Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Nhà máy 7.000 tỉ đồng...“đắp chiếu”: PVN nên bán nhà máy PVTex

20/10/2015 10:17 GMT+

TT - Nếu càng giữ lại nhà máy càng thua lỗ thêm, phải tính toán ngay phương án bán luôn nhà máy. Đây là một giải pháp thị trường nhất và hạn chế thiệt hại thêm cho Nhà nước.
Nghe đọc bài: Nhà máy 7.000 tỉ đồng...“đắp chiếu”: PVN nên bán nhà máy PVTex
Nhà máy 7.000 tỉ đồng...“đắp chiếu”: PVN nên bán nhà máy PVTex
Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy này phải liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản... - Ảnh: M.C.Thành
Thà cắt lỗ, đưa tư nhân hay những nhà đầu tư có khả năng, với mức giá nào đó chấp nhận mua và vào quản trị, vực doanh nghiệp dậy, thì lợi ích nhà nước sẽ lớn hơn về dài hạn
TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi với chúng tôi về câu chuyện Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) càng làm càng lỗ, phải xin miễn giảm thuế, hỗ trợ...

Ông Thiên nói: Bản thân doanh nghiệp khó có thể kiến nghị phương án bán nhà máy vì lỗ là mất vốn nhà nước, sẽ có người phải chịu trách nhiệm. Nhưng Nhà nước cần cân nhắc phương án hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.
Nếu trong các phương án đề xuất hỗ trợ của PVTex, như miễn giảm thuế VAT, rồi cấp bù vốn, yêu cầu các doanh nghiệp dệt phải mua sản phẩm... mà thấy không khả thi, đi vay hoặc cấp bổ sung gần ngàn tỉ mà chưa chắc tương lai tốt hơn, thì nên bán dù lỗ để tránh được rủi ro dài hạn cho ngân sách.
TS Thiên cũng cho rằng việc báo cáo khả thi khác xa hoạt động thực tế của nhà máy là có vấn đề. Nhưng để đánh giá phải xem xét cụ thể, chẳng hạn có phải báo cáo đã dựa trên thông tin sai lạc, hay có định hướng cố ý không.
Có nhiều trường hợp người ta làm dự án dựa vào thông tin không đầy đủ. Ví dụ để tính hiệu quả, họ dự tính giá đầu vào cho nhà máy da giày, thì họ dựa trên một vài loại da.
Trong khi giá mặt hàng này từ thị trường nào, tính tại thời điểm nào, độ đồng đều rồi mức độ xử lý ra sao... sẽ cho ra kết quả hoàn toàn khác nhau. Nếu chỉ căn cứ một vài số liệu, chọn cái có lợi nhất thì số liệu đó đã bị bóp méo, dẫn tới quyết định sai lệch nghiêm trọng...
Sẽ không bao giờ có đầy đủ thông tin để khẳng định nên hay không nên làm nhà máy. Tuy nhiên, vấn đề là đã xem xét đủ thông tin chưa, có cố tình biết thông tin mà che giấu để đầu tư không. Để ngăn chặn khả năng trên, cần có sự công khai minh bạch và giám sát.
Nhưng cả hai điều này ở ta vẫn chưa thật sự tốt. Doanh nghiệp nhà nước có tính độc quyền cao, chế độ trách nhiệm cá nhân chưa thật rõ ràng. Nên lúc làm có thể họ không lo sẽ bị truy trách nhiệm cá nhân.
Khi được hỏi: “Một nhà máy có vốn đầu tư lên tới 6.000 - 7.000 tỉ đồng lại được trao quyền quyết định đầu tư cho HĐQT của một doanh nghiệp nhà nước, theo ông có phải là cơ chế hợp lý?”, ông Thiên cho biết: “Không chỉ VN mà tất cả các nước, HĐQT đều được toàn quyền quyết định về việc đầu tư. Với những doanh nghiệp nhà nước, khi HĐQT đã được ủy quyền, họ phải được quyết định.
Tuy nhiên, vấn đề phải là trách nhiệm cá nhân, ai quyết thì người đó chịu trách nhiệm. VN chưa được như thế. Cứ cho người ta quyết 50%, còn 50% xin ý kiến, thì khi có vấn đề ai chịu trách nhiệm?
Theo tôi, nếu có quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân, khả năng quyết sai giảm đi rất nhiều. Còn với kiểu trách nhiệm tập thể, tài sản không phải của họ, có thể có lạm dụng sự lãnh đạo tập thể để đưa quyết định cá nhân vào, nhằm mục đích nào đó, mà không phải chịu trách nhiệm. Ở vị trí nhất định, họ không những có thể đưa những quyết định cá nhân lấn át, mà còn có thể tác động tới lợi ích của những người có thể phản đối. Do đó, tôi cho rằng trong cải cách bộ máy nhà nước, cần gắn chức năng và trách nhiệm cá nhân”.
Theo ông Thiên, cần phải phân tích cụ thể dựa trên tình hình tài chính, sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp. Cần xem xét xem bán ngay có lợi không. Nếu vực dậy, để doanh nghiệp mạnh lên được, sau đó bán đi được giá cao hơn thì có thể xem xét. Đây là cách nhiều nơi vẫn làm.
Tuy nhiên, ở đây phải công khai minh bạch. Phần nào hỗ trợ của Nhà nước, như miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn... thì phải được ghi lại, khi bán phần này phải trả lại Nhà nước. Nếu tính toán cải thiện tình hình, tái cơ cấu thì phải có đề án, điều kiện cụ thể.
Như hỗ trợ trong thời gian bao lâu, sau đó phải đạt được điều gì... phải công khai chứ không nên có đề nghị là hỗ trợ, để rồi có sự xin cho, cò cưa ở đây... Phải tính lợi ích nhà nước là cao nhất. Dù phương án nào cũng nên quyết nhanh, tránh kéo dài thiệt hại.
Cần quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân
Gần đây đã có những điểm sáng trong tập trung vào trách nhiệm cá nhân. Ví dụ như chuyện giảm số giờ nộp thuế, bảo hiểm xã hội, hay cổ phần hóa. Khi gắn vào người đứng đầu, không làm được thì kỷ luật, thậm chí cho thôi chức, nên thực tế đã chuyển biến nhanh.
Chẳng hạn, số giờ nộp thuế hiện chỉ trong 4 tháng, giảm được hơn 300 giờ. Tôi cứ “trừ bì” khoảng cách giữa báo cáo và thực tế, thời gian thực tế giảm được khoảng 150 giờ cũng khác xa so với trước đây, 4 năm chỉ giảm được có 70 giờ. Nhưng cái đó mới lóe sáng ở một số việc, một số nơi.
Cần tổng kết nhân rộng cái giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cá nhân như việc giao cổ phần hóa. Tôi không bác bỏ trách nhiệm tập thể, nhưng không thể làm lu mờ trách nhiệm cá nhân.
CẦM VĂN KÌNH (dangdv@tuoitre.com.vn )

Không có nhận xét nào: