Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói điều này và nhận định như vậy có nghĩa là lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế.
>> Cần “đảo ngược tình thế” trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay
>> Nhân lực - trở ngại cho thương mại điện tử Việt Nam
>> Thiếu nhân lực để thanh tra lao động 500.000 doanh nghiệp, 35 triệu lao động?
Tại hội thảo “Việt Nam - Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh muốn phát triển, muốn tăng năng suất có rất nhiều việc phải làm nhưng việc vô cùng quan trọng là phải nâng được chất lượng giáo dục và đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nghề có thể không cần nhiều nhưng thật giỏi một nghề thì dù nghề nào cũng đem đến sự thành công và vinh quang cho từng người. Ảnh: VGP/Đình Nam
“Đất nước Việt Nam từ mấy nghìn năm đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí có lúc tưởng không vượt qua được, đó là vì con người Việt Nam có những phẩm chất rất đáng quý”, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu thực tế: “Việt Nam mới vừa thoát khỏi tình trạng là một nước nghèo nhưng vẫn còn nhiều nơi rất nghèo. Trong khi, nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn. Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chính vì lý do đó, từ 2 năm nay, Việt Nam thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo, trong đó đào tạo nghề, là một phần rất quan trọng”.
Báo Chính phủ dẫn lời Phó Thủ tướng nêu lên một vài số liệu thống kê rất đáng suy nghĩ về đào tạo nghề ở Việt Nam khi mới có 53% lao động được đào tạo nhưng chỉ hơn 20% có thời gian đào tạo trên 3 tháng, còn lại là dưới 3 tháng.
“Số lượng thì như vậy nhưng trong cơ cấu cũng có vấn đề. Cụ thể năm 2015 có trên 400.000 sinh viên nhập học tại 234 trường đại học nhưng chỉ có trên 130.000 người vào học tại 385 trường cao đẳng”, Phó Thủ tướng cho biết.
Không chỉ gặp vấn đề về số lượng, cơ cấu mà chất lượng đào tạo nghề ở Việt Nam, theo Phó Thủ tướng thì “không cần nghe đâu xa, ngay DN ở Việt Nam cũng nói rằng số lao động ở tất cả mọi trình độ sau khi tốt nghiệp ra mà đáp ứng ngay được yêu cầu công việc cũng rất thấp”.
Dẫn số liệu từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá chất lượng lao động Việt Nam sau đào tạo chỉ đạt hơn 3 điểm/10 điểm (trong khi một số nước châu Á như Hàn Quốc là trên 6,5 điểm, Thái Lan trên 5 điểm), Phó Thủ tướng cho biết thêm có thống kê khác chia lao động thành 3 tầng thì kết quả có tới 80% lao động gián tiếp, quản lý ở trong các DN chưa đạt yêu cầu, thiếu kỹ năng; 60% lao động kỹ thuật thiếu các kỹ năng cần thiết; 20% lao động giản đơn không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng lao động cơ bản.
“Tức là ở Việt Nam trình độ lao động càng cao thì chất lượng lại càng thấp”, Phó Thủ tướng nói.
Để từng bước thay đổi thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết mà không đơn thuần là phương pháp dạy, phương pháp học, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị... Từ chính sách sử dụng, đãi ngộ lao động cho đến chính sách thu hút đầu tư vào giáo dục và đặc biệt là trong lĩnh vực dạy nghề cũng như mối quan hệ giữa người đào tạo và người sử dụng lao động...
Nhắc lại câu tục ngữ “Nhất nghệ tinh/Nhất thân vinh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Nghề có thể không cần nhiều nhưng thật giỏi một nghề thì dù nghề nào cũng đem đến sự thành công và vinh quang cho từng người. Và trong xu thế hợp tác ngày nay, “thân vinh” không còn giới hạn trong một gia đình, một họ tộc, một làng xóm hay huyện, tỉnh... mà đã ở phạm vi toàn cầu.
Việc hình thành cộng đồng ASEAN, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là những cơ hội quý giá cần được tận dụng để lĩnh vực đào tạo nghề của Việt Nam vượt qua những thách thức trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Theo Vietq.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét