Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Cái chết của Tạ Thu Thâu : Trách nhiệm Trần Văn Giàu ?



Cái chết của Tạ Thu Thâu



Trách nhiệm
của Trần Văn Giàu ?


NGUYỄN NGỌC GIAO


Với bài viết của Thanh Thảo từ Quảng Ngãi, Sè sè nấm đất bên đàng (Diễn Đàn, ngày 16.11.2019), chúng ta có thể khẳng định rằng ngôi mộ nằm ở toạ độ 15.1376832 (vĩ độ Bắc), 108.7397233 (kinh độ Đông), thuộc địa phận xã Xuân Phổ, Quảng Ngãi, mà Facebooker Phạm Vũ Luận đã đưa hình trên trang FB (ngày 22.7.2019) đúng là mộ của nhà cách mạng Tạ Thu Thâu. Lần này, chứng nhân không còn chỉ là một cụ già "88 tuổi đời, 55 tuổi đảng" yêu cầu giấu tên nữa, mà là những con người có tên, có địa chỉ : nhà thơ Thanh Thảo ; ông Lê Hồng Khánh, hiện đang là Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp QuảngNgãi ;  ông Đình (cậu ông Khánh), người đã từng hoạt động ở Xuân Phổ những năm kháng chiến, được bà con địa phương chỉ dẫn tường tận ; bà Chi, người chủ mảnh đất có ngôi mộ, là người bao nhiêu năm nay chăm lo ngôi mộ một cách kín đáo, tiếp tục công việc của bố chồng, cụ Nguyễn Thiên, là người bảo quản ngôi mộ Tạ Thu Thâu từ năm 1945 ; thầy giáo Võ Đông Sơ, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương...

huong
Ngôi mộ Tạ Thu Thâu


chichi  anhem
Nhà thơ Thanh Thảo đứng bên bà Chi (hình trái) và bạn bè Quảng Ngãi - Xuân Phổ (phải)

Như vậy, hồ sơ Tạ Thu Thâu trong lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ còn một câu hỏi lớn : ai đã giết, hay chính xác hơn, ai đã chủ trương giết Tạ Thu Thâu tháng 9.1945 ở Quảng Ngãi ?

Từ điển mở Wikipedia tiếng Pháp khẳng định : những người "staliniens Việt Minh" (những phần tử stalinist trong Việt Minh). Còn Wikipedia Việt ngữ : "Tháng 9 năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông về Nam Kỳ, trên đường về, ông bị Việt Minh bắt và sau đó xử tử tại Quảng Ngãi theo lệnh Trần Văn Giàu." Trang này viện dẫn những tác giả trốt-kít, đặc biệt là Ngo Van (tên đầy đủ là Ngô Văn Xuyết). Ông Trần Văn Giàu, mùa thu năm 1945, là lãnh đạo cộng sản ở Sài Gòn (bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ), chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ (tháng 9-1945). Một số tác giả trốt-kít cho rằng Trần Văn Giàu ít nhiều liên can tới quyết định thủ tiêu những người trốt-kít ở Nam Bộ trong thời gian 1945-46 như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch (mặc dầu họ coi những người trách nhiệm trực tiếp không phải là Trần Văn Giàu, mà là Dương Bạch Mai, Kiều Đắc Thắng).
Vậy thực hư thế nào ?
Bài này không có tham vọng mang lại lời giải dứt khoát, mà chỉ xin đóng góp một số dữ liệu đã thu thập được, góp phần trả lời câu hỏi vẫn còn là bí ẩn.
Dữ liệu đầu tiên là cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Giàu ở Paris mùa hè 1989. Ấy là năm kỉ niệm lần thứ 200 Cách mạng Pháp. Nhân dịp này, ông Trần Văn Giàu (cùng với bà Đặng Bích Hà và ông Trần Bạch Đằng) được mời sang Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên ông trở lại Pháp từ khi bị trục xuất về Việt Nam năm 1930 sau khi tham gia cuộc biểu tình trước điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) của học sinh sinh viên Việt Nam phản đối vụ đàn áp Yên Bái. Cũng bị trục xuất sau vụ biểu tình có Tạ Thu Thâu (cộng sản "đệ tứ"), Nguyễn Văn Tạo (cộng sản "đệ tam")... Chính xác hơn, một năm sau, năm 1931, ông sẽ bí mật trở lại Pháp rồi từ đó sang Liên Xô, học trường "Phương Đông" như sẽ nói ở đoạn dưới.
Trong cuộc phỏng vấn gần 3 giờ có ghi âm và ghi hình, chủ yếu về cuộc đời hoạt động và việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam (mà ông tập trung làm từ giữa thập niên 1950), chúng tôi đã hỏi thẳng về trách nhiệm cá nhân của ông trong cái chết của các nhà cách mạng trốt-kít Tạ Thu Thâu (ở Quảng Ngãi), Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch (ở Nam Bộ)... Trần Văn Giàu khẳng định ông hoàn toàn không liên can gì với vụ thủ tiêu Tạ Thu Thâu. Ông còn dành ít phút nói về mối quan hệ cá nhân với Tạ Thu Thâu (sinh năm 1906, lớn hơn ông 5 tuổi) : họ biết nhau tại Paris từ năm 1930, Tạ Thu Thâu là một trong những người chủ xướng cuộc biểu tình trước Điện Elysée, còn Trần Văn Giàu vừa học xong trung học ở Toulouse, được cử làm đại diện cho học sinh sinh viên Toulouse lên Paris biểu tình. Sau đó, các sinh viên "lớn" (trên 21 tuổi) như Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo... bị đưa vào khám La Santé (Quận 13), rồi bị trục xuất về "Đông Dương", còn Trần Văn Giàu (19 tuổi, vẫn là "vị thành niên" theo pháp luật thời đó) bị giam ở "khám đàn bà" La Roquette (Quận 11), rồi bị trục xuất mấy tuần sau. Gia nhập Đảng cộng sản (Pháp) năm 1929, Trần Văn Giàu về tới Sài Gòn và lao ngay vào hoạt động cách mạng. Năm 1931, đang đi trên đường phố, ông được một đồng chí cho biết mật thám đang tới nhà, lùng bắt ông. Trần Văn Giàu quyết định rời Sài Gòn và tìm cách "đi chui" trở lại Pháp : trên đường phố, may sao ông gặp Tạ Thu Thâu, Thâu đưa về nhà bà chị ruột và nhờ chiếc "cà rá" vàng của bà chị Tạ Thu Thâu, ông đã thực hiện được lộ trình Sài Gòn – Marseille – Moscou năm đó. Kể lại chuyện này, chắc ông không có ý lấy mối ơn nghĩa này làm bằng chứng minh oan, vì nó không thể là, không phải bằng chứng. Phủ nhận mọi trách nhiệm của mình trong cái chết của Tạ Thu Thâu năm 1945, ông Trần Văn Giàu giữ im lặng về việc thủ tiêu những đảng viên trốt-kít ở Nam Bộ trong thời gian cuối 1945 - năm 1946. Tôi hiểu sự im lặng này như một sự thừa nhận mặc nhiên, về trách nhiệm, hay ít nhất, về sự đồng  tình với quyết định thủ tiêu các ông Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch. Tài liệu của những tác giả trốt-kít nói tới trách nhiệm của Dương Bạch Mai, Kiều Đắc Thắng trong vụ này. Nhiều nguồn tin nói ông Phan Văn Hùm bị giết năm 1946, lúc ấy, ông Trần Văn Giàu đã bị điều ra Bắc, một phần để giải quyết vụ bất đồng giữa hai "xứ uỷ Nam Kỳ" năm 1945 (một bên là "xứ uỷ Giải Phóng" và một bên là "xứ uỷ Tiền Phong" mà ông Giàu làm bí thư).
Bất luận thế nào, thì ngày nay có thể khẳng định là tiếng nói của Trần Văn Giàu, vào tháng 9 năm 1945, khó có thể đi tới Quảng Ngãi, và nếu có đi tới, chắc nó không có chút nào "nặng ký". Bởi vì, nếu ở Nam Kỳ có hai phe "đệ tam", thì ở Quảng Ngãi có tới 3 "phe" : nhóm đảng viên "bám trụ" suốt mấy năm đàn áp của Pháp, Nhật, nhóm vượt ngục từ Ba Tơ, và nhóm đảng viên đi theo chủ trương Mặt trận Việt Minh của "trung ương" (xem David G. Marr : Vietnam 1945 / The Quest of Power, University of California Press, 1995). Tất nhiên ba "phe" này khác biệt nhau, thậm chí xung khắc nhau về đường lối chính sách. Một trong những hệ quả của tình trạng này là "thành tích" của chính quyền cách mạng Quảng Ngãi mùa thu 1945, mà nạn nhân không chỉ có Tạ Thu Thâu, mà còn có nhiều nhân vật khác : bác sĩ Hồ Tá Khanh (thân "đệ tứ"), tuần phủ Ngô Đình Diệm, (bộ trưởng tương lai) Lê Văn Hiến... Bác sĩ Hồ Tá Khanh (bộ trưởng kinh tế chính phủ Trần Trọng Kim) và ông Ngô Đình Diệm đều bị bắt ở đây trên đường từ Nam ra Bắc (nay ngược lại), nhưng may mắn được trả tự do sau một thời gian nằm tù. Ông Lê Văn Hiến (sau này là bộ trưởng tài chính, rồi bộ trưởng lao động VNDCCH), một lãnh đạo cộng sản khá nổi tiếng ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong đầu những năm 1936-45, đi qua Đà Nẵng, bị bắt và bị đưa ra xử bắn vì tội "Việt gian, giả mạo giấy tờ". May sao, ở giây phút chót, người chỉ huy đội hành quyết đã sáng suốt quyết định hoãn lại cuộc xử bắn.
Năm 2005, có dịp về thăm Quảng Ngãi, tôi hỏi nhà thơ Thanh Thảo và mấy người bạn anh : tại sao "Quảng Ngãi các anh" lại "dữ" thế ? Các anh không phải là người trong cuộc của thời 1945, không có thông tin "nội bộ" của thời ấy, chỉ cung cấp cho tôi một "yếu tố tâm lý" có thể giải thích cơn "cuồng nộ cách mạng" 1945. Các anh hỏi tôi đã đọc Amok của Stefan Zweig chưa ? và cho rằng cơn cuồng sát amok của người Mã Lai, nạn "cáp duồn" của người Khơ me giết người Việt, mới giải thích được nguồn cơn Quảng Ngãi năm ấy.
Bà con nông dân Xuân Phổ năm 1945 không bị cuốn vào cơn cuồng loạn ấy. Cụ Nguyễn Thiên ngày đó đã thầm lặng chăm sóc ngôi mộ Tạ Thu Thâu, trước khi trao trách nhiệm cho chị Chi, con dâu. 
Những vụ thanh toán, thủ tiêu 1945-1946 làm người ta quên đi bầu không khí khá đặc biệt trong những năm 1934-38 ở Sài Gòn, với tờ báo La Lutte, nơi "hợp tác - đấu tranh" giữa hai nhóm cộng sản "đệ tam" và "đệ tứ". Mà điển hình độc nhất vộ nhị là cặp Phan Văn Hùm - Mai Huỳnh Hoa. Ông Phan Văn Hùm (1902-1946) thì bạn đọc biết rồi. Bà Mai Huỳnh Hoa (1910-1987), vợ thứ của ông, chỉ xin giới thiệu tóm tắt : cháu ngoại của nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh (con gái cụ Đồ Chiểu). Bà Mai Huỳnh Hoa (tên con gái là Kim Ba) là đảng viên cộng sản (nghĩa là "đệ tam"), ông Phan Văn Hùm lãnh đạo (một) nhóm "đệ tứ"). Tôi có dịp hỏi chuyện bà Nguyễn An Ninh và bà Nguyễn Thị Lựu năm 1970, và sau này được ông Trần Văn Giàu xác nhận : hồi "Mặt trận Bình Dân", nhiều cuộc mít tinh, hai ông bà khoác tay nhau tới dự : lúc khai hội, Phan Văn Hùm (nổi tiếng hùng biện) đăng đàn diễn thuyết, từ hàng ghế cử toạ, bà Huỳnh Hoa đứng lên, giọng ỏn ẻn : "Đả đảo tên trốt-kít Phan Văn Hùm !". Mít tinh kết thúc, chàng và nàng khoác tay nhau ra về.
Mong rằng, một ngày kia, chúng ta được đọc một bộ sử Việt Nam Thế kỷ XX chân thực và khách quan.
Paris, 11.12.2019 – ngày đình công thứ bảy.

Nguyễn Ngọc Giao


Không có nhận xét nào: