Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các địa phương ĐBSCL sáng 7.3 - Ảnh: Đình Tuyển







Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các địa phương ĐBSCL sáng 7.3 - Ảnh: Đình Tuyển
Đây là một trong những giải pháp cấp bách được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo trong buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về phòng chống hạn, mặn vào sáng nay 7.3.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN-NT Cao Đức Phát cho biết, tình hình hạn, mặn ở đang ngày càng gay gắt và theo chiều hướng xấu hơn. Tính đến sáng nay 7.3, diện tích lúa ở ĐBSCL đã thiệt hại gần 139.000 ha. Trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%), 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất (chiếm 31%) và 9.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 7%).
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino kéo dài lịch sử gây nắng hạn, mưa ít thì hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đang rất thấp và có những diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về thấp thì triều cường sẽ đẩy nước mặn vào đất liền sâu hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Gửi công hàm đề nghị xả đập thủy điện sông Mê Kông - ảnh 1
Khô hạn đang khiến khoảng 575.000 người ở ĐBSCL thiếu nước - Ảnh: Đình Tuyển
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phú Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương có công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL.
Trong buổi làm việc trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, trước mắt Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ ngay cho các địa phương ở ĐBSCL gần 140 tỉ đồng để hỗ trợ ngay cho các hộ dân bị thiệt hại cho hạn, mặn. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL đưa ra ngay những giải pháp lâu dài hơn, bằng mọi giá không để dân thiếu nước, giảm nhẹ những thiệt hại cho những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL như lúa, cây ăn trái, thuỷ sản.
Đình Tuyển





ĐBSCL trước thảm họa “tan rã” từ 27 đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông

LĐ - 16 LỤC TÙNG  








Ngã ba Dung Thăng (Vĩnh Hội Đông, An Phú, An Giang) một thời được xem là kho cá mùa lũ, nay chỉ lơ thơ vài chiếc xuồng nhỏ kiếm cá ăn qua ngày
Theo kế hoạch, các quốc gia thượng nguồn xây dựng 27 đập thủy điện trên sông Mê Kông. Chỉ mới hoàn thành 6 đập, Đồng bằng sông Cửu Long - vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mê Kông đã loạng choạng và đứng trước nguy cơ “tan rã”. 
Mùa lũ năm 2015, đỉnh lũ sông Cửu Long đạt mức thấp nhất trong hơn 70 năm qua. Không có lũ, “vùng sông nước” bơi trong biển lo: Nạn sạt lở bờ sông gia tăng, nguồn thủy sản giảm nghiêm trọng, việc gieo trồng ngày một khó khăn…
Mùa bặt tôm, vắng cá
“Mỗi năm ĐBSCL đón nhận khoảng 440.000 tấn cá di trú trong mùa lũ. Với giá 2.500 đô la/tấn, tương ứng 1 tỷ đô la, tức gấp 3 lần giá trị cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á”, PGS.TS Lê Anh Tuấn Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu- ĐH Cần Thơ đã khiến chúng tôi giật mình bởi con số so sánh giá trị.
Trong ký ức bao đời của người dân ĐBSCL, mùa lũ là mùa cá, tôm. Theo con nước từ thượng nguồn đổ về, người dân nơi đây giăng câu, thả lưới, đóng đáy, đặt dớn (dụng cụ bắt cá đơn giản của người dân - BT)…
Cũng như bao người sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, mỗi khi lũ về, lòng tôi lại nôn nao với ký ức đẹp của cảnh trên bờ nhà nhà xúm nhau gỡ cá mắc đầy những tay lưới, dưới sông những miệng đáy tất bật xúc và chuyển cá linh nhảy xoi xói cho những chuyến ghe chở về các cơ sở ủ nước mắm và chế biến mắm…
 Ông Nguyễn Hữu Hải ngao ngán trước nguy cơ thua lỗ hàng trăm triệu đồng từ gian đáy loại 1 của mình
Mùa lũ năm nay, chúng tôi trở lại “tam giác cá” của tỉnh An Giang: Chợ đầu mối Vĩnh Hanh (Châu Thành), bến chài Trà Sư (Tịnh Biên) và xứ đáy Vĩnh Hội Đông (An Phú). Đúng quy luật, 2 giờ sáng có mặt tại “trung tâm” chợ đầu mối Vĩnh Hanh nằm bên bờ tỉnh lộ 941, bên dưới là Kênh Mặc Cần Dưng…
Không còn hình ảnh dưới bến sáng rực ánh đèn của những dãy ghe, xuồng sau đêm đánh bắt cá đồng Tứ giác Long Xuyên gom về bán cho đầu mối chở về các chợ trung tâm, trước mắt tôi chỉ tù mù vài ngọn đèn…
Tình cờ, tôi gặp lại bà Lê Hồng Tươi, nhân vật từng phỏng vấn những năm trước. Là đầu mối lớn, chuyên thu gom và phân phối cá loại 1, nhưng giờ đây bà Tươi trầm lặng gom cá để bán tại chợ xã. “Cả đêm mới mua được vài ký cá - bà Tươi chia sẻ - Gần nhà nên ráng làm, chớ so công thức khuya, dậy sớm là lỗ…”.
Rời Vĩnh Hanh, chúng tôi xuyên đêm đến bến chài Trà Sư, nơi được biết đến như “cửa khẩu” đón cá từ đồng đất nước bạn đổ vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên qua ngõ đập Trà Sư. Mùa lũ, dọc bờ kênh có hàng trăm dân chài chuyên nghiệp đua nhau tung lưới ngày đêm, nên nơi đây có tên bến chài.
Nhưng năm nay bến vắng lặng, chỉ còn duy nhất gia đình anh Nguyễn Văn Lạc bám trụ. Theo lời anh Lạc, đầu mùa, nhiều tay chài kéo nhau về, nhưng chỉ sau thời gian ngắn sau họ lần lượt bỏ đi. Một mình một chợ, nhưng nhiều hôm anh Lạc cũng chỉ đủ cá ăn trong nhà: “Hồi trước, ngày nào tệ lắm cũng kiếm được chục ký cá, năm nay, nhiều hôm cả ngày chỉ kiếm được 1-2 ký”.
Nằm giữa ngã ba sông tiếp giáp Campuchia, Vĩnh Hội Đông (An Phú) được xem là “đất làm ăn” của nghề “bà cậu”. Lũ về, lòng sông như ngày hội. Những xuồng câu, lưới, những xuồng chài liên tục thu về những mẻ cá đầy lưới; những gian đáy tấp nập cảnh chuyển cá lên các ghe chở đi khắp nơi tiêu thụ…
Giờ đây con sông lặng như tờ với duy nhất gian đáy của ông Nguyễn Hữu Hải hoạt động cầm chừng. “Mãi đến khi giảm 50% giá khởi điểm mới có người nhận khai thác một trong số những gian đáy mà địa phương quản lý”, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.
“Xáo động” vùng sông nước
Trái với sự im ắng ở lĩnh vực đánh bắt thủy sản, đời sống của người dân vùng đầu nguồn lũ đang “xáo động” một cách báo động. “Hết giăng câu chuyển sang thả lưới nhưng nhiều hôm kiếm chẳng được ký cá, túng quá thằng Đen đi Bình Dương làm công nhân. Thương đứt ruột, nhưng giữ nó ở nhà thì sống bằng gì?” giọng bà Phạm Thị Hà, (ấp An Phước, xã Vĩnh Phước, Tri Tôn, An Giang) thổn thức khi nhắc cảnh tha phương cầu thực đứa con trai độc nhất của mình.
Theo ông Dương Văn Lê, Phó trưởng ấp An Phước, đây là 1 trong số 26 gia đình sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ trong ấp bỏ xứ kiếm sống và nhiều hộ gần như hết đường “hồi hương”. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Hát. Thấy khó sống được với nghề đánh bắt, ông Hát chuyển sang nuôi cá. Tuy nhiên do địa hình cách trở, xa trung tâm nên ông Hát bị “ép” giá bán.
Ông Nguyễn Hữu Hải: "Con cá lớn nhất trong mùa cá năm nay chỉ bằng con cá nhỏ nhất cùng thời điểm của nhiều mùa cá trước đó" 
Thua lỗ, ông dẫn cả nhà lên Bình Dương làm công nhân để lại quê nhà căn nhà cũ nát và khoản nợ tiền vay nền và nhà vượt lũ không biết bao giờ mới trả hết. Điều này không chỉ “xé nát” yếu tố an cư, lạc nghiệp của người dân, mà còn để lại khoảng trống đáng lo cho chính quyền cơ sở.
“Vắng lâu ngày, nhà cửa hoang tàn, ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, nhưng đáng lo hơn là nhiều hộ ly hương cũng ít có cơ hội để con cháu được học hành tử tế. Điều này như khép lại cánh cửa “đổi đời” của thế hệ thứ hai”, ông Lê âu lo.
Không chỉ có người nghèo, chuyên đánh bắt bằng phương tiện thô sơ gặp khó, mà ngay cả người giàu, có vốn đầu tư phương tiện đánh bắt quy mô tại các vị trí đắc địa cũng lao đao vì thua lỗ đến hai lần. Dù thừa nhận là ngày trúng nhất từ đầu mùa cá đến giờ, nhưng suốt buổi sáng hai miệng đáy tại gian Nhất (loại 1) trên sông Vĩnh Hội Đông của ông Nguyễn Hữu Hải cũng chỉ thu được hơn 100kg trắng, chủ yếu là cá linh.
Một hình ảnh xa lạ với ký ức người dân đầu nguồn. “Hồi trước, vào thời điểm này, có hôm tui phải lệnh cho thợ lấy dao rạch lưới cho cá đi bớt để miệng đáy không bị sạt vì quá tải”, ông Hải thở dài: “Năm nay cầm chắc lỗ 200 triệu đồng. Vì cá ít mà giá lại thấp”.
Theo nhiều “lão làng” nghề cá, năm nay cá ít mà trọng lượng cá cũng giảm. Đã vào mùa lũ rút, cá linh đã già nhưng kích cỡ chỉ to cỡ cá đầu mùa nên sản lượng giảm mà giá bán cũng rất thấp, dao động 5-7 ngàn đồng/kg.

Không chỉ mất trắng 3 “cầu Cần Thơ”

“Mấy mùa lũ trước, đấu giá gian Nhì (loại 2), mỗi mùa lỗ 60-100 triệu. Năm nay đấu giá gian Nhất với hy vọng gỡ vốn, nhưng lại tiếp tục lỗ - ông Hải trầm giọng - Hơn 40 năm gắn bó, nghề cá đã trở thành một phần sự sống, nhưng hết sức chịu đựng rồi, hết mùa đáy này, giải nghệ luôn”.
 Nhiều bạn hàng chầu chực nhưng vẫn khó mua được cá vì khan hiếm
Nhiều người cho rằng ông Hải còn may vì đưa ra quyết định khi vẫn còn ít vốn để chuyển nghề. Bởi vùng đầu nguồn này đã chứng kiến không ít những đại gia chỉ còn “hai bàn tay trắng” sau khi bỏ nghề. Thậm chí có người sụp đổ như từ “trên trời” xuống “địa ngục”. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Nét (tức Chín Kỳ), xã Phú Lộc (thị xã Tân Châu-An Giang). Từng được giới truyền thông phong “tước hiệu” đại gia khi mỗi năm ôm vài ký lô vàng sang bên kia biên giới thuê đồng “săn cá”.
Nhưng nhiều năm thua lỗ chồng chất đã “ngốn” hết mấy chục lượng vàng của cha mẹ để lại và bán đứt mấy chục công đất mà vẫn chưa hết nợ, Chín Kỳ đưa vợ con bỏ trốn. Căn nhà một thời lắm tôm, đầy cá và người giúp việc bên bờ kênh Bảy Xã của ông giờ im ỉm đóng. “Nghe đâu nó lên miệt Bình Dương làm mướn”, chị ruột Chín Kỳ sống gần đó mập mờ như một cách đề phòng “chủ nợ” làm khó em mình. 
“Đó chỉ mới là “khúc dạo đầu” của hệ thống đập thủy điện vùng thượng nguồn sông Mê Kông- PGS. TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh - Nạn khan hiếm thủy sản trên sông Cửu Long vào mùa lũ sẽ tiếp tục leo thang theo tỷ lệ thuận của tiến độ xây dựng đập thủy điện”.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người lo hơn là, nó còn tác động đến an ninh xã hội. Như hiệu ứng Domino, nguồn cá giảm sẽ làm tổn thương đến người nghèo và “bắc cầu” cho hiện tượng di cư trên diện rộng mà trường hợp của anh Đen, hay Chín Kỳ là những điển hình.
“Khi nông dân nghèo bỏ quê lên thành thị kiếm sống sẽ phát sinh nhiều xáo trộn về trật tự xã hội cho cả nông thôn lẫn thành thị”, xin mượn lời của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ như muốn cảnh báo đến những nhà hoạch định chính sách.