Ngày 15/5, mạng “Quân sự Thiên Thiên” của Trung Quốc đăng bài viết “Trung Quốc sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông, nước nào là đối tượng đầu tiên?”, nội dung đáng chú ý như sau:
Tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Trung Quốc có một số đảo bị 5 nước là Philippin, Inđônêxia, Malaixia, Brunây và Việt Nam chiếm đoạt lâu dài, nhưng để đạt được mục đích chung sống hoà bình, Chính phủ Trung Quốc đã ký với các quốc gia Đông Nam Á văn kiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” vào ngày 4/11/2002. “Tuyên bố” nhấn mạnh thông qua đàm phán, hiệp thương hữu nghị, lấy phương thức hoà bình giải quyết những tranh chấp liên quan tại Biển Đông, trước khi giải quyết tranh chấp, các bên cam kết giữ kiềm chế, không áp dụng các hành động khiến tranh chấp trở nên phức tạp và mở rộng. Văn kiện này có ý nghĩa tích cực quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực Biển Đông, tăng cường lòng tin giữa Trung Quốc và ASEAN.
Việt Nam có những biểu hiện nào khi xâm chiếm các đảo ở Biển Đông?
Việt Nam chiếm giữ 29 đảo trên quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa), là nước xâm chiếm nhiều đảo nhất. Để chiếm giữ hữu hiệu các đảo này, Việt Nam đã áp dụng sách lược nói ít làm nhiều, nhằm tránh xảy ra xung đột với Trung Quốc, Việt Nam xâm chiếm một cách lặng lẽ, sau khi tạo sự thật đã rồi mới rêu rao có chủ quyền đối với các đảo này. Nhưng Việt Nam cũng ngại đụng chạm tới “giới hạn cuối cùng” của Trung Quốc, sợ một lần nữa vấp phải cuộc tấn công đến từ quân đội Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu học bài “hỗ trợ từ nước ngoài” nhằm đạt được mục đích “lấy yếu thắng mạnh”.
Tháng 7/2008, Việt Nam ký hiệp định thăm dò dầu khí với một công ty nước ngoài, khiến vấn đề tranh chấp Biển Đông tạm thời yên lặng bỗng một lần nữa dậy sóng. Theo “Báo Hoa Nam buổi sáng” (Hồng Công) khi đó đưa tin, Việt Nam và tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đạt được một hiệp định về hợp tác thăm dò dầu khí, trong đó địa điểm thăm dò lại nằm trong khu vực lãnh hải tranh chấp Trung-Việt trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu ngày 22/7/2008 chứng thực, Chính phủ Trung Quốc cho rằng hành động này là hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc của Chính phủ Việt Nam, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đồng thời đưa ra giao thiệp nghiêm khắc; hơn nữa, yêu cầu tập đoàn Exxon Mobil chấm dứt thực hiện hiệp định này, tuy nhiên Exxon Mobil lại tin tưởng Việt Nam có chủ quyền đối với các khu vực thăm dò tương ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng trong khi trả lời phóng viên “Báo Hoa Nam buổi sáng” của Hồng Công, đã nói: Hiệp định ký kết với Exxon Mobil thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam, nước khác không có quyền can thiệp.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam không thương lượng với Trung Quốc, tự ý thăm dò tài nguyên dầu khi trong khu vực lãnh hải tranh chấp, Việt Nam đã phân chia hàng trăm khu vực thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa để mời thầu trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, các tập đoàn dầu khí của Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức đều ký với Việt Nam một loạt hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí tại Biển Đông. Việt Nam đã nhuộm màu sắc quốc tế cho vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tháng 4/2007, Việt Nam khởi động kế hoạch phát triển mỏ khí và đường ống dẫn khí thiên nhiên trong vùng biển tranh chấp Trường Sa với tập đoàn dầu mỏ BP của Anh, gặp sự phản đối kiên quyết của Chính phủ Trung Quốc, buộc BP phải thay đổi kế hoạch.
Vì gác tranh chấp, Trung Quốc vẫn chưa khai thác nổi một thùng dầu tại khu vực tranh chấp. Trong khi đó, tính đến nay Việt Nam đã khai thác gần 100 triệu tấn dầu thô, 1,5 tỷ m3 khí từ các giếng dầu ở khu vực Trường Sa, thu lợi hơn 25 tỷ USD. Sản lượng dầu mỏ khai thác hàng năm tại Biển Đông đạt từ 50 – 60 triệu tấn, trong đó sản lượng dầu mỏ tại khu vực tranh chấp Trung – Việt đạt khoảng 8 triệu tấn, chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng sản lượng khai thác dầu mỏ hàng năm của Việt Nam là 30 triệu tấn. Để chiếm đóng vĩnh viễn các đảo, Việt Nam không ngại tổ chức cái gọi là diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ nhằm vào Trung Quốc, với lại hai nước Trung-Việt vẫn đang trong quá trình đàm phán, thái độ bắt đầu thay đổi. Hành động này gặp phải sự phản đối của Trung Quốc, gây ra tình trạng căng thẳng hơn nữa trong quan hệ hai nước.
Trung Quốc nên chăng tấn công quân sự đối với Việt Nam?