(Chinhphu.vn) - Ngày 30/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2016, trong đó, sẽ đánh giá việc lời nói có đi đôi với việc làm hay không.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu lên một số điểm của tình hình kinh tế-xã hội sau khi “chúng ta đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2016”.
Trong tháng 8, đất nước hứng chịu 2 cơn bão lớn. Mặc dù các cấp các ngành đã vào cuộc, chỉ đạo phòng chống hết sức tích cực, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, đặc biệt ở khu vực miền núi phía bắc.
Cũng trong tháng 8, lãnh đạo các cấp đã tích cực đôn đốc việc thực hiện kế hoạch năm, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Nhiều dịch vụ y tế tăng giá, nhưng chỉ số CPI chỉ tăng 0,1%.
Tinh thần bảo vệ môi trường sống cho nhân dân đã được quán triệt tới tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương trên toàn quốc với nhiều biện pháp mạnh. Sắp tới, một chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này sẽ được ban hành để người dân yên tâm rằng không vì phát triển kinh tế mà bỏ qua môi trường.
Đánh giá việc lời nói có đi đôi với việc làm hay không
“Một điều đáng mừng là không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được khôi phục một bước rất quan trọng, trong đó, nhiều tỉnh, thành phố tiến hành xúc tiến đầu tư, cải cách, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh khát vọng phát triển của các địa phương đã thể hiện rõ, với quyết tâm để tỉnh mình không còn nghèo, không phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách.
Kỷ cương phép nước được củng cố. Nhiều vụ phá rừng được nghiêm trị. Một số cán bộ vi phạm trên một số lĩnh vực đã được xử lý nghiêm.
“Chúng ta cũng hoan nghênh kết quả mà sẽ được thảo luận sau đây là việc Tổ công tác của Thủ tướng đã đi xuống một số bộ để kiểm tra thực tế việc tổ chức triển khai kết luận của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đạt ở mức độ nào, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc thực hiện giữa lời nói và việc làm”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết hôm qua (29/8), Thường trực Chính phủ đã bàn về việc cổ phần hóa Tổng Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia Hà Nội (Habeco) cũng như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, trong đó, đã quán triệt tinh thần theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm. “Tôi nói như vậy để thấy rằng, chúng ta đã công khai, minh bạch một phần rất quan trọng để tạo niềm tin cho mọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”.
Nhấn mạnh tinh thần “lời nói đi đôi với việc làm”, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không?
“Cả hệ thống chúng ta phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ.
Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu phiên họp này tiếp tục dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, mà theo chương trình làm việc Chính phủ sẽ thảo luận 5 dự thảo luật, 1 nghị định, 1 pháp lệnh và một số văn bản quan trọng khác.
Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm khả thi, hợp lý, thực sự là Chính phủ kiến tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phải đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khắc phục những khoảng trống, không làm rõ trách nhiệm
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về dự thảo Nghị định về Quy chế làm việc của Chính phủ khóa mới. Đây là nghị định quan trọng, quy định tổng thể các công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục, cách làm theo hướng xác định rõ trách nhiệm cải cách thủ tục hành chính.
“Có liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân chính là thông qua quy chế này”, Thủ tướng nêu rõ.
Từ đó, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định này, trình Thủ tướng ký ban hành. Đây chính là nghị định khung để các bộ, ngành có bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để điều hành phát triển đất nước, khắc phục sự giao thoa, khiếm khuyết, những khoảng trống, không làm rõ trách nhiệm.
Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các chỉ tiêu, kiểm điểm lại nghiêm túc việc triển khai các biện pháp phát triển, khắc phục các bất cập, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Quốc hội giao.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ sẽ nghe báo cáo chuyên đề do Bộ Tài chính trình về “Tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công”, trong đó có các tài sản như công sở, xe công.
“Nhiều người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí. Vậy giải pháp nào để quản lý tài sản công tốt nhất? Thế hiện nay các công sở sử dụng kém hiệu quả trên cả nước này thì cần biện pháp nào?”, Thủ tướng nêu vấn đề và mong muốn các đại biểu góp ý, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, mang tính cách mạng để “người dân thấy rằng Chính phủ chúng ta sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi công sức của nhân dân”.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 dự kiến diễn ra trong 2 ngày rưỡi, từ 30/8 đến sáng 1/9, dành 1 ngày rưỡi để bàn về xây dựng thể chế và 1 ngày bàn về kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2016.
Đức Tuân
THƯ NGỎ CỦA NHÀ VĂN/BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO GỬI THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
Đăng lúc: Thứ bảy - 31/01/2015 22:34 - 



THƯ NGỎ CỦA NHÀ VĂN/BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO GỬI THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2015

Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!
Tôi rất mừng vì thấy trong những ngày gần đây, tôi được nghe Thủ tướng phát biểu rất nhiều ý kiến khá thực tế về thực trạng thông tin trên các trang mạng xã hội cùng với những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về cách ứng xử với đời sống thông tin mạng.
 
Tôi nhận thấy: những ý kiến của Thủ tướng là khách quan, khoa học và có cả sự tinh tế của người am hiểu xã hội thông tin. Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ quan điểm của Thủ tướng khi phát biểu với cán bộ giúp việc của Chính phủ về cách ứng xử với thông tin trên mạng xã hội: Không thể ngăn cấm nó!
 
Trước một hiện tượng tự nhiên – xã hội khi người ta không thể ngăn, cấm thì phải tìm cách ứng xử văn minh – khoa học – nhân văn với chúng. Người Việt Nam có câu: sống chung với lũ… Thủ tướng là người quê gốc Nam Bộ chắc chắn hiểu sâu sắc về triết lý sống này, bởi khi con người ta muốn tồn tại thì buộc phải thích nghi với hoàn cảnh của tự nhiên – xã hội như lũ, lụt là một ví dụ điển hình… Mọi ý chí, tham vọng đi ngược, cưỡng chế lại những xu hướng, trào lưu, quy luật của tự nhiên-xã hội xưa đến này đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực…
 
Tự do ngôn luận là quyền hiến định của tất cả các quốc gia trên thế giới và là một trong các chuẩn mực của một xã hội văn minh. Cha ông ta từng có câu: quyền ăn, quyền nói…đó là hai trong những quyền cơ bản nhất của con người từ thời thượng cổ. Đó là những thứ quyền không một thế chế chuyên chế, toàn trị nào có thể cấm đoán, triệt tiêu nó kể cả chế độ phát xít Hitler hay Tần Thuỷ Hoàng. Thiệu Công đời nhà Chu chẳng đã từng khuyên Chu Lệ Vương đừng nghĩ cách bịt mồm dân:
“... Đề phòng miệng dân còn hơn phòng lũ. Đê ngăn mà vỡ, thương tổn ắt nhiều, dân cũng như vậy. Thế nên người trị thủy phải cho sông được khơi thông, người trị dân phải cho dân được bày tỏ. Vậy nên thiên tử xử lý chính sự, phải sai công khanh cho tới liệt sĩ dâng thơ, nhạc quan dâng khúc hát, sử quan dâng sách, thái sư dâng bài trâm, kẻ mù dâng bài phú, kẻ thong manh dâng bài tụng, trăm quan can gián, dân chúng truyền lời, cận thần khuyên nhủ, thân thích góp ý, nhạc – sử bảo ban, bô lão chỉnh sửa, rồi vua cân nhắc. Vậy nên chính sự thi hành mới không trái đạo. Dân có miệng cũng như đất có núi sông vậy, của cải từ ấy mà ra; cũng như đất có chỗ phẳng trũng cao thấp, cái ăn cái mặc từ ấy mà ra. Qua lời truyền miệng, thành bại từ ấy rõ rệt. Làm việc tốt, ngừa việc xấu, ấy là cách tạo ra của cải, ăn mặc vậy. Dân suy nghĩ trong lòng mà phát lời ở miệng, chín chắn rồi làm. Nếu bịt miệng họ, liệu được bao lâu..." (Sử ký Tư Mã Thiên)
 
Đối với người dân Nam Bộ, trước cơn lũ hàng năm, người dân thường có 2 cách: Sống chung với nó bằng hệ thống thuyền bè hoặc tự nâng chỗ ở của mình lên bằng hệ thống đê điều…
 
Theo tôi, “hệ thống đê điều” trong lĩnh vực thông tin xã hội mà các quốc gia văn minh, phát triển vẫn sử dụng đó là: phải tăng cường chất lượng của việc cung cấp thông tin, chính thống… Điều này Thủ tướng cũng đã nhận thấy và đã giao trách nhiệm cho bộ máy giúp việc của Thủ tướng. Thủ tướng đã chỉ đạo cán bộ Văn phòng Chính phủ phải hoà nhập với Facebook và nhiều trang mạng xã hội khác để sống chung với chúng, tranh thủ nó... Tôi cho đó là một chủ trương đúng, sáng suốt, thực tế của Thủ tướng…
 
Thưa Thủ tướng!
Sở dĩ tôi mạo muội viết thư này cho Thủ tướng là vì tôi vừa bị Cơ quan An ninh Điều tra Hà Nội bắt giữ, khởi tố hình sự và đưa ra tòa xét xử với hình phạt 15 tháng tù với tội danh: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” (Điều 258 Bộ luật Hình sự) do việc đưa thông tin lên mạng dưới hình thức blog.
 
Qua 15 tháng tù (từ 13/6/2013 tới 13/9/2014), nhất là qua những lần “đi cung” với một số cán bộ điều tra của cơ quan An ninh Điều tra Hà Nội, mặc dù họ không nói ra, nhưng tôi cảm nhận nhận được chính Tổng Cục An Ninh (Bộ Công An) là cơ quan quyết liệt xử lý hình sự đối với những bài tôi viết trên blog cá nhân và đã xử phạt tội 15 tháng tù.
 
Tôi còn nhớ ngày 19/6/2014, sau 7 ngày bị bắt, ông Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội đã lệnh cho Tổ chuyên án áp giải tôi lên gặp ông tại trụ sở Sở Công an TP Hà Nội (87 Trần Hưng Đạo). Trong cuộc gặp này, sau khi nghe tôi trực tiếp trình bày, tất nhiên trước đó Tổ chuyên án cũng đã báo cáo với ông về những hành vi viết blog của tôi, Giám đốc Nguyễn Đức Chung đã nói với tôi trước cả Tổ chuyên án: Việc của anh (tức blogger P.V.Đ) tôi đã báo cáo và xin ý kiến của Bộ trưởng Trần Đại Quang và đã được đồng ý chuyển sang xử lý hành chính… Thế nhưng, cuối cùng thì tôi đã phải chấp hành mức án 15 tháng tù…
 
Theo cảm nhận của tôi, Tổng cục An Ninh (Bộ Công an) là cơ quan đã nhận lệnh trực tiếp từ Thủ tướng để xử lý hình sự bằng được việc viết blog của tôi và nhiều blogger khác…
Tôi khẳng định điều này vì trong suốt  3 tháng trời làm việc với một số điều tra viên của An ninh Điều tra Hà Nội, tôi cũng đã chứng minh, thuyết phục để họ thấy những bài viết trên blog của tôi nếu nghiêm khắc cũng chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, phạt tiền… Mặc dù việc viết blog của tôi không hề mang lại một chút lợi ích vật chất nào cho bản thân.
Bằng cảm quan của mình, tôi thấy các cán bộ điều tra của Công an Hà Nội, cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chừng mực nào đó họ đã có những đồng cảm nhất định khi nghe tôi trực tiếp trình bày về mức độ đụng chạm trong các bài đưa lên blog cá nhân của tôi; điều này phần nào cũng đã được thể hiện trong Kết luận Điều tra và trong Cáo trạng của Viện Kiếm sát.
 
Thưa Thủ tướng!
Mọi chuyện đối với tôi đã qua đi; như người phương Đông có câu: trong cái rủi có cái may; việc tôi phải ở tù 15 tháng, tôi đã chấp hành xong và ra khỏi tù an toàn cũng là một loại trải nghiệm quý đối với một con người chọn nghề cấm bút như tôi. Tôi viết lên điều này không hề có ý oán trách gì Thủ tướng cả… Nếu sau này mà tôi viết được một cái gì đó, biết đâu tôi là quay lại cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho tôi vào tù… Vì nếu không có 15 tháng sống chung, gần gũi với gần 100 bạn tù thì làm sao tôi có được những vốn sống đó?!
 
Hôm nay, tôi mạo muội viết thư ngỏ gửi tới Thủ tướng nhân dịp Thủ tướng đang chú ý, quan tâm tới đời sống thông tin mạng, nhất là đối với ý kiến của Thủ tướng: “Không thể cấm thông tin trên mạng Internet”. Cái gì đã không thể cấm thì không nên xử lý hình sự. Do vậy mà, tôi với trải nghiệm của một blogger đã từng bị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng xử phạt 15 tháng tù, kính mong Thủ tướng thôi không truy cứu trách nhiệm hình sự, thả tự do cho các blogger: Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồng Lê Thọ và các blogger khác vì tôi thấy những bài viết của họ cũng giống với các bài viết của tôi, mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng những hành vi đó vẫn nằm trong cái hàng lang của “tự do ngôn luận” mà luật pháp quy định và như lời Thủ tướng vừa phát biểu…
 
Tôi nghĩ, việc trả tự do cho các blogger, không truy cứu trách nhiệm hình sự họ là một minh chứng cho ý kiến gần đây của Thủ tướng về việc tôn trọng và tạo điều kiện cho xã hội thông tin được tự do phát triển. Việc này thuộc quyền hạn của Tổng Cục An Ninh (Bộ Công an) do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
 
Tôi mong việc trả lại tự do, không truy cứu trách nhiệm sẽ là một trong những bằng chứng hùng hồn chứng tỏ: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người thật sự am hiểu xã hội thông tin, thật sự cầu thị, nói đi đôi với làm không sai một ly, một cắc; bởi như trong nhiều phim Trung Quốc, người Trung Quốc hay có câu gần như cử miệng của những đấng "quân vương phim" Tàu: Vua không thể nói chơi?!
 
Tôi biết Thủ tướng đang có nhiều hoạt động, việc làm để củng cố uý tín để được tín nhiệm trụ thêm một nhiệm kỳ nữa ở vị trí cao hơn hiện tại.
 
Tôi mong Thủ tướng hãy tiếp nhận ý kiến này của tôi và xem đây như một ý kiến góp ý chân thành.

Trân trọng!
 
Nhà văn/Blogger Phạm Viết Đào