Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Kiến trúc quanh hồ Trả Gươm*

KTS Ngô Huy Giao | Chủ Nhật, 21/09/2014 14:01 GMT +7

KTS Ngô Huy Giao là người làm nghề thuộc “lớp trước”, mang những ảnh hưởng không hẳn giống thế hệ ngày nay. Trước khi đăng bài viết của ông, xin giới thiệu một bài thơ của Đoàn Nguyễn Tuấn viết đã mấy trăm năm để bạn đọc tham khảo.
 
Hồ Gươm nơi Lê Lợi sau thắng lợi đã trả lại kiếm cho rùa thần, là biểu tượng tuyệt đẹp, là điển cố vĩnh cửu trong tâm thức dân tộc Việt Nam, một dân tộc không sợ chiến đấu chống xâm lược, nhưng lại rất yêu hòa bình.
 
 
Kiếm hồ đẩu xạ
 
Đoàn Nguyễn Tuấn
 
Thập niên mao việt tĩnh Đông Đô
Long khứ Lam Sơn kiếm tại hồ
Bảo diệm quang trầm tam xích ngạc
Ngưu khư oánh triệt nhất hoằng châu
Hoa khai xuân sắc hoan trùng khải
Sương lạc thu thanh khốc tặc phù
Thương hải tang điền hồ tự nhược
Thiên uy do họa thủy vân đồ.
 
Dịch nghĩa:
 
Hồ Gươm ánh sao Bắc đẩu
 
Mười năm chinh chiến [1] làm cho Đông Đô yên bình,
Rồng [2] bay về Lam Sơn, kiếm ở lại hồ.
Lưỡi gươm ba thước chìm sâu vẫn tỏa ánh lửa quý,
Một gò sao Ngưu giữa hồ nước rộng trong sáng.
Hoa nở, sắc xuân mừng vui bao lần chiến thắng,
Tiếng sương thu rơi nghe như tiếng tù binh giặc khóc.
Trải qua bao biến đổi, Hồ Gươm vẫn y nguyên thế,
Oai trời từ đó còn vẽ bức tranh mây nước.
 
Kiến trúc quanh hồ Trả Gươm
 
Xa xưa, mặt hồ Gươm lan rộng cả ra sông Hồng, dài xuống mãi đằng Hàng Chuối ngày nay. Thế kỉ XVI, chùa Ngọc Sơn được dựng trên nền cung Khánh Thụy, đến năm 1843 đổi thành đền, thờ Quan Công, Trần Hưng Đạo và Văn Xương Đế quân. Năm 1865, TS Nguyễn Siêu cho làm tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc. Cây cầu xưa đơn sơ, nằm ngang, đầu những năm 1950, Tết Nguyên đán, người đông quá nên bị sập. KTS Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) thiết kế lại, dáng cong cong, khỏe đẹp như ngày nay.
 

 
 
Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, người Pháp thực hiện công cuộc bình định, khai thác thuộc địa, lấy Hà Nội làm thủ phủ cả xứ Đông Dương. Quy hoạch Hà Nội ra đời, lấy hồ Gươm làm trung tâm. “Một nhà giầu, có thế lực” dựng trên gò Rùa ngôi tháp ba tầng, tầm vóc vừa phải nhưng đã có đường nét Pháp. Tác giả quy hoạch lấy trục chính qua tâm điểm tháp, xuyên vườn hoa nhỏ tới quảng trường và ngân hàng Quốc gia. Hai bên vườn hoa là tòa Đốc lý, nhà Bưu điện. Con đường quanh hồ đã thô bạo chia tách tam quan đền Bà Kiệu ra khỏi đền thờ. May mà không gian đền còn nguyên vẹn với cây cổ thụ, nhà hàng phố không lấn lướt được. Nhưng bên dưới, chùa Ông Thượng to lớn và đẹp lại bị xóa hoàn toàn nhường chỗ cho tòa Bưu điện, chỉ còn lại tháp Hòa Phong đứng lẻ loi bên hồ.
 
Các kiến trúc tiếp nối có sở Máy đèn, nhà chiếu bóng, sang bên kia là nhà Khai Trí Tiến Đức, tượng Vua Lê. Dinh thự quan chức người Pháp (nay là báo Nhân dân) có lối vào quay ra Hàng Trống, mặt sau trông ra hồ chỉ thấy vườn cây. Chuyển tiếp từ khu phố cổ sang là những nhà hàng phố làm dịch vụ, bán hàng, công thự. Tất cả đều thấp tầng, giữ một khoảng lùi với mép nước. Kiến trúc Pháp đã pha trộn đường nét “mô - đéc” nên dễ đi vào lòng người. Những tòa lớn như nhà in IDEO (TT Văn hóa Pháp ngày nay), Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Ngân hàng, nhà Godart... phải lùi ra ngoài, không được phép soi bóng xuống mặt nước.
 
Cụ Võ Đức Diên (1906-1961), KTS trường Mỹ thuật Đông Dương đã tôn vinh văn hóa hồ Gươm bằng nhà Thủy Tạ, nổi lên trên mép nước gần trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Dáng lượn cong theo bờ, với các thành phần kiến trúc truyền thống, nó nâng cao giá trị thẩm mĩ của hồ. Ngày nay sân thượng được “nâng” thành “Đình làng”, khá quyến rũ khách ngồi, nhưng đi bên ngoài thì chưa hẳn đã thấy đáng khen.
 
Hồ Trả Gươm hội tụ võ công, văn học, tâm linh, sinh thái, các loại hình kiến trúc truyền thống, dân gian, cận đại, huyền hoặc mà thực, thực mà huyền hoặc, đặc sắc văn hóa Việt. Sinh thời GS Trần Quốc Vượng đã tự hào “không nơi nào trên thế giới có không gian tuyệt vời như hồ Gươm, kể cả Trung Hoa văn hiến”. Thủ đô phát triển, có trung tâm chính trị Ba Đình, các trung tâm khác, nhưng hồ vẫn bền vững trong tâm thức mỗi người Việt.
 
Chiến tranh xa dần. Khủng hoảng kinh tế qua đi. Xây dựng mới bung ra ồ ạt. Kiến trúc đô thị đột biến vượt quá cơ sở kĩ thuật, khả năng quản lý, đúng là căn bệnh hầu hết các nước phát triển mắc phải. Đất quanh hồ Gươm thành đắc địa để nhiều đại gia nhìn ngắm, tính toán. Nguyên Chủ tịch TP Lê Ất Hợi đã tỉnh táo thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài “lùi ra ngoài” để giữ mặt nước vẹn nguyên. Nhưng cũng đã có nhiều chuyện đã rồi.
 
TT Thương mại – Dịch vụ số 1 đến số 7 Đinh Tiên Hoàng, tên dân gian là “Hàm cá mập” làm tốn kém nhiều tiền của, trí lực. Hỏng về chỗ đứng, sai khối tích, đáng trách về xử lý chi tiết, màu sắc, vật liệu, gây đột biến về hình thái không gian kiến trúc, nó lạc lõng trong giai điệu nhịp nhàng của cảnh quan, chặn đứng nét chuyển tiếp êm ả từ phố cổ sang hồ. Phải sửa chữa tốn kém nhiều trăm triệu đồng, nó chưa làm dư luận vừa lòng được.
 
Khách sạn Hà Nội vàng, nay đã đổi chủ, có khối tích đồ sộ, cao quá, chạy dài ngót trăm mét, phải chấp nhận có phần ép. Một dải cây xanh phía trước rất cần thiết để hài hòa không gian, đặc biệt với Thủy Tạ trước mặt. Phía Đông, nhà Bưu điện quy mô lớn, các chi tiết ban công bê tông đặc, hoa trắng sát ngay đường đỏ không có khoảng lùi, gây cảm giác chật, nặng. Tòa trụ sở kế bên vuông vức, ốp toàn đá xám trắng theo trào lưu mới nhưng đứng trong không gian chung lại xa, lạnh.
 
 
Việc nâng cấp cửa hàng thuốc Hàng Bài, vốn là “phác ma xi” của một dược sĩ Pháp là chấp nhận được. Nhưng nhà bách hóa Tràng Tiền (Godart cũ), một công trình rất đặc trưng Pháp cổ đem phá dỡ để xây mới thì lại còn phải đáng bàn, tuy đã xây cao dần, giật vào phía trong để tạo khoảng cách với mặt hồ. Cũng nên biết rằng nhà Bưu điện quốc tế góc Đinh Lễ xây từ hồi Pháp là theo trào lưu “mô đéc”.
 
Có những thay đổi không đáng có, phải chăng do ấu trĩ tả khuynh... Do nhiều lý do, quán hoa đối diện Plaza đã dỡ đi, nhưng cái vòi phun nước cổ điển châu Âu xinh nhỏ phía sau thì có tội tình gì mà cũng chung số phận. Nhà bia kỉ niệm A. de Rhodes cũng vậy. Tấm bia ấy vẫn còn, kích thước 1,8x1x0,2m, hoa dây trang trí kiểu châu Âu, một mặt khắc chữ Pháp, mặt kia chữ Việt và Nôm, do hội Trí Tri, hội Truyền bá Quốc ngữ dựng thời đại chiến II, đang rất thiếu thốn, khó khăn; nhất thiết phải được dựng lại. Nhà văn phòng cải tạo thành siêu thị Intimex có chỗ đứng trong thị trường là đóng góp tích cực, nhưng giải pháp chưa thực trọn vẹn. Mái hiên tháo bỏ, đắp hệ thống cột, chia công trình thành những mảng đứng, thêm nhiều chi tiết nhại kiểu xưa, công trình có bộ mặt khác lạ, có phần rườm rà. Ngân hàng ANZ cải tạo, nâng cấp từ những mái lúp xúp, siêu vẹo sau báo Nhân dân, không cầu kì, chóp này mái nọ, không dốc càng cua đưa xe con đậu trước tiền sảnh, nó “chìm” trong cây xanh, tạo cảm giác thân mật. Và hiệu quả kinh doanh lại cao.
 
Một đường phố ngắn mà không thể “tính” ra ngoài không gian hồ Gươm là Tràng Tiền, đang được chỉnh trang ngày càng bề thế, đúng tính chất “tủ gương”. Tuy nhiên, nhà hát kịch Hà Nội, nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, TT Sách Việt Nam không hài hòa với không gian kiến trúc cả tuyến phố lắm. Có những thành phần không phù hợp: hệ thống nan hoa chớp bê tông che chắn, mảng kính lớn phản quang, giả mái Mansard từ ốp tôn xanh. Hệ thống mái hiên không cùng độ cao của các mái xung quanh tạo cảm giác lộn xộn, ảnh hưởng tầm nhìn vào Nhà hát Lớn, công trình chủ thể của cả không gian.
 
Dạo quanh con hồ lịch sử, chúng tôi có nhiều cảm giác, dĩ nhiên rất chủ quan, của một người làm nghề, xem những gì “thành”, những gì “không thành”...
 
Điều đầu tiên đáng nghĩ tới là quan niệm, mà là một quan niệm hình thành từ lịch sử. Cuối thế kỉ XIX, khi công cuộc khai hóa thuộc địa đã ổn định, đi vào quỹ đạo, con hồ đã không thể được phép coi là sân sau của cư dân xung quanh đấy nữa. Vai trò được nâng lên: làm trung tâm của Hà Nội, và do đấy, của cả xứ Đông Dương - dù Huế là kinh đô. Con đường lớn - rất lớn với thời ấy - bao quanh hồ được hình thành, tỏa ra bốn phương tám hướng. Những ngôi nhà, phố xá mọc lên không bí rì rì, mà rất thoáng đãng, hòa vào màu xanh cây cối. Khu vực càng thoáng đãng với vườn hoa Chí Linh - nay là vườn Lý Thái Tổ, quảng trường Ngân hàng Quốc gia mênh mông - tất nhiên, lại vẫn là so với ngày ấy. Đó là những đường nét chủ đạo phù hợp với quan niệm về một khu vực trung tâm.
 
Tiếp đến, là những công trình, chi tiết cụ thể. Dù còn điều này tiếng nọ, nhưng vẫn làm nức lòng nhiều người là tượng đài Lý Thái Tổ, cụ tổ quy hoạch xây dựng Việt Nam, sáng lập chốn “đế vương muôn đời” Thăng Long - Hà Nội. Tượng đồng cao 1010 cm, ứng với con số 10-10 ngày Giải phóng Thủ đô, cũng là năm lập đô 1010. Tượng đứng giữa vườn, nhìn ra hồ, có rồng đá phù trợ. Trong một không gian không rộng, nền giật cấp thì có vẻ hơi cao. Sân hành lễ phía trước thích hợp. Những cuộc biểu diễn ở Nhà Kèn đằng sau nên nối lại, khôi phục được sinh hoạt âm nhạc xưa. Vườn tượng bên đền Ngọc Sơn, khởi xướng do nhà điêu khắc Trần Tuy, là một đóng góp. Kể từ những tượng vườn nhỏ trong vườn Thống Nhất - chìm trong quên lãng 40 năm qua, lần đầu tiên Hà Nội có tượng vườn theo nhiều phong cách, trình bầy trong không gian “của nó”.
 
Trung tâm hồ Gươm cần được xem là không bó hẹp trong phạm vi đường bao quanh, dù đấy là thành phần quan trọng nhất. Các kiến trúc bên ngoài gắn kết tạo thành lối nhỏ ở Lê Thái Tổ, Tràng Thi, Hàng Trống, Nhà Chung, Nhà Thờ cũng cần được chú ý, gắn kết sang đằng Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Ngô Quyền. Đây mới chỉ là lướt qua những nét lớn, công thự, văn phòng, cửa hàng to. Còn vô khối những ngôi nhà, lô không gian nhỏ bé (giá không hề nhỏ) vẫn có thể tác động đến hiệu quả thẩm mỹ của không gian hồ. Cả vùng này, và phụ cận, đã và sẽ có nhiều biến động theo những công trình xây dựng mọc lên ngày càng nhiều, càng mới. Làm sao để từ quy hoạch tổng thể đến từng chi tiết, ta hạn chế được những “đáng tiếc” như đã từng vấp phải ?
 
Tôi đã đưa nhiều bạn xa gần thong thả dạo bước quanh hồ để ngắm nhìn, chiêm nghiệm. Qua một thế kỉ XX, mặc dù chiến tranh đâu đâu, nơi đây không thấy dấu bom đạn, trái tim Hà Nội vẫn còn đập êm ả. Nhưng đấy là “bên trong” của trái tim thôi. Sang thế kỉ XXI, thời kì của tin học, mốt nhà chọc trời lên ngôi, rất dễ lây lan sang những nơi nhạy cảm, cần giữ gìn truyền thống. Vùng phụ cận đã có dấu hiệu những sự đe dọa, dù chỉ là đe dọa về tầm nhìn. Cạnh Melia xanh lè, có vài ba khối đồ sộ khác. Đường Trần Quang Khải khá xa, nhưng trụ sở Vietcombank in bóng sang tận nơi. Mà nghe nói con đường ấy khá thuận lợi để làm một trung tâm tài chính; các “anh” nhà băng bao giờ chả đồ sộ, lừng lững. Nếu những khối hình thô cứng ấy được phát triển tiếp, cảnh trí hồ khó mà mười phân vẹn mười. Phía Bắc lại là một rừng ăng ten, sân thượng vá víu, phủ tôn xanh đỏ, kể là “cục sạn” với khu hồ rồi, nhưng làm sao thay đổi được, vì nó là bản sắc phố cổ rồi.
 
Xin bàn tiếp về tuyến phố đi bộ, nay đang kéo dài từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới chợ Đồng Xuân. Mặc dù đôi bên có xen kẽ vài dấu tích lịch sử, kiến trúc, nhưng sắc thái chủ yếu là thương mại, mua bán, ăn uống nhỏ. Những đặc sản quanh vùng như lụa Vạn Phúc, La Phù, gốm Bát Tràng, mây tre Hà Tây... có chỗ thể hiện sẽ mang lại những hiệu quả văn hóa mới. Đường đi bộ có thể kéo dài tới nơi giao nhau giữa đường Lê Thái Tổ - Hàng Trống. Dải đất ven hồ rất rộng, để diễn ra sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đường phố: hát rong, chiếu chèo, ký họa chân dung, nặn tò he, nồi đất, biểu diễn võ thuật, trưng bày kiểu nhà ở..., tất nhiên bày bán cả các sản phẩm văn hóa nhỏ... Phần chiếu sáng cũng nên nghiên cứu kĩ, không chỉ có cột lai căng, bóng đèn hình cầu, dây đèn màu theo đường viền tháp Rùa...
 
Chúng ta đang chủ trương xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam. Bản sắc đó lại “mọc” ra từ những đặc thù khu vực, mà không gian hồ Gươm là một. Đây là nơi phải biểu hiện được thái độ tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, không thể phơi bày thị hiếu kiểu “thằng nghèo có tiền”. Văn hóa khu hồ cần được nhận dạng, định dạng rõ ra để kiến trúc tựa vào, tránh được những hệ lụy đáng tiếc kiểu hệ cột tròn, hoa văn đắp một cách chắp vá... Và như thế, màu sắc dân tộc sẽ càng được giữ lại, tôn thêm./.
Bình luận (0)

Không có nhận xét nào: