This entry was posted on Tháng Mười 4, 2012, in Lịch sử Việt Nam and tagged Nguyễn Khắc Thuầ, Việt Nam. Bookmark the permalink. Để lại bình luận
Nguyễn Khắc Thuần
Chương I : THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA THỜI SƠ SỬ Ở VIỆT NAM
I – VÀI NIÊN ĐẠI CẦN BIẾT VỀ TIỀN SỬ Ở VIỆT NAM
Trên đại thể, chúng ta có thể tạm chia lịch sử dân tộc ta thành mấy thời đại lớn sau đây:
– Thời đại trước khi có nhà nước (Tiền sử).
– Thời đại Hùng Vương – An Dương Vương (Sơ sử).
– Thời đại bị phong kiến Trung Quốc đô hộ (Bắc thuộc).
– Thời đại độc lập và tự chủ.
– Thời đại bị thực dân Pháp thống trị (Pháp thuộc).
– Thời đại hiện đại (từ Cách mạng Tháng Tám đến nay).
Chương này nói về thế thứ các triều vua thời sơ sử, nhưng để dễ hình dung về khung thời gian của thời sơ sử, chúng tôi cung cấp thêm vài niên đại cần biết về tiền sử ở Việt Nam như sau:
1 – Cách đây khoảng 30 vạn năm: Người – vượn đá có mặt trên lãnh thổ nước ta. Họ để lại dấu tích ở các hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên (Lạng Sơn).
2 – Thời kì đồ đá ở Việt Nam: Mở đầu cách nay khoảng 30 vạn năm và kết thúc cách nay khoảng 4 ngàn năm với các nền văn hoá tiêu biểu sau đây:
– Đồ đá cũ: Chấm dứt cách nay khoảng trên một vạn năm. Hai nền văn hoá đồ đá cũ nổi bật nhất là Núi Đọ (Thanh Hoá) và Sơn Vi (Phú Thọ).
– Đồ đá giữa: Bao hàm toàn bộ lịch sử phát triển của nền văn hoá Hoà Bình, mở đầu cách nay khoảng trên một vạn năm và kết thúc cách nay khoảng gần một vạn năm. Cũng có người gọi văn hoá Hoà Bình là văn hoá đồ đá mới trước gốm.
– Đồ đá mới: Mở đầu cách nay khoảng gần một vạn năm và kết thúc cách nay khoảng bốn ngàn năm, với các nền văn hoá quan trọng sau đây:
•Văn hoá Bắc Sơn (Lạng Sơn): sơ kì.
•Văn hoá Quỳnh Văn (Nghệ An): trung kì.
•Văn hoá Hạ Long (Quảng Ninh): hậu kì.
•Văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ): đỉnh cao tột cùng của thời đại đồ đá và là sơ kì của thời dại đồ đồng.
3 – Thời kì đồ đồng ở Việt Nam
– Sơ kì: Văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ), cách nay khoảng 4 ngàn năm.
– Trung kì: Văn hoá Đồng Đậu (Phú Thọ), cách nay khoảng 3 ngàn năm.
– Hậu kì: Văn hoá Gò Mun (Phú Thọ), cách nay gần 3 ngàn năm.
Đỉnh cao tột cùng của thời kì đồ đồng ở Việt Nam là văn hoá Đông Sơn (Thanh Hoá), có niên đại cách nay khoảng hơn 2500 năm.Từ khi bước vào thời kì đồ đồng, xã hội nguyên thuỷ ở nước ta chuyển hoá ngày một mạnh mẽ, để rồi đến văn hoá Đông Sơn, nhà nước đã xuất hiện. Như vậy, có hai vấn đề quan trọng cần lưu ý: một là tiền sử Việt Nam bao hàm toàn bộ thời kì đồ đá cộng với toàn bộ thời kì đồ đồng; hai là cách đây bốn ngàn năm, với sự có mặt của đồ đồng, xã hội nguyên thuỷ ở nước ta đã chuyển hoá ngày càng mạnh mẽ, nhưng tiền sử ở nước ta chỉ thực sự cáo chung từ văn hoá Đông Sơn, cách nay khoảng 2500 năm mà thôi. Đây là điểm khác biệt căn bản nhất về niên đại, giữa ghi chép của sử cũ (trừ bộ Đại Việt sử lược) với kết quả nghiên cứu của giới sử học hiện nay.
Nói khác hơn, sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sn, cách ngày nay khoảng trên dưới 2500 năm mà thôi.
II- THẾ THỨ THỜI HÙNG VƯƠNG
1 – Lãnh thổ nước Văn Lang của các vua Hùng
Nước Văn Lang của các vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt Nam. Sách Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử đầu tiên của nước ta chép về Văn Lang, và theo đó thì nước Văn Lang “Đông giáp Nam Hải, tây giáp Ba Thục, bắc giáp Hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn” (1).
Nam Hải tức biển Đông. Nước Ba Thục là một vương quốc cổ, có lãnh thổ nay là vùng tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Hồ Động Đình là một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Và, cùng với Chăm-pa, Chiêm Thành, Hoàn Vương… Hồ Tôn là một trong những tên gọi quốc gia của người Chăm. Quốc gia này đại để, có lãnh thổ tương ứng với vùng từ Quảng Bình đến Bình Thuận của nước ta ngày nay.
Giang sơn rộng lớn nói trên có lẽ không phải là của riêng Văn Lang mà là của chung các tộc người thuộc Bách Việt. Điều đáng lưu ý là sử cũ vừa phác họa một biên cương bao la cho Văn Lang, lại vừa thống kê được 15 bộ (2) mà địa chỉ của 15 bộ đó lại nằm rải rác trên vùng đất tương ứng với lãnh thổ của nước ta từ tỉnh Thừa Thiên – Huế trở ra và lan sang một ít ở hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông, Quảng Tây.
Chúng ta không có tài liệu đáng tin cậy nào về dân số của nước Văn Lang, nhưng dựa trên cơ sở thống kê hộ tịch của nhà Hán thống trị sau này và căn cứ vào một số cơ sở khác, các nhà nghiên cứu đoán định rằng, dân số nước ta thời Văn Lang áng chừng một triệu người.
2 – Thế thứ thời Hùng Vương
a – Hùng Vương là gì?
Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng tên gọi Hùng Vương gồm hai thành tố khác nhau. Thành tố thứ nhất là Hùng. Thành tố này có thể là do phiên âm Hán Việt một từ Việt cổ nào đó, có ngữ âm và ngữ nghĩa gần với chữ Kun, Khun hay Khuntz của đồng bào các dân tộc anh em như: Mường, Thái và Mun-đa. Trong đồng bào các dân tộc anh em nói trên, những từ như Kun, Khun, Khuntz đều có nghĩa là trưởng, thủ lĩnh, người đứng đầu. Thành tố thứ hai của Hùng Vương là Vương. Thành tố này hoàn toàn do người chép sử đời sau thêm vào, cốt để chỉ rằng, thủ lĩnh hay người đứng đầu (Hùng) là của cả nước. Người đứng đầu quốc gia thì không đế cũng vương mà thôi.
Tóm lại, Hùng Vương là tên của một chức danh, hình thành do phiên ám một từ Việt cổ nào đó.
b – Có hay không có 18 đời Hùng Vương?
Các bộ sử cũ đều chép rằng, mở đầu lịch sử nước ta là họ Hồng Bàng. Mở đầu họ Hồng Bàng là Kinh Dương Vương (tức Lộc Tục), làm vua nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân (tức Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra 100 người con. Sau, con trưởng của Lạc Long Quân được phong làm Hùng Vương Hùng triều ngọc phả cho hay họ Hồng
Bàng truyền được 18 đời, gồm:
1 – Hùng Dương (tức Lộc Tục).
2 – Hùng Hiền (tức Sùng Lãm).
3 – Hùng Lân.
4 – Hùng Việp.
5 – Hùng Hy.
6 – Hùng Huy.
7 – Hùng Chiêu.
8 – Hùng Vỹ.
9 – Hùng Định.
10 – Hùng Hy (3).
11 – Hùng Trinh.
12 – Hùng Võ.
13 – Hùng Việt.
14 – Hùng Anh.
15 – Hùng Triều.
16 – Hùng Tạo.
17 – Hùng Nghị.
18 – Hùng Duệ.
18 đời nối nhau trị vì 2622 năm (từ năm 2879 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên). Đó là những con số rất khó thuyết phục người đọc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, với người Việt, số 9 là số thiêng, các bội số của số 9 (như 18, 36, 72, 99 v.v… ) cũng là những số thiêng tương tự như vậy. Cho nên, con số 18 đời Hùng Vương mà Hùng triều ngọc phả nói tới cũng chỉ là con số ước lệ, biểu tượng của một ý niệm thiêng liêng nào đó.
Trái với ghi chép của chính sử cũ và các tài liệu dã sử khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 năm, và niên đại tan rã là khoảng năm 208 trước công nguyên chứ không phải là năm 258 trước công nguyên. Với 300 năm, con số 18 đời vua Hùng là con số dễ chấp nhận. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà khẳng định rằng nước Văn Lang thực sự có đúng 18 đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vì.
Tóm lại, nước Văn Lang là một thực thể có thật của lịch sử nước ta, nhưng Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng ba trăm năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử.
III – THỜI AN DƯƠNG VƯƠNG
1 – Nước Âu Lạc của An Dương Vương
Trong sử cũ, nước Âu Lạc có niên đại tồn tại từ năm 258 trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên, cộng là 50 năm. Lập bảng đối chiếu văn bản của các bộ sử cũ, các nhà sử học hiện nay cho rằng, cả niên đại mở đầu lẫn niên đại kết thúc nói trên đều không đúng. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng 30 năm, từ năm 208 trước công nguyên đến năm 179 trước công nguyên.
Cũng trong sử cũ, nhân vật An Dương Vương bị coi là “ngoại nhập” (4). Kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy Thục Phán An Dương Vương không phải là người có nguồn gốc ngoại lai mà là người có nguồn gốc bản địa. Tuy nhiên, bản quán cụ thể của An Dương Vương hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác. Nhiều người đoán định rằng rất có thể Thục Phán sinh trưởng ở vùng Việt Bắc ngày nay.
Lãnh thổ của Âu Lạc cũng chính là lãnh thổ của Văn Lang, khác chăng chỉ là nhà nước Âu Lạc giàu năng lực quản lí đất đai và quản lí dân cư hơn nhà nước Văn Lang mà thôi.
Kinh đô của Âu Lạc là Cổ Loa (nay ở ngoại thành Hà Nội). Dấu tích của kinh đô Cổ Loa này vẫn còn
Hình 1 – Bản đồ Cổ Loa
2 – Vua của Âu Lạc
Nước Âu Lạc chỉ có một đời vua, đó là An Dương Vương. Nhà vua sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất vào năm 179 trước công nguyên. Truyền thuyết nói ông mất tại Nghệ An. Tục truyền, đền Con Côông (tức con Công) ở Mộ Dạ (Nghệ An) chính là đền thờ An Dương Vương.
An Dương Vương mất vì thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân Nam Việt xâm lăng.
Chú thích:
(1) Ngoại kỉ. quyển 1, tờ 3-a.
(2) Tên 15 bộ đó theo Đại Việt sử kí toàn thư là: Văn Lang. Giao Chỉ, Vũ Định, Vũ Ninh. Lục Hải. Ninh Hải, Tân Hưng, Phúc Lộc, Chu Diên, Dương Tuyền, Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường và Bình Văn.
Các sách khác như Đại Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái, Ức Trai dư địa chí v.v… cũng chép con số 15 bộ nhưng tên của các bộ có khác chút ít.
(3) Tuy cùng đọc là Hy nhưng mặt chữ Hán của hai chữ Hy này hoàn toàn khác nhau.
(4) xem Đại Việt sử kí toàn thư (Ngoại kỉ quyển 1).
Chương 2 : THẾ THỨ THỜI BẮC THUỘC (179 trước công nguyên đến 905)
I – TIỂU DẪN
1 – Trước hết, chúng tôi coi năm 179 trước công nguyên là năm mở đầu và năm 905 là năm kết thúc của thời kì Bắc thuộc. Trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm đó, cũng có lúc nhân dân ta đã giành được độc lập, nhưng đó chỉ là nền độc lập rất yếu ớt và tạm thời, cho nên, toàn bộ khung thời gian tử năm 179 trước công nguyên đến năm 905 đều thuộc về thời Bắc thuộc.
2 – Xét chính quyền đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, chúng tôi thấy có sự khác biệt giữa danh nghĩa và thực chất. Về danh nghĩa, mỗi quan đô hộ đều nhận phẩm tước của một triều đình cụ thể nào đấy, nhưng về thực chất, có những quan đô hộ làm việc cho hai triều đại khác nhau, lại cũng có những quan đô hộ âm thầm xây dựng cho mình cả một hệ thống chính quyền cát cứ riêng. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đó là lực li tâm chính trị. Bởi thực tế đó, bảng thế thứ thời Bắc thuộc chỉ có một ý nghĩa rất tương đối mà thôi.
3 – Về danh mục các quan đô hộ của các triều, sử cũ chép không rõ ràng, đó là chưa nói có sự sai biệt lẫn nhau. Có những quan, tiếng là đô hộ toàn cõi nước ta nhưng thực thì họ chưa từng tới nước ta. Có những quan, tiếng là đô hô trong phạm vi một quận, nhưng thực thì quyền hành của họ gần như toả rộng khắp toàn cõi.
Trước tình hình đó, chúng tôi chép ra đây tất cả những quan đô hộ nào được sử cũ nhắc tới, không phân biệt đó là thứ sử hay thái thú.
4 – Sách này trình bày thế thứ các triều vua Việt Nam, do vậy, phần thế thứ thời Bắc thuộc, chúng tôi trình bày lướt qua, cốt để cung cấp một ý niệm ban đầu hơn là cung cấp những tư liệu lịch sử đầy đủ về thời Bắc thuộc.
II – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA NAM VIỆT
Năm 208 trước công nguyên, nhân nhà Tần sụp đổ, một viên tướng trong đạo quân nam chinh của nhà Tần là Triệu Đà đã chiếm cứ vùng Lĩnh Nam (Trung Quốc) và sau đó lập ra nước Nam Việt. Ngay khi vừa mới lên ngôi, Triệu Đà đã nhiều lần xua quân sang tấn công xâm lược Âu Lạc. Nhưng tất cả những cuộc tấn công đó đều bị quân đội của An Dương Vương đẩy lùi. Sau, Triệu Đà dùng kế hôn nhân, cho con trai là Trọng Thuỷ lấy con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu và cho Trọng Thuỷ ở rể tại Âu Lạc. Từ đó, An Dương Vương mất cảnh giác, rốt cuộc, bị Triệu Đà bất ngờ đánh bại và cướp nước kể từ năm 179 trước công nguyên.
1 – TRIỆU VŨ ĐẾ (206 đến 137 trước công nguyên)
Họ, tên: Triệu Đà.
– Nguyên quán: Chân Định (Hà Bắc, Trung Quốc).
– Thống trị nước ta 42 năm (từ năm 179 đến năm 137 trước công nguyên).
– Mất năm Giáp Thìn (137 trước công nguyên), thọ 120 tuổi (1).
– Không thấy sử chép việc Triệu Đà đặt niên hiệu.
2 – TRIỆU VĂN VƯƠNG (136 đến 125 trước công nguyên)
– Họ, tên: Triệu Hồ (con của Trọng Thuỷ, cháu nội của Triệu Đà).
– Lên ngôi năm Ất Tị (136 trước công nguyên).
– Ở ngôi (và thống trị nước ta) 11 năm, từ năm 136 đến năm 125 trước công nguyên.
– Mất năm Bính Thìn (125 trước công nguyên), thọ 51 tuổi.
– Không thấy sử chép việc Triệu Hồ đặt niên hiệu.
3 – TRIỆU MINH VƯƠNG (124 đến 113 trước công nguyên)
– Họ, tên: Triệu Anh Tề (con trưởng của Triệu Hồ).
– Ở ngôi (và thống trị nước ta) 11 năm, từ năm 124 đến năm 113 trước công nguyên.
– Mất năm Mậu Thìn (113 trước công nguyên).
– Không thấy sử chép việc Triệu Anh Tề đặt niên hiệu.
4 – TRIỆU AI VƯƠNG (112 trước công nguyên)
– Họ, tên: Triệu Hưng (con thứ của Triệu Anh Tề).
– Ở ngôi (và thống trị nước ta) năm Kỉ Tị (112 trước công nguyên).
– Chết vì bị quan tể tướng là Lữ Gia giết.
5 – THUẬT DƯƠNG VƯƠNG (111 trước công nguyên)
– Họ, tên: Triệu Kiến Đức (con trưởng của Triệu Anh Tề, anh của Triệu Hưng, mẹ là người Việt nhưng không rõ họ tên).
– Ở ngôi (và thống trị nước ta) năm Canh Ngọ (111 trước công nguyên).
– Bị nhà Tây Hán đánh đổ năm 111 trước công nguyên, sau sống chết thế nào không rõ.
– Không thấy sử chép việc Triệu Kiến Đức đặt niên hiệu.
III – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ THỜI LƯỠNG HÁN
1 – Vài nét về lãnh thổ và dân cư của nước nhà thời bị nhà Hán đô hộ
Thời cổ đại, Trung Quốc có đến hai triều Hán khác nhau. Một là Tiền Hán (hay Tây Hán), khởi đầu là Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tồn tại từ năm 206 trước công nguyên đến năm thứ 8 sau công nguyên. Hai là Hậu Hán (hay Đông Hán), khởi đầu là Lưu Tú (Hán Quang Võ) tồn tại từ năm thứ 25 đến năm 220 sau công nguyên. Giữa hai triều Tây và Đông Hán là triều Tân (từ năm thứ 8 đến năm thứ 25 sau công nguyên). Do dấu ấn của nhà Tân rất mờ nhạt, các nhà nghiên cứu thường gọi chung toàn bộ khoảng thời gian lịch sử từ năm 208 trước côug nguyên đến năm 220 sau công nguyên là thời lưỡng Hán.
Nội thân lịch sử Trung Quốc thời lưỡng Hán có rất nhiều biến cố lớn uhỏ khác nhau, nhưng đối với nước ta mưu đồ chung của chủ nghĩa bành trướng đại Hán vẫn không hề thay đổi.
Tây Hán cũng như Đông Hán đều coi nước ta là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc và chia nước ta làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau đây là vài con số về dân cư của nước ta theo thống kê của sử sách Trung Quốc.
a – Dân số nước ta thời Tây Hán (theo Tiền Hán thư)
Tên quận
|
Tổng số hộ
|
Tổng số dân
|
Giao Chỉ
|
92 440 hộ
|
746 237 người
|
Cửu Chân
|
35 742 hộ
|
166 113 người
|
Nhật Nam
|
15 460 hộ
|
69 485 người
|
b – Dân số nước ta thời Đông Hán (theo Hậu Hán thư)
Tên quận
|
Tổng số hộ
|
Tổng số dân
|
Giao Chỉ
|
Không giấy phép
|
Không giấy phép
|
Cửu Chân
|
46 513 hộ
|
209 894 người
|
Nhật Nam
|
18 263 hộ
|
100 676 người
|
Con số thống kê trên đây tất nhiên là không đầy đủ, bởi lẽ chính quyền đô hộ phải tiến hành điều tra dân số trong điều kiện nhân dân ta liên tục nổi dậy đấu tranh dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.
Có lẽ vào đầu công nguyên, dân số nước ta áng chừng hơn một triệu người.
2 – Danh sách quan đô hộ của Trung Quốc ở nước ta thời lưỡng Hán
Ba bộ sử cổ nhất của nước ta có chép danh sách quan đô hộ của Trung Quốc ở nước ta là An Nam chí lược (quyển 7), Đại Việt sử lược (quyển 1) và Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, 4 và 5). Trong ba bộ sử nói trên, An Nam chí lược là bộ ghi chép nhiều hơn cả. Dưới đây là danh sách tổng hợp từ ba bộ sử nói trên.
01 – Thạch Đới
02 – Chu Chương
03 – Ngụy Lãng
04 – Đặng Huân
05 – Ích Cư Xương
06 – Đặng Nhượng
07 – Tích Quang
08 – Nhâm Diên
09 – Tô Định
10 – Mã Viện
11 – Lý Thiện
12 – Trương Khôi
13 – Hồ Cống
14 – Phàn Diễn
15 – Trương Kiều
16 – Chúc Lương
17 – Chu Xưởng
18 – Hạ Phương
19 – Dương Phò
20 – Ngô Thức
21 – Ngụy Lãng (?)
22 – Chúc Điềm
23 – Cát Kỳ
24 – Đinh Cung
25 – Ngu Thiều
26 – Lưu Tháo
27 – Chu Ngung
28 – Chu Tuấn
29 – Giả Tông
30 – Chu Thặng
31 – Kiến Lan
32 – Lại Tiên
33 – Hoàng Cái
34 – Đam Manh
35 – Chu Phù
36 – Trương Tân
37 – Lại Cung
38 – Ky Vô Hạp
39 – Chu Trị
40 – Sỹ Nhiếp
41 – Sỹ Huy
42 – Trần Thời
Trong danh sách 42 quan đô hộ nói trên, có Ngụy Lãng thấy chép hai lần, trước sau cách nhau gần hai trăm năm, có thể là do tình cờ trùng tên chăug? Rất tiếc là sử Trung Quốc chép việc này cũng rất tản mạn, khó kiểm chứng một cách chính xác Cũng cần nói thêm rằng, danh sách trên vừa có thứ sử lẫn thái thú. Thứ sử là chức trông coi cả ba quận, danh tuy lớn mà quyền lực thực tế lại không bao nhiêu. Ngược lại thái thú là quan coi một quận, nhưng quyền hành rất lớn, đôi khi còn vượt ra khỏi phạm vi của quận. Ngoài ra, cũng có quan đô hộ tiếng là được sang cai trị nước ta, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, chúng chưa hề đặt chân lên đất nước ta. Một lần nữa, chúng tôi xin được lưu ý rằng, danh sách này chỉ có ý nghĩa hết sức tương đối mà thôi.
IV – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC NGÔ
1 – Nhà Ngô thay nhà Hán thống trị nước ta
Cuối thế kỉ thứ II, nhà Đông Hán sụp đổ, Trung Quốc bước vào thời kì hỗn chiến rất tương tàn, sử gọi đó là thời Tam Quốc. Trong thời hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Nguỵ), nhà Ngô thống trị nước ta. Nhà Ngô đổi gọi nước ta là Giao Châu và trên danh nghĩa, chính quyền đô hộ của nhà Ngô kéo dài từ năm 220 đến năm 280.
Theo quy luật tăng trưởng tự nhiên, dân số nước ta thời thuộc Ngô đông hơn thời thuộc Hán, nhưng đó chỉ là suy luận Tài liệu quan trong nhất viết về thời thuộc Ngô là Tam Quốc Chí, phần Ngô Chí của Trần Thọ (Trung Quốc). Tiếc thay, ghi chép của Trần Thọ về vấn đề này rất tản mạn và không rõ ràng nên chúng tôi chưa thể nắm được dân số cụ thể của nước ta thời thuộc Ngô.
2 – Danh sách quan đô hộ thời thuộc Ngô
01 – Đới Lương
02 – Bộ Chất
03 – Lữ Đại
04 – Tiết Tông
05 – Lục Dận (tức Lục Doãn)
06 – Đặng Tuân
07 – Lữ Hưng
08 – Ngô Hưng
09 – Hoắc Dặc
10 – Mã Dung
11 – Tôn Tư
12 – Trần Tập
13 – Ngu Phiếm
14 – Cốc Lăng
15 – Ky Vô Hậu
16 – Tu Tắc (tức Dương Tắc)
17 – Lưu Tuấn
18 – Hấn Tông
19 – Mao Quýnh
20 – Đổng Nguyên
21 – Soán Cốc
22 – Mạnh Cán
23 – Đào Hoàng
24 – Ngô Ngạn
25 – Cố Bí
26 – Cố Sâm
27 – Cố Thọ
28 – Đào Oai
29 – Đào Thục
30 – Đào Tuy
31 – Đào Khản
Trong danh sách 31 người nói trên có hai dòng họ nối nhau làm quan đô hộ, đó là họ Cố và họ Đào. Danh nghĩa, họ là quan của nhà Ngô, nhưng thực chất, họ là những người đã âm thầm xây dựng cơ đồ cát cứ riêng.
V – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC TẤN
1 – Nhà Tấn thay nhà Ngô thống trị nước ta
Cuối thế kỉ thứ III, nhà Tấn thống nhất được Trung Quốc và thay nhà Ngô thống trị nước ta. Cũng như nhà Ngô, nhà Tấn gọi nước ta là Giao Châu.
Theo Tấn thư, đất Giao Châu thời thuộc Tấn có tất cả 25 600 hộ. Tấn thư chỉ ghi số hộ chứ không ghi số người, và theo chúng tôi, con số nói trên có lẽ còn nhỏ hơn nhiều so với số hộ thực tế.
Trên danh nghĩa, nhà Tấn thống trị nước ta từ năm 280 đến năm 420.
2 – Danh sách quan đô hộ của phong kiến Trung Quốc thời thuộc Tấn
01 – Vương Đôn
02 – Vương Cơ
03 – Lương Thạc
04 – Vương Lượng
05 – Biện Triền
06 – Chử Đào
07 – Trương Liễn
08 – Nguyễn Phóng
09 – Hạ Hầu Lãm
10 – Chu Phiên
11 – Dương Bình
12 – Nguyễn Phu
13 – Ôn Phóng Chi
14 – Đỗ Bảo
15 – Đằng Hàm
16 – Cát Hồng
17 – Lý Tốn
18 – Phó Vĩnh
19 – Đỗ Viện
20 – Đỗ Tuệ Độ
21 – Đỗ Hoành Văn
22 – Đằng Tốn
VI – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC NAM TRIỀU
1 – Nam Triều thay thế nhà Tấn thống trị nước ta
Đầu thế kỉ thứ V, Trung Quốc lại bị loạn lạc. Một cục diện cát cứ nguy hiểm mới đã xuất hiện, sử gọi đó là thời Nam Bắc Triều. Thời này, Nam Triều thống trị nước ta. Trên danh nghĩa, Nam Triều (gồm: Tống, Tề, Lương và Trần) tồn tại từ năm 420 đến năm 589. Tuy nhiên, đó chỉ là danh nghĩa, và ở nước ta quyền thống trị của Nam Triều đã bị xoá bỏ kể từ năm 542 bởi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn lãnh đạo.
Các sách của Trung Quốc như Tống thư, Nam Tề thư… đều có chép về dân số nước ta thời thuộc Nam Triều, nhưng tài liệu tản mạn và không đầy đủ, bởi vậy, chúng tôi không giới thiệu ở đây.
2 – Danh sách quan dô hộ của Trung Quốc thời thuộc Nam Triều
01 – Vương Huy Chi
02 – Lưu Nghĩa Khang
03 – Nguyễn Di Chi
04 – Lưu Mục
05 – Lưu Bột
06 – Lý Trường Nhân
07 – Lý Thúc Hiến
08 – Thẩm Hoán
09 – Nguyễn Phiên
10 – Trương Mục Chi
11 – Đàm Hoà Chi
12 – Hoàn Hoằng
13 – Phòng Pháp Thừa
14 – Phục Đăng Chi
15 – Lưu Khải
16 – Lý Nguyên Khải
17 – Lý Tắc
18 – Vương Nhiếp
19 – Tiêu Tư
20 – Dương Phiêu
21 – Trần Bá Tiên
22 – Lưu Phương
23 – Âu Dương Hột
24 – Dương Tấn
25 – Dương Hưu Phố
VII – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC TUỲ VÀ ĐƯỜNG
1 – Vài nét về đất nước thời thuộc Tuỳ và Đường
Năm 581, nhà Tuỳ thống nhất được Trung Quốc, chấm dứt thời kì hỗn chiến Nam Bắc Triều. Mười ba năm sau (năm 602), nhà Tuỳ cho quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Tuỳ do Lý Phật Tử lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại. Nhà Tuỳ thống trị nước ta kể từ đó. Theo thống kê của Tuỳ thư, dân số nước ta thời thuộc Tuỳ (từ năm 602 đến năm 618) như sau:
– Quận Giao Chỉ: 30 056 hộ.
– Quận Cửu Chân: 16 135 hộ.
– Quận Nhật Nam: 9 915 hộ.
Cộng 56 106 hộ.
Từ con số trên, chúng ta có thể ước tính rằng dân số nước thời thuộc Tuỳ khoảng gần hai triệu rưỡi. Cũng có thể, đó là con số còn ít hơn thực tế. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tuỳ thay nhà Tuỳ thống trị cả Trung Quốc và nước ta. Năm 678, nhà Đường lập ra An Nam đô hộ phủ. Sử Trung Quốc quen gọi ta là An Nam kể từ đó. Thời Đường, nước ta có 12 châu ở vùng đồng bằng và trung du, 41 châu ki mi (châu ràng buộc lỏng lẻo) ở vùng rừng núi. Đường thư có nói đến dân số của nước ta nhưng tư liệu vừa tản mạn, vừa không nhất quán nên chúng tôi không giới thiệu ở đây.
Nhà Đường thống trị nước ta từ năm 618 đến năm 905.
2 – Danh sách quan lại đô hộ của Trung Quốc thời thuộc Tuỳ và Đường
01 – Lý (không rõ tên)
02 – Khâu Hoà
03 – Lý Đại Lượng
04 – Lý Thọ
05 – Lư Tổ Thượng
06 – Lý Đạo Hưng
07 – Lý Đạo Ngạn
08 – Lý Giám
09 – Liễu Sở Hiền
10 – Đỗ Chính Luận
11 – Đậu Đức Minh
12 – Ninh Đạt
13 – Chử Toại Lương
14 – Sài Triết Uy
15 – Lang Dư Khánh
16 – Lưu Diên Hựu
17 – Khúc Lãm
18 – Trương Thuận
19 – Trương Bá Nghi
20 – Lưu Hựu
21 – Quang Sở Khách
22 – Tống Chi Đễ
23 – Đỗ Minh Cử
24 – Hà Lý Quang
25 – Trương Khiêm
26 – Khang Khiêm
27 – Triều Hoành
28 – Phụ Lương Giao
29 – Cao Chính Bình
30 – Trương Ứng
31 – Triệu Xương
32 – Bùi Thái
33 – Trương Châu
34 – Mã Tổng
35 – Triệu Quân
36 – Lý Tượng Cổ
37 – Lý Nguyên Hỷ
38 – Lý Nguyên Gia
39 – Quế Trọng Vũ
40 – Bùi Hành Lập
41 – Lý Nguyên Thiện
42 – Hàn Ước
43 – Mă Thực
44 – Vũ Hồn
45 – Bùi Nguyên Hựu
46 – Điền Tảo
47 – Vương Thức
48 – Thôi Cảnh
49 – Điền Tài Hựu
50 – Chu Nhai
51 – Lý Trác
52 – Lý Hộ
53- Vương Khoan
54 – Sái Tập
55 – Sái Kinh
56 – Tống Nhung
57 – Cao Biền
58 – Cao Tầm
59 – Tăng Cổn
60 – Trương Nhẫn
61 – Kính Ngạn Tông
62 – Thôi Lập Tín
63 – Chu Toàn Dục
64 – Độc Cô Tổn
Trong danh sách kể trên có Triều Hoành là người Nhật Bản.
VIII – THẾ THỨ CÁC CHÍNH QUYỀN TỰ CHỦ ĐƯỢC THÀNH LẬP TRONG CÁC CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG BẮC THUỘC
Từ năm 179 trước công nguyên đến năm 905 sau công nguyên, trong số những dòng phát triển khác nhau của lịch sử, có hai dòng đối nghịch, luôn luôn diễn ra một cách quyết liệt trên đất nước ta, đó là Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Dòng Bắc thuộc được thể hiện rõ nét nhất qua việc thiết lập và không ngừng củng cố hệ thống chính quyền đô hộ ngoại bang. Ngược lại, dòng chống Bắc thuộc được thể hiện tập trung nhất qua hàng loạt những cuộc công phá chính quyền đô hộ ngoại bang, nhằm thiết lập hệ thống chính quyền độc lập và tự chủ. Sau hơn một ngàn năm đối đầu không khoan nhượng, cuối cùng, dòng thứ hai – dòng chống Bắc thuộc – đã thắng.
Thắng lợi của dòng thứ hai là thắng lợi của cả một quá trình lâu dài và gian khổ. Trong suốt quá trình đô, không ít các hệ thống chính quyền với những quy mô và tính chất khác nhau đã được lập ra. Gọi đó là Triều vua (gồm nhà vua và những thiết chế chính trị do vua lập ra) theo đúng nghĩa của từ này, thì hẳn nhiên là còn có những điều cần phải cân nhắc, nhưng rõ ràng, tất cả những hệ thống chính quyền ấy đều là thành tựu tuyệt vời của cuộc chiến đấu một mất một còn, đều thực sự là tinh hoa của ý chí độc lập và tự chủ của dân tộc ta. Xuất phát từ nhận thức ấy, chúng tôi trân trọng giới thiệu một số chính quyền tiêu biểu nhất (dẫu người đứng đầu chưa xưng tước hiệu gì rõ ràng) được thành lập trong hoặc sau những cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc.
1 – Chính quyền Trưng Nữ Vương (40-43)
– Huý là Trưng Trắc, con gái của Lạc tướng Mê Linh. (Đất Mê Linh nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc và ngoại thành Hà Nội).
– Thân sinh mất sớm, Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị được thân mẫu là bà Man Thiện (cũng có truyền thuyết nói là bà Trần Thị Đoan) nuôi dưỡng.
– Hiện chưa rõ Trưng Trắc sinh năm nào, chỉ biết khi Tô Định được nhà Đông Hán sai sang làm thái thú ở Giao Chỉ (năm 34), thì Trưng Trắc đã trưởng thành và kết hôn với con trai của Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách (Đất Chu Diên nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Hà Nam).
– Bấy giờ, nhân lòng căm phẫn của nhân dân ta đối với chính sách thống trị tàn bạo của nhà Đông Hán, lại cũng nhân vì Thi Sách bị thái thú Tô Định giết hại, Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị và nhiều bậc hào kiệt khác, phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa có quy mô rất lớn.
– Khởi nghĩa bùng nổ vào cuối năm 39 đầu năm 40 và nhanh chóng được nhân dân cả nước nhất tề hưởng ứng. Tô Định phải hốt hoảng bỏ chạy về nước.
– Khi quân đô hộ đã bị quét sạch khỏi bờ cõi, Hai Bà Trưng đã thành lập một hệ thống chính quyền độc lập và tự chủ, sử gọi đó là chính quyền Trưng Nữ Vương.
– Chính quyền Trưng Nữ Vương tồn tại được trong khoảng gần ba năm (từ đầu năm 40 đến cuối năm 42, đầu năm 43). Sử gia Lê Văn Hưu (1280 – 1322) viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà mà hô một tiếng cũng có thể khiến được các quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Xem thế cũng đủ biết hình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương”.
– Nhà Đông Hán đã phải cử tên lão tướng khét tiếng tàn bạo và dày dạn kinh nghiệm trận mạc là Mã Viện sang đàn áp mới tiêu diệt được lực lượng và chính quyền của Hai Bà Trưng.
2 – Chính quyền của Bà Triệu (248)
– Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) người đất Quân Yên (nay thuộc huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá) sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết khi cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi xướng và lãnh đạo cuộc chiến đấu chống ách đô hộ của quân Đông Ngô (năm 248), Bà đã là một cô gái ở độ tuổi khoảng trên dưới hai mươi. Bấy giờ, nhiều người khuyên Bà nên lập gia đình, xây dựng hạnh phúc riêng, nhưng Bà đã khảng khái trả lời: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chớ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Sau câu nói bừng bừng khẩu khí anh hùng đỏ, Bà đã quả cảm phát động khởi nghĩa.
– Quân Ngô sau nhiều phen thất bại, đã tìm đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt, thậm chí đã dùng cả tước hiệu Lệ Hải Bà Vương để chiêu dụ Bà, nhưng ý chí của Bà trước sau vẫn không hề bị lung lạc.
– Cuối cùng, nhà Ngô đã phải sai viên tướng lừng danh là Lục Dận đem đại binh sang đàn áp. Bà Triệu cùng hàng loạt nghĩa binh đã anh dũng hi sinh vào năm 248.
– Về thực chất, bộ chỉ huy khởi nghĩa do Bà Triệu cầm đầu cũng là một guồng máy chính quyển. Bà Triệu chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng rõ ràng, guồng máy chính quyền sơ khai do Bà Triệu lập ra, hoàn toàn biệt lập và đối nghịch sâu sắc với chính quyển đô hộ của quân Ngô.
3 – Thế thứ chính quyền nhà Tiền Lý (542-602)
– Năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn) đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy lật nhào ách đô hộ của nhà Lương (một triều đại của Nam Triều ở Trung Quốc thời Nam – Bắc triều). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Lý Bí đã giành được thắng lợi và thiết lập một hệ thống chính quyền độc lập, tự chủ riêng.
– Nhiều bộ sử cũ vẫn gọi khoảng thời gian từ năm 542 đến năm 602 là thời Tiền Lý, dẫu thực tế không hoàn toàn như vậy. Xét rằng, các chính quyền khác xuất hiện trong khoảng thời gian nào, tuy không đúng là của nhà Tiền Lý nhưng lại được xây dựng trên cơ sở thắng lợi của nhà Tiền Lý, cho nên, chúng tôi cũng gộp chung mà gọi là thời Tiền Lý.
– Thời Tiền Lý có mấy hệ thống chính quyền sau đây:
a – Lý Nam Đế (542-548)
– Họ và tên: Lý Bí (còn có tên khác là Lý Bôn).
– Nguyên quán là đất Thái Bình (đất này nay thuộc vùng tiếp giáp giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây).
– Hiện chưa rõ năm sinh.
– Năm 542, Lý Bí phát động khởi nghĩa và chỉ trong vòng ba tháng đã quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi. Năm Giáp Tí (544), Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Đại Đức (cũng có thư tịch cổ chép là Thiên Đức).
– Liên tục trong hai năm (545 và 546), nhà Lương cho quân sang đàn áp. Sau trận thất bại ở hồ Điển Triệt (thuộc Vĩnh Phúc ngày nay), Lý Nam Đế giao quyền bính lại cho Triệu Quang Phục rồi tạm lánh vào động Khuất Lão (thuộc Phú Thọ ngày nay) và mất ở đấy vào năm 548.
– Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ Lý Nam Đế thọ bao nhiêu tuổi.
b – Triệu Việt Vương (546-571)
– Họ và tên: Triệu Quang Phục.
– Nguyên quán: phủ Vĩnh Tường. Phủ này, nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc.
– Khi Lý Bí phát động khởi nghĩa, Triệu Quang Phục và cha là Triệu Túc cùng hưởng ứng. Khi Lý Bí xưng là Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục được phong tới chức Tả Tướng.
– Năm 546, sau thất bại trong trận đánh ở hồ Điển Triệt, Triệu Quang Phục được Lý Nam Đế uỷ thác quyền trông coi nghĩa binh. Triệu Quang Phục đã đưa lực lượng về đầm Dạ Trạch (đầm này nay thuộc Châu Giang, Hưng Yên) và tổ chức chiến đấu tại đây.
– Năm 548, sau khi nghe tin Lý Bí đã qua đời, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương.
– Năm 557, Triệu Việt Vương đã đánh tan lực lượng đi càn quét của nhà Lương, giành lại quyền tự chủ cho đất nước, đồng thời, thành lập một guồng máy chính quyền độc lập do ông đứng đầu.
– Năm 571, do bị Lý Phật Tử tấn công bất ngờ, Triệu Việt Vương thua trận và bị giết.
– Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ Triệu Việt Vương thọ bao nhiêu tuổi.
c – Lý Phật Tử (555-602)
– Năm 546, khi thua trận ở Điển Triệt, lực lượng của Lý Nam Đế bị chia làm hai. Bộ phận thứ nhất do Triệu Quang Phục (người về sau xưng là Triệu Việt Vương) cầm đầu. Triệu Quang Phục là vị tướng được Lý Nam Đế tin cậy mà uỷ thác mọi quyền bính. Bộ phận thứ hai do tướng Lý Phục Man cầm đầu. Lý Phục Man họ tên gì chưa rõ, ông vì có công chinh phục người man, được Lý Nam Đế yêu quý mà đặt tên là Phục Man. lại cho được lấy họ Lý. sử nhân đó gọi là Lý Phục Man. Ông người làng Yên Sở. Làng này nay thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.
– Cũng năm 546, nếu Triệu Quang Phục bám trụ ở đầm Dạ Trạch và chiến đấu ngoan cường với quân nhà Lương, thì Lý Phục Man đã đem lực lượng chạy vào vùng phía tây Thanh Hoá ngày nay.
– Năm 555, Lý Phục Man mất, một vị tướng người cùng họ với Lý Nam Đế là Lý Phật Tử lên thay.
– Năm 557. khi Triệu Việt Vương đánh tan quân nhà Lương thì Lý Phật Tử cũng lập tức đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành quyền bính.
– Sau nhiều trận không phân thắng bại hai bên tạm lấy vùng đất tương ứng với huyện Từ Liêm (Hà Nội) ngày nay làm ranh giới. Từ đất này trở về Nam thì do Lý Phật Tử cai quản. trở ra Bắc thì do Triệu Việt Vương cai quản.
– Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang kết hôn với con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương, mượn danh nghĩa thông gia để làm cho Triệu Việt Vương mất cảnh giác.
– Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ cho quân đánh úp, khiến Triệu Việt Vương bị đại bại và bị giết. Lý Phật Tử thâu tóm mọi quyền hành. Sử cũ gọi đó là nhà Hậu Lý Nam Đế.
– Năm 581, nhà Tuỳ được dựng lên. Sau một thời gian lo củng cố quyền thống trị ở Trung Quốc, năm 602, nhà Tuỳ liền dùng áp lực quân sự, khiến Lý Phật Tử phải đầu hàng. Không thấy sử cũ ghi chép gì về số phận của Lý Phật Tử sau khi đầu hàng.
– Chưa rõ năm sinh và năm mất nên chưa rõ Lý Phật Tử thọ bao nhiêu tuổi.
4 – Chính quyền Đinh Kiến (687)
– Từ năm 618 đến năm 905, đất nước ta bị nhà Đường đô hộ. Năm 679, nhà Đường lập ra An Nam Đô Hộ Phủ. Sử Trung Quốc bắt đầu gọi ta là An Nam kể từ đó.
– Năm 687, quan cai quản An Nam Đô Hộ Phủ của nhà Đường là Lưu Diên Hựu thu thuế rất tham tàn, khiến cho nhân dân ta rất căm phẫn. Nhân cơ hội đó, một vị hào trưởng là Lý Tự Tiên (nay vẫn chưa rõ quê quán) đã bí mật tồ chức một cuộc khởi nghĩa lớn. Nhưng, cơ mưu bị bại lộ, Lý Tự Tiên bị Lưu Diên Hựu giết chết.
– Tiếp nối sự nghiệp của Lý Tự Tiên, một vị hào trưởng cũng là một thuộc tướng của Lý Tự Tiên đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy. Vị hào trưởng ấy là Đinh Kiến.
– Ngay trong năm 687, Đinh Kiến đã giết chết được Lưu Diên Hựu và chiếm được phủ đô hộ là thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), đồng thời, nhanh chóng thiết lập một hệ thống chính quyền do ông đứng đầu.
– Đinh Kiến chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng chính quyền do ông đứng đầu thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ.
Hiện vẫn chưa rõ quê quán cũng như năm sinh và năm mất của Đinh Kiến.
5 – Chính quyền Mai Hắc Đế (722)
– Họ và tên: Mai Thúc Loan (còn có tên khác là Mai Huyền Thành).
– Sinh quán: huyện Thiên Lộc (nay đất sinh quán của ông thuộc Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Sau, gia đình ông di cư về vùng Ngọc Trường (vùng này, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
– Mai Thúc Loan sinh trưởng trong một gia đình nghèo, bản thân ông luôn bị quan lại nhà Đường bắt phải đi phu, phục dịch rất vất vả.
– Năm 722, ông phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn. Cũng ngay năm này, Mai Thúc Loan đã cho xây dựng đại bản doanh tại Hùng Sơn (tục danh là Núi Đụn) và lập căn cứ dọc theo bờ sông Lam (Nghệ An). Đồng thời, để quy tụ lòng người, ông đã lên ngôi hoàng đế, xưng là Mai Hắc Đế (ông vua người họ Mai, da đen). Mai Hắc Đế đã lãnh đạo nghĩa quân, đánh cho quan đô hộ của nhà Đường lúc ấy là Quang Sở Khách phải hốt hoảng tháo chạy về nước.
– Nhà Đường đã phải huy động một lực lượng lớn mới đàn áp được Mai Hắc Đế và nghĩa sĩ của ông.
– Mai Hắc Đế mất năm 722, do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.
6 – Chính quyền họ Phùng (?-791)
a – Bố Cái Đại Vương (?-789)
– Họ và tên: Phùng Hưng, tự là Công Phấn.
– Nguyên quán: Đường Lâm, Phong Châu (đất này nay thuộc huyện Ba Vì – Hà Tây).
– Phùng Hưng sinh trưởng trong một gia dình đời đời làm quan lang của vùng Phong Châu.
– Bấy giờ, nhà Đường đô hộ nước ta. Quan đô hộ là Cao Chính Bình khét tiếng tham lam và tàn bạo, khiến cho nhân dân ta căm phẫn, đồng thời, binh lính của Cao Chính Bình cùng chống đối quyết liệt. Nhân cơ hội đó, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa. Hiện chưa rõ khởi nghĩa bùng nổ vào năm nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa trong khoảng từ năm 766 đến năm 779.
– Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Phùng Hưng đã chiếm được thành Tống Bình. Sau đó, ông tiến đánh các lực lượng còn lại của nhà Đường ở trên đất nước ta, đồng thời thiết lập một bộ máy chính quyền do ông đứng đầu.
– Khoảng 7 năm sau khi cầm đầu guồng máy chính quyền này, Phùng Hưng qua đời (năm 789).
– Sau khi mất, ông được truy tôn là Bố Cái Đại Vương. Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.
b – Phùng An (789-791)
– Con của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, không rõ sinh năm nào.
– Nối nghiệp cha, cầm đầu guồng máy chính quyền độc lập và tự chủ kể từ năm 789.
– Năm 791, nhà Đường cử viên tướng nổi tiếng xảo quyệt là Triệu Xương sang đàn áp. Phùng An đầu hàng. Sau, không rõ số phận của Phùng An ra sao.
7 – Chính quyền Dương Thanh (819-820)
– Dương Thanh là một vị hào trưởng của đất Hoan Châu (đất này nay thuộc Nghệ An) và cũng là người được nhà Đường cho làm Thứ Sử của châu này.
– Biết Dương Thanh là người giàu lòng yêu nước, quan đô hộ của nhà Đường là Lý Tượng Cổ đã dùng mưu kế để làm giảm uy tín của ông, đồng thời, tách ông ra khỏi dân châu Hoan.
– Năm 819, Dương Thanh đã phát động cuộc khởi nghĩa lớn, giết được Lý Tượng Cổ, đồng thời thiết lập được hệ thống chính quyền tự chủ do ông đứng đầu.
– Sau nhiều phen đàn áp nhưng bị thất bại, nhà Đường đã dùng kế li gián để chia rẽ lực lượng của Dương Thanh. Ông bị cô lập dần, để rồi cuối cùng, bị tru di tam tộc vào năm 820. Hiện chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.
– Cũng như nhiều vị thủ lĩnh kiệt xuất khác, Dương Thanh không xưng đế hay xưng vương, chưa đặt quốc hiệu và niên hiệu, nhưng chính quyền do ông thiết lập ra thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ.
*
* *
Trên đây là những hệ thống chính quyền tiêu biểu nhất, được thành lập trong hoặc sau thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc, gồm nhiều quy mô và tính chất khác nhau. Hẳn nhiên, đó chưa phải là tất cả, nhưng, dẫu nhìn từ bất cứ góc độ nào thì đó cũng thực sự là tinh hoa của lịch sử chống xâm lăng thời Bắc thuộc.
Chú thích
(1) Tuổi thọ của Triệu Đà thật đáng nghi ngờ. nhưng hiện tại, chúng ta chưa có tài liệu đáng tin cậy nào để kiểm tra lại.
Chương 3 : THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI Ở BUỔI ĐẦU CỦA KỈ NGUYÊN ĐỘC LẬP VÀ TỰ CHỦ
(Đầu thế kỉ thứ X đến đầu thế kỉ XI)
I – THẾ THỨ HỌ KHÚC
Năm 905, Độc Cô Tổn nguyên là tể tướng của nhà Đường bị giáng chức sang đô hộ nước ta. Vừa sang được hai tháng thì Độc Cô Tổn lại bị đày ra đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi bị giết chết ở đó.
Bấy giờ, bản thân triều đình nhà Đường cũng đang thoi thóp thở những hơi thở cuối cùng. Năm Đinh Mão (907), Chu Ôn đã lật đổ nhà Đường và Trung Quốc lại lâm vào một thời kì hỗn chiến mới, sử gọi là thời Ngũ đại thập quốc hay thời Ngũ quý.
Do loạn lạc, không có ai được cử sang thay Độc Cô Tổn làm quan đô hộ nữa. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ đã nổi lên, tự lập một bộ máy chính quyền độc lập và tự chủ. Tuy Khúc Thừa Dụ và con cháu của ông không xưng đế cũng không xưng vương, không đặt quốc hiệu cũng không đặt niên hiệu, nhưng rõ ràng, Khúc Thừa Dụ nói riêng và họ Khúc nói chung, đã có công đặt dấu chấm hết cho thời Bắc thuộc và xây nền tảng đầu tiên cho kỉ nguyên độc lập và tự chủ mới của nước nhà.
Họ Khúc truyền được ba đời, cụ thể như sau:
1 – Khúc Thừa Dụ (905-907)
Sinh năm nào không rõ. Nguyên quán Hồng Châu (nay là vùng Cúc Bồ, Ninh Giang. Hải Dương). Trước năm 905, Khúc Thừa Dụ là hào trưởng của Hồng Châu. Cuối năm 905, Khúc Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ (tên chức danh của quan đô hộ Trung Quốc ở nước ta lúc bấy giờ).
Ngày 7 tháng 2 năm 906. vua nhà Đường chẳng những thừa nhận chức tước của Khúc Thừa Dụ mà còn gia phong cho Khúc Thừa Dụ tước Đồng Bình Chương Sự.
Khúc Thừa Dụ mất vì bệnh ngày 23 tháng 7 năm 907, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
2 – Khúc Hạo (907-917)
Con của Khúc Thừa Dụ, không rõ sinh năm nào. Năm 906, Khúc Hạo được cha cho giữ chức Tĩnh hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu. Đấy là chức của người cầm đầu lực lượng vũ trang.
Ngày 1 tháng 9 năm 907, hoàng đế của nhà Hậu Lương (một trong Ngũ Đại của Trung Quốc) là Chu Ôn phong cho Khúc Hạo làm An Nam đô hộ. sung tiết độ sứ.
Ông mất vào năm 917, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
3 Khúc Thừa Mỹ (917-930)
Con của Khúc Hạo. không rõ sinh năm nào. Thời Khúc Hạo, ông từng được cử đi sứ sang Trung Quốc. Khúc Hạo mất, ông được lên nối chức và nhà Hậu Lương cũng phong ông làm An Nam đô hộ, sung tiết độ sứ.
Tháng 7 năm 930, quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Trong cuộc đọ sức này, Khúc Thừa Mỹ bị thất bại và bị bắt. Sau, không rõ ông mất năm nào, thọ bao nhiêu tuổi.
Họ Khúc cầm quyền tổng cộng 25 năm, từ năm Ất Sửu (905) đến năm Canh Dần (930), gồm ba đời.
I
I – CHÍNH QUYỀN DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (931 – 937)
1 – Lý lịch xuất thân: Dương Đình Nghệ (cũng có sách viết là Dương Diên Nghệ, có lẽ vì trong Hán tự, mặt chữ Đình và chữ Diên gần giống nhau nên nhầm lẫn mà ra), quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, nay thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, sinh năm nào không rõ. Dưới thời họ Khúc, Dương Đình Nghệ vừa là hào trưởng của đất Dương Xá. vừa là một trong những bộ tướng của họ Khúc.
2 – Sự nghiệp chính trị: Khi quân Nam Hán xâm lược và đô hộ nước ta, Dương Đình Nghệ quyết chí nổi dậy giành độc lập. Sử cũ cho biết, ông nuôi đến 3000 nghĩa tử (con nuôi) trong nhà, đồng thời, ra sức hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Những nhân vật nổi tiếng đương thời như: Ngô Quyền ở Phong Châu (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây), Đinh Công Trứ ở Trường Châu (Ninh Bình)… đều theo về với Dương Đình Nghệ.
Năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân ra quét sạch bọn đô hộ Nam Hán, tái lập nền độc lập và tự chủ. Ông tự xưng là tiết độ sứ, cử Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu, Ngô Quyền làm thứ sử Ái Châu.
Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị một bộ tướng, cũng là con nuôi của ông giết chết để giành quyền. Kẻ phản bội đó là Kiều Công Tiễn. Đất nước đứng trước một nguy cơ nghiêm trọng mới.
Dương Đình Nghệ cầm quyền được 7 năm, thọ bao nhiêu tuổi không rõ.
III – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN NGÔ VƯƠNG (938 – 965)
1 – Tiền Ngô Vương (938-944)
– Họ, tên: Ngô Quyền.
– Sinh năm Mậu Thân (898) tại Phong Châu (nay thuộc Hà Tây). Cha là Ngô Mân, nguyên hào trưởng của vùng này.
– Lí lịch chính trị trước khi xưng vương: Năm 931, hưởng ứng lời hiệu triệu của Dương Đình Nghệ, ông vào Thanh Hoá, được Dương Đình Nghệ giữ làm nha tướng và gả con gái cho. Khi Dương Đình Nghệ cầm quyền, ông được phong làm thứ sử Ái Châu. Năm 937, khi Kiều Công Tiễn giết chết Dương Đình Nghệ, ông đem quân ra giết chết Kiều Công Tiễn và sau đó đánh tan quân Nam Hán xâm lăng ở trận Bạch Đằng lịch sử (năm 938). Sau chiến thắng, ông lên ngôi.
– Năm Kỉ Hợi (939), Ngô Quyền xưng vương, (sử gọi là Tiền Ngô Vương) đóng đô ở Cổ Loa. Con gái của Dương Đình Nghệ là Dương Thị Như Ngọc được phong làm hoàng hậu.
– Thời gian ở ngôi: 6 năm (938 – 944).
– Ngô Quyền mất năm Giáp Thìn (944) thọ 46 tuổi.
2 – Dương Bình Vương (945-950)
– Ho, tên: Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ và là anh vợ của Ngỏ Quyền). Sinh và mất năm nào không rõ.
– Lên ngôi năm 945. Bấy giờ, Dương Tam Kha nhận di chiếu lo giúp rập con của Ngô Quyền, nhưng đã cướp ngôi và xưng là Dương Bình Vương. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập hoảng sợ chạy trốn về Nam Sách (nay thuộc Hải Dương). Dương Tam Kha nhận con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn làm con nuôi. còn các con khác của Ngô Quyền như: Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng thì còn bé nên giao cho bà Dương Thị Như Ngọc nuôi.
– Năm Canh Tuất (950): Dương Tam Kha bị Ngô Xương Văn lật đổ và bị giáng làm Chương Dương Công, cho được hưởng thực ấp ở Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, Hà Tây).
– Dương Bình Vương ở ngôi 5 năm, sau mất năm nào. thọ bao nhiêu tuổi không rõ.
3 – Hậu Ngô Vương (951-965)
– Họ, tên: Ngô Xương Văn (con thứ của Tiền Ngô Vương; mẹ là Dương thái hậu, tức bà Dương Thị Như Ngọc), sinh năm nào không rõ.
– Lên ngôi năm Tân Hợi (951), xưng là Nam Tấn Vương.
– Cũng trong năm 951, Nam Tấn Vương cho người đi đón anh ruột là Ngô Xương Ngập (trước đó đi lánh nạn Dương Tam Kha) về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập về, xưng là Thiên Sách Vương. Vì lẽ đó, thời Hậu Ngô Vương đồng thời có hai vua.
– Năm Ất Sửu (965), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn bị tử trận khi đem quân đi đánh ở Thái Bình. Trước đó (năm Giáp Dần, 954), Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập cũng đã mất vì bệnh. Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương thọ bao nhiêu tuổi không rõ.
– Từ khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, đất nước lâm vào một thời kì hỗn chiến loạn lạc, sử gọi là loạn mười hai sứ quân. Con của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập lên nối ngôi, rốt cuộc cũng chỉ thực sự là một trong số 12 sứ quân mà thôi.
Chính quyền họ Ngô tồn tại trước sau 27 năm, gồm 4 đời vua, trong đó có một vua khác họ (Dương Bình Vương) và hai vua cùng đồng thời ở ngôi là Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương.
Thời Ngô Vương, vì muốn có một khu vực địa lí khép kín, thuận lợi cho công cuộc phòng thủ, Ngô Quyền đã cắt Thang Châu, Chi Châu, Vũ An Châu và Vũ Nga Châu trả về cho Trung Quốc, bởi thế, lãnh thổ của nước ta có phần hẹp hơn đất đai của An Nam Đô Hộ Phủ do nhà Đường lập ra.
Không thấy sử chép dân số nước ta thời Ngô Vương.
4 – Danh sách 12 sứ quân
Như trên đã nói, sau khi Nam Tấn Vương mất, đất nước đã lâm vào một thời kì hỗn chiến loạn lạc giữa các thế lực cát cứ. Sử gọi đó là loạn lạc 12 sứ quân. Chúng tôi lược kê danh sách 12 sứ quân đó như sau:
01 – Ngô Xương Xí (con của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập) chiếm giữ đất Bình Kiều, nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
02 – Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công), chiếm giữ đất Bố Hải Khẩu (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng của Trần Lãm.
03 – Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công), chiếm giữ vùng Tiên Du, Bắc Ninh.
04 – Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công), chiếm giữ vùng Siêu Loại, nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh.
05 – Lã Đường (xưng là Lã Tá Công), chiếm giữ vùng Tế Giang, nay thuộc Hưng Yên.
06 – Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át), chiếm giữ vùng Đằng Châu, nay thuộc Hưng Yên.
07 – Nguyễn Siẻu (xưng là Nguyễn Hữu Công), chiếm giữ vùng Phù Liệt, nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
08 – Nguyễn Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình), chiếm giữ vùng Tam Đới, nay thuộc Vĩnh Phúc.
09 – Kiều Công Hãn (xưng là Kiều Tam Chế), chiếm giữ vùng Phong Châu, nay là Phú Thọ.
10 – Kiều Thuận (xưng là Kiều Lệnh Công), chiếm giữ vùng Cẩm Khê, nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
11 – Đỗ Cảnh Thạc, chiếm giữ vùng Đỗ Động Giang, nay thuộc Thanh Oai, Hà Tây.
12 – Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công), chiếm giữ vùng Đường Lâm, nay thuộc Hà Tây.
Như vậy, ngoài 12 sứ quân lớn nói trên, những năm từ giữa thế kỉ thứ X trở đi, có những vùng trên lãnh thổ nước gần như không phụ thuộc vào một chính quyền cụ thể nào cả. Tại những vùng này, vai trò của các cự tộc, của các hào trưởng còn rất mạnh. Họ là những sứ quân không xưng tên.
III – THẾ THỨ TRIỀU ĐINH (968 – 981)
1 – Đinh Tiên Hoàng (968-979)
– Họ và tên: Đinh Bộ Lĩnh.
– Sinh năm Giáp Thân (924), tại Hoan Châu (Nghệ An).
– Vua là con của thứ sứ Hoan Châu Đinh Công Trứ. Nguyên Đinh Công Trứ là bộ tướng của Dương Đình Nghệ. Khi Dương Đình Nghệ chết, Đinh Công Trứ theo về với Ngô Quyền, được Ngô Quyền cho giữ chức thứ sử Hoan Châu như cũ. Đinh Công Trứ mất tại Hoan Châu, thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh người họ Đàm, đem con về quê là đất Trường Châu (nay thuộc Ninh Bình).
– Thời hỗn chiến 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh theo về với Trần Lãm. Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh được quyền thống lĩnh lực lượng, lần lượt đánh tan tất cả các sứ quân.
– Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đó là Đinh Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình (năm 970) và định đô ở Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình).
– Vua ở ngôi 12 năm (từ đầu năm 968 đến cuối năm 979), mất vì bị kẻ bề tôi phản loạn là Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỉ Mão (979), thọ 55 tuổi.
2 – Đinh Phế Đế (980)
Họ, tên: Đinh Toàn, con thứ của Đinh Tiên Hoàng Đế, mẹ người họ Dương.
– Vua sinh năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình thứ 5 (974). Đầu năm Kỉ Mão (979), con trưởng của Đinh Tiên Hoàng Đế là Nam Việt Vương Liễn vì ghen ghét mà giết chết em là thái tử Hạng Lang. Tới tháng 10 năm đó, đến lượt Đinh Tiên Hoàng Đế và Nam Việt Vương Liễn cùng bị Đỗ Thích giết hại. Đinh Toàn nhờ đó được đưa lên ngôi.
– Vua ở ngôi 8 tháng, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Tháng 7 năm Canh Thìn (980), vì vua còn quá nhỏ (6 tuổi) mà tình hình đối nội cũng như đối ngoại lại rất rối ren, triều đình đã tôn quan Thập đạo tướng quân của nhà Đinh là Lê Hoàn lên ngôi. Vua từ đó bị phế làm Vệ Vương.
– Vua mất năm Tân Măo (991) khi đi đánh trận, thọ 17 tuổi.
Như vậy, triều Đinh tồn tại được 12 năm, truyền được hai đời vua. Đinh Tiên Hoàng Đế và các con của ông đều chết bất đắc kì tử.
Không thấy sử chép dân số nước nhà thời Đinh. Về lãnh thổ, đất đai Đại Cồ Việt so với đất đai nước nhà thời Ngô Vương không có gì thay đổi lớn.
V – THẾ THỨ TRIỀU TIỀN LÊ (980 – l009)
Lịch sử nước ta có hai triều Lê chính thống. Một là triều Tiền Lê, mở đầu là Lê Hoàn, và hai là triều Hậu Lê, mở đầu là Lê Lợi. Ngoài ra, triều Hồ cũng thường dân được gọi là triều Lê. Lí do của hiện tượng này, chúng tôi sẽ trình bày ở phần thế thứ triều Hồ.
1 – Lê Hoàn (980-1005)
– Họ và tên: Lê Hoàn. Sử cũ vừa chép miếu hiệu của Lê Hoàn là Lê Đại Hành, lại vừa chép lời của sử thần Lê Văn Hưu (Bản kỉ, quyển 1, tờ 25-a) cho rằng hai chữ Đại Hành là một sự nhầm lẫn đáng trách. Đây theo tác giả của Đại Việt sử kí là Lê Văn Hưu mà chép là Lê Hoàn.
– Thân sinh của vua không rõ tên, chỉ biết được tôn phong làm Trường Hưng Vương vào cuối năm 980, mẹ người họ Đặng, cũng được tôn phong làm Hoàng thái hậu vào cuối năm 980.
– Vua sinh năm Tân Sửu (941) ở Ái Châu (nay thuộc Thanh Hoá), thời Đinh Tiên Hoàng Đế, được trao chức Thập đạo tướng quân là chức đứng đầu lực lượng vũ trang đương thời.
– Tháng 7 năm Canh Thìn (980), vua được triều thần tôn lên ngôi thay cho vua nhà Đinh lúc bấy giờ là Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi.
– Vua ở ngôi 25 năm (980 – 1005).
– Niên hiệu: Thiên Phúc (láấ lại niên hiệu của Đinh Toàn) từ năm 980 đến năm 988, Hưng Thống từ năm 989 đến năm 993 và Ứng Thiên từ năm 994 đến năm 1005.
– Vua mất tháng 3 năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi.
2 – Lê Trung Tông (1005)
– Họ và tên: Lê Long Việt, con thứ ba của Lê Hoàn, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ (con gái của quan giữ chức Chi hậu, tên là Diệu, không rõ họ là gì).
– Vua sinh năm Quý Mùi (983), được lập làm thái tử năm Giáp Thìn (1004).
– Tháng 3 năm Ất Tị (1005), Lê Hoàn mất, các con chém giết nhau để giành ngôi vua. Sau 8 tháng đánh nhau quyết liệt, Lê Long Việt được đưa lên ngôi, nhưng ở ngôi chỉ mới ba ngày đã bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết.
Vua không kịp đặt niên hiệu. Khi mất mới 22 tuổi, miếu hiệu là Lê Trung Tông.
3 – Lê Ngoạ Triều (1005-1009)
– Họ và tên: Lê Long Đĩnh, lại có tên khác là Lê Chí Trung, con thứ 5 của Lê Hoàn, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Vua càn rỡ, dâm đãng và tàn bạo, bị bệnh nên lâm triều thường phải nằm, vì vậy có luôn miếu hiệu là Lê Ngoạ Triều.
– Vua sinh năm Bính Tuất, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (986) được phong làm Khai Minh Vương năm Giáp Thìn (1004). Lê Long Đĩnh giết chết người anh cùng mẹ là Lê Long Việt (tức vua Lê Trung Tông) để giành ngôi báu vào cuối năm 1005.
– Vua ở ngôi 4 năm (1005 – 1009), mất vào tháng 10 năm Kỉ Dậu (1009), thọ 23 tuổi.
– Lê Ngoạ Triều dùng niên hiệu Ứng Thiên của vua cha từ năm 1005 đến năm 1007. Từ năm 1008 đến năm 1009, lấy niên hiệu là Cảnh Thuỵ.
Như vậy, triều Tiền Lê tồn tại 29 năm, gồm ba đời vua. Không thấy sử chép dân số nước nhà thời Tiền Lê. Lãnh thổ thời Tiền Lê tương tự như thời Đinh. Kinh đô nước nhà vẫn là Hoa Lư.
Chương 4 : THẾ THỨ TRIỀU LÝ (1010 – 1225)
I – VÀI NÉT VỀ TRIỀU LÝ
Năm Kỉ Dậu (1009), ngay sau khi Lê Ngoạ Triều mất, đại diện cho quan lại là Đào Cam Mộc và đại diện cho các nhà sư là Sư Vạn Hạnh, đã cùng nhau hợp lực tôn phò Lý Công Uẩn. Tháng 10 năm đó, Lý Công Uẩn được đưa lên ngôi hoàng đế, triều Lý chính thức được khai sinh.
Trong lịch sử Việt Nam, triều Lý là một triều đại lớn, để lại dấu ấn rất sâu sắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Về chính trị, đây là một trong hai triều đại tiêu biểu của chế độ quý tộc trị nước. Về kinh tế, đây cũng là một trong hai triều đại tiêu biểu của chế độ điền trang – thái ấp. Về văn hoá, triều Lý được các nhà nghiên cứu ghép chung với triều Trần và lấy tên chung đó để đặt cho cả một giai đoạn vaưn hoá lớn, từ thế kỉ thứ X đến hết thế kỉ XV: Văn hoá Lý – Trần.
Thời Lý có mấy sự kiện nổi bật sau đây:
1 – Về chính trị
– Năm 1010, triều Lý dời đô từ Hoa Lư ra La Thành và đổi gọi La Thành là Thăng Long kể từ đó.
– Năm 1054, triều Lý đặt quốc hiệu mới cho nước ta là Đại Việt.
– Năm 1164, nhà Tống đã buộc phải thừa nhận ta là một quốc gia riêng. Từ đây, người Trung Quốc gọi nước ta là An Nam Quốc.
2 – Về quân sự
– Năm 1069, đánh vào Chiêm Thành, phá tan âm mưu của nhà Tống trong việc lợi dụug Chiêm Thành để tấn công xâm lược nước ta.
– Cuối năm 1075, đầu năm 1076: bất ngờ cho quân tràn sang lãnh thổ Trung Quốc, phá tan tiềm năng xâm lăng mà nhà Tống đã dày công chuẩn bị và tập hợp ở Chảu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm (cả ba châu này đều nằm ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc).
– Tháng 3 năm 1077, toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược Như Nguyệt, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lăng của nhà Tống đối với nước ta.
3 – Về văn hoá
– Năm 1070, cho lập Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiền hiền của Nho gia), mở đường cho Nho học phát triển ở nước ta một cách mạnh mẽ hơn.
– Năm 1075, mở khoa thi Nho học đầu tiên. Từ đây thi cử Nho học được coi là một trong những cơ sở để tuyển lựa quan lại.
Không thấy sử chép về dân số nước ta dưới thời Lý. Tuy nhiên, lãnh thổ nước ta từ năm 1069 có được mở rộng hơn. Năm này, Đại Việt đã đánh Chiêm Thành, và gắn liền với thắng lợi của trận này, triều Lý đã chiếm của Chiêm Thành ba châu: Địa Lí, Ma Linh (cũng viết là Minh Linh) và Bố Chính. Đối chiếu với bản đồ hiện đại, ba châu này nay tương ứng với toàn bộ tỉnh Quảng Bình cộng với một phần phía bắc của tỉnh Quảng Trị. Cộng với quy luật phát triển tự nhiên, việc mở rộng lãnh thổ này ắt hẳn có làm cho dân số tăng nhanh hơn trước.
II – THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA THỜI LÝ
1 – Lý Thái Tổ (1010 – 1028)
– Họ và tên: Lý Công Uẩn.
– Vua sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974) tại chảu Cổ Pháp (nay là Bắc Ninh).
– Thân sinh của vua không rõ tên, chỉ biết năm 1010, được vua tôn phong là Hiển Khánh Vương, thân mẫu người họ Phạm, được tôn phong là Minh Đức thái hậu. Tương truyền, thân mẫu của vua đi chơi ở chùa Tiên Sơn (Bắc Ninh), đêm nghỉ lại, nằm mơ thấy đi lại với thần nhân mà sinh ra vua. Từ năm lên ba tuổi, vua làm con nuôi của Lý Khánh Văn.
– Thời Lê Ngoạ Triều, vua từ chức Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, được thăng đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Bởi chức này, sử cũ thường gọi vua là Thân vệ.
– Vua lên ngôi tháng 10 năm Kỉ Dậu (1009), nhưng bắt đầu đặt niên hiệu riêng từ 1010 nên sử vẫn thường tính năm đầu đời Lý Thái Tổ là năm 1010.
– Vua ở ngôi 18 năm, mất vì bệnh ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), thọ 54 tuổi.
– Trong 18 năm làm vua, vua chỉ dùng một niên hiệu duy nhất là Thuận Thiên.
2 – Lý Thái Tông (1028 – 1054)
– Họ và tên: Lý Phật Mã, lại có tên khác là Lý Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ là Lê thái hậu (không rõ tên).
– Vua sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tí (1000) tại Hoa Lư (khi thân sinh còn làm quan cho triều Tiền Lê).
– Được lập làm thái tử vào tháng 4 năm Nhâm Tí (1012).
– Vua lên ngôi ngày 4 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), ở ngôi 26 năm, mất ngày 01 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054) vì bệnh, thọ 54 tuổi.
– Trong thời gian 26 năm ở ngôi, Lý Thái Tông đã 6 lần đặt niên hiệu. Đó là
•Thiên Thành: 1028 – 1034
•Thông Thuỵ: 1034 – 1039
•Càn Phù Hữu Đạo: 1039 – 1042
•Minh Đạo: 1042 – 1044
•Thiên Cảm Thánh Vũ: 1044 – 1049
•Sùng Hưng Đại Bảo: 1049 – 1054
3 – Lý Thánh Tông (1054 – 1072)
– Họ và tên: Lý Nhật Tôn.
– Các bộ chính sử đều chép vua là con trưởng của Lý Thái Tông, mẹ người họ Mai, tước Kim Thiên thái hậu, duy chỉ có sách Đại Việt sử lược chép vua là con thứ ba của Lý Thái Tông và mẹ là Linh Cảm thái hậu.
– Vua sinh ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi (1023) tại kinh thành Thăng Long.
– Được lập làm thái tử ngày 6 tháng 5 năm Mậu Thìn (1028).
– Lên ngôi ngày 1 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054).
– Vua ở ngôi 18 năm, mất tháng 1 năm Nhâm Tí (1072), hưởng thọ 49 tuổi.
– Trong 18 năm trị vì, vua Lý Thánh Tông đã 5 lần đặt niên hiệu. Đó là:
•Long Thuỵ Thái Bình: 1054 – 1058
•Chương Thánh Gia Khánh: 1059 – 1065
•Long Chương Thiên Tự: 1066 – 1068
•Thiên Huống Bảo Tượng: 1068 – 1069
•Thần Vũ: 1069 – 1072.
4 – Lý Nhân Tông (1072 – 1127)
– Họ, tên: Lý Càn Đức.
– Vua là con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ là Linh Nhân thái hậu (tức bà Ỷ Lan).
– Vua sinh ngày 25 tháng 1 năm Bính Ngọ (1066) tại kinh thành Thăng Long.
– Lên ngôi tháng 1 năm Nhâm Tí (1072), ở ngôi 55 năm, mất ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi.
– Trong thời gian 55 năm ở ngôi, Lý Nhân Tông đã 8 lần đặt niên hiệu, cụ thể như sau:
•Thái Ninh: 1072 – 1076
•Anh Vũ Chiêu Thắng: 1076 – 1084
•Quảng Hựu: 1085 – 1092
•Hội Phong: 1092 – 1100
•Long Phù: 1101 – 1109 (riêng niên hiệu này, sách Đại Việt sử lược chép là Long Phù Nguyên Hoá).
•Hội Tường Đại Khánh: 1110 – 1119
•Thiên Phù Duệ Vũ: 1120 – 1126
•Thiên Phù Khánh Thọ: 1127.
5 – Lý Thần Tông (1128 – 1138)
– Họ và tên Lý Dương Hoán.
– Vua là cháu, gọi vua Lý Nhân Tông bằng bác ruột. Thân sinh của vua là Sùng Hiền Hầu (em ruột Lý Nhân Tông), thân mẫu là Đỗ phu nhân (không rõ tên). Đến tháng 1 năm Kỉ Dậu (1129). Sùng Hiền Hầu được tôn làm thái thượng hoàng, Đỗ phu nhân được tôn làm thái hậu, nhưng đó chỉ là hư vị chứ không có thực quyền.
– Vua sinh tháng 6 năm Bính Thân (1116), đến năm Đinh Dậu (1117) thì được Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi.
– Vua lên ngôi cuối tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), ở ngôi 10 năm, mất ngày 26 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), thọ 22 tuổi.
– Trong thời gian 10 năm ở ngôi, Lý Thần Tông đã đặt hai niên hiệu Đó là:
•Thiên Thuận: 1128 – 1132
•Thiên Chương Bảo Tự: 1133 – 1138.
6 – Lý Anh Tông (1138 – 1175)
– Họ và tên: Lý Thiên Tộ.
– Vua là con trưởng của Lý Thần Tông, mẹ là Lê thái hậu (không rõ tên).
– Vua sinh vào tháng 4 năm Bính Thìn (1136), lên ngôi ngày 1 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1138), ở ngôi 37 năm, mất vào tháng 7 năm Ất Mùi (1175), thọ 39 tuổi.
– Trong 37 năm ở ngôi, Lý Anh Tông đã đặt 4 niên hiệu, cụ thể như sau:
•Thiệu Minh: 1138 – 1140
•Đại Đình: 1140 – 1162
•Chính Long Bảo Ứng: 1163 – 1174
•Thiên Cảm Chí Bảo: 1174 – 1175.
7 – Lý Cao Tông (1175 – 1210)
– Họ và tên: Lý Long Trát, lại có tên khác là Lý Long Cán.
– Vua là con thứ 6 của Lý Anh Tông, mẹ là Thuỵ Châu thái hậu, người họ Đỗ.
– Vua sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tị (1173), lên ngôi vào tháng 7 năm Ất Mùi (1175), ở ngôi 34 năm, mất ngày 28 tháng 10 năm Canh Ngọ (1210), thọ 37 tuổi.
– Trong 34 năm ở ngôi, vua Lý Cao Tông đã đặt 4 niên hiệu, cụ thể như sau:
•Trinh Phù: 1176 – 1186
•Thiên Tư Gia Thụy: 1186 – 1202
•Thiên Gia Bảo Hựu: 1202 – 1205
•Trị Bình Long Ứng: 1205 – 1210
8 – Lý Huệ Tông (1210 – 1224)
– Họ và tên: Lý Hạo Sảm.
– Con trưởng của Lý Cao Tông, mẹ là Đàm thái hậu (không rõ tên).
– Vua sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194), được lập làm thái tử vào tháng 1 năm Mậu Thìn (1208), lên ngôi cuối năm Canh Ngọ (1210), ở ngôi 14 năm.
– Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), vua truyền ngôi cho con gái thứ là Lý Chiêu Hoàng rồi đi tu ở chùa Chân Giáo (trong thành Thăng Long), hiệu là Huệ Quang thiền sư.
– Tháng 8 năm Bính Tuất (1226), vua bị nhà Trần bức tử, thọ 32 tuổi.
– Trong 14 năm ở ngôi, vua Lý Huệ Tông chỉ đặt một niên hiệu, đó là Kiến Gia (1211 – 1224).
9 – Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225)
– Họ và tên: Lý Phật Kim, lại có tên khác là Lý Thiên Hinh Nữ.
– Nữ hoàng sinh vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218), là con thứ của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Thuận Trinh thái hậu Trần Thị Dung.
– Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), được lập làm thái tử và ngay sau đó thì được truyền ngôi.
– Nữ hoàng ở ngôi hơn một năm, đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Từ đây, bà là Chiêu Thánh hoàng hậu.
– Tháng 1 năm Đinh Dậu (1237), 19 tuổi, vì lí do “không có con”, bà bị phế và giáng làm công chúa. Người thay địa vị hoàng hậu là bà Thuận Thiên (chị ruột của bà, trước đã gả cho Trần Liễu là anh ruột của vua Trần Thái Tông và đã có thai với Trần Liễu được ba tháng).
– Tháng 1 năm Mậu Ngọ (1258), 40 tuổi, bà được đem gả cho Lê Tần (tức Lê Phụ Trần), một danh tướng của triều Trần.
– Bà mất vào tháng 3 năm Mậu Dần (1278), sau khi đã sanh hạ cho Lê Tần hai người con (một trai, một gái), thọ 60 tuổi.
– Niên hiệu trong thời gian ở ngôi của bà là Thiên Chương Hữu Đạo (1224 – 1225).
Như vậy, triều Lý tồn tại 215 năm, với 9 đời vua nối nhau trị vì. Trong 9 đời vua đó có:
– Một vua là nữ (Lý Chiêu Hoàng).
– Vua ở ngôi lâu nhất là Lý Nhân Tông (55 năm) và vua ở ngôi ngắn nhất là Lý Chiêu Hoàng (1 năm).
– Vua lên ngôi sớm nhất là Lý Anh Tông (lúc hai tuổi) và Lý Cao Tông (lúc 3 tuổi). Vua lên ngôi muộn nhất là Lý Thái Tổ (lúc 36 tuổi) – vua đầu của triều Lý.
– Vua đổi niên hiệu nhiều nhất là Lý Nhân Tông (8 lần) và có ba vua chỉ đặt một niên hiệu, đó là Lý Thái Tổ, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.
– Vua thọ nhất là Lý Nhân Tông (61 tuổi) và vua mất sớm nhất là Lý Thần Tông (22 tuổi).
– Vua không có con trai để nối ngôi, phải truyền ngôi cho cháu là Lý Nhân Tông, hoặc phải truyền ngôi cho con gái là Lý Huệ Tông.
Chương 5 : THẾ THỨ TRIỀU TRẦN (1225 – 1400)
I – SƠ LƯỢC VỀ TRIỀU TRẦN
Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Triều Trần được dựng lên kể từ đó. Triều Trần (1225-1400) là một trong những triều đại lớn của lịch sử Việt Nam. Nhìn chung, thể chế chính trị, kết cấu giai cấp và xã hội. đặc trưng kinh tế và văn hoá của triều Trần có nhiều điểm tương đồng với triều Lý, khác nhau chăng thì cũng chỉ là ở mức độ mà thôi.
Thời Trần, Đại Việt là một trong những quốc gia hùng cường, có uy danh lừng lẫy, ngoại xâm phải kiêng sợ, lân bang phải kính nể. Thời Trần là thời của hàng loạt những nhân vật lịch sử sáng chói. Về chính trị thì có các vị vua sáng giá như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và các vị vương tước xuất chúng, mà nổi bật hơn cả là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Về quân sự thì có các vị mưu sĩ và các bậc dũng tướng khét tiếng như Trần Thủ Độ, Lê Tần, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng. Trần Quốc Toản, Yết Kiêu. Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô… mà kiệt hiệt hơn hết vẫn là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã khai sinh ra nền khoa học quân sự Việt Nam. Về văn hoá, đây cũng là triều đại đã sản sinh cho lịch sử những nhân vật kì tài như: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên), Tuệ Tĩnh, Đặng Lộ… và một lần nữa, bao trùm lên tất cả vẫn là tên tuổi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trải 175 năm cầm quyền, triều Trần đã để lại cho lịch sử những dấu ấn sâu sắc trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đây là những dấu ấn đáng lưu ý nhất.
1- Về chính trị
– Năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng để lên làm thượng hoàng. Chế độ nhường ngôi để lên làm thượng hoàng được bắt đầu chính thức kể từ đó.
– Việc cho phép quý tộc thiết lập phủ đệ ở thái ấp riêng đã mở đường cho quý tộc họ Trần vươn tới tột đỉnh của quyền lực chính trị đương thời.
2 – Về quân sự
– Năm 1258, triều Trần đã đẩy lùi cuộc tấn công xâm lược của quân Mông Cổ do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy.
– Năm 1285, triều Trần lại đánh tan hơn nửa triệu quân Nguyên xâm lược.
– Năm 1288, thắng trận Bạch Đằng lịch sử, quân dân triều Trần đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên.
3 – Về văn hoá
– Năm 1232, triều Trần đặt ra học vị thái học sinh (học vị này từ năm 1442 đổi gọi là tiến sĩ).
– Năm 1247, triều Trần định lệ tam khôi là danh hiệu cao quý dành riêng cho ba người đỗ cao nhất trông kì thi đình (đó là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa).
– Cũng trong thời Trần, từ vị trí của chữ viết bổ sung cho chữ Hán, chữ Nôm đã được dùng để sáng tác văn học, tức là đã tiến tới giai đoạn chữ viết văn học.
Không thấy sử chép dân số nước ta thời Trần, nhưng nhiều nhà nghiên cứu ước tính rằng, đầu triều Trần, dân số nước ta ước chừng hơn ba triệu, giữa triều Trần là khoảng gần bốn triệu và cuối thời Trần thì khoảng hơn bốn triệu.
Năm 1306, lãnh thổ nước nhà có được mở rộng, do việc vua Chiêm Thành lúc đó là Chế Mân đã cắt đất châu Ô và châu Rí (cũng viết là châu Lí) dâng cho Đại Việt để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Đối chiếu với bản đồ hiện đại. hai châu này nay tương ứng với phía nam tỉnh Quảng Trị cộng với toàn bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế.
II – THẾ THỨ CÁC VUA THỜI TRẦN
1 – Trần Thái Tông (1225 -1258)
– Họ và tên: Trần Cảnh.
– Nguyên quán: làng Tức Mặc. phủ Thiên Trường, nay là xã Tức Mậc, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định.
– Thân sinh là Trần Thừa: sau được tôn là thượng hoàng và khi mất, miếu hiệu là Thái Tổ, nhưng không làm vua một ngày nào, ngay cả tước thượng hoàng cũng chỉ là hư vị. Thân mẫu người họ Lê, không rõ tên.
– Vua sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218) tại làng Tức Mặc.
– Năm 1224, được tuyển vào cung làm chức Chi hậu chánh chi ứng cục (chức việc lo phục dịch cho nữ hoàng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng).
– Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), do Trần Thủ Độ bố trí, Trần Cảnh đã kết hôn với Lý Chiêu Hoàng và ngay sau đó được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi.
– Vua lên ngôi tháng 12 năm Ất Dậu (1225), ở ngôi 33 năm (1225~1258).
– Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), vua nhường ngôi cho con là thái tử Trần Hoảng để lên làm thượng hoàng, và ở ngôi thượng hoàng 19 năm (1258-1277).
– Vua mất ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277), thọ 59 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 33 năm, vua Trần Thái Tông đã đặt ba niên hiệu sau đây:
•Kiến Trung: 1225 – 1232
•Thiên Ứng Chính Bình: 1232 – 1251
•Nguyên Phong: 1251 – 1258.
2 – Trần Thánh Tông (1258 – 1278)
– Họ và tên: Trần Hoảng.
– Vua là con thứ hai của Trần Thái Tông, thân mẫu là Thuận Thiên thái hậu, người họ Lý. Thực ra, vua là con trưởng. Trước, Thuận Thiên thái hậu từng lấy Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông) và đã có thai với Trần Liễu được 3 tháng. Người con đầu của Thuận Thiên thái hậu. danh là của Trần Thái Tông mà thực là của Trần Liễu. Bởi danh này mà Trần Hoảng bị coi là con thứ chứ không phải con trưởng của vua Trần Thái Tông.
– Vua sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tí (1240) tại kinh thành Thăng Long. Ngay sau khi sinh đã được lập làm thái tử.
– Vua được Trần Thái Tông truyền ngôi ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), ở ngôi 20 năm (1258 – 1278). Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), vua nhường ngôi cho con là thái tử Khâm để lên làm thái thượng hoàng 12 năm.
– Vua mất ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), thọ 50 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 20 năm. vua Trần Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Long: 1258 – 1272
•Bảo Phù: 1273 – 1278.
3 – Trần Nhân Tông (1278 – 1293)
– Họ và tên: Trần Khâm.
– Vua là con trưởng của Trần Thánh Tông, thân mẫu là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258) tại kinh thành Thăng Long.
– Được lập làm thái tử tháng 12 năm Giáp Tuất (1274).
– Được truyền ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), ở ngôi 15 năm (1278 – 1293), nhường ngôi để làm thượng hoàng 6 năm (1293 – 1299).
– Năm 1299, Trần Nhân Tông xuất gia tu hành Phật giáo và là người sáng lập ra phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta.
– Vua mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ 50 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 15 năm, Trần Nhân Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Bảo: 1279 – 1285
•Trùng Hưng: 1285 – 1293.
4 – Trần Anh Tông (1293 – 1314)
– Họ và tên: Trần Thuyên.
– Vua là con trưởng của Trần Nhân Tông, thân mẫu là Bảo Thánh hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276), tại kinh thành Thăng Long.
– Được phong làm thái tử tháng 2 năm Nhâm Thìn (1292).
– Được truyền ngôi tháng 3 năm Quý Tị (1293), ở ngôi 21 năm, (1293 – 1314).
– Nhường ngôi để làm thượng hoàng 6 năm (1314 – 1320).
– Mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ 44 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 21 năm vua Trần Anh Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất, đó là Hưng Long (1293 – 1314).
5 – Trần Minh Tông (1314 – 1329)
– Họ và tên: Trần Mạnh.
– Vua là con thứ tư của Trần Anh Tông, thân mẫu là Chiêu Hiến hoàng thái hậu (người họ Trần, con gái của Bảo Nghĩa Đại Vương Trần Bình Trọng).
– Vua sinh năm Canh Ti (1300), được lập làm thái tử năm Ất Tị (1305).
– Được truyền ngôi ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (1314), ở ngôi 15 năm (1314-1329).
– Nhường ngôi để làm thượng hoàng 28 năm (1329-1357), mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ 57 tuổi.
– Trong 15 năm ở ngôi, Trần Minh Tông đã đặt hai niên hiệu, đó là:
•Đại Khánh: 1314-1323
•Khai Thái: 1324-1329
6 – Trần Hiến Tông (1329 – 1341)
– Họ và tên: Trần Vượng.
– Vua là con thứ của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng thái phi.
– Vua sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1319) tại kinh thành Thăng Long.
– Được lập làm thái tử ngày 7 tháng 2 năm Kỉ Tị (1329).
– Được truyền ngôi ngày 15 tháng 2 năm Kỉ Tị (1329), ở ngôi 12 năm (1329-1341).
– Vua mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), thọ 22 tuổi.
– Trần Hiến Tông là vị vua đầu tiên của triều Trần chưa kịp nhường ngôi cho con để lên làm thượng hoàng thì mất.
– Trong thời gian 12 năm ở ngôi, Trần Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu, đó là Khai Hựu (1329 – 1341).
7 – Trần Dụ Tông (1341 – 1369)
– Họ và tên: Trần Hạo.
– Vua là con thứ 10 của Trần Minh Tông (em của vua Trần Hiến Tông), thân mẫu là Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tí (1336).
– Ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341), vua được thượng hoàng Trần Minh Tông đưa lên ngôi.
– Vua ở ngôi 28 năm (1341 – 1369), chưa làm thượng hoàng thì đã mất vào ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), thọ 33 tuổi.
– Trong thời gian 28 năm ở ngôi. vua Trần Dụ Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Phong: 1341 – 1357
•Đại Trị: 1358 – 1369.
8 – Dương Nhật Lễ (1369 – 1370)
– Dương Nhật Lễ vốn là con của người kép hát tên là Dương Khương. Vợ Dương Khương đang có thai với Dương Khương thì bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc Vương Dục (là con thứ của thượng hoàng Trần Minh Tông). Khi Dương Nhật Lễ sinh ra, Cung Túc Vương Dục nhận Iàm con, nhưng không được bao lâu thì Cung Túc Vương Dục mất.
– Bấy giờ, thượng hoàng Trần Minh Tông cũng đã mất, vua Trần Dụ Tông thì không còn, cho nên quyền bính nằm hết trong tay bà Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu.
– Ngày 15 tháng 6 năm Kỉ Dậu (1369), Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu đưa Dương Nhật Lễ lên ngôi.
– Nhân cơ hội lớn này, Dương Nhật Lễ bức hại Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu cùng nhiều quý tộc họ Trần, cốt để giành ngôi báu cho họ Dương.
– Ngày 21 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Dương Nhật Lễ bị Trần Phủ cùng triều thần giết chết.
– Không rõ năm ấy Dương Nhật Lễ bao nhiêu tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Dương Nhật Lễ có đặt một niêu hiệu, đó là Đại Định (1369 – 1370).
9 – Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)
– Họ và tên: Trần Phủ.
– Vua là con thứ ba của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng thái phi (em ruột của bà Đôn Từ hoàng thái phi), người họ Lê.
– Vua sinh ngày tháng 12 năm Tân Dậu (1321).
– Lên ngôi ngày 15 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), sau khi đã lật đổ Dương Nhật Lễ (Dương Nhật Lễ cũng đồng thời là con rể của Trần Nghệ Tông).
– Vua ở ngôi hai năm (1370 – 1372), nhường ngôi để làm thượng hoàng 22 năm (1372-1394).
– Mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394), thọ 73 tuổi.
– Trong thời gian 2 năm ở ngôi, Trần Nghệ Tông chỉ đặt một niên hiệu. đó là Thiệu Khánh (1370 – 1372).
10 – Trần Duệ Tông (1372 – 1377)
– Họ và tên: Trần Kính.
– Vua là con thứ 11 của Trần Minh Tông (em của vua Trần Nghệ Tông), thân mẫu là Đôn Từ hoàng thái phi (chị ruột của Minh Từ hoàng thái phi).
– Vua sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1337), được lập làm thái tử tháng 4 năm Tân Hợi (1371) và được truyền ngôi ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tí (1372).
– Vua ở ngôi 5 năm (1372 – 1377), mất ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tị (1377) khi đang đi đánh Chiêm Thành, thọ 40 tuổi.
– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, vua Trần Duệ Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất, đó là Long Khánh (1372 – 1377).
11 – Trần Phế Đế (1377 – 1388)
– Họ và tên: Trần Hiện.
– Vua là con trưởng của Trần Duệ Tông, thân mẫu là Gia Từ hoàng thái hậu, người họ Lê.
– Vua sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu (1361).
– Lên ngôi ngày 13 tháng 5 năm Đinh Tị (1377), ở ngôi 11 năm (1377 – 1388).
– Mất ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388) vì bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bức tử, thọ 27 tuổi.
– Trong thời gian 11 năm ở ngôi, Trần Phế Đế chỉ đặt một niên hiệu là Xương Phù (1377 – 1388).
12 – Trần Thuận Tông (1388 – 1398)
– Họ và tên: Trần Nhung.
– Vua là con út của Trần Nghệ Tông, thân mẫu là Lê thái hậu (không rõ tên và hiệu).
– Vua sinh năm Mậu Ngọ (1378), lên ngôi năm Mậu Thìn (1388), ở ngôi 10 năm (1388-1398), đi tu theo đạo Phật một năm (1398-1399).
– Tháng 4 năm Kỉ Mão (1399), vua bị Hồ Quý Ly sai người bức tử, thọ 21 tuổi (Hồ Quý Ly cung chinh là nhạc phụ của vua).
– Trong thời gian ở ngôi, Trần Thuận Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Quang Thái (1388 – 1398).
13 – Trần Thiếu Đế (1398 – 1400)
– Họ và tên: Trần An.
– Vua là con trưởng của Trần Thuận Tông, thân mẫu người họ Hồ (con gái của Hồ Quý Ly), tước hiệu là Khâm Thánh hoàng thái hậu.
– Vua sinh năm Bính Tí (1396), lên ngôi ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), ở ngôi 2 năm (1398 – 1400).
– Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), bị Hồ Quý Ly cướp ngôi rồi bị giáng làm Bảo Ninh Đại Vương. Vua vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, nhưng sau không rõ mất vào lúc nào.
– Trong thời gian ở ngôi, vua có niên hiệu là Kiến Tân (từ 1398 đến 1400).
Trong số 13 vua nối nhau trị vì 175 năm, ta thấy:
– Có sáu vua là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Nghệ Tông, chỉ làm vua một thời gian, sau đó nhường ngôi cho con hoặc cho em (như trường hợp Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho Trần Duệ Tông) hoặc cho cháu (như trường hợp Trần Nghệ Tông cho Trần Phế Đế nối ngôi) để làm thượng hoàng.
– Vua thọ nhất là Trần Nghệ Tông (73 tuổi), vua mất sớm nhất là Trần Thuận Tông (21 tuổi).
– Có một vua vốn người khác họ là Dương Nhật Lễ (1369 – 1370).
– Vua ở ngôi lâu nhất là Trần Thái Tông (33 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Trần Nghệ Tông và Trần Thiếu Đế (đều 2 năm).
– Vua lên ngôi sớm nhất là Trần Thiếu Đế (lúc mới 2 tuổi) và vua lên ngôi muộn nhất là Trần Nghệ Tông (lúc 49 tuổi).
– Người ở ngôi thượng hoàng lâu nhất là Trần Minh Tông (28 năm) và ngắn nhất là Trần Nhân Tông vâ Trần Anh Tông (đều 6 năm).
– Có hai vua xuất gia tu hành là Trần Nhân Tông (9 năm) và Trần Thuận Tông (1 năm).
III – THẾ THỨ THỜI HẬU TRẦN (1407 – 1413)
Cuối năm 1406, núp dưới danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, quân Minh đã tràn sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng bị thất bại, đất nước phải chịu hai mươi năm tủi nhục dưới ách đô hộ của kẻ thù. Nhưng cũng chính trong thời gian bị đô hộ ấy, một loạt những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã bùng nổ, trong số đó, có cuộc khởi nghĩa do Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng lãnh đạo. Do chỗ Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng đều là quý tộc họ Trần và đều xưng đế, cho nên, sử vẫn gọi thời Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng là thời hậu Trần.
Xét về trật tự thời gian, thời hậu Trần xuất hiện sau triều Hồ, nhưng thể theo thói quen xưa nay, chúng tôi đưa thời hậu Trần vào ngay sau phần giới thiệu thế thứ các vua thời Trần.
Thời hậu Trần có hai vua cụ thể sau đây:
1 – Giản Định Đế (1407 – 1409)
– Họ và tên: Trần Ngỗi (cũng có sách viết là Trần Quỹ).
– Vua là con thứ của Trần Nghệ Tông, chưa rõ thân mẫu là ai và cũng chưa rõ vua sinh vào năm nào.
– Đầu năm 1407, khi quân Minh xâm lược nước ta, vua chạy vào phủ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình).
– Tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), vua lên ngôi tại Mô Độ, phủ Trường Yên, nay là Yên Mô, Ninh Bình. Vì trước đó vua có hiệu là Giản Định, nên khi lên ngôi, xưng là Giản Định Đế.
– Tháng 12 năm Mậu Tí (1408), do mâu thuẫn nội bộ, vua chạy về thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình), nhưng vẫn dốc chí đánh giặc.
– Ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), vua bị tướng của Trần Quý Khoáng là Nguyễn Suý bắt được, dẫn về Nghệ An với nghĩa quân Trần Quý Khoáng.
– Ngày 7 tháng 4 năm ấy, được tôn là thượng hoàng (lúc này Trần Quý Khoáng xưng là Trùng Quang Đế).
– Tháng 7 năm Kỉ Sửu, bị quân Minh bắt và bị hại.
– Trong gần hai năm ở ngôi, Giản Định Đế đặt niên hiệu là Hưng Khánh.
2 – Trùng Quang Đế (1409 – 1413)
– Họ và tên: Trần Quý Khoáng (cũng viết là Trần Quý Khoách).
– Vua là con thứ của Mẫn Vương Trần Ngạc, cháu gọi Trần Nghệ Tông là ông nội, gọi Giản Định Đế là chú ruột, chưa rõ vua sinh năm nào.
– Vua lên ngôi ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409) tại Chi La (nay là Hà Tĩnh).
– Vua bị quân Minh bắt vào tháng 11 Quý Tị (1413) và giải về Trung Quốc. Tháng 4 năm Canh Ngọ (1414), trên đường bị giải về Trung Quốc, vua nhảy xuống nước tự vẫn.
– Trong thời gian gần 5 năm ở ngôi. vua đặt một niên hiệu là Trùng Quang.
Chương 6 : THẾ THỨ TRIỀU HỒ VÀ THỜI THUỘC MINH
I – THẾ THỨ TRIỀU HỒ (1400 – 1407)
1 – Vài nét về đất nước thời Hồ
Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Triều Hồ được dựng lên kể từ đó. Triều Hồ chỉ tồn tại chưa đầy 7 năm, nhưng vấn đề triều Hồ lại là một trong những vấn đề lớn của lịch sử sử học Việt Nam.
Thực ra, ngay từ khi chưa lên ngôi, ảnh hưởng của Hồ Quý Ly đối với chính sự của đất nước đã rất mạnh mẽ. Ảnh hưởng đó càng trở nên to lớn kể từ khi Hồ Quý Ly lên ngôi hoàng đế. Sau đây là vài niên đại cần lưu ý của giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỉ thứ XIV đến những năm đầu của thế kỉ thứ XV, khi triều Hồ bị sụp đổ bởi cuộc tấn công xâm lược của quân Minh.
– Tháng 11 năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly (lúc bấy giờ là Tuyên trung vệ quốc đại vương) đã ép vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly), dời đô vào Đại Lại (Thanh Hoá).
– Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400) cướp ngôi của nhà Trần từ tay cháu ngoại mới 4 tuổi là Trần An (tức vua Trần Thiếu Đế), tự lập làm vua. đổi quốc hiệu là Đại Ngu.
– Cuối năm 1406. quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ đã đem quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống Minh do triều Hồ lãnh đạo chỉ kéo dài được mấy tháng rồi bị thất bại hoàn toàn vào giữa năm 1407. Nước ta bị quân Minh đô hộ kể từ đó.
Về dân số, theo Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kí, quyển 9, tờ 4-a) thì vào giữa năm 1407, quân Minh thống kê được ở nước ta có tất cả 3 129 500 hộ. Con số đó hiển nhiên là chưa chính xác nhưng dẫu sao thì cũng đủ để gợi cho chúng ta một ý niệm khả dĩ để hình dung.
Lãnh thổ của đất nước thời Hồ có được mở rộng hơn về phía nam bởi cuộc tấn công vào Chiêm Thành tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1402). Với cuộc tấn công này, nhà Hồ đã chiếm của Chiêm Thành hai châu là Chiêm Động và Cổ Luỹ. Từ hai châu này, nhà Hồ cho đổi thành bốn châu là Thăng, Hoa Tư và Nghĩa. Sau, bốn châu lại ghép thành hai, đó là Thăng Hoa và Tư Nghĩa. Nếu so với bản đồ hiện đại, hai châu này nay tương ứng với toàn bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (bây giờ là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (chú thích của CB) ), cộng với toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số hộ mà quân Minh thống kê năm 1407 như đã nói ở trên là bao hàm cả những hộ ở vùng đất mới chiếm.
2 – Thế thứ triều Hồ
a – Hồ Quý Ly (1400)
Tiên tổ của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, di cư đến nước ta trong khoảng thời Ngũ đại thập quốc (907 – 960). Hồ Hưng Dật định cư tại thôn Bào Đột, phủ Diễn Châu (nay là Nghệ An) và từ đó về sau, con cháu của ông đời đời làm trại chủ của đất này.
Đến đời thứ 12, một người của họ Hồ là Hồ Liêm đã bỏ Diễn Châu di cư ra đất Đại Lại (Thanh Hoá). Hồ Liêm làm con nuôi của quan Tuyên uý là Lê Huấn, nên đổi gọi là họ Lê. Sử cũ có lúc chép Hồ Quý Ly là Lê Quý Ly cũng bởi sự kiện này. Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm.
Thuở nhỏ, Hồ Quý Ly theo học võ với một võ sư người họ Nguyễn, hiệu là Sư Tề. Sư Tề có người con trai là Nguyễn Đa Phương cũng rất giỏi võ nghệ. Hồ Quý Ly kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương.
Đường danh vọng của Hồ Quy Ly được khởi đầu từ đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372), với chức vụ đầu tiên rất khiêm nhượng là Chi hậu tứ cục chánh chưởng. Từ đây, Hồ Quý Ly liên tục được thăng quan tiến chức. Xin liệt kê những nấc thang quan trọng nhất trên con đường thăng tiến của Hồ Quý Ly như sau:
– Năm 1371: được vua Trần Nghệ Tông phong tước Trung Tuyên Quốc Thượng Hầu, chức Khu mật viện đại sứ.
– Năm 1375: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Duệ Tông thăng chức Tham mưu quân sự.
– Năm 1379: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Tiểu tư không, kiêm Khu mật viện đại sứ.
– Năm 1380: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Nguyên nhung, quản việc Hải tây đô thống chế.
– Năm 1387: được thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Đồng bình chương sự (thành viên cơ quan tối cao của nhà nước).
– Năm 1395: được vua Trần Thuận Tông thăng tước Tuyên Trung Vệ Quốc Đại Vương.
– Năm 1397: ép vua Trần Thuận Tông phải dời đô từ Thăng Long vào Đại Lại (Thanh Hoá).
– Năm 1398: ép vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho thái tử Trần An (lúc này mới 2 tuổi). Trần An lên ngôi, đó là vua Trần Thiếu Đế (1398 – 1400).
– Năm 1399: giết vua Trần Thuận Tông, sau lại giết thêm một lúc 370 người mà Hồ Quý Ly cho là thuộc phe đối nghịch với mình, rồi tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng.
– Năm 1400: Cướp ngôi của nhà Trần, tự lập làm vua, đổi tên nước là Đại Ngu, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên.
– Tháng 12 năm 1400: Nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, để làm thượng hoàng.
– Giữa năm 1407, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược bị thất bại, Hồ Quý Ly bị bắt về Trung Quốc, rồi bị giết, thọ 70 tuổi (1337-1407).
b – Hồ Hán Thương (1400-1407)
– Con thứ của Hồ Quý Ly, em của Hồ Nguyên Trừng, sinh năm nào không rõ.
– Năm 1399: xưng là Nhiếp thái phó.
– Tháng 1 năm Canh Thìn (1400) được lập làm thái tử (dẫu lúc này vua Trần Thiếu Đế vẫn đang ở ngôi và họ Hồ chỉ là ngoại thích).
– Tháng 12 năm 1400, được cha là Hồ Quý Ly nhường ngôi. Hồ Hán Thương làm vua hơn 6 năm (12-1400 đến 6-1407).
– Tháng 6 năm 1407, bị thua trận, rồi bị quân Minh bắt giải về Trung Quốc cùng với cha, anh và nhiều triều thần khác, sau không rõ mất năm nào.
– Trong thời gian ở ngôi, Hồ Hán Thương đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Thành: 1401 – 1402
•Khai Đại: 1403 – 1407.
Trở lên là triều Hồ, tồn tại từ năm 1400 đến năm 1407, gồm hai đời vua. Cả hai vua đều chết ở Trung Quốc, không đặt miếu hiệu nên sử chép theo họ tên thật chứ không chép theo miếu hiệu như các vua của những triều đại khác.
II – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA NHÀ MINH
Từ giữa năm 1407, quân Minh ráo riết đẩy mạnh quá trình xây dựng bộ máy đô hộ trên đất nước ta. Quá trình này diễn ra trong điều kiện nhân dân ta liên tục nổi dậy chiến đấu giành độc lập, cho nên vừa chậm chạp, vừa không bám chặt được cơ sở xã hội của nước ta. Đặc điểm chung của chính quyền đô hộ thời thuộc Minh là bên cạnh hệ thống quan chức hành chính với một lực lượng bảo vệ hùng hậu, còn có cả một hệ thống tướng lãnh trực tiếp cầm quân, sẵn sàng ứng phó với mọi tình hình. Quyền hành của tướng cầm đầu lực lượng vũ trang rất lớn, có khi còn lấn át cả quyền của hệ thống quan chức hành chính. So sánh thì khập khiễng và dễ gây ra sự ngộ nhận, nhưng đại để, nhà Minh vừa thiết lập một chính quyền quân quản do tướng lĩnh nấm giữ, vừa cố gắng thiết lập một chính quyền dân sự để giải quyết những công việc của buổi giao thời. Bởi đặc điểm này, việc xây dựng thế thứ chính quyền đô hộ của nhà Minh không đơn giản như thế thứ của các triều đại khác.
Đại để quân Minh đã thiết lập mấy thế hệ chính quyền đô hộ sau đây:
1 – Chính quyền trực trị của tướng lĩnh (Bộ chỉ huy xâm lăng của quân Minh)
– Tổng chỉ huy: Thành quốc công Chu Năng. Nhưng Chu Năng vừa đi đến Long Châu (Trung Quốc) thì bị bệnh mà chết, nhà Minh phải cho Trương Phụ lên nắm quyền thay.
– Phó tổng chỉ huy thứ nhất: Tân Thành hầu Trương Phụ.
– Phó tổng chỉ huy thứ hai: Tây Bình hầu Mộc Thạnh.
– Các tướng tham mưu:
•Tả tham tướng: Phong Thành hầu Lý Bân.
•Hữu tham tướng: Vân Dương bá Trần Húc.
– Chính quyền này tồn tại cho đến tháng 8 năm 1414 mới hết. Tháng đó, Trương Phụ về nước. Trong khi chính quyền trực trị đang tồn tại thì hệ thống chính quyền gồm các quan chức dân sự cũng từng bước được xây dựng.
2 – Thế thứ quan chức hành chính dân sự
– Từ 1407 đến tháng 9 năm 1424:
•Đứng đầu: Hoàng Phúc. Khi mới sang, Hoàng Phúc chỉ mới ở chức án sát. Sau, Hoàng Phúc được thăng dần lên đến chức Công bộ thượng thư. Tháng 9 năm 1424, Hoàng Phúc về nước.
•Phụ tá cho Hoàng Phúc trong việc trông coi lực lượng vũ trang là Đô chỉ huy sứ Lữ Nghị.
– Từ tháng 9 năm 1424 đến tháng 10 năm 1426:
Đứng đầu: Trần Hiệp. Bấy giờ, Trần Hiệp là Binh bộ thượng thư. Tháng 11 năm 1426, Trần Hiệp chết trong trận Tốt Động – Chúc Động, nhưng trước đó không bao lâu, do tình hình quá căng thẳng, vai trò của các quan chức hành chính dân sự đã bị lu mờ.
Phụ tá cho Trần Hiệp là An Bình bá Lý An và Tham tướng Trần Trí cùng nhiều tướng lĩnh khác.
3 – Guồng máy quân sự sau tháng 8 năm 1414
– Tháng 8 năm 1414, Trương Phụ về nước, Phong Thành hầu Lý Bân được cử lên thay. Phụ tá cho Lý Bân là An Bình bá Lý An và Tham tướng Trần Trí.
– Tháng 10 năm 1414, do tình hình căng thẳng, Tân Thành hầu Trương Phụ lại sang. Trương Phụ ở lại cho đến năm 1417 mới về. Lý Bân, Lý An cùng các tướng khác trở thành người cộng sự với Trương Phụ.
– Từ năm 1417 đến đầu năm 1422, Phong Thành hầu Lý Bân lại trở thành người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi hoạt động của lực lượng vũ trang nhà Minh ở nước ta. Phụ tá cho Lý Bân là Lý An và Trần Trí.
– Tháng 2 năm Nhâm Dần (1422) Lý Bân mất vì bệnh, An Bình bá Lý An lên thay.
– Từ tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), do những thắng lợi dồn dập của Lam Sơn, Lý An buộc phải kêu cứu thảm thiết. Nhà Minh liền cử Thành Sơn hầu Vương Thông sang thay. Vương Thông sau phải chịu bó tay đầu hàng Lam Sơn.
– Tháng 8 năm Đinh Mùi (1427), nhà Minh cử Chinh Lỗ tướng quân, thái tử thái phó, An Viễn hầu là Liễu Thăng đem quân sang, thay Vương Thông và quyết xoay chuyển tình thế. Nhưng, đạo quân cứu viện này đã bị Lam Sơn đánh cho tan tành. Liễu Thăng và nhiều tướng cao cấp khác của giặc đã chết khi mới vào biên giới của nước ta.
Chương 7 : THẾ THỨ TRIỀU LÊ
I – VÀI NÉT VỀ TRIỀU LÊ
1 – Đặc điểm của triều Lê
Sau khi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, triều Lê được dựng lên. Từ đây, chế độ sở hữu lớn của quý tộc bị hạn chế để rồi bị xoá bỏ, thay vào đó là chế độ sở hữu nhỏ của giai cấp địa chủ mới. Từ đây, chế độ bóc lột nông nô và nô tì bị đẩy lùi, thay vào đó là chế độ bóc lột tá điền. Từ đây, Nho giáo chiếm lĩnh vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà trong một thời gian khá dài. Từ đây, thi cử Nho học là phương thức chủ yếu để tuyển lựa quan lại… Tất cả những yếu tố này đã gây ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến thiết chế chính trị, kinh tế và xã hội của nước nhà.
Xét về danh nghĩa chính thống, triều Lê là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên, lịch sử triều Lê cũng là lịch sử của một triều đại có nhiều biến cố lớn lao. Buổi đầu, triều Lê rất thịnh đạt, nhưng vừa được 100 năm thì bị họ Mạc cướp ngôi. Sau một thời kì hỗn chiến, triều Lê đã trở về được với kinh thành Thăng Long, nhưng cũng kể từ đó, chúa Trịnh thâu tóm hết mọi quyền hành.
Từ giữa thế kỉ thứ XVI, một cục diện cát cứ mới đã xuất hiện, đó là cục diện Trịnh – Nguyễn. Cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn đều mượn danh nghĩa vua Lê để tấn công lẫn nhau. Lúc này, thật khó mà nói đến sự hiện hữu của một triều Lê thực sự. Tuy nhiên, sách này nói về thế thứ trước sau chứ không bàn đến năng lực cụ thể của mỗi triều vua, cho nên mạnh, yếu mặc dầu, chúng tôi đều thống kê ra đây đầy đủ.
2 – Lãnh thổ nước ta thời Lê
Thời Lê, lãnh thổ nước nhà có được mở rộng hơn trước. Sự mở rộng này đã diễn ra liên tục dưới thời Lê, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu những gì trực tiếp phản ánh hoạt động của nhà Lê trên lĩnh vực này mà thôi:
– Tháng 7 năm Mậu Thìn (1448), Bồn Man xin được nội thuộc nước ta. Vua Lê lúc ấy là Lê Nhân Tông đã đồng ý. Đất Bồn Man được triều Lê đổi thành châu Quy Hợp. Đối chiếu với bản đồ hiện đại, châu này nay là vùng phía Tây của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
– Tháng 2 năm Tân Mão (1471), vua Lê lúc ấy là Lê Thánh Tông đã đem quân đánh Chiêm Thành. Với cuộc tấn công này, Lê Thánh Tông đã chiếm của Chiêm Thành một vùng đất rộng lớn, kéo dài từ Quy Nhơn trở ra.
Không thấy sử cũ chép về dân số, tuy nhiên, có thể ước tính dân số nước ta vào cuối đời Lê Thánh Tông vào khoảng trên dưới sáu triệu người.
II – THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA THỜI LÊ
1 – Lê Thái Tổ (1428-1433)
– Họ và tên: Lê Lợi.
– Thân sinh của vua là Lê Khoáng, nguyên là trại chủ Lam Sơn (Thanh Hoá), sau được tôn phong là Tuyên Tổ Phúc Hoàng Đế. Thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Thương, sau được tôn phong là Trịnh Từ Ỷ Văn hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385) tại Chủ Sơn, Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá).
– Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược. Lúc ấy, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương.
– Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã giành toàn thắng.
– Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại kinh thành Thăng Long.
– Vua ở ngôi gần 6 năm, mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), thọ 48 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Lợi chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên (1428 – 1433).
2 – Lê Thái Tông (1433 – 1442)
– Họ và tên: Lê Nguyên Long.
– Vua là con thứ của Lê Thái Tổ, thân mẫu là Phạm hoàng hậu (huý là Phạm Ngọc Trần).
– Vua sinh ngày 21 tháng 11 năm Quý Mão (1423) tại Thanh Hoá.
– Được lập làm thái tử ngày 6 tháng 1 năm Kỉ Dậu (1429) và được lên nối ngôi ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433). Vua ở ngôi 9 năm, mất ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), thọ 19 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Thái Tông đã đặt hai niên hiệu. Đó là:
•Thiệu Bình: 1434 – 1439
•Đại Bảo: 1440 – 1442.
3 – Lê Nhân Tông (1442 – 1459)
– Họ và tên: Lê Bang Cơ.
– Vua là con thứ ba của Lê Thái Tông, thân mẫu là Tuyên Từ hoàng thái hậu (huý là Nguyễn Thị Anh, người Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hoá).
– Vua sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), được lập làm thái tử ngày 16 tháng 11 năm 1441.
– Ngày 8 tháng 12 năm Nhâm Tuất (1442), được lên nối ngôi. Vua ở ngôi gần 17 năm, mất ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459) vì bị anh là Lê Nghi Dân giết, thọ 18 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Nhân Tông đã đặt hai niên hiệu là:
•Thái Hoà: 1443 – 1453
•Diên Ninh: 1454 – 1459.
4 – Lê Nghi Dân (1459 – 1460)
– Lê Nghi Dân là con trưởng của Lê Thái Tông, thân mẫu là bà Dương Thị Bí.
– Sinh vào tháng 6 năm Kỉ Mùi (1439). Ngày 21 tháng 3 năm Canh Thân (1440) được lập thái tử, nhưng đến tháng 1 năm Tân Dậu (1441) thì bị giáng truất, cho làm Lạng Sơn Vương.
– Ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết Lê Nhân Tông rồi tự lập làm vua.
– Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) thì bị triều thần giết, thọ 21 tuổi.
– Trong thời gian 8 tháng ở ngôi, Lê Nghi Dân có đặt một niên hiệu là Thiên Hưng.
5 – Lê Thánh Tông (1460 – 1497)
– Họ và tên: Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, thân mẫu là Quang Thục thái hậu (huý là Ngô Thị Ngọc Dao).
– Vua sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442).
– Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), nghĩa là hai ngày sau khi Lê Nghi Dân bị giết, Lê Tư Thành được triều thần tôn lên ngôi.
– Vua ở ngôi 37 năm, mất ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị (1497), thọ 55 tuổi.
Trong thời gian 37 năm ở ngôi, Lê Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Quang Thuận: 1460 – 1469
•Hồng Đức: 1470 – 1497.
6 – Lê Hiến Tông (1497 – 1504)
– Họ và tên: Lê Tranh, lại có tên khác là Lê Huy.
– Vua là con trưởng của Lê Thánh Tông, thân mẫu là Trường Lạc thái hậu (huý là Nguyễn Thị Hằng, người ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá) là con gái của Trịnh Quốc Công Nguyễn Đức Trung.
– Vua sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tị (1461), được lập làm thái tử tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1462), lên nối ngôi tháng 2 năm Đinh Tị (1497).
– Vua ở ngôi hơn 7 năm, mất ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tí (1504) thọ 43 tuổi.
– Trong thời gian hơn 7 năm ở ngôi, Lê Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Thống (1498 – 1504).
7 – Lê Túc Tông (1504)
– Họ và tên: Lê Thuần.
– Vua là con thứ ba (trong số 6 người con trai) của Lê Hiến Tông. Thân mẫu là Trang Thuận Minh Ý hoàng thái hậu, huý là Nguyễn Thị Hoàn, quán xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
– Vua sinh ngày 3 tháng 8 năm Mậu Thân (1488), được lập làm thái tử tháng 12 năm Kỉ Mùi (1499), lên nối ngôi từ tháng 6 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi được 6 tháng thì mất vào tháng 12 năm Giáp Tí (1504), thọ 16 tuổi.
– Trong 6 tháng ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Thái Trịnh (1504).
8 – Lê Uy Mục (1505 – 1509)
– Họ và tên: Lê Tuấn, lại có tên khác là Lê Huyên.
– Vua sinh ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân (1488).
– Vua là con thứ hai của Lê Hiến Tông, thân mẫu là Chiêu Nhân hoàng thái hậu, huý là Nguyễn Thị Cận, quán xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, nay thuộc Bắc Ninh.
– Vua lên ngôi tháng 12 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi 5 năm, bị giết mà mất vào ngày 1 tháng 12 năm Kỉ Tị (1509) thọ 21 tuổi.
– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, Lê Uy Mục có đặt một niên hiệu là Đoan Khánh (1505 – 1509).
9 – Lê Tương Dực (1510-1516)
– Họ và tên: Lê Oanh (cũng đọc là Lê Oánh), lại có tên khác là Lê Trừ.
– Vua là con của Kiến Vương Tân (Kiến Vương Tân là con thứ năm của Lê Thánh Tông, em của vua Lê Hiến Tông, chú của Lê Túc Tông và Lê Uy Mục). Thân mẫu là Từ Huy Hoàng thái hậu, huý là Trịnh Thị Tuyên, người xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tinh Thanh Hoá, con gái của quan Tả tôn chính Trịnh Trọng Phong.
– Vua sinh năm Quý Sửu (1493), thời Lê Hiến Tông, được phong là Giản Tu Công, khi Lê Uy Mục lên ngôi, vì kinh thành có biến nên chạy vào Thanh Hoá.
– Tháng 10 năm Kỉ Tị (1509), được quần thần tôn lên ngôi để lo việc lật đổ Lê Uy Mục. Tháng 12 năm đó (1509), giết Lê Uy Mục mà lên ngôi.
– Vua ở ngôi hơn 6 năm, bị giết vào ngày 7 tháng 4 năm Bính Tí (1516), thọ 23 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi vua có đặt một niên hiệu là Hồng Thuận (1509 – 1516).
10 – Lê Chiêu Tông (1516 – 1522)
– Họ và tên: Lê Y, lại còn có tên khác là Lê Huệ.
– Vua là con của Cẩm Giang Vương Sùng, cháu đích tôn của Kiến Vương Tân. Thân mẫu của vua huý là Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, Nghệ An, sau được tôn phong là Trịnh thái hậu.
– Vua sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506) ở ngôi 6 năm (1516 – I522), bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hoá ngày 18 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522), bị giết vào tháng 12 năm Canh Dần (1530), thọ 24 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Chiêu Tông có đặt một niên hiệu là Quang Thiệu (1516 – 1522).
11 – Lê Cung Hoàng (1522 – 1527)
– Họ và tên: Lê Xuân, lại có tên khác là Lê Khánh.
– Vua là con của Cẩm Giang Vương Sùng. cùng thân mẫu với Lê Chiêu Tông, em ruột của Lê Chiêu Tông, nên sử thường chép về vua trước khi lên ngôi là Hoàng Đệ Xuân (em ruột của vua, tên là Xuân).
– Vua sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão (1507), lên ngôi tháng 12 năm 1522 (khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoá).
– Vua ở ngôi 5 năm. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, thọ 20 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Cung Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thống Nguyên (1522 – 1527).
12 – Lê Trang Tông (1533 – 1548)
– Họ và tên: Lê Ninh, lại có tên khác là Lê Huyến.
– Vua là con của Lê Chiêu Tông, thân mẫu là Phạm hoàng hậu,huý là Phạm Thị Ngọc Quỳnh, quê ở sách Cao Trí (nay thuộc Thanh Hoá).
– Sừ chép vua sinh năm Ất Hợi (1515), chúng tôi lấy làm ngờ vì năm đó Lê Chiêu Tông mới 8 tuổi, làm sao có con được.
– Vua lên ngôi năm Quý Tị (1533) tại Thanh Hoá, là vị vua đầu tiên của Nam Triều trong cuộc hỗn chiến Nam – Bắc Triều (hay hỗn chiến Lê – Mạc).
– Vua ở ngôi 15 năm, mất ngày 29 tháng 1 năm Mậu Thân (1548) thọ 33 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua chỉ đặt một niên hiệu là Nguyên Hoà (1533 – 1548).
13 – Lê Trung Tông (1548 – 1556)
– Họ và tên: Lê Huyên.
– Vua là con trưởng của Lê Trang Tông, thân mẫu là ai thì chưa rõ.
– Sử chép vua sinh năm Giáp Ngọ (1534) chúng tôi cũng lấy làm ngờ, bởi không dám chắc Lê Trang Tông sinh năm 1515.
– Vua lên ngôi năm Mậu Thân (1548), ở ngôi 8 năm, mất ngày 24 tháng 1 năm Bính Thìn (1556), thọ 22 tuổi (?) Vua không có con nối dõi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Trung Tông có đặt một niên hiệu là Thuận Bình (1548 – 1556).
14 – Lê Anh Tông (1556 – 1573)
– Họ và tên: Lê Duy Bang (cháu 5 đời của Lê Trừ, anh Lê Lợi). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 18, tờ 7) cho biết Lê Trừ là anh Lê Lợi. Lê Trừ sinh ra Lê Khang, Lê Khang sinh ra Lê Thọ, Lê Thọ sinh ra Lê Duy Thiệu, Lê Duy Thiệu sinh ra Lê Duy Quang, Lê Duy Quang sinh ra Lê Duy Bang.
– Thân mẫu của vua người Bố Vệ, huyện Đông Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa rõ họ tên và tước hiệu.
– Vua sinh năm Nhâm Thìn (1532), lên ngôi năm Bính Thìn (1556), ở ngôi 17 năm, bỏ Thanh Hoá chạy vào Nghệ An để tránh loạn năm 1572, bị giết ngày 22 tháng 1 năm Quý Dậu (1573), thọ 41 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Anh Tông có đặt 3 niên hiệu sau đây:
•Thiên Hựu: 1556 – 1557
•Chính Trị: 1558 – 1571
•Hồng Phúc: 1572 – 1573.
15 – Lê Thế Tông (1573 – 1599)
– Họ và tên: Lê Duy Đàm.
– Vua là con thứ 5 của Lê Anh Tông. thân mẫu chưa rõ.
– Vua sinh tháng 11 năm Đinh Mão (1567), tại Thanh Hoá.
– Lên ngôi ngày 1 tháng 1 năm Quý Dậu (1573), khi mới sáu tuổi. Bấy giờ, Lê Anh Tông còn đang chạy loạn ở Nghệ An.
– Vua ở ngôi 26 năm, mất ngày 24 tháng 8 năm Kỉ Hợi (1599) vì bệnh, thọ 32 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thế Tông có đặt hai niên hiệu sau đây:
•Gia Thái: 1573 – 1577
•Quang Hưng: 1578 – 1599.
16 – Lê Kính Tông (1599 – 1619)
– Họ và tên: Lê Duy Tân.
– Vua là con thứ của Lê Thế Tông, thân mẫu là ai chưa rõ.
– Vua sinh năm Mậu Tí (1588), lên ngôi ngày 27 tháng 8 năm Kỉ Hợi (1599), ở ngôi 20 năm, bị giết ngày 12 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1619), thọ 31 tuổi.
– Trong thời gian 20 năm ở ngôi, Lê Kính Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thận Đức: 1600 – 1601
•Hoằng Định: 1601 – 1619.
17 – Lê Thần Tông (1619 – 1643 và 1649 – 1662)
– Họ và tên: Lê Duy Kỳ.
– Vua là con trưởng của Lê Kính Tông, thân mẫu là Đoan Từ hoàng thái hậu, huý là Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ của Bình An Vương Trịnh Tùng).
– Vua sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi (1607).
– Vua hai lần lên ngôi.
•Lần thứ nhất lên ngôi vào tháng 6 năm Kỉ Mùi (1619), sau khi vua cha là Lê Kính Tông bị giết. Lần này vua ở ngôi 24 năm (1619 – 1643). Sau đó, nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu để lên làm thượng hoàng 6 năm (1643 – 1649).
•Lần thứ hai lên ngôi vào tháng 10 năm Kỉ Sửu (1649) sau khi con là vua Lê Chân Tông mất. Lần này ở ngôi 13 năm (1649 – 1662).
– Vua mất ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), thọ 55 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thần Tông đã đặt 6 niên hiệu sau đây:
Hai niên hiệu cho lần ở ngôi thứ nhất là:
•Vĩnh Tộ: 1619 – 1629
•Đức Long: 1629 – 1643
Bốn niên hiệu cho lần ở ngôi thứ hai là:
•Khánh Đức: 1649 – 1653
•Thịnh Đức: 1653 – 1658
•Vĩnh Thọ: 1658 – 1662
•Vạn Khánh: 1662 (vừa đặt thì mất).
18 – Lê Chân Tông (1643 – 1649)
– Họ và tên: Lê Duy Hựu.
– Vua là con trưởng của Lê Thần Tông, thân mẫu là Trịnh thái hậu (không rõ tên).
– Vua sinh năm Canh Ngọ (1630), được truyền ngôi tháng 10 năm Quý Mùi (1648), ở ngôi 6 năm, mất vào tháng 8 năm Kỉ Sửu (1649), thọ 19 tuổi. Vua không có con nối dõi.
– Trong thời gian 6 năm ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Phúc Thái (1643 – 1649).
19 – Lê Huyền Tông (1662 – 1671)
– Họ và tên: Lê Duy Vũ.
– Vua là con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, thân mẫu là Phạm hoàng hậu, huý là Phạm Thị Ngọc Hậu.
– Vua sinh năm Giáp Ngọ (1654), được lập làm thái tử từ tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), lên ngôi tháng 11 năm 1662.
– Vua ở ngôi 9 năm, mất ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), thọ 17 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Trị (1663 – 1671).
20 – Lê Gia Tông (1671 – 1675)
– Họ và tên: Lê Duy Cối, lại có tên khác là Lê Duy Khoái.
– Vua là con thứ của Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông. Thân mấu của vua là bà Chiêu Nghi Lê Thị Ngọc Hoàn. Thuở nhỏ, vua được bà chính phi của chúa Trịnh Doanh là Trịnh Thị Ngọc Lung nuôi dưỡng, nên khi vua lên ngôi, mẹ nuôi được tôn là Quốc Thái Mẫu, còn mẹ sinh chỉ được tôn là Chiêu Nghi.
– Vua sinh năm Tân Sửu (1661), được lên nối ngôi ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi (1671), ở ngôi 4 năm, mất ngày mồng 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675), thọ 14 tuổi, không có con để nối dõi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua có đặt hai niên hiệu là:
•Dương Đức: 1672 – 1674
•Đức Nguyên: 1674 – 1675
21 – Lê Hy Tông (1675 – 1705)
– Họ và tên: Lê Duy Hiệp.
– Vua là con của Lê Thần Tông, khi Lê Thần Tông mất, vua vẫn chưa chào đời. Vua là em của Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông Thân mẫu của vua là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (cũng có sách viết là Trịnh Thị Ngọc Tấn), con gái của chúa Trịnh Tráng.
– Vua sinh ngày 15 tháng 3 năm Quý Mão (1663), lên ngôi ngày 12 tháng 6 năm 1675, ở ngôi 30 năm
– Vua nhường ngôi cho con trưởng để lên làm thượng hoàng 11 năm (1705 – 1716), mất tháng 4 năm Bính Thân (1716), thọ 53 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Lê Hy Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Vĩnh Trị: 1676 – 1679
•Chính Hoà: 1680 – 1705.
22 – Lê Dụ Tông (1705 – 1729)
– Họ và tên: Lê Duy Đường.
– Vua là con trưởng của Lê Hy Tông, thân mẫu là thái hậu họ Nguyễn, huý là Nguyễn Thị Ngọc Đệ, quán xã Trùng Quán, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh).
– Vua sinh tháng 10 năm Canh Thân (1680), lên ngôi tháng 4 năm 1705, ở ngôi 24 năm (1705 – 1729), nhường ngôi để làm thượng hoàng 2 năm (1729 – 1731), mất vào tháng 1 năm Tân Hợi (1731), thọ 51 tuổi.
– Trong thời gian 24 năm ở ngôi, Lê Dụ Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Vĩnh Thịnh: 1705 – 1720
•Bảo Thái: 1720 – 1729.
23 – Lê Đế Duy Phường (1729 – 1732)
– Họ và tên: Lê Duy Phường.
– Vua là con thứ của Lê Dụ Tông. thân mẫu người họ Trịnh.
– Vua sinh năm Kỉ Sửu (1709), được lập làm thái tử từ ngày 8 tháng 7 năm Đinh Mùi (1727), lên ngôi ngày 21 tháng 4 năm Kỉ Dậu (1729), ở ngôi 3 năm, bị chúa Trịnh là Trịnh Khương (tức Trịnh Giang) phế làm Hôn Đức Công ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), đến tháng 9 năm Ất Mão (1735) thì bị giết, thọ 26 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Lê Đế Duy Phường có đặt một niên hiệu Vĩnh Khánh (1729 – 1732).
24 – Lê Thuần Tông (1732 – 1735)
– Họ và tên: Lê Duy Tường.
– Vua là con trưởng của Lê Dụ Tông, anh của Lê Đế Duy Phường, thân mẫu người họ Nguyễn.
– Vua sinh vào tháng 2 năm Kỉ Mão (1699), lên ngôi ngày 26 tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), ở ngôi 3 năm, mất vào ngày rằm tháng 4 năm Ất Mão (1735), thọ 36 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Thuần Tông có đặt một niên hiệu là Long Đức (1732 – 1735).
25 – Lê Ý Tông (1735 – 1740)
– Họ và tên: Lê Duy Thận, lại có tên là Duy Chấn.
– Vua là con thứ 11 của Lê Dụ Tông, em ruột của Lê Thuần Tông (Duy Tường), thân mẫu chưa rõ.
– Vua sinh vào tháng 2 năm Kỉ Hợi (1719), lên ngôi ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão (1735), ở ngôi 5 năm (1735 – 1740), nhường ngôi để làm thượng hoàng 19 năm (1740 – 1759), mất vào tháng 6 (nhuận) năm Kỉ Mão (1759), thọ 40 tuổi.
– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, Lê Ý Tông chỉ đặt một niên hiệu là Vĩnh Hựu (1735 – 1740).
26 – Lê Hiển Tông (1740 – 1786)
– Họ và tên: Lê Duy Diêu.
– Vua là con trưởng của Lê Thuần Tông, gọi Lê Ý Tông là chú ruột, được Lê Ý Tông truyền ngôi cho, thân mẫu là người họ Đào, quán xã Bảo Vực, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
– Vua sinh vào tháng 4 năm Đinh Dậu (1717), được truyền ngôi ngày 21 tháng 5 năm Canh Thân (1740), ở ngôi 46 năm, mất vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi.
– Trong thời gian 46 năm ở ngôi, Lê Hiển Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng (1740 – 1786).
27 – Lê Chiêu Thống (1786 – 1788)
– Họ và tên: Lê Duy Kỳ, lại có tên khác là Lê Tư Khiêm.
– Chiêu Thống là con trưởng của thái tử Lê Duy Vĩ, tức là cháu đích tôn của Lê Hiển Tông. Thái tử Lê Duy Vĩ vì trước đó phạm tội, bị phế làm thứ dân nên không được truyền ngôi. Thân mẫu của Lê Chiêu Thống hiện chưa rõ.
– Lê Chiêu Thống sinh năm Ất Dậu (1765), lên ngôi tháng 8 năm Bính Ngọ (1786), ở ngôi 2 năm, sau mất vì bệnh khi đang sống lưu vong tại Trung Quốc vào tháng 10 năm Quý Sửu (1793), thọ 28 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Chiêu Thống (1786 – 1788). Thực ra, sử vẫn gọi Lê Chiêu Thống là Lê Mẫn Đế, nhưng trong trường hợp đặc biệt này, thể theo kí ức mang dấu ấn tình cảm không được tốt đẹp của dân gian, chúng tôi viết là Lê Chiêu Thống, sau mới chú thích rằng đó chính là Lê Mẫn Đế.
Trở lên là các vua họ Lê. Tuy không liên tục và quyền bính thăng trầm không dứt, nhưng trước sau, xét về danh nghĩa, họ Lê cũng đã truyền ngôi được 360 năm, gồm 27 đời vua. Trong số 27 đời vua nói trên, chúng ta thấy:
– 11 vua đầu, nối nhau trị vì 100 năm, tuy mạnh yếu không đều nhau, nhưng nhìn chung, đó là những vị vua của thời cường thịnh. Sử gọi đó là thời Lê Sơ.
– Các vua từ đời thứ 12 trở đi, quyền lực càng ngày càng bị thu nhỏ, để rồi cuối cùng chỉ còn là danh nghĩa tượng trưng mà thôi. Khái niệm thời Lê trung hưng mà sử cũ vẫn thường nói đến có lẽ là không ổn.
– Cũng từ 27 vị vua nói trên, chúng ta thấy:
•Có ba vua chỉ làm vua một thời gian rồi nhường ngôi để làm thượng hoàng. Đó là: Lê Thần Tông, Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông.
•Vua thọ nhất là Lê Hiển Tông (69 tuổi), vua mất sớm nhất là Lê Gia Tông (14 tuổi).
•Có 7 vua chỉ sống không quá 20 tuổi. Đó là: Lê Thái Tông (19 tuổi), Lê Nhân Tông (18 tuổi), Lê Túc Tông (16 tuổi), Lê Cung Hoàng (20 tuổi), Lê Chân Tông (19 tuổi), Lê Huyền Tông (17 tuổi) và Lê Gia Tông (14 tuổi).
•Có 7 vua chỉ thọ từ trên 20 đến 30 tuổi. Đó là: Lê Nghi Dân (21 tuổi), Lê Uy Mục (21 tuổi), Lê Tương Dực (28 tuổi), Lê Chiêu Tông (24 tuổi), Lê Trung Tông (22 tuổi), Lê Đế Duy Phường (27 tuổi) và Lê Chiêu Thống (28 tuổi).
•Vua lên ngôi muộn nhất là Lê Thái Tổ (năm 43 tuổi), vua lên ngôi sớm nhất là Lê Nhân Tông (lúc 1 tuổi).
•Có 5 vua lên ngôi từ lúc 10 tuổi trở xuống. Đó là: Lê Thái Tông (10 tuổi), Lê Nhân Tông (1 tuổi), Lê Chiêu Tông (10 tuổi), Lê Thế Tông (6 tuổi) và Lê Gia Tông (10 tuổi).
•Vua ở ngôi lâu nhất là Lê Hiển Tông (46 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Lê Nghi Dân (8 tháng), Lê Túc Tông (6 tháng).
•Có một người làm vua hai lần, đó là Lê Thần Tông.
•Có 7 vua thọ từ 40 tuổi trở lên. Đó là: Lê Thái Tổ (48 tuổi), Lê Thánh Tông (55 tuổi), Lê Hiến Tông (43 tuổi), Lê Anh Tông (41 tuổi), Lê Thần Tông (55 tuổi), Lê Ý Tông (40 tuổi) và Lê Hiển Tông (69 tuổi).
•Vua đặt nhiều niên hiệu nhất: Lê Thần Tông (tổng cộng hai lần làm vua, đặt 6 niên hiệu).
•Có 8 vua chết vì bị giết. Đó là: Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, Lê Anh Tông, Lê Kính Tông và Lê Đế Duy Phường.
•Vua được lịch sử tôn làm anh hùng là Lê Thái Tổ, vua có tên tuổi rực rỡ nhất trong thời kì trị nước là Lê Thánh Tông, vua bị đời đời lên án vì tội phản quốc là Lê Chiêu Thống.
Chương 8 : THẾ THỨ TRIỀU MẠC
TIỂU DẪN
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Triều Mạc được dựng lên kể từ đó. Đành thịnh suy mỗi lúc một khác, nhưng xét về danh nghĩa, phải đến năm 1677, triều Mạc mới bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo đó mà tính thì triều Mạc đã tồn tại 150 năm, và đấy là một khoảng thời gian lịch sử rất đáng kể.
Nhưng từ năm 1527 trở đi, trên đất nước ta không phải chỉ có triều Mạc mà còn có cả triều Lê, rồi từ năm 1558 trở đi lại có thêm chính quyền của họ Nguyễn ở phía nam nữa. Đó là thực tế khiến cho các nhà sử học dễ bị lúng túng khi trình bày về diễn tiến của lịch sử dân tộc ở giai đoạn này.
Ở đây, chúng tôi chỉ có ý định giới thiệu thế thứ của các triều đại sao cho dễ theo dõi chứ không hề có ý định tham gia vào cuộc thảo luận để đánh giá triều Mạc, bởi vậy, xin bạn đọc chớ nghĩ rằng chúng tôi có chút định kiện nào đó đối với triều Mạc nên mới để triều Mạc ở sau triều Lê thời trung hưng.
Từ năm 1592 trở đi, vai trò của triều Mạc trên vũ đài chính trị của đất nước kể như đã chấm dứt, nhưng dẫu sao thì họ Mạc vẫn còn và vẫn tiếp tục xưng đế xưng vương, cho nên, sách này giới thiệu thế thứ của họ Mạc sau năm 1592 cũng là điều bình thường. Vấn đề ở đây không phải là thực lực và ảnh hưởng của triều Mạc ra sao mà chỉ xét về danh nghĩa triều Mạc tồn tại đến lúc nào.
Bấy giờ, các thế lực phong kiến khác nhau đã tranh chấp với nhau rất quyết liệt. Trong điều kiện đó, lãnh thổ và dân cư của từng thế lực luôn luôn bị biến động, mọi ghi chép của sử cũ về hai lĩnh vực này chỉ có ý nghĩa tham khảo trong một thời điểm cụ thể nào đó chứ không có giá trị chung cho cả triều Mạc.
I – THẾ THỨ THỜI CƯỜNG THỊNH CỦA TRIỀU MẠC
1 – Mạc Thái Tổ (1527 – 1529)
– Họ và tên: Mạc Đăng Dung.
– Nguyên quán: Cổ Trai, Nghi Dương (nay thuộc Hải Phòng).
– Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung sống bằng nghề đánh cá, sau thi đỗ lực sĩ. Đời Lê Tương Dực (1509 – 1516), Mạc Đăng Dung giữ chức Đô chỉ huy sứ, tước Vũ Xuyên bá. Mạc Đăng Dung làm quan trải ba triều (Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng). Thời Lê Cung Hoàng (1522 – 1527), Mạc Đăng Dung được phong làm Thái Sư Nhân Quốc Công rồi đến An Hưng Vương.
– Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê, làm vua từ tháng 6 năm 1527 đến tháng 12 năm Kỉ Sửu (1529) thì nhường ngôi cho con để làm thượng hoàng.
– Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão (1483) mất ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu (1541), thọ 58 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Mạc Đăng Dung có đặt một niên hiệu là Minh Đức (1527 – 1529).
2 – Mạc Thái Tông (1530 – 1540)
– Họ và tên: Mạc Đăng Doanh.
– Thái Tông là con trưởng của Mạc Thái Tổ, thân mẫu là ai, chào đời năm nào thì chưa rõ.
– Được truyền ngôi ngày 1 tháng 1 năm Canh Dần (1530), ở ngôi 10 năm (1530 – 1540), mất ngày 15 tháng 1 năm Canh Tí (1540), không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Thái Tông có đặt một niên hiệu là Đại Chính (1530 – 1540).
3 – Mạc Hiến Tông (1540 – 1546)
– Họ và tên: Mạc Phúc Hải.
– Hiến Tông là con trưởng của Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), thân mẫu là ai, sinh năm nào chưa rõ.
– Lên ngôi cuối tháng 1 năm Canh Tí (1540), ở ngôi 6 năm (1540 -1546), mất ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), nay chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Mạc Hiến Tông có đặt một niên hiệu là Quảng Hoà (1540 – 1546).
4 – Mạc Tuyên Tông (1546-1561)
– Họ và tên: Mạc Phúc Nguyên.
– Tuyên Tông là con trưởng của Hiến Tông (Mạc Phúc Hải), thân mẫu là ai sinh năm nào chưa rõ.
– Lên ngôi tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), ở ngôi 15 năm (1546 – 1561), mất vào tháng 12 năm Tân Dậu (1561), chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Mạc Tuyên Tông đã đặt 3 niên hiệu sau đây:
•Vĩnh Định: 1547
•Cảnh Lịch: 1548 – 1553
•Quang Bảo: 1554 – 1561.
5 – Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592)
– Mạc Mậu Hợp là họ và tên thật, nhưng vị vua thứ năm này của nhà Mạc sau vì bị giết nên theo điển lễ xưa, không được đặt miếu hiệu. Sử cũ theo đúng điển lễ cổ mà chép thế thứ theo họ tên thật của vua.
– Mạc Mậu Hợp là con của Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên), thân mẫu là ai, sinh năm nào chưa rõ.
– Lên ngôi tháng 1 năm Nhâm Tuất (1562), ở ngôi 31 năm (1562 – 1592), bị Trịnh Tùng giết chết vào tháng 12 năm Nhâm Thìn (1592), thọ bao nhiêu tuổi chưa rõ.
– Trong thời gian 31 năm ở ngôi, Mạc Mậu Hợp đã đặt sáu niên hiệu sau đây:
•Thuần Phúc: 1562 – 1565
•Sùng Khang: 1566 – 1577
•Diên Thành: 1578 – 1585
•Đoan Thái: 1586 – 1587
•Hưng Trị: 1588 – 1590
•Hồng Ninh: 1591 – 1592.
Như vậy, trong thời cường thịnh, triều Mạc có tất cả 5 vua nối nhau trị vì. Người ở ngôi lâu hơn cả là Mạc Mậu Hợp (31 năm), và chỉ có vua đầu triều Mạc thực hiện chế độ truyền ngôi để làm thượng hoàng. Vua đặt nhiều niên hiệu hơn cả là Mạc Mậu Hợp (6 niên hiệu) và Mạc Tuyên Tông (3 niên hiệu).
II – THẾ THỨ THỜI SUY TÀN CỦA NHÀ MẠC
Sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết, triều Mạc tan rã. Một số tôn thất của nhà Mạc đã tập hợp tàn binh, quyết chống đối nhà Lê đến cùng. Hoạt động của nhà Mạc lúc này tập trung chủ yếu ở khu vực tỉnh Cao Bằng ngày nay.
Điều đáng tiếc là tiềm lực của nhà Mạc không còn gì đáng kể nữa nhưng có lúc, nhà Mạc lại có tới những hai vua. Các vua sau này của nhà Mạc đều không có miếu hiệu nên chúng tôi theo sử cũ mà chép theo họ và tên thật. Sau Mạc Mậu Hợp. nhà Mạc còn có 5 vua sau đây:
1 – Mạc Toàn (1592 – 1593)
– Được cha là Mạc Mậu Hợp truyền ngôi vào tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592).
– Bị Trịnh Tùng bắt vào tháng 1 năm Quý Tị (1593) và bị giết cùng với Mạc Kính Chỉ.
– Niên hiệu khi ở ngôi là Vũ.
2 – Mạc Kính Chỉ (1592 – 1593)
– Mạc Kính Chỉ là con của Mạc Kính Điển. cháu nội của vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải).
– Lên ngôi ngay sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết. Ở ngôi đến tháng 1 năm Quý Tị (1593) thì bị Trịnh Tùng bắt và giết.
– Niên hiệu khi ở ngôi là Bảo Định (1592) và Khang Hựu (1593 – vừa đặt thì bị bắt và bị giết).
3 – Mạc Kính Cung (1593 – 1625)
– Tự lập làm vua năm Quý Tị (1593), ở ngôi cho đến năm Ất Sửu (1625), tổng cộng 32 năm.
– Bị Trịnh Tráng bắt giết vào tháng 5 năm 1625.
– Niên hiệu khi ở ngôi là Càn Thống.
4 – Mạc Kính Khoan (1623 – 1638)
– Tự lập làm vua ngay khi Mạc Kính Cung còn sống.
– Mất vì bệnh vào tháng 3 năm Mậu Dần (1638), chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi. Ở ngôi 15 năm (1623 – 1638).
– Niên hiệu khi ở ngôi là Long Thái.
– Trước đó vào năm Ất Sửu (1625), Mạc Kính Khoan đã vì thế cô mà xin đầu hàng chúa Trịnh Tráng. Nhưng rồi từ khi về lại với đất Cao Bằng, Mạc Kính Khoan liến lập phủ đệ và sau đó xưng đế như cũ. Bởi sự kiện này, nhiều sách chép về Mạc Kính Khoan chỉ đến năm 1625 mà thôi.
5 – Mạc Kính Vũ (1638 – 1677)
– Mạc Kính Vũ là con của Mạc Kính Khoan. Kính Vũ còn có tên khác là Kính Hoàn.
– Nối ngôi Mạc Kính Khoan kể từ năm Mậu Dần (1638).
– Ở ngôi 39 năm. Đầu năm Đinh Tị (1677), bị chúa Trịnh Tạc đánh, phải chạy sang Trung Quốc, sau không rõ sống chết ra sao.
– Cũng tương tự như cha, tháng 9 năm Đinh Mùi (1667), vì thế cô, Mạc Kính Vũ đã đầu hàng chúa Trịnh Tạc, nhưng sau Mạc Kính Vũ lại tổ chức lực lượng để chống lại chúa Trịnh. Bởi lẽ này, nhiều sách chỉ chép Mạc Kính Vũ đến năm 1667 là dứt.
– Niên hiệu khi ở ngôi là Thuận Đức (1638 – 1677).
Chương 9 : THẾ THỨ TRIỀU TRỊNH -NGUYỄN
I – THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA TRỊNH
TIỂU DẪN
Từ năm 1533, Nam triều được dựng lên, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính thực sự lại nằm trong tay Nguyễn Kim. Tháng 5 năm Ất Tị (1545), Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc (tức Bắc triều) là Dương Chấp Nhất bỏ thuốc độc giết chết. Từ đó, tất cả quyền bính của Nam triều lọt hết vào tay con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Cục diện vua Lê chúa Trịnh bất đầu xuất hiện và xu hướng chung là vị trí của vua Lê ngày càng bị lu mờ.
Ở chương thứ bảy, chúng tôi đã giới thiệu thế thứ các đời vua triều Lê, ở đây xin trình bày tiếp thế thứ các đời chúa Trịnh. Rất tiếc là sử cũ không chép năm sinh cũng như thân mẫu của các chúa, vì vậy, lí lịch của các chúa Trịnh không đầy đủ và rõ ràng.
1 – Trịnh Kiểm (1545 – 1569)
– Tháng 1 năm Ất Tị (1545), sau khi Nguyễn Kim mất, được phong làm Đô tướng tiết chế thuỷ bộ chư dinh. Nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức là Thái sư, tước là Lạng Quốc Công.
– Làm chúa cho đến tháng 10 năm Kỉ Tị (1569) thì nhường ngôi chúa cho con trưởng là Trịnh Cối.
– Mất vào tháng 2 năm Canh Ngọ (1570), không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
2 – Trịnh Cối (1569 – 1570)
– Con trưởng của Trịnh Kiểm, trước đó đã được phong làm Tuấn Đức Hầu.
– Được Trịnh Kiểm truyền ngôi chúa từ tháng 10 năm Kỉ Tị (1569), nhưng ngay sau đó bị em là Trịnh Tùng đem quân đến đánh để giành quyền. Cuộc tranh giành xảy ra quyết liệt nhất vào tháng 4 năm Canh Ngọ (1570).
– Tháng 8 năm Canh Ngọ (1570), Trịnh Cối đầu hàng nhà Mạc, mất năm Giáp Thân (1584).
3 – Trịnh Tùng (1570 – 1623)
– Con thứ của Trịnh Kiểm, trước đó đã được phong là Từ Phúc Lương Hầu.
– Giành được ngôi chúa từ tay anh vào tháng 8 năm Canh Ngọ (1570), được vua Lê phong làm Tiết Chế thuỷ bộ chư dinh.
– Tháng 1 năm Quý Dậu (1573), tự phong là Đô tướng tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại binh chương quân quốc trọng sự.
– Ít lâu sau lại tự phong làm Đô nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng phụ bình an vương.
– Mất vì bệnh vào tháng 6 năm Quý Hợi (1623).
4 – Trịnh Tráng (1623 – 1657)
– Con trưởng của Trịnh Tùng.
– Tháng 2 năm Mậu Tuất (1598) được phong làm Bình Quận Công, sau đổi là Thanh Quận Công.
– Tháng 6 năm Quý Hợi (1623) được nối ngôi chúa.
– Tháng 11 năm Quý Hợi (1623) tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Thanh Đô Vương.
– Tháng 10 năm Đinh Mão (1651) tự phong làm Sư phụ. Thanh Vương.
– Tháng 10 năm Dinh Mão (1651) được nhà Minh phong làm Phó quốc vương.
– Mất vào tháng 4 năm Đinh Dậu (1657).
5 – Trịnh Tạc (1657 – 1682)
– Con trưởng của Trịnh Tráng.
– Tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1642), được phong làm Tây Quận Công.
– Tháng 4 năm Ất Dậu (1645), được phong làm Thái uý, Tây Quốc Công.
– Nối ngôi chúa từ tháng 4 năm Đinh Dậu (1657).
– Tháng 9 năm Kỉ Hợi (1659), tự phong làm Thượng sư Tây vương.
– Tháng 4 năm Mậu Thân (1668), tự phong làm Nguyên soái, Thượng sư thái phụ Tây vương.
– Mất vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1682).
6 – Trịnh Căn (1682 – 1709)
– Con trưởng của Trinh Tạc.
– Tháng 4 năm Quý Dậu (1657), được phong làm Thái bảo, Phú quốc công.
– Tháng 9 năm Quý Dậu (1657), được phong làm Thái phó.
– Tháng 7 năm Giáp Dần (1674), được phong làm Nguyên soái, tước Định Nam Vương và tự xưng là Phó Vương.
– Nối ngôi chúa từ tháng 5 năm Nhâm Tuất (1682).
– Tháng 10 năm Giáp Tí (1684), tự phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng thánh phụ sư, Thịnh công nhân minh uy đức định vương, đồng thời phong cho con thứ là Trịnh Bách làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước Kiêm Quốc Công. Đấy là chức dự bi nối ngôi chúa, nhưng Trịnh Bách mất sớm, chưa kịp nối ngôi chúa.
– Mất vào tháng 5 năm Kỉ Sửu (1709).
7 – Trịnh Bách (1684)
– Con thứ của Trịnh Căn (con trưởng của Trịnh Căn mất sớm).
– Tháng 10 năm Giáp Tí (1684), được phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dính, chức Thái uý, tước Kiêm Quốc Công. Chức ấy và tước ấy có nghĩa là từ năm 1684, Trịnh Bách bắt đầu làm những công việc của người ở ngôi chúa, dù chưa thực sự nối ngôi chúa.
8 – Trịnh Bính (1688)
– Con trưởng của Trịnh Vĩnh, cháu đích tôn của Trịnh Căn. Trịnh Vĩnh mất sớm nên Trịnh Căn đã có ý lập Trịnh Bách.
– Tháng 2 năm Mậu Thìn (1688), vì chú là Trịnh Bách đã mất nên được Trịnh Căn phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh chức Thái uý, tước Tấn Quốc Công. Đó là chức tước của người chuẩn bị nối ngôi chúa, nhưng chưa kịp chính thức nối ngôi thì Trịnh Bính mất.
9 – Trịnh Cương (1709 – 1729)
– Con của Trịnh Bính.
– Tháng 1 năm Quý Mùi (1703) được phong làm Tiết chế, An Quốc Công.
– Tháng 5 năm Kỉ Sửu (1709) lên nối nghiệp chúa, tự xưng là Nguyên soái Tổng quốc chính, An Đô Vương.
– Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714), tự phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư, An Vương.
– Mất vào tháng 10 năm Kỉ Dậu (1729).
10 – Trịnh Giang (1729 – 1740)
– Con của Trịnh Cương. Cũng có sách gọi Trịnh Giang là Trịnh Khương.
– Tháng 5 năm Canh Tí (1720) được lập làm thế tử.
– Nối nghiệp chúa kể từ tháng 10 năm Kỉ Dậu (1729).
– Tháng 4 năm Canh Tuất (1730), tự phong là Nguyên soái, Thống quốc chính, Uy Nam Vương.
– Tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), tự phong làm Đại nguyên soái, Thượng sư, Uy Vương.
– Tháng 9 năm Kỉ Mùi (1739) xưng là An Nam Thượng Vương.
– Tháng 1 năm Canh Thân (1740), nhường ngôi cho em để làm thái thượng vương.
– Mất vào tháng 12 năm Tân Tị (1761).
11 – Trịnh Doanh (1740 – 1767)
– Con của Trịnh Cương, em Trịnh Giang.
– Đầu năm Bính Thìn (1736), được Trịnh Giang phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước Ân Quốc Công.
– Tháng 1 năm Canh Thân (1740), được nối ngôi chúa. tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Minh Đô Vương.
– Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1742), tự phong Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư, Minh Vương.
– Mất vào tháng 1 năm Đinh Hợi (1767).
12 – Trịnh Sâm (1767 – 1782)
– Con Trịnh Doanh.
– Tháng 10 năm Mậu Dần (1758) được Trịnh Doanh phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước là Tĩnh Quốc Công.
– Nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Đinh Hợi (1767), xưng là Nguyên soái, Tĩnh Đô Vương.
– Tháng 8 năm Kỉ Sửu (1769), tự phong làm Thượng sư Tĩnh Vương.
– Tháng 10 năm Canh Dần (1770), tự phong làm Thượng sư, Thượng phụ, Duệ đoan văn công vũ đức, Tĩnh Vương.
– Mất vào tháng 9 năm Nhâm Dần (1782).
13 – Trịnh Cán (1782)
– Con thứ của Trịnh Sâm, mẹ là Đặng Thị Huệ.
– Tháng 10 năm Tân Sửu (1781) được Trịnh Sâm lập làm thế tử.
– Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782) lên nối nghiệp chúa.
– Tháng 10 năm Nhâm Dần bị anh là Trịnh Khải hợp mưu với kiêu binh truất phế.
– Chết vì bệnh vào cuối năm Nhâm Dần (1782).
14 – Trịnh Khải (1782 – 1786)
– Con trưởng của Trịnh Sâm, sinh năm Quý Mùi (1768), mẹ người họ Dương.
– Tháng 9 năm Canh Tí (1780) bị Trịnh Sâm truất bỏ ngôi con trưởng rồi sau đó còn bị bắt giam.
– Tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), phế bỏ em là Trịnh Cán và tự lập làm chúa.
– Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), khi Tây Sơn tấn công ra Bắc Hà, Trịnh Khải bỏ kinh thành Thăng Long chạy trốn, nhưng lại bị người học trò của Lý Trần Quán là Nguyễn Trang bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Khải tự tử thọ 26 tuổi.
15 – Trịnh Bồng (1786)
– Lí lịch trước đó không rõ, chỉ biết vào tháng 9 năm Bính Ngọ (1786), khi Trịnh Khải đã tự tử, Trịnh Bồng tự lập làm chúa, xưng là Nguyên soái, Yến Đô Vương.
– Tháng 11 năm Bính Ngọ (1786), bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi, sau không rõ sống chết ra sao.
II – THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA NGUYỄN
1 – Nguyễn Hoàng (1558 – 1613)
– Con thứ hai của Nguyễn Kim (người có công dựng ra Nam triều, sau được truy tôn là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế). Thân mẫu người họ Nguyễn (con gái của quan Đặc Tiến Phụ quốc thượng tướng quân, thự vệ sự triều Lê), sau được truy tôn là Tĩnh hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 8 năm Ất Dậu (1525).
– Vào trấn thủ Thuận Hoá tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) và đến tháng 11 năm Canh Ngọ (1570) thì kiêm quản cả xứ Quảng Nam (thay cho Nguyễn Bá Quýnh).
– Tháng 5 năm Quý Tị (1593) được phong làm Thái uý, Đoan Quốc Công.
– Ở ngôi chúa 55 năm, dân thường gọi là chúa Tiên, mất vào tháng 6 năm Quý Sửu (1613), thọ 88 tuổi.
– Sau được truy tôn làm Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.
– Trong thời gian ở ngôi, Nguyễn Hoàng đã cho quân đánh Chiêm Thành, mở rộng biên cương đến khu vực tỉnh Phú Yên ngày nay. Trận đánh này xảy ra năm Tân Hợi (1611).
2 – Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635)
– Con thứ 6 của Nguyễn Hoàng, (bốn người con đầu của Nguyễn Hoàng đều mất sớm, người con thứ 5 thì phải làm con tin ở Đàng Ngoài). Thân mẫu người họ Nguyễn. sau được truy tôn là Gia Dụ hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 7 năm Quý Hợi (1563).
– Năm Nhâm Dần (1602) được làm trấn thủ Quảng Nam.
– Nối nghiệp chúa từ tháng 6 năm Quý Sửu (1613), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Thuỵ Quân Công.
– Ở ngôi chúa 22 năm, dân thường gọi là chúa Phật hay chúa Sãi, mất vào tháng 10 năm Ất Hợi (1635), thọ 72 tuổi.
– Sau được truy tôn là Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế.
3 – Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648)
– Con thứ hai của Nguyễn Phúc Nguyên, thâu mẫu người họ Nguyễn, sau được truy tôn là Hiếu Văn hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 7 năm Tân Sửu (1601).
– Nối nghiệp chúa từ tháng 10 năm Ất Hợi (1635), dân thường gọi là chúa Thượng, ở ngôi chúa 13 năm, mất vào tháng 2 năm Mậu Tí (1648), thọ 47 tuổi.
– Sau được truy tôn là Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng Đế.
4 – Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687)
– Con thứ hai của Nguyễn Phúc Lan, thân mẫu người họ Đoàn, sau được truy tôn là Hiếu Chiêu hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 6 năm Canh Thân (1620).
– Nối nghiệp cha từ tháng 2 năm Mậu Tí (1648), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái Bảo, tước Dũng Quốc Công, dân thường gọi là chúa Hiền.
– Ở ngôi chúa 39 năm, mất vào tháng 3 năm Đinh Mão (1687), thọ 67 tuổi. Sau được truy tôn là Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế.
5 – Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691)
– Con thứ hai của Nguyễn Phúc Tần, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Triết hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 12 năm Kỉ Sửu (1649).
– Nối nghiệp chúa từ tháng 3 năm Đinh Mão (1687), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái phó, tước Hoàng Quốc Công, dân thường gọi là chúa Nghĩa.
– Ở ngôi chúa 4 năm, mất vào tháng 1 năm Tân Mùi (1691), thọ 42 tuổi.
– Sau được truy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế.
6 – Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725)
– Con trưởng của Nguyễn Phúc Trăn, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Nghĩa hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 5 năm Ất Mão (1675).
– Nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Tân Mùi (1691), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Tộ Quận Công, dân thường gọi là Quốc chúa.
– Ở ngôi chúa 34 năm, mất vào tháng 4 năm Ất Tị (1725) thọ 50 tuổi.
– Sau được truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế.
– Trong thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Chu có ba lần mở rộng lãnh thổ.
– Lần thứ nhất: lấy hết phần đất còn lại của Chiêm Thành (năm Quý Dậu, 1693), biên giới cực nam của xứ Đàng Trong, từ đó kéo dài đến Bình Thuận ngày nay.
– Lần thứ hai: lấy một phần đất Chân Lạp tiếp giáp với xứ Đàng Trong, tương ứng với miền đông Nam Bộ ngày nay (năm Mậu Dần, 1698).
– Lần thứ ba: nhận đất xứ Hà Tiên do Mạc Cửu dâng. Đất này tương ứng với toàn bộ tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và một phần nhỏ của tỉnh An Giang và tỉnh Sóc Trăng ngày nay (năm Giáp Ngọ, 1714).
7 – Nguyễn Phúc Chú (1725 – 1738)
– Con trưởng của Nguyễn Phúc Chu, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Minh hoàng hậu.
– Sinh vào tháng 12 năm Bính Tí (1696).
– Nối nghiệp chúa từ tháng 4 năm Ất Tị (1725) xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái phó, tước Đỉnh Quốc Công, dân thường gọi là Ninh Vương.
– Ở ngôi chúa 13 năm, mất vào tháng 4 năm Mậu Ngọ (1738) thọ 42 tuổi.
– Sau được truy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế.
8 – Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765)
– Con trưởng của Nguyễn Phúc Chú, thân mẫu người họ Trương, sau được truy tôn là Hiếu Ninh hoàng hậu.
– Sinh vâo tháng 8 năm Giáp Ngọ (1714).
– Nối nghiệp chúa từ tháng 4 năm Mậu Ngọ (1738), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo. tước Hiếu Quận Công, dân thường gọi là Võ Vương.
– Ở ngôi chúa 27 năm, mất tháng 4 năm Ất Dậu (1765), thọ 51 tuổi.
– Sau được truy tôn là Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế.
– Trong thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Khoát đã giúp Nặc Tôn lên ngôi vua Chân Lạp. Đáp lại, Nặc Tôn đã cắt dâng miền đất nằm giữa Hà Tiên với miền đông Nam Bộ ngày nay cho chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ngoài ra, Nặc Tôn còn cắt tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu, người chỉ huy quân của chúa Nguyễn giúp Nặc Tôn) 5 châu nữa. Cả năm châu đó, triều Nguyễn đã trả lại cho Chân Lạp vào năm đầu đời Tự Đức (1848).
9 – Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777)
Con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát. thân mẫu người họ Nguyễn, sau đi tu, được truy tôn là Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư.
– Sinh vào tháng 11 năm Giáp Tuất (1754).
– Nối nghiệp chúa từ tháng 5 năm Ất Dậu (1765), ở ngôi chúa 12 năm, mất vào tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), khi bị Tây Sơn đánh đuổi ở Gia Định.
– Dân thường gọi là Định Vương.
– Sau được truy tôn là Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế.
Chương 10 : THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
I – SỰ HÌNH THÀNH CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
Năm 1771, từ đất Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, một cuộc vùng dậy mạnh mẽ chưa từng thấy đã bùng nổ. sử gọi đó là phong trào Tây Sơn. Xuất phát điểm, Tây Sơn là một phong trào đấu tranh giai cấp, phản ánh cuộc xung đột dữ dội giữa một bên là nông dân với một bên là giai cấp phong kiến thống trị của Đàng Trong. Nhưng càng về sau, quy mô cũng như tính chất của phong trào Tây Sơn càng thay đổi một cách nhanh chóng và sâu sắc.
– Từ năm 1771 đến năm 1783, Tây Sơn thực sự là đội quân nông dân, hành động đúng như lời hịch ban ra lúc mới dựng cờ xướng nghĩa, là: “Tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than”.
– Từ năm 1784 trở đi, khi mà giai cấp phong kiến thống trị ở Đàng Trong đã đi từ chỗ đối nghịch với phong trào Tây Sơn đến chỗ phản bội quyền lợi của dân tộc và cam tâm rước giặc Xiêm La về giày xéo đất nước, phong trào Tây Sơn đã kịp thời chuyển hoá một cách kì diệu, tự phá bỏ ranh giới chật hẹp của cuộc đấu tranh giai cấp, quả cảm vươn lên đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, tấn công không khoan nhượng vào cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), vừa là cống hiến xuất sắc của phong trào Tây Sơn, vừa là trận phản ánh quá trình thay đổi hoàn toàn về chất của chính phong trào này.
– Từ năm 1786 trở đi, phong trào Tây Sơn lan rộng ra cả Đàng Ngoài, trở thành cơn bão lửa quật khởi của nông dân cả nước, hiên ngang tuyên chiến với toàn bộ cơ đồ thống trị của giai cấp phong kiến đương thời. Lần đầu tiên, Tây Sơn đã thực hiện được một nhiệm vụ trọng đại, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân dân là xoá bỏ biên giới sông Gianh, nối liền lãnh thổ Đàng Trong với Đàng Ngoài.
– Năm 1789, một lần nữa, Tây Sơn đã trừng trị đích đáng hành vi cướp nước và tội phản quốc của tập toàn phong kiến thống trị. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa là trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất của Tây Sơn, cũng là trận phản ánh sự hoàn tất của quá trình chuyển hoá “từ một đội quân nông dân thành một đội quân dân tộc”.
– Ngay từ năm 1771, các lãnh tụ của phong trào Tây Sơn đã kết hợp một cách khá hài hoà giữa nhiệm vụ lật nhào chế độ thống trị của giai cấp phong kiến với nhiệm vụ xây dựng một hệ thống chính quyền mới. Từ năm 1778. lãnh tụ của Tây Sơn đã xưng là hoàng đế và từ năm 1786 trở đi, Tây Sơn đã có ba hệ thống chính quyền, quản lí ba vùng khác nhau của đất nước. Tuy đều là thành tựu chung của một phong trào. nhưng ba hệ thống chính quyền của Tây Sơn có xu hướng tách biệt nhau khá rõ nét. Bởi thực tế đó, chúng tôi tiến hành giới thiệu thế thứ của chính quyền Tây Sơn theo từng khu vực một.
II – THẾ THỨ CÁC CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
1 – Nguồn gốc chung của anh em Tây Sơn
Năm 1655, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn đã chủ dộng cho quân vượt biên giới sông Gianh, tấn công vào lãnh địa của chúa Trịnh. Quân Nguyễn đã chiếm được một vùng đất rộng lớn, gồm từ Nghệ An trở vào Nam, nhưng sau gần 5 năm, xét thấy không thể giữ được, chúa Nguyễn lại cho rút quân về. Cùng với cuộc rút lui này, chúa Nguyễn đã cưỡng ép rất nhiều dân cư Đàng Ngoài di cư vào Đàng Trong. Tổ tiên của anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) là một trong những nạn nhân của cuộc cưỡng ép di cư. Nay ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vẫn còn một khu đất bằng phẳng, tương truyền đó chính là khu mộ tổ của anh em Tây Sơn.
Vào Nam, tổ tiên của anh em Tây Sơn bị đưa về khu vực phía trên đèo An Khê. Sau một thời gian khai hoang, họ đã góp phần tạo ra ấp Tây Sơn, gồm có ấp Nhất, và ấp Nhì (hai đều thuộc huyện An Khê).
Vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, một người của họ Hồ là Hồ Phi Phúc đã di cư về quê vợ của ông là thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Khu Gò Lăng ở xã này, tương truyền, chính là nền nhà cũ của Hồ Phi Phúc. Sau một thời gian cư ngụ tại quê vợ, Hồ Phi Phúc lại chuyển đến ở thôn Kiên Mĩ (một địa điểm cách thôn Phú Lạc không xa).
Từ lúc phải rời đất tổ là Nghệ An để vào Nam cho đến khi ba anh em Tây Sơn chào đời, họ Hồ đã trải bốn thế hệ khác nhau. Họ đã sống ở bốn địa điểm khác nhau là Hưng Nguyên, Tây Sơn, Phú Lạc và Kiên Mĩ. Đến đời thứ tư, không rõ vì sao anh em Tây Sơn lại lấy theo họ mẹ là họ Nguyễn.
Anh em Tây Sơn có nguồn gốc nông dân, nhưng là nông dân khá giả và có được học hành cả văn chương lẫn võ nghệ.
2 – Thế thứ chính quyền Nguyễn Nhạc
a – Nguyễn Nhạc (? – 1793)
– Nguyễn Nhạc là tên thật. Ngoài ra, ông còn có hai tên gọi khác, là ông Hai Trầu. (vì có một thời ông làm nghề buôn trầu) và ông Biện Nhạc (vì có một thời ông làm biện lại là chức dịch của một sở tuần ti, tương tự như nhân viên thu thuế).
– Con trưởng của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng.
– Nguyễn Nhạc sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông lớn hơn em là Nguyễn Huệ khoảng mười tuổi. Có người phỏng đoán ông sinh năm 1743.
– Năm 1771, ông là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
– Năm 1773, ông xưng là Tây Sơn Đệ Nhất trại chủ.
– Tháng 3 năm 1776, xưng là Tây Sơn Vương, đóng đô ở thành Đồ Bàn (ngày nay thuộc tỉnh Binh Đinh).
– Năm 1778, lên ngôi hoàng đế, dặt niên hiệu là Thái Đức, từ đó, đổi gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế.
– Năm 1786, xưng là Trung ương hoàng đế và dời đô về Quy Nhơn.
– Mất năm 1793 vì bệnh.
b – Nguyễn Bảo
– Con của Nguyễn Nhạc, sinh và mất năm nào không rõ.
– Nối ngôi cha năm 1793.
– Sau, Quang Toản (con của Quang Trung) đánh chiếm hết đất, chỉ phong cho Nguyễn Bảo là Hiếu Công, cho thu thuế huyện Phù Li làm lương ăn.
3 – Thế thứ chính quyền Nguyễn Huệ
a – Nguyễn Huệ (1753 – 1792)
– Con thứ ba của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Nguyễn Huệ còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Thơm và Nguyễn Văn Bình. Đương thời, dân địa phương thường gọi là ông Ba Thơm.
– Sinh năm 1753.
– Năm 1771, tham gia khởi xướng và là một trong những lãnh tụ của phong trào Tây Sơn.
– Tháng 3 năm 1776, khi Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong làm Phụ chính.
– Năm 1778, được phong làm Long nhương tướng quân.
– Cuối năm 1784, đầu năm 1785, ông là tổng chỉ huy quân đội Tây Sơn, đánh trận quyết định với quân Xiêm La xâm lược do Nguyễn Ánh rước về và đã thắng vang dội ở Rạch Gầm – Xoài Mút.
– Năm 1786, khi Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, ông được phong làm Bắc bình vương, cai quản vùng đất từ Bến Ván (Quảng Nam) ra bắc.
– Ngày 25-11 năm Mậu Thân (1788) tức ngày 22-12-1788, khi Lê Chiêu Thống rước quân xâm lược Mãn Thanh về giày xéo đất nước, để quy tụ lực lượng vào sự nghiệp chống xâm lăng, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung.
– Xuân Kỉ Dậu (1789), đại phá quân Mãn Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử.
– Từ năm 1787, khi cai quản luôn toàn bộ đất đai Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã có ý định xây dựng kinh đô ở Nghệ An, gọi đó là Phượng Hoàng Tnmg Đô.
– Mất ngày 16 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi.
– Con thứ của Quang Trung, mẹ người họ Phạm (mất trước Quang Trung, khi sống được Quang Trung phong là Chánh cung hoàng hậu, khi mất được Quang Trung truy tặng là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ, Chánh hoàng hậu).
– Sinh năm Quý Mão (1783), lúc nhỏ có tên là Trác, do vậy cũng có tên khác lúc nhỏ là ông hoàng Trác.
– Nối ngôi từ tháng 9 năm 1792, ở ngôi 10 năm, sau bị Gia Long bắt và giết vào ngày 7 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802).
4 – Chính quyền Nguyễn Lữ (? – 1787)
– Nguyền Lữ là con thứ tư của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng, không rõ sinh năm nào. Trước khi tham gia phát động và lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, ông còn có tên gọi khác là thầy Tư Lữ.
– Tháng 3 năm 1776, khi Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong làm Thiếu phó.
– Năm 1778. ông được phong làm Tiết chế.
– Năm 1786, khi Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, ông được phong làm Đông định vương, cai quản vùng đất Gia Định (Nam Bộ ngày nay) .
– Năm 1787, ông mất vì bệnh ở Quy Nhơn.
Chương 11 : THẾ THỨ TRIỀU NGUYỄN (1802 – 1945)
I – VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC THỜI NGUYỄN
Sau khi đánh bại toàn bộ lực lượng của Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Triều Nguyễn được dựng lên kể từ đó. Đây là triều đại cuối cùng của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam và trên đại thể, chúng ta có thể chia triều đại này làm hai giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn triều Nguyễn tồn tại với tư cách của một vương triều độc lập (1802 – 1884).
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn triều Nguyễn đã đi từ chỗ thất bại đến đầu hàng để rồi cuối cùng là làm tay sai cho thực dân Pháp xâm lược (1884 – 1945).
Dưới thời Nguyễn, đất nước có mấy điểm đáng lưu ý sau đây:
– Lần đầu tiên, cả nước có chung một hệ thống chính quyền bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài mà trước đó, Tây Sơn đã có công nối liền.
Về quốc hiệu. năm 1802, Gia Long đặt là Nam Việt, nhưng đến năm 1804, nhà Thanh đổi lại thành Việt Nam. Ta có quốc hiệu là Việt Nam kể từ đó. Đến thời Minh Mạng, triều Nguyễn lại cho đổi lại là Đại Nam. và quốc hiệu Đại Nam cũng đã từng được sử sách nhiều lần ghi chép, nhưng trong thực tế thông dụng hơn cả vẫn là quốc hiệu Việt Nam
– Các vua thời Nguyễn chỉ đặt một niên hiệu, do vậy dân vẫn thường quen gọi các vua thời Nguyễn theo niên hiệu, như Gia Long,Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức mà rất ít khi gọi theo miếu hiệu.
– Về lãnh thổ, năm 1848, vua Tự Đức đã cắt trả cho Chân Lạp 5 châu mà năm 1757. Nặc Tôn (vua Chân Lạp) đã cắt tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ (tướng của chúa Nguyễn được cử đem quân đi giúp Nặc Tôn lên ngôi). Năm châu đó là: Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bột, Hương Úc và Chân Sum. Bản đồ nước ta ổn định như ngày nay là bắt đầu từ năm 1848.
– Về dân số, đến những năm cuối cùng của triều Nguyễn, cả nước có 25 triệu người.
II – THẾ THỨ CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN
1 – Nguyễn Thế Tổ (1802 – 1819)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Chủng, tự là Phúc Ánh.
– Con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân. tức là Nguyễn Phúc Kỳ. (Nguyễn Phúc Luân là con thứ ba của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát). Nguyễn Phúc Luân bị Trương Phúc Loan giết hại vào năm 1765. Ông có 5 người con trai nhưng bốn người mất sớm, chỉ còn lại Nguyễn Phúc Ánh mà thôi.
– Sinh ngày 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (1762).
– Năm 1774, khi quân chúa Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, chúa Nguyễn chạy vào Nam để tránh quân Trịnh và quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh theo chúa Nguyễn vào Gia Định.
– Năm 1780, khi chúa Nguyễn bị Tây Sơn giết, Nguyễn Ánh lên ngôi vương, quy tụ lực lượng để chống Tây Sơn.
– Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), sau khi thắng Tây Sơn và chiếm được toàn cõi, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long.
– Ở ngôi 17 năm, mất ngày 19 tháng 12 năm Kỉ Mão (1819), thọ 57 tuổi.
2 – Nguyễn Thánh Tổ (1820 – 1840)
– Họ và tên: Nguyễn Phước Hiệu, hiệu là Phước Đảm.
– Con thứ tư của Nguyễn Thế Tổ (Gia Long), thân mẫu người họ Trần, sau được tôn phong là Thuận Thiên Cao hoàng hậu.
– Sinh năm Tân Hợi (1791).
– Được lập làm thái tử tháng 6 năm Bính Tí (1816).
– Lên ngôi tháng 12 năm 1819, niên hiệu là Minh Mạng.
– Ở ngôi 20 năm, mất năm Canh Tí (1840), thọ 49 tuổi.
3 – Nguyễn Hiến Tổ (1841 – 1847)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Miên Tông.
– Con trưởng của Nguyễn Thánh Tổ (Minh Mạng), thân mẫu là bà Hồ Thị Hoa, người Bình An, Biên Hoà (nay thuộc Thuận An, Bình Dương). Sau bà được tôn phong là Tả Thiên Nhân hoàng hậu.
– Sinh năm Đinh Mão (1807)
– Lên nối ngôi vào tháng 1 năm Tân Sửu (1841), lấy niên hiệu là Thiệu Trị.
– Mất vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), thọ 40 tuổi.
4 – Nguyễn Dực Tông (1848 – 1883)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Thì, hiệu là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
– Con thứ hai của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị), thân mẫu là bà Phạm Thị Hàng (sau được tôn phong là Thái hậu Từ Dũ).
– Sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỉ Sửu (1829).
– Lúc nhỏ được phong là Phước tuy công, lên nối ngôi từ tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), đặt niên hiệu là Tự Đức từ năm 1848.
– Ở ngôi 35 năm, mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (1883), thọ 54 tuổi.
5 – Nguyễn Dục Đức (1883)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ưng Chân.
– Con của Nguyễn Phúc Hồng Y nhưng lại là con nuôi của Nguyễn Dực Tông (Tự Đức).
– Lên ngôi theo di chiếu của Tự Đức, nhưng các quan phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vì không ưa nên vin vào cớ di chiếu có đoạn nói mắt Dục Đức có tật, rồi phế đi khi ông vừa lên ngôi được ba ngày (20, 21 và 22 tháng 7 năm 1883).
– Sinh năm Quý Sửu (1853), bị phế và bị giết năm 1883. thọ 30 tuổi.
6 – Nguyễn Hiệp Hoà (1883)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Hồng Dật.
– Con của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị), em của Nguyễn Dực Tông (Tự Đức), sinh năm nào không rõ.
– Được Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa lên ngôi để thay Dục Đức (Nguyễn Phúc Ưng Chân).
– Ở ngôi được 4 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11 – 1883), niên hiệu Hiệp Hoà. mất ngày 18 tháng 11 năm 1883, vì bị giết.
7 – Nguyễn Giản Tông (1884)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ưng Đăng.
– Con của Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai), nhưng lại làm con nuôi của Nguyễn Dực Tông (Tự Đức).
– Sinh năm Kỉ Tị (1869).
– Lên nối ngôi sau khi Hiệp Hoà bị giết (11 – 1883), ở ngôi đến ngày 6 tháng 4 năm Giáp Thân (1884) thì mất vì bệnh, thọ 15 tuổi.
– Niên hiệu: Kiến Phúc.
8 – Nguyễn Hàm Nghi (1884 -1888)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ưng Lịch.
– Con của Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai), em ruột Kiến Phúc.
– Sinh năm Nhâm Thân (1872), lên ngôi tháng 6 năm 1884, đặt niên hiệu là Hàm Nghi từ năm 1885.
– Ngày 23-6-1885, xuất bôn để lãnh đạo phong trào chống Pháp, lập căn cứ tại Tuyên Hoá (Quảng Bình).
– Ngày 26-9 năm Mậu Tí (1888), bi tên phản thần là Trương Quang Ngọc bắt nạp cho Pháp. bị Pháp đưa đi an trí tại Thuận An một thời gian ngắn, sau đó, đày sang Algérie (An-giê-ri) và mất tại Algérie vào năm 1943, thọ 71 tuổi.
9 – Nguyễn Cảnh Tông (1885 – 1888)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ứng Xuy.
– Con của Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai), anh của Nguyễn Giản Tông (Kiến Phúc) và Nguyễn Hàm Nghi.
– Sinh năm Quý Hợi (1863).
– Lên ngôi ngày 6 tháng 8 năm Ất Dậu (1885).
– Mất vì bệnh ngày 27-12 năm Mậu Tí (1888), thọ 25 tuổi.
– Niên hiệu khi ở ngôi: Đồng Khánh.
10 – Nguyễn Thành Thái (1889 – 1907)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Bửu Lân.
– Con của vua Dục Đức, thân mẫu là bà Phan Thị Điểu (sau được tôn phong là Từ Minh Huệ thái hậu).
– Sinh ngày 22 tháng 2 năm Kĩ Mão (1879).
– Lên ngôi năm 1889, niên hiệu là Thành Thái.
– Năm 1907, bị Pháp đưa đi an trí ở Vũng Tàu. sau bị đày sang đảo Réunion (châu Phi thuộc Pháp).
– Năm 1947 về nước, sống tại Sài Gòn nhưng bị quản thúc.
– Năm 1951 được về thăm Huế một lần.
– Mất ngày 24 tháng 3 năm Giáp Ngọ (1954), thi hài được đem ra Huế, thọ 65 tuổi.
11 – Nguyễn Duy Tân (1907 – 1916)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Vĩnh San.
– Con thứ 8 của Nguyễn Phúc Bửu Lân (Thành Thái).
– Sinh ngày 19 tháng 9 năm 1900.
– Lên ngôi năm 1907, ở ngôi 9 năm, lấy niên hiệu là Duy Tân. Năm 1916, lãnh đạo khởi nghĩa chống pháp (cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân…), bị bắt ngày 3 tháng 11 năm 1916. Sau bị đày sang đảo Réunion. Trong thế chiến thứ hai, Duy Tân từng tham gia lực lượng quân đồng minh chống phát-xít. Duy Tân mất trong một tai nạn máy bay vào ngày 26 tháng 12 năm 1945 tại Bắc Phi (theo tài liệu khác thì ở Trung Phi – CB). Ngày 2 tháng 4 năm 1987, thi hài vua Duy Tân được đem về táng tại Huế (bên cạnh mộ của Thành Thái). Thọ 45 tuổi.
12 – Nguyễn Hoằng Tông (1916 – 1925)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Bửu Đảo.
– Con của Nguyễn Cảnh Tông (Đồng Khánh).
– Sinh năm Nhâm Ngọ (1882).
– Lên ngôi năm 1916, ở ngôi 9 năm, niên hiệu là Khải Định.
– Là tay sai của Pháp, từng sang Pháp (năm 1922), mất vì bệnh năm 1925, thọ 43 tuổi.
13 – Nguyễn Bảo Đại (1925 – 1945)
– Họ và tên: Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ.
– Con của Nguyễn Hoằng Tông (Khải Định).
– Lên nối ngôi năm 1925, niên hiệu là Bảo Đại.
– Tháng 8 năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Bảo Đại thoái vị. Triều Nguyễn đến đó là chấm dứt.
Trở lên là 13 vua của triều Nguyễn, nối nhau trị vì 143 năm (1802 – 1945). Trong số 18 vua của nhà Nguyễn, chúng ta thấy:
– Vua ở ngôi lâu nhất là Nguyễn Dực Tông (Tự Đức): 35 năm, vua ở ngôi ngắn nhất là Nguyễn Dục Đức: ba ngày.
– Vua thọ nhất là Hàm Nghi (71 tuổi), vua mất sớm nhất là Kiến Phúc (15 tuổi).
– Có ba vị vua bị Pháp đem đày đi là: Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Có hai vua bị triều thần giết là Dục Đức và Hiệp Hoà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét