Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Tướng Rơi ( GĐCA) phát như người trên trời rơi xuống về vụ VTV dàn dựng cảnh phá rừng Đắk Lắk; đâu là sự thật ?; Nghi vấn VTV24 dàn dựng phóng sự phá rừng: Phó TGĐ VTV lên tiếng

Tướng Rơi chính thức phản bác thông tin "VTV dàn dựng cảnh phá rừng"





Hoàng Đan | 
Tướng Rơi chính thức phản bác thông tin "VTV dàn dựng cảnh phá rừng"
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi. Ảnh: Tuổi trẻ.

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã lên tiếng bác bỏ việc công an cung cấp thông tin "tố" VTV dàn dựng cảnh phá rừng trong một số phóng sự điều tra.


Lời bàn của Blog Phạm Viết Đào:

...Báo Người Lao động đưa tin:

"Đến ngày 27-7, Công an tỉnh Đắk Lắk có Văn bản số 565/CAT-PC46 (Văn bản 565) gửi cho Sở TT-TT và lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk"; (Phóng sự của VTV: Xem Văn bản 565 là rõ!

Người Lao Động‎ )
Văn bản 565 ghi rõ Phó GĐ ký thay Giám đốc CA ? 
Nếu Giám đốc CA Tướng Trần Kỳ Rơi phản bác thông tin về VTV dàn dựng cảnh phá rừng thì có nghĩa không thừa nhận văn bản 565 điều này có nghĩa: Phó Giám đốc Phạm Minh Thắng đã mạo danh GĐCA Đăk Lắk hoặc đã không được GĐ phân công nhưng vẫn ký Văn bản 565 gửi UBND tỉnh và Giám đốc Sở TT-TT ?
Yêu cầu các cơ quan chức năng Đăk Lắk phải làm ra nhẽ chuyện này để trả lời công luận chuyện: Đại tá Phạm Minh Thắng mạo danh GĐCA Đăk Lăk hay Tướng Rơi đúng là từ trên trời rơi xuống ?!



Liên quan đến vụ việc VTV bị "tố" dàn dựng cảnh phá rừng trong một số phóng sự phát ngày 4 - 5/5/2016, trao đổi với chúng tôi vào tối 3/8, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, thông tin đó là không chính xác.
Tướng Rơi cũng liên tục khẳng định, công an tỉnh Đắk Lắk không hề cung cấp thông tin cho rằng, phía VTV dàn dựng cảnh phá rừng.
"Việc thông tin, giật tít của báo đưa là không đúng, thông tin không phải như vậy, chúng tôi không hề công bố gì nói VTV dàn dựng cả", tướng Rơi nêu rõ.
Theo tướng Rơi, việc phản ánh của VTV về tình trạng phá rừng là đúng và sau khi phóng sự điều tra của VTV phát sóng, công an tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh những người liên quan đến phá rừng.
"Chúng tôi cũng đang điều tra, xác minh cả những người nhận tiền của lâm tặc như phóng sự đã phản ánh để tìm ra thủ phạm. Trong đó, có 2 người ở Lâm trường Buôn Ja Wầm đã yêu cầu cơ quan chủ quản kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra, làm rõ thủ phạm", tướng Rơi nhấn mạnh.
Tướng Rơi chính thức phản bác thông tin VTV dàn dựng cảnh phá rừng - Ảnh 1.
Ảnh cắt từ clip của VTV.







Về thông tin cho rằng, phóng viên VTV đã nhờ một số người dân chặt hạ cây rừng để làm phóng sự phá rừng trên địa bàn tỉnh, sau đó có cho họ tổng số tiền 600.000 đồng, tướng Rơi cho hay, ông không biết thông tin này.
"Cái đó, ai phản ảnh chứ tôi không biết", ông nói.
Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết thêm, năm nào lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp chặt phá rừng trái phép ở Lâm, Nông trường xa, hẻo lánh.
"Trong mấy năm vừa rồi, công an tỉnh đã bắt rất nhiều vụ chặt phá rừng trái phép, xử lý, đưa ra truy tố về pháp luật hàng chục vụ.
Riêng 6 tháng đầu năm đã có mười mấy vụ được đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện chúng tôi đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành để tăng cường công tác bảo vệ rừng, phát hiện, xử lý cương quyết những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", tướng Rơi thông tin thêm.
Trước đó, ngày 3/8, đại diện Trung tâm tin tức VTV24 có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, công an và đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao trách nhiệm của VTV24 khi đăng tải các thông tin về nạn phá rừng ở địa phương.
Những thông tin đó kịp thời và cho thấy nhiều sai phạm trong công tác bảo vệ rừng. Ngay sau khi phóng sự phát sóng, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề đã được nêu trong phóng sự và làm rõ những tiêu cực.
Theo VTV, ông Hà khẳng định: "Đài Truyền hình VTV đưa là hoàn toàn có chứ không phải không có.
Thứ hai, những vấn đề xem xét để chúng ta có những bước để kiểm tra thông tin. Đồng chí Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh nói là nói trong báo cáo trên cơ sở thẩm tra ban đầu và không có từ nào nói rằng là dàn dựng".
theo Trí Thức Trẻ

Phóng sự của VTV: Xem Văn bản 565 là rõ!

Cao Nguyên - Hồng Ánh


NLĐO - Những phát ngôn của lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk những ngày qua liên quan đến phóng sự phá rừng của VTV đều dựa vào văn bản trao đổi kết quả xác minh của công an tỉnh

Ngày 4-8, đại diện Văn phòng Báo Người Lao Động khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đã đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk liên quan đến những nghi vấn dàn dựng một số chi tiết trong phóng sự phá rừng được phát trong chương trình “Chuyển động 24h” của VTV trong 2 ngày 4 và 5-5. Người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay mọi thông tin liên quan đến vấn đề này đều giao cho một đầu mối là giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Đắk Lắk. Chiều cùng ngày, Báo Người Lao Động đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở TT-TT Đắk Lắk.

Có những nội dung không đúng

Tại buổi làm việc, ông Trần Trung Hiển, Giám đốc Sở TT-TT Đắk Lắk, cho biết ngay sau khi phóng sự của VTV phát, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý sai phạm nếu có. Văn bản chỉ đạo nhiều ngành.

Đến ngày 27-7, Công an tỉnh Đắk Lắk có Văn bản số 565/CAT-PC46 (Văn bản 565) gửi cho Sở TT-TT và lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc trao đổi kết quả xác minh theo nội dung phóng sự của VTV. Theo văn bản này, nhiều nội dung trong phóng sự là đúng sự thật, đã và đang được các cơ quan chức năng xử lý.

“Cũng theo văn bản nêu trên thì bên cạnh đó có những nội dung không đúng và không khách quan” - ông Hiển khẳng định. Đề cập những nội dung không đúng, không khách quan, ông Hiển bảo đọc Văn bản 565 sẽ rất rõ.

Theo Văn bản 565, qua xác minh những người có trong phóng sự, gồm: ông Vừ Dũ Dinh và vợ là bà Sùng Thị Mao; bà Giàng Thị Xá và ông Vàng A Tu (cùng ngụ xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), được biết trong tháng 4 có 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ đến nhà họ xin phỏng vấn, quay phim làm phóng sự tại nương rẫy của họ. Ba người này yêu cầu ông Dinh cầm theo cưa lốc và dẫn họ vào rẫy để quay phim. Ông Dinh không có cưa lốc, họ yêu cầu đi mượn và ra rẫy của gia đình để cưa một cây gỗ đã chặt hạ trước đó và một cây còn sống. Theo Văn bản 565, sau khi thực hiện việc quay phim và phỏng vấn (theo hướng dẫn) thì những người này cho vợ chồng ông Dinh 500.000 đồng; ông Tu 100.000 đồng.

Cũng theo Văn bản 565, kiểm tra hiện trường quay phóng sự xác định khu vực này là rẫy của ông Dinh tại tiểu khu 342A thuộc diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý, bị một số hộ dân thôn Đông Giang tự ý khai hoang từ năm 1996 và trồng cây nông nghiệp cho đến nay; không phải diện tích rừng mới khai hoang, bị chặt phá như phản ánh trong phóng sự.

Chưa có văn bản nào phủ nhận

Theo ông Hiển, cho đến lúc này, chưa có văn bản nào phủ định nội dung Văn bản 565 về kết quả xác minh ban đầu của Công an tỉnh Đắk Lắk.

“Hiện nay, chưa có một báo cáo nào của cơ quan chức năng mà chúng tôi nhận được ngoài Văn bản 565. Chưa có căn cứ nào ngoài Văn bản 565 cả” - ông Hiển nhấn mạnh. Ông cũng cho biết vì thế mà sáng 4-8, tỉnh Đắk Lắk đã đưa toàn bộ văn bản này lên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Hiển, tất cả các phát ngôn, ý kiến của lãnh đạo cũng như của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk từ cuộc họp báo ngày 2-8 cũng như những ngày qua đều căn cứ Văn bản 565. Ông Hiển cũng là người tham dự cuộc “trao đổi thông tin” giữa lãnh đạo Đắk Lắk và các cơ quan chức năng của tỉnh với các phóng viên VTV ngày 3-8.

“Phát ngôn của đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh cũng như của đồng chí phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk là dựa trên Văn bản 565. Cũng thống nhất với nhau trong phóng sự đó có nhiều nội dung chính xác nhưng cũng có những nội dung chưa chính xác, cần làm rõ” - ông Hiển nói.

Đề cập thông tin VTV cho rằng trong cuộc làm việc ngày 3-8, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho hay phóng sự trên VTV không có sự dàn dựng, ông Hiển nói: “Những nội dung trao đổi thông tin của phó chủ tịch UBND tỉnh và phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ căn cứ Văn bản 565 chứ ngoài ra chưa có ý kiến nào khẳng định hay phủ định. Mấy anh cũng không nêu quan điểm cái việc ấy đúng hay sai vì mình không thể nêu quan điểm một cách cảm tính như thế được”.

Về những nội dung chưa rõ, chưa đúng như trong Văn bản 565 của Công an tỉnh Đắk Lắk, ông Hiển cho hay Sở TT-TT sẽ phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ và sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy và sẽ báo cáo cho Bộ TT-TT để có xử lý tiếp theo như quy định và sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí.
***

VĂN BẢN 565

Bộ Công an - Công an tỉnh Đắk Lắk

V/v trao đổi kết quả xác minh theo nội dung phóng sự Chuyển động 24h - ĐTHVN

Đắk Lắk, ngày 27 tháng 7 năm 2016

Kính gửi: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tại Công văn số 5220/UBND-NNMT ngày 5-7-2016 về việc khẩn trương điều tra, xử lý các đầu nậu, đường dây chuyên khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn tỉnh; hành vi nhận mãi lộ, bảo kê cho xe vận chuyển lâm sản theo nội dung phóng sự Chuyển động 24h, phát trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam ngày 4 và 5-5-2016. Công an tỉnh trao đổi kết quả điều tra, xác minh theo nội dung Công văn số 365/STTTT-BCXB ngày 10-6-2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk như sau:

Ngay sau khi phóng sự Chuyển động 24H, phát trên kênh VTV1 trưa ngày 4 và ngày 5-5-2016 phản ánh tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trong đó có sự tiếp tay, bảo kê và nhận tiền của các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn và huyện Ea Súp; Công an tỉnh Đắk Lắk có Công điện số 633/ĐK-HT1 ngày 9-5-2016, Công văn số 404/CAT-PC46 ngày 24-5-2016 v/v triển khai Công văn 3695/NNMT ngày 16-5-2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng, Công an các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn và huyện Ea Súp khẩn trương nắm tình hình, xác minh làm rõ hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép theo nội dung phóng sự đã phản ánh cụ thể:

1. Tại địa bàn huyện Krông Năng

Qua xác minh những người có mặt trong phóng sự gồm: vợ chồng ông Vừ Dũ Dinh, bà Sùng Thị Mao; bà Giang Thị Xả và ông Vàng A Tu là những người dân trú tại thôn Giang Đông, xã Ea Đảh, huyện Krông Năng. Tiến hành làm việc với những người này được biết: trong tháng 4-2016 (không nhớ cụ thể ngày nào), có 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ đến nhà xin được phỏng vấn, quay phim làm phóng sự tại nương rẫy của họ. Ba người này yêu cầu ông Dinh cầm theo cưa lốc và dẫn họ vào rẫy để quay phim làm phóng sự. Ông Dinh không có cưa lốc thì họ yêu cầu ông Dinh đi mượn cưa và ra rẫy của gia đình để cưa một cây gỗ đã chặt hạ trước đó và một cây còn sống. Ba người này bảo Vàng A Tu dùng rìu chặt cây đổ xuống để quay phim. Sau khi thực hiện việc quay phim và phỏng vấn (theo sự hướng dẫn) thì họ có cho vợ chồng Vừ Dũ Dinh, bà Sùng Thị Mao 500.000 đồng; Vàng A Tu 100.000 đồng. Kiểm tra hiện trường quay phóng sự xác định khu vực này là rẫy của ông Vừ Dũ Dinh tại Tiểu khu 342a thuộc diện tích rừng do BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý bị một số hộ dân thôn Giang Đông tự ý khai hoang từ năm 1996 trồng cây nông nghiệp đến nay. Không phải diện tích rừng mới khai hoang, bị chặt phá như phản ánh trong phóng sự.

2. Tại địa bàn huyện Ea H’leo

Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo kiểm tra lại toàn bộ hiện trường liên quan đến việc vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Ea H’leo theo nội dung phóng sự. Đã xác định khu vực vận chuyển lâm sản trái phép tại buôn Tơ Zoa, xã Cư Mung (khu vực đường giáp ranh giữa huyện Ea H’leo và huyện Ea Súp). Việc tàng trữ gỗ tại nhà của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn này để làm nhà, làm trụ tiêu là có thật và đã tích trữ nhiều năm qua.

Xác minh người đàn ông trả lời phỏng vấn trong chương trình xác định là ông Đàm Hữu Khánh (sinh năm 1990, cư trú tại thôn 10, xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo). Qua làm việc, ông Khánh cho biết: Khoảng 8 giờ, ngày 28-4-2016 có 2 người (1 nam và 1 nữ) đến nhà ông Khánh, giới thiệu là phóng viên Đài THVN đang quay phóng sự về tình hình hạn hán ở Tây Nguyên. Sau đó xin được quay giếng nước và vườn tiêu nhà ông Khánh. Khi thấy trong vườn tiêu của ông Khánh có một số trụ tiêu bằng gỗ chưa kịp trồng, phóng viên hỏi trụ tiêu lấy ở đâu, chở về nhà bằng cách nào và không sợ bị bắt hay sao. Ông Khánh trả lời có sợ bị bắt và đã bị Kiểm lâm bắt và xử phạt 17 triệu đồng; nếu muốn không bị bắt thì phải báo cho xã và lâm trường. Tuy nhiên, ông Khánh nói như vậy là chỉ nói vui, thực tế ông Khánh không có báo cho ai khi đi vào rừng lấy gỗ làm trụ tiêu trong vườn nhà và ông Khánh không phải là đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ chuyên nghiệp.

3. Tại địa bàn huyên Cư Mgar

Qua kiểm tra rà soát trên địa bàn huyện Cư M’gar có 5 trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý. Trong đó 3 trạm đặt trong các khu rừng thuộc các lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý; 2 trạm đặt trên các trục đường liên huyện Cư M’gar – Ea Súp. Làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được biết: các chốt, trạm thực hiện nhiệm vụ quản lý việc lấn chiếm đất rừng, phòng chống cháy rừng, khai thác lâm sản trong khu vực lâm trường quản lý không có chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển lâm sản trên tuyến đường liên huyện. Theo nội dung phóng sự đã xác định 2 cán bộ nhân viên Trạm Kiểm soát lâm sản thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm có tiêu cực nhận tiền của chủ phương tiện vận chuyển gỗ làm trụ tiêu trái phép đi qua khu vực trạm quản lý gồm: Lê Văn Chiên, SN 1978 Trạm phó QL&BVR thuộc Đội Cơ động và Nguyễn Thanh Lộc, SN 1976 nhân viên QL&BVR - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã đình chỉ công tác 90 ngày đối với 2 cán bộ nói trên.

Tiến hành làm việc, ông Chiên khai nhận đã nhận tiền 2 lần của các đối tượng vận chuyển gỗ đi qua trạm: Lần thứ nhất khoảng tháng 2-2016 nhận 200.000 đồng, lần thứ hai khoảng tháng 4-2016 nhận 300.000 đồng. Ông Lộc khai nhận tiền của đối tượng vận chuyển gỗ 1 lần vào cuối tháng 4-2016 với số tiền 200.000 đồng. Việc nhận tiền là tự ý cá nhân, không có sự chỉ đạo của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar đang điều tra làm rõ hành vi nhận tiền của 2 đối tượng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Ngoài ra, nội dung phản ánh lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép từ năm 2014 đến nay đã được chủ tịch tỉnh Đắk Lắk kết luận là tố cáo sai, thể hiện tại bản Kết luận nội dung tố cáo số 3243/KL-UBND ngày 29-4-2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã thụ lý giải quyết đơn tố cáo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Qua xác minh đơn tố cáo không đúng, không có cơ sở xác định có dấu hiệu của tội phạm.

4. Tại địa bàn huyện Ea Súp

- Qua kiểm tra, rà soát không có trường hợp cán bộ chiến sĩ của Đội Cảnh sát giao thông và Đội Cảnh sát kinh tế nhận tiền các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép như lời của người đàn ông trong phóng sự. Làm việc với người đàn ông có phát ngôn về việc chung chi tiền trong quá trình vận chuyển gỗ trong phóng sự là Lê Thế Hùng (cư trú tại thôn 8, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã từng bị Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp xử lý vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép vào năm 2011; năm 2014, bị Công an huyện Ea Súp khởi tố về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.

Ông Hùng trình bày vào thời gian khoảng 10 ngày trước khi có phóng sự trên, có 3 người đàn ông và 1 người phụ nữ đến gặp ông Hùng tại nhà và liên hệ muốn mua trụ tiêu và hỏi cách thức vận chuyển về huyện Cư M’gar. Ông Hùng cho biết không có trụ tiêu để bán; khi những người này hỏi có xe ô tô 5 tấn muốn chở trụ tiêu về huyện Cư M’gar thì phải chung chi hết bao nhiêu tiền, thì ông Hùng đã trả lời là phải chung chi cho cảnh sát kinh tế 1 triệu đồng, cảnh sát giao thông 1 triệu đồng, kiểm lâm huyện 1 triệu đồng, trạm chốt Lâm trường Buôn Ja Wầm 1,2 triệu đồng và Kiểm lâm huyện Cư M’gar 500.000 đồng. Ông Hùng khẳng định không biết việc bị phóng viên ghi hình, ghi âm để đưa lên phóng sự. Năm 2014, ông Hùng bị Tòa án Nhân dân huyện Ea Súp xử phạt án treo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và từ đó đến nay, ông Hùng không có tham gia vận chuyển lâm sản trái phép và cũng không có chung chi tiền cho cán bộ của các cơ quan chức năng nói trên.

- Về hình ảnh người thanh niên mặc áo thun đi lại cửa xe ô tô sau đó được phỏng vấn tại một chòi gỗ xác định tên Trần Đức Năm, sinh năm 1989, là nhân viên Trạm QLBVR Hồ Ea Súp Thượng (thuộc Công ty Lâm nghiệp Cư Ma Lanh). Ông Năm khai: Ngày 25-4-2016, có 3 người đàn ông và 1 người phụ nữ đi xe ô tô vào trạm, 1 người đàn ông giới thiệu là phóng viên muốn hỏi chuyện riêng và dẫn ông Năm ra chòi gỗ gần trạm hỏi nhiều vấn đề. Ông Năm không biết là bị ghi âm, ghi hình; không có nhận tiền của người lái xe tải và khẳng định nhiều đoạn trả lời phỏng vấn có sự cắt ghép chứ không đúng như nội dung phóng sự.

- Đối với hình ảnh người phụ nữ mặc áo đỏ đứng ở vạt đất có một số gỗ và trụ tiêu được xác định là bà Nguyễn Thị Tiền Em, sinh năm 1985, cư trú tại thôn 6, xã Cư Ma Lanh, huyện Ea Súp. Bà Em khai: Khoảng tháng 4-2016 có 3 người đàn ông điều khiển 3 xe máy cày tay chở gỗ (cành, ngọn) đỗ ở vạt đất gần nhà và nói với bà Em có ai mua thì bán giúp. Vài ngày sau có 3 người đàn ông đến hỏi mua số gỗ nói trên và bà Em nói bán mỗi xe 1 triệu đồng. Họ có nhờ bà Em thuê giùm xe và hỏi cách vận chuyển số gỗ trên về thị xã Buôn Hồ. Bà Em khẳng định số lâm sản trên là cành, ngọn cũ và đã bị cháy không có các khúc gỗ như trong phóng sự đã đưa tin.

- Hình ảnh chiếc xe mô tô màu trắng có mác CSGT đến nay chưa xác định của đơn vị nào, để ở vị trí nào và trong thời gian nào. Hình ảnh tờ giấy thông hành để được vào rừng khai thác gỗ trái phép không thuộc địa bàn huyện Ea Súp.

Nội dung phản ánh hoạt động vận chuyển lâm sản trái phép từ Ea Súp đi Buôn Đôn, từ Ea Súp đi Cư M’gar về Buôn Hồ, Krông Búk để tiêu thụ diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp, ban đêm và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng để vận chuyển gỗ trái phép nhất là gỗ làm trụ tiêu. Sau khi phóng sự đưa tin, từ ngày 6-5-2016 đến nay riêng lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 19 vụ, 22 đối tượng, thu giữ 117,736 m3 gỗ trái phép. Phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện 38 vụ, 36 đối tượng, thu giữ 69,052 m3 gỗ, 10 ster củi, 16 xe ô tô, 22 xe máy cày độ chế. Hiện nay, công an các đơn vị nêu trên đang tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi phóng sự Chuyển động 24h, phát trên kênh VTV1 trưa ngày 4 và ngày 5-5-2016 phản ánh tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trong đó có sự tiếp tay, bảo kê và nhận tiền của các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn và huyện Ea Súp, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng, công an các địa phương có liên quan kiểm tra xác minh làm rõ những thông tin phản ảnh trong phóng sự.

+ Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng làm ổn định tình hình trong quần chúng nhân dân.

+ Qua điều tra xác minh thông tin phóng sự nêu trên nhận thấy có một số nội dung phản ánh không đúng, không khách quan và có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp. Việc nhận tiền lái xe vận chuyển lâm sản trái phép của cán bộ Lâm trường Buôn Ja Wầm hiện Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Cư M’gar điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là kết quả xác minh vụ việc liên quan đến phóng sự Chuyển động 24h, phát trên kênh VTV1 ngày 4 và ngày 5-5-2016. Công an tỉnh trao đổi Sở Thông tin và Truyền thông biết.

KT Giám đốc

Phó Giám đốc - Đại tá Phạm Minh Thắng



Thiếu tướng ( Trần Kỹ Rơi) bác bỏ tin con gái sở hữu cơ ngơi nghìn tỷ



Theo con gái của Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cô chỉ có 4 sào đất trong khu du lịch sinh thái Không gian xưa, chứ không sở hữu cơ ngơi nghìn tỷ như báo chí thông tin.
Chiều 24/7, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, con gái mình là thượng úy Trần Thị Thúy Hằng (cán bộ phòng Cảnh sát kinh tế) đang làm đơn gửi tổng biên tập báo Dân Việt phản ánh việc đơn vị này đăng thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự cá nhân.
Theo thiếu tướng Rơi, báo thông tin về “cơ ngơi nghìn tỷ” của Thúy Hằng tại quán cà phê Không gian xưa trên đường Y Moan, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột là bịa đặt.
“Quán cà phê Không gian xưa không phải là của riêng con gái tôi mà nó hợp tác với một người khác. Tổng tài sản của 2 vợ chồng làm gì đến cả nghìn tỷ”, thiếu tướng Rơi cho hay.
Theo vị giám đốc công an, con gái ông đang làm đơn gửi đến Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, tổng biên tập tờ báo và UBND tỉnh Đắk Lắk để khiếu nại.
Thieu tuong bac bo tin con gai so huu co ngoi nghin ty hinh anh 1
Theo thượng úy Hằng, quyền sở hữu của cô chỉ là phần đất nhà hàng và quán cà phê. Ảnh: M. Q
“Sang đầu tuần, con gái tôi sẽ liên hệ trực tiếp với tổng biên tập báo để khiếu nại”, vị giám đốc thông tin. Trao đổi với phóng viên, thượng úy Trần Lê Thúy Hằng cho biết, các thông tin báo chí phản ánh không đúng sự thật, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, gia đình cũng như cơ quan nơi mình công tác.
Theo thượng úy Hằng, diện tích đất sở hữu của cô chỉ có 4 sào (4.000 m2 ), trong đó có 160 m2 thổ cư, còn lại là nông nghiệp.
“Đầu năm 2013, chị Lưu Hoàng Kim có nói tôi hợp tác để mở nhà hàng, cà phê. Tôi chỉ góp đất, còn toàn bộ tài sản đầu tư là của chị Kim đứng ra lo liệu. Người đứng tên giấy phép kinh doanh quán cà phê Không gian xưa cũng là chồng chị Kim”, thượng úy Hằng nói.
Vị thượng úy cho biết thêm mình chỉ góp đất mở quán cà phê và nhà hàng còn các khu vực rộng lớn xung quanh là của những người khác. “Xung quanh đất tôi đều để bản cấm đi lại vì không muốn khách hàng vào chỗ của người khác. Tuy nhiên, các phóng viên vẫn đi qua”, thượng úy Hằng nói.
Thieu tuong bac bo tin con gai so huu co ngoi nghin ty hinh anh 2
Khu vực quán nối với phần đất của các hộ khác được rào và treo bảng cấm đi lại. Ảnh: M. Q
Theo chị Hằng, sau khi báo đăng bài thì nhiều người dân tập trung đến quán để xem “cơ ngơi nghìn tỷ” của mình nhưng đều thất vọng.
“Quán mở ra để kinh doanh nên không từ chối bất cứ vị khách nào. Tuy nhiên do quán đang trong quá trình hoàn thiện nên không muốn khách chụp hình rồi suy diễn lung tung”, thượng úy Hằng nói.
Quán cà phê Không gian xưa tọa lạc trên đường Y Moan, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. Đây là địa điểm kinh doanh kết hợp giữa nhà hàng, cà phê, khu du lịch sinh thái.
Nơi đây có 2 cổng: Cổng thứ nhất dẫn trực tiếp vào khu vực uống cà phê và ăn uống. Khu vực tiếp khách nằm ở bên phải trung tâm đường dẫn vào. Nơi đây được sắp đặt khá sang trọng với hàng chục bộ bàn ghế, các bức tượng gỗ chạm trổ hình rồng, phượng, các linh vật.
Cổng thứ hai nằm cách khoảng 500 m dẫn trực tiếp vào khu sinh thái. Ở đây có quần thể khá rộng với các ngôi nhà gỗ, hòn non bộ… đang được xây dựng.
Trả lời PV Tuổi Trẻ về hướng xử lý của Dân Việt, ông Lưu Quang Định – Tổng biên tập nói ông từ chối phát ngôn các vấn đề liên quan đến sự việc.

Trong khi đó, đại diện tác giả bài báo cho biết các thông tin được đưa lên báo từ nguồn tài liệu, thu thập thực tế tại Đắk Lắk. Hiện tác giả đang đợi thông tin phản hồi từ người được đề cập để có hướng xử lý tiếp theo đúng quy trình nghiệp vụ.

Nghi vấn VTV24 dàn dựng phóng sự phá rừng: Phó TGĐ VTV lên tiếng

Hoàng Đan | 
Nghi vấn VTV24 dàn dựng phóng sự phá rừng: Phó TGĐ VTV lên tiếng
Ảnh cắt từ clip.

Ông Lương cho hay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trong buổi làm việc với VTV24 ngày 3/8 đã khẳng định, VTV đưa tin trung thực, không có chuyện dàn dựng.

Những nghi vấn dàn dựng một số chi tiết trong phóng sự điều tra về việc phá rừng tại Đắk Lắk được phát trong chương trình "Chuyển động 24h" của VTV trong 2 ngày 4 và 5/5 đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau.
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với chúng tôi vào sáng 5/8, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trong buổi làm việc với VTV24 ngày 3/8 đã khẳng định, VTV đưa tin trung thực, không có chuyện dàn dựng.
"Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã trả lời rõ vấn đề này rồi", ông Lương cho hay.
Thông tin trong văn bản số số 565/CAT-PC46 của Công an tỉnh gửi cho Sở TT-TT và lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc trao đổi kết quả xác minh theo nội dung phóng sự của VTV có cho rằng, nhiều nội dung trong phóng sự là đúng sự thật, đã và đang được các cơ quan chức năng xử lý.
Về việc này, ông Lương cho rằng, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã nêu rõ còn đó là nội bộ của tỉnh.
"Họ có trách nhiệm làm việc trong nội bộ của họ", ông Lương nêu, đồng thời, ông cũng cho biết thêm, sẽ yêu cầu phía VTV24 trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về nội dung này.
Cũng trao đổi với chúng tôi trong chiều 5/8, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam cho biết, về sự việc này, Hội mới nắm được thông tin qua báo chí phản ánh còn văn bản chính thức của các cơ quan chức năng thì Hội chưa nhận được.
Theo ông Minh, trong việc này, có 2 ý, thứ nhất là, công an Đắk Lắk trong một văn bản ngày 27/7 có một ý nói là trong phóng sự điều tra của VTV có một đoạn, khúc, mẩu có vẻ quay chưa đúng... nhưng sau đó, UBND tỉnh lại cho rằng, không có việc đó và phóng sự điều tra phá rừng hoàn toàn chính xác.
"Chúng tôi cũng chỉ nắm được như vậy còn chưa biết gì nhiều hơn nên có chăng chỉ chờ vào kết luận chính thức cụ thể", ông Minh nói.
Theo ông Minh, Hội nhà báo có chức năng, trách nhiệm bênh vực hội viên nhưng trong trường hợp này lại chưa đến mức độ như vậy.
"Đứng về mặt tổ chức, Hội nhà báo Việt Nam không được các cơ quan thông tin và Hội chỉ có nắm thông tin qua báo chí phản ánh.
Còn quan điểm của Hội nhà báo Việt Nam, nếu chuyện không có thật mà lại dựng chuyện là vi phạm đạo đức nhưng để kết luận không có thật thì không đơn giản chỉ nhìn vào mấy sự trao đổi trên báo chí.
Ở đây, cũng có báo trích đưa một ý trong văn bản là một số đoạn trong phóng sự của VTV là chưa chính xác, bảo người ta làm lại để quay nhưng đó là văn bản trao đổi chứ không phải văn bản báo cáo vụ việc.
Do đó, để làm rõ thì, Hội sẽ có thông điệp chuyển đến các cơ quan chức năng để họ nêu rõ quan điểm, thông tin về vụ việc này", ông Minh nhấn mạnh.
Trước đó, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã lên tiếng bác bỏ việc công an cung cấp thông tin "tố" VTV dàn dựng cảnh phá rừng trong một số phóng sự điều tra.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao trách nhiệm của VTV24 khi đăng tải các thông tin về nạn phá rừng ở địa phương. Những thông tin đó kịp thời và cho thấy nhiều sai phạm trong công tác bảo vệ rừng.
Ngay sau khi phóng sự phát sóng, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề đã được nêu trong phóng sự và làm rõ những tiêu cực.
Ông Hà khẳng định: "Truyền hình VTV đưa là hoàn toàn có chứ không phải không có. Thứ hai, những vấn đề xem xét để chúng ta có những bước để kiểm tra thông tin.
Đồng chí Thắng (Phó Giám đốc Công an tỉnh) nói là nói trong báo cáo trên cơ sở thẩm tra ban đầu và không có từ nào nói rằng là dàn dựng cả.
Tôi xin khẳng định lại một lần nữa để các đồng chí ở VTV hiểu rằng, buổi họp báo ngày hôm qua, không có một ý gì để dẫn đến câu chuyện ngày hôm nay chúng tôi phải ngồi đây. Tôi khẳng định luôn, vì tôi là người chủ trì họp báo".
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: