Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Hoan hô Tổng thống Mỹ Obama tiến hành cuộc " xâm chiếm" văn minh Cuba bằng kinh tế

Chuyến thăm lịch sử đến Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ông Obama chỉ huy cuộc “xâm chiếm” Cuba bằng kinh tế

Đăng Bởi  - 
Ong Obama chi huy cuoc "xam chiem" Cuba bang kinh te
Ảnh chào đón chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Obama tại khu phố cổ La Havana

Ông Obama chỉ huy cuộc "xâm chiếm" Cuba bằng kinh tế, là tựa của trang Yahoo News khi đề cập chuyến thăm Cuba đầu tiên của vị tổng thống Mỹ đương nhiệm, từ 20-22.3.







Các  tổng thống Mỹ trước ám sát Fidel không thành, Obama quyết đổi chính sách 
Chuyến thăm Cuba lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng gia đình bắt đầu từ chiều 20.3. Khi họ rời khỏi chuyên cơ Air Force, họ sẽ được tiếp đón trên thảm đỏ, tại sân bay của một quốc gia từng là kẻ thù của Mỹ từ trước khi ông Obama chào đời.  
Gần 50 năm, Mỹ tìm nhiều cách để kết liễu chế độ Fidel Castro. Nhưng âm mưu xâm chiếm Cuba từ Vịnh Con Heo năm 1961 thất bại dẫn đến những kế hoạch ám sát Fidel bằng điếu xì-gà hoặc bằng bộ áo lặn, hoặc thuê “xã hội đen” giết Fidel nhưng đều không thành.
Sau này, Mỹ ban hành lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba là nhằm thúc dân Cuba nổi dậy lật đổ một đồng minh của Liên Xô nằm chỉ cách bờ biển bang Florida của Mỹ 90 dặm.
Nhưng việc dùng vũ lực và sức ép kinh tế vẫn không giúp Mỹ đạt được kết quả mong muốn. Fidel luôn thoát khỏi những vụ mưu sát của CIA, và Fidel quy trách nhiệm cho Mỹ về việc dân Cuba lâm cảnh nghèo khó.
Fidel trách cứ nhiều đời tổng thống Mỹ, và chính phủ của ông vẫn đứng vững dù Liên Xô sụp đổ, Havana mất nguồn viện trợ của Moscow.
Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng khiến các đồng minh của Mỹ như Mexico, Canada và Pháp hưởng lợi từ ngành du lịch Cuba, bỏ mặc Mỹ một mình chống Cuba.   
Đó là những lý do mà Yahoo News nêu về chuyện ông Obama nay chỉ huy cuộc "xâm chiếm"  Cuba bằng kinh tế, như các hãng bay đều đã có thể tổ chức những chuyến bay thẳng đến Cuba cho du khách Mỹ, tàu du lịch cũng mở tuyến đến Cuba, chẳng khác nào các lực lượng không quân và hải quân.
Mỹ đã nới lỏng qui định, cho phép công dân Mỹ thoải mái du lịch Cuba, nên Yahoo News gọi nguồn du khách này là “bộ binh”.
Cuối năm 2015, ông Obama từng nói với trang tin này: “Mục đích chính của chúng tôi, là “nếu bỗng nhiên Cuba mở rộng cửa với thế giới, với Mỹ và với thông tin, văn hóa, du khách và doanh nhân Mỹ, thì họ sẽ thay đổi”.
Gần đây, ông Obama nói: “Tôi muốn trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong gần 90 năm đến thăm Cuba mà không có chiến hạm hộ tống”, ám chỉ việc  Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge lên tàu chiến USS Texas thăm Cuba năm 1928.  
Chuyến thăm lịch sử này sẽ đề cao nỗ lực thay đổi chính sách đối với Cuba của ông Obama là không thể đảo ngược, dù rằng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.2016, một người của đảng Cộng hòa có thể sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng chăng nữa.
Geoff Thale, một chuyên gia về Cuba, nói: “Obama muốn được nhớ đến là vị tổng thống Mỹ kết thúc Chiến tranh Lạnh ở Mỹ La tinh và bình thường hóa quan hệ với Cuba, nên ông ấy cần nỗ lực tối đa trong việc gây khó cho vị tổng thống kế tiếp lật ngược chuyện này”.  
 Ông Obama và các trợ lý dẫn chứng các cuộc thăm dò dư luận, cho thấy người Mỹ (gồm phe đa số ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ) đều ủng hộ việc tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba và dỡ bỏ lệnh cấm vận.  
 Lệnh cấm vận từ hơn 50 năm qua đang cản trở nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, một mảng chính trong nỗ lực để lại một di sản ngoại giao của ông Obama. Chỉ có Quốc hội Mỹ mới có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận.  
Tại Cuba, ông Obama sẽ không gặp Fidel, 89 tuổi, người anh ruột đã về hưu của Chủ tịch Cuba Raul Castro, 84 tuổi.
Ong Obama chi huy cuoc
Du khách Mỹ chụp ảnh lưu niệm trước ap-phich hoan nghênh cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Cuba-Mỹ  
  Ông Obama không ra "tối hậu thư" về vấn đề nhân quyền ở Cuba
 Chương trình làm việc ông Obama ở Cuba là nói chuyện với chính phủ Cuba và nói chuyện riêng với Chủ tịch Raul Castro  trong ngày 21.3, tại Cung Cách mạng (trụ sở chính phủ Cuba).  Hai vị lãnh đạo sẽ cùng dự dạ tiệc cấp nhà nước vào tối 21.3.
 Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes của ông Obama nói: ông Obama sẽ đề cập vấn đề nhân quyền ở Cuba, khi ông gặp lãnh đạo Cuba, nhưng hai người sẽ không có cuộc họp báo sau cuộc gặp.  
Nhưng ông Obama không tính sử dụng chuyến thăm để ra “tối hậu thư” cho ông Raul Castro về vấn đề nhân quyền, theo báo New York Times. Thư ký Nhà Trắng Josh Earnest nói với các nhà báo hôm 18.3:
 “Chúng tôi đang thử một cách tiếp cận mới, là tổng thống Mỹ lên chuyên cơ bay đến Havana, ngồi xuống với lãnh đạo Cuba và nói: “Quý ông cần làm tốt hơn chuyện bảo vệ nhân quyền của nhân dân nước ông”.
Cùng ngày 21.3, ông Obama cũng gặp một nhóm doanh nhân tìm cơ hội làm ăn.
Ngày 22.3, ông Obama gặp một số người chống đối chính phủ Cuba và sẽ phát biểu với nhân dân Cuba tại một nhà hát, nơi mà ông Coolidge từng phát biểu 88 năm trước, trong đó ông sẽ đề cập những bước cần làm để cải thiện sâu hơn quan hệ Mỹ-Cuba. Các trợ lý Nhà Trắng nói truyền hình Mỹ và đài truyền hình trung ương Cuba sẽ phát sóng trực tiếp bài diễn văn này.
Có lẽ ông Obama sẽ không tuyên bố kết thúc hoạt động của căn cứ Mỹ tại Vịnh Guantanamo, và có lẽ ông sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba.
Ông Obama cũng sẽ đi dạo tham quan khu phố cổ ở thủ đô Havana, dự khán một trận bóng chày giao lưu giữa đội tuyển Cuba với CLB  Tampa Bay Rays.
Ông Obama nuôi tham vọng thúc đẩy thay đổi ở Cuba 
Trọng tâm của chính sách làm thân với Cuba của ông Obama là một canh bạc: việc làm “tan băng” quan hệ lạnh lẽo lâu nay sẽ thúc đẩy những thay đổi trong chính phủ Cộng sản Cuba, bằng cách nuôi hy vọng rằng công dân Cuba, nhất là thế hệ trẻ, sẽ quan tâm nhiều hơn việc tiếp cận internet, và tạo ra nhiều cơ hội làm ăn hơn.  
Nhưng các quan chức Nhà Trắng không dám dự báo sẽ có một cuộc cách mạng dân chủ thần tốc ở Cuba. Thay vào đó, họ nói đầu tư, thương mại và du lịch của Mỹ sẽ giúp nâng chất lượng sống ở đảo quốc này, và việc mở rộng thông tin (gồm tiếp cận internet) sẽ giúp dân Cuba tiếp cận nhiều hơn với thế giới.
Nữ cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) Susan Rice nói hôm 17.3: “Chúng tôi biết sự thay đổi sẽ không có ngay ở Cuba. Chúng tôi tin sự làm thân, gồm lập quan hệ, thương mại và du lịch giữa Mỹ-Cuba là cách tốt nhất để tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự tiến bộ cho nhân dân Cuba”.  
Trong chuyến thăm này, ông Obama có lẽ sẽ không đề cử một đại sứ Mỹ tại Cuba. Quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ ở đảo quốc này là Jeffrey DeLaurentis, một quan chức có uy tín của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các trợ lý của ông Obama nói ở chỗ riêng tư rằng việc giới thiệu một đại sứ Mỹ sẽ khiến “mất nhiều, được ít”: nó không làm thay đổi hoạt động ngoại giao bình thường hiện có, mà lại có thể kéo Nhà Trắng vào chuyện tranh cãi với đảng Cộng hòa ở quốc hội Mỹ.
Và nếu quốc hội Mỹ không phê duyệt vị đại sứ được đề cử, thì đấy sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực làm thân với Cuba của ông Obama.  
Ông Obama vẫn tìm kiếm những thay đổi đầy tham vọng giữa Mỹ và Cuba. Tại Mỹ, ông muốn quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba. Ở Cuba, ông muốn chính phủ Havana thực hiện những việc lớn, như cho phép doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng người lao động, chứ không nhận người lao động do chính quyền giới thiệu.
Ông Obama từng nói với Yahoo News hồi cuối năm ngoái: “Một sự thay đổi thật sự sẽ đến trong tình thế có mối quan hệ trực tiếp giữa chủ lao động và người lao động".
"Còn một con đường dài phía trước" 
Vấn đề là chính phủ Cuba dù cần có nguồn đầu tư của nước ngoài, lại không vội ôm lấy ý tưởng thay đổi chính trị.
Chính ông Obama nói với Yahoo News hồi năm ngoái: Chủ tịch Raul Castro tìm kiếm lợi ích từ sự đầu tư của Mỹ, nhưng không tiến hành cải cách dân chủ: “Có lẽ điều ông ấy muốn có là một sự chuyển hóa hệ thống kinh tế để nó hiệu quả hơn và nâng tiêu chuẩn sống, mà vẫn giữ lấy sự kiểm soát chính trị”.
Báo Granma, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Cuba, gần đây có bài xã luận dài, báo trước cho ông Obama biết là “chớ hy vọng Cuba từ bỏ những lý tưởng cách mạng và chống đế quốc”. Bài viết nhấn mạnh “còn một con đường dài khó khăn” để hướng tới sự phục hồi hoàn toàn mối quan hệ Cuba-Mỹ.
Ngày 17.3, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla nói với các nhà báo: “Nhân dân Cuba đã tự tăng sức mạnh từ hàng chục năm trước”.
Vĩnh Thụy (theo Yahoo News, New York Times)

Không có nhận xét nào: