Quốc gia hưng vong đôi khi chỉ là chuyện trong sớm tối. Từ lịch sử mà xét, mỗi khi một vương triều suy bại thì đều có những điểm chung nhất định. Người xưa nói: “Một lời có thể hưng quốc, một lời có thể vong quốc”. Do vậy dù là thiên tử cũng phải khiêm tốn tiếp thu ý kiến của người khác. Như vậy người trí tuệ sẽ hiến mưu lược, kẻ dũng cảm sẽ dốc sức mình.
Thời Xuân Thu, có một bậc thầy âm nhạc tiếng tăm lừng lẫy nước Tấn là Sư Khoáng, được người đời tôn xưng là “Thánh nhạc”. Thời đó những bậc thầy về âm nhạc có địa vị cao nhất thường được gắn một chữ “Sư” trước tên của mình. Tuy là người tài hoa nhưng Sư Khoáng bẩm sinh đã bị mù.
Mặc dù Sư Khoáng là nhạc sư, nhưng ông thường chỉ ra những điều được mất về triều chính quốc gia cho quân vương, dốc hết khả năng của bản thân, nỗ lực duy trì sự thịnh vượng của nước Tấn.
Một lần nọ, Tấn Bình Công nhìn Sư Khoáng, đột nhiên cảm thán mà rằng: “Mặc dù đại phu thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại là một người mù, thế giới của ngài quả thực quá đen tối”.
Sư Khoáng đáp: “Cũng chưa hẳn đã như vậy. Kỳ thực thiên hạ có 5 điều đen tối, mà thần lại chưa rơi vào một trong 5 điều đó.”
Tấn Bình Công thắc mắc, Sư Khoáng bèn trả lời:
“Quần thần nhờ hối hộ mà có được uy danh, bách tính chịu oan uổng không có nơi kêu oan. Trước tình cảnh này, quân vương không nghe không hỏi. Đây là điều đen tối thứ nhất.
Trung thần không dùng, dùng thần bất trung, những kẻ vô dụng ngồi nơi cao trọng yếu, tiểu nhân áp chế bậc hiền minh. Trước tình cảnh này, quân vương không biết không hiểu. Đây là điều đen tối thứ 2.
Kẻ gian nịnh hai mặt giỏi che giấu nhờ miệng lưỡi bản thân được trọng vọng, tôn quý; người hiền tài bị hãm hại phải rời đi. Trước tình cảnh này, quân vương không cảm thấy, không phát giác ra. Đây là điều đen tối thứ 3.
Quốc gia nghèo khó, bách tính mệt mỏi, nhưng quân vương lại hiếu chiến, ham thích lập chiến công, mê đắm trong những lời nịnh hót mà không thức tỉnh. Đây là điều đen tối thứ 4.
Thị phi bất phân, pháp lệnh chẳng thể thi hành, tham quan ô lại bẻ cong pháp luật, bách tính chẳng thể an định. Trước tình cảnh này quân vương không minh bạch. Đây là điều đen tối thứ 5.
Quốc gia hễ rơi vào 5 cảnh đen tối này, không nơi nào là không tan rã.”
Tấn Bình Công sau này trở thành một bá chủ thời Xuân Thu, nhiều lần hội họp chư hầu.
Khổng Tử giảng: “Người cai trị thiên hạ phải chính. Lấy chính dẫn dắt người thì thiên hạ ai dám không chính?”
Người xưa coi quân vương là sứ giả của thần linh nơi Thiên thượng, vậy nên hoàng đế xưa nay được tôn xưng là “Thiên tử”, là con của Trời. Hoàng đế được trao vinh diệu lớn nhất nhưng đồng thời cũng phải gánh vách trách nhiệm lịch sử trọng đại nhất. Bảo hộ bách tính tránh khỏi tai ương là thiên chức của Thiên tử. Nhân dân nghèo khó, lầm than là tội của Thiên tử.
Có câu: “Đắc dân tâm giả đắc thiên hạ”, người được lòng dân thì được cả thiên hạ, muốn yên được thiên hạ thì phải có được lòng người. Quốc gia hưng vong đều ở lòng dân cả.
Thiên Cầm
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét