Giải thích quyết định bất ngờ trì hoãn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với Trung Quốc, chính phủ Anh cho hay họ cần thời gian để xem xét lại thỏa thuận.
Theo BBC (Anh), điều đó khiến câu hỏi "Trung Quốc có phải là trung tâm của các đánh giá lại" đang ngày càng tăng lên.
Dự án đầu tư trị giá 18 tỉ bảng Anh (khoảng 24.5 tỉ USD) do tập đoàn năng lượng EDF của Pháp đầu tư và được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót 33% vốn, sẽ tiến hành xây dựng các lò phản ứng mới ở nhà máy Hinkley Point C và sau đó là nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc thiết kế, đặt tại Essex.
Vây, sự khác biệt giữa công ty Pháp và công ty Trung Quốc khi nói đến cơ sở hạ tầng quan trọng ở Anh là những gì? Trả lời câu hỏi này phụ thuộc vào quan điểm của London về Trung Quốc và ý định của nước Anh. Đây thực sự là một sự tính toán cực kỳ khó khăn.
Trung Quốc là một mục tiêu di động, một "ông lớn", ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và phức tạp.
Năm 2016, Trung Quốc đã thay đổi, không còn giống như là quốc gia mà cựu thủ tướng Anh David Cameron từng đối diện khi ông trở thành nguyên thủ cách đây sáu năm, và cũng không giống một Trung Quốc mà cựu Bộ trưởng tài chính George Osborne từng thuyết phục thu hút sự đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng của Vương quốc Anh.
Bắc Kinh giờ đã mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong các vấn đề quan trọng của toàn cầu. Ở Trung Quốc, các hoạt động trấn áp trong nước làm gia tăng mâu thuẫn với các giá trị của Anh.
Anh đã cho phép một công ty của Trung Quốc, Huawei, hoạt động và công ty này là một phần quan trọng của mạng lưới viễn thông Trung Quốc.
Nhưng, dẫn đầu là Mỹ và một số nước phương Tây khác đã cấm Huawei tham gia vào các hệ thống mạng viễn thông quan trọng do những lý do liên quan đến an ninh quốc gia.
Hơn thế nữa, cũng không có một nền kinh tế phát triển lớn nào ngoài Anh mời Trung Quốc tham gia một dự án năng lượng hạt nhân.
Vì vậy, có thể cho rằng năng lượng hạt nhân tương tự như chủ đề của mối quan hệ kinh doanh và sự bảo vệ an ninh quốc gia.
"Sợ hãi và tham lam"
Theo BBC, Anh đang tự đào mồ chôn mình bằng việc khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với sự đầu tư của Trung Quốc.
Hai năm trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel hỏi người đồng cấp Australia Tony Abbott về những gì đã tác động đến chính sách của chính phủ nước này đối với Trung Quốc. Bà nhận câu trả lời là "nỗi sợ hãi và tham lam".
Trong trường hợp không có sự thay đổi chính trị ở Trung Quốc, đánh giá này có thể trở thành tiêu chí chung cho nhiều quốc gia, mặc dù tỷ lệ chính xác của tùy thuộc vào hoàn cảnh ở từng nước cụ thể.
Nhiều người trong giới chính trị và an ninh của Anh cho rằng London chưa nhìn thấy đủ sự sợ hãi nhưng lại quá thừa tham vọng, khiến chính phủ của ông Cameron đã tuyên bố "kỷ nguyên vàng" với Bắc Kinh khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Anh tháng 10/2015.
Một trong số đó là người đứng đầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Timothy Nick.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Timothy viết trong đêm ông Tập chính thức bắt đầu chuyến thăm Anh:
"Các chuyên gia an ninh cả trong và ngoài chính phủ (Anh) lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng vai trò của mình để 'bẻ khóa' những điểm yếu trong hệ thống máy tính, cho phép họ tùy ý phong tỏa hệ thống sản xuất năng lượng của Anh...
Cơ quan tình báo của Anh (MI5) tin rằng việc tham gia vào dự án Hinkley Point C sẽ tạo điều kiện cho 'các tổ tình báo của Trung Quốc tiếp tục hoạt động chống lại lợi ích của Anh không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả tại chính nước Anh."
Tân thủ tướng Theresa May có lo lắng không?
Theo cựu Bộ trưởng Kinh doanh Vince Cable, người đã trở thành Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ của thủ tướng Theresa May, đã dấy lên quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia của thỏa thuận nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point.
Ông Vince mô tả thủ tướng May "không hài lòng về cách tiếp cận khá sốt sắng đối với việc đầu tư của Trung Quốc mà chính phủ Cameron đã thúc đẩy, trong khi tôi đã lặp đi lặp lại và nêu lên sự phản đối của mình về dự án điện hạt nhân Hinkley tại thời điểm đó".
Một điều thú vị là, việc thủ tướng May biểu thị ít thái độ "sốt sắng" về Trung Quốc đã là điều rõ ràng cho thấy một cách suy nghĩ khác.
Vậy, dưới thời bà May, có lẽ thế giới sẽ chứng kiến chính sách "nhiều sắc thái hơn" đối với Trung Quốc.
BBC cho hay, một số người trong cộng đồng chính trị và doanh nghiệp sẽ nhắc nhở bà May rằng người tiền nhiệm David Cameron đã sớm phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Trung Quốc khi ông phớt lờ sự bất mãn của Bắc Kinh và gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2012.
Và hệ quả là, không có nhân vật cao cấp nào trong chính phủ Anh được mời đến Trung Quốc trong 18 tháng tiếp theo – cho đến khi ông Cameron đến thăm Trung Quốc, chuyến thăm được cho là hệ quả của việc cựu bộ trưởng tài chính George Osborne đã giành lấy quyền kiểm soát chính sách Anh - Trung từ Bộ Ngoại giao Anh, nơi mà có cách tiếp cận thận trọng hơn, nhằm khởi đầu những gì mà ông ta gọi là "một bước tiến lớn tiếp theo", một mối quan hệ định hướng kinh doanh đã lên đến cực điểm trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Anh vào tháng mười năm ngoái.
Cần nhớ rằng thỏa thuận dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point là điểm đáng chú ý nhất trong chuyến thăm của ông Tập, biểu tượng của "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ mà cả hai chính phủ hy vọng sẽ khởi đầu.
Và Bắc Kinh có lý do chính đáng để đầu tư vốn chính trị trong mối quan hệ năng lượng hạt nhân với Anh.
Trung Quốc có hơn 30 nhà máy điện hạt nhân trong nước và gần như hầu hết số nhà máy là tự xây dựng.
Xuất khẩu công nghệ hạt nhân được xem ưu tiên hiện nay của Bắc Kinh.
Mặc dù đã có khách hàng trong nhóm nước đang phát triển như Pakistan, nhưng với một dự án hạt nhân tại quốc gia phát triển như Anh và chế độ an toàn được quốc tế thừa nhận sẽ giúp Trung Quốc chứng minh năng lực hạt nhân to lớn của mình.
Cái giá khi khiến Trung Quốc tức giận
BBC cho hay, khi Tập Cận Bình đến thăm Anh tháng 10/2015, ông đã thừa nhận rằng Quốc hội Anh là lâu đời nhất trên thế giới.
Hôm 30/7, đại sứ quán Trung Quốc tại London cho hay sự tham gia của Trung Quốc ở dự án điện hạt nhân Hinkley Point là mối hợp tác "song thắng", và những người Anh ủng hộ khẳng định rằng công nghệ Trung Quốc là rẻ và an toàn, đồng thời Bắc Kinh chẳng dại gì mà "dừng việc sản xuất năng lượng của Anh theo ý muốn của mình ", như ông Timothy Nick đã nói.
Nhưng nếu đến cuối của cuộc "đánh giá lại", Thủ tướng Theresa May quyết định là bà "không chắc chắn" về những ý đồ của Trung Quốc trong tương lai và muốn tái thương lượng, vậy điều gì sẽ xảy ra?
Thủ tướng Anh có thể đạt thỏa thuận để Trung Quốc đầu tư vào dự án Hinkley Point mà không bị ràng buộc phải có một nhà máy điện hạt nhân "do Trung Quốc thiết kế và xây dựng" không?
Vào lúc này, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Nhưng câu trả lời có thể là "không", và nếu sau đó bà May quay lưng thì London đã có bước đi mạo hiểm khiến Trung Quốc giận dữ.
Bây giờ nó sẽ gây ra vấn đề rắc rối cho mục tiêu của chính phủ thủ tướng mới.
Bà May lên làm thủ tướng là do những người ủng hộ Brexit đã chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên ở lại Liên minh châu Âu (EU), và Anh đang muốn xem xét một cách kỹ càng mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng tài chính dưới thời bà May, ông Philip Hammond đã đến Bắc Kinh và nêu ra khả năng cho một thỏa thuận thương mại tự do.
Nếu Trung Quốc nổi giận về vụ trì hoãn dự án Hinkley Point, thỏa thuận thương mại tự do có thể bị đóng băng và tân chính phủ Anh phải đối diện làn sóng phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ hiện thực hóa "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh mà cựu Bộ trưởng George Osborne nêu ra.
theo Trí Thức Trẻ
Quái thai của Trung Quốc hiện nay: Giặc yêu nước
Yêu nước vốn dĩ là điều được người đời kính ngưỡng, nhưng vài năm trở lại đây, 3 từ “Ái quốc tặc” (giặc yêu nước) không ngừng xuất hiện trước mắt người dân Trung Quốc. Song song đó là hành động “yêu nước” đầy bạo lực gây chấn động thế giới. Nó đã trở thành quái thai chỉ có riêng ở xã hội nước này hiện nay.
- Tìm hiểu sản phẩm Sữa tươi nguyên chất và Sữa tươi không đường củaDutch Lady
- Tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ: Giải mã giấc mơ
Quái thai núp dưới tư tưởng yêu nước bằng bạo lực
Từ xưa đến nay, trong từ vựng Hán ngữ luôn có phân định rất rõ ràng giữa 2 câu thành ngữ “tận trung báo quốc” và “loạn thần tặc tử”. Tuy nhiên, không biết bắt đầu từ khi nào, từ “ái quốc” (yêu nước) và “tặc tử” (tên giặc) vốn khác nhau như trời với đất này lại có thể tương phụ tương thành cho nhau.
Dựa theo giải thích trên Wikipedia, từ “Ái quốc tặc” đã xuất hiện từ sớm trong vở kịch có tên “Ái quốc tặc” của nhà soạn kịch Trần Đại Bi vào năm 1922. Năm 2011, Yoshikazu Kato – học giả nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Ái quốc tặc”. Từ này được tác giả dùng để phê phán thực trạng xã hội hiện nay của Trung Quốc. Cuốn sách vạch mặt một số người Trung Quốc lấy yêu nước làm cái cớ, nhân danh yêu nước để muốn làm gì làm nấy, thậm chí là điên đảo thị phi, bất chấp pháp luật. Để mặc sức đả kích những người “trái tai gai mắt”, họ bèn chụp lên người ta cái mũ “bán nước”. Vậy nên, loại hành vi này không phải là yêu nước mà ngược lại còn tạo nên tổn thất nghiêm trọng cho đất nước.
Điều quan trọng là, ông Yoshikazu Kato dường như chỉ dùng từ này để chỉ hiện tượng duy nhất chỉ có ở Trung Quốc, chứ không bàn luận về hành vi của con người ở đất nước khác. Tiến sĩ Samuel Johnson, nhà văn nước Anh thế kỷ 17 cũng từng nói qua, “chủ nghĩa yêu nước là chỗ tị nạn sau cùng của bọn vô lại“. Ông cho rằng, một số người nào đó đã bóp méo bản chất của chủ nghĩa yêu nước, không chỉ biến yêu nước thành một loại tín ngưỡng mù quáng, mà còn khiến cho tinh lực của xã hội bị tiêu xài hoang phí trong những cuộc tranh luận của cái gọi là yêu nước. Và trong thời đại mạng lưới Internet phát triển như hiện nay, “Ái quốc tặc” đã trở thành một danh từ chính trị mới mẻ trên mạng, đặc biệt dùng để chỉ thành phần những người yêu nước ủng hộ chính quyền cộng sản Trung Quốc, biểu thị họ là những người dân ngu dốt đã bị tẩy não, lấy “yêu nước” mà nhầm lẫn với khái niệm quốc gia, đương nhiên đây là từ vựng mang ý nghĩa xấu.
Tài khoản “Tây đơn đọc sử” trên Weibo vào ngày 10/6 đã viết rằng, Trung Quốc trong một trăm năm trở lại đây có 3 thành phần nổi tiếng là yêu nước, nhưng trên thực tế lại chính là quái thai hại nước, đó là: Nghĩa Hòa Đoàn, Hồng Vệ Binh, Ái Quốc Tặc. Họ không chỉ gây họa cho đất nước, mà còn gieo rắc tai họa cho chuẩn tắc của quốc tế và nền văn minh của nhân loại.
Tài khoản này viết rằng, Nghĩa Hòa Đoàn trên thực tế chỉ là một tổ chức bang hội trong dân chúng, mang danh nghĩa yêu nước nhưng thực chất là châm lửa cho sự căm thù ngoại quốc, nói một cách chuẩn xác là căm thù nền văn minh phương tây. Họ giết người ngoại quốc, phá hủy giáo đường. Chỉ tính riêng trước bạo loạn Canh Tý (năm 1900), họ đã giết hơn 20 nghìn giáo dân. Sau khi tiến vào Bắc Kinh, họ không chỉ giết đặc phái viên nước ngoài, mà còn làm nhục phụ nữ Trung Quốc, cướp đoạt của cải, giết hại hơn 100 nghìn dân thường. Đề đốc An Huy ở Bắc Kinh khuyên họ không nên tùy tiện khơi mào tranh chấp quốc gia, kết cục vì vậy mà bị lôi xuống ngựa, xử tử ngay lập tức. Cũng chính bởi những việc làm bừa bãi của Nghĩa Hòa đoàn mà các cường quốc liên minh với nhau tấn công và phân chia Trung Quốc.
Hồng Vệ Binh được tôn sùng trong thời Đại Cách mạng Văn hóa càng hơn thế nữa, họ ngoài việc căm thù các nền văn minh phương tây mà còn phá hoại văn hóa Trung Quốc theo lối xưa nay chưa từng có. Họ không chỉ phá hủy lăng mộ của Hoàng Đế, lăng Viêm Đế, miếu thờ Phục Hy, miếu thờ Khổng Tử, miếu Nhạc Phi, miếu Quan Vũ, mà hơn nữa về mặt tinh thần cũng đã triệt để phá hủy giá trị quan cơ bản của người Trung Quốc trong suốt mấy nghìn năm. Trên thực tế, sự phá hoại của Hồng vệ binh đối với nền văn hóa Trung Quốc là vượt xa rất nhiều so với những việc làm các các dị tộc xâm chiếm Trung Quốc trong các triều đại lịch sử như Mông Cổ, Mãn Thanh, thậm chí cả người Nhật Bản. Những quân xâm lược này chỉ dám giết người, nhưng đối với nền văn hoá lâu đời của dân tộc Hán lại không chút khinh thường. Trong khi đó, Hồng vệ binh trong thời Đại Cách mạng Văn hóa lại gần như phá hủy toàn bộ nền văn hóa truyền thống của chính đất nước Trung Quốc. Mấy chục triệu người đã mất mạng, Trung Quốc cũng đứng bên bờ sụp đổ, tội ác phạm phải đối với quốc gia và dân tộc Trung Quốc của lực lượng này thậm chí còn vượt xa cả liên quân tám nước và quân xâm lược Nhật Bản.
Bài viết nhận định, Ái Quốc Tặc hiện nay cũng giống như Nghĩa Hòa Đoàn và Hồng Vệ Binh trong lịch sử, nhưng chỉ có điều là họ giảo hoạt, vô sỉ và hiệu quả hơn. Họ lấy “yêu nước” làm vỏ ngụy trang, coi việc “yêu nước” thành như chuyện làm ăn buôn bán, khi có lợi thì tranh nhau đến trước, khi không còn lợi ích nữa thì dù cho sự tình có nghiêm trọng cách mấy thì cũng nhìn mà như không thấy. Những ngôn luận và hành vi của nhóm người này đều rất phô trương, thậm chỉ còn không ngần ngại bóp méo sự thật, bịa đặt gây sự. Họ tuyệt nhiên chẳng bận tâm đến những người thật sự quan tâm đến vận mệnh quốc gia, tương lai của dân tộc, phúc lợi xã hội phục vụ cho nhân dân.
Bài viết đưa ra mấy đặc điểm lớn của Ái quốc tặc trong hiện nay:
1. Đẩy bản thân mình lên cao, tích cực hạ bệ người khác. Những ai có lối suy nghĩ về thống nhất quốc gia mà không nhất trí với họ, thì người đó chính là Hán gian. Ai đưa ra nhận định đề cao thể chế chính trị phương tây, thì người đó chính là phần tử phản Hoa (chống lại Trung Hoa).
2. Nhân cách phân liệt. Có những người một mặt nghĩ đủ mọi cách để được đến phương tây định cư, một mặt khác lại nói phương tây cái gì cũng xấu tệ, càng nói dối bao nhiêu, thì có được chỗ tốt bấy nhiêu.
3. Lấy “yêu nước” trang trí trước cửa nhà. Có những người gian lận lừa đảo, căn bản là đã mất đi tính người, lại đem “yêu nước” thành lá bùa hộ thân rêu rao khắp nơi, khiến cho từ “yêu nước” thánh khiết này bị bôi nhọ.
Bản chất thể hiện rõ ràng trong thói hung hăng làm càn
Vài năm trở lại đây, tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoạn ở Trung Quốc tiếp tục dâng cao, biểu hiện của Ái Quốc Tặc càng ngày càng nổi cộm. Đó là không kể những hoạt động kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, đập nát xe hơi Nhật Bản, đất nước vốn đã có ân oán lịch sử trước đó. Theo đó, cho dù là đồng bào của họ thì hễ có hiềm nghi “bán nước”, cũng đều ra sức đả kích thậm tệ.
Sau phán quyết của tòa PCA, Ái Quốc Tặc ở Trung Quốc lại có thêm thênh thang đất diễn.
Theo trang Nhật báo Tân Kinh, ngày 17/7, mười mấy người trẻ tuổi ở huyện Nhạc Đình, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc giăng biểu ngữ ở ngay trước cửa vào của nhà hàng KFC để thị uy, với dòng chữ màu đỏ viết rằng: “Thứ mà bạn ăn là KFC của Mỹ, còn điều đánh mất lại là mặt mũi của tổ tiên chúng ta”. Kết quả, ngay chiều hôm đó, cửa hàng KFC này phải đóng cửa ngừng việc kinh doanh.
Nguồn tin cho biết, ngoài Nhạc Đình, cửa hàng KFC tại ít nhất 11 huyện thành bao gồm: Trường Sa, Sâm Châu, Hàng Châu, bến cảng Liên Vân, Lâm Nghi đều bị nhóm người đứng chặn hoặc kháng nghị ngay trước cửa, cho đến phía cảnh sát điều động duy trì trật tự. Có cư dân mạng cho rằng, “đây không phải là yêu nước, đây chính là gây chuyện“.
Điều càng khiến cư dân mạng lên án gay gắt là, theo trang Giáo dục Tân Lang, chiều ngày 19/7, mấy chục em học sinh tiểu học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đã tụ tập trước cửa của một cửa hàng KFC, đầu đội mũ đỏ, đồng thanh hô lớn “Trung Quốc vạn tuế, tẩy chay hàng Mỹ, lãnh thổ Trung Quốc một phần cũng không thể thiếu“.
Trang Tứ Xuyên Trực tuyến (scol.com.cn) ngày 20/7 đã bình luận về loại hiện tượng này. Theo họ, từ việc tẩy chay siêu thị Carrefour năm 2008, đập nát xe hơi Nhật Bản vào mấy năm trước, cho đến vụ việc bao vây cửa hàng KFC ngày hôm nay, “tẩy chay hàng hóa nước ngoài là thể hiện thái độ yêu nước cường điệu và thịnh hành”. Tuy nhiên, loại hành vi này thật sự rất hạ cấp. Những người yêu nước thật sự bày tỏ: “Chúng tôi không làm nổi cái chuyện đê hèn này!”.
Ngoài ra, nhóm người Ái Quốc Tặc ở Trung Quốc đối với đồng bào của mình cũng không thương tiếc. Điển hình gần đây nhất là bộ phim “Không có tình yêu khác” do Triệu Vy đạo diễn. Sau khi bị tẩy chay, cô còn còn bị buộc phải thay thế Đới Lập Nhẫn, nam diễn viên chính được cho là có xu hướng ủng hộ “Đài Loan độc lập”. Dưới sức ép của dư luận, những tai to mặt lớn trong giới văn nghệ cũng không thể không khuất phục.
Trang BBC tiếng Trung ngày 18/7 đưa tin, trước vụ việc liên quan đến bộ phim của Triệu Vy, cư dân mạng Đài Loan vốn là người Trung Quốc ở eo biển bên kia đã đề nghị phát động “cuộc thi xin lỗi hướng về Trung Quốc”, nhằm chế giễu và đáp lại việc nghệ sĩ Đài Loan phải lên tiếng xin lỗi cư dân mạng Trung Quốc. Vương Dịch Khải, người khởi xướng phong trào này cho biết, từ vụ việc của Chu Tử Du đến sự kiện của Đới Lập Nhẫn, có thể nhìn ra, “Trung Quốc cưỡng ép người khác phải thể hiện thái độ đồng ý với mình“, hơn nữa “điều mà Trung Quốc muốn chỉ có một việc”, chính là cần phải nhất trí với yêu cầu của chính quyền cộng sản Trung Quốc, “và bản thân chuyện này chính là hành vi cưỡng ép độc tài”.
“Tổ quốc không có trời xanh mây trắng, không có biển cả trong xanh, không thể tự do hít thở, nói chuyện, thậm chí là suy nghĩ. Xin lỗi, bởi tôi hơn 20 năm nay chưa từng mong nghĩ rằng mình sẽ trở về đại lục bên kia”, chia sẻ hưởng ứng của một cư dân mạng Đài Loan dành cho “Cuộc thi gửi lời xin lỗi hướng về Trung Quốc”.
Còn về bản chất của Ái Quốc Tặc hiện nay, tài khoản “Tây đơn đọc sử” trên Weibo cho rằng, đối với Nghĩa Hòa Đoàn và Hồng Vệ Binh, xã hội hiện nay đại thể đã biết được, nhưng đối với Ái Quốc Tặc, người dân hiện tại vẫn còn chưa có được nhận thức một cách đầy đủ về bản chất và sự nguy hại của nó. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, hậu quả hại nước hại dân của họ hiển nhiên đều như nhau.
Theo secretchina
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét