Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Những chuyện kinh hãi về vụ Năm Cam (2), ( 3)

Nếu chuyện về ông Trần Mai Hạnh là “phá một cái lệ”, là cấm đăng nhưng vẫn cứ đăng, thì chuyện về Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy (Năm Huy) chẳng khác gì nhảy vào lửa.
HÌnh minh họa (Nguồn tolam.org)
Ông Năm Huy từng làm Giám đốc Công an TP.HCM, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách xây dựng lực lượng, quyền to như núi. Thời ông làm Giám đốc Công an thành phố là thời Năm Cam lộng hành coi trời bằng vung, dư luận có bàn tán về mối quan hệ giữa ông với tập đoàn tội ác này, nhưng dù có chứng cứ cũng chẳng ai làm gì được ông. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng đã có kết luận về mối quan hệ này, nhưng hồ sơ vẫn bị xếp xó và ông Năm Huy vẫn được thăng hàm Trung tướng.

Tập đoàn tội ác Năm Cam được bảo kê không phải chỉ sau này. Hồi bắt Năm Cam lần thứ nhất (1995) cũng gặp không ít sự cản trở của những người bảo kê có quyền chức, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó rất kiên quyết, đến mức ông bảo ông “thế chấp chức Thủ tướng” để yêu cầu bắt Năm Cam. Không phải ông Sáu Dân dùng quyền uy của Thủ tướng để ra lệnh bắt người, ông có đủ chứng cứ nên yêu cầu thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật. Nhưng người ta đã âm thầm thả Năm Cam ra. Sau khi ông Sáu Dân thôi làm Thủ tướng, tập đoàn tội ác này phát triển mạnh mẽ, giăng lưới khắp nơi, coi TP.HCM là nơi vô pháp, là lãnh địa riêng của chúng. Đến mức, tại TP.HCM hồi đó, ai muốn mở một cửa hàng, một quán karaoke, một tiệm gội đầu cắt tóc… nếu không “nhờ” Năm Cam bảo kê thì đừng hòng hoạt động được.

Từ sau khi ra khỏi trại cải tạo, Năm Cam không bao giờ nghĩ mình có thể bị bắt một lần nữa. Bởi vì y đã thiết lập thêm những hàng rào bảo kê dày đặc, trên thì có người của các ông Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến và Trần Mai Hạnh, dưới thì có người của cơ quan cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, trong đó hàng rào bảo kê của Công an là an toàn vững chắc nhất. Năm Cam đã từng tính đường thoát bằng cách sang Campuchia dùng tiền mua một chức tướng, nếu như đường dây của y ở Việt Nam bị phá, nhưng có lẽ do thấy quá an toàn nên đã bỏ ý định đó. Bởi vậy mà khi bị bắt, y bất ngờ đến mức… đái ra quần.

Bắt Năm Cam lần thứ hai hoàn toàn không dễ. Phải có đủ chứng cứ. Cho nên, từ vụ án Dung Hà và đầu mối là Hải Bánh mới phăng ra được chứng cứ. Nhưng bắt Hải Bánh giam tại trại giam của Công an TP.HCM thì làm sao Hải Bánh chịu khai. Bởi vì, Hải Bánh biết rất rõ, chỉ cần khai ra Năm Cam thì những kẻ bảo kê cho Năm Cam trong cơ quan cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đời nào để cho Hải Bánh sống. Do đó, Ban chuyên án đã phải di lý Hải Bánh về Tiền Giang mới củng cố được chứng cứ bắt Năm Cam. Câu chuyện này chúng tôi đã tường thuật và phân tích đầy đủ trên báo Thanh Niên hồi ấy.

Vấn đề là phải phá cho được đường dây bảo kê từ lực lượng Công an, đứng đầu là trung tướng Bùi Quốc Huy.

Một hôm, Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế bảo tôi đi cùng anh đến một nơi anh không nói trước. Đến nơi đó, chỉ một người tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của ông. Người đó ông Lê Hồng Liêm (Sáu Liêm), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM. Ông Sáu Liêm chẳng nói chẳng rằng, giao cho tôi một tập hồ sơ. Đó là hồ sơ về những sai phạm của ông Bùi Quốc Huy liên quan đến Năm Cam. Tôi hỏi, tôi mượn về được không, ông nói không. Hỏi photocopy rồi trả lại được không, ông cũng nói không, rồi ngồi nói chuyện với anh Khế, mặc tôi muốn làm gì với tập hồ sơ đó thì làm. Tôi ngồi chép lại tất cả, từ ngày tháng, số hiệu hồ sơ cho tới nội dung, chép không sót một dấu chấm dấu phẩy nào.

Từ tài liệu đó cộng với một số nguồn tin khác được xác minh cẩn thận, tôi viết một bài báo dài chỉ 2 trang đánh máy. Anh Khế đã đọc đi đọc lạị không biết bao nhiêu lần, rồi bàn với tôi liên lạc với cô Mai Nhung, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay (NTNN) để “chia lửa”. Tôi gọi điện bàn với cô Mai Nhung, cô Nhung nhờ tôi viết một bài để NTNN đăng cùng một ngày với Thanh Niên. Khi hai tòa soạn cùng chuẩn bị đưa báo đi in thì 10 giờ đêm anh Khế đến. Anh bảo để NTNN đăng trước một ngày, hôm sau mình sẽ đăng. Tôi gọi điện cho cô Nhung, nhưng cô ấy hiểu nhầm là chúng tôi đưa cô ấy ra trước để “đõ đạn”, nên NTNN cũng hủy không đăng. Lúc đó đã 12 giờ đêm, anh Khế gọi, nói nếu NTNN không đăng thì mình cho đăng luôn đi, nhưng không kịp vì báo đã đưa đi in rồi. Hôm sau Thanh Niên mới đăng bài đó, nhưng ngày Thanh Niên đăng thì NTNN không có báo, vì báo ấy ra cách ngày. Hôm sau nữa NTNN mới đăng. Cô Mai Nhung là một Tổng biên tập ôn nhu nhưng trung thực và quật cường. Tôi từng nghĩ tôi chỉ có thể làm báo được với hai Tổng biên tập là anh Khế và cô Mai Nhung mà thôi.

Và nếu ai để ý, sẽ thấy trong ngày Thanh Niên đăng bài này thì trên báo Nhân Dân cũng có một bản tin ngắn gọn về ông Bùi Quốc Huy, bản tin đó do chính tôi viết nhưng không ghi tên tác giả, qua một mối quan hệ tin cậy gửi đăng trên Nhân Dân, mục đích cũng là để “chia lửa”. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao Nhân Dân lại có thể đăng được bản tin đó.

Ngày phát hành báo, cả tòa soạn rúng động. Anh Miễn phòng phát hành đến sớm để giao báo, anh nói anh cầm tờ báo mà run. Anh run là đúng rồi, vì Thanh Niên đã bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng suốt nhiều tháng liền, thậm chí sau khi ông Bùi Quốc Huy bị khởi tố thì Thanh Niên vẫn chưa thoát tội. Sau này tôi mới nghe anh Khế nói lại, anh đã đưa cho ông Nguyễn Minh Triết (Sáu Phong) xem bài báo đó trước khi đăng, ông Sáu Phong nói đăng bài đó thì có lợi cho việc chống tội phạm nhưng rất nguy hiểm cho báo Thanh Niên và bản thân anh Khế, nhưng anh Khế vẫn cho đăng, bất chấp tất cả (chuyện này anh Khế cũng đã kể trên trang fb của anh ấy). Mãi đến vài ngày trước khi mở phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng mới chính thức kết luận báo Thanh Niên không sai phạm.

Trở lại chuyện đại tá Hữu Ngọc. Ông Ngọc tất nhiên chẳng cung cấp tin tức gì về ông Bùi Quốc Huy, nhưng sau khi báo đăng, ông gọi điện cho tôi, bảo bài viết rất tốt nhưng “ngắn quá, sợ không đủ áp lực để xử lý”. Tôi nói, anh có cung cấp tin tức gì đâu mà nói ngắn với dài. Ông Ngọc chỉ cười trừ.

Còn về ông Sáu Liêm, cho đến khi tôi đưa cái stt này đưa lên facebook thì câu chuyện vẫn nằm trong bí mật của ba người : ông ấy, anh Khế và tôi. Cả báo Thanh Niên không ai biết. Tất nhiên dù có đi tù, dù có cứa cổ tôi thì tôi cũng không khai cho ông ấy. Sau vụ án Năm Cam, ông Sáu Liêm được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy bạn kiểm tra Trung ương Đảng. Tôi rất mừng vì một người cương trực như vậy đã được bầu vào cơ quan quyền uy như thế. Bây giờ ông đã về hưu, nói ra cũng chẳng ai đem cái chuyện ông làm “lộ bí mật” mà cách cái chức nguyên Phó Chủ nhiệm của ông được. Mà dù có cách cái chức nguyên Phó Chủ nhiệm kia thì cũng chẳng có gì nhục nhã như bao người khác, nó chỉ làm tăng thêm vinh dự cho ông mà thôi.

Ở đây có một bài học về xử lý thông tin tôi muốn gửi tới các nhà báo trẻ. Nếu như không phải tôi cùng với Tổng Biên tập tiếp cận trực tiếp tài liệu đó hoặc là tài liệu đó được lưu giữ tại một cơ quan thuộc ngành công an hoặc bị ngành công an chi phối thì nhất định không thể sử dụng. Bởi vì, ông Bùi Quốc Huy, bằng quyền lực của mình, rất có thể ra lệnh phi tang, như vậy chúng tôi sẽ phạm tội bịa đặt. Sở dĩ tài liệu đó có thể sử dụng là vì nó nằm ở một nơi mà ngành công an không thể can thiệp hoặc chi phối.

Chuyện liên quan đến ông Bùi Quốc Huy và vụ Năm Cam vẫn còn nhiều phức tạp đến với chúng tôi, tôi sẽ lần lượt kể tiếp ở phần sau (còn tiếp)


Giữa lúc Thanh Niên phẳng ra các đường dây bảo kê cho Năm Cam, một cựu giang hồ đã “hoàn lương” nói với tôi : “Anh đang gặp nguy hiểm, cả từ xã hội đen lẫn xã hội đỏ. Đáng sợ nhất đối với anh là xã hội đỏ, còn xã hội đen nếu có uy hiếp anh gọi em”. Tôi bảo, ông quên cái thói giang hồ đi nhé, không cần bận tâm đến chuyện của tôi, tự tôi có thể đối phó. Nói là nói vậy chứ tôi thân cô thế cô, cho đến bây giờ vẫn cứ mặc kệ tới đâu thì tới.

Tác giả và ông Sáu Dân – Võ Văn Kiệt. Ảnh: Ngọc Hải
Anh cựu giang hồ này từng ở tù chung phòng với Năm Cam, nên không chỉ biết nhiều chuyện ly kỳ trong giới xã hội đen mà còn biết nhiều thủ đoạn của ông trùm. Thanh Niên đã đề nghị anh viết một số phóng sự về đường dây tội ác này, tôi biên tập những bài anh viết và tôi đặt cho anh một bút danh là Song Hà. Một thời gian sau khi kết thúc vụ án Năm Cam, anh có gặp lại tôi, nói bây giờ em đi làm phim. Sau này hỏi anh Khế và anh Trần Đình Thu, tôi mới biết bộ phim “Kiều nữ và đại gia” có cô Lý Nhã Kỳ làm diễn viên là bộ phim do anh viết kịch bản.

Nhằm tránh sự hiểu nhầm, tôi xin giải thích để những ai hay vạch lá tìm sâu hiểu cho rõ khái niệm “xã hội đỏ” mà anh Song Hà nói, nó hàm nghĩa là xã hội đen các loại len vào nằm trong cơ quan Đảng và Nhà nước, là những kẻ khoác áo Đảng và Nhà nước nhưng hành xử như xã hội đen.

Thời kỳ hiện tại tôi không dám nói bừa những gì mà tôi không biết rõ. Tôi chỉ biết vào thời đó, chỉ riêng tại TP.HCM, theo Cáo trạng tại phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm thì “có trên 50 cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật, nhiều sĩ quan công an bị tước danh hiệu công an nhân dân, có 13 người phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cán bộ công an thành phố vi phạm có chức danh từ cấp phó giám đốc, trưởng phó phòng nghiệp vụ, trưởng phó công an quận, đội trưởng chuyên trách, trưởng phó công an phường”. Chính bị cáo Hải Bánh đã giải thích thêm trước phiên tòa : “Anh Năm coi thành phố Hồ Chí Minh là nhà của ảnh. Bị cáo thường đi chơi với anh Năm bị cáo biết. Công an nhiều người từ cấp phường, quận đến thành phố được anh Năm trả lương hàng tháng”. Năm Cam cũng từng có kế hoạch “sắp xếp nhân sự”, ai sẽ là Giám đốc Công an thành phố, ai là Phó, ai sẽ ở vị trí này vị trí kia, dĩ nhiên kế hoạch đó không thành sau khi bị bắt. Đó là trong phạm vi TP.HCM, còn ở trung ương thì có ông Bùi Quốc Huy, ông Trần Mai Hạnh, ông Phạm Sỹ Chiến hiện nguyên hình. Nhưng chẳng lẽ xung quanh ba nhân vật quyền lực cao chót vót này chẳng có một ai đồng phạm ?

Trong bài viết “Quyền lực của Năm Cam lớn tới đâu ?” đăng trên Thanh Niên ngày 9-3-2003, tôi đã từng cảnh báo : “Nếu đường dây bảo kê không được nhổ tận gốc, không làm mất khả năng tái sinh, thì Năm Cam này dù có bị tiêu diệt thì những Năm Cam khác sẽ rất có khả năng lại sẽ mọc lên”. Tôi biết Ban chuyên án đã cố gắng phăng ra cho hết, nhưng họ đã không có đủ điều kiện và thời gian. Bởi vậy mà tướng Nguyễn Việt Thành và một số cán bộ tham gia Ban chuyên án thời gian qua đã bị chính những kẻ “xã hội đỏ” chưa lộ nguyên hình tìm cách trả thù. Đám “xã hội đỏ” kia còn đem thù riêng giáng lên đầu các nhà báo trong vụ PMU18, tôi sẽ nói vào một dịp khác.

Hơn ai hết, ông Sáu Dân biết rõ sự nguy hại khôn lường đối với đất nước nếu như đường dây bảo kê cho Năm Cam không triệt phá tận gốc. Ông đã giao cho anh Nguyễn Công Khế một tập hồ sơ dày 700 trang về những manh mối dây mơ rễ má của mạng lưới bảo kê cho tội phạm. Anh Khế đem về giao cho tôi nghiên cứu. Sau đó, ông Sáu Dân còn gọi tôi đến nhiều lần, nói rõ thêm về một số nhân vật, trong đó có người quyền lực còn to hơn ba cán bộ cấp cao bị khởi tố. Tôi đã viết bài về nhân vật đó, nhưng bài này không đăng được, không phải vì Tổng Biên tập run tay, mà anh vừa biết tin nhân vật này đang bị bệnh nặng, anh bảo đợi ông ấy khỏe lại rồi sẽ đăng, nhưng một thời gian sau thì ông ấy qua đời và bài báo đó không bao giờ xuất hiện.

Như mọi người đã biết, ngay sau khi Năm Cam bị bắt, tướng Nguyễn Việt Thành đã bị ông Năm Huy mắng te tua. Hồi đó người lãnh đạo cao nhất không có quyết tâm “đốt lò”, người quyết liệt ở vị trí cao nhất ngoài Hà Nội theo tôi biết là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng. Ở TP.HCM có ông Sáu Phong bí thư Thành ủy. Bộ Công an có tướng Lê Thế Tiệm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có ông Vũ Quốc Hùng. Còn những người khác nữa nhưng tôi không biết. Nững nỗ lực của họ chưa đủ tạo ra một quyết tâm chính trị thống nhất ở cấp cao nhất. Họ đã phải tranh thủ sự hậu thuẫn bằng chính những chứng cứ đanh thép từ kết quả điều tra. Khi đường dây bảo kê được phăng ra ánh sáng mới tạo ra sự đồng thuận, chứ không phải có sự đồng thuận từ đầu. Bởi vậy mà ông Năm Huy sau khi mắng tướng Nguyễn Việt Thành, đã sử dụng cơ quan ngôn luận của Bộ Công an để cố tình làm lệch hồ sơ vụ án. Một loạt bài về về vụ án Năm Cam đăng trên một ấn phẩm được viết theo hướng chạy tội cho ông Năm Huy. Ngay sau đó Thanh Niên đã đăng một bài phỏng vấn tướng Nguyễn Việt Thành kèm theo hình vị tướng này chỉ thẳng tay trên trang nhất cạnh dòng tít “Không được làm sai lệch hồ sơ vụ án !”. Ông Bùi Quốc Huy đã phản đối bài báo đó với Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nói hình ông Nguyễn Việt Thành “như tướng ngụy”.

Tôi không muốn rước thêm kẻ thù gây thêm nguy hiểm cho Thanh Niên, vì lúc đó cũng thấy lạnh gáy, nên có nhờ báo Nông thôn ngày nay (NTNN) “tiếp sức”. Tổng biên tập báo này đề nghị tôi viết bài, lấy một bút danh khác để phản công mưu đồ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Và một loạt bài đã đăng trên NTNN phân tích từng điểm một sự ngụy biện của loạt bài đăng trên ấn phẩm nói trên của Bộ Công an. Một cuộc bút chiến nảy lửa đã diễn ra. Tác giả và những người phụ trách ấn phẩm kia không dừng lại trên mặt báo, họ còn dùng thủ đoạn đánh sau lưng. Họ đến gặp lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đề nghị cách chức Tổng Biên tập NTNN. Nhưng thủ đoạn của họ đã không mang lại kết quả như họ mong muốn. Và họ biết chính tôi là tác giả của loạt bài đăng trên NTNN nên phát đi lời hăm dọa, rằng sẽ “xin tí huyết” của tôi nếu tôi ra Hà Nội. Một đồng nghiệp đã cho tôi biết sự hăm dọa này. Cuối cùng thì những gì đã diễn ra trong bản Cáo trạng của vụ án đã chứng minh loạt bài trên NTNN hoàn toàn chính xác. Tôi không tiện nhắc tên tác giả và người phụ trách ấn phẩm nói trên, các anh ấy bây giờ đã nghỉ hưu. Tôi nghĩ các anh ấy chẳng thù oán gì với tôi và tôi trước sau cũng không có thù oán gì với các anh ấy. Tôi nhắc lại chuyện này để thấy sự phức tạp của sự kiện mà thôi.

Một số người cho rằng sở dĩ Thanh Niên “làm manh” vụ Năm Cam là do Năm Cam từng có kế hoạch sát hại anh Nguyễn Công Khế, cho nên anh có tư thù. Nói như vậy là cố tình làm cho sự kiện bị hiểu sai bản chất. Anh Khế trước sau không có tư thù gì với Nam Cam. Sở dĩ Năm Cam muốn tiêu diệt anh Khế vì Năm Cam không mua chuộc được anh. Bằng chứng là thời kỳ năm 1995, tại TP.HCM chỉ một mình báo Thanh Niên đơn độc vạch trần đường dây tội phạm Năm Cam, và như đã nói, ở Hà Nội cũng chỉ có báo Tiền phong tiếp sức. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là tất cả các báo không đăng bài về đường dây tội ác này lúc đó đều bị Năm Cam mua chuộc được, chỉ có bằng chứng một số thôi, số còn lại có lẽ không nắm chắc vấn đề hoặc e ngại đám bảo kê cho Năm Cam thế lực quá lớn. Bởi vậy mặc dù có hàng rào bảo kê dày đặc nhưng nếu anh Khế còn tồn tại thì Năm Cam vẫn cảm thấy không an tâm. Tôi sẽ đề cập chi tiết những lần Năm Cam sát hại anh Khế không thành và việc anh Khế đã bị đám “xã hội đỏ” trả thù như thế nào ở những phần tiếp theo.

(còn tiếp)

Hải Hoàng Vân

(FB Hải Hoàng Vân)


Nợ công của Việt Nam trên bản đồ thế giới


Nợ công VN so với các nước khu vực. Ảnh: từ Economist
Trang Economist có mục Public Debt Clock – Đồng hồ nợ công, nhấn vào đó sẽ biết quốc gia nào nợ bao nhiêu kể từ năm 2000.

Mầu đỏ nợ nhiều, mầu vàng chạm ngưỡng an toàn, mầu xanh nợ vừa vừa, mầu trắng ít nợ nần.
Mỹ, Anh, Úc, EU và Trung Quốc nợ nhiều nhất, đứng đầu là Mỹ với con số gần 16 ngàn tỷ (93% GDP) gấp 9 lần Trung Quốc 2 ngàn tỷ (17% GDP).
Dân Anh mang nợ 44 ngàn đô mỗi người và nợ công lên tới 103% GDP. Bán cả nước đi không đủ trả nợ. Brexit nhanh kẻo chết.
Mỗi người dân Mỹ gánh 50.000$ tiền nợ, dân Anh là 44.000 đô, trong khi dân Trung Quốc con số đó là 1400$.
Nước giầu vay nhiều, nước nghèo vay ít, nhưng vay nhiều mà không giầu lên sẽ là thảm họa.
Nhân dịp 2-9 hang Cua nên nhìn xem túi mình nợ bao nhiêu.
Cách đây 10 năm (2007) nợ công của Việt Nam là 36 tỷ đô (43% GDP) chia đầu người là 311$ từ già tới trẻ.
Vào ngày hôm nay quốc khánh, con số nợ công của Việt Nam là gần 95 tỷ (45% GDP) chia đầu người là 1039$, “tăng trưởng” vay hàng năm 9,3%. Nếu vụ Trịnh Vĩnh Bình thắng 1,2 tỷ thì số nợ sẽ lên 96 tỷ nha 😊
So với Thái Lan nợ công 269 tỷ (57% GDP), Indonesia 308 tỷ (26% GDP), và Philippines là 164 tỷ (45% GDP), thì Việt Nam vẫn còn sức vay, so với Mỹ thì còn dài dài.
Theo dự báo (7-2017) của WB, nợ công của Việt Nam sẽ vượt mức an toàn vào năm 2018.
Nợ công nghĩa là chính phủ đi vay để chi tiêu do nguồn thu ngân sách không đủ.

Nợ công của VN năm 2007
GDP không tăng trưởng thì nợ công sẽ tăng lên. Một trong những kế lâu dài là tăng VAT vừa ló ra dân than thấu trời.
VOA có đưa số liệu của Bộ Tài chính nhưng có vẻ số liệu lằng nhằng vênh với trang Economist nên Cua Times không viện dẫn.
Các cụ cao cao tính cua trong lỗ chán rồi. GPD không tăng trưởng ở mức 6,7%-7% thì thu không đủ bù chi và cứ thế đi vay.
Hàng năm chính phủ đặt ra chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6,7% là vì lý do nợ công sắp lên trần 65% GDP. Nhưng mấy tay ở WB chỉ nhìn ra con số đó là 6,3% với cung cách làm ăn như hiện nay.
Tin Cua Economy tới đây tạm dừng. Chúc các bạn nghỉ vui 3 ngày.
HM. 2-9-2017

50% tiến sĩ là công chức: Thành tích cao, hiệu quả...tệ!; "Thị trường học vị" và hệ lụy

(Giáo dục) - Phải có đến 70% cán bộ, công chức là tiến sĩ, 50% còn khiêm tốn...

Tiếp tục bình luận về số liệu cho thấy có tới 50% tiến sĩ đang làm cán bộ, công chức, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng việc này xuất phát từ nền tảng văn hóa, giáo dục của Việt Nam.
50% tien si la cong chuc: Thanh tich cao, hieu qua...te!
Công chức đang tranh hết tiến sĩ của nghiên cứu...
Theo ông, từ xưa tới nay, Việt Nam đã có truyền thống "tôn sư trọng đạo", luôn đề cao tính hiếu học, đây là truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, do tác động từ môi trường xã hội, giáo dục cũng chạy theo cơ chế thị trường, hàm vị giáo sư, tiến sĩ cũng bị thị trường hóa dẫn tới nhiều tiêu cực.
Nhìn nhận từ thực tế, PGS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng TS thì nhiều nhưng số đứng giảng dạy và nghiên cứu lại rất hạn chế.
Cụ thể ông nói: "Thứ nhất, nhìn từ phía những người mang danh hiệu tiến sĩ. Ngoài việc có được danh hiệu thì hàm vị tiến sĩ còn là công cụ để họ thăng tiến chức tước trong công việc, vì thế mới có câu chuyện cán bộ cấp sở, cấp phòng cũng phải cố cho bằng được cái bằng tiến sĩ để ra oai, để hưởng lương.
Thứ hai, về phía giáo dục cũng có tư duy, định hướng không đúng. Không một nước nào như Việt Nam khi giới thiệu một ông Bộ trưởng lại giới thiệu là GS.TS, Bộ trưởng... Nghe thì tưởng là oai nhưng sự thật có khi chỉ là bằng mua, bằng giả, bằng hàm thụ tại chức mà lên.
Đây là tư duy rất xấu. Họ cứ nghĩ có được hàm vị tiến sĩ thì sẽ biết cách ngoại giao, biết tiếp đón khách quốc tế... Việc phong hàm tiến sĩ cho những người không viết nổi văn bản, không thuyết trình được trước đám đông thì chẳng khác nào nghành giáo dục đang tự "đào gốc" tiến sĩ.
Thứ ba, về phía các cơ quan quản lý, các tổ chức hành chính cũng chạy theo chỉ tiêu, số lượng để lấy thành tích, để mở rộng hoạt động, mà muốn mở rộng thì phải có nhân lực, có kinh phí... Đây là lý do nhiều cơ quan, địa phương đặt ra mục tiêu "sĩ hóa" 100% công chức.
Thứ tư, trong công tác tổ chức, cán bộ không có cơ chế đánh giá cán bộ, công chức dựa trên năng lực, hiệu quả việc làm mà lại dựa trên hồ sơ, lý lịch, danh vị của người cán bộ. Đây là quan điểm rất sai lầm.
Có người đã nói với tôi, dù không học nhưng cũng tự nhiên được làm GS. Ông ấy kể, ông ấy không được học đại học nhưng do có thời gian hoạt động công chúng lâu năm nên được đưa vào giảng dạy tại các trường rồi được phong GS. Làm GS, TS như vậy thì dễ dàng quá.
Ở các nước GS, TS phải là những người làm nghiên cứu nhưng nghiên cứu phải để phục vụ công tác giảng dạy. Trong khi tại Việt Nam thì ngược lại, học GS, TS để vào cơ quan nhà nước. Cán bộ, công chức làm GS, TS đang tranh hết người làm nghiên cứu".
Ông Nam nhấn mạnh, với cơ chế tuyển chọn cán bộ công chức như hiện nay thì 50% tiến sĩ làm cán bộ, công chức là đã có sự cải thiện nhiều rồi. Theo ông, khoảng 2-3 năm về trước, con số này phải là 70%, chỉ có khoảng 30% GS, TS làm công tác giảng dạy và nghiên cứu thôi.
...để chạy theo cái nhất
Tiếp tục kể lại câu chuyện của mình, vị PGS tâm tư: "Tôi có thâm niên 20 năm đứng lớp, giảng dạy nhưng bây giờ cũng mới nhận hàm vị PGS. Có nhiều người động viên tôi làm tiếp hàm vị GS nhưng tôi từ chối.
Tôi thấy không cần thiết vì ranh giới giữa một GS thật và GS giả quá mong manh. Những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu như tôi cũng bị đánh đồng với những người không có một ngày nào đứng lớp. Tôi thấy rất buồn khi mọi giá trị bị đảo lộn, bằng cấp bị đánh đồng "cá mè một lứa", không thể chấp nhận được".
Ông Nam kiên quyết phản đối chủ trương "sĩ hóa" 100% công chức để chạy theo cái nhất. Theo vị chuyên gia, Việt Nam có quá nhiều cái nhất, từ việc tiêu hoang nhất, tiếp khách sang nhất bây giờ lại có cả quan chức là GS, TS nhiều nhất thế giới.
"Không nên tự hào chúng ta có nhiều Thứ trưởng là tiến sĩ cao gấp 5 lần Nhật Bản. Nhiều tiến sĩ nhưng chất lượng cán bộ, công chức vẫn bị người dân phàn nàn, không hài lòng với thái độ phục vụ là điều bất cập.
Tôi rất lo ngại về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Tôi nhìn nó như biểu đồ hình parabol, số lượng tăng nhưng chất lượng gần như bằng 0", vị chuyên gia bày tỏ.
Bản chất tiêu cực sẽ nuôi dưỡng tiêu cực
Chốt lại vấn đề, PGS. TS Nguyễn Văn Nam cho rằng những bất cập trên đều là hệ quả của một chính sách cán bộ có vấn đề.
Từ một chính sách đào tạo, tuyển chọn cán bộ chưa nhìn vào thực lực, khả năng làm việc của một con người mà chủ yếu dựa vào lý lịch, bằng cấp thì việc chạy theo bằng cấp, hàm vị là tất yếu.
Điều khiến ông lo ngại là khi đứng trước một chính sách không chuẩn sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sai lầm tiếp theo. Vì vậy, ông khẳng định chủ trương "sĩ hóa" cán bộ công chức là một sai lầm, không cần thiết.
"Bản thân một chính sách đã bộc lộ nhiều tiêu cực thì khi thực hiện nó sẽ là môi trường nuôi dưỡng tiêu cực phát triển mạnh mẽ hơn", ông Nam lo lắng.
Từ thực tế trên, PGS Nguyễn Văn Nam cho rằng cần phải thay đổi chính sách đào tạo GS, TS. Cụ thể về tiêu chí đào tạo phải chặt chẽ, nghiêm túc. Tiếp đến là quy định chặt chẽ tiêu chuẩn về số năm đứng lớp, số giờ giảng dạy của một GS, TS cũng như các công trình nghiên cứu phải được công bố cụ thể, thực chất.
  • Hoài An

"Thị trường học vị" và hệ lụy

03/09/2017 05:28

Chỉ khi nào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện đưa sự nghiệp giáo dục trở về với chính mình thì nạn "học giả - bằng thật" mới chấm dứt

Năng suất "siêu đẳng" trong đào tạo tiến sĩ (TS) và thạc sĩ (ThS) của Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã làm xôn xao dư luận. Với năng suất đó, học viện này đã trở thành một "lò ấp" để tạo ra TS với tốc độ phi thường: năm 2015 "ra lò" 265 vị TS (tính trung bình cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút có một vị TS); năm 2016 còn nhanh hơn với 281 TS (trung bình 1 ngày 1 giờ 15 phút).
Học cho có hình thức
Thực tế như vậy nhưng vị giám đốc học viện nói trên vẫn cho rằng "đào tạo 350 TS/năm vẫn còn khiêm tốn!". Để đạt năng suất như vậy, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) và giảng viên cơ hữu của học viện đã phải làm việc vượt mức quy định: có người nhận hướng dẫn đồng thời 12 nghiên cứu sinh (quy chế cho phép tối đa từ 3-5 nghiên cứu sinh tùy trình độ của thầy), có người khác hướng dẫn một lúc 44 học viên cao học (quy chế chỉ cho phép hướng dẫn từ 3-7 học viên cùng lúc).
Thị trường học vị và hệ lụy - Ảnh 1.
Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ tổ chức tại Học viện Khoa học Xã hội Ảnh: MAI HOA
Tuy nhiên, năng suất đào tạo đó không phải là thành tích đáng tự hào mà đã trở thành dấu hiệu rõ ràng để nghi ngờ về giá trị của các văn bằng học vị do học viện này cấp phát. Ngoài các số liệu trên, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã vạch rõ hàng loạt sai phạm của học viện này trong quá trình đào tạo: Xác định chỉ tiêu đào tạo không tương thích với lực lượng cán bộ cơ hữu (chỉ tiêu của năm 2017 là 86 học viên cao học nhưng học viện đăng ký tới 1.600 người), tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo có nhiều bất cập (chuyên môn của thầy khác với chuyên ngành của trò, thành viên hội đồng chấm luận án có chuyên môn khác với chuyên ngành của đề tài luận án…), chương trình đào tạo bị cắt xén (từ 90-120 tín chỉ rút xuống chỉ còn 16 tín chỉ), hồ sơ cấp phát văn bằng bị sửa chữa, tẩy xóa… Những sai phạm đó cho phép nghĩ về kiểu đào tạo "học giả - bằng thật": người học chỉ học cho có hình thức để bảo đảm "quy trình" mà không tiếp nhận được một trình độ khoa học đích thực nào nhưng được cấp bằng thật mang thương hiệu của một học viện "hàn lâm" tầm cỡ "quốc gia".
Mối quan hệ thân tộc
Từ thực trạng nói trên, một vấn đề bức xúc được đặt ra là động lực nào đã thúc đẩy những cơ sở kiểu này đào tạo theo kiểu đó? Chỉ cần tìm hiểu nguồn tài chính mà Học viện Khoa học Xã hội thu của nghiên cứu sinh và học viên cao học để trao cho họ các chứng chỉ và văn bằng tốt nghiệp là đã có thể lý giải vấn đề này.
Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa thanh tra các nguồn thu tài chính của học viện này nhưng những thông tin tìm hiểu qua người thực, việc thực đáng tin cậy cũng rõ vấn đề. Một cựu học viên cao học (xin được giấu tên) tại cơ sở ở TP HCM của học viện này cho biết ngoài 15 triệu đồng học phí/năm, trong 2 năm đào tạo, mỗi học viên phải đóng góp hàng chục loại phụ thu khác với những danh nghĩa mơ hồ mà không hề được cấp hóa đơn, biên nhận. Đó là tiền "hỗ trợ đào tạo", tiền "chạy điểm", tiền "bồi dưỡng hội đồng coi thi"… Tính chung, mỗi học viên cao học phải nộp các khoản "mơ hồ" đó hơn 100 triệu đồng để kết quả được cấp bằng ThS. Bằng TS có giá trị hơn bằng ThS nên dĩ nhiên các nghiên cứu sinh phải nộp số tiền cao hơn nhiều so với con số mà học viên cao học phải đóng.
Để bảo đảm cho nguồn thu nói trên, hệ thống tổ chức của học viện này được thiết lập dựa trên mối quan hệ thân tộc của "nhóm lợi ích", cụ thể: GS-TS Võ Khánh Vinh làm giám đốc học viện; hai con trai và em trai nắm giữ các vị trí khá quan trọng tại học viện. Từ đó, thành phần tham gia các hội đồng bảo vệ luận án TS (hay luận văn ThS) cũng được chọn lọc với các thành viên "đồng tâm nhất trí" trong việc tiếp nhận và phân chia lợi ích nhóm.
Nhờ đó, tất cả luận án và luận văn đều được đánh giá tốt để các tác giả của chúng được cấp các văn bằng học vị vẻ vang (sau khi đã đóng góp đủ phần mình vào tài khoản học viện).
Khó tránh sự quyến rũ
Với kiểu đào tạo này, Học viện Khoa học Xã hội đã tự biến mình thành một "thị trường học vị", trong đó hiện vật được "mua - bán" là những tấm bằng TS và ThS được đóng dấu thật nhưng có khi không chứa đựng một giá trị tri thức nào của người sở hữu nó. Dùng những bằng cấp đó làm công cụ tiến thân trên con đường danh vọng của mình, các trí thức giả hiệu này sẽ gây ra những tổn hại không nhỏ.
Với các kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Học viện Khoa học Xã hội buộc phải sửa chữa và khắc phục các sai phạm. Tuy nhiên, tất cả những sự thay đổi đó vẫn không đủ để sửa đổi kiểu đào tạo "học giả - bằng thật" thành một sự nghiệp đào tạo tri thức khoa học cao quý. Bởi lẽ, việc chế tạo "hàng giả y như thật" bao giờ cũng dễ dàng, ít tốn kém mà mang lại siêu lợi nhuận so với việc sản xuất hàng hiệu của chính hãng. Trong thực trạng xã hội hiện nay, khi vấn nạn "chạy chức - chạy quyền" thao túng thị trường nhân lực thì "học giả - bằng thật" vẫn là nhu cầu vô cùng lớn, đòi hỏi "thị trường học vị" phải đáp ứng. Do vậy, các cơ sở đào tạo ĐH và sau ĐH khó tránh khỏi sự quyến rũ của quy luật cung - cầu này. Chỉ khi nào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện đưa sự nghiệp giáo dục thoát khỏi cơ chế thị trường đó để trở về với chính mình thì vấn nạn "học giả - bằng thật" mới chấm dứt. 
GS TRẦN HẢI LINH, Trường ĐH Inha (Hàn Quốc):
Cần giải pháp thay đổi triệt để
Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng số lượng cán bộ khoa học, giảng dạy có trình độ cao, trước hết là các TS. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng số lượng, phải đặc biệt coi trọng và có những giải pháp thay đổi một cách triệt để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TS. Nhìn sang Hàn Quốc, có thể thấy quy trình bảo vệ luận án ở đó dù bất cứ lĩnh vực nào cũng đều rất chú trọng và xem việc "công bố khoa học" là một trong những chuẩn mực và hạn chế bớt các thủ tục rườm rà khác cho nghiên cứu sinh.
Các nước có nền khoa học phát triển (bao gồm khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội, kinh tế, giáo dục…) luôn coi nghiên cứu sinh như là một lực lượng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Người thầy phải là người thiết kế, hướng dẫn và đánh giá kết quả từng công đoạn nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh ở đây không phải chỉ tập dượt nghiên cứu mà còn được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vừa tầm vừa sức của mình. Luận án khi bảo vệ phải bảo đảm có "tính mới" trong khoa học. Với cách làm đó, nghiên cứu sinh sẽ tiếp cận được với phương pháp triển khai nghiên cứu khoa học và trở thành "những người có trình độ khoa học" nhất định khi có bằng TS.
TS AN NHIÊN, Thừa Thiên - Huế:
Cho tự chủ nhưng thiếu kiểm soát
Bất cập lớn trong đào tạo TS ở Việt Nam thời gian qua là cho các trường quyền tự chủ về đào tạo TS nhưng thiếu sự kiểm soát. Sự dễ dãi trong nhiều khâu dẫn đến việc đào tạo khó có chất lượng, nhất là khi nhiều người không thuộc các trường ĐH hay viện, ít liên quan đến lĩnh vực đào tạo hay nghiên cứu khoa học nhưng đua nhau đi học để lấy học vị TS vì những mục đích khác.
Để việc đào tạo TS của Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước có nền giáo dục tiên tiến, cần triệt để thay đổi trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, khi tuyển sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của đầu vào, nhất là ngoại ngữ. Thứ hai, thời gian học nên áp dụng hình thức nghiên cứu toàn thời gian từ 3-4 năm. Nghiên cứu sinh phải tập trung học tập các chuyên đề bắt buộc, sau đó có mặt ở phòng nghiên cứu, lab, thư viện để chuyên tâm cho luận án. Nếu có hình thức đào tạo bán thời gian thì tối thiểu 6-8 năm mới được tốt nghiệp. Thứ ba, trong quá trình học tập phải tuân thủ báo cáo tiến độ (theo khung thời gian đề cương) hằng tuần hoặc 2 tuần/lần đối với GS hướng dẫn, 2 năm/lần đối với đơn vị phụ trách đào tạo sau ĐH của viện hoặc trường. Thứ tư, trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tham gia các hội thảo khoa học chuyên ngành. Thứ năm, thực hiện nghiêm túc quy định về công bố các công trình xuất bản liên quan đến đề tài nghiên cứu có chỉ số khoa học như sách, báo, chương sách. Thứ sáu, có cơ chế hỗ trợ sinh hoạt phí (học bổng) cho nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo. Thứ bảy, sau khi hoàn thành luận án và nộp cho trường, luận án được gửi cho 2 hoặc 3 GS chuyên ngành ngoài trường chấm. Quá trình chấm hoặc phản biện phải kín, khách quan để bảo đảm tính công bằng.
Y.ANH ghi
LÊ VINH QUỐC

TQ diễn tập quân sự ngoài cửa vịnh Bắc bộ, ngư dân nghe ngóng

authorĐình Thiên Thứ Bảy, ngày 02/09/2017 14:16 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Ngày 31.8, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, nước này đang tổ chức diễn tập quân sự trên vùng biển Hoàng Sa. Cuộc diễn tập này được tổ chức chồng lấn lên một vùng biển rộng lớn của Việt Nam. Trước hành động này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ".

   
Ngày 31.8, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, nước này đang tổ chức diễn tập quân sự trên vùng biển Hoàng Sa. Theo tọa độ Cục Hải sự Trung Quốc công bố, cuộc diễn tập này được tổ chức chồng lấn lên một vùng biển rộng lớn của Việt Nam.
Trước hành động này của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ.
"Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết trong ngày 31.8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để nêu rõ lập trường trên của Việt Nam.
 tq dien tap quan su ngoai cua vinh bac bo, ngu dan nghe ngong hinh anh 1
Tàu hải giám 46102 của TQ rượt đuổi tàu Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa năm 2014. (Ảnh: Đình Thiên)
Với hành động trên của Trung Quốc, nhiều ngư dân miền Trung tỏ ra lo lắng. Sáng 2.9, ông Trần Văn Mười (Sơn Trà, Đà Nẵng) chủ tàu vỏ sắt ĐNa 90777 cho hay, các tàu của ông đang đánh bắt trên biển, ngày lễ nhưng không có tàu nào cập bờ. Tuy nhiên, các tàu cá của ông buộc phải rời bỏ ngư trường Hoàng Sa vì Trung Quốc tập trận.
Cách đây 3 ngày (30.8), các tàu của mình đang đánh bắt ở cách Đà Nẵng khoảng 80 hải lý về phía đông. Lúc này, các thuyền trưởng gọi bằng ICOM báo về có rất đông tàu vỏ sắt của Trung Quốc trong khu vực. Họ dùng loa, hú còi, xịt vòi rồng đe dọa yêu cầu các tàu của dân mình rời khỏi khu vực đó. Nghe vậy tôi yêu cầu các thuyền trưởng di chuyển lên phía bắc khoảng 40 hải lý.
"Tuy nhiên, hôm trước (31.8), các thuyền trưởng tiếp tục gọi về thông tin, trên radio thông báo tọa độ Trung Quốc diễn tập quân sự bao trùm cả Hoàng Sa nên tôi yêu cầu các tàu di chuyển xuống phía Nam ở vị trí phải dưới 13 độ”, ông Mười thông tin.
Trong khi đó, ngư dân Lê Văn Chiến (Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ tàu ĐNa 90351, cho biết phải tạm dừng chuyến đánh bắt lần này để tránh các rủi ro xảy ra.
“Tàu tui cập bờ cách đây 1 tuần bán hải sản. Hôm qua tôi cho chuẩn bị các nhu yếu phẩm để hôm nay trở lại Hoàng Sa đánh bắt. Tuy nhiên, sáng nay nghe được thông tin Trung Quốc tập trận bao trùm một vùng rộng lớn của Hoàng Sa. Bao nhiêu năm đi biển, biết bao lần Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt..., nhưng phải thấy rằng Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động làm phức tạp tình hình. Lần này tui buộc phải chờ xem tình hình diễn biến như thế nào rồi tính tiếp”, ông Chiến cho biết.
 tq dien tap quan su ngoai cua vinh bac bo, ngu dan nghe ngong hinh anh 2
Tàu cá vỏ sắt Trung Quốc ngang ngược đâm va tàu cá vỏ gỗ Đà Nẵng trên biển Hoàng Sa năm 2014. (Ảnh: Đình Thiên)
Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) sáng hôm nay, khi được hỏi rất nhiều ngư dân miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đang neo đậu tại cảng cho biết đã nhận được thông tin Trung Quốc diễn tập quân sự ở vùng biển Hoàng Sa. Phần lớn ngư dân đều tỏ ra lo lắng trước động thái này của Trung Quốc.
Ngư dân Trần Đình Chiêu (Quảng Ngãi) cho hay: “Ngày trước Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt chúng tôi không sợ, biển mình mình cứ ra. Nhưng lần này họ diễn tập trên biển của chúng ta đúng là quá ngang ngược. Tôi tạm thời chưa ra khơi chờ xem tình hình ra sao đã”.
Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Văn Khôi - Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư 3 (đóng tại TP.Đà Nẵng thuộc Bộ NNPTNT) cho hay, đơn vị này luôn sẵn sàng các nhiệm vụ được giao để bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển.
“Thông tin Trung Quốc tập trận trên biển không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của chi đội. Hiện tất cả các tàu trong biên chế của đơn vị vẫn thực hiện nhiệm vụ trên biển bình thường”, ông Khôi nói.

“Ông lớn” bất động sản, không một ai vắng mặt tại Quảng Ninh

06:38 - 03/09/2017

Minh Thư


Lý do gì khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn có tên tuổi trên thị trường như Vingroup, Sungroup, FLC, BIM Group, CEO Group… đang đẩy mạnh đầu tư vào mảnh đất màu mỡ Quảng Ninh?
Có thể thấy, tiên phong trong việc đầu tư vào Hạ Long là BIM Group với dự án khu đô thị Hạ Long Marina, quy mô lên tới 248ha, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Tiếp đến là Vingroup đầu tư đa dạng nhiều loại hình tại Hạ Long như Vinpearl Hạ Long 1.135 tỷ đồng; Vinhomes Dragon Bay (Bến Đoan) quy mô 68ha với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng cũng đã bắt đầu đi vào hoàn thiện bệnh viện Vinmec…
Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn đang đẩy mạnh đầu tư vào mảnh đất màu mỡ Quảng Ninh.
Khác với các đơn vị trên, SunGroup lại nhắm đầu tư vào mảng vui chơi giải trí với quy mô tầm cỡ quốc tế. Trong đó, phải kể tới Sun World Hạ Long Complex rộng 214ha, tổng vốn đầu tư 7.794 tỷ đồng vừa mới hoàn thành.
Cùng với đó là nhiều dự án đã và sắp triển khai như: Dự án Công viên Đại Dương Hạ Long; Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai; Khu nhà ở xã hội Sun Home Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; Cảng hàng không Vân Đồn; Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp Vân Đồn…
Sau đó là nhiều đại gia khác cũng “nhảy” vào đầu tư như: FLC, Geleximco...
Liên danh Tập đoàn Amata (Thái Lan) - Tập đoàn Tuần Châu đang xúc tiến đầu tư Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao, quy mô hơn 7.800ha, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.
Tập đoàn ISC Corp của Mỹ cũng đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD vào dự án phức hợp vui chơi giải trí, có cả casino tại đảo Tuần Châu (TP Hạ Long).
Điều gì khiến các “ông lớn” đổ xô vào đầu tư bất động sản ở Quảng Ninh, nhất là Hạ Long?
Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long cho biết, cơ chế chính sách được tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm nên thời gian qua đã thu hút nhiều tập đoàn lớn, trong đó có cả tập đoàn đầu tư nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và hiện cũng có cả những tập đoàn ở nước ngoài đang liên hệ đến với Hạ Long.
“Chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng cho thuê, đặc biệt giao thông chuẩn bị thông thương giữa Hạ Long với Hà Nội hay Hạ Long ra Móng cái chỉ hết khoảng 1,5 giờ đồng hồ… chính những điều này khiến các nhà đầu tư thấy nhanh gọn nên đổ về đầu tư, hiệu quả thu lợi lớn”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, Quảng Ninh là một khu trọng điểm của phía Bắc, vịnh Hạ Long hai lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới… nên thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì thế, tiềm năng còn rất lớn nên đây là lý do các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đổ xô về đầu tư.
Theo ông Điệp, không chỉ các tập đoàn mà các nhà đầu tư thứ cấp cũng đổ xô vào đầu tư vào Quảng Ninh và đây đang là mảnh đất màu mỡ nhất hiện nay.
Ngoài ra, ông Điệp còn đánh giá, Quảng Ninh là một trong những địa phương đột phá về cơ chế, chính sách nên tạo động lực phát triển du lịch mạnh mẽ, liên tục tăng trưởng, nhiều tiềm năng. Quảng Ninh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, kêu gọi đầu tư và có chiến lược kêu gọi đầu tư rất rõ ràng. Đồng thời, cũng là tỉnh làm tốt nhất về chiến lược kêu gọi đầu tư… Đó chính là những lý do khiến nhiều nhà đầu tư lớn đổ xô vào đầu tư ở Quảng Ninh.

Trung Quốc đâu chỉ tập trận ở sát biển Việt Nam

Tuấn Khanh

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng cản tàu Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải dương 981, năm 2014.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng cản tàu Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải dương 981, năm 2014.
 AFP

Trang web www.eastpendulum.com, một trang chuyên về tình hình Châu Á và biển Đông, bản Pháp Ngữ, đã đăng tải một bài của nhà báo Henri Kenhmann có tụa đề “Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam” (tạm dịch: Gần một tháng tập trận đổ bộ gần cửa khẩu Việt Nam).
Bài viết đăng từ ngày 22/8, cho thấy sự kiện Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển, cách Đà Nẳng chỉ có 75 hải lý, chỉ là một hoạt động đầy tính răn đe với riêng Việt Nam, tiếp theo cuộc tập trận trên bộ, kéo dài suốt trong cả tháng 8/2017.
Bài viết ghi rõ như sau “Kể từ đầu tháng Tám, Thủy quân lục chiến Trung Quốc cho thấy đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, bằng cách tiến hành một loạt các chiến dịch cứu hộ hỏa hoạn”.
Thế nhưng đó chỉ là bề ngoài của một cuộc tập trận quy mô với lệnh giới nghiêm, cấm mọi sinh hoạt qua lại của thường dân cũng như báo chí mà thời gian tập trận kéo dài từ ngày 1/8, cho đến ngày 23/8 vẫn còn dấu hiệu thao dượt.
Bài báo viết “Cần lưu ý rằng các vùng bắn dần dần chuyển hướng về phía Tây, theo hướng của Việt Nam, khi diễn tập diễn ra, trước khi quay về phía Đông. Khu vực gần nhất cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 kilômét”.
Dựa trên các hình ảnh quân sự chính thức phát đi của phía Trung Quốc nhưng không tiết lộ rõ địa điểm, người ta thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc đã dàn ra các loại xe bọc thép, như pháo tự hành PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05 hoặc xe chiến đấu bộ binh lội nước ZBD-05.
Theo một phóng sự trên kênh TV CCTV-7, một 'chiến dịch đào tạo đổ bộ' đã được tổ chức khoảng 30 phần diễn tập khác nhau, bao gồm phá hủy dưới nước, tiềm thủy công, tiến công đổ bộ…
Các bức ảnh khác được công bố vào ngày 21/8 cho thấy một lữ đoàn không quân của Quân đội Trung Quốc, thuộc Bộ tư lệnh miền Đông (Commandement du théâtre de l’Est), cũng có mặt trong việc thực tập đáp máy bay trên biển.  Đặc biệt, máy bay trực thăng chiến đấu Z-10 cũng xuất hiện bên cạnh 998 Kunlun Shan, chiến hạm lớp 071 của Hạm đội Nam Hải.
Một nguồn tin khác từ RFI, cho biết các cuộc diễn tập cận bờ này khởi đầu có vẻ là nội bộ của Trung Quốc, nhưng rồi vùng tập trận đã lặng lẽ dịch chuyển về hướng gần biên giới Việt Nam. Vòng ra biển rồi sau đó tiến vào một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.
Giờ thì cuộc đại diễn tập của Trung Quốc chỉ còn cách bờ biển Đà Nẳng 75 hải lý.
Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 31/8, trước các câu hỏi dồn dập của giới phóng viên về tình hình căng như dây đàn trên biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao lại cũng chỉ nói bằng một giọng điệu buồn chán, rằng “ “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Trên thực tế, Trung Quốc đã đẩy mọi thứ trở nên hết sức phức tạp, từ tháng 6/2017 cho đến hiện nay chứ không phải chỉ riêng chuyện diễn tập.  Đến lúc này, tin về việc Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực với Hà Nội để buộc ngừng khoan thăm dò ở lô 136/03, đuổi hãng Repsol chạy khỏi Việt Nam chắc không còn là đồn đoán. Cách mà Bắc Kinh muốn nhắc nhở Việt Nam một lần nữa qua cuộc tập trận rầm rộ trên biển này, cho thấy người đàn anh cộng sản không vui trước tin tức Việt Nam định khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở lô 118 vào tháng 11 này. Con số hải quân Trung Quốc chỉ còn 50 cây số nữa là đến Đà Nẳng, là một thông điệp rất rõ, vì lô 118 Cá Voi Xanh cũng chỉ cách bờ biển Việt Nam hơn 80 cây số mà thôi.
Quả là ngôn ngữ “quan ngại” thường dùng của Hà Nội giờ đây trở thành một trò hề trước các hành động rất cụ thể của Bắc Kinh. Và “quan ngại” cũng không thỏa mãn được hàng triệu người Việt đang xao xuyến trước vận mệnh đất nước mình, đặc biệt là những người từng cảnh báo về âm mưu xâm lăng của Trung Quốc lại bị chính nhà cầm cầm quyền Việt Nam đánh đập hay cầm tù.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài ACTD

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Lê Trọng Nghĩa, người đối thoại với Trần Trọng Kim

Nguyễn Đình Cống
2-9-2017
Đại tá Lê Trọng Nghĩa. Ảnh: internet
Tháng 8/ 1945, chàng thanh niên Nghĩa là đại diện của Việt minh, sau này là thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bị Cộng sản bắt bỏ tù vì tội chống Đảng, chết trong nỗi ân hận vì chưa được minh oan.
Ngày 9 tháng 3 /1945 Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 vua Bảo Đại đọc Tuyên ngôn Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp trước đây. Tháng 4/ 1945 giải tán Triều đình phong kiến, thành lập Chính phủ với Thủ tướng Trần Trọng Kim và các Bộ trưởng, tạo lập thể chế Quân chủ lập hiến. Nhật muốn thành lập chính phủ thân với họ để chống lại Mỹ, nhưng Chính phủ ông Kim gồm những người trong tầng lớp trí thức tinh hoa, họ thật sự yêu nước, không chịu lệ thuộc vào Nhật, đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho dân tộc.
Bảo Đại và Trần Trọng Kim biết Việt Minh là một thế lực mạnh, rất muốn hợp tác và chuyển giao quyền lực trong hòa bình để tránh phải chém giết nhau. Từ tháng 5 đến tháng 8/ 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim đã 5 lần cử người từ Huế ra Hà Nội tìm gặp đại diện của Việt Minh để thương lượng, mời Việt Minh tham gia Chính quyền từ trung ương đến địa phương, nhưng cả 5 lần đại diện của Việt Minh đều kiên quyết không hợp tác.
Trong hồi ký “Một cơn gió bụi” ông Kim viết : “Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính Bảo An ở các nơi, phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Nhân dân bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả, công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh nói họ đã có các nước đồng minh giúp đỡ cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói như thế, ai nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do Bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngả về Việt Minh.”
Lần cuối cùng đích thân Trần Trọng Kim gặp ông Lê Trọng Nghĩa, lúc đó là một cán bộ chủ chốt của VM ở Hà Nội. Sau đây là tóm lược cuộc trao đổi giữa 2 người, theo tường thuật của Trần Trọng Kim trong Hồi ký, được nhà sử học Phạm Cao Dương, viết, đăng trên Báo Tiếng Dân ngày 31/8/2017.
Trấn Trọng Kim nói: Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem chúng ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không?
Lê Trọng Nghĩa nói: – Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.
Trần Trọng Kim: Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.
– Lê Trọng Nghĩa: Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.
– Trần Trọng Kim: Theo ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.
– Lê Trọng Nghĩa: Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.
Nói đến đây rồi Lê Trọng Nghĩa đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Trần Trọng Kim thấy thái độ người ấy như thế, biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.
Trần Trọng Kim nói: Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?
– Lê Trọng Nghĩa: Chúng tôi sẽ “cướp quyền” để tỏ cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.
– Trần Trọng Kim: Các ông chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các ông không?
– Lê Trọng Nghĩa: Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.
– Trần Trọng Kim: “Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử”.
Như vậy “Dành Độc lập” là khẩu hiệu nêu ra để tập hợp toàn dân đi theo, chỉ là mục tiêu trước mắt, còn mục tiêu lâu dài, mục đích cuối cùng là làm cách mạng vô sản và lập nền chuyên chính vô sản. Việt Minh đã chủ trương “cướp” chính quyền Trần Trọng Kim để dành độc quyền cai trị theo lề lối Cộng sản độc tài. Lê Trọng Nghĩa quá tin vào sự giúp đỡ của Đồng minh mà chủ yếu là của Mỹ. Anh ta không biết rằng Mỹ chỉ giúp Việt Minh chống Nhật và dành Độc lập. Khi Việt nam đã độc lập từ tháng 4/1945 và Nhật đã đầu hàng vào tháng 8/ 1945 thì Mỹ không thể nào tiếp tục giúp một tổ chức cộng sản. Hồ Chí Minh biết quan điểm của Mỹ nên đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản, nhưng lại rút vào bí mật. Mỹ phát hiện được mưu lược này nên đã không tiếp tục ủng hộ Việt Minh. Từ tháng 9 /1945 trở đi cho đến 1950 không có một nước đồng minh nào ủng hộ Việt Minh. Điều mà Lê Trọng Nghĩa và các lãnh đạo Việt Minh tin chắc trăm phần trăm trở thành vô nghĩa.
Lê Trọng Nghĩa, sau tháng 8/1945 đã giữ những cương vị quan trọng trong chính quyền và quân đội, được phong hàm Đại tá, chánh văn phòng Quân ủy trung ương, Cục trưởng cục quân báo, thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế rồi năm 1968 Nghĩa bị Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn bắt bỏ tù, không xét xử, bị tình nghi tham gia nhóm chống Đảng. Nhóm này có đến hàng trăm người, trong đó có những người nổi tiếng như Ung Văn Khiêm (Bộ trưởng Bộ ngoại giao), Hoàng Minh Chính (Viện trưởng Viện Triết học), Vũ Đình Huỳnh (Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao, nguyên thư ký riêng của Hồ Chí Minh), Đặng Kim Giang (Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Nông trường), Lê Hồng Hà (chánh văn phòng Bộ Công An), Nguyễn Kiến Giang (Phó giám đốc NXB Sự Thật), Vũ Thư Hiên (nhà văn) và nhiều người khác. Nhóm chống Đảng bị cho là theo đường lối xét lại của Khơ rút sốp (Tổng bí thư ĐCS Liên xô), chống lại đường lối của Mao Trạch Đông. Võ Nguyên Giáp cũng bị cho là có dính dáng đến nhóm này.
Những người bị bắt (thuộc nhóm chống Đảng) bị tra khảo với 3 câu hỏi chủ yếu:
1-Có nhận làm gián điệp cho Liên xô không.
2- Cấp trên của nhóm gồm những ai (gợi ý có phải Võ Nguyên Giáp không).
3- Đã từng liên lạc với những ai.
Những người bị bắt đều trả lời “KHÔNG” cho cả 3 câu. Không một ai, dù bị cực hình tra tấn vẫn không nhận lời buộc tội vu khống, họ thà bị giam cho đến chết chứ không nhận tội mà họ không phạm phải. Họ giữ được dũng khí. Không có chứng cứ buộc tội, cuối cùng Đảng phải thả họ ra.
Lê trọng Nghĩa được tha năm 1976. Cuối đời ông tỉnh ngộ ra, viết đơn trình bày cho Bộ Chính trị, nhưng đơn của ông không được trả lời, ông chết năm 2015, mang theo bao nỗi niềm chua xót.
Bình