Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Tập Cận Bình "đau đầu" giải 3 bài toán giúp TQ thoát bế tắc

Thủy Thu | 

Tập Cận Bình "đau đầu" giải 3 bài toán giúp TQ thoát bế tắc
Việc ông Tập can thiệp nhiều vào quản lý kinh tế Trung Quốc khiến người ta nhắc đến "kinh tế học Tập Cận Bình" (Xiconomics) nhiều hơn "Likonomics" của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Chỉ còn hơn 5 năm "ngồi ngai" ở Trung Nam Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải gỡ nút thắt kinh tế thành công nếu muốn "ra đi" trong tư thế ngẩng cao đầu.

Kỳ vọng và thách thức từ Trung Nam Hải
Trước đây, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo từng có ý "gán ghép" ông Tập Cận Bình với Đường Thái Tông Lý Thế Dân, được cho là nhằm "nhắc nhở" và kỳ vọng ông sẽ giúp Trung Quốc đạt được những thành tựu như thời kỳ cực thịnh trong quá khứ.

Tờ The New York Times (Mỹ) nhận xét, từ thời Mao Trạch Đông đến nay, chưa có lãnh đạo Trung Quốc nào nhận được tỷ lệ ủng hộ từ trong nước lớn như ông Tập.
Do đó, để đạt được sự kỳ vọng của người dân nước này, cũng như muốn lưu lại dấu ấn cá nhân trong thời gian lãnh đạo Trung Nam Hải, ông Tập buộc phải vượt qua rất nhiều thách thức trước mắt.
Trong đó, gỡ bỏ nút thắt tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là nhiệm vụ cấp bách trước khi ông hết nhiệm kỳ 2017-2022.

Ảnh ông Tập Cận Bình được treo trang trọng trong nhà một người dân. (Ảnh: Sina)
Ảnh ông Tập Cận Bình được treo trang trọng trong nhà một người dân. (Ảnh: Sina)
Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc 5 năm lần thứ nhất (gọi tắt là Cương yếu) của ông Tập đã được thông qua tại phiên họp lần thứ 4 Đại hội Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khóa 12 vào đầu tháng 3/2016.
Bắc Kinh coi kế hoạch này là cương lĩnh hành động để thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ. Xây dựng toàn diện một "xã hội hài hòa" chính là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn 100 năm đầu tiên của các mục tiêu thiên nhiên kỷ này.
Bản cương yếu của Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh cụm từ "cường quốc", như "cường quốc nhân tài", "cường quốc Internet", "cường quốc chế tạo", "cường quốc văn hóa" và "cường quốc thương mại" để thể hiện tiêu chí mà tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn đi theo.
Do đó, nếu không muốn bị coi là "thùng rỗng kêu to" sau các chiến dịch tuyên truyền hình ảnh cá nhân rầm rộ, nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có những bước đi và hành động thiết thực để "bẻ khóa" khó khăn.
Tờ The Paper (Trung Quốc) dẫn lời phân tích của Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc Trương Chiêm Bân, chỉ ra ba mật mã mà ông Tập cần tháo gỡ trong nhiệm kỳ cuối này.
Mật mã 1: Thích ứng mô hình mới, thúc đẩy cải cách
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 là kế hoạch 5 năm đầu tiên mà kinh tế xã hội Trung Quốc đi theo mô hình phát triển mới.
Do đó, ông Tập và cộng sự cần nhận thức rõ ràng toàn diện và nắm bắt chắc chắn mô hình mới trong phát triển kinh tế này. Ngoài ra, ông cũng cần nhìn bao quát vĩ mô để kịp thời định hướng sự phát triển trong vòng 5 năm tới.
Tháng 11/2015, ông Tập trong bản Kiến nghị quy định kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển kinh tế xã hội" đã nhấn mạnh về việc kế hoạch này cần thích ứng như thế nào với tình hình hiện tại.
Đồng thời, ông đề xuất, trong giai đoạn 2017 - 2022, cần đánh giá sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc từ các góc độ tăng trưởng về tốc độ, số lượng, chất lượng, hiệu quả và khả năng duy trì tăng trưởng.
Trung Quốc hiện nay cần coi cải cách mang tính kết cấu ưu hóa làm chủ đạo, mở rộng hiệu quả cung ứng, nhanh chóng hình thành cơ chế thể chế và hình thức phát triển để định hướng nền kinh tế.
"Đây là giai đoạn quyết định để xây dựng xã hội hài hòa một cách toàn diện của Trung Quốc", ông Trương nói.
Nhiệm vụ cấp bách mà ông Tập cần xử lý trong năm 2016 là đưa ra các chính sách hiệu quả để thúc đẩy phát triển sản xuất, phát huy tác dụng cân bằng của cơ cấu tài chính trong phát triển kinh tế và giảm giá thành sản phẩm.
Mật mã 2: Phát triển dân sinh, thực hiện 5 lý luận mới về phát triển kinh tế xã hội
Hội nghị trung ương 5 của ĐCSTQ hồi năm ngoái xác định, Trung Quốc cần "đổi mới, hài hòa, lành mạnh, cởi mở và chia sẻ lợi ích".
Đường lối này thể hiện tư duy, phương hướng và trọng điểm phát triển trong 6 năm cuối nhiệm kỳ của Tập Cận Bình.
Trung Quốc cần chú trọng tăng trưởng nhiều lĩnh vực như thể chế, kỹ thuật, sản xuất; thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các địa phương, khu vực và thực hiện đô thị hóa; phát triển năng lượng sạch, môi trường sinh thái; mở cửa cải cách, hợp tác cùng phát triển.

Thượng Hải là trung tâm tài chính kinh tế của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa rất ấn tượng. Ảnh: China
Thượng Hải là trung tâm tài chính kinh tế của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa rất ấn tượng. Ảnh: China
Ông Tập coi đây là chính sách mang tính chiến lược và là hoa tiêu dẫn đường để xác định đường lối đúng đắn. Bắc Kinh cần coi việc nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế xã hội làm trung tâm.
Trương Chiêm Bân cho rằng, Trung Quốc cần thúc đẩy xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh, góp phần phát triển toàn diện "xã hội hài hòa", để tiếp tục thực hiện mục tiêu thiên nhiên kỷ 100 năm lần thứ 2 và "giấc mộng Trung Hoa".
Mật mã 3: Xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề còn tồn tại
Theo ông Trương, nhiệm vụ khó khăn nhất của ông Tập Cận Bình chính là đưa hơn 70 triệu hộ nghèo của Trung Quốc thoát nghèo.
Trong nội dung bản Cương yếu của ông Tập, cụm từ "đói nghèo" được xuất hiện 47 lần, cụm từ "xóa đói giảm nghèo" được nhắc tới 56 lần.
Cương yếu đề xuất, cần phát huy ưu thế chính trị và ưu thế chế độ, quán triệt chính sách xóa đói giảm nghèo tận gốc, để mở ra cơ chế và mô hình cải cách thoát nghèo.
Đến năm 2020, kinh tế xã hội Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Cương yếu đề xuất đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp hóa nông thôn, phát triển dịch vụ công cộng, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo đời sống dân sinh.
Trương Chiêm Bân cho rằng, nếu Bắc Kinh mạnh miệng "hô khẩu hiệu" mà hành động kém hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân ông Tập, thậm chí xuất hiện cái gọi là "bẫy Tacitus", nghĩa là khi chính phủ đánh mất tín nhiệm từ người dân thì dù nói đúng, làm đúng cũng bị cho là sai.
Học giả này cũng cho rằng, do Trung Quốc đang trong thời điểm nhạy cảm và khó khăn nên ông Tập Cận Bình cùng các cộng sự cần phải tỉnh táo, thực sự bắt tay vào làm, lấy thành tích đó để duy trì lòng tin của dư luận cùng hình ảnh chính phủ.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: