Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Tai nạn Formosa và hệ lụy

Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn
Vậy là Formosa đã thừa nhận là thủ phạm vụ các chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung và sẽ bồi thường 500 triệu Mỹ kim. Bài này không bàn về tiền bồi thường có đủ hay không, bồi thường gì, tiền đi vào túi ai, vạch trần trách nhiệm những ai, xử lý ai và nghiêm tới đâu, đã rút được kinh nghiệm gì,…
Nếu nhà chức trách không thông tin đầy đủ và chính xác thì người dân phán đoán việc gì đã xảy ra. Không biết số phận của mình sẽ ra sao là đủ để một đám đông nôn náo vớ tất cả tin đồn bi quan nhất làm sự thật. Các thế lực thù nghịch đâu dám mà cũng không cần phải quấy rối thêm. Bộ máy công an Việt Nam làm việc này hay hơn nhiều. Tệ hại cho chính quyền là trong số những phán đoán đó thì có giả thuyết ai đấy ở cấp cao trong chính quyền tham nhũng nên mới giấu giếm như vậy.
Trong bài này chúng tôi xin phân tích tai nạn Formosa[i] dưới góc nhìn của một kỹ sư và với mục đích giải độc đôi chút nhằm chia xẻ hiểu biết với đồng bào để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

An sinh và an toàn
Trước tiên xin có một vài nhận xét.
(a) Khi xẩy ra vụ cá chết hàng loạt ở Vũng Áng thì báo chí mới rầm rộ đăng về những vụ cá chết ở những nơi khác, đang xảy ra hay đã xảy ra từ trước. Tuy không phải là những thảm họa như ở bốn tỉnh miền Trung nhưng tính đổ đồng thì mỗi nạn nhân cũng bị thiệt hại về vật chất ngang nhau và cần được cứu trợ như nhau. Đọc trên mạng, chúng tôi không thấy có ai đưa ra một giải pháp nào cho những tình huống thảm thương này.
(b) Nhiều người nhầm lẫn thanh tra (聲查, inspection), điều tra (調查, inquiry) và kiểm tra (檢查, audit). Thanh tra là nghe ngóng soát xét công việc, xem xét tại chỗ. Người ta thanh tra để phát hiện sai phạm và thủ phạm, khi có nghi vấn hay bằng chứng có tình trạng không chuẩn[ii]. Điều tra là khảo sát để tìm hiểu, tra xét tính toán lại. Người ta điều tra để xem sự thật tình huống là thế nào. Còn kiểm tra là xem xét có đúng như đã nghĩ hay không. Người ta kiểm tra để so sánh một vật thể, một tình trạng với một vật thể, một tình trạng quy chiếu. Người ta kiểm tra theo một chương trình đã được lập sẵn tùy theo tính nhạy cảm của đối tượng cần kiểm tra và để gom bằng chứng mọi việc đều suôn sẻ. Nếu trong quá trình kiểm tra nhận thấy có sai sót thì sẽ xử lý theo quy pháp đã định trước (luật, điều lệ, hợp đồng,…).
(c) Sau tai nạn Formosa thì thấy nhiều lời hứa sẽ thanh tra kỹ, sẽ truy cứu trách nhiệm cá nhân và tập thể, sẽ “xử lý nghiêm” (nghĩa là phạt nặng theo ngôn ngữ cuả đảng CS) mọi vi phạm không nhường nể ai, sẽ rút kinh nghiệm,… Nói thì oai lắm. Nhưng người dân đã mất toi kế sinh nhai, Nhà nước đã phải chi tiền cứu trợ, Formosa mất tiền bồi thường và môi trường đã bị xâm phạm rồi. Thanh tra có làm sống lại những người chết vì đã ăn cá nhiễm độc hay không? Người ta kiểm tra (chứ không phải là thanh tra) để cho những tình trạng tiêu cực tiềm tàng không xảy ra chứ không chờ khi nào có vấn đề mới thanh tra. Không ai chờ mất trâu mới lo xây chuồng.
Nước biển có thể coi là sạch và cá được phép ăn và bán khi chất độc ở dưới ngưỡng an toàn.
Không bao giờ có thể đạt được an toàn và toàn vẹn tuyệt đối cả. Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động trên sinh vật của các chất độc và đã định cho mỗi chất một lượng tới hạn cơ thể có thể hấp thụ mà không bị hại và một hàm lượng tới hạn nước và không khí không làm hại đến sinh vật. Những lượng và hàm lượng đó gọi là ngưỡng an toàn. Các cơ quan quốc gia hay quốc tế lấy các ngưỡng an toàn đó để khuyến nghị hay áp đặt các tiêu chuẩn. Người phàm chúng ta chỉ cần coi nước biển là sạch khi hàm lượng tất cả các chất độc ở dưới hàm lượng của tiêu chuẩn và ăn cá chứa lượng chất độc ở dưới lượng của tiêu chuẩn.
Chính phủ vừa tuyên bố nước biển đã sạch và cá đã về rồi. Người dân hỏi thế thì cá đã có thể ăn được hay không. Nhà khoa học thì hỏi các vị đã lấy bao nhiêu mẫu, ở đâu và ở những thời điểm nào. Dù những câu hỏi này có được Chính phủ trả lời hay không thì chúng ta cũng vẫn có thể lạc quan một chút. Chúng tôi viết “có thể” vì những lý do lạc quan nêu sau đây dựa trên kiến thức chúng tôi đã tích lũy trong đời nghề[iii] có thể khác với điều kiện địa phương.
Bờ biển miền Trung có gió mạnh thổi từ Bắc xuống Nam sinh ra một luồng nước trên mặt biển cũng từ Bắc xuống Nam. Luồng nước này chở chất độc thải ra từ ống dẫn của Formosa dọc bờ biển cho tới Lăng Cô. Ở dưới luồng nước trên mặt biển thì có một luồng mạnh hơn chẩy vòng quanh Biển Đông theo hướng kim đồng hồ, nghĩa là từ Nam ra Bắc ở bờ biển miền Trung[iv]. Chất độc do Formosa thải ra sẽ được pha loãng mau hơn ở giáp giới hai luồng nước chẩy ngược dòng. Vì vậy mà thông tin có thể tắm được ở bờ biển Vũng Áng là có thể tin được.
Nước sạch thì cá từ các vùng biển khác sẽ đến ở và sinh sản. Còn lại câu hỏi cá đã có thể ăn được hay không.
Lẽ cố nhiên là không được bán và ăn cá chết. Cá sống thì vẫn cần cảnh giác. Một sinh vật có thể hấp thụ một lượng chất độc dưới ngưỡng chết (lethal level). Cá vẫn còn sống nhưng chứa chất độc đã hấp thụ ấy. Con người ăn cá và tới phiên mình hấp thụ chất độc. Thông thường thì không thấy gì mà phải lo sợ. Nhưng sức khỏe và thời gian sống (expected residual life time) giảm mà không biết. Ăn mãi loại cá ấy thì có ngày cũng phải thấy mình đang mang bệnh và lúc đó thì đã quá muộn.
Không phải chỉ có cá câu ở Hà Tĩnh sau tai nạn Formosa vài tháng hay một năm mới đặt vấn đề an toàn thực phẩm. Tất cả các thực phẩm bầy bán và ăn trên toàn cõi nước ta, sản xuất nội địa hay từ ngoại quốc nhập vào phải luôn luôn được bảo đảm là an toàn. Đây không phải là một kiến nghị của chúng tôi. Đó là nghĩa vụ của một Chính phủ vì dân.

Những thiếu sót

Chúng tôi xin kể một chuyện mà bây giờ khi nghĩ lại làm chúng tôi bật cười. Đó là tin Trung Quốc cố ý thải chất độc để diệt chủng các nước ven Biển Đông mà thống lĩnh lãnh biển này. Ai cũng biết rằng, ngoài việc vi phạm chủ quyền của đất nước ta, Trung Quốc tham gia xúc phạm môi trường khi xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và sẽ xúc phạm nhiều hơn nữa khi họ đưa các cảng âu vào hoạt động. Nhưng môi trường là một vấn đề bức xức của cả thế giới. Nhân những vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam, giới bảo vệ môi trường vận động để tội danh hủy diệt môi trường được thừa nhận nặng như tội diệt chủng hay tội ác chiến tranh. Nếu cáo buộc ý đồ diệt chủng này của Trung Quốc có cơ sở vững chắc thì đây là một chuyện động trời phải đưa ra Liên Hiệp Quốc vì không phải chỉ một mình Việt Nam sẽ bị liên lụy và một mình Việt Nam cũng không thể làm gì được để chống lại. Nếu chưa thể chứng minh như vậy thì phải tố cáo mạnh mẽ về những vi phạm cụ thể, như cách Philipines làm khi kiện Tung Quốc ra Toà Quốc tế, và tránh những cáo buộc không đủ cơ sở chỉ có tác dụng kích thích dân tộc chủ nghĩa. Thay vì thế, chúng tôi nhận thấy Chính phủ làm ngơ để cho những tin thất thiệt này lan truyền trong và ngoài nước.
Cá chết hàng loạt ở miền Trung là một thảm họa. Nhưng phải coi đó là một tai nạn công nghiệp.
Nhiều nước công nghiệp đã cất cánh nhờ công nghiệp gang thép. Họ đã khai thác hết những mỏ sắt và mỏ than của họ rồi nên phải sang nước khác để tiếp tục sản xuất gang thép phục vụ các ngành công nghiệp khác chứ không phải tại vì các tiêu chuẩn về an toàn người dân và toàn vẹn môi trường ở nước họ quá khắt khe. Bằng cớ là họ vẫn có những khu tập thể gang thép ở các cảng lớn của nước họ. Bây giờ, với giá cước vận tải rẻ họ có thể mang quặng và than từ một nước để chế biến thành gang thép ở một nước khác, chở gang thép đến nước thứ ba để cán thành bán thành phẩm, chở các bán thành phẩm đó sang một nước thứ tư để chế tạo thương phẩm trước khi chở thương phẩm đó để bán ở một nước thứ năm. Chuỗi cung cấp từ mỏ đến cửa hàng bán lẻ đó được tối ưu hóa để có giá thành thấp nhất, suy ra lãi cao nhất, khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong số các thông số của bài tính tối thiểu hóa giá thành thì có chi phí bảo đảm an toàn người dân và toàn vẹn môi trường. Những chi phí làm tăng giá thành của sản phẩm cuối cùng nhưng không đáng kể. Do đó mà người ta không chọn địa điểm đặt một nhà máy nhất thiết vì có thể dễ dàng xúc phạm môi trường và, nhờ đó, giảm giá thành.
Formosa chọn Vũng Áng vì địa điểm này gần mỏ sắt Thạch Khê và cho phép xây một hải cảng nước sâu để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, viên chức của Formosa, “phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép[v] biểu hiện sự khinh bỉ của ông này đối với dân tộc ta và sự ngu dốt của ông ta về chiến lược công nghiệp[vi].
Các tác nhân phải chịu trách nhiệm về tai nạn Formosa là những người đã cho phép thực hiện dự án và những người kiểm tra thi hành những cam kết của Formosa.
Trên giấy tờ thì nước nào cũng có bộ pháp quy về bảo vệ môi trường giống như bộ pháp quy của các cường quốc công nghiệp. Nước ta cũng có Luật Bảo vệ Môi trường như vậy. Nhưng bớt chi được một xu nào thì lãi thêm xu đó. Nếu nơi chọn đặt nhà máy ở một nơi mà nhà nước yếu hèn, “đánh giá tác động môi trường vẫn còn những lỗ hổng[vii], nhân viên kiểm tra chỉ kiểm tra cho có lệ[viii], thì họ lợi dụng ngay để lẩn tránh luật lệ của nước chủ nhà. Tuy nhiên họ không dại gì mà xúc phạm môi trường đến nỗi tội ác của họ bị phát hiện. Họ sẽ dừng lại ở ngưỡng không thể bị bắt quả tang nếu nước chủ nhà không kiểm tra kỹ.
Rất có thể Formosa đã trắng trợn thải chất độc ra Biển Đông đến nỗi cá chết nhiều như thế. Nhưng chúng tôi không có bằng chứng để quả quyết việc này. Trừ khi Thanh tra Chính phủ khám phá ra điều gì khác, chúng tôi nghĩ rằng tai nạn đã xảy ra vì hệ thống xả nước không có thiết bị chống sai lầm (crazyproof device) làm cho cho nhân viên đã vô ý vặn van sai. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, chúng tôi cho rằng Formosa, cũng như bất kỳ ai khác, phải được hưởng quyền giả định vô tội (presumption of innocence) của mọi nhà nước pháp quyền.

Giải pháp

Formosa phải chịu hai loại trách nhiệm: trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sư. Về trách nhiệm dân sự thì bất cứ ai bị thiệt trực tiếp cũng như gián tiếp vì tai nạn Formosa đều có thể đòi xí nghiệp này bồi thường. Nếu đòi không được hay đền bù không đủ thì người dân có thể kiện Chính phủ. Chính phủ cũng có thể đòi Formosa bồi thường chi phí cứu trợ các nạn nhân. Chúng tôi xin báo trước rằng Formosa sẽ nhì nhằng trước tòa án cả chục năm.
Có ý kiến để cho Formosa tiếp tục nhưng kiểm tra chặt và “nếu Formosa tái phạm, họ sẽ bị đóng cửa[ix]. Cụm từ “kiểm tra chặt” không có thực chất. Chúng ta chờ có một tai nạn nữa thì mới hành động à? Làm việc gì thì phải có quy trình kiểm tra và làm y như quy trình đã quy định[x]. Theo kinh nghiệm thì tuyên bố xuông chẳng đi đến đâu mà lại làm cho người dân khinh bỉ.
Cũng có ý kiến đóng cửa Vũng Áng và đuổi Formosa về nước họ. Đây là giải pháp triệt để nhưng sẽ đặt nhiều vấn đề khác mà chỉ có Quốc hội mới có quyền biểu quyết.
(a) Như viết ở phần trên, Formosa xây cụm công nghiệp Vũng Áng là để dùng quặng sắt của Thạch Khê. Gang thép họ chế biến sẽ dùng làm nguyên liệu cho cụm công nghiệp Cà Ná. Bán thành phẩm của Cà Ná sẽ dùng cho các ngành công nghiệp chế biến ở nước ta. Nếu đóng cửa Vũng Áng thì phải đóng cửa Thạch Khê hay là tìm đầu ra khác cho mỏ sắt này. Nếu không xây Cà Ná nữa thì phải tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác[xi].
(b) Formosa đã xây nửa chừng rồi. Nếu bị đuổi thì họ chỉ có thể dỡ một số thiết bị để lắp đặt ở một nước khác. Còn lại những thiết bị khác và hạ tầng kiến trúc thì chúng ta làm gì? Tịch thu? Bồi thường? Đập phá, san bằng địa bàn, hủy dự án, trả lại đất cho nông dân? Giữ nguyên để trao cho một xí nghiệp khác đến tiếp tục dự án? Sau khi nghiên cứu tính khả thi kinh tế, kỹ thuật an toàn cho con người và toàn vẹn môi trường của tất cả các phương án không ngoại trừ phương án nào thì sẽ có hai hay ba phương án có lợi ích tổng hợp gần giống nhau nhưng khác nhau về khía cạnh này khía cạnh nọ. Quốc hội sẽ chọn một trong số hai ba phương án đó.
(c) Khi đến đầu tư tại một nước, chủ đầu tư mong đợi được tiếp tục làm ăn bình yên. Do đó mà nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên bố bảo đảm sẽ không quốc hữu hóa và không tịch thu tài sản của các xí nghiệp ngoại quốc đến đầu tư ở nước ta. Formosa đã chi một phần ngân sách đầu tư của họ rồi để xây dự án. Dù có bồi thường họ thì những lý lẽ chúng ta đưa ra để kêu gọi đầu tư nước ngoài sẽ mất đi một phần nào tính khả tín của chúng ta.
Ngay cả khi tình hình cá và nước biển trở lại bình thường thì vẫn còn người dân phải tìm kế sinh nhai khác. Giải pháp xếp đặt nghề nghiệp nào thì cũng phải hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài của miền Trung, vùng chậm tiến nhất của đất nước. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà đồng bào miền Trung phải bàn với sự trợ giúp của các kinh tế gia trước khi đưa ra Quôc hội.
Khư khư kêu rằng đã làm đúng quy trình để không có hành động chỉnh sửa gì là không thể chấp nhận được. Quy trình xin phép và cho phép thực hiện một dự án lớn như dự án cụm công nghiệp Vũng Áng hiển nhiên là không tốt vì đã để cho tai nạn xẩy ra. Trình để thông qua Báo cáo Tác động Môi trường như hiện nay là hoàn toàn không đủ. Chúng tôi không bàn về nội dung của văn bản đó. Xí nghiệp phải bảo đảm môi trường sẽ toàn vẹn để bảo đảm an-toàn của con người. Do đó mà Chính phủ phải xét duyệt một Báo cáo Bảo đảm An toàn của con người và Toàn vẹn môi trường gọi tắt là Báo cáo Bảo đảm An toàn và Toàn vẹn[xii]. Trước mắt thì Chính phủ phải thiết kế lại quy trình xin phép và cho phép thực hiện một dự án và áp dụng nó cho dự án Formosa:
(a) Formosa tạm thời ngưng tất cả các hoạt động xây dựng cũng như sản xuất,
(b) Formosa viết lại Báo cáo Bảo đảm An toàn và Trọn vẹn cho thích nghi với bộ tiêu chuẩn của một cường quốc công nghiệp mà Chính phủ chọn và lấy làm bộ tiêu chuẩn quy chiếu của nước Việt Nam[xiii],
(c) các cơ quan hữu trách nghiên cứu báo cáo đó và chỉ chuẩn y khi báo cáo hoàn toàn thích nghi với bộ tiêu chuẩn Việt Nam nêu ở trên,
(d) cho phép Formosa hoạt động lại sau khi đã kiểm tra và đã nhận thấy họ đã thực thi Báo Cáo Bảo đảm An toàn và Trọn vẹn mới.
Theo Nghị quyết 49/2010/QH12 ngày 19–06–2010[xiv], điều 3, đoạn 2, thì chỉ có những nhà máy điện hạt nhân được coi là nguy hiểm cần được phép của Quốc hội trước khi xây. Đây là một thiếu sót mà chúng tôi xin Quốc hội bổ túc. Một nhà máy lớn trong ngành hạt nhân không sản xuất điện hay một nhà máy công nghiệp nặng cũng nguy hiểm như một nhà máy điện hạt nhân và có thể nguy hiểm hơn. Ở các nước công nghiệp Tây Âu thì một dự án nhỏ hơn cụm công nghiệp Vũng Áng cũng phải đưa ra bàn trước Quốc hội.

Kết luận

Như bạn đọc có thể nhận thấy: tai nạn Formosa đặt chúng ta ở một thế khó xử. Nếu các cơ quan chức năng đã nghiên cứu nghiêm chỉnh Báo cáo Tác động Môi trường và trước đó đã kiểm tra kỹ thì tai nạn đã không xẩy ra. Trong ngành quản lý công nghiệp người ta có châm ngôn “làm tốt ngay từ đầu và tiếp tục làm tốt” (right the first time, right evrytime)[xv].
Đ.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.

[i] Để cho gọn, chúng tôi dùng cụm từ “tai nạn Formosa” để chỉ tai họa cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh Bắc Trung-Bộ do Formosa thải nước độc ra Biển Đông.
[ii] Trong ngành quản lý công nghiệp chúng tôi gọi tình trạng không chuẩn này là tình trạng không có chất lượng (non quality state).
[iii] Do đó mà chúng tôi kêu gọi phải quan trắc liên tục để theo dõi tình hình biến chuyển ra sao. “Bạn không thể cải tiến được cái gì mà bạn không thể đo được” (If you can not measure it, you can not improve it – Lord kelvin).
[iv] Đây là một dòng nước ngầm của hệ thống hải lưu toàn cầu. Bạn đọc có nhu cầu hiểu thêm thì có thể tham khảo các từ điển bách khoa về hải dương hay Wikipedia.
[v] Formosa xin lỗi về phát ngôn gây sốc vụ cá chết hàng loạt
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/formosa-xin-loi-ve-phat-ngon-gay-soc-vu-ca-chet-hang-loat-3393540.html
[vi] Nhiều nhà máy gang thép và hóa lọc dầu bao quanh Etang de Berre, bên Pháp. Thế mà cũng có khu đô thị du lịch như thị xã Martigues và những bãi dành cho giải trí bơi lội và du thuyền. Người ta dùng Etang de Berre làm hồ chưa nước làm nguội và chữa cháy và để hứng nước thải. Các công nghiệp nổi tiếng là xúc phậm môi trường nhiều nhất tập trun gở đó để dễ quản lý ô nhiễm và dễ kiềm chế một tai nạn công nghiệp tiềm tàng.
[vii] Không được đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn
http://vtv.vn/trong-nuoc/khong-duoc-danh-doi-moi-truong-lay-tang-truong-kinh-te-ngan-han-20160719234751896.htm
Đánh giá tác động môi trường của Formosa: Giật mình!
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/danh-gia-tac-dong-moi-truong-cua-formosa-giat-minh-1029013.tpo
[ix] Nếu Formosa tái phạm các cam kết thì sẽ bị đóng cửa
http://plo.vn/thoi-su/neu-formosa-tai-pham-cac-cam-ket-thi-se-bi-dong-cua-644826.html
Sẽ truy trách nhiệm cá nhân vụ Formosa
http://plo.vn/thoi su/se truy trach nhiem ca nhan vu formosa 644926.html
[x] Đặng Đình Cung: “Cơ sở lý thuyết của việc đảm bảo chất lượng”
http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/quantri/27059/
Đặng Đình Cung: “Đúng quy trình thì vẫn chưa đủ
http://www.diendan.org/viet-nam/dung-quy-trinh-thi-van-chua-du
[xi] Tại sao chúng tôi chống lại khai thác mỏ boxit ở Tây Nguyên mà lại ủng hộ khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ là đề tài cho một bài khác.
[xii] Đặng Đình Cung: An toàn của con người và toàn vẹn môi trường (đang biên tập).
[xiii] Chỉ có Báo cáo Tác động Môi trường thôi thì không đủ. Mục đích là bảo đảm an toàn con người. Môi trường toàn vẹn là một nhân tố của an toàn con người. Vậy phải có một “Báo cáo An toàn cho Con Người và Toàn vẹn Môi trường“, gọi tắt là “Báo cáo An toàn và Toàn vẹn” (Safety and Integrity Report). Bạn đọc có nhu cầu thì có thể tham khảo bài “An toàn cho Con Người và Toàn vẹn Môi trường” của chúng tôi hay các sách giáo khoa về bảo đảm an toàn, môi trường và chất lượng.
[xiv] Nghị quyết 49/2010/QH12: “Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư
http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=25805
[xv] Để truyền bá châm ngôn này ở Việt-Nam chúng tôi gọi nó là “hai tốt“.

Việt Nam ‘treo’ TPP, Trung Quốc có cứu Hà Nội?; Việt Nam : Đằng sau việc hoãn phê chuẩn TTP

    Tháng Chín năm 2016, kỷ niệm một năm từ lúc Bộ Công thương hồ hởi loan báo “Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương về TPP”, và tính từ năm 2010 là lúc giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu chiến dịch vận động để được tham gia TPP, lần đầu tiên Bộ Chính trị ngã lòng.
    Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần tuyên bố Việt Nam sẽ căn cứ vào chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ khi phê chuẩn hiệp định TPP.
    Tuyên bố bất ngờ này hoàn toàn trái ngược với tiết lộ của chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2016 rằng Ủy ban đang tích cực chuẩn bị để Quốc hội bỏ phiếu thông qua TPP, có thể vào cuối năm nay.
    Trước đó nữa, không có bất cứ dấu hiệu công khai nào cho thấy Việt Nam trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua TPP. Cũng chẳng có dấu hiệu nào từ “Trung ương đảng” chỉ đạo cho Quốc hội phải “thận trọng” đối với tiến trình bỏ phiếu TPP.
    Rõ là đã xảy ra một động tác “xét lại”, có thể trong một cuộc họp quan trọng gần đây của Bộ Chính trị, để đưa ra quyết định chỉ đạo cho Quốc hội cần trì hoãn bỏ phiếu đối với TPP.
    Hụt hẫng
    Vào năm 2015, hiệp định này đã suýt nữa bị lưỡng viện Hoa Kỳ bác bỏ. Sau khi chạy lòng vòng từ Hạ viện sang Thượng viện rồi quay trở lại Hạ viện, người Mỹ đã từng bước nhích tới TPP bằng việc thông qua định chế TPA (quyền đàm phán nhanh giúp cho tổng thống Mỹ có quyền quyết định những vấn đề then chốt trong đàm phán TPP với các quốc gia) với tỷ lệ phiếu thuận/nghịch suýt soát nhau đến nghẹt thở.
    Trong khoảng thời gian, giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ không kém thót tim trong quá trình “chuẩn bị tích cực cho chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
    Cuối cùng thì mọi việc cũng tạm ổn. Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Trọng họp Bộ Chính trị để nghe thông báo về kết quả đàm phán TPP và sau đó được Washington đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Triển vọng TPP sáng sủa hơn lúc nào hết để “Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP”.
    Đảng cũng vì lẽ đó mà đương nhiên chiếm phần. Kinh tế quyết định chính trị, không có TPP mà do đó không có đầu tư và viện trợ thì có trời mới biết chân đứng chính trị của đảng sẽ ra nông nỗi nào.
    Nhưng một năm sau từ tháng 9/2015, những thông tin gần nhất lại cho thấy tình hình TPP là bất lợi cho nhiều quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 7/2016, ứng cử viên Hillary Clinton đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ TPP vì ba lý do mà TPP không thỏa mãn được: tạo ra việc làm cho người Mỹ, tăng lương cho người lao động Mỹ, và thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.
    Sau đó, một bi kịch khác xảy đến: thông tin quốc tế cho biết ứng cử viên Trump cũng không ủng hộ hiệp định thương mại này.
    Đây là tình thế hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, vì Mỹ là quốc gia đóng vai trò quyết định trong TPP, và quá khó để tổng thống mới của Mỹ nhanh chóng thông qua hiệp định này, cho dù tổng thống hiện thời là ông Obama vẫn luôn khích lệ thông qua càng sớm càng tốt.
    Công cuộc vận động để tham gia vào TPP của chính quyền Việt Nam từ năm 2010 có nguy cơ xôi hỏng bỏng không. Không chỉ Việt Nam mà cả những nước khác cũng vậy…
    Có thể hình dung tâm trạng thật sự hẫng hụt của giới lãnh đạo Việt Nam khi nhìn vào gương mặt của Hillary Clinton và Donald Trump. TPP vẫn được coi là cứu cánh đối với nền kinh tế đã trôi vào năm thứ 8 suy thoái liên tiếp ở Việt Nam, là cần cẩu để trục vớt cho những gì còn sót lại từ sau triều đại bị coi là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và TPP cũng là một trong những mấu chốt để ổn định - ít nhất trên lý thuyết - sự tồn tại thêm ít năm của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
    Nếu TPP thất bại, sáu năm đàm phán TPP của thể chế “kinh tế Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ” sẽ trở thành công cốc. Sẽ không còn cơ hội để khoác lác về “GDP tiếp tục tăng trưởng từ 6-7%”. Thậm chí 1% cho GDP cũng còn là khó!
    Và nếu TPP không được thông qua, hoặc chỉ được thông qua một phần - tương ứng với một số quốc gia, và đặc biệt tệ hại là trong số quốc gia đó lại không có Việt Nam - có thể hình dung cánh cửa còn lại để cứu vãn nền kinh tế sắp sụp đổ của Việt Nam đã tuyệt đối đóng lại.
    Chờ đợi và chẳng biết phải làm gì
    Còn bây giờ, tất cả đều phải chờ đợi. Giới chính khách Mỹ chờ đợi, phần lớn thế giới chờ đợi và giới lãnh đạo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Việc Hillary Clinton hoặc đặc biệt là Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi, thậm chí là thay đổi rất lớn về chính sách đối ngoại, trong đó TPP chỉ là một phần.
    Tương lai nước Mỹ đang được cảnh báo có thể rơi vào tay một người hành động tùy hứng như Donald Trump mà do đó không ai có thể đoán được là nếu trở thành tổng thống, ông Trump có quyết định thay đổi chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương có từ thời Tổng thống Obama hay không, hoặc có chấp nhận một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay không…
    Tương lai bất định của nền chính trị Mỹ cũng là tâm thế lúng túng đến mức “chẳng biết phải làm gì” của giới lãnh đạo Việt Nam - vốn quen đu dây không ngừng nghỉ nhưng không biết đến lúc nào sẽ bị té theo cách đầu chúc xuống.
    Trong bối cảnh mờ mịt ấy, có thể dễ hiểu là Quốc hội và đảng rất sợ “cầm đèn chạy trước ô tô”, hồ hởi bỏ phiếu thông qua TPP nhưng sẽ bị “hố”. Cách tốt nhất và bản năng nhất là cứ chờ đợi và tiếp tục chờ đợi. Cứ để bầu cử tổng thống ở Mỹ xong xuôi rồi thăm dò từng động thái đối ngoại của họ, sau đó hẵng quyết định. Dù sao, chưa có TPP thì cũng chưa thể chết ngay được.
    Theo lẽ đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam - cơ quan tham mưu không chỉ cho chính phủ mà cho cả Bộ Chính trị nước này - đang theo dõi rất sát tình hình bầu cử ở Mỹ. Khả năng Quốc hội Việt Nam thông qua sớm nhất đối với TPP sẽ chỉ có thể diễn ra vào kỳ họp đầu năm 2017, nếu tình hình có chút ánh sáng.
    Còn ở Mỹ, khả năng sớm nhất thông qua TPP là ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Khi đó, Tổng thống Obama sẽ đưa hồ sơ TPP gần 5.500 trang ra Quốc hội Mỹ, và theo quy định của Quyền đàm phán nhanh (TPA), Quốc hội Mỹ không được sửa đổi những nội dung đã đàm phán về TPP mà chỉ bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua.
    Nếu không thông qua, TPP sẽ bế tắc và Việt Nam cũng thế.
    Nhưng nếu chế độ chính trị Việt Nam bế tắc, liệu Trung Quốc có muốn và có thể làm một động tác gì đó để thay thế TPP cho Việt Nam?
    Trung Quốc có cứu chính thể Việt Nam?
    Có nhiều lo ngại về khả năng này, đặc biệt có đồn đoán về việc Trung Quốc đã cho chính thể Hà Nội vay mượn hàng trăm tỷ đôla trong nhiều năm qua.
    Tất cả chưa thể có được câu trả lời rõ ràng. Nhưng một dấu hiệu mang tính tham khảo đang diễn ra ở phía bên kia bán cầu. Ở nơi đó, đồng minh thân cận của Trung Quốc là “Venezuela xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” đã chìm dưới cơn sóng thần lạm phát 700% nhanh đến mức có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ như đang tính toán lại mối quan hệ liên minh với Venezuela - quốc gia mà nước này đã cho vay khoảng 60 tỷ đôla...
    “Các cuộc họp đã đi đến nhất trí là [Trung Quốc] sẽ không đầu tư thêm vào Venezuela”, một nguồn tin quốc tế cho biết: “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục ngã”. Theo nguồn tin này, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển nhân viên sang Colombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của Trung Quốc ở nước này đã bị đình trệ.
    Việt Nam cũng đang là một túi nợ của quốc tế và khả năng vỡ nợ đang lớn hơn bao giờ hết. Nếu cứ đâm đầu vào ngõ cụt ý thức hệ và tham nhũng tàn mạt, giới chính trị Việt Nam cũng rất có thể sẽ biến chế độ này thành một “thành trì xã hội chủ nghĩa Venezuela” mà đến Trung Quốc cũng không còn muốn cứu đám đồng chí tới hồi chạy loạn.
    * Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

    Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

    Chỉ những người vô công rồi nghề mới xem VTV và cộng tác với VTV để kiếm cơm ?!



     

    (Giáo dục) - Phụ huynh ở thành phố Sóc Trăng “té ngửa” khi được giáo viên thông báo con họ học đến lớp 6 mà không biết đọc, viết. Có em bị trả về học lại chương trình lớp 1.

    Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc. Ảnh: Phúc Hưng
    Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc. Ảnh: Phúc Hưng
    Chị Tô Thị Quỳnh Giao có con học xong chương trình tiểu học tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành, TP Sóc Trăng. Năm học 2016 – 2017, hay tin con trai Lâm Sơn Vũ được tuyển vào lớp 6 ở một trường THCS trên địa bàn, chị rất vui.
    “Mừng chưa lâu thì mấy ngày sau khai giảng, giáo viên chủ nhiệm mời tôi đến thông báo con tôi chưa biết đọc, viết nên không thể học lớp 6. Họ đề nghị cho cháu về lại trường cũ học chương trình lớp 1″, chị Giáo nói.
    Kiểm tra thực tế khả năng của Vũ, nhiều người bất ngờ khi em không thể viết được tên của mẹ mình, dù được mọi người xung quanh đánh vần cho từng chữ.
    Theo gia đình, trong hai năm Vũ học cuối cấp tiểu học, họ có phát hiện kiến thức của con không đạt nên yêu cầu trường cho em ở lại lớp, nhưng không được chấp nhận. “Trường nói con tôi đủ số điểm để lên lớp, chỉ cần phụ đạo thêm kiến thức là ổn, nhưng giờ sự việc ra thế này tôi cũng không biết phải làm sao”, chị Giao tâm sự.
    Bị từ chối nhận vào lớp 6, Vũ được trả về trường cũ và được nhà trường bố trí học lại, nhưng hiện em đã bỏ học.
    Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của Vũ là có thật, đồng thời cho biết, khi tiếp nhận lại Vũ, trường khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một giáo viên kèm riêng cho em, bắt đầu từ chương trình lớp 1.
    “Chúng tôi đang liên hệ với gia đình để vận động em tiếp tục đến trường”, cô Hạnh nói và cho biết khâu kiểm tra chất lượng hàng năm được nhà trường làm rất kỹ lưỡng, nhưng trường hợp của Vũ là do một phần lỗi của nhà trường vì quá tin tưởng vào giáo viên.
    Trường hợp của Vũ không phải là cá biệt ở TP Sóc Trăng, thầy cô giáo ở trường tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang đau đầu vì trường này có 8 em học lớp 3 mà không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần.
    Hồi đầu năm học, nhiều học sinh được lên lớp 2 ở trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng không biết đọc, viết nên phụ huynh làm đơn xin cho con ở lại lớp 1.
    Một số giáo viên cho biết, việc giao chỉ tiêu và áp lực của trường chuẩn quốc gia là rất lớn. “Cuối năm, mỗi lớp học sinh lưu ban không được quá một em. Đây cũng là nguyên nhân khiến giáo viên, nhà trường chạy theo thành tích mà quên đi chất lượng giảng dạy”, giáo viên chia sẻ.
    Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn xảy ra tình trạng trên. “Việc này không riêng ở thành phố, mà ngay ở các vùng nông thôn cũng có nhưng chỉ chiếm số ít. Tuy nhiên, đây là sơ sót lớn cần được chấn chỉnh sớm”, bà Hà nói và cho biết đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh tăng cường đến cơ sở kiểm tra, tổng hợp để báo cáo đến UBND tỉnh.
    (Theo Tiền Phong)

    Huy Đức - Vụ kiện Forrmosa và nền Tư pháp Việt Nam; Formosa Hà Tĩnh: Việc ngư dân đi kiện là chuyện nội bộ chúng tôi không liên quan

    Tòa án Kỳ Anh nhận đơn kiện Formosa và báo nhà nước đưa tin là một động thái tích cực. Nếu Chính quyền thụ lý tốt vụ kiện này nhằm tạo ra một "án lệ" thì coi như đã khởi đầu cho một lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu coi đây chỉ là giải pháp "chiến thuật" thì sẽ như đang cài kíp vào những trái bom nổ chậm.


    Khi thu thập đủ bằng chứng, buộc Formosa nhận tội và đòi được khoản bồi thường 500 triệu USD, có lẽ các quan chức Chính phủ cũng hí hửng như khi Ronaldo lập hattrick, đưa Bồ Đào Nha tới EURO 2016. Và, có lẽ họ đã rất chưng hửng khi ngước lên thay vì thấy khán giả reo hò thì lại có rất nhiều người la ó.

    Trong vụ Formosa, người dân cũng muốn dõi mắt theo các đường banh, hồi hộp, xuýt xoa, la hét... Nhưng họ gần như đã bị đặt ra ngoài "sân vận động" ngay cả khi trở thành nạn nhân. Hành động dân chúng kéo nhau lên tòa nhắc nhở rằng, vai trò của chính phủ là kiến tạo trận cầu chứ không phải tự mình sút vào lưới hay âm thầm dàn xếp tỉ số.

    Có thể bằng sức mạnh của bộ máy toàn trị chính quyền tin sẽ không có phản ứng từ những người dân chưa ủy quyền đàm phán bồi thường thiệt hại cho mình. Có thể vì thiếu tự tin, chính quyền không muốn để dân hành xử quyền của họ. Có thể số tiền tự dân chúng kiện đòi được từ Formosa ít hơn con số 500 nhưng nhu cầu của dân chúng còn là công lý chứ không đơn giản là tiền bạc.

    Cần cám ơn những người dân Kỳ Anh đã dạy cho Chính phủ giới hạn quyền của cơ quan hành pháp. Trong giai đoạn điều tra, thu thập chứng cứ để buộc Formosa nhận trách nhiệm, Chính phủ đã làm tốt. Nhưng trong giai đoạn bồi thường, Chính phủ cũng chỉ là một nạn nhân như người dân, đại diện cho các chủ thể bị xâm hại thuộc khu vực công (tài sản công và môi trường thiên nhiên...).

    Hòa giải là một lựa chọn ưu tiên chứ không nhất thiết vụ kiện nào cũng phải qua tòa án. Nhưng, khi hòa giải, phải có đủ đại diện nạn nhân (thuộc cả khu vực tư và khu vực công).

    Chưa kể cách thỏa thuận một khoản tiền đền bù trước khi có một quy trình đánh giá thiệt hại khoa học và minh bạch là không thuyết phục. Việc chính phủ cho rằng mình đương nhiên có quyền đại diện cho dân chúng để đứng ra thỏa thuận và nhận tiền từ Formosa, tưởng là có tinh thần trách nhiệm với dân, hóa ra lại rất sơ hở về mặt pháp lý và mắc một lỗi khá lớn về chính trị.

    Sự kiện các nạn nhân của Formosa chiều 26-9-2016 vác đơn đi kiện đánh dấu một bước trưởng thành của dân chúng. Chính quyền cũng nên coi đây là một cơ hội để tự trưởng thành. Đừng nghĩ có thể "câu giờ" khi người dân đã trở về nhà mà phải bắt đầu nhận ra rằng, dân không còn để cho mình hành xử theo thói quen cũ nữa.

    Nền tảng quan trọng nhất của công lý là niềm tin. Nếu không có một tòa án độc lập, không bị Formosa mua và không chịu sức ép của cấp ủy, để đưa ra một phán quyết mà người dân cảm nhận được công lý thì chính quyền sẽ khó yên với dân." -

    Huy Đức

    (FB. Trương Huy San)


    Sự kiện 600 ngư dân Nghệ An cùng Linh Mục Đặng Hữu Nam khởi kiện Formosa tiếp tục gây tiếng vang lớn. Vào ngày hôm qua, hàng loạt các hãng truyền thông quốc tế lớn đã đăng tin về sự kiện mang tính lịch sử này.


    Tin tức về vụ ngư dân kiện Formosa đã được loan tải trên hầu hết các hãng thông tấn và truyền thông lớn như AP, Reuters, DPA, The Times, AFP, Focus Taiwan... Các hãng truyền thông quốc tế cũng ghi nhận sự im lặng khó hiểu của gần 1,000 cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước CSVN. Hình như chỉ có một vài bản tin ngắn về sự kiện này được đưa một cách vắn tắt, trong khi thông tin lại phát tán mạnh trên mạng xã hội Facebook.

    Các hãng truyền thông quốc tế đưa lại những thông tin, hình ảnh về vụ đi kiện mang tính lịch sử của những ngư dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, mà các trang mạng xã hội Việt Nam đã loan tải rộng rãi trong những ngày qua. Các bản tin quốc tế đặc biệt trích lại những lời phát biểu của Linh mục Đặng Hữu Nam, vị lãnh đạo tinh thần của giáo xứ Phú Yên, người đã đứng ra tổ chức, điều hợp vụ khởi kiện này.

    Theo Linh mục Nam, cho dù Formosa đã nhận tội, thỏa thuận bồi thường 500 triệu USD cho chính quyền CSVN cũng không thỏa mãn được yêu sách của ngư dân. Theo ông, số tiền này là quá ít và không có sự tham khảo ý kiến từ người bị hại trực tiếp là ngư dân.

    Linh mục Nam nói thêm, ngay cả khi Formosa có đền bù đầy đủ, đa số ngư dân vẫn muốn đóng cửa nhà máy này vĩnh viễn, vì âm mưu đầu độc môi trường Việt Nam của họ là quá ác độc, và khó có thể kiểm soát được trong tương lai.

    Trong các bản tin quốc tế, Focus Taiwan, một truyền thông lớn tại Đài Loan đã phỏng vấn đại diện tập đoàn Formosa về sự kiện ngư dân Việt Nam đi kiện Formosa. Tổng Giám Đốc Formosa Hà Tĩnh Yu Ching Chang trả lời một cách vô trách nhiệm rằng, công ty Formosa có nghe tin về vụ kiện nhưng Formosa sẽ để cho chính quyền Việt Nam giải quyết bởi vì Formosa không liên quan đến sự việc này.

    Đại diện Formosa cũng nói thêm rằng họ đã được sự công nhận của chính quyền địa phương vì họ đã hết sức nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường.

    Cũng cần nhắc lại, trong những ngày đầu tiên khi vụ thảm họa cá chết xảy ra, một lãnh đạo của Formosa là ông Chu Xuân Phàm-Giám Đốc Đối Ngoại- đã xấc xược trả lời báo chí là người dân Việt Nam phải chọn giữa cá hoặc thép! Chính lời phát biểu này đã kích động sự phẫn nộ tột đỉnh, góp phần dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối Formosa và đồng phạm là chính quyền CSVN của người dân cho đến tận ngày hôm nay.

    Mặc dù các giới lãnh đạo cao nhất của Formosa sau đó đã cách chức ông Chu Xuân Phàm, và chính họ đã đứng ra xin lỗi dân Việt Nam, và cũng nói rằng Formosa “vô can” trong vụ đầu độc môi trường biển này. Kết quả sau đó thì ai cũng biết. Vào ngày 30/06, các lãnh đạo Formosa lại cúi đầu một lần nữa, nhưng lần này là nhận tội, và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho chính quyền CSVN.

    Đoàn Hưng

    (SBTN)