Phạm Đình Khanh
Trong kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc ta có bốn câu nổi tiếng khái
quát về công ơn to lớn của cha mẹ và bổn phận hiếu thuận của đạo làm người: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Thành ngữ Tiếng Việt còn có câu “Chín chữ cù lao” nói về công lao khó nhọc của
cha mẹ đối với con, đó là Sinh (Cha
sinh); Cúc (Mẹ đẻ); Phủ (Vỗ về); Dục (Nuôi cho khôn lớn); Cố
(Trông nom); Phục (Quấn quýt); Phủ (Nâng nhấc); Súc (Nuôi cho lớn); Phúc
(Bồng bế). Ngày nay dường như ai cũng
nhận thức được rằng phải trọn đời thờ kính cha mẹ vì cha mẹ đã sinh ra
ta, nuôi dưỡng ta nên người nhưng công sinh thành nuôi dưỡng ấy gian khổ, lớn
lao ra sao và con người phải báo hiếu cha mẹ như thế nào thì không phải ai cũng
đã thấu hiểu.
Gương
chí hiếu xưa nay.
Trong “Lục độ tập kinh” của Phật giáo có câu chuyện thứ 43 kể về một
vị Bồ Tát chí hiếu tên là Thiểm, có lòng thương rộng khắp, xót vì người đời
không trọng Tam bảo nên quyết tâm vào chốn núi rừng tu tập, đem theo cha mẹ
già, đôi mắt đã hết sáng, để phụng dưỡng. Đêm đêm Thiểm thường ba, bảy lần dậy
thăm hỏi hàn huyên với cha mẹ và thông thường mỗi khi nói đến cha mẹ là trào dâng
lòng thương rơi lệ. Hạnh chí hiếu của Thiểm như tiếng thơm bay khắp xa gần, đức
Nhân của Thiểm chiếu xa đến nỗi cầm thú cũng được nương nhờ. Một lần, cha mẹ
khát nước, Thiểm phải đi ra suối lấy nước thì bị vua Ca Di bắn nhầm. Trong cơn
sinh tử, chàng thốt lên: “Ai đã lấy một mũi tên mà giết 3 đạo sĩ? Cha mẹ tôi
tuổi đã già lại bị mù lòa, một buổi không có tôi thì phải chết!”, mà lòng không
hề oán hận người đã bắn mình. Khi biết Thiểm đem cha mẹ vào núi này mà tu học
lên chí Đạo, vua Ca Di nghẹn ngào rơi lệ: “Ta vì bất nhân giết oan mạng vật,
lại giết người chí hiếu!”.