Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Biển Đông: Trung Quốc chống Mỹ bằng "khổ nhục kế" với ASEAN?

Hải Võ | 

Biển Đông: Trung Quốc chống Mỹ bằng "khổ nhục kế" với ASEAN?
(Ảnh minh họa)

Học giả người Trung Quốc cho rằng, nếu "nhượng bộ" các nước Đông Nam Á thì dù ASEAN ủng hộ Mỹ hiện diện ở biển Đông về sau, phản ứng của Bắc Kinh cũng "danh chính ngôn thuận".

Những năm gần đây, mức độ quan tâm của xã hội quốc tế đối với vấn đề biển Đông tăng cao, cùng với đó là tình hình phức tạp trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.
Trong bài viết trên tạp chí China and World Affairs (Trung Quốc), học giả Đặng Duật Văn cho rằng điểm khác biệt lớn trong tình hình biển Đông năm nay là sự "bước ra ánh sáng" rõ rệt của các quốc gia bên ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ.

Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này chính là hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa (trái phép-PV) ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV).
Theo Washington, Trung Quốc đã thay đổi trái phép hiện trạng các đảo, đá ở biển Đông với tốc độ đáng lo ngại, tổng diện tích các đảo nhân tạo hiện vào khoảng hơn 1.200 hecta.
Nếu duy trì tốc độ cải tạo phi pháp này thì chỉ trong vài năm tới, biển Đông sẽ trở thành phạm vi thế lực của Bắc Kinh.
Thêm vào đó, Mỹ cũng nhận thấy từ hoạt động bành trướng của Trung Quốc, rằng sức mạnh của nước này đã không còn như xưa, cả về kinh tế, với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), hay quân sự.
"[Trung Quốc] bành trướng quá nhanh. Nếu không ngăn chặn [Trung Quốc] ngay lúc này thì về sau [Mỹ] sẽ không còn cơ hội nữa," tác giả Đặng Duật Văn viết.
Dù vậy, ông Đặng cho rằng tình hình biển Đông vẫn chưa đến mức tồi tệ, khi Mỹ và Trung Quốc vẫn còn duy trì các cơ chế chuyên nghiệp để xử lý mâu thuẫn. Một số diễn biến cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa bế tắc.
Một là, dự đoán trước đây của dư luận quốc tế rằng Mỹ, đồng minh cùng đối tác ở biển Đông sẽ cùng "bao vây" Trung Quốc vẫn chưa hình thành.
Thứ hai, nhận thức chung mới nhất của ASEAN đã khẳng định "không nghiêng về bên nào", khiến Bắc Kinh ít nhất có thể bớt lo bị tầm ảnh hưởng của Washington lấn át.
Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, các diễn biến này chỉ là tạm thời và chưa đủ để họ "thở phào".
Đặng Duật Văn nhận định: "Có thể tình hình hiện nay là dấu hiệu Mỹ đang ấp ủ một 'cơn bão' lớn hơn.
Kinh nghiệm đối đầu Trung-Mỹ trên biển Đông vài năm qua cho thấy nửa đầu năm thường căng thẳng, nửa cuối năm dịu hơn. Nhưng trong mọi tình huống, Mỹ chắc chắn không từ bỏ thách thức Trung Quốc trong vấn đề này."
Mỹ muốn "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" thì biển Đông là điểm nhấn trọng yếu để kiềm chế Trung Quốc.
ĐẶNG DUẬT VĂN
Thạc sĩ Luật, Ủy viên Ủy ban pháp chế và xã hội trung ương (thuộc Ủy ban cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc), cựu Phó Tổng biên tập tờ Thời báo Học tập của Trường đảng trung ương Trung Quốc
Biển Đông có thể là "Waterloo" của Trung Quốc
"Biển Đông thực sự có khả năng trở thành một 'Waterloo (nơi chứng kiến thất bại năm 1815 của Đại quân Pháp do Napoleon Bonaparte chỉ huy-PV)' đối với Trung Quốc, nếu như xử lý không tốt," ông Đặng chỉ ra.
Theo ông này, kể từ 2016 Bắc Kinh phải nhìn nhận các vấn đề trên biển Đông như sau:
Thứ nhất, phán đoán về thời cơ chiến lược của Bắc Kinh thúc đẩy Trung Quốc đặt mục tiêu theo đuổi môi trường hòa bình ở khu vực và quốc tế làm ưu tiên ngoại giao, không cho phép "manh động" sử dụng vũ lực, phá hoại cục diện ổn định.
Thứ hai, một số tình trạng bất ổn trong nước buộc các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải đặt vấn đề quốc nội lên trên tham vọng bành trướng ra ngoài.
Thứ ba, sức mạnh quân sự của Trung Quốc dù có tăng lên trong vài năm qua, nhưng lực lượng vẫn chưa đủ để "bảo vệ thành quả (đạt được bằng hoạt động bành trướng phi pháp-PV)".
Thứ tư, dù đòi hỏi giải quyết mâu thuẫn biển Đông với từng quốc gia cụ thể, nhưng Trung Quốc không thành công với yêu cầu này và phải giải quyết với khối ASEAN đoàn kết.
Hiện nay, Bắc Kinh chưa có biện pháp nào để "ngăn sự can thiệp của ASEAN trong vấn đề biển Đông".
Thứ năm, các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Australia ngày càng nhận thức được sự nguy hiểm trong hành động của Trung Quốc và trở nên nghiêm túc hơn trong hoạt động tuần tra, gìn giữ tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông.
Từ 5 điểm trên, Đặng Duật Văn chỉ ra, Trung Quốc đang đơn độc ở biển Đông, trong khi "đối thủ" là một xu thế liên kết sức mạnh giữa khối ASEAN và các cường quốc như Mỹ.

Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên vùng biển quốc tế ở biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 11/5/2015. (Ảnh: U.S. NAVY)
Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên vùng biển quốc tế ở biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 11/5/2015. (Ảnh: U.S. NAVY)
"Khổ nhục kế": Trung Quốc lùi 1 bước?
"Muốn giải quyết vấn đề biển Đông, Bắc Kinh cần có quy hoạch cụ thể, biết mình cần đạt mục tiêu gì về ngắn, trung và dài hạn, từ đó hoạch định phương án. Các 'đối tượng' khác nhau cần biện pháp khác nhau," Đặng viết.
Ông này cho rằng, trong ngắn hạn, Trung Quốc cần phải "quản lý và khai thác biển Đông cùng các đảo trong đó".
Trung Quốc "đã đâm lao thì phải theo lao", đặc biệt là hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng (trái phép-PV) trên đá Gạc Ma và đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đoạt phi pháp-PV).
Đặng cảnh báo, nếu không thành công, Bắc Kinh sẽ thể hiện một hình ảnh chiến lược yếu đuối và không thể chống lại sức ép từ Mỹ, phải dừng các hoạt động phi pháp.
Về trung hạn, Trung Quốc phải ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như một hành động hòa dịu, bởi đây là mối quan tâm bức thiết nhất hiện nay của ASEAN.
Tuy nhiên, đánh giá của ông này thể hiện rõ toan tính nham hiểm của Bắc Kinh: "COC dựa trên cơ sở thực trạng chiếm hữu của các nước ở biển Đông. Đây cũng là nguyên nhân Trung Quốc không vội vàng ký kết.
Dù vậy việc ký COC cũng không được để quá chậm. Thời gian thích hợp nhất chính là khi Trung Quốc đã hoàn tất hoạt động xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV)."
Trong khi đó, Đặng Duật Văn phân tích, các mục tiêu ngắn và trung hạn của Trung Quốc nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn, đó là "đẩy Mỹ khỏi biển Đông" thông qua con đường "cung cấp dịch vụ, hàng hóa công cộng cho xã hội quốc tế, đặc biệt là các nước ở biển Đông".
"Chiến lược xoay trục của Mỹ trên thực tế đặt mục tiêu áp chế không gian chiến lược của Bắc Kinh, mà biển Đông là trọng điểm.
Hiện nay Trung Quốc không đủ khả năng [đuổi tàu chiến, máy bay Mỹ/đồng minh khỏi biển Đông], nhưng một khi đủ sức mạnh, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đẩy Mỹ ra.
Mà mục tiêu 'đuổi Mỹ', bên cạnh sức mạnh quốc gia, đặc biệt cần sự phối hợp của ASEAN," Đặng viết trên tạp chí China and World Affairs.

Ảnh vệ tinh chụp hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép mà Trung Quốc tiến hành trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)
Ảnh vệ tinh chụp hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép mà Trung Quốc tiến hành trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)
Vấn đề đặt ra là, ASEAN có "phối hợp" với Trung Quốc hay không?
Theo ông Đặng, Bắc Kinh có thể tích cực thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc tế, cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng, cứu hộ trên biển, chống hải tặc cho các nước Đông Nam Á.
Đồng thời, Trung Quốc còn có thể đề xuất thành lập lực lượng chấp pháp chung với các quốc gia quanh biển Đông để "bảo vệ an ninh hàng hải".
Đặng Duật Văn đánh giá: "Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cộng cho quốc tế thực chất là trách nhiệm của Trung Quốc như một nước lớn đang trỗi dậy. Nếu Bắc Kinh thực thi những điều này thì ASEAN có thể sẽ không còn lý do níu kéo Mỹ ở lại.
Trung Quốc đã 'lùi một bước' thì dù ASEAN có cố gắng ủng hộ Mỹ hiện diện ở biển Đông, những phản ứng của Bắc Kinh khi đó cũng là 'có tình có lý', mức độ phản ứng cũng quyết liệt hơn."
theo Thế giới trẻ

Không có nhận xét nào: