Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Lưu Trọng Văn - Bốn lần gặp bác Sáu Phong...(Nguyễn Minh Triết)

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 22 tháng 3 năm 2016 | 22.3.16

Hôm qua vì tranh luận việc hệ trọng nước non nên gã đã gọi bác Sáu Phong là...  “ngài”. Thực lòng gã chả khoái cách  gọi bác ấy như thế vì qua bốn lần gã tiếp xúc với bác ấy thì thấy bác ấy về cơ bản rất bình dân và chân chất , có đôi chút quê một cục... Nam Bộ.

Gã muốn cái gì ra cái đó.

Lần  một.

Khá lâu rồi, trong dịp báo Phụ nữ TP HCM mà nàng Thế Thanh là tổng biên tập tổ chức lễ kỉ niệm thành lập báo linh đình tại Dinh Độc Lập.

Gã đang tán phét. Cùng bàn với gã ngoài hiên Dinh có nhà báo Lý Qúy Chung, nhà văn hài hước Lê Văn Nghĩa cùng vợ là nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh xinh đẹp, nhà thơ Phan Vũ...đột nhiên bác Nguyễn Minh Triết tức Sáu Phong  bí thư thành ủy (cái chức mà chú Đinh La Thăng đang giữ nổi đình nổi đám bây giờ) sà tới ngồi cùng bàn.

Lung tung chuyện rất đời thường đột nhiên bác Phan Vũ - “em ơi Hà Nội phố ta còn em mùi hoàng lan”, nổi hứng nói: Anh Sáu à, hôm nọ anh gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, bắt tay từng anh em thân mật, anh em thấy vinh dự lắm.

Chả biết bác Phan Vũ nổi tiếng quậy, từng hăng hái tham gia phong trào “Nhân văn giai phẩm” nói chơi xởi lởi hay thiệt tình nữa?

Thực ra gã chả khiêu khích ai làm gì nhưng nghe thấy...tức cho thân phận cánh văn nghệ sĩ nước nhà,gã tương luôn: Anh Phan Vũ ơi, anh quên là chính bí thư thành ủy cũng được vinh dự khi bắt tay anh và các văn nghệ sĩ à?

Gã nhìn thấy nụ cười gượng trên môi bác Sáu Phong.

Bình luận: Hì, nếu là gã, gã sẽ hùa theo ngay :Cậu này nói đúng đấy được bắt tay các văn nghệ sĩ nổi tiếng tôi cũng rất vinh dự.

Lần hai.

Đám tang nhà thơ Thu Bồn tại 25 Lê Qúy Đôn. Gã đến thì thấy nhõn bàn có người ngồi, lại toàn người quen nữa.Nhà văn Nguyễn Chí Trung, cựu trợ lí của tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Nguyễn Duy, kts Nguyễn Trọng Huấn, họa sĩ Trang Phượng... Gã tò tò đến ngồi cùng và giật mình nhận ra bác Sáu Phong lúc này là chủ tịch nước cũng ngồi chung bàn. Gã tự nhủ mình sẽ ngồi yên và nghe. Chuyện xung quanh cuộc đời nhà thơ Thu Bồn từng sống ở Bình Dương mà bác Sáu Phong có thời là bí thư tỉnh ủy. Bỗng đột nhiên nhà văn kiêm thiếu tướng Nguyễn Chí Trung người bạn chiến đấu thân thiết của Thu Bồn nói: Anh Sáu đến dự đám tang nhà thơ Thu Bồn là vinh dự cho anh em văn nghệ lắm.

Ối giời!

Gã lại nổi cơn mẹ nó rồi. Không kìm được gã bèn hỏi bác Sáu Phong một câu, thật ra là để chọc ngoáy bác Trung chơi: Anh Sáu có đọc thơ của Thu Bồn chưa?

Mặt bác Sáu thẫn ra một lúc rồi mộc mạc  đáp: Chưa.

Rồi bác nói thêm như để bào chữa cho sự khiếm khuyết này: Thế hệ chúng tôi  lớn lên theo cách mạng rồi đi chiến đấu chỉ biết và thuộc lòng thơ Tố Hữu thôi.

Lời bình: Bác rất thật và chân thành.

Gã tính thôi không nói gì nữa, nhưng rồi đột nhiên gã nhớ mới đây gã chuyện trò với bác Vũ Ngọc Nhạ, bác Nhạ nói Ngô Diệm Diệm và Ngô Đình Nhu rất am hiểu văn chương, lúc rảnh thường trao đổi về các tác phẫm văn chương với bác ấy .

Thế là...gã tuôn: Đó chính là sự què cụt thế hệ của các anh đấy.

Bác Sáu Phong không chút tự ái. Gã cảm nhận  lúc này bác hứng khởi lắng nghe người khác châm trích mình.

Gã kể, Vũ Ngọc Nhạ kể có một đêm trăng bác ấy cùng Ngô Đình Nhu  ngắm trăng, bác Nhạ đọc câu thơ của Nguyễn Bính : Đêm nay mới thật là đêm - ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè.

Bác Sáu Phong im lặng để cái nhìn vào một cõi nào đó có thể theo gã nghĩ là một vùng kỉ niệm làng quê của bác ấy, nơi bác vì lí tưởng mà cất bước ra đi. Gã thấy ân hận vì đã nói sự què cụt...

***

Lần ba. Lần bốn. Hừ gã bị đau răng quá, vừa đi trám răng chiều nay, cho gã khất, mai kể tiếp.

Lưu Trọng Văn

(FB Lưu Trọng Văn)

Không có nhận xét nào: