Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Biệt đãi Formosa: Thế giới cảnh báo Việt Nam cho nhiều quá!

(Doanh nghiệp) - Trước đây nhà nước đã mất rất nhiều tiền xây dựng nên ngành thép của mình, nay lại bỏ tiền ra mua DN mới vào để đập tan ngành thép sẵn có.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra vô cùng bức xúc và lo lắng trước việc dự án thép Formosa được nhận nhiều ưu đãi trong khi các doanh nghiệp thép trong nước khó khăn, hàng tồn kho nhiều. 
Thiệt hại cho nền kinh tế
PV: - Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) được Chính phủ cho nhiều ưu đãi ở mức rất cao Formosa được ưu đãi kịch trần, miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định... Bà bình luận như thế nào về những ưu đãi cho một doanh nghiệp sản xuất thép có vốn đầu tư nước ngoài trong khi sản phẩm thép thời gian qua tồn kho, bất động sản đóng băng, kinh tế suy giảm và nhiều doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Thực sự ý tưởng đằng sau việc Nhà nước cấp phép cho dự án rồi sau đó hàng loạt ưu đãi là gì tôi không hiểu được. Chắc là chỉ những người đề xuất và trực tiếp làm dự án thì hiểu rõ và có những tính toán nào đó.
Còn những tính toán bình thường của những người có một chút hiểu về kinh tế hay theo dõi lâu về phát triển của ngành thép Việt Nam thì đều thấy đây là ngành công nghệ lạc hậu tương đối và đã có nhiều nước đang muốn dẹp đi. Họ chuyển sang nước khác để làm chứ không muốn làm ở đất nước họ nữa vì nó gây ô nhiễm môi trường, tốn kém năng lượng rất lớn. Thành ra nhìn ở góc độ kinh tế tôi thấy có vấn đề và hiệu quả không cao.
Những năm trước đây khi còn phát triển kinh tế theo công nghiệp kiểu cũ thì thép rất cần thiết cho công nghiệp. Nhưng sau này với quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước đã đạt cao thì họ không tập trung cho ngành thép mà có xu hướng chuyển ngành thép đi.
Các nước khác lạc hậu hơn thì cũng dần theo quy luật này. Trong khi thép của Formosa cũng không có gì đặc biệt mà Việt Nam rất cần phải phát triển.
Có những nước tiên tiến người ta vẫn muốn duy trì ngành thép nhưng đó là công nghệ rất hiện đại. Ví dụ như Thụy Điển người ta sản xuất thép rất đặc biệt.

Thép của Thụy Điển giá trị gia tăng rất cao, trong đó có hàm lượng về công nghệ, kỹ thuật rất cao, cách làm hiện đại. Kinh doanh như thế thì mới đáng làm. Còn kiểu như Formosa thì hiện nay nhiều nước có thể làm được mà nhất là mặt hàng thép xây dựng ở Việt Nam đang tồn đọng, dư thừa.
Trong khi đó Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) vừa đưa ra cảnh báo rằng Việt Nam đã ưu đãi bằng cách miễn thuế quá nhiều sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Bởi vì cái mà nhà nước thu được cũng là thuế chứ đâu có gì khác?
Đó là còn chưa kể vào Việt Nam tín dụng họ cũng được vay. Như vậy trong khi nguồn tín dụng của mình đang hiếm hoi thì cũng dồn cho họ để làm.
Nếu họ làm dự án lớn như vậy mà không đủ tiền thì đừng vào với tư cách nhà đầu tư. Đã là nhà đầu tư nước ngoài thì cơ bản phải là tiền của họ hoặc huy động dòng tiền từ các ngân hàng của họ vay từ bên ngoài mang vào chứ không phải vay ở Việt Nam.
Việt Nam đã bị một số bài học trước đây khi các nhà đầu tư nước ngoài vào vay tiền chính ở Việt Nam. Ấn Độ từng rút kinh nghiệm từ việc này và họ gọi đây là một kiểu cướp ngân hàng.
Tất cả những điều này cho thấy rất khó hiểu tại sao lại có sự chiều chuộng đến như vậy. 
Formosa Hà Tĩnh sẽ thành khu gang thép lớn nhất Đông Nam Á
Formosa Hà Tĩnh sẽ thành khu gang thép lớn nhất Đông Nam Á
PV: - Hiện công nghiệp thép Việt Nam, Formosa cũng như những nhà máy thép khác chỉ là cán thép chứ không có luyện kim, tức là tất cả đều như nhau, sao chỉ có Formosa được ưu đãi nhiều như vậy? Việc ưu đãi này liệu sẽ ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước như thế nào?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Đúng như vậy, ở đây họ không làm khâu luyện kim – khâu khó nhất trong thép mà cũng là cái mà Việt Nam đang thiếu thì lại không làm mà chỉ làm ra sản phẩm thép xây dựng. Thế nhưng lại cho họ rất nhiều ưu đãi như vậy thì có nghĩa tạo cho họ một sân chơi khác hẳn so với các doanh nghiệp thép đang làm trong nước.
Như vậy khi thép Formosa hình thành có thể giết chết hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước của Việt Nam.
Bài học cũ đang lặp lại với giá đắt
PV: Nếu cho rằng ưu đãi để đưa tiến bộ công nghệ vào Việt Nam thì dự án này đa số là công nghệ Trung Quốc không phải là cái ngành thép Việt Nam có thể học hỏi. Theo bà hệ quả của việc thu nhận dự án thép cùng với những ưu đãi quá lớn mà Việt Nam có thể hứng chịu là gì? 
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Trung Quốc đang thải bớt ngành thép ra, còn Việt Nam lại hứng lấy công nghệ này mà lại hứng với giá cao như vậy. Khi cộng tất cả ưu đãi vào thì thấy Việt Nam đang “mua” dự án với giá quá cao. Như vậy hỏi có đáng hay không?
Qua câu chuyện dự án này lại thấy bài học tương tự như trước đây Việt Nam bị hứng xi măng lò đứng do Trung Quốc thải ra. Họ bán và Việt Nam cũng ồ ạt đầu tư nhà máy xi măng. Sau đó đã bao nhiêu lần rút kinh nghiệm nhưng bài học đó lại đang lặp lại. Thậm chí lặp lại với quy mô rất lớn với biết bao ưu đãi.
Trong khi đó bây giờ là thời đại có thông tin rộng rãi chứ không phải như thời buổi của xi măng lò đứng. Cách đây mười mấy năm thì có thể cho là một số địa phương mới tham gia thị trường còn ngờ nghệch, thiếu thông tin nên bị bẫy ham mua giá rẻ ‘ôm’ công nghệ xi măng lò đứng về.
Nhưng thời buổi bây giờ lại như vậy thì ai là người có thể tin đó là sự nhầm lẫn hay thiếu thông tin?.
Tôi không biết trong dự án này những người quyết định chính sách đã tham vấn những ai, những chuyên gia nào đã tham gia vào việc này hay lại đi đêm, quyết định trong phòng kín với nhau thôi.
Với những dự án có những ưu đãi đặc biệt thì chỉ nên dành cho những ngành thực sự đặc biệt mà Việt Nam đang có nhu cầu cao.
Ví dụ như các ngành công nghệ cao như trước đây từng có những ưu đãi đưa ra để mời Intel vào thì cá nhân tôi cũng như nhiều chuyên gia kinh tế cũng rất tán thành. Bởi vì khi đó Intel vào đây họ có tác động để lôi kéo các doanh nghiệp khác có công nghệ cao vào Việt Nam rất lớn.
Còn với Formosa độ lan tỏa trong giới đầu tư cũng không có. Thậm chí họ còn đánh bạt các doanh nghiệp nước ngoài khác, ví dụ như TaTa của Ấn Độ cũng định vào Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh với dự án 5 tỷ USD, nhưng vì thấy họ ở cùng địa điểm với Formosa không hiệu quả nên họ đã rút ra.
Có sự không bình thường ở dự án này kể từ khi họ bắt đầu vào đã cho ưu đãi rất nhiều. Sau khi có chuyện lộn xộn gây rối vừa rồi họ lại viện cớ xin thêm bao nhiêu ưu đãi khác nữa. Những ưu đãi mới gần đây Việt Nam cũng đã đồng ý rất nhiều mục chỉ ngoại trừ việc cho hình thành đặc khu dưới sự quản lý trực tiếp của Văn phòng Chính phủ là bị bác bỏ. Còn lại các ưu đãi miễn thuế xuất nhập khẩu đều đồng ý cho hết.
Tôi nghĩ rằng hệ quả mà Việt Nam phải hứng chịu sẽ rất nặng nề. Điều dễ thấy nhất là sẽ làm cho một loạt doanh nghiệp trong ngành thép của Việt Nam sẽ điêu đứng.
Cũng phải nói rằng Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa của mình cũng đã từng theo phương châm ưu tiên công nghiệp nặng một cách hợp lý trước đây rất trọng ngành thép và đã đầu tư rất nhiều tiền của và được nhà nước bảo hộ một thời gian khá dài. Tức là nhà nước đã mất rất nhiều tiền để xây dựng nên ngành thép của mình thì bây giờ mình lại bỏ tiền ra mua doanh nghiệp mới vào để đập tan ngành thép sẵn có.
Khi họ đập được ngành thép của Việt Nam rồi họ cạnh tranh lấn lát và sẽ trở thành vị thế độc quyền hoặc chi phối thị trường. Lúc đó thì không hiểu sẽ còn cái gì sẽ xảy ra với thép của Việt Nam.
Thêm nữa đây có thể thành tiền lệ xấu. Nếu Formosa được nhà nước ưu đãi cao như vậy thì rất có thể các doanh nghiệp khác cũng đòi hỏi thì sẽ giải quyết ra sao? 
PV: -Vị trí Formosa đặt dự án được cho là trọng yếu và cần xem xét về yếu tố quốc phòng, an ninh. Trong khi nhà đầu tư từng xin biến nơi này thành đặc khu kinh tế nhưng đã không được đồng ý. Bà bình luận gì về điều này?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Địa điểm địa lý nhạy cảm như thế nào về quốc phòng an ninh thì ai cũng biết rồi. Đây cũng là điều đáng tiếc.
Có người lập luận đây là Formosa không phải của Trung Quốc nên không lo nhưng điều đó không đúng. Tôi được biết, dự án đã giao cho nhà thầu Formosa Trung Quốc. Công nhân cũng là của Trung Quốc, họ còn xin đất cho cả gia đình sang.
Đây cũng không phải là một tập đoàn có kinh nghiệm trong ngành thép nhưng họ đã lập luận là sẽ đưa đối tác của họ vào làm. Vậy đối tác đó là ai? Thiết nghĩ, điều này dư luận cũng cần được biết rõ.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bích Ngọc (thực hiện)

Không có nhận xét nào: