. Từ phát hiện đó, cộng với niềm ham mê vật lý từ nhỏ, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu để giải mã những hằng số vũ trụ. Không những thế, tôi còn tham gia vận động thành lập Hội thiên văn học Việt Nam và cho đến nay tôi vẫn là một thành viên trong Hội…”.
Năm 1983, tờ Tuần tin tức Mat-xcơ-va (Les Nouvelles de Moscow) có đăng tin về Cuộc thi Tìm hiểu về nước Nga. Ông ngồi gõ thẳng bằng tiếng Pháp bài dự thi vào chiếc máy chữ cũ kỹ, gửi dự thi và giành giải nhất: một chuyến đi thăm Liên Xô.
Và rồi trong cuộc thi nhân ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít của Đài PT&TH Tasken, ông lại dự thi và lại giành giải Nhất.
Năm1985, ông lại được mời sang thăm nước Nga và phát biểu trên truyền hình. Dòng lưu bút "Nhân danh sự sống trên trái đất" của ông tại nghĩa trang các liệt sĩ vô danh, được lấy làm tít cho các bài báo xuất bản ở Nga bằng nhiều thứ tiếng lúc đó...
   NNC Nguyễn Phúc Giác Hải:Một 'trái tim' đam mê khoa học đã ngừng đập - Ảnh 3
Thế rồi, đất nước ta bước sang thời kỳ đổi mới. Nhận thức của xã hội cũng thay đổi. Năm 1990, ông được phục hồi và trở lại công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Lúc này, ông chuyển sang một hướng nghiên cứu mới, là nghiên cứu về tiềm năng con người, nghiên cứu về những người có khả năng đặc biệt. Từ đó, ông trở thành người quy tụ những người có khả năng đặc biệt, những nhà ngoại cảm.
Tuổi già không cản được bước chân ông. Never too late. Không bao giờ muộn. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục công việc của mình trên cương vị chủ nhiệm bộ môn Dự báo trong Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Cuốn sách: Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh của ông viết đã trở thành sách gối đầu giường của nhiều người.
Cách đây độ mười lăm năm rộ lên chuyện tranh cãi tác quyền quốc ca Việt Nam khi mà nhạc sĩ Văn Cao vẫn còn sống. Cuộc tranh luận đi theo hướng ngày càng phức tạp. Cuốí cùng cơ quan bảo vệ quyền tác giả Việt Nam cho đăng nguyên văn bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải với kết lụân Văn Cao là tác giả Tiến quân ca, và coi đây là kết luận của cơ quan bảo vệ quyền tấc giả VN và chấm dứt tranh luận.
Cách đây mấy năm, khi ông bước sang tuổi 77, ông thi lấy bằng ô tô, và vẫn tự lái ô tô. Một ngày đẹp trời, khi ông 78 tuổi, ông rủ tôi đi Tam Đảo, ngồi xe ông lái. Tôi hỏi ông: liệu có nguy hiểm với một ông tài tuổi 78? Ông trấn an: Tới chân Tam Đảo sẽ có dịch vụ xe tăng bo lên đỉnh.
Vợ chồng tôi lên xe, phó mặc cho ông. Nhưng khi tới chân Tam Đảo, chẳng có gì. Vậy là ông già tuổi 78 cứ cầm vô lăng thản nhiên lái lên thẳng Tam Đảo. Năm ngoái, ông không còn đủ sức lái xe nữa, tôi lúc đó cũng sắp sang tuổi cổ lai hy, được cái ý chí của ông động viên, tôi bảo ông: Em sẽ thi lấy bằng lái xe và sẽ lái xe đưa anh đi chơi.
Nhiều người bảo: quá 60 tuổi không được cấp bằng. Có người lại bảo: Có thể được cấp, nhưng chỉ là bằng B1. Sai toét. Vợ tôi can ngăn, sợ tôi tuổi đã cao, lái không an toàn. Tôi giấu vợ, tự đi thi lấy bằng lái xe. Thi đỗ, bằng B2. Sau đó, mới đem bằng về … khoe vợ, và … rủ vợ lên xe lái đi chơi. Rồi tôi và ông Giác Hải lại tiếp tục rong ruổi, chỉ có đổi vai, ông bảy chục lái đưa ông tám chục đi ngao du, mạn đàm với các nhà khoa học…
Năm 2013, khi ông sắp sang tuổi …bát tuần, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, kiêm Trưởng ban Hợp tác và đối ngoại.
Ông tiếp tục những nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Sấm Trạng Trình, về khoa học dự báo, về thời điểm ra đời của quốc hiệu Việt Nam, về hằng số vũ trụ …
Năm kia, khi ông bị đột quỵ lần thứ hai, tôi đến thăm ông tại bệnh viện Hữu nghị. Nằm trên giường bệnh, ông vẫn say sưa giảng giải cho tôi về bí ẩn của các số nguyên tố. Nói một hồi, rồi để có thể diễn đạt kỹ hơn, ông nhờ tôi lấy giấy, bút. Và cứ thế, từ trong đầu ông, từ bộ nhớ khác thường của ông, cứ thế ông viết, vẽ các sơ đồ, xoay quanh bao nhiêu điều bí ẩn xung quanh các con số, dày đặc cả trang giấy.
Tôi thực sự bị cuốn theo. Và điều đó càng làm ông phấn khích, tựa như Bá Nha gặp Tử Kỳ vậy, nói tiếp đến hằng số vũ trụ. Đến đây thì thực sự còn nhiều điều tôi không thể hiểu nổi. Ông vẫn mong sớm khỏi bệnh để tiếp tục viết cuốn sách về Hằng số vũ trụ.
Hàng ngày, điện thoại ông vẫn reo liên tục. Khi thì nhà ngoại cảm nào đó xin ý kiến. Lúc thì một cô phóng viên xin phỏng vấn,…Ông vẫn mong có một thư ký bên mình để ông đọc, thư ký đánh máy ngay lại những điều ông nói. Nhưng, khi công việc còn đang dang dở, khi cuốn sách còn đang chưa thành hình, thì căn bệnh hiểm nghèo lại ập đến.
Ông lại nằm trên giường bệnh, với bệnh tình nặng hơn trước nhiều. Hồi 11h30 hôm qua, tôi tới thăm ông, ông đã không còn nói được. Ba tiếng sau, tôi trở lại bệnh viện thăm ông, thì ông đã vừa ra đi hồi 14h27.
Một nhà nghiên cứu đầy say mê, xả thân vì khoa học, một con người đầy nhiệt tâm đã ra đi. Cầu mong ông được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Lễ viếng ông Nguyễn Phúc Giác Hải từ 11h30 đến 12h45 ngày 31/8/2016 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu hồi 12h45 cùng ngày.
Nguyễn Quang

Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Người đi tìm tên nước Việt Nam

(CNO)  BÍCH HÀ | 13:00 NGÀY 29/08/2016
Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Người đi tìm tên nước Việt Nam
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải.
Ông là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực tìm hiểu những điều kỳ lạ của con người. Ông nghiên cứu bằng tất cả niềm đam mê và sẵn sàng đánh đổi lấy những cay – đắng – vinh –tủi để gắn bó với một lĩnh vực khoa học mới, còn nhiều bí ẩn. Ông cũng là người kiên trì đi tìm nguồn gốc tên nước Việt Nam. Nguyễn Phúc Giác Hải đã mãi mãi ra đi, để lại những hành trình, những trang viết còn dang dở…

Người đầu tiên nghiên cứu về khả năng con người
Là người đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của con người, ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Chủ nhiệm Bộ môn thông tin dự báo (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) đã phải đối mặt với biết bao sóng gió của cuộc đời, phải ly hôn với vợ, mất việc, bị người khác gán cho những biệt danh không mấy hay ho như lẩm cẩm, thần kinh, phù thủy, mê tín dị đoan…
Gọi ông là nhà khoa học, chắc chắn những người nghiên cứu, với nhiều học hàm học vị sẽ “giãy nảy” cho là không xứng.  Họ đưa ra ranh giới mong manh giữa nhà khoa học và “gã phù thủy”, vì lĩnh vực ông chọn “nhạy cảm” và bí ẩn. Cũng rất ít người chắp bút viết về Nguyễn Phúc Giác Hải, bởi ngại va chạm, sợ bị cuốn vào lĩnh vực hết sức nhạy cảm mà ông đang theo đuổi.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải  chăm chỉ đọc sách và nghiên cứu dù ở tuổi "cổ lai hy".
Nhưng với ai đã từng gặp Nguyễn Phúc Giác Hải, sẽ bị cuốn theo những câu chuyện ông kể từ những chiêm nghiệm của người dành cả đời để nghiên cứu về tiềm năng của con người. Sẽ thấy ở đó hình ảnh một người sẵn sàng đánh đổi, “vắt kiệt sức” trên bàn làm việc.
“Ông sinh năm Giáp Tuất, 1934 vào giờ Chính Ngọ tại Hải Phòng. Nhà tử vi học nổi tiếng thời đó là Phạm Ứng Long (tục gọi là Nhì Lùng người Hoa) chính tay lập lá số tử vi cho cậu bé. Cứ theo tử vi mà xét, cậu bé này lắm tài, nhưng bị tuần triệt vào cả hai cung quan và điền. Nhưng còn may ở chỗ “tuần triệt trắc địa” -  đấy là câu chuyện “rất tâm linh” mà nhiều người nói về ông – một con người nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực tâm linh.
Xuất thân là một giáo viên dạy Sinh học, nhưng ông lại say mê các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn vật lí. Chắc nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao thích học vật lý lại chuyển sang nghiên cứu về con người. Bản thân ông khi dấn thân vào lĩnh vực này, ngoài cái “số”, với ông còn là niềm đam mê, dù biết rằng phía trước đầy rẫy những chông gai.
Ngay từ bé, ông đã bộc lộ những tố chất thông minh hơn người. Ngoài việc thích đọc sách, ông còn sáng tác truyện thám hiểm Tây Nguyên … Chính vì niềm đam mê khám phá, khi đang học Đại học khoa học ngành Lý - Hóa, Nguyễn Phúc Giác Hải đã chuyển sang lớp sinh học Đại học Sư phạm. Ra trường, sau một thời gian giảng dạy tại trường Bổ túc công nông trung ương, ông rời bục giảng ông về Uỷ ban Khoa học Nhà nước nghiên cứu về di truyền học, một lĩnh vực mới mẻ, chưa được quan tâm ở nước ta.
Trong thời gian công tác tại đây, Nguyễn Phúc Giác Hải đã đề xuất việc thành lập Hội di truyền học Việt Nam và ông đóng vai trò như tổng thư ký hội đầu tiên vào năm 1966. Đang trong “biên chế”, ông đã bị cuốn theo lĩnh vực nghiên cứu về khả năng của con người khi một lần tình cờ đọc những thông tin về khả năng chữa bệnh kỳ lạ của cụ Trưởng Cần. Thời ấy những nhà khoa học, nhà nghiên cứu coi đó là hiện tượng “phi khoa học”, bất chấp sự phản đối, Nguyễn Phúc Giác Hải vẫn đi và chọn con đường đó để gắn bó. Mãi sau này, do kiên trì khiếu nại ông mới được trở lại công tác tại Viện Khoa học Việt Nam và chính thức được giao nghiên cứu những khả năng tiềm ẩn của con người theo đúng nguyện vọng của mình.
Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục công việc của mình trên cương vị chủ nhiệm bộ môn Dự báo trong Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Và cho đến hiện tại, khi nhà nghiên cứu đã ra đi mãi mãi, thì những gì Nguyễn Phúc Giác Hải lý giải về hiện tượng lạ ở con người vẫn nhận những ý kiến trái chiều.
Hành trình đi tìm tên nước Việt Nam
Những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu tâm linh của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải có thể khiến ai đó hồ nghi, nhưng việc ông đã lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, sang tận Anh quốc để tìm tên nước Việt Nam thì đáng được trân trọng và ghi nhận.
 Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. Ảnh: Internet.
Một lần, khi nghiên cứu các tư liệu về nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông thấy hai chữ Việt Nam có trong tư liệu này. Đó chính là lý do để Nguyễn Phúc Giác Hải từ một người "ngoại đạo" "nhảy sang" nghiên cứu lịch sử" từ năm 1991. Những nghiên cứu của ông sau này được những GS lịch sử đầu ngành của nước ta ghi nhận và ca ngợi. Bởi từ trước đến nay, mọi người vẫn luôn nghĩ vào khoảng những năm 1804, thuộc thời nhà Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam mới ra đời. Nhưng ông đã tìm thấy trên những bia đá có khắc hai chữ Việt Nam trước năm 1802. Đó là những tấm bia ở Chùa Bảo Lâm (1559); Chùa Phúc Thánh (1604); Thuỷ Môn Đình (1670)... Những cứ liệu này vô cùng quan trọng để tìm ra nguồn gốc tên gọi Việt Nam có từ bao giờ và ai đặt tên?
Trong quá trình tìm kiếm tài liệu cho công trình nghiên cứu khoa học về “Nguồn gốc tên nước Việt Nam”, vốn là người thích khám phá, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào le lói cái gì đó có hai chữ Việt Nam là ông tìm cho bằng được. Ông tự "cơm nắm muối vừng" đi tìm hiểu, lăn lội ở những miền quê khác nhau. Được sự ủng hộ của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, sự tạo điều kiện của Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam để viết cuốn sách “Đi tìm nguồn gốc tên nước Việt Nam”, ông còn tự bỏ thêm tiền túi để sang London kiên trì theo đuổi "hành trình tìm tên nước Việt Nam" của mình.
 Việc đầu tiên khi đặt chân đến Anh, ông đã tìm thư viện Hoàng gia Anh (British Library), tìm các loại tư liệu quý, được cất trong kho riêng. Ông cũng được yêu cầu phải xem tấm bản đồ ở bàn độc giả trước mặt thủ thư, tránh việc chụp lén. Vậy là, ông đã phải ngồi lì tại thư viện suốt 2 ngày để ghi chép cẩn thận toàn bộ nội dung in trong tấm bản đồ hết 7 trang giấy.
Điều đáng quý ở tấm bản đồ này là ông đã tìm ra việc tác giả Trung Quốc Xa Khâu Từ Diên Húc không chỉ đã dùng danh xưng quốc hiệu Việt Nam, mà còn chứng minh quốc hiệu Việt Nam không phải do người Trung Quốc đặt, hay tới tận thời nhà Nguyễn mới có, cũng như chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tự mày mò, tự bỏ tiền nghiên cứu và mang lại những giá trị, tư liệu đặc biệt quan trọng, Nguyễn Phúc Giác Hải được nhiều người yêu mến gọi bằng cái tên “Nhà khoa học không học hàm, học vị”, “người đi tìm nguồn gốc hai tiếng Việt Nam”.
Sau những chuyến đi của đời mình, bằng tinh thần hăng say nghiên cứu, ông lại về âm thầm bầu bạn với sách vở trong căn nhà ngoài đê sát mép sông Hồng, ở đường Bạch Đằng, Hà Nội. Căn nhà nhỏ chỉ toàn sách là sách. Ở tuổi 84, ông vẫn chăm chỉ đọc và miệt mài nghiên cứu, cho đến lúc trút hơn thở cuối cùng và mãi mãi ra đi.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người vừa từ trần vào hồi 14h30’ ngày 27.8. Lễ viếng vào ngày 31.8 tại số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Không có nhận xét nào: