Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Lưu Trọng Văn - TP HCM thiếu... Sài Gòn


Nhiều bạn facebook của gã như Viet Vo, Vo Van Quang, Nhat Hoang Nguyên, Cha Suboyde,  Đan Nam... đã bình luận vào bài viết “TP HCM thiếu cái gì? Ngài Đinh La Thăng chưa trả lời đúng” của gã, rằng “TPHCM thiếu... Sài Gòn”.

Rất hài hước nhưng lại rất sâu sắc.

Cứ ngẫm mà coi!

Cứ nhớ lại tất cả mà coi!

Đó là những lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng một thành phố như TP. HCM muốn phát triển thì phải phát huy hết những tinh hoa, yếu tố tích cực truyền thống của nó mà nhờ những yếu tố ấy nó mới một thời được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông.

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo TP. HCM này phải bình tâm, khách quan tổng kết đến hôm nay  những giá trị truyền thống tốt đẹp nào của Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông đã bị rơi rụng và biến mất thế nào và thay vào đó là những giá trị gì?  Và, vì sao những giá trị mới thay vào đó đã không thể duy trì được vị trị Hòn ngọc Viễn Đông như xưa?

Gã xin được bước đầu liệt kê một số giá trị truyền thống tốt đẹp của Sài Gòn xưa đã góp phần chính tạo nên Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn đông mà TP. HCM nay đã bị mai một: 

- Đất lành.  Vùng đất rộng lớn nằm ở trung tâm phía Nam của đất nước với chằng chịt sông  ngòi kinh rạch nối với toàn vùng và biển cùng hệ sinh thái trù phú và những cánh đồng khoáng đạt của nó với khí hậu luôn ôn hòa, thuận mưa, vừa nắng.

- Đất hội tụ. Hội tụ những anh hào có khát vọng khai phá, mở cõi. Hội tụ, giao lưu cùng phát triển những tinh hoa văn hóa từ mọi vùng miền đất nước cũng như các nền văn hóa vĩ đại Ấn Độ, Trung Hoa, Phương Tây đặc biệt là hai nền văn minh công nghệ, khoa học  Pháp, Hoa Kỳ...

- Đất của tự do và sự mở lòng, phóng khoáng tạo nên tính cách rộng rãi, bao dung, nghĩa hiệp của người Nam Bộ nói chung, người Sài Gòn nói riêng, tạo nên một không gian của nền kinh tế thị trường tiến bộ, tạo nên sự sầm uất giao thương. Và chính với tính cách, đặc điểm vượt trội ấy Sài Gòn là nơi tiếp thu sớm nhất, nhanh nhất các tư tưởng mới, các cái mới để phát triển.

- Đất của sự tôn trọng nhau trên những nền tảng dân chủ nhất so với các vùng miền khác của đất nước cũng như khu vực kể cả Trung Hoa và Đông Nam Á một thời gian dài khoảng 60 năm đầu thế kỉ 20 - Thời gian chính yếu để Sài Gòn phát triển toàn diện và trở thành Hòn ngọc Viễn đông.

Vâng, rõ ràng ngay cả bây giờ suốt 40 năm khi Sài Gòn với tên gọi mới TP.HCM thì những sức mạnh trên của Sài Gòn dù bị mai một, què cụt, thậm chí bị đè nén, rơi rụng vào dĩ vãng thì vẫn còn đó một cái gì gọi là “Sức sống Sài Gòn” cũng đủ là nơi đột phá cho cái mới hợp quy luật bung ra, cũng đủ là nơi khi làn gió đổi mới của tư duy kinh tế thị trường xuất hiện trở lại  trở thành trung tâm kinh tế, giao thương lớn nhất VN.

Tiếc thay, Sài Gòn đã mất chính mình quá lớn và thời gian quá dài khi mà thế giới đổi thay từng ngày. Chính vì vậy các quốc gia khác của khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, các quốc gia trước đây hướng về Sài Gòn như một giấc mơ đã vượt lên và bỏ Sài Gòn lại quá xa.

Chua chát. Đau đớn. Xấu hổ.

Nhiều người Sài Gòn đã khóc, đã căm giận ói máu nói với gã như thế.

***

Dù sao muộn còn hơn không, thưa ngài Đinh La Thăng! Gã với tư cách công dân Sài Gòn, có gia đình ở Sài Gòn, có con trai yêu thương được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn dù sao cũng có lời cám ơn chân thành tới ngài, người đầu tiên là lãnh đạo cao nhất của TP thấy day dứt, xấu hổ với cái đang có của Sài Gòn để khát khao một  Sài Gòn không những trở lại danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” mà còn là một Sài Gòn đáng sống nhất, nghĩa tình nhất, không chỉ ở VN mà còn ở trên thế giới.

Gã rất xúc cảm với hai chữ Nghĩa tình.

Hãy bắt đầu thật sự chân thành nhất từ hai chữ Nghĩa tình này. 

Nghĩa tình tức là Tình thương yêu nhau.

Có Nghĩa tình chúng ta sẽ có Tất cả. 

Và, thưa ngài, cái mà TP. HCM của ngài đang thiếu nhất chính lại là cái Nghĩa tình ấy:  Nghĩa tình của giai cấp lãnh đạo đối với đồng bào của mình. Nghĩa tình của khoảng vài chục ngàn con người nắm vận mệnh, quyền lực điều khiển TP với 10 triệu người dân của TP.

Gã sẽ nói rõ hơn và chứng minh rõ hơn điều này vào ngày mai.


Lưu Trọng Văn

(FB Lưu Trọng Văn)

Không có nhận xét nào: