Thứ 7, 06:32, 03/09/2016
VOV.VN - GS.TS Vũ Minh Giang: Chính phủ kiến tạo là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân rồi tọa hưởng, tham nhũng, đục khoét.
Mừng Quốc khánh là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám, về mô hình nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong bối cảnh đó, những phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì dân phục vụ đã được dư luận đánh giá cao.
Phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về vấn đề này.
GS-TS Vũ Minh Giang: Thời gian gần đây, nhân dân rất hồ hởi trước những động thái của Chính phủ nhiệm kì mới, đặc biệt với những phát ngôn của Thủ tướng. Thứ nhất, người đứng đầu Chính phủ đã nhận thức được rằng hoạt động của Chính phủ và của toàn bộ các cơ quan công quyền là do dân nuôi, sống bằng tiền thuế của dân. Như vậy rõ ràng Chính phủ phải là công bộc của dân. Điều đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lâu rồi nhưng khi Thủ tướng tuyên bố như vậy, dân thấy mừng. Mừng vì hiện thực đó đã được "nói" ra.
Tuy nhiên, điều đó có thể nói là không mới. Nhưng Thủ tướng nói trong một không khí mới, tinh thần mới nên nhân dân cảm nhận thấy có sự đổi mới trong nhận thức của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu Chính phủ.
PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về những khái niệm này?
GS-TS Vũ Minh Giang: Tính chất kiến tạo của Chính phủ là bản chất của một nền dân chủ. Trước đây có thể chúng ta nghĩ nhiều đến việc tìm cách quản lý dân, nên mọi quyền lực chưa thuộc về nhân dân mà thuộc về người quản lý. Cho phép làm cái này, người dân phải xin phép làm cái kia, chứ chưa phải quản lý theo kiểu là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trên cơ sở hiến pháp và pháp luật mà mọi người đã đồng thuận.
Chính phủ kiến tạo là phải tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Đấy là một tinh thần rất mới. Và thêm nữa là nói nhiều đến một Chính phủ liêm khiết, tận tâm. Đấy chính là tinh thần đã được dựng đặt từ khi chúng ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào “mọi người đều có quyền bình đẳng, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”.
Trong bối cảnh hiện nay những tuyên bố đó là rất quan trọng, người dân cảm nhận có một khí thế mới, tinh thần mới. Đơn cử như chuyện quán cà phê Xin Chào, có người bảo “việc bé bằng cái móng tay" sao Thủ tướng cũng phải chỉ đạo giải quyết thì Thủ tướng chỉ hỏi lại một câu: "Nếu đó là việc nhà anh thì có nhỏ không?" Câu hỏi ấy đủ trả lời là lớn hay nhỏ. Hay nói cách khác, cứ cho là việc nhỏ đi, Chính phủ không làm được việc nhỏ thì sao làm được việc lớn.
Thủ tướng không giải quyết được tất cả những việc liên quan đến từng gia đình, ở phường, ở xóm, nhưng với những việc có tính chất điển hình thì giải quyết triệt để một việc là làm mẫu cho chính quyền. Cách làm đó cho xã hội thấy rằng, những việc dù nhỏ nhưng là của dân, chính quyền vẫn phải làm cho đến cùng. Thế rồi đến một việc lớn gây rúng động cả xã hội, cả thế giới như vụ xả thải của Formosa, thì việc chỉ đạo giải quyết vừa rồi đã tạo niềm tin cho nhân dân, chứng tỏ với dân Chính phủ không buông trôi việc đó mà làm đến nơi đến chốn.
PV: Nói tóm lại là Chính phủ phải hành động thực sự, nói ít làm nhiều, thưa ông?
GS-TS Vũ Minh Giang: Chính xác! Kiến tạo là hành động tạo ra những cơ hội, bớt đi những cản trở cho sự phát triển. Chính phủ là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân rồi tọa hưởng, tham nhũng, đục khoét. Vừa không tạo những cơ hội mới, mà lại tạo ra rất nhiều những cản trở cho sự phát triển. Nhũng nhiễu là cản trở phát triển, nó là phản kiến tạo; đục khoét, vơ vét, tham nhũng rõ ràng là làm suy kiệt nguồn lực quốc gia, mà quan trọng nhất là làm phương hại đến lòng tin của dân, thì Chính phủ cũng suy yếu đi từng ngày. Ở đây, là phải hành động đúng, hành động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, thì sự kiến tạo đó, hành động đó mới hợp lòng dân.
GS-TS Vũ Minh Giang: Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào tất cả các bộ phận cũng tự giác chuyển động theo. Do đó phải thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy để buộc mọi người trong bộ máy công quyền chuyển động theo.
Thứ hai là phải có cơ chế để dân giám sát hoạt động của Chính phủ. Tiếng nói của dân trong việc phản biện, trong việc phản ánh phải được coi trọng. Và phải có những chế tài cụ thể để việc giám sát của dân có hiệu lực.
PV: Thưa Giáo sư, có phải đó cũng là cách để góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân cho dân, và vì dân?
GS-TS Vũ Minh Giang: Đúng là như vậy. Có thể nói thêm một điều là trong thời đại công nghệ thông tin, làm sao đó thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ và minh bạch hóa những thông tin có thể công khai được là một trong những biện pháp làm cho Chính phủ hoạt động hữu hiệu hơn. Trừ những thông tin thuộc về bí mật quốc gia. Nhưng có lẽ một quốc gia cũng không thể có nhiều bí mật, nhất là những thứ mà dân đều trông thấy.
Thứ hai là hãy tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn báo chí được hoạt động trong một điều kiện tự do hơn, tất nhiên là theo luật pháp. Đấy chính là nơi chuyển tải nhanh nhất, kịp thời nhất đến cho lãnh đạo những ý nguyện của dân, những vấn đề phát hiện được, qua đó Chính phủ xử lý các vấn đề kịp thời. Đấy cũng là một giải pháp khi nói tới Chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, chính phủ minh bạch, chính phủ liêm khiết.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét