Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Về Hà Tĩnh xem "Thằng Phò" ( Formosa )

  •   BÙI VIỆT THẮNG
  • Thứ tư, 17 Tháng 8 2016 16:15
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Về Hà Tĩnh xem "Thằng Phò"
Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo tháng 6 - 2016, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đặt câu hỏi “hướng về đâu văn học?” làm cả khán phòng của Hội đồng văn xuôi xao động và kích thích tranh luận. Cũng chính ông, ngay trong những ngày hội nghị, đã trực tiếp đặt vấn đề với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội NVVN - về việc cần thiết cử các nhà văn đi vào “tuyến lửa” Hà Tĩnh, mảnh đất khởi sự thảm họa môi trường bởi Formosa gây nên. Ngay lập tức Chủ tịch Hội NVVN đồng ý và động viên các nhà văn tham gia chuyến đi thực tế này.
Về Hà Tĩnh thời điểm này có muộn không? Không bao giờ là muộn, và thậm chí muộn vẫn hơn không, như cổ nhân nói. Về Hà Tĩnh lúc này không phải là một cuộc ngao du, thăm quan, mà là về với đời sống của nhân dân cần lao đang trải qua “lửa đỏ và nước lạnh”.
Đoàn nhà văn Việt Nam về Hà Tĩnh thực tế lần này có trưởng lão Hoàng Quốc Hải; Trần Nhương ; Văn Chinh; Bùi Việt Thắng và Kiều Mai Sơn. Đoàn xuất phát từ Hà Nội lúc 8h30p, đến Hà Tĩnh lúc 17 h ngày 18-7-2016.
*
*      *
Những ngày ở Hà Tĩnh tôi thường nghĩ đến ba màu Đỏ, Xám và Xanh. Sẽ có người căn vặn về ba màu này mà tôi trình ra trong bài viết không biết xếp vào thể loại gì của mình. Đỏ thường được gắn với lửa, với sức nóng mặt trời, với máu. Đỏ cũng đồng nghĩa với báo động (“bùn đỏ” chẳng hạn). Cũng là hiếm hoi khi thi sỹ Nguyễn Mỹ xúc cảm tràn trề mà viết bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ khiến nhiều thế hệ nhập tâm. Chỉ với thi sỹ Nguyễn Mỹ thì mới có một “cuộc chia ly màu đỏ” mà thôi. Nhưng khi về Hà Tĩnh, mỗi lần nghĩ đến, hay nhìn thấy màu đỏ là tôi lại có cái ấn tượng, cái cảm giác về độ nóng. Độ nóng của mặt trời thiêu đốt dải đất hẹp nhất cả nước vào mùa hè. Lại thêm gió Lào. Là dân gốc Hà Tĩnh, xa quê hơn 60 năm, nhưng mỗi lần trở về đúng dịp tháng 6, 7 hàng năm thì chính tôi lại cũng có cái cảm giác bị nung chảy ra, đừng nói người xứ Bắc vào đây công tác hay nghỉ ngơi khi biển chưa chết như bây giờ (trẻ con vùng này hát chế “biển ngày xưa chưa chết như bây giờ”). Cái nóng của đất trời dù có khốc liệt thì cũng chỉ vài ba tháng hè mà thôi. Nhưng Hà Tĩnh đang có một cái nóng khác, không đo được bằng nhiệt kế, nhưng sức nung, sức hủy của nó thì khủng khiếp hơn nhiều. Đó là “phát triển nóng”. Dân ở đây gọi chệch Formosa đi là “thằng Phò” và ngay từ cuối tháng 4 họ đã chỉ đích danh nó kẻ gây nên thảm họa cá chết/biển chết ở 4 tỉnh miền Trung. Phát triển nóng là phát triển theo lối “tư bản hoang dã”, chỉ nhăm nhăm đến lợi nhuận mà quên đi đến sự mất còn của môi trường sống và cuối cùng là hủy diệt sự sống, hủy diệt văn hóa và văn minh, văn hiến. Không cần phải tưởng tượng ghê gớm lắm thì cũng đã có thể nghĩ đến cảnh 70 năm tới, nếu ngay từ bây giờ không ra tay cứu biển, không riêng gì Hà Tĩnh, mà cả một dải đất miền Trung, đặc biệt là biển của 4 tỉnh, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sẽ là biển chết. Và nữa, nếu 1.000 tấn rác thải khô của “thằng Phò” vừa lộ diện không được xử lý theo đúng quy trình thì sẽ tiếp tục tạo ra những vùng đất chết mới. Trên bờ, dưới nước đều chết vì phát triển nóng. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một tác phẩm Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Bây giờ ở miền Trung không chỉ có “ám sát”, là bắn, đâm lén môi trường mà là chúng đã ra tay tàn sát, hủy diệt công khai, lộ liễu, ngang ngược, dã man như bọn khủng bố.
Formosa, và không chỉ Formosa, mà có cả một bọn người cùng nó đã vượt đèn đỏ, đem lại hậu họa cho không chỉ một người khác, mà cả đồng loại triệu người. Vì kém cỏi hay vì lòng tham? Đúng như cổ nhân nói “tham đĩa bỏ mâm”. Nóng trong nhân tâm vì “thằng Phò” còn chĩnh chệ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, tọa lạc ở mảnh đất này đến 70 năm. Chao ôi, bảy mươi năm là cả một đời người sống lâu (“nhân sinh thất thập cổ lai hy”). Ở Hà Tĩnh, nóng từ người này sang người khác, nóng từ vùng này sang vùng khác, không chừa ai, không chừa nơi nào.
Sáng 19-7, được sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh, đoàn có điều kiện thâm nhập sâu vào “hang ổ” của Formosa. Vì nhiều lý do, đoàn cũng chỉ được phép ngồi trên xe “cưỡi ngựa xem hoa’ một góc “thằng phò”, không quay phim chụp ảnh, đi theo sự hướng dẫn của một nhân viên đối ngoại củaFormosa. Đồng hồ chỉ tất cả 16km ghi nhận hành trình của đoàn nhà văn đi và nhìn cái công trình đại công nghiệp “khủng”. Formosa chiếm giữ hơn 3.300ha cả trên cạn (hơn 2.025ha) và cả trên mặt biển - cảng Sơn Dương (hơn 1.293ha), là một không gian màu xám xịt với những kho bãi khổng lồ, những ống khói cao chất ngất của khu luyện, cán thép; những băng chuyền dằng dặc như vòi bạch tuộc, hàng chục km đường rải nhựa hắt lên tuyền một màu đen nóng sực, nhức mắt. Tôi cứ hình dung cái khối màu đen - xám khổng lồ này như bóng một con “khủng long sắt thép” thời hiện đại, ngoác cái miệng đầy nanh, ăn tươi nuốt sống không từ thứ gì. Và miệng nó nhuốm đầy máu.
 Đoàn chúng tôi đã đi thăm một khu tái định cư ở Kỳ Anh, đến một làng chài cheo leo ở Vũng Áng, đến Bến Cá ở Thiên Cầm, vào một xóm ngư dân ở Cẩm Nhượng để tìm hiểu đời sống thực của nhân dân sau thảm họa Formosa. Một phụ nữ, chủ nhân một ngôi nhà sát biển ở xã Cẩm Nhượng kinh doanh hải sản, cho biết, mọi năm doanh thu của gia đình thường dao động từ 5 đến 7 tỷ đồng. Vậy mà năm nay cho đến cuối tháng 7 cũng mới chỉ được khoảng 200 triệu. Chị bức xúc như là đay nghiến, “Tất cả chỉ tại thằng Phò”. Nghe tiếng thở dài của chị, tôi chợt nhớ đến con số 96 tỷ VNĐ thu được từ 3.300ha Đất – Nước mà quan chức Hà Tĩnh cho “thằng Phò” thuê suốt 70 năm!
Nhưng phải nói đến màu Xanh. Tham gia giao thông, nếu nhìn thấy đèn Xanh là tín hiệu an toàn. Đi được. Không nguy hiểm. Biển Thiên Cầm dạo nọ tôi đến cách đây mấy năm xanh ngăn ngắt. Người Pháp coi đây là bãi biển đẹp nhất Trung Bộ. Phát triển Xanh là phát triển bền vững, là phát triển tính đến không gian sống toàn diện của con người như là trung tâm vũ trụ. Màu Xanh là màu của Hòa Bình, Sự Sống. Biển Thiên Cầm vẫn xanh như bao đời, nhưng hầu như không có ai xuống tắm. Chiều 19-7, khi đoàn nhà văn quyết định ở lại đây, để “trăm lần nghe không bằng một lần thấy”, chỉ lác đác vài người chưa đủ đếm trên đầu ngón tay, dám tắm. Khi chúng tôi hỏi, mọi người ở đây đều bảo, từ đầu mùa đến nay đều như vậy cả. Không gì bằng trực quan sinh động. Nhà văn sẽ viết thế nào nếu không trải nghiệm. Nhà văn có là người bạn đường của nhân dân nếu chỉ ru rú chốn thư phòng rồi tha hồ bịa đặt và hư cấu vô lối và tùy tiện?! Bài học thu hoạch được từ Hà Tĩnh lần này, với chúng tôi là vô giá. Có người ở Hà Nội, vào facebook mà tỏ ý ghen tỵ với đoàn chúng tôi. Tôi trả lời “Thế vì sao anh/chị không đi vào đây như chúng tôi?!”. Câu hát “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/Nước mô xanh bằng dòng nước sông La” cứ văng vẳng bên tôi, cứ váng vất bao nhiêu tâm sự rất khó diễn tả. Có một nhà văn trẻ từ Hà Nội nhắn tin cho tôi, hỏi cảm xúc như thế nào khi ở Hà Tĩnh, khi vào trong lòng “thằng Phò”? Tôi trả lời: “Vào đây bỗng thấy những trang viết của chúng ta vừa qua là còn rất hời hợt, rất nông nổi, rất nông cạn và rất ốm yếu trước nỗi đau của nhân dân cần lao và vĩ đại, trước cuộc đời vốn chất đầy “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nói thế có quá cảm thán?!
*
*    *
Trở về Hà Nội vào hồi 17h ngày 21-7. Người thân, bạn bè hỏi han rất nhiều nhưng dường như chưa trả lời kịp. Chỉ biết hứa, sẽ viết để giãi bày. Viết để chia sẻ. Viết để thu hoạch được một cái gì đó, dù rất nhỏ nhoi. Chỉ biết là buồn nhiều, nhiều lắm, mặc dù cũng có những niềm vui gặp gỡ với bạn bè văn chương ở quê... Tôi chợt nhận ra mình và công việc của mình vô cùng bé nhỏ, thậm chí vô nghĩa trước đời sống rộng lớn, dữ dội, phức tạp.
Mấy hôm nay theo dõi thời sự VTV1 thấy Bộ TN&MT vào làm việc ở Hà Tĩnh, với formosa. Bây giờ chuyện đã vỡ ra tung tóe rồi mới thấy Bộ này kiên trì bám địa bàn và vào cuộc “quyết liệt”!? Giá như sớm hơn nhỉ, thì nhân dân được nhờ! Lại nghe Bộ này tuyên bố sẽ giám sát Formosa trong vòng 3 năm liền tới?! Sao lại chỉ có 3 năm? “Thằng Phò” này nó còn “ăn dầm nằm dề” 70 năm cơ mà. Thế thì đến mấy đời Bộ trưởng nhỉ? Chắc nhiều nhiều, không tính xuể. Mọi chuyện về “thằng Phò” nay đã bạch hóa kể từ buổi chiều lịch sử 30-6-2016, sau 84 ngày chờ đợi trong hỏa mù, trong sự đua nhau chém gió của các quan chức quan liêu liên quan, khi Chính phủ họp báo tuyên bố nguyên nhân cá chết ở bốn tỉnh miền Trung. Cũng chẳng thể thở phào được, cũng không thể “xả xu-páp” như dân sửa xe máy nói chơi được. Nhân Dân cần biển sạch. Câu nói từ tâm can của bất kỳ người dân nào mà chúng tôi đã được nghe khi ở Hà Tĩnh, dù chỉ hai ngày.
( Văn hóa Nghệ An )
                                                                                                                                                       

Học giả Pháp bàn về biển Đông trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp

Thứ 7, 08:25, 03/09/2016

VOV.VN - Nhiều học giả Pháp cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA “nghiêm khắc hơn Bắc Kinh tính toán”.
Phân tích tình hình địa chính trị tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA và ý tưởng được đưa ra vài tháng trước của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian rằng Liên minh châu Âu cần thực hiện việc tuần tra ở vùng biển này… là những chủ đề thời sự được giới phân tích Pháp bàn luận nhiều trước chuyến đi châu Á của Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Trên chương trình trực tiếp “Các nền văn hóa thế giới” (Cultures Monde) của Đài phát thanh quốc gia Pháp ngày 01/09 vừa qua, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu châu Á, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Pháp (IFRI) Alice Ekman đã phân tích tình hình tại biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA: “Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA nghiêm khắc hơn Bắc Kinh tính toán, họ tính sẽ có một phán quyết không công nhận đường 9 đoạn nhưng không nghĩ rằng sẽ đi xa đến thế khi bác bỏ tất cả các đòi hỏi của Trung Quốc”.
hoc gia phap ban ve bien dong truoc chuyen tham cua tong thong phap hinh 0
Tình hình căng thẳng ở biển Đông là mối quan tâm của nhiều học giả Pháp. (Ảnh: RT)
“Sau khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc đã có phản ứng quyết liệt hơn về mặt truyền thông như việc người phát ngôn đã nhắc lại rằng có những nước nào đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc ở biển Đông; và đưa ra những kế hoạch cứng rắn hơn ở biển Đông như nhắc đến những khả năng Trung Quốc có thể lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông như cách đã làm ở biển Hoa Đông. Điều đáng chú ý là Trung Quốc ý thức được việc thay đổi chính quyền ở Philippines, nên đã có những động thái tìm cách thương lượng song phương với chính quyền mới Philippines.”
Cũng trong chương trình, nhà báo Pháp gốc Việt Võ Trung Dung đã nhắc lại thực tế là Trung Quốc có một lực lượng ba lớp để tạo ra sự đối đầu chêch lệch với các tàu cá thô sơ của ngư dân Việt Nam và Philippines. Cụ thể, gồm lớp thứ nhất hàng trăm tàu cá của ngư dân Trung Quốc vừa tham gia bắt cá vừa bao vây các tàu thô sơ và đi lẻ tẻ của Philippines và Việt Nam; lớp thứ hai là các tàu hải cảnh và thứ ba là các tàu quân sự.
Cần thúc đẩy tuyên truyền về biển Đông cho người dân Pháp và châu Âu
Theo nhà báo Võ Trung Dung, rất cần phải tăng cường tuyên truyền cho dư luận Pháp và châu Âu hiểu thêm về tình hình ở biển Đông, trong đó, đặc biệt làm nổi bật lợi ích của Pháp và châu Âu trong việc bảo đảm an ninh chung tại đó. Cũng chính vì mục đích này, nhà báo Võ Trung Dung vừa mở trang báo điện tử có tên là “Tin tức châu Á- Thái Bình Dương” Asiapacnews, trong đó, tình hình biển Đông là một trong những nội dung trọng tâm.
Nhà báo Võ Trung Dung cho biết: “Tôi ra trang báo này vì thứ nhất, nhìn thấy nhu cầu của dư luận, độc giả, khán giả nói tiếng Pháp rất thiếu thông tin về châu Á Thái Bình Dương và vấn đề biển Đông. Thứ hai, họ thiếu thông tin về vấn đề ngoại giao- chiến lược ở đó. Ngày hôm nay, không một quốc gia nào có thể sống riêng một mình, các nước đếu sống chung, có những ảnh hưởng lẫn nhau với chiến lược của nước này, nước kia”.
“Riêng vấn đề biển Đông, sau phán quyết của Tòa PCA, thì dư luận ở Pháp và châu Âu quan tâm nhiều hơn. Vì phán quyết đó sẽ làm thay đổi cục diện, đưa ra những nền tảng cơ bản pháp lý để giải quyết căng thẳng ở biển Đông, dù cần nhiều thời gian lâu nữa thì vấn đề mới có thể được giải quyết.”
Lần đầu một nước châu Âu nêu ý tưởng EU tuần tra ở biển Đông
Trên Tạp chí Quốc phòng quốc gia (Le Revue Defense Nationale), chuyên gia lịch sử quân sự Pháp Pierre Journoud, Giáo sư môn Lịch sử đương đại thuộc trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, có bài phân tích “Philippines, Phán quyết của La Haye và thực tế chiến lược mới tại biển Đông”.
hoc gia phap ban ve bien dong truoc chuyen tham cua tong thong phap hinh 1
Chuyên gia lịch sử quân sự Pháp - Pierre Journoud. (Ảnh: Thùy Vân)
Trong bài viết, tác giả Pierre Journoud nhắc lại những điểm chính của phán quyết của Tòa PCA; đồng thời đặt câu hỏi về chính sách của châu Âu và nước Pháp – quốc gia thành viên EU duy nhất trong Hội đồng Bảo An LHQ sau Brexit- trong vấn đề biển Đông trong bối cảnh mới sau phán quyết này. Bài viết cũng đề cập đến đề xuất mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian, theo đó, ông Drian cho rằng Liên minh châu Âu cần thực hiện việc tuần tra ở biển Đông để đảm bảo một sự hiện diện rõ ràng và thường xuyên tại đây.
Chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud phân tích: “Tôi nghĩ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian về việc  tuần tra hải quân ở biển Đông là một ý tưởng mới,  nhận được sự đồng tình từ một vài cường quốc quân sự ở châu Âu như nước Anh nhưng không phải là sự đồng thuận của toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu”.
“Tuy nhiên, một số thành viên EU cho rằng việc tuần tra chung sẽ quân sự hóa hơn nữa một xung đột vốn đã bị quân sự hóa rất nhiều, đặc biệt trên các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa hay cả ở Hoàng Sa”.
“Nhiều ý kiến cho rằng nước Pháp và EU cần phát huy sức mạnh chính trong việc đưa ra những giải pháp ngoại giao táo bạo, đột phá và có tính đồng thuận cao. Châu Âu và nước Pháp có nhiều kinh nghiệm từ chính lịch sử tranh chấp ở châu Âu để có thể đưa ra các giải pháp đáng được lắng nghe về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển. Trong quá khứ, các nước châu Âu có rất nhiều tranh chấp trên biển, từ biển Bắc, biển Đại Tây Dương lẫn Địa Trung Hải và tất cả đều đã được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế.”
Cũng về ý tưởng mới của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tướng không quân Pháp Jean Vincent Brisset, chuyên gia cấp cao tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, nhận định ý tưởng này thể hiện sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của Pháp đối với căng thẳng trên biển Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn trong nước, đặc biệt trước đe dọa về an ninh nặng nề như hiện nay, e rằng Pháp và châu Âu sẽ khó biến ý tưởng này thành hiện thực.
Ông Jean Vincent Brisset nói: “Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp có ý nghĩa biểu tượng lớn về ngoại giao ; nhưng sẽ khó triển khai trên thực tế. Phải hiểu rằng tuần tra biển Đông nghĩa là phải duy trì một sự hiện diện gần như thường xuyên tại đó, mà nước Pháp thì rõ ràng không có đủ phương tiện để làm điều đó. Vì thế, nói là tuần tra biển Đông ở đây nghĩa là đầu tiên, nước Pháp, lúc này hay lúc khác, sẽ cho một con tàu đi qua khu vực biển này, chứ khả năng duy trì liên tục và lâu dài là khá khó khăn”.
Các cuộc tranh luận về chủ đề biển Đông tại Pháp càng sôi nổi trong bối cảnh giới phân tích tại Pháp đưa ra đánh giá tổng thể về hình ảnh, vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế, khi tại Paris vừa diễn ra Hội nghị ngoại giao thường niên và bắt đầu các cuộc vận động tranh cử chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới./.
Thùy Vân/VOV-Paris

Bài liên quan

“Chính phủ kiến tạo là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân“

Thứ 7, 06:32, 03/09/2016

VOV.VN - GS.TS Vũ Minh Giang: Chính phủ kiến tạo là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân rồi tọa hưởng, tham nhũng, đục khoét.
Mừng Quốc khánh là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám, về mô hình nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong bối cảnh đó, những phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì dân phục vụ đã được dư luận đánh giá cao.
Phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về vấn đề này.
"chinh phu kien tao la phai hanh dong chu khong the ngoi tren dan" hinh 0
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang
PV: Thưa Giáo sư! Ông cảm nhận thế nào về những phát biểu về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây?
GS-TS Vũ Minh Giang: Thời gian gần đây, nhân dân rất hồ hởi trước những động thái của Chính phủ nhiệm kì mới, đặc biệt với những phát ngôn của Thủ tướng. Thứ nhất, người đứng đầu Chính phủ đã nhận thức được rằng hoạt động của Chính phủ và của toàn bộ các cơ quan công quyền là do dân nuôi, sống bằng tiền thuế của dân. Như vậy rõ ràng Chính phủ phải là công bộc của dân. Điều đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lâu rồi nhưng khi Thủ tướng tuyên bố như vậy, dân thấy mừng. Mừng vì hiện thực đó đã được "nói" ra.
Tuy nhiên, điều đó có thể nói là không mới. Nhưng Thủ tướng nói trong một không khí mới, tinh thần mới nên nhân dân cảm nhận thấy có sự đổi mới trong nhận thức của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu Chính phủ.
PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về những khái niệm này? 
GS-TS Vũ Minh Giang: Tính chất kiến tạo của Chính phủ là bản chất của một nền dân chủ. Trước đây có thể chúng ta nghĩ nhiều đến việc tìm cách quản lý dân, nên mọi quyền lực chưa thuộc về nhân dân mà thuộc về người quản lý. Cho phép làm cái này, người dân phải xin phép làm cái kia, chứ chưa phải quản lý theo kiểu là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trên cơ sở hiến pháp và pháp luật mà mọi người đã đồng thuận.
Chính phủ kiến tạo là phải tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Đấy là một tinh thần rất mới. Và thêm nữa là nói nhiều đến một Chính phủ liêm khiết, tận tâm. Đấy chính là tinh thần đã được dựng đặt từ khi chúng ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào “mọi người đều có quyền bình đẳng, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”. 
Trong bối cảnh hiện nay những tuyên bố đó là rất quan trọng, người dân cảm nhận có một khí thế mới, tinh thần mới. Đơn cử như chuyện quán cà phê Xin Chào, có người bảo “việc bé bằng cái móng tay" sao Thủ tướng cũng phải chỉ đạo giải quyết thì Thủ tướng chỉ hỏi lại một câu: "Nếu đó là việc nhà anh thì có nhỏ không?" Câu hỏi ấy đủ trả lời là lớn hay nhỏ. Hay nói cách khác, cứ cho là việc nhỏ đi, Chính phủ không làm được việc nhỏ thì sao làm được việc lớn.
Thủ tướng không giải quyết được tất cả những việc liên quan đến từng gia đình, ở phường, ở xóm, nhưng với những việc có tính chất điển hình thì giải quyết triệt để một việc là làm mẫu cho chính quyền. Cách làm đó cho xã hội thấy rằng, những việc dù nhỏ nhưng là của dân, chính quyền vẫn phải làm cho đến cùng. Thế rồi đến một việc lớn gây rúng động cả xã hội, cả thế giới như vụ xả thải của Formosa, thì việc chỉ đạo giải quyết vừa rồi đã tạo niềm tin cho nhân dân, chứng tỏ với dân Chính phủ không buông trôi việc đó mà làm đến nơi đến chốn.
PV: Nói tóm lại là Chính phủ phải hành động thực sự, nói ít làm nhiều, thưa ông?
GS-TS Vũ Minh Giang: Chính xác! Kiến tạo là hành động tạo ra những cơ hội, bớt đi những cản trở cho sự phát triển. Chính phủ là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân rồi tọa hưởng, tham nhũng, đục khoét. Vừa không tạo những cơ hội mới, mà lại tạo ra rất nhiều những cản trở cho sự phát triển. Nhũng nhiễu là cản trở phát triển, nó là phản kiến tạo; đục khoét, vơ vét, tham nhũng rõ ràng là làm suy kiệt nguồn lực quốc gia, mà quan trọng nhất là làm phương hại đến lòng tin của dân, thì Chính phủ cũng suy yếu đi từng ngày. Ở đây, là phải hành động đúng, hành động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, thì sự kiến tạo đó, hành động đó mới hợp lòng dân.
"chinh phu kien tao la phai hanh dong chu khong the ngoi tren dan" hinh 1
Cụm từ "kiến tạo" được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến nhiều trong các phát biểu gần đây
PV: Ngoài quyết tâm của Thủ tướng, bộ máy công quyền phải như thế nào để hoàn thành sứ mệnh kiến tạo của Chính phủ, thưa ông?
GS-TS Vũ Minh Giang: Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào tất cả các bộ phận cũng tự giác chuyển động theo. Do đó phải thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy để buộc mọi người trong bộ máy công quyền chuyển động theo.
Thứ hai là phải có cơ chế để dân giám sát hoạt động của Chính phủ. Tiếng nói của dân trong việc phản biện, trong việc phản ánh phải được coi trọng. Và phải có những chế tài cụ thể để việc giám sát của dân có hiệu lực.
PV: Thưa Giáo sư, có phải đó cũng là cách để góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân cho dân, và vì dân?
GS-TS Vũ Minh Giang: Đúng là như vậy. Có thể nói thêm một điều là trong thời đại công nghệ thông tin, làm sao đó thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ và minh bạch hóa những thông tin có thể công khai được là một trong những biện pháp làm cho Chính phủ hoạt động hữu hiệu hơn. Trừ những thông tin thuộc về bí mật quốc gia. Nhưng có lẽ một quốc gia cũng không thể có nhiều bí mật, nhất là những thứ mà dân đều trông thấy.
Thứ hai là hãy tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn báo chí được hoạt động trong một điều kiện tự do hơn, tất nhiên là theo luật pháp. Đấy chính là nơi chuyển tải nhanh nhất, kịp thời nhất đến cho lãnh đạo những ý nguyện của dân, những vấn đề phát hiện được, qua đó Chính phủ xử lý các vấn đề kịp thời. Đấy cũng là một giải pháp khi nói tới Chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, chính phủ minh bạch, chính phủ liêm khiết.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư./.
Vân Thiêng/VOV - Trung tâm Tin

Bài liên quan