Một chiều mưa, gã phượt mô tô ở vùng Kẻ Bàng- Phong Nha, bên bờ bắc sông Son, Quảng Bình. Đường trơn, trợt, gã té , áo quần dính bùn, mặt mày tòe loe bùn. Gã tìm một nơi dừng chân để tắm táp. Ghé vào một trường tiểu học với cái lán tranh của các cô giáo. Được tắm, được táp và được kễnh bụng một bữa cơm nghèo dưa chuột chấm mắm . Gã còn được các cô giáo trẻ xứ Bọ nhiệt tình mời ngủ lại.
Nửa đêm, leo lét ngọn đèn dầu, gió và mưa lạnh rin rít lùa kẽ liếp tre bỗng xuất hiện một bóng người và tiếng đập liếp. Rơn rơn gã tưởng một cô giáo trẻ cắc cớ gì đó không ngủ được tìm đến gã, gã vội vạch liếp thì một ông hom hem, mặt xương xẩu, hai hốc mắt sâu húm, quần xắn quá gối, chân bết bùn, lưng một chiếc giỏ tre.
- Chào bác! Gã lễ phép.
- Nghe các cô giáo kháo nhau là có một chú nhà báo ghé nghỉ tại trường. Tôi phải đi bắt ếch theo cơn mưa, khuya quá, tôi xin lỗi chú, tôi biết là làm phiền chú, nhưng sợ ngày mai chú đi mất, tôi đành... Tôi chỉ hỏi một câu thôi chú à.
-Tôi có một vợ, hai sào ruộng, hai con lợn và bốn đứa con.Ở quê tôi tất cả đều không làm cách gì thay đổi khác đi được. Bốn đứa con đều tuổi đi học. Tôi không thể đủ tiền cho cả bốn đứa cùng đi học. Chú là nhà báo, chú đi nhiều nơi, chú biết nhiều, chú mách tôi coi, tôi phải làm sao bây giờ?
Gã nổi hết da gà trước câu hỏi rất đời và ánh mắt như cầu xin gã một lời khuyên cứu giúp gia đình của bác bắt ếch này.
Gã hỏi, động cơ nào mà bác lại tìm tới tôi và hỏi tôi ?
Bác bắt ếch ôm mặt òa khóc- Thương vợ con quá mà chả biết làm răng chú ơi! Tôi biết ruộng chừng đó, lợn chừng đó, không cách chi mà có tiền cho cả bốn đứa đi học được.Tôi biết đời mình cực vì không có học, mong đời các con sẽ khác đi nếu các con được học. Nhưng học răng chừ chú ơi khi ruộng chừng đó, lợn chừng đó, sáu miệng ăn không đủ...
Gã nhận ra rằng chính vì tình thương vợ con nên bác nông dân khốn khổ này nửa đêm mưa gió đi bắt ếch sớm mai ra chợ có thêm chút tiền. Và cũng vì tình thương mà bác quyết định sau buổi bắt ếch tới tìm gã khi vô tình nghe các cô giáo kháo với nhau về gã. Vì tình thương, bác ấy không bỏ qua một cơ hội nào dù nhỏ nhoi.
Câu chuyện của bác nông dân vùng Phong Nha, Kẻ Bàng làm gã nhớ lại cũng một chuyến lang thang ở một thị trấn nhỏ vùng trung du Bắc bộ, gã thấy một quán bún vịt, táp vô, khách vắng, ruồi bu, bà chủ quán ngồi ngáp...ruồi bên một lũ trẻ rách rưới mũi đầy nhớt giãi, mắt đầy ghèn ố. Gã cố ăn xong bát bún vịt chiêu ngụm nước vối rồi hỏi chuyện. Quán vắng vậy sao chị có tiền lo miếng ăn cho bầy trẻ?
Từ sau nhà một người đàn ông cầm điếu cày đi lên, giọng gằn gằn : Rách việc, việc đéo gì đụng tới nhà anh mà nhà anh hỏi? Nói xong ông ta rít một hơi điếu cày rõ oai phong rồi lại ra sau nhà.
Khi người đàn ông khuất hẳn rồi, người đàn bà rủ rỉ tai gã: Em bảo với nhà em, bán bún vịt không có lời, mình đổi sang bán cái khác đi. Ông ấy chửi em là đồ đàn bà nông cạn, nghề bún vịt là nghề xưa nay của gia đình ông để lại phải biết trân quý, hơn nữa xưa nay ông chỉ thích ăn tiết canh vịt, có chết ông cũng chỉ cho bán bún vịt.
Gã đã kể lại câu chuyện ấy cho bác bắt ếch rồi hỏi bác ấy, theo bác thì vì sao ông kia lại cứ bắt bán bún vịt mặc dù biết là không có khách?
Bác bắt ếch nói: Nếu ông ấy thương vợ con ông ấy thì ông ấy đâu có vậy.
***
Chuyện một gia đình, một thành phố rồi rộng ra một quốc gia cũng vậy thưa các quý ngài đang giữ trọng trách với TP HCM- Sài Gòn này, đang giữ trọng trách với quốc gia này như ông bán bún vịt và bác bắt ếch kia đang giữ trọng trách với gia đình mình. Bao nhiêu năm qua nhiều lúc các quý vị hành xử như ông bán bún vịt kia, chỉ vì bảo thủ khư khư giữ rịt những cái cho là khuôn mẫu, truyền thống đúng đắn bất di bất dịch và khư khư theo ý thích của riêng mình “ăn tiết canh... vịt” thảm họa đói nghèo , lạc hậu, tụt hậu sờ sờ hiện hữu.
Nếu các quý vị là bác bắt ếch, luôn đau đáu, âu lo, thương yêu vợ con mình thì sẽ biết tự tìm đến những cánh cửa cần thiết- cánh cửa của Trí tuệ, cánh cửa của những hiện hữu Văn minh dù ở xa lắc đâu, dù chưa quen biết, dù khó khăn thế nào, để gõ cửa, để đập cửa, để kéo toang cửa.
Cánh cửa mở ra: Cái sự Biết xuất hiện.
Biết trả lời được câu hỏi “TP HCM thiếu cái gì” của ngài Đinh La Thăng- ông chủ gia đình có tên TP HCM và Biết làm thế nào, hành động ra sao để đắp đầy cái thiếu ấy.
Tóm lại là Biết làm giàu, Biết trở thành một TP đáng sống nhất, Nghĩa tình nhất, Hạnh phúc nhất như 10 triệu con dân của TP mong muốn, khát khao. Biết trở thành một đất nước tươi đẹp, hùng cường, đáng sống nhất, Nghĩa tình nhất như 90 triệu con dân Việt mong muốn và khát khao.
Lưu Trọng Văn
(FB Lưu Trọng Văn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét