Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Đường ống sông Đà 2: Dấu hiệu ưu ái thầu Trung Quốc?

(Tin tức thời sự) - Nếu xét về mặt công nghệ đường ống nước, không nhất thiết phải sử dụng ống có đường kính 1m8, ở mức 1m6 vẫn có thể sử dụng.

Tại sao phải chọn ống đường kính 1m8?
Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex- Viwasupco, đơn vị chủ đầu tư dự án nước Sông Đà giai đoạn II đã lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống gang dẻo cho dự án.
Giải thích cho việc lựa chọn nhà thầu, Vinaconex lên tiếng nói rõ vì họ là công ty tư nhân, tự bỏ vốn ra để làm dự án, không dùng đến tiền ngân sách, nên phải cân đối bài toán đầu tư sao cho hiệu quả, nghĩa là tìm đường ống sao có giá phù hợp nhất, nên mới chọn Trung Quốc, thay vì Mỹ hay Nhật Bản, vì giá thành thường đắt gấp 3 - 5 lần.
Trước những thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc nhà xuất bản giao thông cho rằng, bản thân ông vô cùng khó hiểu khi Hà Nội tiếp tục giao dự án triển khai đường ống nước sông Đà giai đoạn 2 cho Vinaconex.
Bởi dự án giai đoạn 1 đã vỡ đến 17 lần, đạt kỷ lục cao nhất thế giới đối với một công trình dân sinh quan trọng của thủ đô. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm đối với người gây ra sự cố, thì làm chưa dứt khoát, chưa đưa ra công luận, chưa minh bạch.
"Người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi vì sao Hà Nội lại lựa chọn một công ty có nhiều sai phạm?
Bản thân tôi thấy giai đoạn 2 hoàn toàn có thể giao cho nhiều công ty, kể cả những công ty làm trong ngành GTVT, như Cienco 1, Cienco 4...đây đều là các công ty có uy tín trong việc xây dựng.
Duong ong song Da 2: Dau hieu uu ai thau Trung Quoc?
Đường ống nước sông Đà nhiều lần bị vỡ
Và cũng không thể dựa vào nguyên tắc là công ty tư nhân hay nhà nước để chọn nhà cung cấp vật liệu, vì đứng trước một dự án cung cấp nước cho hàng chục ngàn người dân ở trung tâm văn hóa, chính trị thì phải đặt vấn đề năng lực lên hàng đầu"".

Ông Thủy tiếp tục phân tích: "Bản thân tôi cũng không quá nặng nề là nhà thầu của Trung Quốc hay Nhật Bản, điều tôi quan tâm hơn hết đó chính là trước khi chọn thầu đã đi nghiên cứu, đánh giá và khảo sát hay chưa, đã đến những công ty làm ống nước với đường kính phía công ty đặt ra 1m8 hay chưa, tuổi thọ ống nước đó ở các công trình ra sao?"
Ông Thủy đặt câu hỏi, đó chính là, tại sao Vinaconex lại chỉ định ống gang dẻo đường kính 1m8, trong khi có thể giảm xuống vì không ảnh hưởng đến chất lượng chuyển dòng nước.
Theo ông Thủy, nếu giảm xuống 1m6, thì lực chịu đựng dễ hơn, khi đó, sẽ có rất nhiều nhà thầu có thể đáp ứng được tiêu chuẩn, như nhà thầu Ấn Độ, Việt Nam...cộng thêm công nghệ thấp hơn, giá cả thấp hơn.
Hơn nữa, ống đường kính 1m6 vẫn đủ cung cấp nước cho Hà Nội, không nhất thiết phải là 1m8. Đường ống nhỏ lực bơm mạnh hơn so với đường ống lớn, lưu tốc mạnh hơn (lưu tốc là số lượng m3 trong 1 giây), sẽ bù diện tích nước ở đường ống lớn, nên không khác nhau quá nhiều.
"Ngay cả đến Ấn Độ cũng chưa sản xuất đường kính 1m8, không sử dụng mà Việt Nam lại áp dụng, muốn giá thấp, như vậy có phải là tự mình làm khó mình, tự chỉ định giới hạn nhà thầu tham dự?'' - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, hiện nay công ty Vinaconex mới cử người sang Trung Quốc để xem xét quy trình sản xuất ống gang dẻo.
Thiết nghĩ, Vinaconex đừng làm kiểu cưỡi ngựa xem hoa như trước đây, hãy làm hết trách nhiệm trong việc đánh giá, khảo sát năng lực nhà thầu.
Vinaconex phải nhờ các chuyên gia thủy lực từ ĐH Bách Khoa, đi sang công ty bên Trung Quốc để xem họ tính toán độ dày đường ống bao nhiêu, chất liệu thế nào. Đã là chủ đầu tư thì phải nắm được kỹ thuật thì mới điều khiển được các nhà thầu. Ngoài ra, nên có biên bản, báo cáo cho toàn dân Hà Nội, toàn bộ cơ quan chức năng biết.
"Bên cạnh đó, Vinaconex phải tìm một nhà thầu dự trữ, nếu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ, vi phạm điều khoản hợp đồng, thì phải chọn nhà thầu khác ngay để không bị động" - vị chuyên gia gợi ý.

Không có nhận xét nào: