25/02/2017 07:41 GMT+7
- Ai dám bảo đảm dự án công viên “không lắt nhắt” và “táo bạo”này sẽ thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, thoát khỏi số phận các dự án lãng phí tiền tỷ trước đó? Dù tham vọng của Thanh Hóa là không nhỏ- công trình văn hóa lớn nhất cả nước và mang tầm thế kỷ?
1-Dư luận xã hội mới đây bỗng bất ngờ vì thông tin trên các báo - 15 tỉnh xin nhà nước hỗ trợ 15000 tấn gạo cứu đói cho dân.
Không bất ngờ sao được. Bởi nếu là những năm thời bao cấp, đất nước còn rất nghèo, thì việc các tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói, cứ đến hẹn lại lên, cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng, đất nước đã qua 30 năm đổi mới, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, và Việt Nam, dù còn những vấn đề phải bàn về chất lượng, giá cả, nhưng hạt gạo đã trở thành hàng hóa đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Thì việc một số tỉnh tuần chay nào cũng có nước mắt - xin hỗ trợ gạo cứu đói cho dân- có gì đó thật khó… bình. Dù vậy, cứu đói cho dân là việc không thể chậm trễ.
Một hạng mục trong công viên 2000 tỷ của tỉnh Thanh Hoá |
Ở con số 15 tỉnh đó, Thanh Hóa vẫn góp mặt- với 09 huyện và 15.400 hộ dân xin hỗ trợ 650 tấn gạo. Nói vẫn góp mặt là bởi, đã có những tỉnh như Quảng Nam, phải hứng chịu hai đợt lũ muộn, Thừa Thiên- Huế, bị mưa lũ liên tiếp, thậm chí là một trong 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, nhưng trước Tết Đinh Dậu mới đây đã không xin hỗ trợ gạo cứu đói. Điều đó thể hiện sự cố gắng của tỉnh không…. ỉ lại vào nhà nước và cộng đồng. Ngược lại, tiếng là tỉnh lớn, Thanh Hóa năm nào cũng xin. Năm 2015, xin hỗ trợ gần 935 tấn gạo, năm 2014, xin hỗi trợ hơn 500 tấn.
Trong thực tế, ngân sách hàng năm thu được khoảng trên dưới 11. 000 tỷ đồng, không biết có phải là bóc ngắn cắn dài không nhưng mức chi thường xuyên của tỉnh thường trên 20.000 tỷ đồng. Thế nên, việc tỉnh vẫn góp mặt trong danh sách xin hỗ trợ cứu đói cho dân, cũng không lạ.
Lạ nhất, vào lúc còn chưa qua tháng Giêng âm lịch, gạo cứu đói trong bồ của người dân nghèo Thanh Hóa có lẽ còn chưa hết, dư luận xã hội đã xôn xao vì thông tin Thanh Hóa định xây công viên văn hóa hơn 2500 tỷ đồng.
Theo báo GDVN, ngày 22/2, công viên văn hoá này rộng 500.000 m2, dự kiến sẽ được xây dựng ở trung tâm thành phố với nhiều hạng mục có quy mô lớn. Có 02 phương án xây dựng: 1) Công viên sẽ có các hạng mục chính như khu đền thờ trăm họ, tháp vọng cảnh, đại đình làng Việt, khu dịch vụ tập trung…Tổng mức đầu tư khoảng 2.361 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 713 tỷ đồng, ngoài ngân sách 1.648 tỷ đồng). 2) Ngoài các hạng mục trên, có thêm quảng trường và khu nhà điển hình các dân tộc thiểu số. Tổng mức đầu tư khoảng 2.520 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 780 tỷ đồng, còn lại 1.740 tỷ đồng là ngân sách xã hội hóa.
Thú thật, người viết bài này, đọc thông tin mà… hoa cả mắt.
Ai đó có câu nói chí lý: Sự ấm no của người dân chính là thước đo chuẩn xác nhất về sự thành công của một quốc gia. Chưa cần một quốc gia, sự ấm no của người dân cũng chính là thước đo chuẩn xác nhất về sự thành công của một địa phương. Với tiêu chí đó, Thanh Hóa chưa phải địa phương… thành công lắm. Thậm chí ngược lại!
Đã vậy, để quảng bá cho dự án, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh còn khẳng định một cách tự tin: Nếu công trình này được triển khai và hoàn thành, nó sẽ là công viên văn hóa lớn nhất cả nước và mang tầm thế kỷ. Vấn đề là mình phải táo bạo mới có công trình lớn, hoành tráng. Còn cứ làm lắt nha lắt nhắt thì làm sao mà phát triển được? Và: Không phải vì dân nhận gạo cứu trợ mà không đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Cái nào nó ra cái đó, cái làm thì vẫn phải làm! (GDVN, ngày 23/2)
2-Công bằng mà nói, công viên văn hóa, với bất cứ một quốc gia, đô thị, hay địa phương nào cũng là ý tưởng tốt. Bởi đó là không gian thiên nhiên hòa trộn với văn hóa, mang bản sắc văn hóa địa danh đó, là nơi để người dân thưởng ngoạn, sau những giờ lao động mệt nhọc. Và có thể còn có sức quyến rũ du khách du lịch trong nước, nước ngoài.
Thế nhưng vừa xin hỗ trợ cứu đói cho dân, Thanh Hóa đã đưa ra dự án công viên tới 2500 tỷ, khiến dư luận xã hội phản ứng. Vì sao?
Đồ án công viên 2000 tỷ được tỉnh Thanh Hoá trưng bày |
Vì con số 2500 tỷ đưa ra cho việc xây dựng một công viên vui chơi, vào lúc vừa xin cứu đói, nó có phần… không phải “đạo”, không phù hợp phép ứng xử, nhất là của một chính quyền ở một tỉnh dân đông, còn gặp không ít khó khăn trong đời sống và phát triển kinh tế.
Vì đặt trong bối cảnh vấn nạn tham nhũng vẫn ngang nhiên trông trời trông đất trông mây, mà một dự án hàng nghìn tỷ đồng, thì chắc chắn, hoa hồng đến kỳ hoa hồng nở. Có ai dám khẳng định với dư luận xã hội, là loại hoa hồng này không nở trên dự án, trên sắt thép, trong công viên thì sắp tới?
Vì tư duy nhiệm kỳ- một kiểu “vấn nạn” khác, khiến cho xã hội từ lâu hoài nghi sự “chính danh” của các dự án, theo kiểu muốn ăn thì làm dự án mà ăn.
Và ở một góc độ khác, phải nói rằng, sự lãng phí tài lực, vật lực tại các công trình của Thanh Hóa trong thì quá khứ, thì hiện tại là cũng không “lắt nhắt” chút nào. Nó muôn mặt đời thường, ở đủ các lĩnh vực.
Ví như mới đây, theo VnExpress, ngày 23/2, dự án tái định cư hơn 300 tỷ đồng thi công ì ạch, do UBND tỉnh làm chủ đầu tư, sau 06 năm (phê duyệt năm 2010) vẫn dở dang. Nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm biến thành bãi thả trâu bò, thậm chí còn là điểm tụ tập chích hút của dân nghiện ma túy.
Ví như, các dự án công nghiệp như Dự án Cụm các nhà máy máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc – Thanh Hóa do thiếu vốn đầu tư, chất lượng công trình hoen rỉ, xuống cấp, kéo theo gần 26 ha đất nông nghiệp màu mỡ thu hồi đã bị bỏ hoang. Rồi 27 ha đất giải phóng mặt bằng với chi phí đền bù lên hàng tỉ đồng, phục vụ dự án Khu biệt thự Hùng Sơn - Nam Sầm Sơn do Công ty Cổ phần Văn Phú Invest thực hiện nay cũng thành đất hoang (truyenhinhthanhhoa.vn, ngày 09/12/2016)
Trước đó, tháng 3/2016, báo Tài Nguyên Và Môi trường đưa tin, hàng loạt chợ của toàn tỉnh Thanh Hóa như chợ Già (xã Hoằng Kim), chợ Đức Sơn, xã Hoằng Đức (đều thuộc huyện Hoằng Hóa)…, đầu tư hơn 18 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn đắp chiếu “ngủ… hoang”, gây lãng phí ngân sách nhà nước và doanh nghiệp.
Cũng chẳng phải chỉ có các dự án chợ kinh doanh, buôn bán, dự án sản xuất công nghiệp, hay tái định cư, mà ngay cả các công trình thuộc Chương trình 135 của nhà nước cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn, cũng rơi vào tình trạng lãng phí. Theo Thanh niên, ngày 22/12/2015, từ năm 2012 đến 2015, Thanh Hóa có 114 xã được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo CT 135, tổng số vốn lên tới hơn 550 tỉ đồng. Nhưng không ít công trình khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng bị hư hỏng, hoặc không sử dụng được, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Mà đó toàn là tiền tỷ, xét cho cùng, là tiền thuế của dân.
Ai dám bảo đảm dự án công viên “không lắt nhắt” và “táo bạo”này sẽ thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, thoát khỏi số phận các dự án lãng phí tiền tỷ trước đó ? Dù tham vọng của Thanh Hóa là không nhỏ- công trình văn hóa lớn nhất cả nước và mang tầm thế kỷ?
Thanh Hóa có nên nhớ câu thành ngữ liệu cơm gắp mắm?
Nếu không có “thực” (tài lực, vật lực, năng lực), sao … vực được công viên?
- Kỳ Duyên
Một sự kiện xứ Thanh, 70 năm trước
TP - Ngày 20/2/2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự.
Bác Hồ nói chuyện với 400 đại biểu khi về thăm lại tỉnh Thanh Hóa ngày 13/6/1957.
Ads by AdAsia
You can close Ad in {5} s
Tôi lật giở vài trang chính sử.
Chiều 19/2/1947, chiếc xe Jeep được ngụy trang đưa Bác vào Thanh Hóa kinh lý. Người lái xe cho Bác là đồng chí Nguyễn Văn Nên (Bác đặt tên là Ngọc); đồng chí bảo vệ tiếp cận Nguyễn Văn Lý (Bác đặt tên là Hoàng Hữu Kháng).
Trước đó, ngày 7/2/1947, Bác đã gửi thư cho ông Hoàng Hữu Nam – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch - yêu cầu các tỉnh, trong đó có Thanh Hóa, trong 10 ngày phải cung cấp 31 điểm câu hỏi điều tra về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, dân cư, địa lý, ưu khuyết điểm để Người nắm tình hình.
Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh bổ nhiệm ông Đặng Việt Châu – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ - làm đặc phái viên Chính phủ ở Thanh Hóa.
Ngày 14/2/1947, sau 2 tháng cầm chân Pháp ở thủ đô, Bác chỉ thị cho Bộ Tổng chỉ huy rút các lực lượng chiến đấu ở trung tâm ra khỏi thành phố Hà Nội để đảm bảo an toàn lực lượng chủ lực, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cùng ngày 14/2/1947, Bác đã thảo mật điện cho ông Đặng Việt Châu: “Có tối cao đặc phái Chính phủ vào Thanh Hóa kinh lý”.
Ngày 17/2/1947, Bác đã triệu tập cuộc làm việc với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Lê Văn Hiến, Hoàng Hữu Nam để thông báo về chuyến đi Thanh Hóa.
Từ địa điểm chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây), nơi Bác làm việc lúc bấy giờ, đoàn công tác đưa Bác đi đường 6A ra Xuân Mai, rẽ trái theo đường 21 về Chi Nê. Đêm 19/2/1947, Bác nghỉ tại đồn điền của ông Đỗ Đình Thiện từng là thư ký của Bác trong chuyến đi Pháp năm 1946.
3 giờ sáng 20/2/1947, từ Chi Nê sang đường 59 đi Nho Quan (Ninh Bình), đến đường 12 đi Ghềnh, theo quốc lộ 1A. 8 giờ sáng 20/2 vào Rừng Thông, Bác họp với lãnh đạo tỉnh tới hơn 1 giờ chiều mới nghỉ. Bác cùng với lãnh đạo tỉnh dùng cơm trưa. Đó là xôi nếp đóng oản, muối vừng do ông bà Đỗ Đình Thiện chuẩn bị từ đêm 19/2.
Đến 15h15 ngày 20/2/1947, Bác đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đại diện nhân dân ước chừng khoảng 300 người. Buổi tối trong khoảng thời gian rất ngắn, Bác nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa trong cuộc mít tinh đón Người tại nhà Bác Cổ (nay là Hiệu sách nhân dân thành phố Thanh Hóa). Sau đó Bác đi dâng hương tại đình Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung.
Miếu Triệu Tường năm 1939.
Nội dung các cuộc chuyện trò của Bác trong thời gian rất ngắn ở Thanh Hóa bây giờ sau 70 năm hình như vẫn thời sự, tươi mới. Có vẻ như Bác đã cảnh báo, đã chia ở thì tương lai gần lẫn xa, đã bốc bệnh rất chính xác cái nạn mất đoàn kết của xứ Thanh?
Xin trích ra vài đoạn.
Thanh Hoá kiểu mẫu
I - Mục đích:
Làm cho người nghèo thì đủ ăn.
Người đủ ăn thì khá giàu
Người khá giàu thì giàu thêm
Người nào cũng biết chữ.
Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước.
…Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt…
…Không phải tôi chỉ nói điều tốt, điều hay, mà cũng phải nói sự thực, nói thực hay mất lòng. Tỉnh Thanh Hóa có tiếng là văn vật, nhưng nay xét số người biết chữ còn ít hơn số người chưa biết chữ. Cái đó các nhà văn hóa phải chịu một phần trách nhiệm. Tôi có ý kiến ra kỳ hạn trong một năm phải thanh toán cho xong nạn mù chữ, các ngài thấy có được không? (Mọi người trả lời: Thưa được).
Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập, thống nhất là sự đoàn kết.
Ngày xưa có những sự xích mích phe phái nhưng nay Tổ quốc lâm nguy mà chia rẽ thì bất lợi.
Ta có cái thù chung là bọn cướp nước thì dù có cái thù hiềm riêng cũng phải bỏ hết. Bỏ thù riêng để trả thù chung, đó là giành thắng lợi.
...Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói.
vv…
Cứ thấy thiêu thiếu bởi trong dịp lễ không thấy nhắc đến một sự kiện? Ấy là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé qua Miếu Triệu Tường ở Gia Miêu Ngoại trang.
Mới thôi, năm 1901 Niên Giám Đông Dương có những dòng như thế này
Làng Quý Hương huyện Tống Sơn Phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các bậc tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng luỹ như một toà thành nhỏ đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường.
Đại Nam thống nhất chí chi tiết hơn:
Miếu Triệu Tường bao gồm 182 trượng bao quanh, thành có hào nước có cầu gạch bắc qua, lại có 2 lớp luỹ bao bọc. Luỹ ngoài xây vào năm Minh Mạng thứ 16 năm 1835) có 4 cửa trổ theo bốn phương.
Phạm vi lăng trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên Miếu (thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng), khu vực bên đông là thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Hoàng Dụ cha của Nguyễn Kim). Khu vực Nguyên Miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1804), trùng tu vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820). Độc đáo là sự trang trí và sắp đặt trong Nguyên Miếu được mô tả cụ thể sinh động trong sách của một sử gia Pháp tên là H. Le Bretstin.
Còn đây là Lăng Trường Nguyên nằm dưới chân Thiên Tôn đằng sau đình Gia Miêu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là Lăng Trường Nguyên (suối dài vĩnh cửu). Vì mộ Nguyễn Kim không còn để lại dấu nên Gia Long chỉ cho xây một nền vuông để bái yết và cúng lễ.
Năm Minh Mệnh thứ 3, 1822 Minh Mạng về Gia Miêu thân đề một bài minh trên tấm bia dựng ở khu lăng miếu Triệu Tường.
Quy mô kiến trúc Miếu Triệu Tường, Gia Long muốn ngoài ý nghĩa thờ tự và ghi nhớ công ơn của Triệu tổ nhà Nguyễn, công trình như là một tặng vật cho quê hương. Kiến trúc lăng miếu Triệu Tường mang phong cách của các kiến trúc Lăng tẩm nhà Nguyễn sau này.
Các vua Nguyễn khác như Khải Định trong các dịp tuần du Bắc Hà đều ghé Gia Miêu bái yết.
Đầu năm 1939, Bảo Đại đã cho phi cơ chụp không ảnh toàn bộ Miếu Triệu Tường.
Trở lại sự kiện Bác Hồ (có thể là ngày 20 hoặc 21/2/1947) đã ghé lăng miếu Triệu Tường thắp hương.
Cũng cần nói thêm, trên lộ trình bắt vào đất xứ Thanh để đến Rừng Thông không thiếu những di tích lịch sử. Rất gần Gia Miêu Triệu Tường có đền thờ Bà Triệu. Cách không xa nơi thờ Bà Triệu là Đền thờ Ngô Tuấn tức Lý Thường Kiệt. Nhưng Bác đã chọn Gia Miêu. Có phải cái gạch nối Nhà Nguyễn đến Việt Nam dân chủ cộng hòa là gạch nối là dòng chảy lịch sử của Đại Việt ta?
Bây giờ chính sử (chỉ ghi đầu việc) lẫn dã sử đều không có dòng chi tiết nào tường thuật lại sự kiện lịch sử ấy. Có chăng chỉ chút ký ức lưu lại trong các bậc cao niên xứ Thanh.
Mà lần kỷ niệm 70 năm Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa hình như trên phương tiện thông tin đại chúng không thấy nhắc về sự kiện này?
Là những ai thuở ấy được may mắn chứng kiến giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Gia Miêu Triệu Tường thắp hương chiêm bái?
Cụ khấn gì? Bạch những gì với các đấng tiền nhân thì chỉ có người trong cuộc biết được.
Chính sử cũng như các nhà làm sử không thấy có công trình nghiên cứu nào, sau sự kiện vào thăm Thanh Hóa ấy cứ như một cú hích lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định rời Quốc Oai, Chùa Thầy, đưa toàn bộ Ban tham mưu cùng lực lượng kháng chiến lên Chiến khu Việt Bắc.
Đôi hồi mà gẫm, càng thấy tiếc xót công trình nguy nga Lăng Miếu Triệu Tường. Không phải cái thời tiêu thổ kháng chiến, cũng chẳng phải đạn bom gì của đế quốc sài lang mà mới thôi, những năm cuối 50 đầu 60 những ấu trĩ nóng vội và cả ngớ ngẩn đã biến công trình lịch sử ấy thành bình địa (xem thêm Nơi phát tích của một vương triều cùng tác giả báo Tiền Phong tháng 10 năm 2008)
May mắn, ông Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Khoa Điềm lần về thắp hương đã trồng một cây đa trước ngôi đình đổ nát hoang phế Gia Miêu. Sau đó ông cho tiền tu sửa ngôi đình.
Rồi Lăng Trường Nguyên được dòng Nguyễn Phước tộc tôn tạo. Lại xây mới cái nhà bia lưu lại bút tích của vua Minh Mạng: Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ/Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ... cùng nền phương cơ nơi thờ cúng và cũng là phần mộ của Triệu tổ Nguyễn Kim.
Hình như những việc thiện ấy cũng là cái cách tưởng niệm, nhắc nhớ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước từng đã qua đây?
Một ngày cuối tháng 8/1945, Bảo Đại, ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, thời điểm ấy là công dân Vĩnh Thụy được Chủ tịch Hồ Chí Minh vời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ. Trên đường thiên lý từ Huế ra, Vĩnh Thụy khi qua địa phận Gia Miêu ngoại trang đã cho dừng đoàn xe 4 chiếc lại. Không biết nghĩ ngợi thế nào, chắc do vội chứ có ai cấm cản gì đâu, ông không về Triệu Tường mà bày hương án ngay chỗ ngã ba lối rẽ vào thì thụp khấn vái. Thủ tục hành lễ bái yết tiên tổ chỉ diễn ra hơn một tiếng đồng hồ thay vì cả ngày như trước đây của vua cha Khải Định.