Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

“Đền đôi cô” ở xã Đạo Đức-Vị Xuyên-Hà Giang: Thờ phẩm tiết trinh nữ Hà Dương…

Bài và ảnh của Phạm Viết Đào. 


Du khách từ Hà Nội lên Hà Giang theo quốc lộ 2, tới cột cây số 15 chiều Hà Giang-Hà Nội sẽ thấy một ngôi đền thờ nằm bên cạnh cây Cầu Má bắc qua con sông Má thường có nhiều du khách thập phương viếng thăm; con sông Má chảy về km 15 khu vực này để hợp lưu cùng sông Lô…

Đây là ngôi đền mà theo ông Trần Anh Quang một thầy lang, xuất thân là một thầy giáo về hưu, sống ở xã Đạo Đức cho hay: "Đền đôi cô"... là ngôi đền thờ phẩm tiết của trinh nữ đất Hà Dương; tỉnh Hà Giang trước năm 1940 có tên là Hà Dương …
Tuyến quốc lộ Hà Nội-Hà Giang là tuyến quan trong vì tuyến số 1 được đặt tên cho quốc lộ nối Hà Nội-Sài Gòn, tuyến này mang số 2 …
Khu vực cột km số 15 nơi có “Đền đôi cô” là một địa chỉ linh thiêng bởi cảnh non nước hữu tình, bởi dòng sông Má trầm tích nhiều huyền thoại.
Theo truyền thuyết của dân Vị Xuyên kể thì con sông Má này vào những năm nhuận thường lấy đi một vài mạng người của cư dân sông bên 2 bờ con sông không lớn nhưng sâu và hiểm trở. Những người chết đuối xác thường quan quẩn trôi về ở lưu vực km 15 nơi có chiếc cầu bắc qua con sông Má…


Mắt "hà bá" ở khu vực cửa sông Má gặp sông Lô...
Báo chí mới đây nhất đưa tin về vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe ô tô con xảy ra vào khoảng 20h15 ngày 29/2/2016, trên quốc lộ 2, tại Km 15 thuộc khu vực xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang). Hậu quả khiến 7 người thương vong, trong đó 4 người đã tử vong, 3 người bị thương. Thông tin ban đầu, các nạn nhân trong vụ tại nạn nghiêm trọng trên đều ở khu vực thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên - Hà Giang). ( Người đưa tin )
Theo ông Trần Anh Quang,: ở km 15 này, khu vực “Đền đôi Cô”, nếu năm nào có người đi đường chết thì giải thoát được cho dân 2 bờ sông Má không bị đuối nước; Coi như một sự thế mạng thay…hay nói cách khác: khu vực này hàng năm thổ thần, hà bá thường đòi hỏi một vài mạng tế thần…
Ngôi đền thờ 2 cô đặt cạnh đỉnh núi bên Cầu Má có liên quan tới truyền thuyết tế mạng này…
Về truyền thuyết tế mạng của ngôi đền 2 cô này người viết bài này có nghe kể từ 2 nguồn: 1 từ thầy lang Trần Anh Quang và một truyền thuyết khác do 1 cụ già xã Phú Linh cho biết…
Theo 1 cụ già ở xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên cho biết: Năm 1921 khi Pháp xây dựng tuyến quốc lộ số 2 nối Hà Nội-Hà Dương, qua con sông Má, con sông có chiều rông hơn 100 m, nước không chảy xiết lắm nhưng xây gần xong lại bị sập. Ông chủ thầu người Pháp mấy lần xây cầu thất bại đành phải nhờ một pháp sư người địa phương là người dân tộc cúng thổ thần, hà bá; Lễ vật cúng tế này đòi hỏi phải cúng tế 2 mạng cô gái đồng trinh thì thổ thần mới chấp nhận…
Các nhà thầu Pháp đành phải chiểu theo phong tục địa phương, tìm 2 cô gái đồng trinh xung phong trẫm mình xuống dòng sông Má để giúp hoàn thành việc xây cầu…
Ngôi đền được lập lên để thờ 2 cô được đặt tên là “Đền đôi cô” xuất phát từ truyền thuyết liên quan đến việc tế thần bằng sinh mạng của 2 cô gái đồng trinh Hà Dương để giúp cho việc xây cầu…
Còn ông Trần Anh Quang lại cung cấp cho người viết bài này một “ phiên bản” khác. Theo ông Trần Anh Quang thì năm 1921, sau khi cách mạng tháng 10 Nga nổ ra cùng với sự ra đời của Liên Xô năm 1917, chính phủ Pháp ở Đông Dương lo sợ phong trào cách mạng vô sản sẽ lan sang xứ thuộc địa Việt Nam nên quyết định cho xây dựng tuyến quốc lộ số 2 này…
Khi xây tuyến quốc lộ này thì gặp bế tắc vì không thể xây được chiếc cầu bắc qua con sông Má, mặc dầu sông không rộng, nước không sâu.
Trước tình cảnh đó, nhà thầu Pháp đã quyết định mời một kỹ sư cầu đường nổi tiếng người Italia đến thiết kế thi công giúp. Vị kiến trúc sư này đến khảo sát vị trí xây dựng chiếc cầu cho tuyến quốc lộ số 2 mà nhiều đồng nghiệp Pháp đã thất bại.
Chỉ vài ngày sau khi đặt chân tới khu vực km 15 này thì trong một đêm ông nằm mơ thấy có 2 cô gái trẻ khóc kể về việc hiện ngôi nhà của họ nằm ở mép chân cầu, nhà thầu Pháp muốn xây được mố cầu thì hãy di dời mộ của họ lên trên cao thì mới xây được…
Điều bất ngờ là sáng hôm sau tỉnh dậy, ông lại được nghe chính vợ ông kể lại giấc mơ giống như giấc mơ của ông. Với lý tính của một nhà khoa học trẻ người Italia, năm đó ông 28 tuổi, ông thấy không thể là chuyện mộng mị bình thường được…
Vị kiến trúc sư này cho hỏi dân địa phương thì dân địa phương cho biết đúng là có mộ của 2 cô gái đồng trinh người dân tộc chôn ở khu vực bãi mép chân cầu. 2 cô gái đồng trinh này đã trẫm mình xuống sông Má vì một sự oan nghiệt của số phận…
Câu chuyện về 2 cô gái đồng trinh chôn ở mép cầu được kể như sau: Có một gia đình người dân tộc sống ở xã Đạo Đức sinh đôi được 2 người con gái xinh đẹp. Sự xinh đẹp của họ đã đến tai Quan phụ trách châu phủ Hà Dương. Vị quan này đến xem và lệnh cho quan lại địa phương ép gia đình 2 cô gái phải gả cho ông ta 2 cô gái xinh đẹp này để về làm thiếp. Nếu gia đình cưỡng lại quan thì sẽ bị phạt tù người nhà cô gái…
Ông bố bà mẹ lo sợ một mặt phải vâng lời nhưng tìm cách đối phó; Sau khi nhận xong sính lễ của quan châu phủ Hà Dương, chuẩn bị trước ngày rước dâu, 2 cô con gái này đã không chịu nhục, giữ phẩm tiết nên đã nhảy xuống dòng sông Má quyên sinh…
Xác của 2 cô trôi dạt tới khu vực hạ lưu khu vưc km 15 thì quẩn lại đó. Người nhà đã vớt lên và chôn ngay tại bãi sông. Nhà thầu Pháp đã quyết định dời mộ 2 cô lên cao và lập cho 2 cô một cái miếu thờ, đến năm 1927 thì người dân lập thành đền thờ…Sau đó chiếc cầu mới được hoàn thành…
Mới đây đợt tu sửa năm  1997, 2 người thợ cầu thi công chiếc cầu này cũng đã bị rơi xuống sông, phải đưa về Hà Nội cấp cứu. Có nguồn tin nói họ đã qua đời, có người nói họ chỉ bị tật…
Sau khi nghe xong 2 truyền thuyết về cây cầu huyền thoại này, người viết bài này nhiều lần đến khu vực km 15, quanh quẩn quanh chiếc cầu để xem phong thủy của khúc sông này. Người viết bài này để ý thấy phía bên kia sông Lô, có một dãy núi chầu về ngã ba chỗ hợp lưu sông Lô-sông Má trông giống hình một con sư tử. Con “sư tử” đá này đầu chồm lên chầu về ngã ba sông Lô-sông Má, đuôi ngoe nguẩy ở cửa ngõ vào thành phố Hà Giang, ông sư tử này có chiều dài non chục km…


Thế núi "hổ phục"...
Đuôi "ông hùm" vẫy ở cửa ngõ TP Hà Giang...
Theo sách địa lý của cụ Tả Ao thì những địa thế có “long chầu, hổ phục” thường là chốn địa linh; Vị trí cây Cầu Má, nơi có “Đền đôi cô” quả đang được một mãnh sư chầu chực ngày đêm nên bí hiểm, linh thiêng…


                                                  P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: