Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

CT Trần Đại Quang: "Giặc tham nhũng được che chắn bằng vỏ bọc của tiền, quyền, quan hệ"; Nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH " phản biện" lại ý kiến của CT Nguyễn Thị Kim Ngân về Luật Biểu tình

"Giặc tham nhũng được che chắn bằng vỏ bọc của tiền, quyền, quan hệ"

Dân trí "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến cam go. Đây là giặc nội xâm, đòi hỏi người thực thi có bản lĩnh và hành động quyết liệt. Loại giặc này có nhiều vỏ bọc che chắn, có thể bằng tiền, quyền, quan hệ và hành động rất tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt...", Chủ tịch nước nói.

Chiều 1/8, Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 1 gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Ngô Tuấn Nghĩa, ông Lâm Đình Thắng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 3, TPHCM.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện với bà con cử tri TPHCM
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện với bà con cử tri TPHCM
Dân sợ "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ... đặt cao hơn trí tuệ"
Tại buổi gặp mặt, các cử tri đã chúc mừng các đại điểu đã trúng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhiệm kỳ mới và kỳ họp Quốc hội khá thành công. Bên cạnh đó, cử tri cũng đóng góp nhiều ý kiến chất vấn xác đáng về những vấn đề "nóng hổi" đã và đang diễn ra trong thời gian qua như tình trạng Formosa xả thải làm cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động chui, các cá nhân có đang ít nhiều "lùm xùm" như ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh), ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, hiện nắm giữ vị trí cao ở Sabeco), ông Trịnh Xuân Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang)...

Cử tri Lê Thanh Tùng tâm đắc lời tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Thủ tướng thề xây dựng Chính phủ liêm khiết và Chính phủ hành động khiến nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, làm cho quần chúng tin tưởng".
Dù đánh giá cao kỳ họp Quốc hội vừa qua nhưng cử tri này đề nghị nhiệm kỳ tới, Đại hội Đảng và Quốc hội nên sát lại gần nhau. Bầu Bộ Chính trị, giới thiệu các chức danh chủ chốt rồi tiến hành ngay họp Quốc hội. Hai kỳ họp quan trọng này nên cách nhau không quá 1 tháng để khỏi tốn kém, khỏi tuyên thệ 2 lần, đỡ mang tính hình thức.
Cử tri Nguyễn Văn Tiến đề nghị Quốc hội nên xem lại tất cả những dự án đầu tư của Trung Quốc đã đưa về Việt Nam. Chấn chỉnh tình trạng thương lái Trung Quốc len lỏi vào các vùng sâu xa để phá hoại sản xuất của nông dân, phao tin đồn nhảm.
"Hãy xem một cách thận trọng hành động của Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề biển Đông. Nếu Đảng, Chính phủ, Nhà nước không mạnh dạn, cảnh giác thì bà con ngư dân vẫn bị tàu thuyền Trung Quốc phá hoại, bắn chết người, lấy ngư cụ, đánh chìm tàu...", ông Tiến nhấn mạnh.
Cử tri này cũng bày tỏ sự quan ngại khi có quá nhiều khách du lịch Trung Quốc vào Đà Nẵng, Nha Trang. Ông Tiến cũng yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trang hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động chui, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng về quyền chủ quyền biển đảo của nước ta.
Đánh giá về công tác cán bộ, cử tri Hồ Quang Chín cho rằng, Chính phủ mới, Quốc hội mới hiện đang là tinh hoa của đất nước. Tuy nhiên, phải chấn chỉnh những trường hợp đặt hậu duệ, quan hệ, tiền tệ... lên trên cả trí tuệ như vụ "lùm xùm" xảy ra đối với ông Vũ Quang Hải, ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Chín cho rằng, thành bại của một đất nước đều do các cán bộ chủ chốt, người lãnh đạo quyết định. Nếu chấn chỉnh được việc này thì ông tin chắc đất nước sẽ đi lên. "Chính các lãnh đạo phải là chủ chốt, là tinh hoa dân tộc. TPHCM chỉ có một Bí thư Đinh La Thăng thôi thì chưa đủ. Phải có 40-50 ông Đinh La Thăng như thế thì TPHCM mới trở thành Hòn ngọc Viễn Đông", ông Chín nói.

Cử tri TPHCM phản ánh nhiều vấn đề nóng hổi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Cử tri TPHCM phản ánh nhiều vấn đề nóng hổi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Đề cao tinh thần trọng danh dự của cán bộ công chức
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong bối cảnh tình hình có cả thuận lơi, thách thức nhưng nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên, nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Mục tiêu phải làm sao phấn đấu thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo tính bền vững và các địa phương tự cân đối được ngân sách chứ không trông chờ trung ương.
Chủ tịch nước cũng cho biết, những năm qua, nợ công liên tục tăng, có nguy cơ vượt trần. Để giải quyết nợ công, trung ương sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để nợ công không vượt trần, cần kiểm soát tốt, giảm thiểu rủi ro.
Giải đáp những thắc mắc, bức xúc của cử tri về công tác nhân sự, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đây là nhiệm vụ then chốt, nguyên nhân thành bại của một quốc gia. Toàn hệ thống chính trị đang tập trung kiện toàn, xây dựng bộ máy liêm khiết, trong sạch, vững mạnh. Xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng cần những cán bộ chất lượng, người đứng đầu gương mẫu.
"Nghiêm khắc xử lý đối với phần tử, cán bộ suy thoái đạo đức, kiên quyết loại trừ lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, ức hiếp quần chúng nhân dân. Chính phủ ta là Chính phủ liêm chính và các tổ chức Đảng phải thực sự vững mạnh", Chủ tịch nước nói.
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử góp phần củng cố lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, chừng đó vụ việc điển hình chưa đủ sức răn đe, chưa đẩy lùi tham nhũng.
"Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến cam go. Đây là giặc nội xâm, đòi hỏi người thực thi có bản lĩnh và hành động quyết liệt. Loại giặc này có nhiều vỏ bọc che chắn, có thể bằng tiền, quyền, quan hệ và hành động rất tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt nên việc phát hiện, điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng rất khó khăn", Chủ tịch nước nói.
Liên quan đến việc người nước ngoài vào Việt Nam lợi dụng làm hướng dẫn viên du lịch để tuyên truyền sai trái, Chủ tịch nước cho biết các cơ quan chức năng đã tăng cường siết vấn đề cư trú, chấn chỉnh việc đi lại để không có tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" như vừa xảy ra tại miền Trung.
Công Quang

Sớm có Luật Biểu tình sẽ giúp quản lý xã hội tốt hơn

THỌ BÌNH - BÙI PHÚ 05/08/2016 - 06:14
VietTimes -- “Nếu có luật, không chỉ người dân được tận hưởng quyền của mình, mà Nhà nước cũng có cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động biểu tình, đồng thời bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình an cho người dân”- ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH chia sẻ.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Luật Biểu tình tuy phức tạp nhưng nếu kéo dài vô tận thời gian nghiên cứu cũng gây ra rất nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Luật Biểu tình tuy phức tạp nhưng nếu kéo dài vô tận thời gian nghiên cứu cũng gây ra rất nhiều rủi ro.
Không nên trì hoãn
Trong phiên họp thứ 50, Ủy ban TVQH đã quyết định lùi thời hạn công bố Luật Biểu tình đến năm 2017. Như vậy, Luật Biểu tình đã hoãn công bố rất nhiều lần. Thưa ông, vì sao Luật Biểu tình lại khó như thế và nó vướng mắc những gì mà đến bây giờ vẫn chưa ra được?
Luật Biểu tình tất nhiên là rất phức tạp. Phức tạp thì tất nhiên là cần có thêm thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, kéo dài vô tận thời gian nghiên cứu cũng không tốt. Dưới đây là những lý do cụ thể:
Thứ nhất, nhu cầu biểu tình của người dân là có thật và đang ngày càng trở nên bức bách. Sự bức bách này có thể bị lợi dụng hoặc có thể dẫn đến những diễn biến tư tưởng không thuận cho trật tự, an toàn xã hội, cũng như sự ổn định nói chung.

Hai là, hiện tại chúng ta đang điều chỉnh về hành vi biểu tình, tụ tập đông người chỉ bằng một văn bản của bộ Công an (Thông tư số 09/2005/TT-BCA Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành ngày 05/9/2005, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ, các trường hợp không cho phép tiến hành hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng-NV) và Nhà nước đang áp dụng thông tư này để quản lý hành vi biểu tình. Tuy nhiên, thực thi thông tư này trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn, bất cập vì theo Hiến pháp năm 2013, các quyền con người, trong đó có quyền biểu tình, chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Nghĩa là phải có văn bản cao hơn Nghị định mới điều chỉnh được hoạt động biểu tình, chứ chưa nói gì đến thông tư.
Về mặt pháp lý, khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, thì tất cả các văn bản dưới luật điều chỉnh quyền biểu tình của người dân đều bị Hiến pháp bãi bỏ và chấp dứt hiệu lực. Điều này có nghĩa là văn bản (Thông tư) của Bộ Công an cũng không còn hiệu lực. Vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một khoảng trống pháp lý liên quan đến hoạt động biểu tình. Càng trì hoãn Luật Biểu tình, chúng ta càng lâm vào một tình cảnh khó xử. Không chỉ người dân khó thực thi quyền của mình, mà các cơ quan nhà nước cũng không có công cụ pháp lý để điều chỉnh hành vi biểu tình và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hiến pháp cho phép hạn chế quyền con người bằng luật trong bốn trường hợp, trong đó có trường hợp vì trật tự, an toàn xã hội. Tại sao lại không sử dụng những quyền năng mà Hiến pháp cho phép để điều chỉnh hoạt động biểu tình mà để bây giờ lực lượng công an bị đẩy vào tình thế khó khăn, làm việc gì cũng bị người dân nói là vi phạm?
Đấy là toàn bộ khía cạnh pháp lý của vấn đề. Theo tôi, không nên, không nên và không nên trì hoãn lâu hơn nữa.
Thứ ba, rõ ràng, nếu không có Luật Biểu tình thì người dân thực thi quyền rất khó. Hiến pháp cho quyền nhưng người dân sẽ thực thi như thế nào? Hoặc là người ta thực thi theo nguyên tắc: luật không cấm thì làm. Hiến pháp cho thì làm. Như vậy, cơ quan nhà nước có dễ quản lý không?
Lý do thứ tư, có Luật Biểu tình mới vừa bảo đảm quyền của người dân và vừa bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bởi vì như tôi nói, biểu tình thường tụ tập rất đông người. Đã tụ tập đông người thì tâm lý đám đông sẽ ngự trị. Tâm lý đám đông là rất dễ bị kích động. Điều này đã được nghiên cứu và kiểm nghiệm trên thực tế. Mà bị kích động thì dễ dẫn đến mất kiểm soát và hoảng loạn. Những cuộc giẫm đạp nhau chết trong các trận đấu bóng đá hay vụ giẫm đạp nhau trong lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia trước đây là những ví dụ mà chúng ta có thể kể ra không hết.
Như vậy, không phải chúng ta làm Luật Biểu tình là gây mất ổn định mà chính không làm Luật Biểu tình mới gây mất ổn định. Bởi vì nếu có luật, người dân sẽ hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật, trong đó gồm cả quy định đăng ký biểu tình thế nào, đi theo đường nào, thời gian là bao nhiêu… Với các quy định chặt chẽ như thế thì người dân vẫn được thực thi quyền biểu tình của mình và cơ quan nhà nước có điều kiện để giám sát, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm được cuộc sống bình yên. Còn nếu không, biểu tình bất ngờ bộc phát, mất trật tự rất dễ xảy ra, cái giá phải trả rất là lớn.
Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý biểu tình. Singapore có hẳn một quảng trường để người dân biểu tình. Nghĩa là muốn biểu tình phải đến quảng trường chứ không phải biểu tình chỗ nào cũng được. Vì biểu tình sẽ ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ, nếu người biểu tình chiếm đường lưu thông thì người khác làm gì còn chỗ để làm ăn. Quyền biểu tình là của “anh”, nhưng quyền tự do đi lại là quyền của người khác, “anh” phải tôn trọng chứ, “anh” không thể nào làm ảnh hưởng đến quyền người khác được. Thành thử, khi chúng ta có quy định pháp luật thì người biểu tình thực thi được quyền của mình. Còn người không muốn biểu tình cũng thực thi được quyền của người ta, người ta mưu cầu công việc của người ta.
Tiếp theo nữa, nên có luật biểu tình để chúng ta khỏi bị các thế lực chống đối phê phán là chúng ta mất dân chủ. Khi mọi việc đều theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và theo chuẩn mực của thế giới thì các thế lực thù định sẽ không thể phê phán được. Còn nếu không, công an giữ gìn trật tự rất dễ bị các thế lực thù địch lấy đó làm cái cớ để vu khống, chống đối.
Học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài biểu tình phản đối vụ giàn khoan Hải Dương của Trung Quốc tiến vào hải phận Việt Nam.
Về vấn đề này dường như QH đang chia làm hai luồng ý kiến khác nhau: một số cho rằng Dự thảo Luật Biểu tình cần thể hiện dưới góc độ đảm bảo quyền biểu tình cho người dân. Ý kiến khác lại cho rằng nên nhìn nhận Luật Biểu tình là để quản lý việc biểu tình. Như vậy, cơ sở lý luận đã không khớp nhau, dẫn đến sự lúng túng về mặt xác định quan điểm nên rất khó để đưa ra luật. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
-Cũng có thể có hai luồng ý kiến như vậy, nhưng theo tôi, hai luồng ý kiến đó không nhất thiết xung đột với nhau. Bởi vì, muốn thực thi quyền thì phải trong khuôn khổ nào đó mới thực thi được, và khuôn khổ đó được áp đặt có nghĩa là quản lý cũng được tăng cường. Hai cái đó không nhất thiết phải xung đột với nhau. Ví dụ, người thực thi quyền biểu tình là phải đi hàng một, thì người không đi biểu tình mới có chỗ để đi lại làm ăn, nếu không, sẽ dẫn đến ách tắc giao thông và cả đời sống xã hội.
Rõ ràng, nếu có những quy định, “anh” thực thi được quyền của “anh”, người khác thực thi được quyền của người ta và trật tự xã hội được bảo đảm. Trật tự xã hội được bảo đảm thì tất cả mọi người đều thực thi được quyền của mình. Như vậy, bảo đảm cho người dân thực thi được quyền biểu tình, thì có nghĩa bảo đảm quản lý được biểu tình. Ví dụ, người biểu tình còn có thể đi biểu tình được vào những ngày hôm sau, nếu kinh tế còn phát triển, xã hội còn làm ra của cái vật chất. Nếu không thì lấy gì ăn mà đi biểu tình. Theo tôi, hai quan điểm trên không nhất thiết phải xung đột với nhau.
Hiệu lực của Sắc lệnh 13
Thưa ông, sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ít ngày, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 13 chỉ có một điều quy định “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các UBND sở tại trong thời kỳ này”. Tại sao trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, nhà nước mới thành lập, công an còn rất yếu, thù trong giặc ngoài mà chúng ta không sợ, trong khi hiện nay, chúng ta có Nhà nước mạnh, quân đội mạnh, dân trí cao, chúng ta lại ngần ngại về việc biểu tình?
 -Tôi cho đấy là điều chúng ta rất cần phải suy ngẫm. Ngoài ra, xét về mặt pháp lý, Sắc lệnh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vẫn còn hiệu lực, vì chưa có văn bản hủy bỏ nó, cũng chưa có văn bản thay thế nó. Nếu Luật Biểu tình ra đời, Luật có thể thay thế sắc lệnh nói trên. Còn nếu Luật Biểu tình chưa ra đời, thì Sắc lệnh đương nhiên vẫn còn hiệu lực. Và theo Sắc lệnh đó, người dân chỉ cần đăng ký với UBND trước 24h là có thể biểu tình.
Có ý kiến sẽ cho rằng Sắc lệnh nói trên đã bị Hiến pháp năm 2013 hủy bỏ. Tuy nhiên, đây là điều không dễ chứng minh. Bởi vì rằng, khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Nghĩa là chỉ có những quy định hạn chế quyền con người của các văn bản dưới luật mới không còn hiệu lực. Thế nhưng, có vẻ như Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch không có quy định nào hạn chế quyền biểu tình cả.
Tại kỳ họp cuối cùng QH khóa trước, khi Chính phủ xin lùi luật biểu tình, Chủ tịch QH lúc ấy là ông Nguyễn Sinh Hùng kiên quyết không cho lùi, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận cho lùi. Hiện nay có rất nhiều cách thức mà tại sao QH không thực thi. Có Đại biểu QH tuyên bố sẵn sàng soạn thảo luật biểu tình để trình QH. Vậy tại sao QH không cho làm theo đề nghị ấy?
-Thực chất, nếu mô hình quản trị quốc gia chuẩn, thì cơ quan có động lực để trình dự án luật không phải là QH. Chính phủ quản lý hành vi biểu tình, QH là cơ quan đại diện cho người dân. Vì thế QH luôn muốn cho người dân có quyền biểu tình. Trong trường hợp này, QH không có động lực đứng ra làm luật để quản lý, để điều chỉnh hành vi biểu tình của người dân.
Chính phủ là cơ quan quản lý hoạt động biểu tình và là cơ quan có động lực điều chỉnh hành vi của người dân ở đây. Chính phủ cần phải có đạo luật để có căn cứ pháp lý cho hoạt động quản lý của mình.
Kinh nghiệm trên thế giới, kinh nghiệm trong nước đã có nhiều rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thông qua được đạo luật biểu tình thì đó là điều rất đáng tiếc. Trên thế giới, các nước đều quản lý biểu tình rất hiệu quả. Bất kỳ ở đâu, nếu đám đông bắt đầu có dấu hiệu của mất kiểm soát, thì sẽ bị giải tán ngay lập tức. Vậy chẳng lý gì Việt Nam lại không làm được?

Xin cám ơn ông!

Không có nhận xét nào: